Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2018/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 11 tháng 10 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH, SẮP XẾP MẠNG LƯỚI TRƯỜNG MẦM NON, PHỔ THÔNG GẮN VỚI XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2023-2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Chương trình hành động số 07-CTr/TU, ngày 26/7/2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 02/01/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Kết luận số 1996-KL/TU, ngày 04/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường mầm non, phổ thông gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023-2030;

Theo đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 2693/TTr-SGDĐT, ngày 12/9/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường mầm non, phổ thông gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023-2030.

(Kèm Đề án số 2631/ĐA-SGDĐT, ngày 09/9/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo).

Điều 2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án đã được phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- Như Điều 3;
- UBMTTQ tỉnh;
- CT, các PCT.UBT;
- CVP.UBT, PVP.UBT;
- Phòng VHXH, KTNV;
- Lưu: VT, 3.26.5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Quyên Thanh

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH, SẮP XẾP MẠNG LƯỚI TRƯỜNG MẦM NON, PHỔ THÔNG GẮN VỚI XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2023-2030

PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục mầm non (MN), phổ thông (PT) được xác định là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành Giáo dục nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của học sinh, là cơ sở để chuẩn hóa trường, lớp học; là căn cứ để bố trí, sắp xếp, nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), nhân viên (NV) và đảm bảo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh (HS) đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, toàn ngành Giáo dục Vĩnh Long đang tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025; kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội (KTXH) 5 năm giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức quản lý nhà trường; công tác chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQL, NV; công tác xây dựng cơ sở vật chất (CSVC), đầu tư thiết bị dạy học (TBDH). Việc nâng cao chất lượng giáo dục đòi hỏi công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp cần được tiếp tục triển khai thực hiện một cách khoa học, hợp lý gắn với công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) hướng đến mục tiêu tạo môi trường giáo dục an toàn, văn hóa, văn minh, hiện đại, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện giáo dục trong giai đoạn mới.

Xuất phát từ thực trạng hiện nay của mạng lưới trường lớp, quy mô trường, lớp của các cơ sở giáo dục (CSGD) từ MN đến PT. Mặc dù điều kiện CSVC, trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập cho HS từ thành thị đến nông thôn, nhưng để đáp ứng với sự phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cũng như sự phát triển KTXH của tỉnh nhà trong giai đoạn mới thì chưa đáp ứng cho yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, việc xây dựng Đề án “Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường MN, PT gắn với xây dựng trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023-2030” là rất cần thiết.

Nhiệm vụ của Đề án là đánh giá đúng thực trạng về mạng lưới, quy mô trường, lớp, CSVC, đội ngũ CBQL, GV, NV để từ đó xác định đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu phát triển và nhu cầu học tập của HS, đầu tư CSVC, TBDH theo hướng CQG, phát triển đội ngũ và nâng cao chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH của tỉnh cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Vĩnh Long để xây dựng Đề án “Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường MN, PT gắn với xây dựng trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023-2030”. (Đính kèm phụ lục các văn bản).

III. MỤC ĐÍCH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Việc sắp xếp mạng lưới trường MN, PT phải phù hợp với quy mô phát triển dân số, phù hợp với địa bàn dân cư và sự phát triển KTXH của tỉnh nhằm từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy mô dàn trải, nhiều điểm trường lẻ, bình quân HS trên lớp còn thấp so với số lượng tối đa mà Điều lệ trường học ở các cấp học quy định.

Việc đảm bảo điều kiện CSVC theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định tiêu chuẩn CSVC các trường MN, TH, THCS, THPT và trường PT có nhiều cấp học và Thông tư số 14/2020/TT- BGDĐT, ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định phòng học bộ môn của CSGD PT nhằm tạo cơ sở để chính quyền địa phương các cấp, các CSGD sắp xếp, bố trí CSVC hiện có, nâng cao hiệu quả sử dụng; đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư đảm bảo đáp ứng yêu cầu tối thiểu, từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa đối với CSVC và TBDH, tạo điều kiện thuận lợi để các CSGD tại địa phương thực hiện tốt nhất Chương trình GDPT mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tăng cường đầu tư CSVC trường học cần gắn với định hướng đầu tư xây dựng trường CQG theo yêu cầu đặt ra của sự phát triển GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại với trọng tâm là hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học theo hướng giảm điểm lẻ, sáp nhập các trường quy mô nhỏ và mở rộng quy mô nhà trường để đầu tư đồng bộ CSVC, trang bị TBDH đồng bộ đáp ứng việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới chương trình; bố trí, sắp xếp đội ngũ phù hợp với việc sắp xếp trường, lớp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Trên cơ sở Đề án, các địa phương lập kế hoạch đầu tư, bố trí nguồn lực theo giai đoạn, hàng năm để thực hiện theo lộ trình sáp nhập, lộ trình đầu tư CSVC, xây dựng CQG và quy mô đầu tư đã được xác định theo Đề án nhằm nhất quán, đồng bộ với định hướng lâu dài.

Đề án còn quy hoạch xây dựng mới các CSGD MN, PT qua đó mời gọi đầu tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư và phát triển GD&ĐT của tỉnh.

PHẦN THỨ NHẤT

THỰC TRẠNG QUY MÔ TRƯỜNG, LỚP, CƠ SỞ VẬT CHẤT, ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO, CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC VÀ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC CÁC CẤP HỌC

A. TÌNH HÌNH CHUNG

Thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 02/01/2018 của Tỉnh ủy Vĩnh Long thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở GD&ĐT đã xây dựng Đề án số 268/ĐA-SGDĐT ngày 04/3/2019 về “Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ các trường MN, PT công lập tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1132/QĐ-UBND ngày 16/5/2019. Mục tiêu của Đề án về sắp xếp mạng lưới trường, lớp đến năm 2025 là “Mỗi xã có không quá 02 trường tiểu học (TH) trên cùng một xã với mô hình một trường nhiều điểm học; Rà soát, sắp xếp lại quy mô lớp học hợp lý, giảm các lớp có số lượng HS dưới 70% số lượng tối đa theo quy định”.

Bám sát các chỉ tiêu đề ra của Đề án, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, bố trí lại số HS trên lớp để giảm đầu mối từ bên trong từng đơn vị, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Kết quả:

Về số lượng trường: Tháng 09/2020, toàn tỉnh có 412 trường MN, PT (MN: 118, TH: 173, trung học cơ sở (THCS): 87, THPT (trung học phổ thông): 24, THCS&THPT: 10). Đến tháng 07/2024 toàn tỉnh có 372 trường MN, PT (MN: 115, TH: 140, THCS: 83, THPT: 24, THCS&THPT: 10), giảm 40 trường so với năm 2020.

Về trường đạt CQG: Tháng 09/2020, trường MN, PT toàn tỉnh đạt CQG tỉ lệ 57,77%. Đến tháng 07/2024, trường MN, PT toàn tỉnh đạt CQG tỉ lệ 66,58%, tăng 8,81% so với năm 2020.

Từ kết quả sắp xếp mạng lưới các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện, đối chiếu với mục tiêu của Đề án thì hiện nay ngành Giáo dục đã thực hiện tốt việc sắp xếp tinh gọn các điểm trường MN, PT công lập theo hướng đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị, đạt mục tiêu của Đề án đã đề ra.

Hiện nay, toàn tỉnh có 14.773 CBQL, GV, NV (kể cả hợp đồng và trường tư thục). Số lượng CBQL, GV đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 là 12.093/12.471, tỷ lệ 96,97% và đạt trên chuẩn là 3.125/12.471, tỷ lệ 25,78%. Đội ngũ CBQL, GV, NV của ngành tiếp tục ổn định về số lượng, chất lượng đội ngũ từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học trong tình hình mới. Việc sắp xếp đội ngũ theo vị trí việc làm và chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ tiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ ở các cấp học; việc tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ được đảm bảo kịp thời.

Chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được ổn định và nâng lên hàng năm. Thực hiện công tác huy động HS PT đến trường học tập đạt tỷ lệ cao: Huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ HS TH đi học chung đạt 100%; HS TH đi học đúng độ tuổi đạt 95,55%; tỷ lệ HS THCS đi học chung đạt 98,46%; HS THCS đi học đúng độ tuổi đạt 96,69%; tỷ lệ HS THPT đi học chung đạt 86,59%; HS THPT đi học đúng độ tuổi đạt 97,58%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,99%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm đạt từ 99% trở lên.

Tuy nhiên, công tác sắp xếp mạng lưới các CSGD MN, PT vẫn chưa thực hiện triệt để, chưa định hướng được quy hoạch mang tính lâu dài. CSVC, TBDH vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học. Một số điểm trường, CSVC xuống cấp. Nhiều trường chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhất là ở cấp học MN. TBDH, sân chơi, bãi tập ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu khi thực hiện Chương trình GDPT mới. Hiện nay, còn 55 trường MN, PT đã hết thời hạn công nhận trường đạt CQG, tỷ lệ 10,80% (07 trường MN, 37 trường TH, 8 trường THCS, 3 trường THPT).

B. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

I. Quy mô, mạng lưới trường, lớp

1. Cấp mầm non

Mạng lưới trường, lớp MN, MG đều khắp 107 xã, phường, thị trấn, đáp ứng nhu cầu gởi trẻ của người dân. Hiện có 115 trường MN công lập và 13 trường MN tư thục. Phân loại theo loại trường thì có 108 trường loại 1 và 20 trường loại 2. Tổng số điểm trường (bao gồm điểm chính và điểm phụ) là 307 điểm/128 trường, các điểm trường đang được nâng cấp, xây mới đảm bảo khang trang.

Tổng số nhóm, lớp 1.409 với 37.607 trẻ. Trong đó, Nhà trẻ có 168 nhóm, 3.804/16.475 trẻ, tỷ lệ huy động 23,08%; MG có 1.241 lớp, 33.803/36.142 trẻ, tỷ lệ huy động 93,52%. Lớp 5 tuổi có 518 lớp với 13.131/13.131 trẻ, tỉ lệ 100%. Tổng số nhóm, lớp bán trú, 2 buổi/ngày: 1.409/1.409, tỷ lệ 100%. Tổng số trẻ bán trú và 2 buổi/ngày: 37.607/37.607, tỷ lệ 100%.

2. Cấp tiểu học

Mạng lưới trường TH phân bổ khắp các xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, mỗi xã có từ 1-2 trường TH. Đến nay, toàn ngành có 140 trường TH công lập với 140 điểm chính và 140 điểm trường lẻ. Trong đó có 21 trường hạng 1; 54 trường hạng 2 và 65 trường hạng 3 (có 05 trường dưới 10 lớp)[1]. Tổng số lớp là 2.571 với 76.905 HS. Tỉ lệ huy động HS trong độ tuổi ra lớp đạt trên 99,9% hàng năm.

3. Cấp THCS

Mạng lưới trường, lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, vị trí phân bố của các trường thuận tiện cho việc đi học của HS. Toàn tỉnh, hiện có 83 trường công lập/107 xã, phường, thị trấn, ngoài ra, còn có 10 trường THCS&THPT. Trong đó, có 13 trường hạng 1, 20 trường hạng 2, 50 trường hạng 3. 100% trường THCS không có điểm lẻ. Tổng số lớp THCS là 1.499 với 54.334 HS. Tỉ lệ huy động HS trong độ tuổi ra lớp đạt 98% hàng năm. Bình quân sĩ số HS trên lớp ít so với định mức quy định (không quá 45 HS trên lớp).

4. Cấp THPT

Toàn tỉnh có 34 trường công lập, gồm 24 trường THPT, 10 trường THCS&THPT. Trong đó có 25 trường hạng 1, 08 trường hạng 2, 01 trường hạng 3 (có 01 trường PT Dân tộc nội trú). Có 32/34 trường không có điểm lẻ, 02 trường THCS&THPT có 2 điểm là Trường THCS&THPT Phú Quới và Trường THCS&THPT Đông Thành. Các trường được bố trí ở trung tâm các huyện, xã thuận tiện giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho HS đi học. Tổng số lớp THPT là 1.060 lớp với 41.609 HS, bình quân 39.25 HS/lớp. Tỉ lệ HS vào lớp 10 hàng năm đạt tỷ lệ do UBND tỉnh quy định.

II. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và trường chuẩn quốc gia

1. Cấp mầm non

Tổng số phòng học là 1.361 (kiên cố 1.264, bán kiên cố 88). Hiện còn 9 phòng học tạm, nhờ, mượn, 14 trường chưa có văn phòng làm việc. Có 1.332/1.361 phòng học có khu vệ sinh cho trẻ, tỉ lệ 97,86%. Tuy nhiên, phòng học thừa thiếu cục bộ do một số trường điểm phụ thừa phòng học nhưng điểm chính thiếu phòng học phải tạm, mượn phòng chức năng để dạy, do thiếu GV, do không có nhu cầu đưa trẻ ra lớp.

Đồ dùng đồ chơi (ĐDĐC) trong nhóm, lớp được quan tâm mua sắm, trang cấp nên cơ bản đáp ứng yêu cầu chung về TBDH. Hiện có 854/1.361, tỉ lệ 62,74% phòng học dành cho nhóm, lớp đủ từ 90% ĐDĐC trở lên theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT; có 495/1.361, tỉ lệ 36,37% phòng học từ 80% ĐDĐC trở xuống và 12/1.361, tỉ lệ 0,88% phòng học có từ 50% ĐDĐC trở xuống. Hiện ĐDĐC trong nhóm, lớp đáp ứng khoảng 80% nhu cầu hoạt động của trẻ trong các nhóm trẻ, lớp MG. Đối với phòng học dành cho lớp 5 tuổi đảm bảo đủ mỗi lớp 1 phòng (540 lớp/540 phòng) và hầu hết phòng dành cho lớp 5 tuổi có đủ ĐDĐC theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT (536/540 phòng, tỉ lệ 99,25%).

Đa số phòng học có đủ danh mục nhưng thiếu số lượng theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT. Ngoài tài liệu, ĐDĐC, TBDH tối thiểu đã được quy định trong danh mục của Bộ GD&ĐT, các CSGD MN đã tăng cường làm ĐDĐC tự tạo từ nguyên vật liệu sẵn có phù hợp với văn hóa địa phương, gắn với cuộc sống của trẻ; tham mưu cấp trên bố trí kinh phí và huy động mọi nguồn lực để mua sắm bổ sung các ĐDĐC, TBDH hiện đại, sách, tài liệu phù hợp để thực hiện nội dung Chương trình Giáo dục mầm non (GDMN). Tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), trang bị các phần mềm quản lý tài chính, tài sản, phần mềm về chuyên môn… để thực hiện tốt ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy.

Tổng số có 269/280, tỉ lệ 96,07% điểm trường có sân chơi với tổng diện tích sân chơi 193.272 m2 (có 11 điểm trường chưa có sân chơi). Sân chơi có đồ chơi ngoài trời (ĐCNT) là 266/280, tỉ lệ 95%, trong đó sân chơi có từ 5 loại ĐCNT trở lên là 222/266, tỉ lệ 83,45%).

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và xây dựng trường MN đạt CQG được các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường quan tâm thực hiện gắn với xây dựng nông thôn mới. Hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài từng bước được nâng cao về số lượng và chất lượng, tác động tích cực đến công tác quản lý, tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục ở các trường MN. Toàn tỉnh có 83/128 trường MN được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD, tỉ lệ 64,84% (trong đó có 4 trường đạt Cấp độ 1; 74 trường đạt Cấp độ 2 và 5 trường đạt Cấp độ 3). Có 79/128 trường MN đạt CQG, tỉ lệ 61,71% (trong đó: 74 trường đạt Mức độ 1 và 5 trường đạt Mức độ 2).

2. Cấp tiểu học

Ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành tập trung tăng cường CSVC theo hướng kiên cố hóa gắn với việc xây dựng trường đạt CQG và xây dựng xã nông thôn mới. Có kế hoạch xây dựng thay thế dần các phòng học xuống cấp, xây dựng mới phòng học, thư viện, phòng bộ môn, phòng chức năng.

Đến nay, toàn tỉnh có 2.636 phòng học, tỉ lệ 1,01 phòng/lớp, cao hơn mặt bằng cả nước. Trong đó có 07 huyện đạt mỗi lớp một phòng, chỉ còn huyện Tam Bình đạt 0,99/phòng/lớp. Tổng số phòng bộ môn là 855 phòng; 591 phòng hỗ trợ học tập; khối phụ trợ có 126 phòng họp, 149 phòng Y tế, 85 phòng GV và 72 phòng nghỉ GV. 140/140 trường có nhà vệ sinh và công trình nước sạch đảm bảo đúng quy định, được khai thác, bảo quản đúng cách, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn. Thư viện được quan tâm, đầu tư xây dựng đạt chuẩn, thu hút người đọc, từng bước hình thành và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Thời điểm hiện tại có 101/140 thư viện đạt chuẩn theo quyết định của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ 72,14%.

Việc đầu tư trang thiết bị đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được quan tâm, cơ bản đáp ứng việc dạy và học, đã hoàn thành trang cấp TBDH từ lớp 1 đến 4. Các trường TH sử dụng và phát huy hiệu quả CSVC, thiết bị ĐDDH, tận dụng tối đa CSVC nhà trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo hướng kết hợp dạy học văn hóa với tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm giáo dục tình cảm, đạo đức, giáo dục thể chất, rèn luyện kĩ năng sống cho HS.

Công tác KĐCLGD và xây dựng trường TH đạt CQG được các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường quan tâm thực hiện gắn với xây dựng Nông thôn mới. Toàn tỉnh có 75/140 trường TH được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD, tỉ lệ 53,57% (trong đó: 55 trường đạt Cấp độ 2 và 10 trường đạt Cấp độ 3). Có 75/140 trường TH đạt CQG, tỉ lệ 53,57% (trong đó: 55 trường đạt Mức độ 1 và 20 trường đạt Mức độ 2).

3. Cấp THCS

Toàn cấp học có 19 trường có đủ số phòng học 01 buổi, các trường còn lại có số phòng học cơ bản đáp ứng việc dạy học chính khóa (dạy 02 buổi). Tuy nhiên, vẫn còn trường có số phòng học chưa đủ hoặc chỉ vừa tạm đủ đáp ứng nhu cầu về phân bố số lớp. Tổng số phòng học là 961. Tỉ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố đạt 100%. Số phòng học bộ môn 626. TBDH cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học.

Nhà vệ sinh và công trình nước sạch tại các trường học đảm bảo theo yêu cầu, được bảo quản khá tốt. Thư viện được xây dựng theo hướng đạt chuẩn. Thời điểm hiện tại có 75 thư viện đạt chuẩn, tỉ lệ 90,36% (01 thư viện Xuất sắc, 26 Tiên tiến và 49 Đạt chuẩn). Khu sân chơi, sân thể dục, thể thao và thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao được quan tâm và bố trí đáp ứng cơ bản cho giáo dục thể chất trong nhà trường PT.

Công tác KĐCLGD và xây dựng trường đạt CQG luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Sở GD&ĐT và các CSGD quan tâm. Số trường THCS đạt KĐCLGD là 51 trường, tỉ lệ 61,45% (trong đó: 48 trường đạt Cấp độ 2 và 3 trường đạt Cấp độ 3). Số trường đạt CQG là 51 trường, tỉ lệ 61,45%. (trong đó: 48 trường đạt Mức độ 1 và 3 trường đạt Mức độ 2).

4. Cấp THPT

Toàn cấp học có 14 trường có đủ số phòng học 01 buổi. Các trường còn lại có số phòng học cơ bản đáp ứng việc dạy học chính khóa (dạy 02 buổi). Tổng số phòng học 877, trong đó 100% là phòng học kiên cố. Tổng số phòng học bộ môn là 333 phòng có TBDH cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học. Hầu hết các trường đều có đủ các khối phòng hành chính quản trị, hỗ trợ học tập ... được trang bị khá đầy đủ thiết bị.

Nhà vệ sinh và công trình nước sạch tại các trường học nhìn chung được đảm bảo, 100% trường đều có nhà vệ sinh riêng cho GV, HS. Thư viện được xây dựng theo hướng đạt chuẩn. Thời điểm hiện tại, có 16 thư viện đạt chuẩn, tỉ lệ 47,06% (01 thư viện Xuất sắc, 05 Tiên tiến và 10 Đạt chuẩn). Khu sân chơi, sân thể dục, thể thao và thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao được quan tâm và bố trí đáp ứng cơ bản cho giáo dục thể chất trong nhà trường PT. Một số trường có nhà đa năng đã phát huy công dụng trong hỗ trợ công tác dạy học, rèn luyện, thi đấu thể dục thể thao và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường.

Công tác KĐCLGD và xây dựng trường đạt CQG luôn được quan tâm, tác động lớn đến việc cải thiện, nâng cao hiệu quả dạy học gắn với công tác xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Hiện tại, số trường đạt CQG là 17 trường, tỉ lệ 50.0% (trong đó có 15 trường đạt CQG mức độ 1, 02 trường đạt CQG mức độ 2); có 14 trường đạt KĐCLGD, tỉ lệ 41.2%. (trong đó có 05 trường đạt KĐCLGD mức độ 1, 07 trường đạt KĐCLGD mức độ 2, 02 trường đạt KĐCLGD mức độ 3).

III. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Đội ngũ CBQL, GV, NV các trường MN, PT hiện có 13.506 biên chế, trong đó bậc MN có 3.081 biên chế; TH có 4.536 biên chế; THCS có 3.689 biên chế; THPT có 2.200 biên chế.

1. Cấp mầm non

Cấp MN hiện có 3.081 biên chế, bao gồm 318 CBQL, 2.550 GV và 213 NV. Có 318/318 CBQL đạt trình độ trên chuẩn, tỉ lệ 100%. Có 2.500/2.550 GV đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo, tỉ lệ 98,04% (trong đó có 2.254/2.550 đạt trình độ trên chuẩn, tỉ lệ 88,39%, cao nhất so với các cấp học). Có 213/213 NV đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo, tỉ lệ 100%. CBQL, GV, NV có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ.

2. Cấp tiểu học

Cấp TH có 4.536 biên chế, bao gồm 309 CBQL, 3.791 GV và 436 NV. Có 309/309 CBQL đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo, tỉ lệ 100% (trong đó có 24 CBQL đạt trình độ trên chuẩn, tỉ lệ 7,77%); có 309/309 CBQL có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, tỉ lệ 100% (trong đó có 01/309 CBQL có trình độ cao cấp lý luận chính trị, tỉ lệ 0,32%); có 3.605/3.791 GV đạt trình độ chuẩn trở lên, tỉ lệ 95,09% (trong đó có 39/3.791 GV đạt trình độ trên chuẩn, tỉ lệ: 1,03%, thấp nhất so với các cấp học theo Luật Giáo dục 2019); có 436/436 nhân viên đạt chuẩn trình độ chuyên môn trở lên, tỉ lệ 100%. CBQL, GV, NV có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ.

3. Cấp THCS

Cấp THCS có 3.689 biên chế, bao gồm 188 CBQL, 3.150 GV và 351 NV. Có 188/188 CBQL đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo, trong đó có 25/188 CBQL đạt trình độ đào tạo trên chuẩn, tỉ lệ 13,30%; có 188/188 CBQL có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, tỉ lệ 100% (trong đó có 03/188 CBQL có trình độ cao cấp lý luận chính trị, tỉ lệ 1,59%); có 3.008/3.150 GV đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo, tỉ lệ 95,49% (trong đó có 58/3.150 GV trên chuẩn về trình độ đào tạo, tỉ lệ 1,84%); có 351/351 NV đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo, tỉ lệ 100. CBQL, GV, NV có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ.

4. Cấp THPT

Cấp THPT có 2.200 biên chế, bao gồm 97 CBQL, 1.936 GV và 167 NV. Có 100% CBQL, GV, NV đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo, tỉ lệ 100% (trong đó có 57/97 CBQL có trình độ đào tạo trên chuẩn, tỉ lệ 58,76%; 100% CBQL có trình độ trung cấp lý luận trở lên; có 399/1.936 GV trên chuẩn về trình độ đào tạo, tỉ lệ 20,61%; có 120/167 NV có trình độ đào tạo trên chuẩn, tỉ lệ 71,85%). CBQL, GV, NV có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ.

Đội ngũ CBQL, GV, NV toàn ngành có tinh thần tự học, tự trang bị kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng đội ngũ được nâng lên từng năm đã thể hiện nhận thức, tâm huyết và lòng yêu nghề của đội ngũ. Công tác quản lý đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả. Song song đó, công tác bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) cho đội ngũ có bước chuyển biến tích cực, các hoạt động bồi dưỡng hàng năm được quan tâm thực hiện tốt. Đội ngũ nhân viên có trình độ đạt chuẩn trở lên 100% nên việc hỗ trợ công tác giảng dạy tại nhà trường ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ nét hơn về tính chuyên nghiệp trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa CBQL, GV, NV trong từng đơn vị.

IV. Chất lượng giáo dục

1. Cấp mầm non

Các CSGD MN thực hiện tốt các quy định về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo quy định tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP[2]; 100% CSGD MN xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích theo Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT và thực hiện Chuyên đề “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ trong các CSGD MN”.

Các CSGD MN phối hợp tốt với ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng phòng chống dịch bệnh cho trẻ. 100% trường tổ chức kiểm tra sức khỏe đầu năm cho trẻ và 100% trẻ được cân đo, theo dõi bằng biểu đồ tăng trưởng. Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) thể cân nặng, SDD thể thấp còi đều dưới 1%. Riêng tỉ lệ trẻ thừa cân 4,5%. Tăng cường công tác giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ, phòng chống dịch bệnh theo đúng các quy định của ngành Y tế.

Có 127/128 trường MN, MG tổ chức bán trú dưới nhiều hình thức, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ (01 trường chưa tổ chức do chưa đủ điều kiện bếp ăn và chuẩn bị sáp nhập). Thực hiện nghiêm túc các khoản thu, chi các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường theo quy định. Thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ theo quy định Chương trình GDMN phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn tại trường/lớp đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo đảm cân đối, hợp lý về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với cá nhân trẻ. Không có xảy ra ngộ độc thực phẩm trong CSGD MN.

Thực hiện tốt Chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” nhằm hỗ trợ thực hiện Chương trình GDMN hiện hành với phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”. Kết quả: tỉ lệ bé sạch đạt 100%, bé ngoan đạt từ 96% trở lên, bé chăm đạt từ 97% trở lên. Đánh giá sự phát triển của trẻ theo 05 lĩnh vực phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội đạt từ 90% trở lên. Thường xuyên sử dụng các phần mềm trong dạy trẻ, phong trào làm ĐDDH được thực hiện thường xuyên đảm bảo cho hoạt động của cô và trẻ. Triển khai cho trẻ làm quen với Tiếng Anh ở những nơi có điều kiện. Có 81/128 CSGD MN với 10.697/33.494, tỷ lệ 31,9% trẻ MG làm quen với Tiếng Anh.

2. Cấp tiểu học

Tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và tổ chức dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thực hiện tốt việc giao quyền chủ động cho các trường TH xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy trình, có sự đồng thuận cao, tạo điều kiện cho các trường linh hoạt áp dụng các thành tố tích cực trong tổ chức các hoạt động giáo dục nhà trường; các phương pháp dạy học được triển khai và vận dụng một cách linh hoạt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tỉ lệ HS được đánh giá phẩm chất và năng lực ở mức Tốt đảm bảo duy trì ổn định trong 4 năm qua với tỉ lệ đạt từ 80%. Tỉ lệ HS hoàn thành chương trình lớp học đối với khối 1 đạt 99,51%; khối 2 đạt 99,84%; khối 3 đạt 99,9%; khối 4 đạt 99,95% và khối 5 đạt 100%.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, kỹ năng sống, kỹ năng mềm, giáo dục thể chất được quan tâm thực hiện tốt. Môi trường văn hóa học đường được quan tâm xây dựng, góp phần hình thành môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh, dân chủ; kỷ cương, nền nếp trong mọi hoạt động giáo dục của nhà trường.

3. Cấp THCS

Chất lượng giáo dục hai mặt được quan tâm, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, đa dạng hóa hình thức dạy học. Việc giao quyền chủ động trong xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dạy học môn học (phân phối chương trình) cho các nhà trường đã phát huy hiệu quả trong công tác dạy học. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường dạy học theo chủ đề, dạy học trải nghiệm, thực hiện dự án nghiên cứu khoa học...

Tỉ lệ HS bỏ học được kéo giảm dưới 1%. Chất lượng giáo dục được duy trì ổn định. Có 99,56% HS THCS hoàn thành chương trình lớp học; 88,61% HS THCS có học lực đạt khá, giỏi; 100% HS lớp 9 tốt nghiệp THCS. Kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2, PCGD TH mức độ 3 và xóa mù chữ (XMC) mức độ 2.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lí, dạy và học, tạo chuyển biến lớn trong mọi mặt công tác của nhà trường. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, nhân cách, rèn luyện kĩ năng sống cho HS được quan tâm tổ chức bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú thu hút nhiều HS tham gia. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường, đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động lồng ghép: qua sinh hoạt dưới cờ, qua các cuộc thi, hội thi, hoạt động về nguồn, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa; giao lưu với những tấm gương điển hình... Hoạt động thư viện trường học ngày càng được củng cố, cảnh quan thư viện được “xanh hóa”, trở thành điểm thu hút với HS.

Công tác hướng nghiệp luôn được chú trọng với nhiều hình thức phù hợp (trực tiếp, trực tuyến qua truyền hình, mạng internet...). Công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS đã có những chuyển biến tích cực hơn, số HS đi học Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp ngày càng tăng hơn về số lượng và tỉ lệ, giảm được số HS đi vào thị trường lao động mà chưa qua đào tạo.

4. Cấp THPT

Việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình GDPT 2018 được quan tâm đúng mức, đảm bảo đúng tiến độ. Hoạt động chuyên môn luôn được chú trọng, tổ chức thực hiện với hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế, tác động tích cực đến việc học của HS và việc dạy của GV. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá tiếp tục được đẩy mạnh. Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý nhà trường và quản lý chuyên môn đã tạo được chuyển biến trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.

Công tác giáo dục mũi nhọn được đầu tư về nhiều mặt. Hầu hết các trường đều có HS tham gia các kì thi chọn HS giỏi các cấp, nhiều trường vùng sâu, vùng xa có HS đạt giải HS giỏi các cấp. Tỉ lệ HS xếp loại khá, giỏi/tốt về học lực và hạnh kiểm/rèn luyện ổn định, phản ánh quá trình thực hiện đổi mới công tác quản lí, nâng cao chất lượng giáo dục đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT luôn được giữ vững, nhiều năm liền tỉnh nằm trong top các tỉnh có điểm trung bình tốt nghiệp cao nhất nước, điểm trung bình nhiều môn nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, đảm bảo an toàn trường học được thực hiện tốt với nhiều sự quan tâm, phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục. Nhiều hoạt động văn, thể, mĩ được tổ chức, thu hút HS tham gia, góp phần tích cực vào việc giáo dục lí tưởng cách mạnh, đạo đức, nhân cách, rèn luyện kĩ năng sống cho HS. Hoạt động thể dục, thể thao học đường được chú ý phát triển nhiều hơn. Các trường đã tận dụng, khai thác tối đa công năng CSVC hiện có (sân chơi, bãi tập, nhà đa năng), tạo điều kiện cho HS có nơi học tập, rèn luyện thể chất, tập luyện thể dục thể thao qua đó phát hiện, bồi dưỡng nguồn vận động viên tham gia các giải thể thao khu vực, toàn quốc.

Công tác hướng nghiệp tiếp tục được chú trọng thông qua việc tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các trường cao đẳng, đại học, các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh tổ chức hướng nghiệp cho HS với nhiều hình thức phù hợp (trực tiếp, trực tuyến qua truyền hình, mạng internet, tham quan thực tế...).

C. KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

I. Quy mô, mạng lưới trường, lớp Đối với cấp MN: Còn 9 xã chỉ có trường MG, chưa huy động trẻ nhà trẻ ra lớp để chuyển đổi sang trường MN. Có 75 trường có từ 2 điểm trường phụ trở lên (trong đó có 20 trường có từ 3-4 điểm phụ, trong đó có 3 trường có từ 5 điểm phụ). Điều này ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà trường, chăm sóc và giáo dục trẻ. Còn 20 trường có quy mô nhỏ (dưới 9 nhóm lớp) thiếu phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng, ĐDĐC cho các nhóm, lớp, thiếu sân chơi và ĐCNT. Việc mở rộng quy mô trường gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất và kinh phí thực hiện. Một số huyện chưa có giải pháp cụ thể trong công tác huy động trẻ đến trường nên tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ[3], trẻ MG[4] chưa tăng; tỉ lệ trẻ học bán trú tại 02 đơn vị còn thấp so với mặt bằng của tỉnh[5] (do thiếu CSVC, các điều kiện đảm bảo VSATTP, thiếu GV).

Đối với cấp TH: Công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương trong tỉnh chưa gắn với quy hoạch xây dựng trường đạt CQG. Một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp. Đến nay, còn 05 trường có quy mô nhỏ và 09 trường[6] có số HS/lớp vượt quy định Điều lệ trường TH, đồng thời có một số điểm trường có HS/lớp dưới 15 em.

Đối với cấp THCS: Một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp nên còn một số trường có quy mô nhỏ[7]. Số HS ở các trường này quá ít, thấp hơn tỉ lệ HS bình quân của tỉnh[8] làm ảnh hưởng đến việc đầu tư CSVC, nâng cao chất lượng giáo dục.

II. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và trường chuẩn quốc gia

- Đối với cấp MN: Toàn tỉnh còn 88 phòng học bán kiên cố đã xuống cấp, còn 13 phòng học nhờ, mượn. Phòng học cho trẻ thừa, thiếu cục bộ do một số trường điểm phụ thừa phòng học nhưng điểm chính thiếu phòng học phải tạm, mượn phòng chức năng để dạy. Mặt khác, một số phòng học thiếu phải tạm sử dụng phòng học của trường TH giao lại nên không đạt tiêu chuẩn phòng học dành cho trẻ MN, hoặc sử dụng phòng chức năng, mượn của UBND xã để làm phòng học nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

ĐDĐC, thiết bị trong phòng học mặc dù có quan tâm mua sắm nhưng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ theo danh mục và chưa đáp ứng yêu cầu chung về TBDH của cấp học (ĐDĐC trong lớp chỉ đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ, bình quân khoảng 70%). Hiện có 821/1.361, tỉ lệ 60,3% phòng học dành cho nhóm, lớp đủ từ 90% ĐDĐC trở lên theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT; có 530/1.361, tỉ lệ 38,9% phòng học từ 80% đồ dùng trở xuống và 26/1.361, tỉ lệ 1,9% phòng học có từ 50% ĐDĐC trở xuống. Đa số phòng học có đủ danh mục nhưng thiếu số lượng theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT quy định. Mặc dù các trường đều tiến hành rà soát từng năm và làm thay thế, mua sắm bổ sung TBDH nhưng chưa đủ và hao mòn, hư hỏng trong quá trình sử dụng nên cần quan tâm trang cấp bổ sung đồng bộ đáp ứng nhu cầu hoạt động của trẻ phù hợp với độ tuổi.

ĐCNT còn rất hạn chế, nhất là ở các điểm lẻ. Có tổng số 269 sân chơi nhưng chỉ có 222 sân chơi có từ 05 loại thiết bị đồ chơi trở lên, thiết bị ĐCNT không đồng bộ (đa số thiếu loại đồ chơi theo danh mục ĐCNT theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT- BGDĐT. Hiện ĐCNT tại điểm chính đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ khoảng 75%; tại các điểm phụ chỉ đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ khoảng 55%.

Hiện nay, một số trường còn thiếu quỹ đất để mở rộng quy mô (nhất là điểm lẻ). CSVC, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu được quy định tại Thông tư số 13/2020/TT- BGDĐT của Bộ GDĐT, phần lớn thiếu khối phòng chức năng: thiếu 69 phòng giáo dục thể chất (GDTC), 50 phòng giáo dục nghệ thuật (GDNT), 98 phòng đa chức năng cho hoạt động làm quen tin học, 117 phòng học ngoại ngữ; 07 nhà bếp, 63 nhà ăn; 63 phòng họp/hội trường; 08 phòng y tế, 58 nhà kho; 77 sân vườn; 44 phòng hành chính quản trị, khu để xe cho CBQL, GV, NV trường. Sân chơi, khu vệ sinh, hệ thống cấp điện, cấp nước của nhiều trường còn thiếu và không đồng bộ, không đảm bảo ánh sáng và vệ sinh môi trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Đặc biệt các trường MN có tổ chức nấu ăn tập trung chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Khối phòng nhóm trẻ, lớp MG sử dụng phòng sinh hoạt chung làm phòng ngủ, nhưng diện tích cũng hạn chế, nhiều phòng không có khu vệ sinh, phòng kho để trang thiết bị, ĐDĐC.

Điều kiện để nâng cao chất lượng PCGDMNT5T và tiến tới phổ cập mẫu giáo 3-4 tuổi còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt về diện tích đất/trẻ, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị, phòng chức năng, phòng phục vụ học tập và thiếu GV dạy lớp dưới 5 tuổi.

Công tác duy trì các trường đạt CQG còn gặp nhiều khó khăn. Còn một số trường MN sau khi được công nhận trường đạt CQG, sau 05 năm không đủ điều kiện để công nhận lại và một số trường hiện quá hạn 05 năm do kinh phí đầu tư cho các trường tái đạt CQG còn hạn chế vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng, tỷ lệ trường đạt CQG (trừ các trường được đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia xã nông thôn mới).

- Đối với cấp TH: Hiện nay, so với yêu cầu công tác KĐCLGD và xây dựng trường CQG, toàn tỉnh thiếu 391 phòng thuộc khối phòng học; 146 phòng thuộc khối phòng hành chính - quản trị; 155 phòng thuộc khối phòng hỗ trợ học tập; khối phụ trợ (21 phòng họp, 22 phòng y tế, 46 phòng GV, 78 phòng nghỉ GV và 40 nhà kho); khối phục vụ sinh hoạt (25 nhà ăn, 27 nhà bếp, 28 kho bếp,…); 24 nhà đa năng; 24.735 m2 đất cần bổ sung làm sân chơi, sân tập và 88.006 m2 đất để đảm bảo bình quân diện tích đất/học sinh. Diện tích các phòng chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020.

CSVC, TBDH ở một số trường TH chưa đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Việc trang cấp TBDH tối thiểu theo Chương trình GDPT 2018 ở một số địa phương còn chậm. Một số TBDH được trang cấp từ năm 2001 đã quá cũ, hư hỏng, thị trường không có để mua sắm bổ sung, thay thế. TBDH ngoại ngữ và tin học còn thiếu, chưa đồng bộ.

Nhiều trường chưa có phòng máy vi tính ở điểm lẻ, một số máy tính được trang bị trước đây đã quá hạn sử dụng, hỏng hóc. Một số trường chưa khai thác, bảo quản tốt CSVC, TBDH; chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh, chưa xây dựng khuôn viên, cảnh quan nhà trường xanh - sạch - đẹp.

Việc duy trì và nâng cao chất lượng trường đạt CQG chưa đồng đều. Chất lượng giáo dục ở một số trường CQG chưa ngang tầm, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Công tác rà soát, quy hoạch, đảm bảo điều kiện để công nhận lại đối với các trường đến hạn (quá hạn) chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, toàn tỉnh có 37 trường đã quá hạn[9] nhưng không đảm bảo điều kiện đáp ứng để đề nghị công nhận lại.

- Đối với cấp THCS: Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 19 trường THCS còn thiếu phòng học, phòng chức năng, khối phòng hỗ trợ học tập. Một số trường không đủ phòng học bộ môn, hoặc sử dụng phòng học để thay thế. Một số trường có diện tích mặt bằng quá nhỏ không đủ diện tích cho HS vui chơi, luyện tập và tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp. CSVC nhìn chung đã được đầu tư, cải thiện, nhưng hiện tại phần lớn các trường vẫn còn thiếu phòng học để dạy học bán trú, dạy học 2 buổi/ngày (hiện tại chưa có trường dạy học 2 buổi/ngày). Bên cạnh đó là số phòng học đã quá cũ, đã hết niên hạn sử dụng, đa số đã xuống cấp. Phòng học bộ môn chưa đạt yêu cầu do hầu hết được cải tạo từ phòng học, nhiều trường chưa có phòng học bộ môn. Hiện toàn tỉnh còn thiếu 84 phòng học, 14 phòng Âm nhạc 17 phòng Mỹ thuật, 13 phòng Công nghệ, 24 phòng KHTN, 7 phòng tin học, 19 phòng học ngoại ngữ, 33 phòng đa chức năng, 34 phòng phòng học KHXH.

Khối phòng hành chính quản trị, khối phòng hỗ trợ học tập còn nhiều đơn vị là phòng ghép (01 phòng gồm nhiều bộ phận), một số đơn vị có phòng tư vấn học đường, hỗ trợ HS khuyết tật ở vị trí không thuận lợi nên hoạt động của các bộ phận bị ảnh hưởng, đôi khi gặp khó khăn và hiệu quả bị ảnh hưởng, chưa cao. Toàn tỉnh còn thiếu 05 phòng hiệu trưởng, 07 phòng phó hiệu trưởng, 07 văn phòng, 03 phòng bảo vệ, 16 phòng tổ chức Đảng, đoàn thể, 05 phòng thư viện, 10 phòng thiết bị giáo dục, 24 phòng tư vấn học đường và hỗ trợ HSKT, 12 phòng truyền thống, 17 phòng Đoàn, Đội.

Khối phòng phụ trợ nhìn chung còn thiếu chưa tạo điều kiện thuận cho hoạt động của nhà trường. Toàn ngành còn thiếu 15 phòng họp, 96 phòng các tổ chuyên môn, 14 phòng GV, 37 phòng nghỉ GV, 04 phòng y tế, 21 nhà kho, 05 nhà xe GV, 08 nhà xe HS, 07 khu vực vệ sinh GV và 14 khu vực vệ sinh HS.

TBDH chưa đảm bảo yêu cầu dạy học hoặc có nhưng đã cũ, hư hỏng. Một số trường học chưa khai thác hết hoặc không biết khai thác các tính năng của thiết bị nên không phát huy chức năng hỗ trợ cho công tác dạy học. Công tác trang bị TBDH tối thiểu theo Chương trình GDPT 2018 ở một số địa phương còn chậm.

Hệ thống nhà vệ sinh của một số trường học đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời. Khu sân chơi, thể dục thể thao chưa được trang bị hoặc trang bị chưa đều giữa các trường. Một số trường tuy có được trang bị nhưng vẫn chưa đủ diện tích, chưa đáp ứng được tính năng hỗ trợ cho việc học tập, vui chơi, rèn luyện của HS.

Việc duy trì và nâng cao chất lượng trường đạt CQG chưa đồng đều. Chất lượng giáo dục ở một số trường CQG chưa ngang tầm, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Công tác rà soát, quy hoạch, đảm bảo điều kiện để công nhận lại đối với các trường đến hạn (quá hạn) chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, toàn tỉnh có 15 trường đã đến hạn, quá hạn (Mang Thít: 01, Long Hồ: 04, Vũng Liêm: 05, Tam Bình: 01, Trà Ôn: 01, TXBM: 02, Bình Tân: 01) nhưng không đảm bảo điều kiện đáp ứng để đề nghị công nhận lại.

- Đối với cấp THPT: Nhiều trường còn thiếu phòng để phục vụ công tác bồi dưỡng HS giỏi, nâng kém; thiếu phòng học bộ môn (Vật lí, Hóa học, Sinh học). Vẫn còn thiếu phòng phó hiệu trưởng, văn phòng, đặc biệt là các phòng đoàn thể. Nhiều trường phải trưng dụng 01 phòng phục vụ cho nhiều chức năng (vừa là phòng làm việc của Ban Giám hiệu vừa là văn phòng, ghép Văn phòng với phòng đoàn thể…). Một số nhà vệ sinh, công trình nước sạch tại các trường học bị xuống cấp, hệ thống nước dội rửa còn yếu. TBDH tuy đã được đầu tư, mua sắm nhưng trên tổng thể vẫn còn thiếu hoặc đã hư, cũ. Việc mua sắm trang TBDH tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT 2018 còn chậm.

Chất lượng giáo dục ở một số trường CQG chưa ngang tầm, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. CSVC ở một số trường chưa đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định hoặc CQG, đặc biệt là khi thực hiện các thông tư mới liên quan đến công tác kiểm định và trường CQG.

III. ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO, CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC, NHÂN VIÊN

Đội ngũ CBQL, GV vẫn còn thừa thiếu cục bộ ở từng bộ môn, đơn vị, địa phương, chưa được giải quyết triệt để do công tác điều động viên chức gặp khó khăn về điều kiện địa lí.

Về trình độ được đào tạo của GV, đối chiếu với quy định về trình độ chuyên môn theo từng cấp học của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, hiện nay còn 378/11.162 (tỉ lệ 3,38%) GV chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, tập trung ở cấp học MN, TH, THCS. Một số CBQL còn hạn chế nghiên cứu triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo; chưa làm tốt công tác dự báo tình hình, chưa chủ động tham mưu, tìm các giải pháp khắc phục hạn chế để phát triển đơn vị; năng lực quản trị trường học còn hạn chế so với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 và mục tiêu đổi mới giáo dục.

IV. CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

- Đối với cấp MN: Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các đơn vị, các CSGD MN trên cùng địa bàn. Số trẻ suy dinh dưỡng thể cân nặng, chiều cao tuy có giảm theo yêu cầu, nhưng tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì có khuynh hướng tăng. Công tác quản lý bán trú, hành chính, văn thư, tài chính, tài sản chưa đảm bảo theo yêu cầu đổi mới. Một số trường chưa quyết liệt trong đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn, nhất là sinh hoạt chuyên môn cấp tổ, trong đánh giá việc thực hiện Chương trình GDMN hiệu quả chưa cao ảnh hưởng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN.

- Đối với cấp TH: Chất lượng dạy và học chưa đồng đều giữa các trường trên cùng địa bàn và từng địa phương. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS ở một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Các hoạt động giáo dục theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 chưa đáp ứng đầy đủ và hiệu quả. Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục HS đôi khi chưa chặt chẽ.

- Đối với cấp THCS: Chất lượng dạy và học chưa đồng đều giữa các trường trên cùng địa bàn và từng địa phương. Chất lượng các hoạt động chuyên môn, các nội dung giáo dục lồng ghép chưa đảm bảo theo yêu cầu nâng cao, chưa thường xuyên. Các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kĩ năng sống cho HS chưa linh hoạt, đa dạng, phong phú để thu hút HS tham gia; chưa phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh HS trong giáo dục HS. Công tác giáo dục mũi nhọn chưa có những đột phá. Công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS chưa đáp ứng yêu cầu cho việc phân luồng HS sau THCS.

- Đối với cấp THPT: Chất lượng dạy và học chưa đồng đều giữa các trường trên cùng địa bàn do nhiều nguyên nhân. Các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa lối sống cho HS chưa đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, chưa đi vào chiều sâu và chưa thường xuyên, vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực học đường, HS vi phạm pháp luật. Công tác giáo dục mũi nhọn chưa có những đột phá nên chất lượng, hiệu quả chưa cao. Công tác tư vấn hướng nghiệp chưa có những công cụ để thực hiện hiệu quả hơn.

PHẦN THỨ HAI

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. Rà soát sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp đảm bảo theo quy định và phù hợp điều kiện thực tế của địa phương

1. Cấp mầm non

* Giai đoạn đến năm 2025

Quy mô mạng lưới trường, lớp: Đầu tư, mở rộng diện tích đất cho các trường còn thiếu; xóa các điểm trường nhỏ và mở rộng quy mô điểm chính; chuyển đổi 100% trường MG sang trường MN để huy động trẻ nhà trẻ đến trường đạt từ 30% trở lên, trẻ MG đến trường đạt từ 95% trở lên.

Sáp nhập 05 trường công lập tại 03 huyện (huyện Bình Tân: MG Tân Hưng sáp nhập MG Tân Thành; huyện Mang Thít: MN Tuổi Thơ I sáp nhập MN Thị trấn Cái Nhum; huyện Vũng Liêm: MG Hiếu Thành sáp nhập vào MN Hiếu Nghĩa; huyện Tam Bình: MN Mỹ Lộc sáp nhập MN Cái Ngang, MN Tuổi Xanh sáp nhập vào MN Họa Mi). Xóa 25 điểm trường lẻ các đơn vị: huyện Long Hồ (08 điểm), huyện Vũng Liêm (03 điểm), huyện Mang Thít (01 điểm), thành phố Vĩnh Long (08 điểm) , thị xã Bình Minh (01 điểm), huyện Bình Tân (01 điểm) và huyện Trà Ôn (03 điểm), còn tổng số trường là 110 trường.

Trường MN được đánh giá ngoài được công nhận đạt tiêu chuẩn KĐCLGD cấp độ 2 trở lên và đạt CQG cấp độ 1 trở lên đạt tỉ lệ từ 60% trở lên.

* Định hướng đến năm 2030

Quy mô mạng lưới trường, lớp: Tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích đất cho các trường còn thiếu, phát triển CSGD MN ngoài công lập. Huy động trẻ nhà trẻ đến trường đạt 50% trở lên, trẻ MG đến trường đạt 98% trở lên. Nâng cao chất lượng PCGDMNT5T. Phấn đấu có 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGDMN trẻ MG 3-5 tuổi. Mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất 02 trường MN chất lượng cao điển hình.

Sáp nhập 03 trường công lập tại 03 huyện (huyện Vũng Liêm: MG Trung Hiệp sáp nhập vào MG Trung Chánh; thị xã Bình Minh: sáp nhập MN Họa Mi vào MN Hoa Lan; huyện Mang Thít: MN Sơn Ca I sáp nhập vào MN Sơn Ca III). Đầu tư xây dựng mới thêm 05 nhà trẻ (huyện Vũng Liêm, huyện Tam Bình, huyện Trà Ôn, huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh) đáp ứng mạng lưới trường lớp, nhu cầu gửi trẻ từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi của phụ huynh ở các địa phương. Xóa 9 điểm trường lẻ tại các đơn vị: huyện Long Hồ (01 điểm), huyện Tam Bình (04 điểm), huyện Trà Ôn (04 điểm). Mở rộng 12 trường có quy mô nhỏ lên trường loại 1 (9 nhóm lớp trở lên), còn tổng số trường là 107 trường.

Trường MN được đánh giá ngoài được công nhận đạt tiêu chuẩn KĐCLGD cấp độ 2 trở lên và đạt CQG cấp độ 1 trở lên đạt tỉ lệ từ 75% trở lên.

2. Cấp tiểu học

* Giai đoạn đến năm 2025

Xóa các điểm trường nhỏ, mở rộng điểm chính, số điểm trường lẻ là 140. Rà soát, sáp nhập 12 trường có quy mô nhỏ (huyện Long Hồ: TH Thanh Đức B sáp nhập vào TH Thanh Đức C; huyện Vũng Liêm: TH Trung Thành Đông A sáp nhập vào TH Trung Thành A, TH Trung An A sáp nhập vào TH Huỳnh Văn Lời; huyện Tam Bình: TH Tường Lộc B sáp nhập vào TH Tường Lộc A, TH Phú Thịnh B sáp nhập vào TH Phú Thịnh A, TH Loan Mỹ B sáp nhập vào TH Thạch Thia (điểm Tổng Hưng B), sáp nhập vào TH Ngãi Tứ A (điểm Bình Phú); huyện Trà Ôn: TH Xuân Hiệp B sáp nhập vào TH Xuân Hiệp A, TH Thới Hòa B sáp nhập vào TH Thới Hòa A, TH Trà Côn C sáp nhập vào TH Trà Côn A; huyện Bình Tân: TH Thành Trung B sáp nhập vào TH Thành Trung A, TH Tân An Thạnh B sáp nhập vào TH Tân Hưng, TH Thành Lợi C sáp nhập vào TH Thành Lợi A), còn tổng số trường là 128 trường, trong đó có 21 trường hạng 1, 53 trường hạng 2 và 54 trường hạng

Số trường được công đạt chuẩn KĐCLGD đồng thời đạt CQG đến năm 2025: 99/128 trường, tỉ lệ 77,34%.

* Định hướng đến năm 2030

Tiếp tục sáp nhập 12 trường quy mô nhỏ (huyện Long Hồ: TH Phước Hậu C sáp nhập vào TH Phước Hậu A, TH Tân Hạnh B sáp nhập vào Tân Hạnh C; huyện Mang Thít: TH Bình Phước C sáp nhập vào TH Bình Phước A, TH Hòa Tịnh B sáp nhập vào TH Hòa Tịnh A, TH Mỹ An B sáp nhập vào TH Mỹ An A, TH Nhơn Phú C sáp nhập TH Nhơn Phú A; huyện Vũng Liêm: TH Hiếu Nhơn B sáp nhập vào TH Nguyễn Văn Quỳ, TH Đỗ Quang Mười sáp nhập vào TH Hiếu Thành; Trà Ôn: TH Thuận Thới B sáp nhập vào TH Thuận Thới A, TH Tân Mỹ B sáp nhập vào TH Tân Mỹ A, TH Hòa Bình C sáp nhập vào TH Hòa Bình A; thị xã Bình Minh: TH Lý Thường Kiệt sáp nhập vào TH Nguyễn Văn Trỗi), còn 116 trường, trong đó có 28 trường hạng 1, 56 trường hạng 2 và 32 trường hạng 3; số điểm trường lẻ còn 156 điểm.

Số trường được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD đồng thời đạt CQG đến năm 2030: 114/116 trường, tỷ lệ 98,28%. Trong đó, Mức 1: 71 trường, Mức 2: 43 trường.

3. Cấp THCS

* Giai đoạn đến năm 2025

Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT 2018, gắn với công tác xây dựng trường CQG; điều chỉnh quy mô lớp học một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, khắc phục tình trạng trường, lớp có quy mô lớp học và sĩ số HS vượt quá quy định hoặc không đủ định mức quy định.

Tiếp tục rà soát, sáp nhập 03 trường có quy mô nhỏ (huyện Bình Tân: THCS Thành Trung sáp nhập vào THCS Tân Thành; huyện Tam Bình: THCS Hòa Hiệp sáp nhập vào THCS Hòa Thạnh; huyện Vũng Liêm: THCS Trung An sáp nhập vào THCS Trung Hiếu) và mở rộng diện tích các trường sáp nhập, còn tổng số 80 trường, trong đó có 14 trường hạng 1; 18 trường hạng 2; 48 trường hạng 3.

Số trường được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD là 50/80 trường, tỉ lệ 62,5%. Tổng số trường THCS đạt CQG là 49/80 trường, tỉ lệ 61,25%.

* Định hướng đến năm 2030

Tiếp tục rà soát, sắp xếp các trường có quy mô nhỏ (huyện Long Hồ: THCS Phú Đức sáp nhập vào THCS Thị trấn Long Hồ, huyện Mang Thít: THCS Hòa Tịnh sáp nhập vào THCS Long Mỹ, THCS Tân An Hội sáp nhập vào THCS Tân Long Hội; huyện Vũng Liêm: THCS Trương Văn Chỉ sáp nhập vào THCS Hiếu Thành, THCS Nguyễn Thị Thu sáp nhập vào THCS Tân Quới Trung, THCS Nguyễn Việt Hùng sáp nhập vào THCS Thị trấn Vũng Liêm; huyện Trà Ôn: THCS Thiện Mỹ sáp nhập vào THCS Thị trấn, THCS Hựu Thành B sáp nhập vào THCS Hựu Thành A, THCS Lục Sĩ Thành sáp nhập vào THCS Phú Thành) và mở rộng diện tích các trường còn thiếu, còn tổng số 71 trường, trong đó có 14 trường hạng 1, 23 trường hạng 2, 34 trường hạng 3.

Số trường được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD là 70/71 trường, tỉ lệ 98,59%. Trong đó, cấp độ 2: 51 trường, cấp độ 3: 19 trường. Tổng số trường được công nhận đạt CQG là 70 trường (Mức 1: 51 trường, Mức 2: 19 trường), còn 01 trường THCS Lê Quí Đôn.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 trường THCS chất lượng cao để làm mô hình cho các đơn vị khác học tập, nhân rộng.

Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới trường THCS ngoài công lập ở những nơi có điều kiện, nhất là thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh. Đẩy mạnh mời gọi đầu tư để xây dựng các trường THCS hoặc trường liên cấp các loại hình để góp phần tăng cường CSVC, nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp THCS trong tỉnh.

4. Cấp THPT

* Giai đoạn đến năm 2025

Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT 2018, gắn với công tác xây dựng trường CQG; điều chỉnh quy mô lớp học một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, khắc phục tình trạng trường, lớp có quy mô lớp học và sĩ số HS vượt quá quy định hoặc không đủ định mức quy định; Ổn định số trường hiện có. Số trường THCS&THPT, THPT được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD là 28 (kể cả trường được công nhận lại), trong đó, cấp độ 1: 08 trường; cấp độ 2: 17 trường; cấp độ 3: 03 trường. Tổng số trường THCS&THPT, THPT đạt CQG là: 23/34 trường, tỉ lệ 67,65% (Mức 1: 23 trường).

* Định hướng đến năm 2030:

Tiếp tục ổn định số trường hiện có. Số trường được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD là 31 (gồm cả trường hết hạn, trong hạn, tái công nhận và công nhận mới), trong đó, cấp độ 1: 08 trường, cấp độ 2: 20 trường, cấp độ 3: 03 trường. Tổng số trường THCS&THPT, THPT đạt CQG là 31/34 trường, tỉ lệ 91,18% (Mức 1: 25 trường, Mức 2: 06 trường).

Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 trường THPT chất lượng cao để làm mô hình cho các đơn vị khác học tập, nhân rộng. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới trường THPT ngoài công lập ở những nơi có điều kiện, nhất thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh.

II. Tăng cường CSVC, TBDH và xây dựng trường CQG

1. Cấp mầm non

Tích cực huy động và tranh thủ các nguồn lực: ngân sách Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình nông thôn mới, vốn vay ODA, ngân sách tỉnh, huyện, các nguồn tài trợ, nguồn đóng góp, nguồn huy động từ xã hội hóa (XHH), lồng ghép các chương trình,...để tăng cường đầu tư, mua sắm, xây dựng CSVC, TBDH, tài liệu, ĐDĐC theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Đầu tư, bổ sung các điều kiện để nâng cao chất lượng PCGDMNT5T và tiến tới lộ trình PCGDMN cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi đến năm 2030.

Xây dựng các phòng học, khối chức năng để mở rộng quy mô trường và xây dựng trường mới. Cụ thể: cần phải xây dựng thêm 201 phòng sinh hoạt nhóm trẻ, lớp MG; 25 phòng hiệu trưởng, 62 phòng phó hiệu trưởng, 34 phòng hành chính quản trị, 30 Văn phòng, 37 phòng dành cho NV, 34 phòng bảo vệ, 42 khu vệ sinh CBQL, GV, NV; 47 khu để xe cho CBQL, GV, NV; 56 phòng giáo dục thể chất, 34 phòng giáo dục nghệ thuật, 55 phòng cho hoạt động làm quen tin học, 52 phòng ngoại ngữ và 94 thư viện; 21 bếp ăn, 31 kho bếp và 51 nhà ăn; 38 Phòng họp/hội trường, 13 phòng y tế, 55 nhà kho và 45 sân vườn.

Tăng cường đầu tư TBDH, ĐDĐC trong lớp, ĐCNT theo quy định của Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT và Thông tư số 34/2013/TT-BGDĐT. Cụ thể: bổ sung, thay thế 827 bộ TBDH, ĐDĐC trong lớp dành cho các độ tuổi từ nhà trẻ đến độ tuổi MG và trang cấp 218 bộ ĐCNT và bộ thiết bị thông minh cho các trường còn thiếu. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc khai thác, sử dụng và bảo quản ĐDĐC, TBDH tại các trường MN, MG. Tổ chức thường xuyên phong trào làm ĐDĐC, TBDH trong trường MN, MG để phục vụ tốt việc dạy và học.

Duy trì và chú trọng công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, thẩm mỹ gắn với phong trào thi đua “Trường học hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện từng trường; đổi mới việc tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo phương châm “học thông qua vui chơi, trải nghiệm” tăng cường cơ hội thực hành, khám phá, trải nghiệm, phát triển toàn diện cho trẻ gắn kết việc quan sát, theo dõi trẻ hàng ngày với lập kế hoạch giáo dục và tổ chức hoạt động giáo dục làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ theo yêu cầu của Chương trình GDMN.

Đẩy mạnh công tác xây dựng trường MN đạt KĐCLGD và đạt CQG. Số trường MN công nhận mới CQG đến năm 2025, định hướng 2030 là 32 trường ở các đơn vị gồm: huyện Long Hồ: 10 trường; huyện Mang Thít: 3 trường; thành phố Vĩnh Long: 5 trường; huyện Tam Bình: 3 trường; thị xã Bình Minh: 1 trường; huyện Trà Ôn: 2 trường; huyện Bình Tân: 1 trường và huyện Vũng Liêm: 7 trường. Đầu tư xây dựng số trường công nhận lại CQG đến năm 2025, định hướng 2030 là 78 trường ở các đơn vị gồm: huyện Long Hồ: 8 trường; huyện Mang Thít: 10 trường; thành phố Vĩnh Long: 9 trường; huyện Tam Bình: 13 trường; thị xã Bình Minh: 9 trường; huyện Bình Tân: 8 trường; huyện Vũng Liêm: 9 trường; huyện Trà Ôn 12 trường.

2. Cấp tiểu học

Tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư CSVC, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án tại địa phương nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư CSVC, TBDH theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Mở rộng quỹ đất xây dựng phòng học đủ để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày; khối phòng phục vụ học tập, hành chính - quản trị đảm bảo đủ và đáp ứng diện tích theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT.

Xây dựng khuôn viên trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, đảm bảo tổ chức các hoạt động giáo dục. Chú trọng xây dựng khu vệ sinh, hệ thống thoát nước đảm bảo đúng quy chuẩn. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các trường Tiểu học.

Để đảm bảo CSVC, TBDH đáp ứng yêu cầu công tác KĐCLGD và xây dựng trường CQG, cần xây dựng thêm 391 phòng thuộc khối phòng học; 146 phòng thuộc khối phòng hành chính - quản trị; 155 phòng thuộc khối phòng hỗ trợ học tập; khối phụ trợ (21 phòng họp, 22 phòng y tế, 46 phòng GV, 78 phòng nghỉ GV và 40 nhà kho); khối phục vụ sinh hoạt (25 nhà ăn, 27 nhà bếp, 28 kho bếp,…); 24 nhà đa năng. Bổ sung diện tích đất: 118.241 m2 (trong đó: bổ sung để đảm bảo diện tích đất bình quân trên HS 93.006 m2; bổ sung đất cho sân trường: 15.281 m2; bổ sung đất cho sân tập thể dục thể thao: 9.954 m2).

Thường xuyên rà soát, bổ sung TBDH tối thiểu đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT theo lộ trình. Tăng cường làm ĐDDH tự làm. Xây dựng quy chế khai thác, sử dụng, bảo quản có hiệu quả TBDH được trang cấp và TBDH tự làm đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Đẩy mạnh công tác xây dựng trường TH đạt KĐCLGD và đạt CQG. Số trường TH công nhận lại trường quá hạn đạt CQG đến năm 2025, định hướng 2030 là 31 trường ở các đơn vị gồm: thành phố Vĩnh Long: 02 trường; huyện Long Hồ: 05 trường; huyện Mang Thít: 02 trường; huyện Vũng Liêm: 05 trường; huyện Tam Bình: 06 trường; huyện Trà Ôn: 03 trường; thị xã Bình Minh: 06 trường và huyện Bình Tân: 02 trường. Đầu tư xây dựng số trường công nhận mới CQG từ năm 2023 đến năm 2030 là 16 trường ở các đơn vị gồm: thành phố Vĩnh Long: 03 trường; huyện Long Hồ: 03 trường; huyện Mang Thít: 02 trường; huyện Vũng Liêm: 01 trường; huyện Tam Bình: 02 trường; huyện Trà Ôn: 03 trường; thị xã Bình Minh: 01 trường và huyện Bình Tân: 01 trường.

3. Cấp THCS

Dành quỹ đất để mở rộng nhà trường, đảm bảo CSVC theo quy định theo hướng CQG. Thường xuyên rà soát các trường cận chuẩn, các trường đã đến hạn công nhận lại để có kế hoạch đầu tư đảm bảo tiêu chuẩn KĐCLGD gắn với xây dựng trường đạt CQG.

Nhu cầu đất để mở rộng quy mô nhà trường là 108.350 m2. Cần xây dựng thêm 84 phòng học, 14 phòng âm nhạc 17 phòng mỹ thuật, 13 phòng công nghệ, 24 phòng khoa học tự nhiên, 7 phòng tin học, 19 phòng học ngoại ngữ, 33 phòng đa chức năng, 34 phòng phòng học khoa học xã hội. Khối phòng hành chính quản trị, khối phòng hỗ trợ học tập cần xây dựng 05 phòng hiệu trưởng, 07 phòng phó hiệu trưởng, 07 văn phòng, 03 phòng bảo vệ, 16 phòng tổ chức Đảng, đoàn thể, 05 phòng thư viện, 10 phòng TBGD, 24 phòng tư vấn học đường và hỗ trợ HS khuyết tật, 12 phòng truyền thống, 17 phòng Đoàn, Đội. Khối phòng phụ trợ cần 15 phòng họp, 96 phòng các tổ chuyên môn, 14 phòng GV, 37 phòng nghỉ GV, 04 phòng y tế, 21 nhà kho, 05 nhà xe GV, 08 nhà xe HS, 07 khu vực vệ sinh GV và 14 khu vực vệ sinh HS. Khu sân chơi, TDTT cần xây dựng thêm 2.562 m2; nhà đa năng 25.

Đẩy mạnh công tác xây dựng và công nhận lại CQG từ nay đến năm 2030 là 70 trường ở các đơn vị gồm: thành phố Vĩnh Long: 07 trường; huyện Long Hồ: 12 trường; huyện Mang Thít: 09 trường; huyện Vũng Liêm: 09 trường; huyện Tam Bình: 9 trường; huyện Trà Ôn: 11 trường; thị xã Bình Minh: 06 trường và huyện Bình Tân: 07 trường. Định hướng đến năm 2030, có 2 trường THCS được đầu tư xây mới theo hướng đạt CQG: THCS Thị trấn Vũng Liêm, THCS Thành Đông.

4. Cấp THPT

Tiến hành rà soát thực trạng, nhu cầu CSVC, TBDH để có kế hoạch đầu tư xây dựng, bổ sung CSVC, TBDH hợp lí. Triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án tăng cường đầu tư CSVC, TBDH cho các CSGD đã được UBND tỉnh phê duyệt. Khẩn trương thực hiện rà soát danh mục TBDH tối thiểu, kịp thời thực hiện công tác mua sắm để các trường khai thác sử dụng, phục vụ Chương trình GDPT 2018.

Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp các trường thuộc các xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới để đạt Tiêu chí số 5 và Tiêu chí số 14, đặc biệt là các hạng mục chính, thiết yếu đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 như: Phòng học, phòng thực hành thí nghiệm, phòng chức năng, phòng bộ môn (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, phòng học đa phương tiện, Âm nhạc, Mỹ thuật,...), thư viện và các hạng mục công trình như sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh,...

Các CSGD chủ động tiến hành điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng CSVC, TBDH, phát huy tốt công năng của những thiết bị đã đầu tư, không để xảy ra tình trạng lãng phí, đẩy mạnh phong trào tự làm ĐDDH của GV.

Thường xuyên rà soát các trường cận chuẩn, trường đã đến hạn công nhận lại để có kế hoạch đầu tư, chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo vừa tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn mới vừa đáp ứng điều kiện công nhận lại.

Đẩy mạnh công tác xây dựng trường THPT đạt KĐCLGD và đạt CQG. Số trường THCS&THPT, THPT công nhận mới CQG đến năm 2026, định hướng 2030 là 16 trường ở các đơn vị gồm: thành phố Vĩnh Long: 03 trường; huyện Long Hồ: 02 trường; huyện Mang Thít: 01 trường; huyện Vũng Liêm: 03 trường; huyện Tam Bình: 02 trường; huyện Trà Ôn: 02 trường; thị xã Bình Minh: 02 trường và huyện Bình Tân: 01 trường. Đầu tư xây dựng số trường công nhận lại CQG từ năm 2023 đến năm 2030 là 15 trường ở các đơn vị gồm: thành phố Vĩnh Long: 02 trường; huyện Long Hồ: 01 trường; huyện Mang Thít: 02 trường; huyện Vũng Liêm: 01 trường; huyện Tam Bình: 04 trường; huyện Trà Ôn: 02 trường; thị xã Bình Minh: 01 trường và huyện Bình Tân: 02 trường.

Định hướng đến năm 2030, có 03 trường THPT được đầu tư xây mới theo hướng đạt CQG: chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hựu Thành, Tân Lược).

III. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

1. Thực hiện tốt công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ sau khi sáp nhập trường

1.1. Cán bộ quản lý

Thực hiện nghiêm quy định về công tác cán bộ, không bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại CBQL chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Thực hiện số lượng cấp phó theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, Nghị định số 83/2024/NĐ-CP. Các trường có điểm lẻ trong lộ trình sáp nhập cần có giải pháp hợp lý để tránh bổ nhiệm thừa.

Giải quyết đúng quy định, hiệu quả và hợp lý đội ngũ CBQL dôi dư do sáp nhập trường. Trường hợp CBQL đủ điều kiện theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ thì sắp xếp thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

1.2. Giáo viên

Thực hiện đúng cơ cấu, số lượng viên chức của các trường học theo Đề án vị trí việc làm (VTVL) đã được phê duyệt để bảo định mức biên chế viên chức theo quy định; khắc phục tình trạng bố trí, sử dụng không đúng cơ cấu viên chức và không phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Rà soát đội ngũ của các trường trong lộ trình xây dựng trường CQG, có kế hoạch sắp xếp, bồi dưỡng đảm bảo cơ cấu và điều kiện, tiêu chuẩn quy định.

Rà soát, quy hoạch đội ngũ GV bám sát lộ trình sắp xếp quy mô trường, lớp của từng địa phương giai đoạn 2023 đến 2030, trên cơ sở đó xác định cụ thể biên chế từng năm và trong năm học để có kế hoạch điều động, thuyên chuyển, tuyển dụng hợp lý, đảm bảo đến năm 2030 giải quyết dứt điểm tình trạng thừa, thiếu cục bộ GV. Thực hiện tinh giản biên chế theo quy định, giải quyết hợp lý, đúng quy định chế độ chính sách cho đội ngũ chịu tác động của việc rà soát, sắp xếp.

Thực hiện nghiêm đề án tinh giản biên chế theo lộ trình. Giải quyết đúng quy định, có hiệu quả và hợp lý GV thừa, thiếu cục bộ tại các đơn vị:

- Cấp học MN: Tham mưu phân bổ biên chế viên chức, phấn đấu đến năm 2030 tuyển dụng đủ GV theo định mức để thực hiện tốt mục tiêu của Chương trình GDMN.

- Cấp TH: Sắp xếp điều chuyển GV từ nơi thừa đến nơi thiếu. Chỉ ưu tiên tuyển dụng thay thế GV về hưu và GV còn thiếu sau khi đã thực hiện điều động GV từ nơi thừa sang nơi thiếu. Bố trí sử dụng GV hợp lý, nhất là GV dạy các môn chuyên.

- Cấp THCS: Sắp xếp điều chuyển GV từ nơi thừa đến nơi thiếu giữa các đơn vị trên cùng địa bàn của các huyện, thị xã, thành phố. Nếu chưa giải quyết được thì tham mưu cơ chế, chính sách điều động GV thừa thiếu giữa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

- Cấp THPT: Sắp xếp điều chuyển GV từ nơi thừa đến nơi thiếu. Từ năm học 2024- 2025 ngoài tuyển dụng GV các môn đã có từ trước, quan tâm tuyển dụng các GV dạy môn Nghệ thuật để thực hiện Chương trình GDPT 2018.

1.3. Nhân viên

Hoàn thành việc rà soát VTVL của NV trong các trường MN, PT công lập theo Đề án VTVL đã được phê duyệt, đảm bảo số lượng người trong từng VTVL.

Điều động NV từ nơi thừa đến nơi thiếu. Đối với các đơn vị thiếu NV, phân công những GV dạy chưa đủ số tiết theo quy định hoặc GV dôi dư (nếu có) thực hiện kiêm nhiệm các vị trí NV thiếu; tuyển dụng đủ NV để bổ sung cho các đơn vị còn thiếu theo quy định.

2. Tăng cường công tác quản lý theo quy định pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng viên chức

Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong công cuộc đổi mới GD&ĐT, nâng cao ý thức tu dưỡng đạo đức nhà giáo làm tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo.

Nghiêm túc thực hiện đánh giá CBQL, GV theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá xếp loại chất lượng viên chức theo quy định. Các cấp quản lý chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ tại đơn vị gắn với việc sử dụng các kết quả đánh giá để sàng lọc, đề xuất thực hiện tinh giản biên chế, xem xét đề nghị thuyên chuyển đối với GV thừa theo quy định.

Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, dân chủ trường học; tạo môi trường làm việc khoa học, tích cực, chủ động; tạo điều kiện để đội ngũ phát huy hết khả năng của mình trong công tác đặc biệt là đội ngũ CBQL nữ; quan tâm GV nữ có năng lực để xem xét quy hoạch. Quan tâm công tác phát triển bồi dưỡng, phát triển đảng cho đội ngũ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong đó chú trọng thanh tra việc quản lý biên chế, bố trí VTVL, việc thực hiện chế độ chính sách, công tác tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức, đánh giá xếp loại đội ngũ theo chuẩn nghề nghiệp tại đơn vị. Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục, hình thành cơ sở dữ liệu liên thông lưu trữ đầy đủ các thông tin về đội ngũ, về quá trình đào tạo, bồi dưỡng, kết quả thực hiện nhiệm vụ ... nhằm hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý và phát triển đội ngũ.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cốt cán ổn định, trong đó có lực lượng làm cốt cán ở cấp tỉnh, cấp huyện và tại cơ sở. Khuyến khích GV tự học nâng cao trình độ chuyên môn, tạo điều kiện để GV tự đào tạo; phát huy năng lực tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ NV trường học đúng chuyên ngành; bồi dưỡng CDNN đối với GV, NV đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của VTVL.

3. Thực hiện tốt chế độ chính sách, tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ

Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhất là GV trường MN, GV người dân tộc thiểu số. Thực hiện thăng hạng CDNN, bổ nhiệm và xếp lương theo hạng CDNN GV các cấp kịp thời, đảm bảo khách quan, công khai và đúng đối tượng.

Giải quyết hợp lý chế độ chính sách cho đội ngũ CBQL, GV, NV chịu tác động của việc rà soát, sắp xếp.

Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; nhân rộng những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, các điển hình xuất sắc nhằm khơi dậy nhiệt huyết, ý thức, trách nhiệm và lòng tự hào về nghề nghiệp của đội ngũ.

IV. Nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học

1. Cấp mầm non

Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng PCGDMNT5T. Chuẩn bị các điều kiện triển khai công tác PCGDMN cho trẻ mẫu giáo, tiến tới đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi vào năm 2030.

Tăng cường giáo dục phòng chống tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ; tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDMN. Thực hiện hiệu quả Chủ đề từng năm học và Chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” với các hoạt động thiết thực và hiệu quả nhằm đảm bảo trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục tốt nhất, qua đó nhân rộng điển hình, những mô hình sáng tạo, phù hợp với trường lớp MN của các đơn vị/các cơ sở GDMN.

Nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN, trong đó tập trung phát triển Chương trình giáo dục nhà trường theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện phù hợp với điều kiện từng trường, đổi mới việc tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo phương châm “học thông qua vui chơi, trải nghiệm” tăng cường cơ hội thực hành, khám phá, trải nghiệm, phát triển toàn diện cho trẻ.

Tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền đối với phụ huynh, cộng đồng phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức để thu hút sự chú ý, tham gia của phụ huynh. Duy trì tổ chức các hoạt động có chất lượng như lễ, hội; các hoạt động tham quan ngoại khóa cho trẻ, các hội thi… nhằm đã tạo sự gắn kết, hỗ trợ của phụ huynh, cộng đồng, qua đó tuyên truyền sâu rộng và thu hút sự quan tâm về GDMN trong cộng đồng xã hội.

Chú trọng đẩy mạnh các điều kiện thực hiện Chương trình GDMN: 100% CBQL, GVMN trang bị đủ tài liệu giảng dạy, tham khảo theo Chương trình GDMN và Quyết định phê duyệt tài liệu của Bộ GDĐT; CBQL, GVMN được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường đầu tư CSVC, ĐDĐC, TBDH bổ sung, thay thế danh mục theo quy định. Khai thác, sử dụng hiệu quả môi trường, CSVC, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi hiện có. Tăng cường các hoạt động ứng dụng CNTT trong dạy trẻ: sử dụng các phần mềm phù hợp để dạy trẻ, xây dựng bài giảng tương tác điện tử ở những trường có điều kiện.

2. Cấp tiểu học

Triển khai thực hiện Chương trình GDPT cấp TH linh hoạt, chủ động, phù hợp với thực tiễn địa phương, điều kiện thực hiện của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá HSTH. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, trong kiểm tra đánh giá. Lựa chọn, khai thác, sử dụng có hiệu quả kho học liệu điện tử; xây dựng và hình thành kho học liệu điện tử dùng chung trong tỉnh. Thực hiện đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của HS; thực hiện bàn giao chất lượng giáo dục cuối năm học một cách nghiêm túc, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Xây dựng kế hoạch, tập trung mọi nguồn lực để củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng PCGDTH và phấn đấu đạt chuẩn mức độ 3. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý chuyên môn, từng bước thực hiện số hóa hồ sơ sổ sách chuyên môn.

Xây dựng môi trường giáo dục văn hóa; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục HS, trong đó nhà trường đóng vai trò chủ động.

3. Cấp THCS

Tiếp tục đầu tư cho công tác giáo dục mũi nhọn, đổi mới cách thức chọn đội tuyển, hình thức đề thi tuyển, nội dung chuyên đề giảng dạy, tìm kiếm nguồn GV bồi dưỡng có năng lực, nhiệt huyết, giao lưu, học tập các tỉnh bạn...

Đổi mới hình thức, nội dung các hoạt động sinh hoạt chuyên môn hướng tới mục đích hoàn thiện, nâng cao tay nghề cho CBQL, GV. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Đa dạng hóa các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kĩ năng sống, các hoạt động văn, thể, mĩ cho HS. Nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ. Khai thác tối đa trang thiết bị, CSVC, sân chơi, bãi tập... hỗ trợ tích cực cho các hoạt động dạy học, vui chơi, tập luyện văn nghệ, thể dục thể thao...

Tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các lớp cuối cấp bằng nhiều hình thức nhằm phân luồng học sinh hiệu quả.

4. Cấp THPT

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Công khai, minh bạch, công bằng, khách quan trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học làm cơ sở cho việc thi đua, khen thưởng, tạo động lực phấn đấu cho các CSGD.

Đổi mới hình thức, nội dung các hoạt động sinh hoạt chuyên môn hướng tới mục đích hoàn thiện, nâng cao tay nghề cho CBQL, GV.

Đa dạng hóa các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kĩ năng sống, các hoạt động văn, thể, mĩ cho HS. Trong đó, chú trọng phát huy hiệu quả sức mạnh phối hợp giữa nhà trường với PHHS; nâng chất hoạt động các câu lạc bộ; khai thác tối đa trang thiết bị, CSVC, sân chơi, bãi tập... hỗ trợ tích cực cho các hoạt động dạy học, vui chơi, tập luyện văn nghệ, thể dục thể thao...

Tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt công tác tư vấn tuyển cho học sinh bằng nhiều hình thức nhằm phân luồng học sinh hiệu quả.

V. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thực hiện tốt phân cấp quản lý, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các CSGD

Tiếp tục cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh thành kế hoạch của ngành, trong đó tập trung phân tích, đánh giá thực trạng giáo dục tỉnh nhà, xác định mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và các điều kiện đảm bảo thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.

Đổi mới quản lý nhà nước về GDĐT, đổi mới quản trị trong các CSGD; coi trọng quản lý chất lượng và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản lý nhân sự và quản lý tài chính; đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, các CSGD đi đôi với nâng cao năng lực quản trị nhà trường của đội ngũ CBQL.

Xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp với UBND cấp huyện thống nhất thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về GD&ĐT trên địa bàn nhằm phân định rõ trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về GD&ĐT theo thẩm quyền của Sở GD&ĐT và UBND cấp huyện theo nguyên tắc kết hợp quản lý ngành và địa phương, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng thời phát huy tính chủ động của các cấp quản lý trong công tác quản lý nhà nước về GD&ĐT trên địa bàn theo các quy định của pháp luật để cùng thúc đẩy phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện tốt Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng kế hoạch thí điểm và tiến tới triển khai rộng mô hình CSGD công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, cung cấp dịch vụ công đáp ứng yêu cầu người học, trên cơ sở tính đúng chi phí đào tạo và cam kết bảo đảm chất lượng đầu ra.

Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của các nhà trường.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường, các tổ chức đoàn thể đảm bảo cơ cấu, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định Điều lệ trường học. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Từng bước thực hiện số hóa hồ sơ sổ sách trong quản lý ngành và tích cực chuyển đổi số trong hoạt động của ngành.

Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục HS, trong đó nhà trường đóng vai trò chủ động. Xây dựng cơ chế giám sát giữa các lực lượng xã hội tại địa phương với nhà trường trong tất cả các hoạt động, từ đó tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào tất cả các hoạt động của nhà trường.

PHẦN THỨ BA

KINH PHÍ THỰC HIỆN

I. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án: 3.016.873,40 triệu đồng. Cụ thể như sau:

1. Phân kỳ đầu tư theo huyện, thị xã, thành phố:

Năm

TPVL

Long Hồ

Mang Thít

Vũng Liêm

Tam Bình

Trà Ôn

Bình Minh

Bình Tân

Sở GDĐT

2026

199.800,5

102.472,5

145.430,55

134.108

36.506,25

172.430,5

64.971,75

37.891,25

437.633,65

2027

93.546,5

139.060,5

33.583,5

17.811,5

48.862

35.337,75

49.787,25

144.621,25

47.033,00

2028

51.626

78.159,3

35.066,75

45.244

25.902

22.563

41.431,75

45.669,5

17.112,50

2029

104.660,5

48.456,45

11.310

7.700,75

127.448,5

23.863

15.491,75

3.620,5

0

2030

7.851

140.130,4

16.553,3

69.606

2.500

35.890

8.022,75

90.105,5

0

TỔNG:

457.484,5

508.279,15

241.944,1

274.470,25

241.218,75

290.084,25

179.705,25

321.908

501.779,15

2. Phân kỳ đầu tư theo cấp học

Cấp học

2026

2027

2028

2029

2030

TỔNG

Mầm non

423.302

158.812

104.644,5

103.790

75.260,80

865.809,30

Tiểu học

379.835,5

288.816,25

140.534,8

91.066,05

75.925,65

976.178,25

THCS

90.473,8

114.982

100.483

147.695,4

219.472,50

673.106,70

THPT

437.633,65

47.033

17.112,50

0

0

501.799,15

TỔNG:

1.331.244,95

609.643,25

362.774,80

342.551,45

370.658,95

3.016.873,40

3. Phân kỳ theo năm

Cấp học

Mầm non

Tiểu học

THCS

THPT

Tổng

Năm 2026

423.302

379.835,5

90.473,8

437.633,65

1.331.244,95

Năm 2027

158.812

288.816,25

114.982

47.033

609.643,25

Năm 2028

104.644,5

140.534,8

100.483

17.112,5

362.774,8

Năm 2029

103.790

91.066,05

147.695,4

0

342.551,45

Năm 2030

75.260,8

75.925,65

219.472,5

0

370.658,95

II. Nguồn kinh phí thực hiện

- Nguồn ngân sách nhà nước bố trí chi sự nghiệp GD&ĐT (bao gồm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách nhà nước.

- Nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu, đề án, kế hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nguồn tài trợ, viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; các nguồn xã hội hóa, nguồn thu hợp pháp của các CSGD.

PHẦN THỨ TƯ

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện Đề án sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Tổ chức các hội nghị triển khai, sơ kết và tổng kết thực hiện Đề án.

Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành và cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể cho từng năm và giai đoạn để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án; đánh giá tình hình thực hiện Đề án để bổ sung, điều chỉnh cũng như đề ra giải pháp, chính sách đồng bộ, đảm bảo thực hiện tốt Đề án phù hợp với thực tiễn địa phương; theo dõi việc thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp kết quả báo cáo định kỳ cho UBND tỉnh.

II. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh bố trí các nguồn vốn đầu tư công để triển khai các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách tỉnh. Phối hợp với Sở Tài chính bố trí và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để thực hiện Đề án.

III. Sở Tài chính

Phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh cân đối theo khả năng ngân sách hàng năm, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định hiện hành.

IV. Sở Nội vụ

Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ biên chế viên chức sự nghiệp giáo dục đảm bảo đúng và đủ theo định mức quy định. Tham mưu với UBND tỉnh để tổ chức xét thăng hạng CDNN viên chức nhằm đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục.

Phối hợp Sở GD&ĐT tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, có chính sách tiền lương phù hợp để thu hút sinh viên giỏi tham gia tuyển dụng vào ngành giáo dục của tỉnh nhà; thống nhất cơ chế, nhu cầu tuyển dụng, bồi dưỡng CBQL, GV trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong từng giai đoạn; phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phân cấp QLGD.

V. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT trong công tác thẩm định, góp ý các dự án công trình trường học đảm bảo theo Quy chuẩn, Tiêu chuẩn hiện hành.

VI. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện chế độ chính sách cho trẻ em, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trong công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, vận động tổ chức, cá nhân tài trợ cho giáo dục.

VII. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp Sở GD&ĐT, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để chỉ đạo thực hiện tốt công tác y tế trường học, phòng chống dịch bệnh trong trường học, chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhằm nâng cao thể lực thế hệ trẻ tỉnh nhà.

VIII. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có bố trí quỹ đất xây dựng CSGD để thực hiện các dự án GDMN, GDPT và hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đất đai theo đúng quy định.

IX. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT tuyên truyền về mục tiêu rà soát, sắp xếp nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập; mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tiến độ và kết quả thực hiện Đề án.

X. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Quy hoạch, bố trí quỹ đất và kinh phí bồi hoàn, thu hồi đất để thực hiện Đề án. Phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương; phân bổ kinh phí hàng năm đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV, NV; quản lý, tuyển dụng và sử dụng có hiệu quả biên chế sự nghiệp giáo dục được UBND tỉnh phân bổ hàng năm theo phân cấp.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục và vai trò, tầm quan trọng của GD&ĐT đối với công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển KTXH.

Phối hợp với Sở GD&ĐT và các ngành chức năng của tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Đề án trên địa bàn quản lý; xây dựng kế hoạch sắp xếp quy mô trường lớp theo Đề án, sắp xếp bố trí hợp lý và ổn định đội ngũ của từng đơn vị; quy hoạch mạng lưới trường lớp, dành quỹ đất cho giáo dục trên địa bàn phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp chung của ngành giáo dục. Trên cơ sở đó có phương án quy hoạch đất và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng trường học, mua sắm TBDH.

Làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của ngành, địa phương. Bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV trong dự nguồn nâng cao trình độ lý luận chính trị làm cơ sở cho công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại CBQL nhà trường; khuyến khích CBGV tự bồi dưỡng, tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu phát triển nhà trường, phát triển giáo dục ở địa phương.

Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án hàng năm nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung các giải pháp, đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn của địa phương.

XI. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của xã hội trong đổi mới GD&ĐT. Giám sát việc thực hiện Đề án, giúp ngành Giáo dục thực hiện đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên tham gia tích cực việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục của tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ GDĐT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UBMTTQ VN tỉnh Vĩnh Long;
- Các sở, ngành;
- UBND huyện, TX, TP;
- Các phòng GDĐT;
- Các đơn vị trực thuộc Sở;
- Lưu: VT, TCCB.

GIÁM ĐỐC




Trương Thanh Nhuận

 

PHỤ LỤC

CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA TRUNG ƯƠNG VÀ TỈNH VĨNH LONG
(Kèm theo Đề án số      /ĐA-SGDĐT, ngày      tháng 9 năm 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long)

1. Văn bản chỉ đạo của Trung ương

(1) Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

(2) Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóatrong điều kiện kinh tế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩavà hội nhập quốc tế;

(3) Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

(4) Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT;

(5) Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội khóa XIV về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK GDPT mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT;

(6) Nghị quyết số 44/NQ-CP, ngày 09/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

(7) Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, ngày 17/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;

(8) Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, ngày 07/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

(9) Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, ngày 18/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

(10) Quyết định số 732/QĐ-TTg, ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQLCSGD đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDPT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”;

(11) Quyết định số 1436/QĐ-TTg, ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo CSVC cho chương trình GDMN và GDPT giai đoạn 2017-2025;

(12) Quyết định số 816/QĐ-TTg, ngày 07/07/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

(13) Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT, ngày 11/02/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành danh mục đồ dùng, đồ chơi, TBDH tối thiểu dùng cho GDMN;

(14) Thông tư số 32/2012/TT-BGDĐT, ngày 14/9/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Danh mục thiết bị và ĐCNT cho GDMN;

(15) Thông tư số 34/2013/TT-BGDĐT, ngày 17/9/2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số thiết bị quy định tại Danh mục đồ dùng, đồ chơi, TBDH tối thiểu dùng cho GDMN ban hành kèm theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT;

(16) Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT, ngày 20/7/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng CSGD PT; Thông tư số 25/2018/TT-BGDĐT, ngày 08/10/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng CSGD MN;

(17) Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về KĐCLGD và công nhận đạt CQGđối với trường TH;

(18) Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT, ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về KĐCLGD và công nhận đạt CQG đối với trường THCS, trường THPT và trường PT có nhiều cấp học;

(19) Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT, ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về KĐCLGD và công nhận đạt CQG đối với trường MN;

(20) Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp GVCSGD PT; Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT, ngày 08/10/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp GVMN;

(21) Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GDĐT về việc ban hành Chương trình GDPT;

(22) Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định tiêu chuẩn CSVC các trường TH, TH, THCS, THPT và trường PT có nhiều cấp học;

(23) Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định phòng học bộ môn của CSGD PT;

(24) Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành danh mục TBDH tối thiểu cấp TH;

(25) Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành danh mục TBDH tối thiểu cấp THCS;

(26) Thông tư số 39/2021/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành danh mục TBDH tối thiểu cấp THPT.

2. Văn bản chỉ đạo của tỉnh

(1) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI nhiệm kỳ 2020- 2025, tiếp tục thực hiện các giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương (Khóa XI); Kết luận số 51- KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII);

(2) Chương trình hành động số 07-Ctr/TU ngày 26/7/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Long thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóatrong điều kiện kinh tế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩavà hội nhập quốc tế;

(3) Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 02/01/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

(4) Quyết định số 1163/QĐ-UBND, ngày 24/5/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2016-2025;

(5) Quyết định số 2977/QĐ-UBND, ngày 09/12/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 07-CTr/TU ngày 26/7/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XI);

(6) Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 17/7/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới;

(7) Quyết định số 2913/QĐ-UBND, ngày 20/12/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 224-KH/TU ngày 22/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;

(8) Quyết định số 1317/QĐ-UBND, ngày 08/7/2024 của UBND tỉnh Vĩnh Long về định mức số lượng học sinh trên lớp đối với các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

 

CÁC BẢNG SỐ LIỆU VỀ QUY MÔ TRƯỜNG, LỚP, PHÒNG HỌC, CSVC, TBDH TRƯỜNG MẦM NON

(Kèm theo Đề án số      /ĐA-SGDĐT, ngày tháng 9 năm 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long)

Bảng 1: Hiện trạng mạng lưới, quy mô trường, lớp

TT

Huyện/TX/TP

Tổng số trường (CL)

Hạng trường

Tổng số diện tích

Tổng số lớp

Tổng số trẻ

I

II

III

1

Thị xã Bình Minh

10

10

0

 

54.117

137

3.296

2

Huyện Bình Tân

10

9

1

 

38.244

111

2.941

3

Huyện Long Hồ

18

17

1

 

73.903

218

5.725

4

Huyện Mang Thít

13

9

4

 

41.043

124

3.435

5

Huyện Tam Bình

18

16

2

 

82.914

194

5.591

6

Huyện Trà Ôn

14

14

0

 

91.587

196

5.309

7

TP Vĩnh Long

14

14

0

 

40.136

229

5.929

8

Huyện Vũng Liêm

18

16

2

 

80.432

200

5.381

Tổng cộng

115

105

10

 

502.377

1.409

37.607

Bảng 2: Hiện trạng phòng học, phòng học bộ môn, TBDH, đồ dùng dạy học

TT

Huyện/TX/TP

Số phòng học

Phòng phục vụ học tập

Phòng chức năng

Phòng GDNT

Phòng GDTC

Phòng ngoại ngữ

Phòng tin học

Hiệu trưởng

Phó Hiệu trưởng

Văn phòng

HCQT

1

Thị xã Bình Minh

149

9

8

2

1

9

14

12

9

2

Huyện Bình Tân

119

10

6

2

5

9

15

7

9

3

Huyện Long Hồ

189

13

11

3

4

14

19

15

12

4

Huyện Mang Thít

126

10

5

1

1

11

15

11

10

5

Huyện Tam Bình

182

14

10

1

6

16

22

7

12

6

Huyện Trà Ôn

205

14

11

2

6

14

25

12

13

7

Thành phố Vĩnh Long

179

10

4

3

4

14

22

15

10

8

Huyện Vũng Liêm

212

10

3

1

2

11

17

10

9

Tổng cộng

1.361

90

58

15

29

98

149

89

84

Bảng 3: Sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp đến năm 2030

TT

Huyện/TX/TP

Năm 2025

Năm 2026

Năm 2030

Tổng số trường (CL)

Tổng số điểm trường

Tổng số trường

Tổng số điểm trường

Tổng số trường

Tổng số điểm trường

1

Thị xã Bình Minh

10

17

10

16 (-1)

9 (-1)

16

2

Huyện Bình Tân

10

17

9 (-1)

16 (-1)

9

16

3

Huyện Long Hồ

18

36

18

28 (-8)

18

27 (-1)

4

Huyện Mang Thít

13

32

12 (-1)

21 (-1)

11 (-1)

21

5

Huyện Tam Bình

18

46

16 (-2)

46

16

42 (-4)

6

Huyện Trà Ôn

14

36

14

33 (-3)

14

29 (-4)

7

TP Vĩnh Long

14

17

14

9 (-8)

14

9

8

Huyện Vũng Liêm

18

28

17 (-1)

25 (-3)

16 (-1)

25

Tổng cộng

115

219

110 (-5 trường)

194 (-25 điểm)

107 (-3 trường)

185 (-9 điểm)

Bảng 4: Tăng cường CSVC, xây dựng trường đạt CQG đến năm 2030

1. Số trường đạt KĐCLGD&CQG

TT

Huyện/TX/TP

Tổng số trường

Năm 2025

Năm 2026

Năm 2030

KĐCL

CQG

KĐCL

CQG

KĐCL

CQG

1

Thị xã Bình Minh

10

9

9

10

10

9

9

2

Huyện Bình Tân

10

8

8

8

8

9

9

3

Huyện Long Hồ

18

8

8

11

11

18

18

4

Huyện Mang Thít

13

9

9

10

10

11

11

5

Huyện Tam Bình

18

13

13

14

14

16

16

6

Huyện Trà Ôn

14

12

12

14

14

14

14

7

Thành phố Vĩnh Long

14

11

11

12

12

14

14

8

Huyện Vũng Liêm

18

12

9

12

12

16

16

Tổng cộng

115

82

79

91

91

107

107

2. Nhu cầu về đất cần bổ sung

Đơn vị tính: m2

TT

Huyện/TX/TP

Tổng diện tích hiện có

Bổ sung

Ghi chú

1

Thị xã Bình Minh

54.117

11.500

Xây mới Nhà trẻ

2

Huyện Bình Tân

38.244

4.000

Xây mới Nhà trẻ

3

Huyện Long Hồ

73.903

31.082

24.582 mức độ 1 và 6.500 mức độ 2

4

Huyện Mang Thít

41.043

11.200

 

5

Huyện Tam Bình

82.914

15.824

4.824 mức độ 1 và 11.000 mức độ 2. Xây mới Nhà trẻ

6

Huyện Trà Ôn

91.587

4.500

Xây mới Nhà trẻ

7

Thành phố Vĩnh Long

40.136

25.812

Đề nghị xây mới Trường MN 2, MN 3, MN 4, MN 5, Tuổi Xanh 1 trên diện tích đất đã quy hoạch.

8

Huyện Vũng Liêm

80.432

7.640

Xây mới Nhà trẻ

Tổng cộng

502.377

111.558

68.246 mức độ 1 và 43.314 mức độ 2

3. Nhu cầu về phòng học, phòng chức năng, phòng phục vụ học tập, đồ dùng dạy học, TBDH

3.1. Nhu cầu về phòng học

TT

Huyện/TX/TP

Số nhóm, lớp dự kiến 2025-2030

Số phòng hiện có

Số phòng cần bổ sung

Số phòng cần duy tu, cải tạo, sửa chữa

1

Thị xã Bình Minh

176

146

30

45

2

Huyện Bình Tân

127

119

8

19

3

Huyện Long Hồ

234

189

45

174

4

Huyện Mang Thít

135

126

9

106

5

Huyện Tam Bình

237

198

39

165

6

Huyện Trà Ôn

221

194

27

84

7

Thành phố Vĩnh Long

222

183

39

22

8

Huyện Vũng Liêm

210

206

4

30

 

Tổng cộng

1.562

1.361

201

645

3.2. Phòng hành chính quản trị

TT

Huyện/TX/TP

1. KHỐI PHÒNG HÀNH CHÍNH QUẢN TRỊ

Phòng Hiệu trưởng

Phòng Phó Hiệu trưởng

Phòng HCQT

Văn phòng

Phòng dành cho nhân viên

Phòng bảo vệ

Khu vệ sinh CBQL, GV, NV

Khu để xe CBQL, GV, NV

1

Thị xã Bình Minh

1

2

3

1

1

1

1

1

2

Huyện Bình Tân

1

4

1

1

2

1

2

7

3

Huyện Long Hồ

6

16

9

8

9

9

8

7

4

Huyện Mang Thít

3

10

3

3

4

3

5

9

5

Huyện Tam Bình

5

11

0

5

6

4

7

9

6

Huyện Trà Ôn

2

3

3

4

3

4

6

4

7

TP Vĩnh Long

3

8

4

3

5

4

7

4

8

Huyện Vũng Liêm

4

8

11

5

7

8

6

6

Tổng cộng

25

62

34

30

37

34

42

47

3.3. Nhu cầu khối phòng chức năng, phòng tổ chức ăn và khối phụ trợ

TT

Huyện/ TX/TP

2. KHỐI PHÒNG CHỨC NĂNG

3. TỔ CHỨC ĂN

4. KHỐI PHỤ TRỢ

GD thể chất

GD nghệ thuật

Phòng tin học

Phòng ngoại ngữ

Thư viện

Nhà bếp

Kho bếp

Nhà ăn

Phòng họp/ Hội trường

Phòng y tế

Nhà kho

Sân vườn

1

Bình Minh

1

1

2

0

2

1

1

2

2

1

1

1

2

Bình Tân

3

1

5

7

9

0

1

4

4

0

2

3

3

Long Hồ

13

9

11

10

18

5

8

8

8

4

11

11

4

Mang Thít

6

3

9

10

11

2

6

7

4

2

13

6

5

Tam Bình

9

6

7

0

16

1

2

6

5

1

7

4

6

Trà Ôn

5

4

5

7

13

2

2

5

3

2

5

5

7

TP VL

8

4

4

4

14

4

5

6

5

3

4

4

8

Vũng Liêm

11

6

12

14

11

6

6

13

7

0

12

11

Tổng cộng

56

34

55

52

94

21

31

51

38

13

55

45

3.4. TBDH, ĐDĐC trong lớp và ngoài trời

TT

Huyện/TX/TP

Số bộ thiết bị trong lớp cần bổ sung (Thông Tư02/2010/TT-BGDĐT)

Số bộ (5 cái/1 bộ) thiết bị đồ chơi ngoài trời cần bổ sung (Thông Tư 32/2012/TT-BGDĐT)

1

Thị xã Bình Minh

61

14

2

Huyện Bình Tân

58

16

3

Huyện Long Hồ

101

43

4

Huyện Mang Thít

105

13

5

Huyện Tam Bình

190

38

6

Huyện Trà Ôn

107

36

7

Thành phố Vĩnh Long

53

23

8

Huyện Vũng Liêm

152

35

Tổng cộng

827

218

 

CÁC BẢNG SỐ LIỆU VỀ QUY MÔ TRƯỜNG, LỚP, PHÒNG HỌC, CSVC TRƯỜNG TIỂU HỌC

(Kèm theo Đề án số      /ĐA-SGDĐT, ngày     tháng 9 năm 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long)

Bảng 1: Hiện trạng mạng lưới, quy mô trường, lớp

TT

Huyện/TX/TP

Tổng số trường

Hạng trường

Tổng số diện tích

Tổng số lớp

Tổng số học sinh

I

II

III

1

TP Vĩnh Long

14

4

8

2

94981

320

10589

2

Huyện Long Hồ

20

1

9

10

137148

347

10978

3

Huyện Mang Thít

17

0

7

10

117233

261

6996

4

Huyện Vũng Liêm

21

2

10

9

182723

396

11517

5

Huyện Tam Bình

21

4

7

10

170700

386

11148

6

Huyện Trà Ôn

21

4

5

12

165264

215

7076

7

Thị xã Bình Minh

12

3

1

8

71452

387

11025

8

Huyện Bình Tân

14

3

6

5

96155

259

7576

Tổng cộng

140

21

53

66

1035656

2571

76905

Bảng 2: Hiện trạng phòng học, phòng học bộ môn

TT

Huyện/TX/TP

TS phòng học

Tỉ lệ phòng/lớp

Khối phòng học

Phòng AN

Phòng MT

Phòng TA

Phòng TH

Đa chức năng

Phòng KH- CN

1

TP Vĩnh Long

320

1,00

13

12

17

21

10

8

2

Huyện Long Hồ

361

1,01

23

19

30

45

11

9

3

Huyện Mang Thít

283

1,00

15

14

28

32

7

7

4

Huyện Vũng Liêm

410

1,03

25

21

32

40

10

11

5

Huyện Tam Bình

390

1,01

21

20

29

46

16

15

6

Huyện Trà Ôn

395

1,01

18

13

26

45

8

8

7

Thị xã Bình Minh

215

0,99

6

9

12

19

3

3

8

Huyện Bình Tân

262

1,01

11

12

19

23

6

6

Tổng cộng

2636

1,01

132

120

193

271

71

67

Bảng 3: Sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp đến năm 2030

TT

Huyện/TX/TP

Năm 2024

Năm 2025

Năm 2030

Tổng số trường

Tổng số điểm trường

Tổng số trường

Tổng số điểm trường

Tổng số trường

Tổng số điểm trường

1

TP Vĩnh Long

14

22

14

18

14

18

2

Huyện Long Hồ

20

45

19 (-1)

44

17 (-2)

41

3

Huyện Mang Thít

17

31

17

31

13 (-4)

31

4

Huyện Vũng Liêm

21

44

19 (-2)

44

17 (-2)

44

5

Huyện Tam Bình

21

51

18 (-3)

51

18

51

6

Huyện Trà Ôn

21

44

18 (-3)

44

15 (-3)

44

7

Thị xã Bình Minh

12

17

12

17

11 (-1)

17

8

Huyện Bình Tân

14

26

11 (-3)

26

11

26

Tổng cộng

140

280

128
(-12)

275

116
(-12)

272

Bảng 4: Tăng cường CSVC, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2030

1. Số trường đạt KĐCLGD&CQG

TT

Huyện/TX/TP

Tổng số trường (2024)

Năm 2024

Năm 2025

Năm 2030

KĐCL

CQG

KĐCL

CQG

KĐCL

CQG

1

TP Vĩnh Long

14

7

7

8

8

12

12

2

Huyện Long Hồ

20

9

9

13

13

17

17

3

Huyện Mang Thít

17

11

11

17

17

13

13

4

Huyện Vũng Liêm

21

12

12

15

15

17

17

5

Huyện Tam Bình

21

11

11

14

14

18

18

6

Huyện Trà Ôn

21

14

14

19

19

15

15

7

Thị xã Bình Minh

12

3

3

4

4

11

11

8

Huyện Bình Tân

14

8

8

9

9

11

11

Tổng cộng

140

75

75

99

99

114

114

2. Nhu cầu về đất cần bổ sung

Đơn vị tính: m2

TT

Huyện/TX/TP

Tổng diện tích hiện có

Bổ sung

1

TP Vĩnh Long

94981

24550

2

Huyện Long Hồ

137148

49705

3

Huyện Mang Thít

117233

17550

4

Huyện Vũng Liêm

182723

2200

5

Huyện Tam Bình

170700

7500

6

Huyện Trà Ôn

165264

11366

7

Thị xã Bình Minh

71452

4700

8

Huyện Bình Tân

96155

1300

Tổng cộng

1035655

118241

3. Nhu cầu về phòng học, phòng chức năng, phòng phục vụ học tập, đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học

3.1. Nhu cầu về phòng học

TT

Huyện/TX/TP

Số lớp dự kiến 2025-2030

Số phòng hiện có

Số phòng cần bổ sung/thay thế

1

TP Vĩnh Long

320

320

 

2

Huyện Long Hồ

350

361

13

3

Huyện Mang Thít

265

283

 

4

Huyện Vũng Liêm

402

410

12

5

Huyện Tam Bình

390

390

43

6

Huyện Trà Ôn

390

395

38

7

Thị xã Bình Minh

218

215

30

8

Huyện Bình Tân

262

262

13

Tổng cộng

2597

2636

149

3.2. Nhu cầu khối phòng học

TT

Huyện/TX/TP

1. KHỐI PHÒNG HỌC

Phòng học

Phòng AN

Phòng MT

Phòng TA

Phòng TH

Phòng đa CN

Phòng KH-CN

Ghi chú

1

TP Vĩnh Long

 

3

3

4

2

5

5

 

2

Huyện Long Hồ

13

2

4

1

1

9

7

 

3

Huyện Mang Thít

 

11

11

6

1

11

12

 

4

Huyện Vũng Liêm

12

3

6

2

1

9

8

 

5

Huyện Tam Bình

43

1

1

2

4

 

1

 

6

Huyện Trà Ôn

38

6

8

8

8

13

11

 

7

Thị xã Bình Minh

30

4

2

4

1

8

6

 

8

Huyện Bình Tân

13

4

4

5

2

6

6

 

Tổng cộng

149

34

39

32

20

61

56

 

3.3. Phòng hành chính quản trị

TT

Huyện/TX/TP

2. KHỐI PHÒNG HÀNH CHÍNH QUẢN TRỊ

Phòng HT

Phòng PHT

Phòng Đảng, ĐT

Văn phòng

Phòng bảo vệ

1

Thành phố Vĩnh Long

1

2

4

 

1

2

Huyện Long Hồ

 

 

9

1

4

3

Huyện Mang Thít

2

3

12

4

7

4

Huyện Vũng Liêm

1

1

5

2

1

5

Huyện Tam Bình

3

4

4

3

2

6

Huyện Trà Ôn

4

7

8

6

15

7

Thị xã Bình Minh

2

3

6

2

5

8

Huyện Bình Tân

1

3

5

2

1

Tổng cộng

14

23

53

20

36

3.4. Khối phòng hỗ trợ học tập

TT

Huyện/TX/TP

2. KHỐI PHÒNG HỖ TRỢ HỌC TẬP

Thư viện

Thiết bị

Tư vấn HĐ HT HSKT

Phòng Đội TN

Phòng Truyền thống

1

Thành phố Vĩnh Long

1

1

7

 

3

2

Huyện Long Hồ

1

2

6

4

2

3

Huyện Mang Thít

2

9

10

6

5

4

Huyện Vũng Liêm

4

3

6

2

3

5

Huyện Tam Bình

4

3

3

2

2

6

Huyện Trà Ôn

6

7

10

5

8

7

Thị xã Bình Minh

2

3

5

5

2

8

Huyện Bình Tân

1

2

4

3

1

Tổng cộng

21

30

51

27

26

3.5. Nhu cầu khối phụ trợ

TT

Huyện/TX/TP

3. KHỐI PHỤ TRỢ

Phòng họp

Phòng Y tế

Phòng GV

Phòng nghỉ GV

Kho

Nhà xe GV (m2)

Nhà xe HS (m2)

WC GV (bệ)

WC HS (bệ)

1

TP Vĩnh Long

1

1

3

8

1

310

470

2

6

2

Huyện Long Hồ

1

1

6

12

3

140

526

2

13

3

Huyện Mang Thít

7

4

8

15

9

130

290

11

13

4

Huyện Vũng Liêm

2

3

3

6

4

30

460

1

2

5

Huyện Tam Bình

1

2

5

4

5

100

350

2

2

6

Huyện Trà Ôn

4

8

16

14

10

257

305

27

31

7

Thị xã Bình Minh

3

2

1

11

4

180

290

10

17

8

Huyện Bình Tân

2

1

4

8

4

170

260

0

0

Tổng cộng

21

22

46

78

40

1317

2951

55

84

3.6. Nhu cầu sân chơi thể dục, thể thao

TT

Huyện/TX/TP

4. SÂN CHƠI, TDTT

5. KHỐI PHỤC VỤ SINH HOẠT

DT Sân trường

DT sân tập TDTT

Nhà đa năng

Nhà ăn

Nhà bếp

Kho bếp

1

TP Vĩnh Long

300

550

2

2

1

2

2

Huyện Long Hồ

4381

2194

3

13

14

14

3

Huyện Mang Thít

4000

2700

1

7

9

8

4

Huyện Vũng Liêm

2000

200

5

2

2

2

5

Huyện Tam Bình

 

 

5

 

 

 

6

Huyện Trà Ôn

4100

4310

6

1

1

2

7

Thị xã Bình Minh

 

 

1

 

 

 

8

Huyện Bình Tân

 

 

1

 

 

 

Tổng cộng

14781

9954

24

25

27

28

 

CÁC BẢNG SỐ LIỆU VỀ QUY MÔ TRƯỜNG, LỚP, PHÒNG HỌC, CSVC, TBDH TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

(Kèm theo Đề án số      /ĐA-SGDĐT, ngày     tháng 9 năm 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long)

Bảng 1: Hiện trạng mạng lưới, quy mô trường, lớp

TT

Huyện/TX/TP

Tổng số trường

Hạng trường

Tổng số diện tích

Tổng số lớp

Tổng số học sinh

I

II

III

1

Thành phố Vĩnh Long

8

2

4

2

49.991

202

8.295

2

Huyện Long Hồ

13

2

3

8

79.674

215

8.456

3

Huyện Mang Thít

11

1

1

9

62.730

157

5.606

4

Huyện Vũng Liêm

13

1

3

9

88.891

206

7.276

5

Huyện Tam Bình

10

3

1

6

68.050

203

7.735

6

Huyện Trà Ôn

14

2

3

9

114.906

242

7.962

7

Thị xã Bình Minh

6

1

3

2

46.864

125

4.774

8

Huyện Bình Tân

8

1

2

5

63.160

150

5.723

Tổng cộng

83

13

20

50

574.266

1500

55.827

Bảng 2: Hiện trạng phòng học, phòng học bộ môn

TT

Huyện/TX/TP

Số trường

Loại phòng bộ môn

ÂN

MT

CN

KHTN

TiH

NN

Đa CN

KHXH

1

Thành phố Vĩnh Long

8

7

6

7

19

12

10

8

7

2

Huyện Long Hồ

13

10

11

10

18

15

10

8

11

3

Huyện Mang Thít

11

8

6

8

18

14

9

5

7

4

Huyện Vũng Liêm

13

13

10

8

15

16

12

6

5

5

Huyện Tam Bình

10

8

6

8

13

11

11

6

5

6

Huyện Trà Ôn

14

11

10

13

20

16

13

11

10

7

Thị xã Bình Minh

6

6

5

5

11

9

8

9

6

8

Huyện Bình Tân

8

7

6

7

15

14

10

3

4

TỔNG

83

70

60

66

129

107

83

56

55

Bảng 3: Hiện trạng phòng hành chính, quản trị

TT

Huyện/TX/TP

Số trường

Khối phòng hành chính, quản trị

Hiệu trưởng

P. Hiệu trưởng

V.Phòn g

Bảo vệ

Đảng, đoàn thể

1

Thành phố Vĩnh Long

8

8

9

8

8

6

2

Huyện Long Hồ

13

12

13

12

13

9

3

Huyện Mang Thít

11

11

11

10

11

8

4

Huyện Vũng Liêm

13

13

14

13

11

6

5

Huyện Tam Bình

10

8

11

9

8

6

6

Huyện Trà Ôn

14

14

15

14

14

13

7

Thị xã Bình Minh

6

6

6

6

6

5

8

Huyện Bình Tân

8

8

7

7

9

0

TỔNG

83

80

86

79

80

53

Bảng 4: Hiện trạng phòng hỗ trợ học tập

TT

Huyện/TX/TP

Số trường

Khối phòng hỗ trợ học tập

Thư viện

Thiết bị

Tư vấn HĐ

Hỗ trợ HS KT

Truyền thống

Đoàn, Đội

1

Thành phố Vĩnh Long

8

8

8

6

6

8

4

2

Huyện Long Hồ

13

13

13

7

7

11

9

3

Huyện Mang Thít

11

11

10

7

7

11

5

4

Huyện Vũng Liêm

13

13

9

7

7

8

10

5

Huyện Tam Bình

10

8

9

7

7

6

6

6

Huyện Trà Ôn

14

14

13

11

11

12

7

7

Thị xã Bình Minh

6

6

5

4

4

4

6

8

Huyện Bình Tân

8

9

9

2

2

7

6

TỔNG

83

82

76

51

51

67

53

Bảng 5. Hiện trạng khối phòng phụ trợ

TT

Huyện/TX/TP

Số trường

Khối phụ trợ

Họp

Tổ CM

P.G V

Nghỉ GV

Y tế

Kho

Nhà xe GV

Nhà xe HS

WC GV

WC HS

1

TP Vĩnh Long

8

8

21

5

7

8

10

8

8

21

8

2

Huyện Long Hồ

13

10

37

13

11

13

11

16

15

16

20

3

Huyện Mang Thít

11

6

8

9

7

11

10

11

11

16

26

4

Huyện Vũng Liêm

13

8

13

11

7

13

8

14

18

22

25

5

Huyện Tam Bình

10

8

6

5

4

8

7

9

9

10

13

6

Huyện Trà Ôn

14

11

10

7

10

14

7

14

14

28

47

7

Thị xã Bình Minh

6

5

15

6

9

5

5

6

5

9

19

8

Huyện Bình Tân

8

8

1

5

4

9

5

9

10

10

19

TỔNG

83

64

111

61

59

81

63

87

90

132

177

Bảng 6: Sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp THCS đến năm 2030

TT

Đơn vị

Năm 2024

Năm 2025

Năm 2030

Tổng số trường

Hạng trường

Tổng số trường

Hạng trường

Tổng số trường

Hạng trường

I

II

III

I

II

III

I

II

III

1

Thành phố Vĩnh Long

8

2

4

2

8

3

3

2

8

3

3

2

2

Huyện Long Hồ

13

2

3

8

13

2

2

9

12 (-1)

2

2

8

3

Huyện Mang Thít

11

1

1

9

11

1

1

9

9 (-2)

1

3

5

4

Huyện Vũng Liêm

13

1

3

9

12 (-1)

1

2

9

9 (-3)

1

5

3

5

Huyện Tam Bình

10

3

1

6

9 (-1)

3

1

5

9

3

2

4

6

Huyện Trà Ôn

14

2

3

9

14

2

3

9

11 (-3)

2

2

7

7

Thị xã Bình Minh

6

1

3

2

6

1

3

2

6

1

3

2

8

Huyện Bình Tân

8

1

2

5

7 (-1)

1

3

3

7

1

3

3

Tổng cộng

83

13

20

50

80 (-3)

14

18

48

71 (-9)

14

23

34

Bảng 7: Tăng cường CSVC, xây dựng trường đạt CQG đến năm 2030

1. Số trường đạt KĐCLGD&CQG

TT

Đơn vị

Tổng số trường

Năm 2024

Tổng số trường

Năm 2025

Tổng số trường

Năm 2030

KĐCL

CQG

KĐCL

CQG

KĐCL

CQG

1

TP Vĩnh Long

8

6

6

8

6

6

8

7

7

2

Huyện Long Hồ

13

7

7

13

5

5

12 (-1)

12

12

3

Huyện Mang Thít

11

8

8

11

9

9

9 (-2)

9

9

4

Huyện Vũng Liêm

13

5

5

12 (-1)

9

9

9 (-2)

9

9

5

Huyện Tam Bình

10

6

6

9 (-1)

6

6

9

9

9

6

Huyện Trà Ôn

14

10

10

14

4

4

11 (-3)

11

11

7

Thị xã Bình Minh

6

3

3

6

5

5

6

6

6

8

Huyện Bình Tân

8

7

6

7 (-1)

5

5

7

7

7

Tổng cộng

83

52

51

80

50

49

71

70

70

Tỉ lệ

 

62,65

61,45

 

62,5

61,25

 

98,59

98,59

2. Nhu cầu về đất cần bổ sung

Đơn vị tính: m2

TT

Huyện/TX/TP

Tổng diện tích hiện có

Bổ sung

Ghi chú

1

Thành phố Vĩnh Long

49.991

17.300

 

2

Huyện Long Hồ

79.674

34.500

 

3

Huyện Mang Thít

62.730

3.800

 

4

Huyện Vũng Liêm

88.891

17.700

 

5

Huyện Tam Bình

68.050

11.500

 

6

Huyện Trà Ôn

114.906

0

 

7

Thị xã Bình Minh

46.864

5.800

 

8

Huyện Bình Tân

63.160

17.750

 

Tổng cộng

574.266

108.350

 

3. Nhu cầu về phòng học, phòng chức năng, phòng phục vụ học tập, đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học

3.1. Nhu cầu khối phòng học, phòng học bộ môn

TT

Huyện/TX/TP

Số trường

Phòng học

Loại phòng bộ môn

ÂN

MT

CN

KHTN

TiH

NN

Đa CN

KHXH

1

Thành phố Vĩnh Long

8

0

0

0

0

0

0

0

1

0

2

Huyện Long Hồ

12

12

4

3

4

4

0

6

7

7

3

Huyện Mang Thít

9

13

3

5

3

4

2

3

5

5

4

Huyện Vũng Liêm

9

29

1

2

3

7

2

4

7

6

5

Huyện Tam Bình

9

2

2

2

0

1

1

1

4

4

6

Huyện Trà Ôn

11

6

2

3

1

5

1

4

4

5

7

Thị xã Bình Minh

6

2

0

1

0

1

0

0

1

1

8

Huyện Bình Tân

7

20

2

1

2

2

1

1

4

6

TỔNG

71

84

14

17

13

24

7

19

33

34

3.2. Nhu cầu khối phòng hành chính quản trị

TT

Huyện/TX/TP

1. KHỐI PHÒNG HÀNH CHÍNH QUẢN TRỊ

Phòng Hiệu trưởng

Phòng Phó Hiệu trưởng

Văn phòng

Phòng bảo vệ

Phòng tổ chức Đảng, đoàn thể

1

Thành phố Vĩnh Long

0

1

0

0

0

2

Huyện Long Hồ

1

0

2

0

3

3

Huyện Mang Thít

0

0

0

0

3

4

Huyện Vũng Liêm

2

3

2

2

4

5

Huyện Tam Bình

1

1

1

1

1

6

Huyện Trà Ôn

0

0

0

0

0

7

Thị xã Bình Minh

0

0

0

0

1

8

Huyện Bình Tân

1

2

2

0

4

Tổng cộng

5

7

7

3

16

3.3. Nhu cầu khối phòng hỗ trợ học tập và khối phụ trợ

TT

Huyện/TX/TP

2. KHỐI PHÒNG HỖ TRỢ HỌC TẬP

Thư viện

Phòng thiết bị giáo dục

Phòng tư vấn học đường

Phòng hỗ trợ HSKT

Phòng truyền thống

Phòng Đoàn, Đội

1

Thành phố Vĩnh Long

0

0

0

0

0

0

2

Huyện Long Hồ

0

0

6

6

2

4

3

Huyện Mang Thít

2

3

5

3

0

5

4

Huyện Vũng Liêm

1

3

4

6

3

3

5

Huyện Tam Bình

1

0

1

3

1

0

6

Huyện Trà Ôn

0

2

3

6

3

3

7

Thị xã Bình Minh

0

1

1

0

1

0

8

Huyện Bình Tân

1

1

4

1

2

2

Tổng cộng

5

10

24

25

12

17

 

TT

Huyện/TX/TP

3. KHỐI PHỤ TRỢ

Phòng họp

Phòng các tổ chuyên môn

Phòng GV

Phòng nghỉ GV

Phòng Y tế

Nhà kho

Nhà xe GV

Nhà xe HS

Nhà vệ sinh GV

Nhà vệ sinh HS

1

Thành phố Vĩnh Long

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2

Huyện Long Hồ

3

22

0

9

0

4

2

3

2

4

3

Huyện Mang Thít

4

16

3

7

0

4

0

1

0

1

4

Huyện Vũng Liêm

3

22

3

8

2

3

2

1

3

5

5

Huyện Tam Bình

1

4

1

1

1

0

0

0

0

0

6

Huyện Trà Ôn

2

8

3

6

0

7

1

2

0

3

7

Thị xã Bình Minh

1

4

0

2

0

0

0

0

0

0

8

Huyện Bình Tân

1

20

4

4

1

3

0

1

1

1

Tổng cộng

15

96

14

37

4

21

5

8

6

14

 

CÁC BẢNG SỐ LIỆU VỀ QUY MÔ TRƯỜNG, LỚP, PHÒNG HỌC, CSVC, TBDH TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

(Kèm theo Đề án số       /ĐA-SGDĐT, ngày      tháng 9 năm 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long)

Bảng 1: Hiện trạng quy mô trường lớp, học sinh

TT

Huyện/TX/TP

Tổng số lớp

Tổng số HS

Hạng trường

H1

H2

H3

1

Thành phố Vĩnh Long

178

6601

5

 

 

2

Huyện Long Hồ

110

4232

2

1

 

3

Huyện Mang Thít

79

2724

2

1

 

4

Huyện Vũng Liêm

193

6855

4

2

 

5

Huyện Tam Bình

149

5247

4

1

1

6

Huyện Trà Ôn

163

5869

4

1

 

7

Thị xã Bình Minh

87

3124

2

1

 

8

Huyện Bình Tân

84

3096

2

1

 

TỔNG:

1043

37748

25

8

1

Bảng 2: Hiện trạng trường THPT đạt KĐCLGD, CQG

TT

Huyện/TX/TP

Tổng số trường

Đến năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

KĐC L

CQ G

KĐC L

CQG

KĐC L

CQG

1

Thành phố Vĩnh Long

5

2

3

 

 

 

 

2

Huyện Long Hồ

3

 

 

1

1

 

 

3

Huyện Mang Thít

3

1

2

 

 

 

 

4

Huyện Vũng Liêm

6

 

 

1

1

 

 

5

Huyện Tam Bình

6

1

3

1

 

1

2

6

Huyện Trà Ôn

5

1

1

1

1

1

 

7

Thị xã Bình Minh

3

 

 

 

 

1

1

8

Huyện Bình Tân

3

 

 

2

2

 

 

Tổng cộng

34

5

9

6

5

3

3

Bảng 3: Hiện trạng phòng học

TT

Huyện/TX/TP

Số phòng học

Số lớp

Tỉ lệ phòng học/lớp

1

Thành phố Vĩnh Long

166

178

0.93

2

Huyện Long Hồ

100

110

0.91

3

Huyện Mang Thít

67

77

0.87

4

Huyện Vũng Liêm

148

193

0.77

5

Huyện Tam Bình

130

148

0.88

6

Huyện Trà Ôn

126

164

0.77

7

TX Bình Minh

76

89

0.85

8

Huyện Bình Tân

64

84

0.76

TỔNG

877

1043

0.84

Bảng 4: Hiện trạng phòng bộ môn

TT

Huyện/TX/TP

Phòng học ÂN

Phòng học MT

Phòng học Công nghệ

Phòng học Tin học

Phòng học ngoại ngữ

1

Thành phố Vĩnh Long

3

3

4

14

8

2

Huyện Long Hồ

3

3

4

9

5

3

Huyện Mang Thít

1

1

3

5

4

4

Huyện Vũng Liêm

4

4

1

13

8

5

Huyện Tam Bình

3

3

3

14

7

6

Huyện Trà Ôn

3

3

2

12

7

7

Thị xã Bình Minh

1

1

1

9

5

8

Huyện Bình Tân

1

1

1

8

3

Tổng cộng

19

19

19

84

47

 

TT

Huyện/TX/TP

Phòng đa chức năng

Phòng học Vật lí

Phòng học Hóa học

Phòng học Sinh học

Phòng KHTN (THCS )

Phòng học KHXH

1

Thành phố Vĩnh Long

2

4

4

4

0

3

2

Huyện Long Hồ

4

4

4

4

2

3

3

Huyện Mang Thít

2

4

4

3

0

1

4

Huyện Vũng Liêm

1

6

6

6

0

1

5

Huyện Tam Bình

2

6

6

6

0

3

6

Huyện Trà Ôn

2

5

5

5

0

1

7

Thị xã Bình Minh

2

5

4

4

1

4

8

Huyện Bình Tân

1

3

3

3

1

1

Tổng cộng

16

37

36

35

04

17

Bảng 5: Hiện trạng khối phòng hành chính, quản trị

TT

Huyện/TX/TP

Phòng Hiệu trưởng

Phòng Phó Hiệu trưởng

Văn phòng

Phòng bảo vệ

Phòng tổ chức Đảng, đoàn thể

1

Thành phố Vĩnh Long

5

11

5

5

4

2

Huyện Long Hồ

3

7

3

4

4

3

Huyện Mang Thít

3

6

3

3

2

4

Huyện Vũng Liêm

6

11

6

6

3

5

Huyện Tam Bình

6

10

6

6

7

6

Huyện Trà Ôn

5

7

5

5

5

7

Thị xã Bình Minh

3

6

3

4

2

8

Huyện Bình Tân

3

6

3

3

3

Tổng cộng

34

64

34

36

30

Bảng 6: Hiện trạng khối phòng hỗ trợ học tập

TT

Huyện/TX/TP

Thư viện

Phòng TBGD

Phòng hỗ trợ HS khuyết tật

Phòng tư vấn học đường

Phòng Truyền thống

Phòng Đoàn TN

1

Thành phố Vĩnh Long

5

4

0

3

5

5

2

Huyện Long Hồ

3

4

1

3

3

3

3

Huyện Mang Thít

3

3

0

1

3

2

4

Huyện Vũng Liêm

6

5

0

5

2

6

5

Huyện Tam Bình

7

3

2

6

5

6

6

Huyện Trà Ôn

5

2

1

4

4

5

7

Thị xã Bình Minh

4

2

0

3

2

3

8

Huyện Bình Tân

3

2

1

2

2

3

Tổng cộng

36

25

05

27

26

33

Bảng 7: Hiện trạng khối phụ trợ

TT

Huyện/TX/TP

Phòng họp

Phòng tổ CM

Phòng GV

Phòng nghỉ GV

Phòng Y tế

1

Thành phố Vĩnh Long

5

9

5

6

5

2

Huyện Long Hồ

3

9

5

2

3

3

Huyện Mang Thít

3

1

3

5

3

4

Huyện Vũng Liêm

4

2

6

3

6

5

Huyện Tam Bình

6

11

6

2

6

6

Huyện Trà Ôn

4

4

5

2

4

7

Thị xã Bình Minh

3

11

4

1

4

8

Huyện Bình Tân

3

8

3

3

3

Tổng cộng

31

55

37

24

34

 

TT

Huyện/TX/TP

Nhà kho

Nhà xe GV

Nhà xe HS

Nhà vệ sinh GV

Nhà vệ sinh HS

1

Thành phố Vĩnh Long

4

6

5

10

23

2

Huyện Long Hồ

3

3

4

5

24

3

Huyện Mang Thít

1

4

7

5

13

4

Huyện Vũng Liêm

3

5

6

13

25

5

Huyện Tam Bình

10

5

5

17

29

6

Huyện Trà Ôn

2

6

6

10

22

7

Thị xã Bình Minh

2

5

6

11

20

8

Huyện Bình Tân

3

3

3

7

13

Tổng cộng

28

37

42

78

169

Bảng 8: Hiện trạng Khu sân chơi - Thể dục thể thao

TT

Huyện/TX/TP

Khu sân chơi - Thể dục thể thao

Sân chơi, bãi tập (m2)

Nhà đa năng (cái)

1

Thành phố Vĩnh Long

20712,00

2

2

Huyện Long Hồ

31845,20

2

3

Huyện Mang Thít

17557,60

0

4

Huyện Vũng Liêm

42118,32

2

5

Huyện Tam Bình

25385,36

1

6

Huyện Trà Ôn

20666,00

0

7

Thị xã Bình Minh

26455,00

1

8

Huyện Bình Tân

14905,00

2

Tổng cộng

199644.48

10

Bảng 9: Quy mô trường THPT đến năm 2030

TT

Huyện/TX/TP

Năm 2023

Năm 2026

Năm 2030

Tổng số trường

Tổng số điểm trường

Tổng số trường

Tổng số điểm trường

Tổng số trường

Tổng số điểm trường

1

Thành phố Vĩnh Long

5

5

5

5

5

5

2

Huyện Long Hồ

3

4

3

4

3

4

3

Huyện Mang Thít

3

3

3

3

3

3

4

Huyện Vũng Liêm

6

6

6

6

6

6

5

Huyện Tam Bình

6

6

6

6

6

6

6

Huyện Trà Ôn

5

5

5

5

5

5

7

Thị xã Bình Minh

3

4

3

4

3

4

8

Huyện Bình Tân

3

3

3

3

3

3

Tổng cộng

34

36

34

36

34

36

Bảng 10: Nhu cầu xây dựng trường đạt KĐCLGD&CQG đến năm 2030

TT

Đơn vị

Tổng số trường

Năm 2023

Đến năm 2026

Đến năm 2030

KĐCL

CQG

KĐCL

CQG

KĐCL

CQG

1

Thành phố Vĩnh Long

5

0

0

5

4

5

5

2

Long Hồ

3

0

0

3

3

3

3

3

Mang Thít

3

0

0

2

2

3

3

4

Vũng Liêm

6

1

1

3

3

4

4

5

Tam Bình

6

1

1

5

5

7

4

6

Trà Ôn

5

0

0

4

2

4

6

7

Thị xã Bình Minh

3

0

0

3

2

3

3

8

Bình Tân

3

1

0

3

2

3

3

Tổng cộng

34

03

02

28

23

32

31

Bảng 11: Nhu cầu về đất cần bổ sung đến năm 2030

Đơn vị tính: m2

TT

Huyện/TX/TP

Bổ sung

Ghi chú

1

Thành phố Vĩnh Long

12000,0

 

2

Huyện Long Hồ

0

 

3

Huyện Mang Thít

0

 

4

Huyện Vũng Liêm

0

 

5

Huyện Tam Bình

3187,6

 

6

Huyện Trà Ôn

13000,0

 

7

Thị xã Bình Minh

0

 

8

Huyện Bình Tân

9950,0

 

Tổng cộng

38137,6

 

Bảng 12: Nhu cầu về phòng học đến năm 2030

TT

Huyện/ TX/TP

Số lớp dự kiến 2025-2030

Số phòng cần bổ sung

1

Thành phố Vĩnh Long

192

45

2

Huyện Long Hồ

111

0

3

Huyện Mang Thít

79

0

4

Huyện Vũng Liêm

196

0

5

Huyện Tam Bình

146

0

6

Huyện Trà Ôn

165

30

7

Thị xã Bình Minh

89

6

8

Huyện Bình Tân

87

18

Tổng cộng

1065

99

Bảng 13: Nhu cầu khối phòng học bộ môn đến năm 2030

TT

Huyện/TX/TP

Phòng học ÂN

Phòng học MT

Phòng học Công nghệ

Phòng học Tin học

Phòng học ngoại ngữ

1

Thành phố Vĩnh Long

2

2

1

4

3

2

Huyện Long Hồ

0

0

0

0

0

3

Huyện Mang Thít

1

1

0

0

0

4

Huyện Vũng Liêm

1

1

2

1

3

5

Huyện Tam Bình

1

1

1

0

1

6

Huyện Trà Ôn

2

2

2

2

1

7

Thị xã Bình Minh

1

1

1

0

1

8

Huyện Bình Tân

1

1

1

2

1

Tổng cộng

09

09

08

09

10

 

TT

Huyện/TX/TP

Phòng đa chức năng

Phòng học Vật lí

Phòng học Hóa học

Phòng học Sinh học

Phòng học KHTN (THCS)

Phòng học KHXH

1

Thành phố Vĩnh Long

5

3

3

3

0

4

2

Huyện Long Hồ

0

0

0

0

0

0

3

Huyện Mang Thít

1

0

0

1

0

3

4

Huyện Vũng Liêm

3

1

1

1

2

4

5

Huyện Tam Bình

2

0

0

0

1

2

6

Huyện Trà Ôn

2

1

1

1

0

3

7

Thị xã Bình Minh

2

0

0

0

0

1

8

Huyện Bình Tân

1

1

1

1

0

2

Tổng cộng

16

06

06

07

03

19

Bảng 14: Nhu cầu khối phòng hành chính quản trị đến năm 2030

TT

Huyện/TX/TP

KHỐI PHÒNG HÀNH CHÍNH QUẢN TRỊ

Phòng Hiệu trưởng

Phòng Phó Hiệu trưởng

Văn phòng

Phòng bảo vệ

Phòng tổ chức Đảng, đoàn thể

1

Thành phố Vĩnh Long

1

3

3

1

3

2

Huyện Long Hồ

0

0

0

0

0

3

Huyện Mang Thít

0

1

0

0

1

4

Huyện Vũng Liêm

0

2

0

0

2

5

Huyện Tam Bình

1

0

0

0

1

6

Huyện Trà Ôn

3

2

1

1

1

7

Thị xã Bình Minh

0

0

0

0

1

8

Huyện Bình Tân

1

2

1

1

1

Tổng cộng

06

10

05

03

10

Bảng 15: Nhu cầu khối phòng hỗ trợ học tập đến năm 2030

TT

Huyện/TX/TP

Thư viện

Phòng TBGD

Phòng hỗ trợ HS khuyết tật

Phòng tư vấn học đường

Phòng Truyền thống

Phòng Đoàn TN

1

Thành phố Vĩnh Long

1

2

5

4

1

1

2

Huyện Long Hồ

0

0

0

0

0

0

3

Huyện Mang Thít

0

0

1

2

1

0

4

Huyện Vũng Liêm

0

1

4

1

3

0

5

Huyện Tam Bình

1

0

3

1

1

0

6

Huyện Trà Ôn

2

1

1

1

1

1

7

Thị xã Bình Minh

0

1

1

1

1

0

8

Huyện Bình Tân

1

1

2

1

1

1

Tổng cộng

05

06

17

11

09

03

Bảng 16: Nhu cầu khối phòng phụ trợ đến năm 2030

TT

Huyện/TX/TP

Phòng họp

Phòng tổ CM

Phòng GV

Phòng nghỉ GV

Phòng Y tế

1

Thành phố Vĩnh Long

1

27

2

4

1

2

Huyện Long Hồ

0

0

0

0

0

3

Huyện Mang Thít

0

15

0

1

0

4

Huyện Vũng Liêm

1

21

0

4

0

5

Huyện Tam Bình

0

7

0

2

0

6

Huyện Trà Ôn

1

14

1

5

1

7

Thị xã Bình Minh

0

6

2

2

0

8

Huyện Bình Tân

1

10

1

2

1

Tổng cộng

04

100

06

20

03

 

TT

Huyện/TX/TP

Nhà kho

Nhà xe GV

Nhà xe HS

Nhà vệ sinh GV

Nhà vệ sinh HS

1

Thành phố Vĩnh Long

4

1

1

4

6

2

Huyện Long Hồ

0

1

0

0

0

3

Huyện Mang Thít

2

0

0

1

0

4

Huyện Vũng Liêm

3

2

0

0

6

5

Huyện Tam Bình

1

1

0

0

2

6

Huyện Trà Ôn

1

1

2

3

3

7

Thị xã Bình Minh

1

1

2

0

3

8

Huyện Bình Tân

2

2

3

3

4

Tổng cộng

14

09

08

11

24

Bảng 17: Nhu cầu khối sân chơi, nhà đa năng đến năm 2030

TT

Huyện/TX/TP

Sân chơi (m2)

Nhà đa năng (cái)

1

Thành phố Vĩnh Long

2000

1

2

Huyện Long Hồ

0

0

3

Huyện Mang Thít

0

1

4

Huyện Vũng Liêm

0

1

5

Huyện Tam Bình

0

1

6

Huyện Trà Ôn

3000

2

7

Thị xã Bình Minh

0

0

8

Huyện Bình Tân

1840,75

1

Tổng cộng

6840,75

07

 



[1] 05 trường quy mô 09 lớp: Bình Phước C, Tường Lộc B, Xuân Hiệp B, Trà Côn C và Thành Trung B.

[2] Công văn 102/SGDĐT-GDMN-TH, ngày 20/01/2021 của Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ trong các CSGDMN;

[3] Mang Thít 21,1%; TPVL: 38,8%; Trà Ôn: 20,8%.

[4] Mang Thít 91,6%; Vũng Liêm 88,4%, Long Hồ 95,2%; TPVL: 93%; Trà Ôn: 96%.

[5] Tam Bình 78,3%; Vũng Liêm 74,8%

[6] Trường TH: Lê Thánh Tông; Nguyễn Văn Trỗi; Lộc Hòa B; Hòa Phú A; Thị trấn Trà Ôn; Hùng Vương; Lê Lợi; Nguyễn Du; Nguyễn Huệ.

[7] Hòa Phú 10 lớp, Phú Đức 10 lớp, Bình Phước 12 lớp, Hòa Tịnh 11 lớp, Long Mỹ 10 lớp, Tân An Hội 9 lớp, Tân Quới Trung 10 lớp, Trung An 10 lớp, Trương Văn Chỉ 10 lớp, Thiện Mỹ 7 lớp, Hựu Thành B 8 lớp, Nhơn Bình 7 lớp, Hòa Hiệp 7 lớp, Hòa Thạnh 8 lớp, Thành Trung 8 lớp.

[8] Bình Phước 35.9 HS/lớp, Hòa Tịnh 35.5 HS/lớp, Long Mỹ 34.6 HS/lớp, Tân An Hội 31.2 HS/lớp, Hòa Phú 36.8 HS/lớp, Phú Đức 40.0 HS/lớp, Trương Văn Chỉ 36.0 HS/lớp, Tân Quới Trung 36.0 HS/lớp, Trung An 36.0 HS/lớp, Thiện Mỹ 33,9 HS /lớp, Hựu Thành B 38,9 HS/lớp, Nhơn Bình 32,1 HS/lớp, Thành Trung 36,3 HS/lớp, Hòa Hiệp 30,5 HS/lớp, Hòa Thạnh 30,1 HS/lớp.

[9] Trường TH: Thị trấn Vũng Liêm, Phan Bội Châu, Thị trấn Trà Ôn, Hòa Phú A, Long Mỹ, Nhơn Phú C, Hiếu Phụng A, Song Phú, Nguyễn Văn Trỗi, Thành Đông A, Chu Văn An, Phước Hậu C, Tân Hạnh B, Nguyễn Trung Kiên, Cái Ngang, Thạch Thia, Mỹ Hòa C, Lý Thường Kiệt, Phan Văn Năm, Phan Văn Đáng. Xuân Hiệp B, Phú Thành, Thành Trung A, Trần Quốc Tuấn, Phú Đức A, Long Phước B, Lộc Hòa B, Bình Hòa Phước A, Hòa Tịnh A, Tân An Luông, Trung An A, Hòa Hiệp, Ngãi Tứ A, Ngãi Tứ B, Loan Mỹ B, Lê Thánh Tông, Xuân Hiệp A.