BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2027/QĐ-BNN-BVTV | Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2015 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25/11/2013;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng giai đoạn 2015 - 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
- Mở rộng ứng dụng IPM trên cây trồng nhằm góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường; tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.
- Ứng dụng IPM ở Việt Nam dựa trên nguyên tắc hài hòa với các nước trong khu vực và trên thế giới;
- Trên cơ sở tiếp cận sinh thái để quản lý dịch hại và bảo tồn thiên địch, thông qua áp dụng hài hòa các biện pháp canh tác, tăng khả năng chống chịu của cây trồng, giảm sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.
- Phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình và hỗ trợ của nhà nước trong áp dụng IPM.
1. Mục tiêu chung
Giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm; góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Trên 90% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả về IPM.
- Đối với cây lúa: Có 80% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 50%, lượng phân đạm giảm trên 10%, lượng giống giảm trên 30%, lượng nước tưới giảm trên 20%, phát thải khí nhà kính giảm trên 20% và tăng hiệu quả sản xuất trên 10%.
- Đối với cây ngô, màu: Có 70% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 30%, lượng giống giảm trên 20% và tăng hiệu quả sản xuất trên 50%.
- Đối với cây rau: Có 70% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 50%, lượng phân đạm giảm trên 20%, lượng giống giảm trên 20% và tăng hiệu quả sản xuất trên 30%.
- Đối với cây ăn quả: 80% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất cây ăn quả hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 30%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.
- Đối với cây công nghiệp dài ngày: 85% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 80% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 50% và tăng hiệu quả sản xuất trên 15%.
1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cộng đồng áp dụng IPM trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên,...), các cơ quan thông tin đại chúng.
- Tổ chức thực hiện đồng bộ kế hoạch tuyên truyền, bao gồm: In ấn tờ rơi, pano-apphic, bản tin, câu chuyện truyền thanh, băng đĩa hình...; xây dựng ô trình diễn “không dùng thuốc trừ sâu sớm, giảm đạm, giảm mật độ”; tuyên truyền trên truyền hình, báo, đài phát thanh, truyền thanh.
- Phổ biến rộng rãi tới người sản xuất qua hệ thống thông tin đại chúng các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật IPM (3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm; rau an toàn; thực hành nông nghiệp tốt-GAP; hệ thống thâm canh lúa cải tiến-SRI, ...).
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng về nguy cơ do hóa chất bảo vệ thực vật gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
- Xây dựng, duy trì trang Web về IPM để quản lý và phổ biến kiến thức IPM đến người sản xuất.
2. Xây dựng quy trình và các định mức kinh tế-kỹ thuật
- Xây dựng quy trình áp dụng các nguyên tắc IPM cho từng cây trồng; bao gồm các biện pháp từ chọn giống, làm đất, thời vụ, bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch,...
- Xây dựng quy trình thâm canh cây trồng bền vững; trong đó có lồng ghép các kỹ thuật IPM (trồng cây che bóng, che phủ đất, sử dụng chế phẩm sinh học phân giải nhanh tàn dư cây trồng, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học đối kháng, kết hợp sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, luân canh cây trồng ...).
- Xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật tổ chức các lớp huấn luyện nông dân (Farmer Field School- FFS) về IPM, xây dựng mô hình tổ chức cộng đồng ứng dụng IPM trên cánh đồng lớn đối với mỗi loại cây trồng, thực nghiệm đồng ruộng do nông dân thực hiện, hội nghị đầu bờ...
3. Xây dựng mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý dịch hại bền vững, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
- Đối với cây lúa: Xây dựng mô hình áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững nhằm giảm sử dụng hóa chất, giảm nước tưới, giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; luân canh cây trồng, sử dụng chế phẩm sinh học kiểm soát sâu hại, xử lý nguồn rơm rạ để cải tạo đất, sử dụng giống chống chịu.
- Đối với cây rau: Xây dựng mô hình áp dụng các quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, phân vi sinh, thuốc thảo mộc, pheromone, bẫy, bả diệt sâu hại... giảm sử dụng hóa chất.
- Đối với nhóm cây công nghiệp, cây ăn quả: Xây dựng mô hình áp dụng quản lý dịch hại có nguồn gốc trong đất bằng biện pháp sinh thái để thúc đẩy phát triển hệ sinh vật có ích trong đất như: hạn chế sử dụng hóa chất; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, chế phẩm sinh học kiểm soát dịch hại; xen canh cây che bóng, che phủ đất...
4. Nhân rộng áp dụng IPM trong sản xuất đại trà
- Mở rộng áp dụng phương pháp “nông dân huấn luyện nông dân” với các chủ đề về IPM, thâm canh cây trồng bền vững, giảm thiểu nguy cơ do sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật...
- Tuyên truyền kết quả mô hình IPM tới cộng đồng thôn, bản, xã thông qua việc tổ chức hội nghị đầu bờ, hệ thống truyền thanh xã và lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, diễn đàn nông dân...
- Mở rộng ứng dụng IPM trên các đối tượng cây trồng tại các xã, gắn với xây dựng cánh đồng lớn trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực của người sản xuất, ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua lồng ghép các chương trình/dự án tại địa phương.
1. Về khoa học công nghệ
- Định hướng công tác nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao, ứng dụng các loại giống cây trồng chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của mỗi vùng sản xuất nhằm giảm sự gây hại của sâu bệnh, bảo vệ sản xuất.
- Đẩy mạnh ứng dụng các tác nhân sinh học phòng trừ dịch hại, phân bón vi sinh, vi sinh vật đối kháng,... trong quản lý dịch hại nhằm giảm thiểu sử dụng hóa chất nông nghiệp; các kỹ thuật, công nghệ mới trong bảo vệ thực vật.
- Hiện đại hóa hệ thống điều tra phát hiện, dự tính dự báo, giám sát dịch hại, giám sát phòng trừ nhằm đáp ứng kịp thời, chính xác thông tin phục vụ công tác quản lý dịch hại.
2. Về phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng đội ngũ giảng viên cấp tỉnh, huyện, “giảng viên chính” thông qua các khóa đào tạo giảng viên (TOT) để họ có thể tổ chức lớp FFS cho nông dân. Xây dựng các chỉ số giám sát, đánh giá các hoạt động đào tạo giảng viên “TOT”, huấn luyện nông dân “FFS”, xây dựng mô hình áp dụng IPM.
- Nâng cao kỹ năng, kỹ thuật cho nhân viên bảo vệ thực vật xã, khuyến nông viên cơ sở và đội ngũ nông dân nòng cốt về IPM thông qua các lớp học hiện trường và thực nghiệm trên đồng ruộng; tạo điều kiện để lực lượng này phát huy vai trò hướng dẫn, giúp đỡ cộng đồng thực hiện các hoạt động IPM.
3. Về cơ chế chính sách
- Tổ chức vận dụng và thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, như: Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 8/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012; chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009...
- Trong quá trình triển khai thực hiện; căn cứ yêu cầu thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách mới để Đề án đạt mục tiêu đề ra.
4. Về hợp tác quốc tế
- Tranh thủ khai thác, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của quốc tế, bao gồm cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ mới thông qua hợp tác song phương và đa phương.
- Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong khu vực và toàn cầu về chương trình IPM.
1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT
a) Cục Bảo vệ thực vật
Là cơ quan thường trực giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án; chủ trì đề xuất chính sách triển khai thực hiện Đề án; xây dựng và chuẩn hóa các tài liệu khung đào tạo, huấn luyện, tập huấn IPM; xây dựng, hoàn thiện quy trình IPM trên các cây trồng chính; đề xuất đề tài nghiên cứu liên quan đến IPM; rà soát, đề xuất loại bỏ những thuốc bảo vệ thực vật độc hại, tồn dư lâu; định kỳ tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đạt mục tiêu Đề án.
b) Các đơn vị khác thuộc Bộ
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật triển khai thực hiện các nội dung Đề án.
2. Các Bộ, Ngành Trung ương
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương xây dựng chính sách trình cấp có thẩm quyền ban hành và thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
3. Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương
Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung Đề án tại địa phương; đề xuất cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo các Bộ, Ngành và Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1 Nghị định 199/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 2 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013
- 3 Quyết định 62/2013/QĐ-TTg chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 1843/QĐ-BNN-HTQT năm 2012 phê duyệt văn kiện dự án “Phòng chống Begomovirus: Cải thiện sinh kế cho nông dân vùng Châu Á nhiệt đới bằng sử dụng nguồn gen cà chua, ớt, đậu xanh kháng Begomovirus và quản lý dịch hại tổng hợp” do Trung tâm Rau màu Thế giới tài trợ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Quyết định 01/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 829/QĐ-BNN-XD năm 2011 về Phê duyệt Khung quản lý dịch hại tổng hợp Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành
- 7 Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 8 Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông
- 9 Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 1 Quyết định 1843/QĐ-BNN-HTQT năm 2012 phê duyệt văn kiện dự án “Phòng chống Begomovirus: Cải thiện sinh kế cho nông dân vùng Châu Á nhiệt đới bằng sử dụng nguồn gen cà chua, ớt, đậu xanh kháng Begomovirus và quản lý dịch hại tổng hợp” do Trung tâm Rau màu Thế giới tài trợ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Quyết định 829/QĐ-BNN-XD năm 2011 về Phê duyệt Khung quản lý dịch hại tổng hợp Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành
- 3 Thông báo số 5162/TB-BNN-VP về việc ý kiến kết luận của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần tại hội thảo quản lý dịch hại tổng hợp góp phần phát triển sản xuất cà phê bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành