Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2018/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 10 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THUỶ SẢN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2020;

Căn cứ công văn số 1438/BNN-TCTS , ngày 16/5/2012 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc hướng dẫn triển khai Quyết định số 188/QĐ – TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên tại Tờ trình số 1156/TTr-BDT ngày 20/8/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 – 2015, với các nội dung sau:

I. Mục tiêu chương trình:

1. Mục tiêu tổng quát:

Bảo vệ, bảo tồn đa dạng thuỷ sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế, bảo vệ cảnh quan môi trường và hệ sinh thái thủy sinh trên địa bàn toàn tỉnh trong đó trọng tâm các loại hình mặt nước thuộc lưu vực 2 dòng sông Công và sông Cầu, hồ chứa Núi Cốc và các hồ chứa lớn khác;

Phục hồi và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong các lưu vực sông và hồ chứa. Kết hợp giữa bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phù hợp với phát triển tổng thể kinh tế, bảo vệ môi trường tài nguyên thuỷ sinh vật và lợi ích của các ngành và địa phương trong tỉnh;

Nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản;

Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn lợi thuỷ sản;

Góp phần nâng cao tổng sản lượng cá nuôi và khai thác, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho những người dân sống xung quanh các hồ chứa lớn và hai bên lưu vực sông thông qua việc khai thác và nuôi trồng thuỷ sản.

2. Mục tiêu cụ thể:

Tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên các các thuỷ vực, nâng cao mật độ thuỷ sản tự nhiên ở các thuỷ vực, nâng cao mức sống cho người dân sống ven sông, hồ. Hàng năm thả 120 vạn cá giống xuống các thuỷ vực;

Điều tra, xác định được hiện trạng các bãi cá đẻ tự nhiên ở các hồ chứa lớn và các sông suối lớn, thời gian cá đẻ trong năm nhằm quản lý khai thác, quản lý bãi đẻ, nâng cao mật độ cá tự nhiên;

Xây dựng khu bảo tồn thủy sản trên hồ Núi Cốc, khu vành đai chân núi Tam Đảo. Ban hành quy chế quản lý, khai thác khu bảo tồn;

Xây dựng mô hình nuôi cá lồng ở sông Công và sông Cầu (100 lồng); nuôi cá 60 ha hồ chứa nhỏ;

Nâng cao ý thức về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho cộng đồng; xây dựng mạng lưới thông tin dữ liệu về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản từ các cơ quan nhà nước đến các cơ sở.     `

II. Nhiệm vụ của chương trình:

1. Phục hồi và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản

Kết hợp giữa điều chỉnh mức độ khai thác với sản xuất giống nhân tạo, thả bổ sung vào môi trường tự nhiên, cải thiện môi trường sống của các loài thuỷ sản nhằm khôi phục khả năng tái tạo quần đàn, tăng mật độ cá thể của các giống loài thuỷ sản đã bị khai thác cạn kiệt, lấy lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật trong các thuỷ vực, cụ thể là:

Điều chỉnh khai thác, quy định vùng cấm khai thác, khai thác có thời hạn đối với các loài thuỷ sản quý hiếm;

Thả bổ sung giống các loài thuỷ sản;

2. Điều tra hiện trạng xây dựng bản đồ các bãi cá đẻ tự nhiên

Điều tra đánh giá thực trạng các bãi cá đẻ tự nhiên trên các sông hồ lớn trong tỉnh, thời gian cá đẻ vùng tập trung các loài cá nhỏ, xác định các loài cá đang có nguy cơ bị cạn kiệt. Trên cơ sở đó xây dựng bản đồ các bãi cá đẻ tự nhiên và xây dựng quy chế khai thác hợp lý nhằm bảo vệ và nâng cao mật độ cá tự nhiên trên các thuỷ vực.

3. Xây dựng khu bảo tồn bảo vệ và bảo tồn đa dạng thuỷ sinh vật

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, xử lý triệt để nhằm chấm dứt các hành vi vi phạm pháp lệnh về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản như: dùng chất nổ, chất độc, xung điện khai thác thuỷ sản; sử dụng các loại ngư cụ có mắt lưới nhỏ hơn quy định; khai thác các loài thuỷ sản quí hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Xây dựng, quản lý khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên hồ Núi Cốc và khu vực vành đai chân núi Tam đảo;

4. Chuyển đổi sinh kế thay thế cho ngư dân

Xây dựng các mô hình nuôi: Nuôi cá lồng, nuôi cá trong hồ chứa nhỏ và nuôi đặc sản cho một số hộ làm nghề khai thác thủy sản quanh các lưu vực sông và hồ chứa lớn.

5. Tổ chức quản lý khai thác nguồn lợi thuỷ sản nhằm xây dựng mô hình cộng đồng thôn, xã tham gia quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác hợp lý, phù hợp với khả năng tái tạo của trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản.

Giảm thiểu các tác động bất lợi từ các hoạt động kinh tế, khắc phục tình trạng xuống cấp và từng bước cải thiện chất lượng môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật.

Tăng cường năng lực tổ chức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (con người, cơ sở vật chất kỹ thuật) nhằm kiểm soát tốt các hoạt động khai thác ở các vùng trọng điểm, các khu vực cấm, hạn chế khai thác các bãi đẻ, vùng tập trung các loài thuỷ sản giai đoạn nhỏ và tránh khai thác cá vào mùa sinh sản.

6. Xây dựng Chương trình truyền thông tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp huyện, xã và ngư dân về pháp luật trong lĩnh vực thuỷ sản, về lợi ích của việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đối với đời sống của cộng đồng dân cư.

Xây dựng chương trình truyền thông về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên các phương tiện thông tin đại chúng.

In tranh kỹ thuật và tờ rơi tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

III. Các dự án ưu tiên giai đoạn 2012 – 2020:

1. Dự án: Thả cá giống ra các thủy vực tự nhiên tái tạo nguồn lợi thuỷ sản

2. Dự án: Điều tra hiện trạng xây dựng bản đồ bãi cá đẻ tự nhiên.

3. Dự án: Xây dựng khu bảo tồn hồ Núi Cốc.

4. Dự án: Chuyển đổi sinh kế thay thế cho ngư dân..

5. Dự án: Xây dựng cộng đồng thôn, xã tham gia quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

6. Dự án: Chương trình truyền thông bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

IV. Các giải pháp

1. Giải pháp về quy hoạch

Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu và tiến hành quy hoạch các vùng cần bảo tồn, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản cụ thể cho từng địa bàn để triển khai đến các huyện, thị ven sông và ven hồ chứa.

2. Giải pháp về khoa học công nghệ

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất giống thuỷ sản có chất lượng cao nhằm phát triển nuôi trồng thuỷ sản và thả bổ sung giống vào các thuỷ vực.

Tăng cường công tác khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ sản xuất giống và nuôi thủy sản đảm bảo nghề nuôi thủy sản của Thái nguyên phát triển bền vững. Kết hợp với một số tổ chức hội, trạm khuyến nông ở các huyện, thị trong tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học vào nuôi một số đối tượng thủy đặc sản tại địa phương.

Nghiên cứu đặc điểm sinh học của các loài thuỷ sản bản địa quý hiếm và lai tạo giống mới.

3. Giải pháp về quản lý và huy động sự tham gia của nhân dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản:

Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước cho ngành thuỷ sản ở các địa phương trong tỉnh. Phối hợp với UBND các huyện, thị quản lý nguồn lợi, bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sinh và nghề khai thác thủy sản hợp lý theo quy định của Nhà nước.

Huy động các tổ chức: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tham gia các hoạt động tuyên truyền bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

4. Giải pháp về đào tạo nhân lực - Giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản:

Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp huyện, xã và ngư dân về pháp luật trong lĩnh vực thuỷ sản, lợi ích của việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong cộng đồng ngư dân cũng như toàn xã hội.

Xây dựng mạng lưới cộng tác viên Khuyến ngư, tuyên truyền viên ở tất cả các xã trong tỉnh.

Xây dựng chương trình truyền thông về công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh, đài truyền hình; in Panô, tờ rơi về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

5. Giải pháp về chính sách

Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi và được hưởng lợi từ kết quả đầu tư theo quy định.

Hỗ trợ 10% vốn cho các hộ chuyển đổi từ nghề khai thác thủy sản sang các nghề khác; sản xuất giống thuỷ sản có giá trị kinh tế để thả vào các thuỷ vực hỗ trợ 50% kinh phí lượng giống thả.

Giảm lãi vay cho các hộ vay vốn chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang nghề mới.

6. Các giải pháp về tổ chức thực hiện

Tổ chức bộ máy hoạt động tham mưu từ cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) đến cấp huyện (phòng Nông nghiệp), đến cấp xã (mạng lưới khuyến nông).

Xây dựng quy chế phối hợp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành hữu quan, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản. Tăng cường phân cấp quản lý, huy động sự tham gia của mọi tổ chức, mọi thành phần và toàn thể nhân dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản.

7. Giải pháp về vốn

Hỗ trợ của Trung ương cho các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Hỗ trợ tài chính cho các đề tài, dự án thuộc Chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình:

Tổng số kinh phí: 11.707 triệu đồng (Có phụ lục kèm theo),

Trong đó: Ngân sách Trung ương: 8.207 triệu đồng.

Ngân sách địa phương: 3.000 triệu đồng.

Nguồn huy động khác: 500 triệu đồng.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan Thường trực, chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành và các địa phương thực hiện việc triển khai Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2015 đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Phó Chánh VPUBND tỉnh;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, KTN, TH, KTTH.
Namnt/QĐT8/27b.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Viết Thuần