Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 202-TTg

Hà Nội , ngày 02 tháng 5 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ VIỆC KHOÁN BẢO VỆ RỪNG, KHOANH NUÔI TÁI SINH RỪNG VÀ TRỒNG RỪNG 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về việc khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng.

Điều 2. Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những Quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã Ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC KHOÁN BẢO VỆ RỪNG, KHOANH NUÔI TÁI SINH RỪNG VÀ TRỒNG RỪNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 202-TTg ngày 2-5-1994)

Điều 1.

1. Các tổ chức của Nhà nước bao gồm các Ban Quản lý khu rừng phòng hộ, khu rừng đặc dụng; các doanh nghiệp lâm, nông, ngư; các trạm, trại, xí nghiệp giống lâm nghiệp, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; các trường học, trường dạy nghề và các tổ chức kinh tế Nhà nước khác được cấp có thẩm quyền giao cho rừng và đất lâm nghiệp chưa có rừng theo quy định tại điểm 1, Điều 5 Nghị định của Chính phủ số 2-CP ngày 15-1-1994 là Chủ rừng Nhà nước. Chủ rừng Nhà nước được quyền giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng mới cho hộ gia đình và các tổ chức khác.

2. Các Chủ rừng thực hiện việc giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng mới phải có các điều kiện sau đây:

- Có quyết định giao quyền sử dụng đất của cấp có thẩm quyền cấp.

- Phải có luận chứng kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Có nguồn vốn thanh toán chi phí khoán theo kế hoạch được duyệt hàng năm.

Điều 2. Đối tượng nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng gọi tắt là Hộ nhận khoán bao gồm hộ gia đình; cá nhân; các cơ quan; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; các trường học; các tổ chức xã hội; các tổ chức kinh tế.

Những hộ đồng bào dân tộc còn du canh du cư, những người đang sinh sống tại chỗ, những người ở nơi khác đến lập nghiệp lâu dài được ưu tiên nhận khoán.

Điều 3. Giữa bên giao và bên nhận khoán phải lập hợp đồng khoán. Nội dung hợp đồng khoán gồm:

- Thực trạng rừng, đất trồng rừng nhận khoán.

- Khối lượng, chất lượng công việc phải thực hiện (bao gồm cả trồng cây công nghiệp, kinh tế vườn), kết quả phải đạt được theo từng thời gian trong việc bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng mới.

- Những cam kết trách nhiệm và quyền lợi của bên khoán và bên nhận khoán, phương thức thanh toán tiền công khoán.

- Những quy định xử phạt đối với những vi phạm hợp đồng.

Hợp đồng do bên khoán và bên nhận khoán lập và ký kết phải được Uỷ ban nhân dân xã hoặc huyện sở tại xác nhận.

Điều 4.

1. Căn cứ xuất đầu tư bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành, Bộ Lâm nghiệp quy định mức khoán (đơn giá khoán) cho từng loại công việc của 3 loại rừng phù hợp với từng vùng và từng thời gian (kể cả hướng dẫn việc thanh toán công khoán bằng lâm sản).

2. Nguồn vốn để thanh toán chi phí khoán bao gồm vốn Ngân sách Nhà nước, vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế, vốn vay Ngân hàng (theo Quyết định số 264-CT ngày 22-7-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) theo kế hoạch được duyệt hàng năm và vốn kinh doanh của các Chủ rừng.

Điều 5. Trách nhiệm của Chủ rừng:

1. Phải xác định rõ diện tích, hiện trạng rừng, vị trí ranh giới trên bản đồ và trên thực địa đối với việc khoán bảo vệ rừng hiện có.

2. Phải tuân thủ quy hoạch, quy trình kỹ thuật và thiết kế cụ thể do cấp có thẩm quyền của ngành Lâm nghiệp duyệt để khoán đến hộ theo các công đoạn tạo rừng mới cho đến khi định hình đối với việc khoán khoanh nuôi tái sinh rừng hoặc trồng mới trên đất chưa có rừng.

3. Xây dựng kế hoạch, các biện pháp bảo vệ, chống cháy rừng, phòng trừ sâu hại rừng, và hướng dẫn các hộ nhận khoán thực hiện các biện pháp đó.

4. Hướng dẫn và giúp đỡ các hộ nhận khoán về kỹ thuật gieo ươm tạo cây giống (bao gồm cây lấy gỗ, cây đặc sản, cây công nghiệp, cây ăn quả) và kỹ thuật gây, trồng rừng.

5. Thực hiện đầy đủ những cam kết trong hợp đồng khoán. Đối với diện tích rừng khoán được phép khai thác, nếu hộ nhận khoán đồng ý thì Chủ rừng có thể thanh toán công khoán bằng lâm sản. ở những vùng sâu, vùng cao, nếu hộ nhận khoán có yêu cầu trả công khoán bằng lương thực thay tiền, Chủ rừng phải đáp ứng yêu cầu của hộ nhận khoán.

6. Giúp các hộ nhận khoán vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình theo chính sách của Nhà nước.

Điều 6. Nghĩa vụ và quyền lợi của hộ nhận khoán:

1. Các hộ nhận khoán có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ những cam kết ghi trong hợp đồng khoán.

2. Các hộ nhận khoán được hưởng các quyền lợi sau đây:

- Được hưởng công khoán bằng tiền hoặc bằng hiện vật theo hợp đồng.

- Được tận thu sản phẩm phụ của rừng nhận khoán theo quy định của Bộ Lâm nghiệp và hướng dẫn của Chủ rừng.

- Được phép lựa chọn các hình thức nhận khoán, thời gian nhận khoán theo từng loại rừng và nội dung công việc phù hợp với hoàn cảnh của mình. Nhà nước khuyến khích nhận khoán ổn định với thời gian 50 năm đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và với thời gian một chu kỳ kinh tế đối với rừng sản xuất.

- Được kết hợp sản xuất nông nghiệp khi rừng chưa khép tán hoặc dưới tán rừng và được hưởng toàn bộ sản phẩm do mình kết hợp sản xuất ra.

- Khi thời gian nhận khoán theo hợp đồng đã ký chưa kết thúc, do hoàn cảnh khách quan không thể tiếp tục nhận khoán nữa, hộ nhận khoán có thể chuyển quyền nhận khoán cho hộ khác hoặc thanh toán phần hợp đồng trong thời gian đã thực hiện để Chủ rừng lập hợp đồng khoán với hộ khác.

- Hộ nhận khoán được Chủ rừng xét bán gỗ để làm nhà ở theo chính sách chung của Nhà nước.

Điều 7. Việc khoán cụ thể đối với 3 loại rừng được áp dụng như sau:

1. Đối với rừng đặc dụng:

a) Ở các khu vực cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình sống xen kẽ mà chưa hoặc không có khả năng di chuyển đi nơi khác. Nguồn kinh phí khoán do Ngân sách Nhà nước cấp cho Chủ rừng hàng năm. Hộ gia đình nhận khoán có trách nhiệm bảo tồn nguyên vẹn diện tích rừng nhận khoán.

b) Ở khu vực cần phục hồi sinh thái, ở vùng đệm của các vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, Chủ rừng khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng mới cho hộ nhận khoán theo quy hoạch hoặc luận chứng kinh tế - kỹ thuật được duyệt và theo kế hoạch cấp vốn hàng năm của Nhà nước.

Hộ nhận khoán được trồng xen cây công nghiệp, cây đặc sản theo hướng dẫn của Chủ rừng, được hưởng toàn bộ sản phẩm cây trồng kết hợp; việc trồng xen các cây trồng khác trong rừng đặc dụng không được làm hại đến cây trồng chính và độ phì nhiêu của đất.

2. Đối với rừng phòng hộ:

a) Ở vùng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu và xung yếu, việc thực hiện khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng phải tuân theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và do Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hàng năm.

b) Ở vùng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu, việc thực hiện khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng mới được áp dụng như đối với khu vực phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng nói ở tiết b, điểm 1, Điều 7 trên đây.

c) Đối với rừng phòng hộ ven biển (ngăn cát di động, bảo vệ đê ven biển và chống lở ven biển), Chủ rừng được nhận vốn đầu tư hàng năm của Nhà nước để khoán và bảo vệ rừng, trồng rừng, cho hộ nhận khoán.

3. Đối với rừng sản xuất:

a) Đối với rừng tự nhiên và rừng trồng các loài cây có chu kỳ sinh trưởng trên 20 năm.

- Trong trường hợp có khai thác lâm sản, Chủ rừng phải tự đầu tư vốn khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng.

- Trong trường hợp không khai thác lâm sản, hoặc lượng khai thác ít không đủ vốn để khoán sẽ được Nhà nước đầu tư theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khi khai thác, Chủ rừng phải hoàn trả vốn cho Nhà nước.

b) Đối với rừng trồng các loài cây có chu kỳ sinh trưởng dưới 20 năm, Chủ rừng vay vốn với lãi xuất ưu đãi theo quyết định số 264-CT ngày 22-7-1992 để khoán bảo vệ rừng và trồng rừng trong chu kỳ đầu. Khi khai thác sản phẩm chu kỳ đầu, Chủ rừng phải hoàn trả vốn và lãi cho Nhà nước.

Khi khai thác rừng sản xuất, Chủ rừng phải nộp thuế và các khoản nộp Ngân sách Nhà nước theo luật định.

Điều 8. Chủ rừng Nhà nước hoặc hộ nhận khoán phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra do vi phạm hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Pháp luật. Nếu vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì sẽ xử phạt theo các Điều 50, 51, 52 của Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 9. Bộ Lâm nghiệp, các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các Chủ rừng thuộc quyền quản lý của mình thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng đối với 3 loại rừng theo thẩm quyền quy định. Uỷ ban nhân dân xã hoặc huyện có trách nhiệm trực tiếp giám sát thực hiện các hợp đồng đã ký.

Điều 10. Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và miền núi, Thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành bản Quy định này.