Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 202/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH KỸ NGHỆ THỰC PHẨM VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ  sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Khai thác tối đa lợi thế về nguồn nguyên liệu và tăng cường liên kết giữa các vùng miền để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho ngành kỹ nghệ thực phẩm, góp phần thúc đẩy ngành tăng trưởng với tốc độ cao, có tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu ngành ngày càng tăng và góp phần tạo thêm việc làm cho xã hội.

- Đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã kết hợp với nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời gắn sản xuất với tiêu dùng, trong đó đặc biệt quan tâm đến thị trường nội địa.

- Phát triển ngành kỹ nghệ thực phẩm đi đối với đổi mới công nghệ, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu tối đa đến môi trường sinh thái.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung

Xây dựng ngành kỹ nghệ thực phẩm phát triển, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, giảm nhập khẩu và tăng giá trị tăng thêm của ngành.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,21%, giai đoạn 2016 - 2020 là 14,87% và giai đoạn 2021 - 2025 là 12,44%.

- Phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành kỹ nghệ thực phẩm năm 2015 chiếm khoảng 1,67%, đến năm 2020 chiếm khoảng 1,85% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp.

- Chuyển dịch cơ cấu các nhóm sản phẩm kỹ nghệ thực phẩm theo hướng tăng tỷ trọng các nhóm sản phẩm bánh kẹo và nhóm sản phẩm ăn liền, giảm dần tỷ trọng nhóm sản phẩm bột ngọt. Mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng các nhóm sản phẩm bánh kẹo khoảng 40,43%, nhóm sản phẩm ăn liền khoảng 34,74% và bột ngọt khoảng 24,83%.

- Kim ngạch xuất khẩu ngành Kỹ nghệ thực phẩm giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng đạt 19,05% giai đoạn 2016-2020 đạt 20,09% năm và giai đoạn 2021-2030 là 16,86%/năm.

3. Định hướng phát triển

3.1. Định hướng phát triển ngành sản xuất bánh kẹo

- Đổi mới các thiết bị nấu kẹo hiện đại chân không, liên tục, năng suất cao, tiêu hao nguyên liệu và nhiên liệu thấp; sử dụng máy gói kẹo, bánh tự động, tốc độ cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và hình thức bao gói sản phẩm; kéo dài thời hạn sử dụng đối với các sản phẩm truyền thống như bánh cốm, bánh xu xê, các loại mứt quả… Chú trọng đến sản xuất các sản phẩm bánh kẹo cao cấp và một số sản phẩm ăn kiêng.

- Xây dựng thương hiệu kết hợp với tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ bánh kẹo trong nước và xuất khẩu.

- Đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, kết hợp giữa sản xuất nguồn nguyên liệu và chế biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất bánh kẹo.

- Trên cơ sở nguồn nguyên dồi dào, cùng với ưu thế giao thông thuận lợi, tiến hành kêu gọi các công ty hàng đầu thế giới vào Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy công suất lớn, mở rộng thị phần ở châu Á.

- Đầu tư xây dựng thêm một số nhà máy bánh kẹo cao cấp phục vụ xuất khẩu và khách hàng cao cấp trong nước. Các nhà máy phải được trang bị công nghệ hiện đại để sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

3.2. Định hướng phát triển ngành sản xuất nhóm sản phẩm ăn liền

- Đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với khẩu vị, tập quán của từng loại thị trường và khách hàng.

- Tăng cường đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị tăng thêm của ngành; đầu tư xây dựng mới các nhà máy sản xuất trên cơ sở cân đối cung cầu của từng vùng nhằm giảm tối đa chi phí phát sinh cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường kết hợp với xây dựng và hoàn thiện các kênh phân phối nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi.

- Đầu tư mới kết hợp với đổi thiết bị công nghệ theo hướng dẫn hiện đại để sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường nhằm cung cấp các sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng.

- Khai thác lợi thế nguồn nguyên liệu trong nước, đặc biệt là các sản phẩm sử dụng nguyên liệu bột gạo (bún khô, phở khô,…) để tăng sản lượng xuất khẩu; giải quyết tốt các vấn đề môi trường và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

3.3. Định hướng phát triển ngành sản xuất bột ngọt

- Liên kết chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất với vùng nguyên liệu lớn nhằm đảm bảo ổn định nguyên liệu cho sản xuất.

- Gắn chặt sản xuất với vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường; không đầu tư các dây chuyền, công nghệ lạc hậu; không đầu tư các dự án quy mô nhỏ nhằm thuận lợi việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý ô nhiễm.

- Phát triển công nghiệp sản xuất bột ngọt theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, chuyển dần sang các mặt hàng gia vị, thực phẩm chế biến.

4. Quy hoạch phát triển

4.1. Quy hoạch phát triển ngành sản xuất bánh kẹo

a) Đến năm 2020:

- Mở rộng và nâng công suất các cơ sở sản xuất tăng thêm sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm.

- Đầu tư xây dựng mới tại các khu vực: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Quảng Ninh hoặc Hải Phòng); khu vực miền Trung (Quảng Ngãi hoặc Bình Định); khu vực phía Nam (Cần Thơ hoặc Bến Tre); khu vực phía Nam (Đồng Nai hoặc Tây Ninh), mỗi khu vực 1 nhà máy sản xuất bánh kẹo công suất từ 20.000 - 40.000 tấn/năm.

- Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng bánh kẹo trong cả nước sẽ đạt khoảng 2.200.000 tấn.

- Xem xét đầu tư mới các nhà máy sản xuất bánh, kẹo cao cấp tại khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng), khu vực miền Trung (Quy Nhơn, Bình Định), khu vực phía Nam (Đồng Nai, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh).

b) Tầm nhìn đến năm 2030:

- Tiếp tục mở rộng và nâng cấp các cơ sở sản xuất bánh kẹo, phát huy hết công suất hiện có.

- Xây dựng mới nhà máy sản xuất bánh, kẹo cao cấp tại khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hoặc khu vực miền Trung.

- Phấn đấu đến năm 2030, sản lượng bánh kẹo trong cả nước đạt khoảng 6.800.000 tấn, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước và tăng sản lượng xuất khẩu.

4.2. Quy hoạch phát triển ngành sản xuất nhóm sản phẩm ăn liền

a) Đến năm 2020:

- Tập trung mở rộng, nâng công suất kết hợp đầu tư mới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó: đầu tư mở rộng sản xuất ở các nhà máy lớn hiện có để tăng thêm sản lượng 50.000 tấn/năm; đầu tư xây dựng với nhà máy sản xuất mỳ, phở, bún, cháo ăn liền tại vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Phấn đấu đến năm 2020 nhóm sản phẩm ăn liền đáp ứng 100% nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.

b) Tầm nhìn đến năm 2030

- Căn cứ vào tình hình thực tế về nhu cầu thị trường tại thời điểm năm 2020, tiếp tục mở rộng, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất các cơ sở sản xuất nhóm sản phẩm ăn liền hiện có với tiêu chí đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn môi trường cao hơn.

- Đầu tư mới 2 - 5 nhà máy sản xuất nhóm sản phẩm ăn liền với công suất 20 - 50 nghìn tấn/năm ở cả 3 miền. Đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu để đến năm 2030 có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

4.3. Quy hoạch phát triển ngành sản xuất bột ngọt

a) Đến năm 2020:

- Mở rộng, nâng công suất một số dự án hiện có lên thêm khoảng 40.000 tấn.

- Đầu tư mới tại mỗi khu vực sau, mỗi khu vực 01 nhà máy: Khu vực phía Bắc, xây dựng mới 01 nhà máy tại Phú Thọ; khu vực miền Trung tại Quảng Ngãi; khu vực phía Nam tại Đồng Nai. Tổng công suất xây dựng mới khoảng 100.000 tấn.

- Đến năm 2020 ngành sản xuất bột ngọt cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước.

b) Tầm nhìn đến năm 2030:

Trên cơ sở xem xét hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các dự án có đến thời điểm năm 2020 và xem xét nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2030, mức độ tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của ngành sản xuất bột ngọt, dự kiến sẽ đầu tư chiều sâu và mở rộng một số dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn; sản xuất xanh, sạch, có giá trị gia tăng cao.

- Tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng mới 03 nhà máy sản xuất bột ngọt tại 3 miền, mỗi nhà máy công suất khoảng 20.000 - 50.000 tấn/năm.

4.4. Phân bố không gian

a) Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Được quy hoạch là khu vực sản xuất dòng sản phẩm trung bình và nhóm sản phẩm bột ngọt. Đồng thời là khu vực sản xuất nguyên liệu và sản xuất bánh kẹo quy mô nhỏ.

b) Vùng đồng bằng sông Hồng: Quy hoạch sản xuất bánh kẹo và nhóm sản phẩm ăn liền để cung cấp cho khu vực phía Bắc. Các sản phẩm chủ yếu thuộc dạng trung bình và cao cấp. Ngoài ra, khu vực này còn có rất nhiều làng nghề do vậy được quy hoạch sản xuất sản phẩm truyền thống phục vụ các dịp lễ hội và tham gia xuất khẩu.

c) Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền: Quy hoạch sản xuất nhóm sản phẩm bánh kẹo và mỳ ăn liền thuộc dạng trung bình và quy mô nhỏ

d) Vùng Tây Nguyên: Quy hoạch là vùng phát triển nguyên liệu cacao, tinh bột ngô, sắn. Ngoài ra, do đặc điểm về vị trí địa lý và khả năng tiêu thụ sản phẩm nên khu vực này có thể phát triển sản xuất bánh kẹo chất lượng trung bình với quy mô nhỏ.

đ) Vùng Đông Nam Bộ: Là vùng khá phát triển nên tập trung sản xuất các loại bánh kẹo, nhóm sản phẩm ăn liền, bột ngọt cao cấp với quy mô lớn

e) Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Là vùng sản xuất nông sản lớn của cả nước do vậy tiếp tục quy hoạch là vùng nguyên liệu. Đồng thời khu vực này được quy hoạch sản xuất các dòng sản phẩm trung và cao cấp để cung cấp cho khu vực.

5. Một số giải pháp chủ yếu

5.1. Giải pháp về thị trường

a) Đối với thị trường trong nước

- Tăng cường đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu; dự báo thị trường và xúc tiến thương mại để có các dữ liệu đầy đủ, chính xác và kịp thời về thị trường, từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành nắm bắt được đầy đủ thông tin về thị trường phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Tổ chức thường niên hội chợ triển lãm trong nước để các doanh nghiệp tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm về các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để sản phẩm của ngành có được thị trường nội địa bền vững;

- Tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu và lưu thông trên thị trường trong nước, để chống hàng lậu, hàng kém chất lượng.

b) Đối với thị trường xuất khẩu

- Tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý tới các thị trường mới, giàu tiềm năng.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và tổ chức các kênh phân phối đa dạng kết hợp với thiết lập các chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác thương mại thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các đoàn công tác của Chính phủ.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường xuất khẩu, đặc biệt chú trọng tới nhu cầu và đặc tính tiêu dùng của các thị trường, tạo cơ sở cho việc phát huy các lợi thế so sánh của ngành kỹ nghệ thực phẩm phù hợp với nhu cầu của các thị trường.

- Thiết lập hệ thống thông tin trong khu vực và toàn cầu, thông qua văn phòng đại diện Thương mại Việt Nam để có thể cập nhật thường xuyên và nhanh chóng nhu cầu thị trường trong khu vực và trên thế giới.

5.2. Giải pháp đối với doanh nghiệp ngành kỹ nghệ thực phẩm

- Xây dựng chiến lược thị trường của doanh nghiệp và cho từng chủng loại sản phẩm, đảm bảo phù hợp các điều kiện của AFTA, WTO và các tổ chức thương mại khác.

- Xây dựng mạng thông tin để quảng bá hình ảnh, đồng thời cũng là kênh cung cấp thông tin cho khách hàng khi muốn tìm hiểu doanh nghiệp.

- Thực hiện nghiêm túc các cam kết trong hiệp định khu vực để tận dụng tối đa ưu thế của thị trường ASEAN; tích cực tham gia các hội chợ ở trong và ngoài nước để nắm bắt kịp xu thế tiêu dùng, tìm kiếm thị trường mới.

- Chú trọng xây dựng và phát triển rộng khắp hệ thống đại lý và tiêu thụ sản phẩm, phát huy vai trò của các chi nhánh nhằm tăng tính chủ động trong kinh doanh.

- Không ngừng nghiên cứu đưa ra thị trường sản phẩm mới, đa dạng hóa các sản phẩm và nâng cao chất lượng để tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó tập trung nguồn lực nhiều hơn cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

- Xây dựng, rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết, tạo tiền đề cho việc hạ giá thành sản phẩm.

- Tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, bổ sung nguồn lực, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; tham gia vào các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để tận dụng sự hỗ trợ.

5.3. Giải pháp về phát triển nguồn nguyên liệu

Khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu cho ngành bằng vay vốn với lãi suất ưu đãi; thực hiện quy hoạch đồng bộ các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở chế biến và tăng cường liên kết giữa trồng trọt và chế biến.

5.4. Giải pháp về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

- Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến trong ngành để tạo ra các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra mặt hàng có năng lực cạnh tranh cao.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kết hợp đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

- Tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường; kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường theo pháp luật hiện hành.

- Khuyến khích các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đầu tư sản xuất các phụ tùng thay thế cho các phụ tùng, linh kiện còn phải nhập ngoại của các nhà máy đã đi vào hoạt động hay đang có kế hoạch đầu tư.

5.5. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở xác định nhu cầu về lao động ở mọi trình độ gắn liền với định hướng phát triển và nhu cầu về lao động từng giai đoạn.

- Các doanh nghiệp dành tỷ lệ chi phí thỏa đáng cho đào tạo đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật để tiếp cận và sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết bị, công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cao và giảm chi phí sản xuất.

- Tăng cường đào tạo kiến thức an toàn thực phẩm cho các đối tượng sản xuất kinh doanh cũng như kiến thức về Quản lý an toàn thực phẩm cho các đối tượng là cơ quan quản lý.

- Chú trọng công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho ngành chế biến nông sản thực phẩm nói chung và ngành kỹ nghệ thực phẩm nói riêng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương công bố, tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai thực hiện Quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch; kiến nghị với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

2. Các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền chức năng được giao, phối hợp với Bộ Công Thương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cụ thể hóa Quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng; các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Website Bộ Công Thương;
- Các Vụ, Cục, Viện Nghiên cứu CLCSCN thuộc BCT;
- Lưu: VT, CN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hồ Thị Kim Thoa

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN NGÀNH KỸ NGHỆ THỰC PHẨM VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 202/QĐ-BCT ngày 08 tháng 01 năm 2014)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Sản phẩm

CSTK (Tấn/năm)

A. Bánh kẹo

1

Đầu tư mở rộng sản xuất bánh kẹo ở các cơ sở SX tư nhân

Trong cả nước

Bánh kẹo

300.000

2

Đầu tư mở rộng sản xuất bánh kẹo ở các nhà máy lớn

Trong cả nước

Bánh kẹo

100.000

3

Đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất bánh kẹo phía Bắc

Hải Phòng; Quảng Ninh

Bánh
Kẹo

10.000
20.000

4

Đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất các loại

Quảng Ngãi; Bình Định; Quảng Nam

Bánh ngọt
Bánh quy

10.000
10.000

5

Đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất sô cô la

Cần Thơ/BếnTre

Sô cô la

20.000

6

Đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất bánh kẹo phía Nam

Đồng Nai/Tây Ninh

Bánh
Kẹo

5.000
15.000

7

Đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất bánh kẹo cao cấp

TP. HCM/ TP Đà Nẵng

Bánh kẹo cao cấp

250.000

B. Nhóm sản phẩm ăn liền

8

Đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm ăn liền

Trong cả nước

Mỳ, phở, bún

50.000

9

Đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất sản phẩm ăn liền phía Bắc

Bắc Ninh

Mỳ, phở, bún

30.000

10

Đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất sản phẩm ăn liền miền Trung

Đà Nẵng; Bình Định

Mỳ, phở, bún

30.000

11

Đầu tư xây dựng mới nhà máy sản xuất sản phẩm ăn liền phía Nam

Biên Hòa

Mỳ, phở, bún

50.000

12

Đầu tư mới 2-5 nhà máy sản xuất sản phẩm ăn liền giai đoạn sau năm 2020

Trong cả nước

Mỳ, phở, bún

20.000-50.000

C. Bột ngọt

13

Đầu tư mở rộng sản xuất

Đồng Nai, Phú Thọ, Biên Hòa

Bột ngọt, hạt nêm

120.000

14

Xây dựng mới 01 nhà máy bột ngọt ở phía Bắc

Phú Thọ

Bột ngọt

50.000

15

Xây dựng mới 01 nhà máy bột ngọt ở miền Trung

Quảng Ngãi

Bột ngọt

30.000

16

Xây dựng mới 01 nhà máy bột ngọt ở phía Nam

Đồng Nai

Bột ngọt

20.000

17

Xây dựng mới 01 nhà máy bột ngọt ở miền Trung

Thanh Hóa

Hạt nêm

150.000

18

Xây dựng mới 03 nhà máy bột ngọt giai đoạn sau năm 2020

Trong cả nước

Bột ngọt, hạt nêm

20.000-50.000

 

PHỤ LỤC II

CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM VỀ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC NGHIÊN CỨU
(Kèm theo Quyết định số 202/QĐ-BCT ngày 08 tháng 01 năm 2014)

1. Đầu tư 02 dự án tại các Viện nghiên cứu về thực phẩm. Bao gồm:

- Nâng cấp phòng thí nghiệm về kỹ nghệ thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Xây dựng mới một xưởng thực nghiệm kỹ nghệ thực phẩm.

2. Xây dựng 01 phòng thí nghiệm mới về kỹ nghệ thực phẩm và vệ sinh an toàn.

3. Đầu tư 03 dự án đầu tư về đạo tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý, nghiên cứu, triển khai sản xuất, phát triển thị trường và kiểm tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm cho ngành kỹ nghệ thực phẩm tại các trường đại học/cao đẳng/dạy nghề tại ba miền Bắc, Trung, Nam.