Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2023/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2019 - 2025

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 3816/QĐ-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2017 của Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình), bao gồm các nội dung chính sau đây:

1. Tên Chương trình: Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà giai đoạn 2019 - 2025.

2. Mục tiêu Chương trình:

a) Mục tiêu tổng quát: Thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo thông qua các giải pháp về phát triển thị trường công nghệ điện mặt trời mái nhà.

b) Mục tiêu cụ thể: Đến cuối năm 2025, một trăm (100) ngàn hệ thống điện mặt trời mái nhà (hoặc tương đương 1.000MWp) được lắp đặt và vận hành trên toàn quốc.

3. Các Hợp phần của Chương trình:

3.1. Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường.

Hợp phần bao gồm các nhóm hoạt động về:

a) Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) và tác động đối với lưới điện phân phối.

b) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

3.2. Tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm

Hợp phần bao gồm các nhóm hoạt động về:

a) Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn về thiết bị công nghệ, lắp đặt, đấu nối và vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà;

b) Nghiên cứu xây dựng quy trình kiểm định chất lượng thiết bị ĐMTMN; thực hiện thí điểm và nâng cao năng lực cho đơn vị kiểm định, cơ quan quản lý chuyên môn.

3.3. Thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm

Hợp phần bao gồm các nhóm hoạt động về:

a) Nghiên cứu, phân tích, khảo sát thị trường, xác định nhu cầu, vai trò các bên liên quan (nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ, nhà đầu tư và nhà phát triển dự án, bên sở hữu mái nhà, bên mua điện) và xác định nhóm mục tiêu, nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật tiềm năng.

b) Triển khai các chương trình, dự án tài trợ thí điểm về đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật.

3.4. Chương trình Chứng chỉ Điện mặt trời mái nhà (RTS)

Hợp phần bao gồm các nhóm hoạt động về:

a) Đánh giá nhu cầu và xây dựng kế hoạch hoạt động nâng cao năng lực, đào tạo cho các cấp, các ngành, nhà đầu tư, đơn vị dịch vụ, lắp đặt, vận hành và tổ chức, cá nhân có liên quan.

b) Triển khai các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ Điện mặt trời mái nhà (Chứng chỉ RTS) cho các nhà cung cấp thiết bị; cung cấp dịch vụ tư vấn; tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống ĐMTMN tham gia Chương trình.

c) Xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao năng lực cho các Trường đại học, trung cấp chuyên ngành.

3.5. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và Chiến lược truyền thông

Hợp phần bao gồm các nhóm hoạt động về:

a) Xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu nền tảng trực tuyến về điện mặt trời và ĐMTMN nhằm hỗ trợ công tác quản lý, quy hoạch, giám sát, báo cáo và phát triển thị trường.

b) Xây dựng chiến lược, thiết kế và thực hiện các hoạt động truyền thông và chia sẻ thông tin về ĐMTMN (website, truyền hình, hội thảo, tọa đàm...).

c) Tổ chức hội thảo và diễn đàn trao đổi, phổ biến kinh nghiệm và khuyến nghị về quá trình xây dựng chính sách và nhân rộng mô hình phát triển.

Hoạt động cụ thể của Chương trình tại Phụ lục.

4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2019 đến năm 2025.

5. Cơ chế huy động nguồn lực thực hiện Chương trình

- Lồng ghép các hoạt động của Chương trình với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án ODA không hoàn lại và các hoạt động trong nhiệm vụ quản lý của Bộ Công Thương.

- Đối với nguồn vốn của các địa phương: Do địa phương cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác.

- Khuyến khích huy động các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện Chương trình.

6. Tổ chức thực hiện:

a) Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà giai đoạn 2019 - 2025.

- Thành lập Ban điều phối Chương trình gồm lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đại diện từ các nhà tài trợ để phối hợp xây dựng kế hoạch định kỳ năm và triển khai các hoạt động của Chương trình. Giúp việc cho Ban điều phối sẽ là Tổ chuyên gia gồm đại diện của các đơn vị, đại diện nhà tài trợ và các chuyên gia độc lập. Chi phí nhân lực và vận hành Tổ chuyên gia sẽ được huy động từ nguồn tài trợ của các nhà tài trợ.

- Tổ chức đánh giá tiến độ định kỳ, giữa kỳ và đánh giá kết thúc Chương trình, tăng cường phối hợp giữa các bên nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu và đạt được các kết quả mong đợi của Chương trình.

- Định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương về tiến độ, kết quả Chương trình và đề xuất các giải pháp thực hiện.

b) UBND các Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương

- Phối hợp với Bộ Công Thương trong các hoạt động nghiên cứu đánh giá tiềm năng và xác định khu vực có khả năng phát triển ĐMTMN phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế.

- Có cơ chế khuyến khích phát triển các tòa nhà hành chính, thương mại, dịch vụ, văn phòng lắp đặt hệ thống ĐMTMN theo thẩm quyền.

- Phối hợp Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý ĐMT và ĐMTMN.

c) Tập đoàn Điện lực Việt Nam

- Triển khai các hoạt động hỗ trợ ĐMTMN theo chức năng, thẩm quyền.

- Hướng dẫn các đơn vị điện lực thực hiện đấu nối hệ thống ĐMTMN nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo đúng quy định và an toàn vận hành.

- Xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý điện mặt trời và ĐMTMN trên toàn quốc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, ĐL (3).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Quốc Vượng

 

PHỤ LỤC

CÁC HỢP PHẦN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH
(Kèm theo Quyết định số 2023/QĐ-BCT ngày 05 tháng 07 năm 2019 của Bộ Công Thương phê duyệt Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025)

TT

Mục tiêu và các hoạt động chính

2019-2021

2021-2025

Nguồn lực dự kiến

1

Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường

1.1.

Nghiên cứu đánh giá tiềm năng ĐMTMN tại những thành phố lớn; Đánh giá tác động của hệ thống điện mặt trời áp mái đối với lưới phân phối tại một số thành phố lớn và khu vực đông dân cư

x

x

Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới (WB), EU và các nhà tài trợ (VEPG)

1.2.

Nghiên cứu và đề xuất ban hành và/hoặc sửa đổi (các) Quyết định và Thông tư về cơ chế hỗ trợ (FIT), giải pháp kỹ thuật và hợp tác, các cơ chế tài chính khuyến khích.

x

x

Bộ Công Thương, WB, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID), VEPG

1.3.

Nghiên cứu và đề xuất mục tiêu RTS đến năm 2025 cho Chương trình RTS và lồng ghép vào Tổng sơ đồ điện 8

x

 

Bộ Công Thương, WB, GIZ, USAID

1.4.

Tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội thảo tham vấn, các diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm

x

x

Bộ Công Thương, VEPG

2.

Tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm

2.1

Xây dựng tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật

 

 

 

2.1.1

Phối hợp với EVN và các bên liên quan xây dựng, trình ban hành quy định về nối lưới (grid code)

x

 

Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), GIZ

2.1.2

Rà soát, xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thiết bị ĐMT, lắp đặt và vận hành

x

 

Bộ Công Thương, EVN, GIZ và phối hợp với các Bộ ngành có liên quan

2.1.3

Hướng dẫn vận hành hệ thống điện mặt trời và điện mặt trời áp mái (lưới hạ áp)

x

 

Bộ Công Thương, EVN, GIZ

2.1.4

Xây dựng hướng dẫn đầu tư cho dự án điện mặt trời trên mái nhà thương mại và công nghiệp

x

 

Bộ Công Thương, GIZ

2.1.5

Xây dựng hợp đồng mẫu cho các mô hình phát triển ĐMTMN

x

 

Bộ Công Thương, EVN, GIZ

2.1.6

Tổ chức hội thảo, hội nghị tham vấn trao đổi kiến thức và phổ biến kinh nghiệm

x

x

Bộ Công Thương và VEPG, EU

2.2

Chương trình kiểm định và thử nghiệm

 

 

 

2.2.1

Nghiên cứu xây dựng quy trình kiểm định chất lượng thiết bị ĐMTMN; xây dựng chỉ tiêu kiểm định và vật liệu kiểm định; yêu cầu và đề xuất đơn vị thực hiện kiểm định

x

x

Bộ Công Thương, VEPG, EU và phối hợp với các Bộ ngành liên quan

2.2.2

Xây dựng và thực hiện thí điểm quy trình kiểm định thử nghiệm và dán nhãn hiệu suất tấm pin mặt trời trong khuôn khổ Chương trình RTS

x

x

Bộ Công Thương, VEPG, EU và phối hợp với các Bộ ngành liên quan

2.2.3

Nâng cao năng lực cho đơn vị kiểm định và cơ quan quản lý chuyên môn

x

x

Bộ Công Thương, VEPG, EU và phối hợp với các Bộ ngành liên quan

3

Thúc đẩy các điều kiện thị trường và Chương trình tài trợ thí điểm

3.1

Nghiên cứu và phân tích điều kiện thị trường

 

 

 

3.1.1

Nghiên cứu và phân tích điều kiện thị trường gồm: đánh giá nhu cầu, xác định các bên liên quan, vai trò các bên, quy mô dự án điện mặt trời trên mái phù hợp, từ đó xác định (các) nhóm mục tiêu, nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật tiềm năng

x

x

Bộ Công Thương WB, GIZ, USAID, EU, VEPG

3.1.2

Khảo sát thị trường (hiện trạng phát triển hệ thống ĐMTMN, thị trường thiết bị/hệ thống ĐMTMN, các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ, nhà đầu tư và nhà phát triển dự án, bên sở hữu mái, người mua)

x

x

Bộ Công Thương EVN, GIZ, USAID, EU, VEPG

3.2

Chương trình tài trợ thí điểm

 

 

 

3.2.1

Chương trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam GET-FIT 2017 - 2027 (hỗ trợ chi phí gia tăng cho các dự án điện mặt trời và ĐMTMN với tổng công suất Chương trình tới 200 MW)

x

x

Bộ Công Thương, EVN, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) EU, VEPG

3.2.2

Hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các đơn vị tư vấn, dịch vụ và nhà đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà Chương trình RTS

x

x

Bộ Công Thương EU, VEPG

4

Chương trình chứng chỉ RTS

 

 

 

4.1.

Đánh giá năng lực thực hiện các bên, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực theo các modules: tư vấn, lắp đặt và bảo trì hệ thống ĐMTMN và mô hình kinh doanh

x

 

Bộ Công Thương, GIZ, VEPG

4.2.

Đào tạo, cấp Chứng chỉ RTS cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, lắp đặt hệ thống ĐMTMN

x

x

Bộ Công Thương, GIZ, EU

4.3.

Đào tạo, cấp Chứng chỉ RTS về quan trắc, đo đếm và tính toán hiệu suất điện mặt trời trên mái nhà

x

x

Bộ Công Thương, GIZ, EU

4.4.

Xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao năng lực cho các Trường đại học/trung cấp chuyên ngành đào tạo công nhân kỹ thuật và cán bộ kỹ thuật (bao gồm đào tạo cho giáo viên, học sinh và hỗ trợ xây dựng chương trình và giáo trình đào tạo chính khóa, đào tạo ngắn hạn)

x

x

Bộ Công Thương EU, VEPG

4.6.

Tổ chức đào tạo/hội thảo/hội nghị trao đổi kinh nghiệm và về chủ đề kỹ thuật, chủ đề liên quan để hỗ trợ giảm rủi ro tài chính

x

x

Bộ Công Thương VEPG

5

Thông tin quản lý và Chiến lược truyền thông

 

 

 

5.1.

Xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu/nền tảng trực tuyến về điện mặt trời PV và điện mặt trời trên mái nhà (công suất, địa điểm, ngày lắp đặt, đơn vị phát triển....) nhằm hỗ trợ việc giám sát và báo cáo, báo cáo về đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), quy hoạch lưới, phát triển thị trường).

x

x

Bộ Công Thương EVN EU, VEPG

5.2.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông và chia sẻ thông tin (xây dựng trang web, tạo poster quảng cáo, video; tổ chức hội thảo/phiên trao đổi thông tin, tọa đàm)

x

x

Bộ Công Thương, USAID, EU

5.3.

Thiết kế hoạt động cho các nhóm mục tiêu khác nhau (ví dụ: Công chúng, Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nhà hoạch định chính sách/cơ quan hữu quan

x

x

Bộ Công Thương, USAID

5.4.

Tổ chức hội thảo và diễn đàn phổ biến bài học kinh nghiệm và khuyến nghị về quá trình xây dựng chính sách và nhân rộng

x

x

Bộ Công Thương VEPG

5.5.

Hàng năm tổ chức chiến dịch điện mặt trời trên mái nhà, tọa đàm chuyên đề, các hoạt động trưng bày tại cộng đồng dân cư, sử dụng sức mạnh truyền thông của mạng xã hội để cùng lan truyền hiệu quả chương trình RTS

x

x

Bộ Công Thương EU

6

Tổ chức thực hiện và đánh giá tác động Chương trình RTS

6.1.

Thành lập Ban điều phối thực hiện Chương trình

x

 

Bộ Công Thương

6.2.

Thiết kế và triển khai hệ thống M&E và hệ thống báo cáo tại các cấp, các ngành

x

x

Bộ Công Thương và EU, VEPG

6.3.

Đánh giá định kỳ và đánh giá kết thúc, tổng kết bài học kinh nghiệm và báo cáo đề xuất

x

x

Bộ Công Thương và EU, VEPG

6.4.

Tổ chức hội nghị hội thảo, học tập kinh nghiệm, các diễn đàn

x

x

Bộ Công Thương và EU, VEPG