Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 203/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 25 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LẦN ĐẦU CHO CÁC HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2016;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2011 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Căn cứ Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 31 tháng 5 năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Sơn La;

Căn cứ Thông báo số 50/TB-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2016 của Thường trực HĐND tỉnh về Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp thứ 12;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 54/TTr-STNMT ngày 23 tháng 01 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- TT UBND tỉnh;
- Các tổ chức đoàn thể của tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Như Điều 2;
- Lưu: VT - Hiệu 50 bản

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Đức Hải

 

KẾ HOẠCH

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LẦN ĐẦU CHO CÁC HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2016 của UBND tỉnh Sơn La)

Để hoàn thành việc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong năm 2017, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai việc cấp Giấy chứng nhận như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh như sau:

Đất ở trước ngày 30 tháng 6 năm 2017; đất sản xuất nông nghiệp trước ngày 30 tháng 12 năm 2017.

2. Yêu cầu

- Thực hiện đúng các quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành trong việc đăng ký đất đai, chỉnh lý biến động đất đai và cấp Giấy chứng nhận.

- Việc đo đạc, trích đo địa chính phải gắn với việc cấp Giấy chứng nhận.

- Việc quyết toán kinh phí phải gắn với sản phẩm cuối cùng là Giấy chứng nhận.

- Đối với hộ gia đình, cá nhân có cả đất ở và đất nông nghiệp chưa được cấp giấy thì tiến hành cấp đất ở trước (cấp riêng một giấy), đất sản xuất nông nghiệp cấp sau.

II. NỘI DUNG VÀ TRÌNH TỰ THỰC HIỆN

1. Bước 1: UBND các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo, thành lập tổ công tác

- UBND các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo: Thành phần Ban chỉ đạo gồm Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng ban; Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường - Phó ban; Các thành viên gồm: Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế đối với thành phố Sơn La), Trưởng phòng hạ tầng kinh tế (phòng quản lý đô thị đối với thành phố Sơn La); Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Chủ tịch UBND các xã.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo: Nghe Tổ công tác báo cáo kết quả rà soát quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng, quy hoạch các khu dân cư đô thị nông thôn; giải quyết các nội dung vướng mắc thuộc thẩm quyền; Chỉ đạo tổ công tác làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân.

- Ban Chỉ đạo thành lập Tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo: Tổ trưởng là Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, Tổ phó là cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế đối với thành phố Sơn La); tổ viên là cán bộ giúp việc cho các thành viên còn lại trong Ban Chỉ đạo và cán bộ địa chính xã và đại diện các Tổ, bản, tiểu khu.

Nhiệm vụ của tổ công tác:

- Rà soát lại việc quy hoạch 3 loại rừng tại các khu vực cần cấp Giấy chứng nhận, xác định đủ quỹ đất cho các mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân. Trên cơ sở kết quả rà soát Tổ công tác trình, Ban chỉ đạo xem xét thông qua kết quả rà soát. Sau khi được Ban Chỉ đạo thông qua, UBND cấp huyện tiến hành đo đạc lập bản đồ địa chính, chỉnh lý biến động đất đai và cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình cá nhân.

- Rà soát lại các quy hoạch khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn đã được quy hoạch trên 3 năm nhưng đến nay không có kế hoạch sử dụng đất thì đưa ra khỏi quy hoạch để cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân (theo nội dung Công văn số 1939/UBND-KT ngày 22 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh về cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất theo quy định tại Điều 49 Luật Đất đai năm 2013). Trên cơ sở kết quả rà soát, UBND cấp huyện tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính để cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân và chỉnh lý biến động đất đai đồng thời với quá trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

2. Bước 2. Tiến hành rà soát các khu vực cần cấp Giấy chứng nhận lần đầu

Tổ công tác lập kế hoạch tổ chức thực hiện

- Tổ công tác thống kê các khu vực có các hộ gia đình, cá nhân đang ở nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận. Việc thống kê cần rà soát, xác định và tổng hợp cụ thể tổng số hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận theo từng tổ, bản tiểu khu thuộc từng xã, phường, thị trấn.

- Tổ công tác tiến hành rà soát, phân loại đối tượng

Tổ công tác sử dụng các loại bản đồ, tài liệu để rà soát việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân, cụ thể như sau:

+ Đối với khu vực quy hoạch 03 loại rừng: Tổ công tác cùng Đại diện Tổ, bản, tiểu khu rà soát các khu vực có các hộ dân đang ở, đang sản xuất nông nghiệp; Xác định quỹ cho các hộ làm nhà ở, đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp (theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường).

+ Đối với các khu vực quy hoạch khu dân cư đô thị, nông thôn: Tổ công

tác cùng Đại diện Tổ, bản, tiểu khu rà soát các khu vực có các hộ dân đang ở; đối chiếu với kế hoạch sử dụng đất hàng năm được duyệt và thông báo thu hồi đất (theo hướng dẫn của Sở Xây dựng).

3. Bước 3. Thông qua Ban Chỉ đạo

Tổ công tác thông qua Ban Chỉ đạo các nội dung sau:

- Kết quả rà soát: Tổng số khu vực, tổng số hộ (số hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận đối với đất ở, diện tích; số hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận đối với đất sản xuất nông nghiệp; diện tích).

- Dự kiến phương án bố trí đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; diện tích từng loại đất (đối với khu vực quy hoạch 03 loại rừng); dự kiến phương án điều chỉnh các quy hoạch để thực hiện đo đạc, cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân.

4. Bước 4. Trình thẩm định, phê duyệt các quy hoạch

- Trên cơ sở ý kiến nhất trí của của Ban Chỉ đạo đối với dự kiến điều chỉnh các quy hoạch, Tổ công tác thống nhất với các phòng chuyên môn (Phòng Hạ tầng kinh tế hoặc Quản lý đô thị đối với các quy hoạch khu dân cư nông thôn, đô thị; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với quy hoạch 03 loại rừng) để hoàn thiện trình thẩm định và phê duyệt.

- Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định.

5. Bước 5. Tổ chức đo đạc

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ban Chỉ đạo, UBND cấp huyện hợp đồng với các tư vấn có năng lực thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, đăng ký biến động đất đai và cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân.

6. Bước 6. Chỉnh lý biến động đất đai, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận

- Trên cơ sở điều chỉnh các quy hoạch rừng, khu dân cư nông thôn, đô thị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện chỉnh lý biến động trên Giấy chứng nhận đất lâm nghiệp đã cấp cho các hộ.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng UBND cấp xã thực hiện xét duyệt, thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, trình ký và trao Giấy chứng nhận cho các hộ.

Quá trình triển khai thực hiện các bước trên, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và tiến độ công việc, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các bước theo hình thức đan xen các bước công việc với nhau mà không phải chờ thực hiện xong bước này mới chuyển bước khác.

III. KẾ HOẠCH THỜI GIAN

1. Đối với Đất ở: Hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2017

2. Đối với Đất sản xuất nông nghiệp: Hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2017.

(Chi tiết cho từng nội dung công việc có biểu kèm theo)

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng nhu cầu kinh phí dự kiến để thực hiện cấp Giấy chứng nhận lần đầu như sau:

- Đối với Tổ chức: Hiện còn thiếu 10,531 tỷ đồng (đã hoàn thành khối lượng nhưng chưa cấp đủ kinh phí thực hiện).

- Đối với hộ gia đình, cá nhân: Dự kiến cần khoảng 87 tỷ đồng (Chi tiết từng huyện, thành phố có biểu kèm theo).

V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về nghiệp vụ chuyên môn

1.1. Đối với hộ gia đình, cá nhân có cả đất ở và đất nông nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận thì tiến hành cấp Giấy chứng nhận đất ở trước (đất ở cấp riêng một giấy); đất sản xuất nông nghiệp cấp Giấy chứng nhận sau.

1.2. Về cấp Giấy chứng nhận đối với đất ở.

- Đối với khu vực đô thị: UBND các huyện, thành phố rà soát ngay các quy hoạch treo không còn phù hợp, tiến hành điều chỉnh ngay các quy hoạch để cấp Giấy chứng nhận cho các hộ. Việc đo đạc lập bản đồ địa chính được tiến hành đồng thời với việc tiến hành các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, sau khi điều chỉnh xong quy hoạch thì tiến hành cấp ngay cấp Giấy chứng nhận.

- Đối với khu vực nông thôn: Khu dân cư, các hộ đã ở từ lâu tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận ngay. Đối với các hộ ở đơn lẻ ở xã khu dân cư hoặc các hộ ở tại các khu vực nhạy cảm như đầu nguồn nước cần rà soát sau đó mới làm thủ tục cấp giấy.

1.3. Về cấp Giấy chứng nhận đối với đất sản xuất nông nghiệp

Tổ công tác của cấp huyện tiến hành rà soát quỹ đất đã quy hoạch cho 3 loại rừng (rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) từng bản, từng khu vực xác định đủ quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp để đảm bảo đời sống cho các hộ dân đồng thời đảm bảo được mục đích phát triển lâm nghiệp tại địa bàn đó. Sau khi rà soát, tổ công tác thông qua Ban chỉ đạo huyện về kết quả rà soát. Sau khi được Ban chỉ đạo thông qua, UBND các huyện tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính làm thủ tục ký giấy chứng nhận. Trước khi phát Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân thì cơ quan Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục chỉnh lý hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp.

2. Về tổ chức lực lượng

UBND các huyện, thành phố chủ động ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn để triển khai công tác cấp Giấy chứng nhận. Đối với các huyện, thành phố còn thiếu lực lượng cán bộ chuyên môn thì giao Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường cán bộ giúp huyện; đối với các huyện còn thiếu đơn vị tư vấn thì liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực triển khai công việc.

3. Về kinh phí

Các huyện chủ động chi cho công tác cấp giấy chứng nhận từ nguồn thu từ đất. Đối với các huyện, thành phố còn thiếu thì lập kế hoạch gửi Sở Tài chính xem xét cân đối.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn liên ngành về rà soát 3 loại rừng để cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, đất sản xuất trong khu vực quy hoạch 3 loại rừng.

- Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh, tổng hợp những tồn tại vướng mắc báo các Ban chỉ đạo tỉnh xem xét giải quyết.

- Tổng hợp, báo cáo UBND kết quả cấp Giấy chứng nhận đất ở; đất sản xuất nông nghiệp của các huyện, thành phố để báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ hoặc đột xuất.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn liên ngành về rà soát 3 loại rừng để cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, đất sản xuất trong khu vực quy hoạch 3 loại rừng;

- Thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng theo đề nghị của UBND các huyện, thành phố làm cơ sở để cấp Giấy chứng nhận cho các hộ.

- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

3. Sở Xây dựng

- Ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát, lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn theo quy định làm cơ sở để cấp Giấy chứng nhận cho các hộ.

- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tháo gỡ những vướng mắc thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành trong quá trình thực hiện

4. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố cân đối, bố trí đủ 20% kinh phí nguồn thu từ đất cho việc đo đạc địa chính, cấp Giấy chứng nhận lần đầu và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 - Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện thuộc lĩnh vực ngành được giao.

- Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh cân đối, bố trí hỗ trợ cho các huyện còn thiếu kinh phí sau khi đã cân đối đủ 20% theo quy định.

5. Cục Thuế tỉnh

Hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố thực hiện việc thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận và ghi nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính, chưa có khả năng nộp tiền sử dụng đất.

6. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan, UBND các xã triển khai công tác cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn mình quản lý.

- Tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện thuộc thẩm quyền; Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét giải quyết.

- Cân đối, bố trí kinh phí thực hiện đảm bảo đủ 20% nguồn thu từ tiền sử dụng đất. Trường hợp đã bố trí đủ 20% nhưng chưa đảm bảo đủ kinh phí thực hiện thì đề nghị với UBND tỉnh để được xem xét, hỗ trợ.

7. Chế độ thông tin, báo cáo

- Vào trước ngày 25 hàng tháng UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả cấp Giấy chứng nhận gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Vào trước ngày 30 hàng tháng Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp kết quả cấp giấy báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh.

 Yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện./.

 

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LẦN ĐẦU

(Kèm theo Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2017 của UBND tỉnh Sơn La)

STT

Nội dung

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian hoàn thành

I

Đối với cấp huyện

 

 

 

1

Thành lập Ban Chỉ đạo

UBND cấp huyện

 

Trước ngày 25/01/2017

2

Thành lập tổ công tác

UBND cấp huyện

Các phòng chuyên môn thuộc huyện, UBND cấp xã

Trước ngày 26/01/2017

3

Đối với đất ở

 

 

 

3.1

Rà soát lại các quy hoạch khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn

Tổ công tác của huyện

UBND cấp xã, Tổ, bản, tiểu khu

Trước ngày 15/02/2017

3.2

Thống kê, phân loại các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận

Tổ công tác của huyện

UBND cấp xã, Tổ, bản, tiểu khu

Trước ngày 15/3/2017

3.3

Dự kiến phương án điều chỉnh quy hoạch

Tổ công tác của huyện

UBND cấp xã, Tổ, bản, tiểu khu

Trước ngày 20/3/2017

3.4

Thông qua Ban Chỉ đạo cấp huyện

Tổ công tác của huyện

UBND cấp xã, Tổ, bản, tiểu khu

Trước ngày 30/3/2017

3.5

Tổ chức đo đạc, quy chủ

Ban Chỉ đạo cấp huyện

UBND cấp xã, Tổ, bản, tiểu khu

Trước ngày 30/4/2017

3.6

Chỉnh lý biến động đất đai và Cấp Giấy chứng nhận cho các hộ

- VPĐK đất đai; Chi nhánh VPĐK đất đai

- Phòng Tài nguyên và Môi trường

UBND cấp xã, Tổ, bản, tiểu khu

Trước ngày 30/6/2017

4

Đối với đất sản xuất nông nghiệp

 

 

 

4.1

Rà soát việc quy hoạch 3 loại rừng; Cân đối quỹ đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp

Tổ công tác của huyện

UBND cấp xã, Tổ, bản, tiểu khu

Trước ngày 30/4/2017

4.2

Dự kiến phương án điều chỉnh quy hoạch

Tổ công tác của huyện

UBND cấp xã, Tổ, bản, tiểu khu

Trước ngày 30/5/2017

4.3

Thông qua Ban Chỉ đạo cấp huyện

Các phòng chuyên môn thuộc huyện

UBND cấp xã, Tổ, bản, tiểu khu

Trước ngày 10/6/2017

4.4

Trình thẩm định các điều chỉnh quy hoạch

Tổ công tác của huyện

Các sở: NN&PTNT, Xây dựng, TN&MT

Trước ngày 15/6/2017

4.5

Trình phê duyệt

UBND cấp huyện

Sở NN&PTNT

Trước ngày 30/7/2017

4.6

Tổ chức đo đạc, quy chủ

Ban Chỉ đạo cấp huyện

UBND cấp xã, Tổ, bản, tiểu khu

Trước ngày 15/8/2017

4.7

Chỉnh lý biến động đất đai và Cấp Giấy chứng nhận cho các hộ

- VPĐK đất đai; Chi nhánh VPĐK đất đai

- Phòng Tài nguyên và Môi trường

UBND cấp xã, Tổ, bản, tiểu khu

Trước ngày 20/12/2017

II

Đối với cấp tỉnh

 

 

 

1

Trình ban hành kế hoạch Chi tiết

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện

Trước ngày 25/01/2017

2

Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch đất khu dân cư nông thôn, đô thị

Sở Xây dựng

Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện

Trước ngày 26/01/2017

3

Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện

Trước ngày 26/01/2017

4

Xây dựng hướng dẫn liên ngành Tài nguyên và Môi trường - Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trước ngày 26/01/2017

5

Kiểm tra tiến độ thực hiện (đợt 1)

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện

Trước ngày 20/02/2017

6

Kiểm tra tiến độ thực hiện (đợt 2)

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện

Trước ngày 10/4/2017

7

Kiểm tra tiến độ thực hiện (đợt 3)

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện

Trước ngày 30/5/2017

8

Kiểm tra tiến độ thực hiện (đợt 4)

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

Trước ngày 30/9/2017

9

Tổng kết công tác cấp Giấy chứng nhận lần đầu

UBND tỉnh

Các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện

Trước ngày 31/12/2017