Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 204-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

   VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA AN TOÀN HÀNG HẢI VIỆT NAM 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 12 tháng 7 năm 1990;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành "Quy chế tổ chức và hoạt động thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam" kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Bản Quy định này có hiệu lực từ ngày ban hành.

Các quy định trước đây trái với quy định của bản Quy chế này bị bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CUẢ THANH TRA AN TOÀN HÀNG HẢI VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 204-TTg ngày 28-12-1992 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

HỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bản Quy chế này quy định các nguyên tắc tổ chức bộ máy và hoạt động của Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam.

Điều 2. Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam là tổ chức thanh tra chuyên trách trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện chức năng Thanh tra an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra tại các vùng nước của Việt Nam mà tàu biển được phép hoạt động.

Điều 3.

 1- Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất; được sử dụng con dấu nghiệp vụ, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, thẻ thanh tra viên theo quy định của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

2- Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam là người có thẩm quyền cao nhất trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động nghiệp vụ do Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam tiến hành.

Điều 4. Hệ thống tổ chức của Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam bao gồm:

1- Thanh tra an toàn hàng hải trung ương, đặt tại Cục hàng hải Việt Nam.

2- Thanh tra an toàn hàng hải khu vực, đặt tại các Chi cục Hàng hải hoặc tại các khu vực hàng hải do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quy định.

Điều 5. Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, tất cả các thanh tra viên an toàn hàng hải Việt Nam đều có nghĩa vụ thực hiện công vụ một cách khách quan, mẫn cán và đúng pháp luật.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật hoặc lạm dụng quyền hạn, cố tình làm trái các quy định trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Quy chế này về Thanh tra an toàn hàng hải, đều bị xử lý theo pháp luật.

Điều 6.

1- Các chủ tàu, thuyền trưởng và tổ chức, cá nhân liên quan khác có nghĩa vụ tôn trọng, tạo mọi điều kiện cần thiết để các hoạt động thanh tra an toàn hàng hải được tiến hành thuận lợi, có hiệu quả.

2- Các khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động Thanh tra an toàn hàng hải được giải quyết theo các quy định tại Chương IV, Quy chế này.

Chương 2:

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA AN TOÀN HÀNG HẢI VIỆT NAM

Điều 7. Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam có những nhiệm vụ sau:

1- Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, công nhận về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra đối với các loại tàu biển không quân sự của Việt Nam hoặc nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

2- Thanh tra các khả năng bảo đảm an toàn cho tàu biển, người, hàng hoá và tài sản khác ở trên tàu biển, hệ thống cầu cảng, luồng ra vào cảng biển, báo hiệu hàng hải hoặc các công trình, thiết bị tương tự.

3- Chỉ đạo các cảng vụ hoặc tự mình tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân của các vụ tai nạn, sự cố hàng hải sau đây:

a) Tai nạn, sự cố hàng hải do tàu biển Việt Nam hoặc tàu biển nước ngoài gây ra tại Việt Nam.

b) Tai nạn, sự cố hàng hải do con người hoặc các phương tiện khác không phải là tàu biển gây ra, nhưng có liên quan đến tàu biển khi hoạt động tại các vùng nước mà tàu biển được phép hoạt động.

Trong quá trình điều tra mà phát hiện thấy các dấu hiệu phạm tội, thì Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam có nhiệm vụ chuyển giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩn quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.

4- Kiến nghị với Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về các biện pháp cần thiết, nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra tại Việt Nam.

5- Giám sát hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải của cảng vụ, bảo đảm hàng hải, hoa tiêu, đăng kiểm tàu biển, tổ chức tìm kiếm - cứu nạn và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

6- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động hàng hải.

Điều 8. Thanh tra an toàn hàng hải có những quyền hạn sau đây:

1- Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các loại tàu biển không quân sự của Việt Nam hoặc nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể như sau:

a) Kiểm tra tình trạng thực tế của vỏ tàu; các máy móc, thiết bị hàng hải; trang thiết bị cứu sinh, cứu hoả; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống động lực, điện và các loại máy móc, trang thiết bị khác được lắp đặt trên tàu biển.

b) Kiểm tra bằng cấp chuyên môn và khả năng nghiệp vụ của thuyền viên, hoa tiêu làm việc trên tàu.

c) Kiểm tra các loại giấy chứng nhận về đăng ký tàu; các loại giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm có thẩm quyền cấp; các loại nhật ký hàng hải; bảng phân công nhiệm vụ cứu sinh, cứu hoả, chống chìm tàu và các giấy tờ, tài liệu có liên quan khác của tàu.

d) Yêu cầu thuyền trưởng, máy trưởng, sỹ quan trưởng ca hoặc các thuyền viên khác báo cáo về tình hình hoạt động của bộ phận thuộc phạm vi chức trách của từng người; kiểm tra sự hiểu biết của thuyền viên, hành khách ở trên tàu về các biện pháp ngăn ngừa hoặc đối phó trong các tỉnh huống nguy hiểm có thể xảy ra ở trên tàu.

Nếu xét thấy cần thiết, thì có quyền yêu cầu thuyền trưởng tiến hành các cuộc thực tập báo động về cứu sinh, cứu hoả và chống chìm tàu để có thể đánh giá khả năng ứng phó của thuyền viên và những người có mặt ở trên tàu.

2- Kiểm tra khả năng bảo đảm an toàn theo thiết kế của hệ thống cầu bến, luồng ra, vào cảng, báo hiệu hàng hải và các công trình, thiết bị có liên quan khác.

3- Thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để điều tra, thu thập bằng chứng, lấy lời khai, trưng cầu giám định chuyên môn nhằm xác định nguyên nhân, rút kinh nghiệp và xác định trách nhiệm của những người liên quan trong các vụ tai nạn, sự cố hàng hải.

Các kết luận điều tra của Thanh tra an toàn hàng hải Việt Nam có giá trị chứng cứ, khi vụ việc được đưa ra xét xử trước toà án hoặc trọng tài.

4- Yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng có biện pháp sửa chữa hoặc bổ sung kịp thời các trang thiết bị, máy móc hoặc thay thế, bổ sung thuyền viên của tàu nhằm bảo đảm các điều kiện do pháp luật quy định về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trên biển.

5- Yêu cầu các cơ quan quản lý, khai thác cảng biển, luồng ra, vào các cảng, báo hiệu hàng hải và các công trình thiết bị khác phải sửa chữa hoặc khắc phục kịp thời tình trạng cầu bến, luồng, báo hiệu hàng hải nhằm bảo đảm các điều kiện do pháp luật quy định về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.

6- Đề nghị Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ra lệnh tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của những tàu biển, cầu bến, luồng ra vào cảng, báo hiệu hàng hải, các công trình thiết bị có liên quan khác hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ công tác đối với những sỹ quan, thuyền viên, hoa tiêu không đủ điều kiện để được làm việc trên tàu biển theo quy định của pháp luật, nếu xét thấy có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ con người, tàu, hàng hoá, tài sản vật chất và môi trường biển.

7- Xử phát vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm các quy định pháp luật về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra, mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 9.

1- Hoạt động Thanh tra an toàn hàng hải được tiến hành bằng cách tổ chức đoàn thanh tra hoặc do thanh tra viên độc lập thanh tra theo từng lĩnh cực chuyên môn nhất định.

2- Thanh tra an toàn hàng hải Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức kế hoạch, xây dựng nội dung và hình thức hoạt động Thanh tra an toàn hàng hải trong phạm vi cả nước theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Quy chế này.

Chương 3:

THANH TRA VIÊN AN TOÀN HÀNG HẢI VIỆT NAM

Điều 10. Thanh tra viên an toàn hàng hải Việt Nam có những chức danh sau đây:

- Chánh thanh tra an toàn hàng hải Trung ương.

- Phó Chánh thanh tra an toàn hàng hải Trung ương.

- Thanh tra viên an toàn hàng hải Trung ương.

- Chánh thanh tra an toàn hàng hải khu vực.

- Phó Chánh thanh tra an toàn hàng hải khu vực.

- Thanh tra viên an toàn hàng hải khu vực.

Điều 11.

1- Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bổ nhiệm, điều động và miễn nhiệm, cách chức Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra an toàn hàng hải Trung ương.

2- Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động và cách chức các thanh tra viên an toàn hàng hải Trung ương; Chánh thanh tra và Phó Chánh thanh tra viên an toàn hàng hải khu vực theo đề nghị của Chánh thanh tra an toàn hàng hải Trung ương.

Điều 12.

1- Khi thực hiện công vụ, tất cả các Thanh tra viên an toàn hàng hải Việt Nam bắt buộc phải sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ thanh tra viên theo quy định của Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam.

2- Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cấp và thu hồi thẻ công vụ của các Thanh tra viên an toàn hàng hải từ cấp Thanh tra viên an toàn hàng hải Trung ương trở lên, theo đề nghị của Chánh Thanh tra an toàn hàng hải Trung ương.

3- Chánh thanh tra an toàn hàng hải Trung ương cấp và thu hồi thẻ công vụ của các Thanh tra viên an toàn hàng hải các cấp còn lại.

4- Trong thẻ thanh tra viên phải có ảnh, tên, tuổi, thẩm quyền chuyên môn và số hiệu thanh tra viên của người được cấp.

Điều 13.

Thanh tra viên an toàn hàng hải Việt Nam phải là sỹ quan hàng hải Việt Nam hoặc là người đã tốt nghiệp đại học về các chuyên ngành thiết kế, chế tạo tàu biển hoặc thiết kế, xây dựng các công trình biển; có phẩm chất và uy tín chuyên môn; bằng cấp chuyên môn, sức khoẻ và độ tuổi phù hợp với chức trách được giao phó.

Thanh tra an toàn hàng hải đều phải được bổ túc về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ thanh tra an toàn hàng hải theo chương trình do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quy định.

1- Chánh thanh tra và các Phó Chánh thanh tra an toàn hàng hải Trung ương phải có bằng cấp chuyên môn cấp trưởng về hàng hải ít nhất từ hạng II trở lên; có thâm niên đi biển trên 10 năm; tuổi đời từ 35 trở lên.

2- Chánh thanh tra và các Phó Chánh thanh tra an toàn hàng hải khu vực, các Thanh tra viên an toàn hàng hải Trung ương và khu vực phải có bằng cấp chuyên môn cấp trưởng về hàng hải ít nhất từ hạng III trở lên; có thâm niên đi biển trên 7 năm; tuổi đời từ 32 trở lên.

3- Thanh tra viên an toàn hàng hải được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên trách về công trình biển, báo hiệu hàng hải, vỏ tàu, thiết bị xếp dỡ hàng hoá hoặc các thiết bị tương tự khác đều phải là kỹ sư, công trình sư có bằng cấp chuyên ngành tương ứng; thâm niên nghề nghiệp ít nhất 10 năm; tuổi đời từ 32 trở lên.

Điều 14. Thanh tra viên an toàn hàng hải Việt Nam được trang cấp phù hiệu, cấp hiệu, quần áo đồng phục, áo mưa, mũ kêpi, Cờravát, dây lưng, giây, bít tất, cặp đựng tài liệu, thẻ thanh tra viên và các phương tiện làm việc khác.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quy định cụ thể mẫu và chế độ sử dụng các trang cấp trên.

Điều 15. Thanh tra viên an toàn hàng hải Việt Nam khi độc lập tiến hành các hoạt động thanh tra an toàn hàng hải chỉ được phép thanh tra các việc thuộc thẩm quyền chuyên môn đã được chỉ rõ trong thẻ thanh tra viên. Nếu xét thấy có vấn đề nghi vấn thuộc thẩm quyền chuyên môn khác, thì phải báo cáo ngay cho người đứng đầu cơ quan thanh tra an toàn hàng hải ở khu vực gần nhất để xử lý. Đồng thời, có quyền khuyến nghị các biện pháp tạm thời để phòng ngừa tai nạn xảy ra.

Điều 16. Trong khi thi hành công vụ, Thanh tra viên an toàn hàng hải Việt Nam được quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính quy định tại Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính ngày 7 tháng 12 năm 1989 và Nghị định số 141-HĐBT ngày 25-1-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

1- Riêng đối với việc phạt tiền vi phạm an toàn hàng hải được áp dụng như sau:

a) Phạt tiền từ 30.000 đồng đến 200.000 đồng Việt Nam đối với các vụ vi phạm nhỏ và không gây tác hại.

- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng Việt Nam đối với các vi phạm lớn, có tính chất tái phạm hoặc cố ý, chưa gây tác hại.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng Việt Nam đối với các vi phạm nghiêm trọng, gây tác hại.

b) Phạt tiền đối với các đối tượng nước ngoài:

- Phạt tiền từ 50 USD đến 200 USD đối với các vi phạm nhỏ và chưa gây tác hại.

- Phạt tiền từ 200 USD đến 5.000 USD đối với các vi phạm lớn, có tính chất tái phạm hoặc cố ý, chưa gây tác hại.

- Phạt tiền từ 5.000 USD đến 20.000 USD đối với các vi phạm nghiêm trọng, gây tác hại.

c) Việc áp dụng các mức phạt từ 200.000 đồng Việt Nam và 200 USD trở lên phải do các Thanh tra viên an toàn hàng hải từ cấp Chánh thanh tra an toàn hàng hải khu vực trở lên quyết định.

2- Việc phạt tiền theo các quy định nói tại Quy chế này không thay thế hoặc loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất thực tế đã gây ra.

Chương 4:

THỦ TỤC KHIẾU NAỊ VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NAỊ

Điều 17.

1- Người khiếu nại về các quyết định xử phạt hành chính hoặc các yêu cầu, khuyến nghị của thanh tra viên an toàn hàng hải các cấp có thể gửi đến, trình bày trực tiếp hay thông qua người đại diện hợp pháp của mình đề khiếu nại với người đứng đầu cơ quan thanh tra an toàn hàng hải có liên quan.

2- Người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại phải xem xét và trả lời bằng văn bản chậm nhất là 48 tiếng đồng hồ kể từ khi nhận được khiếu nại.

3- Chánh thanh tra an toàn hàng hải Trung ương có thể trực tiếp xem xét và giải quyết các khiếu nại liên quan đến hoạt động của các cơ quan thanh tra an toàn hàng hải khu vực, nếu các khiếu nại đó liên quan trực tiếp đến các Chánh thanh tra an toàn hàng hải khu vực hoặc khi người khiếu nại không đồng ý với ý kiến giải quyết khiếu nại của các Chánh thanh tra an toàn hàng hải khu vực.

Điều 18. Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với các ý kiến giải quyết khiếu nại thuộc phạm vi thẩm quyền của Chánh thanh tra an toàn hàng hải Trung ương hoặc khi khiếu nại liên quan trực tiếp đến Chánh thanh tra an toàn hàng hải Trung ương thì người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm xem xét và trả lời bằng văn bản chậm nhất là 7 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Điều 19.

1- Trong khi chờ đợi giải quyết khiếu nại theo các trình tự quy định tại Điều 17 và Điều 18 Quy chế này, những người có liên quan vẫn phải chấp hành đầy đủ các yêu cầu khuyến nghị hoặc biện pháp xử lý hành chính do các thanh tra viên an toàn hàng hải quyết định.

2- Thời hạn khiếu nại liên quan đến các quyết định của các thanh tra viên an toàn hàng hải là 6 tháng, kể từ ngày phát sinh vụ việc.

Điều 20. Các khiếu nại, tố cáo khác của công dân liên quan đến an toàn hàng hải và ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra được giải quyết theo Pháp lệnh về Khiếu nại, tố cáo của công dân ngày 2 tháng 5 năm 1991.