Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2042/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN MÔ TẢ CÔNG VIỆC VÀ KHUNG NĂNG LỰC VỊ TRÍ VIỆC LÀM GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, HÀNG HÓA VẬN CHUYỂN QUA CỬA KHẨU

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001, Luật số 42/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14/6/2005;

Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức và Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức;

Xét đề nghị của Lãnh đạo Ban Cải cách, hiện đại hóa hải quan, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này:

1. Bản mô tả công việc vị trí việc làm Giám sát Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu;

2. Khung năng lực vị trí việc làm Giám sát Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu;

3. Phụ lục hướng dẫn sử dụng Bản mô tả công việc và Khung năng lực nêu trên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Vụ TCCB-Bộ Tài chính (để báo cáo)
- Lãnh đạo TCHQ (để chỉ đạo);
- Lưu: VT, CCHĐH (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Dương Thái

 

KHUNG NĂNG LỰC VỊ TRÍ VIỆC LÀM GIÁM SÁT HẢI QUAN

Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2042/QĐ-TCHQ ngày 17 tháng 7 năm 2014 của Tổng cục Hải quan)

Tên vị trí việc làm: Giám sát Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu

Mã số công việc

 

Ngày ban hành

 

Lần ban hành/sửa đổi

 

Cấp trên trực tiếp

 

Tên đơn vị

Chi cục Hải quan …………….

 

Mô tả năng lực:

 

 

1.

Trình độ học vấn

Tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành hải quan, tài chính, thương mại, kinh tế, ngoại thương, an ninh, công nghệ thông tin, điện tử, luật....

2.

Kiến thức chung

- Kiến thức nghiệp vụ theo tiêu chuẩn ngạch công chức Hải quan;

- Nghiệp vụ Hải quan tổng hợp1;

- Kiến thức nghiệp vụ văn phòng cơ bản:

+ Soạn thảo văn bản hành chính,

+ Sử dụng trang thiết bị văn phòng

+ Lập hồ sơ công việc; lưu trữ hồ sơ

3.

Kiến thức chuyên môn

3.1. Nội dung kiến thức chuyên môn:

3.1.1. Nghiệp vụ giám sát hải quan:

(1)- Thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan;

(2)- Các quy định của pháp luật về giám sát hải quan và quy trình nghiệp vụ giám sát hải quan;

(3)- Các bài tập xử lý tình huống nghiệp vụ giám sát hải quan;

(4)- Kiến thức sử dụng các phần mềm liên quan giám sát Hải quan;

(5)- Kiến thức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật giám sát.

3.1.2. Nghiệp vụ liên quan:

(1). Xử lý vi phạm hành chính trong nghiệp vụ giám sát hải quan (Nhóm hành vi vi phạm trong giám sát, thẩm quyền xử lý, trình tự thủ tục xử lý...);

(2). Quản lý rủi ro trong nghiệp vụ giám sát hải quan (thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro; tiêu chí xác định trọng tâm, trọng điểm trong hoạt động giám sát...).

3.2. Mức độ hiểu biết các kiến thức chuyên môn nêu trên được phân thành 3 mức, cụ thể như sau:

- Mức độ 1: Nắm được nội dung chính các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ về kiến thức chuyên môn thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao;

- Mức độ 2: Như mức độ 1 và nắm được toàn bộ nội dung các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ về kiến thức chuyên môn thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao;

- Mức độ 3: Như mức độ 2 và nắm được ý nghĩa thực tiễn nội dung các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ về kiến thức chuyên môn thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao.

4.

Kỹ năng thực thi

4.1. Các kỹ năng thực thi

(1)- Kỹ năng kiểm tra, phát hiện sai lệch, nghi vấn, vi phạm trong hoạt động giám sát & xử lý kết quả kiểm tra;

(2)- Kỹ năng giám sát hàng hóa vào/ ra khu vực giám sát & kỹ năng xử lý tình huống nghiệp vụ giám sát;

(3)- Kỹ năng sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật giám sát;

(4)- Kỹ năng khai thác sử dụng các phần mềm ứng dụng về giám sát.

4.2. Mức độ thành thạo của các kỹ năng:

Được chia thành 3 mức độ thành thạo:

- Mức độ 1: Thực hiện được nhưng phải có người giám sát;

- Mức độ 2: Độc lập thực hiện đúng quy định;

- Mức độ 3: Thực hiện thành thạo, xử lý được các tình huống phát sinh.

5.

Kinh nghiệm làm việc

5.1. Cần có ít nhất 6 tháng - 1 năm làm giám sát để có thể độc lập xử lý công việc giám sát

5.2. Cần có ít nhất 1 năm làm giám sát trở lên để có thể thành thạo các kỹ năng cần thiết

6.

Ngoại ngữ

Tiếng Anh. Yêu cầu trình độ:

- Hiện tại: đọc, hiểu hồ sơ Hải quan.

- Hướng tới: như trên và giao tiếp cơ bản với người khai hải quan.

7.

Tin học văn phòng

Sử dụng được các chương trình tin học văn phòng cơ bản: Microsoft Word, Microsoft Excel, Internet...

8.

Tin học nghiệp vụ

Sử dụng phần mềm theo yêu cầu công tác giám sát:

- Phần mềm VNACCS/VCIS;

- Phần mềm E Customs;

- Phần mềm quản lý rủi ro;

- Các phần mềm quản lý Container, E-manifest; quản lý phương tiện xuất nhập cảnh đường bộ; v.v...

9.

Phẩm chất cá nhân

- Tính kỷ luật; trách nhiệm với công việc;

- Nhanh nhẹn, linh hoạt; bản lĩnh, quyết đoán;

- Trung thực, khách quan; liêm khiết;

- Có tinh thần đồng đội;

- Chịu được áp lực công việc, thời tiết, khí hậu....

 

BẢN MÔ TẢ CÔNG VIỆC VỊ TRÍ VIỆC LÀM GIÁM SÁT HẢI QUAN

Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2042/QĐ-TCHQ ngày 17 tháng 7 năm 2014 của Tổng cục Hải quan)

Tên vị trí việc làm: Giám sát Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu

Mã số vị trí việc làm

 

Ngày ban hành

 

Lần ban hành/sửa đổi

 

Cấp trên trực tiếp

 

Tên đơn vị

Chi cục Hải quan ………..

 

Mục tiêu công việc:

Thực hiện việc giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển đang chịu sự giám sát hải quan qua cửa khẩu; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo quản lý hải quan đối với hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hải quan, các thông tư, quy trình hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan (sau đây gọi tắt là theo quy định).

 

Các nhiệm vụ chính:

STT

NHIỆM VỤ

1.

Tiếp nhận, kiểm tra các chứng từ người khai hải quan phải xuất trình theo quy định. Thành phần các chứng từ gồm: tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu/ thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển/ các chứng từ có liên quan đến giám sát hàng hóa, tùy theo loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, loại hình vận chuyển, loại hình cửa khẩu (sau đây gọi tắt là hồ sơ).

2.

Kiểm tra; đối chiếu thông tin trong hồ sơ với hệ thống. Nội dung kiểm tra, đối chiếu và xử lý kết quả kiểm tra, đối chiếu thực hiện theo quy định.

3.

Đối chiếu thông tin trong hồ sơ với tình trạng bên ngoài của hàng hóa qua cửa khẩu và tình trạng niêm phong. Nội dung đối chiếu thực hiện theo quy định.

4.

Xác nhận trên hồ sơ và trên hệ thống “Hàng đã qua khu vực giám sát”, “Hàng hóa đã xuất khẩu” theo quy định.

5.

Trao đổi, phản hồi thông tin với các bộ phận, đơn vị liên quan theo quy định.

6.

Thực hiện giám sát hàng hóa qua cửa khẩu theo các phương thức quy định:

6.1. Niêm phong Hải quan;

6.2. Giám sát trực tiếp do công chức Hải quan thực hiện;

6.3. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật.

7.

Thực hiện các nghiệp vụ giám sát đối với hàng hóa vận chuyển theo quy định.

8.

Hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về giám sát hải quan của người khai hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi ... và các bên có liên quan theo quy định.

9.

Xử lý vướng mắc, sai lệch, vi phạm, các tình huống phát sinh, sự cố...trong quá trình giám sát theo quy định.

10.

Thực hiện các hoạt động giám sát đặc thù; giám sát cơ động tại các vị trí, địa điểm, lô hàng trọng điểm theo quy định.

11.

Theo dõi xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan.

12.

Tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động giám sát hàng hóa qua cửa khẩu theo quy định.

 

Điều kiện làm việc

Chỗ làm việc: tại cửa khẩu, kho bãi, địa điểm kiểm tra hàng hóa...trong khu vực giám sát

Trang thiết bị:

- Trang thiết bị tại văn phòng giám sát/ Trung tâm chỉ huy giám sát/ Nhà lưu động: máy tính, máy in/photocopy, điện thoại, máy fax, màn hình theo dõi việc giám sát bằng camera, GPS......

- Trang thiết bị ngoài hiện trường (cổng, kho, bãi…..): camera, máy đọc mã vạch, ống nhòm, máy ảnh, đèn pin, cân điện tử, v.v....

- Phương tiện vận chuyển phục vụ hoạt động giám sát cơ động: xe máy, ô tô....

Các điều kiện khác: Không

 

PHỤ LỤC:

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG BẢN MÔ TẢ CÔNG VIỆC VÀ KHUNG NĂNG LỰC VỊ TRÍ VIỆC LÀM GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, HÀNG HÓA VẬN CHUYỂN QUA CỬA KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2042/QĐ-TCHQ ngày 17 tháng 7 năm 2014 của Tổng cục Hải quan)

I. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG BẢN MÔ TẢ CÔNG VIỆC VỊ TRÍ VIỆC LÀM GIÁM SÁT HẢI QUAN

1. Mục tiêu công việc:

Thực hiện việc giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu đúng quy định của pháp luật và quy trình nghiệp vụ Hải quan; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo quản lý Hải quan đối với hàng hóa theo quy định.

2. Mô tả các nhiệm vụ chính:

2.1. Các nhiệm vụ chính trong hoạt động giám sát Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu được hệ thống hóa từ các quy định của Luật Hải quan, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hải quan, Thông tư, quy trình nghiệp vụ Giám sát Hải quan.

2.2. Các nhiệm vụ chính của vị trí việc làm được mô tả khái quát về các hoạt động chủ yếu mà cơ quan Hải quan, công chức Hải quan phải thực hiện; công việc thực hiện cụ thể như thế nào đã được hướng dẫn trong quy trình giám sát.

2.3. Điều kiện làm việc

- Xác định các điều kiện cần thiết, phương tiện, trang thiết bị làm việc cần có nhằm để hỗ trợ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ của Vị trí việc làm giám sát đã được mô tả.

- Xác định nhu cầu, lập kế hoạch trang bị phương tiện, hiện đại hóa công tác giám sát Hải quan.

II. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG KHUNG NĂNG LỰC

1. Trình độ học vấn

Xác định công chức đảm nhiệm vị trí việc làm Giám sát Hải quan phải tốt nghiệp Trung cấp trở lên các chuyên ngành phù hợp, chủ yếu ở ngạch Kiểm tra viên trung cấp Hải quan, Kiểm tra viên Hải quan

2. Kiến thức chung

Là các kiến thức tối thiểu (nghiệp vụ Hải quan tổng hợp, văn phòng cơ bản...) theo tiêu chuẩn ngạch công chức Hải quan.

3. Kiến thức chuyên môn

- Kiến thức nghiệp vụ Giám sát Hải quan

- Kiến thức nghiệp vụ có liên quan trực tiếp

Các kiến thức này có được qua đào tạo nghiệp vụ Hải quan tổng hợp (Cao đẳng Hải quan), qua tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Hải quan nói chung, chuyên đề Giám sát hải quan nói riêng và qua thực tế vừa làm vừa học (tự đào tạo) của công chức

- Mức độ hiểu biết về kiến thức chuyên môn: Được chia làm 3 mức

+ Mức 1: Nắm được nội dung chính các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ về kiến thức chuyên môn thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao;

+ Mức 2: Như mức độ 1 và nắm được toàn bộ nội dung các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ về kiến thức chuyên môn thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao;

+ Mức 3: Như mức độ 2 và nắm được ý nghĩa nghiệp vụ và thực tiễn nội dung các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ về kiến thức chuyên môn thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao.

Tiêu chí để phân chia các mức là căn cứ vào khả năng nhận thức, phạm vi nhiệm vụ và khối lượng kiến thức tương ứng.

4. Kỹ năng thực thi

- Gồm các kỹ năng chính, cần thiết cho hoạt động giám sát

- Khi mức đô hiện đại hóa, tự động hóa cao lên thì các kỹ năng sẽ được điều chỉnh theo

- Các kỹ năng có được phải qua đào tạo, thực tế hoạt động, tự rèn luyện của công chức làm nhiệm vụ Giám sát

5. Kinh nghiệm làm việc

- Xác định thời gian tối thiểu cần có để công chức có thể làm được, làm tốt, thành thạo công việc, góp phần bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ cho phù hợp.

- Qua thực tế hoạt động, sẽ xem xét điều chỉnh việc xác định tiêu chí thời gian tối thiểu kể trên cho phù hợp.

6. Ngoại ngữ

- Yêu cầu chủ yếu là tiếng Anh (trên cơ sở quy định tại khoản 3, Điều 5, Phần I- Quy định chung Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục Hải quan, kiểm tra, giám sát Hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu)

- Mức độ tối thiểu là đọc hiểu hồ sơ Hải quan

- Hướng tới phải giao tiếp được với người khai Hải quan

- Các kỹ năng này phải được đào tạo, bồi dưỡng, hoặc thông qua tự đào tạo của công chức.

7. Tin học văn phòng, tin học nghiệp vụ

- Sử dụng được các chương trình tin học văn phòng, tin học nghiệp vụ liên quan trực tiếp hoạt động Giám sát Hải quan

- Kỹ năng này phải được đào tạo, làm thực tế, tự đào tạo của công chức.

8. Phẩm chất cá nhân

- Xác định các phẩm chất cần có

- Qua giáo dục, rèn luyện.

III. ỨNG DỤNG CỦA BẢN MÔ TẢ CÔNG VIỆC VÀ KHUNG NĂNG LỰC CỦA VỊ TRÍ VIỆC LÀM GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, HÀNG HÓA VẬN CHUYỂN QUA CỬA KHẨU

1. Việc mô tả và xác định các nhiệm vụ chính và điều kiện làm việc của vị trí việc làm giám sát là cơ sở để xây dựng Khung năng lực phù hợp với yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ của vị trí việc làm (1).

2. Việc xác định các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần có của vị trí việc làm giám sát là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm nghiệp vụ giám sát Hải quan (2).

3. Ứng dụng kết quả thực hiện việc (1) & (2):

a. Thực hiện việc rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ giám sát:

Trên cơ sở các quy định về trình độ học vấn, kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học, phẩm chất cá nhân tại Khung năng lực, các đơn vị tiến hành rà soát lại đội ngũ công chức giám sát hiện nay theo các tiêu chí trên. Từ đó có các đánh giá về năng lực của từng công chức giám sát và phân loại đội ngũ giám sát thành hai bộ phận: đáp ứng yêu cầu của Khung năng lực và chưa đáp ứng yêu cầu của Khung năng lực.

b. Xác định nhu cầu đào tạo và tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ giám sát:

Từ kết quả rà soát, đánh giá, phân loại công chức giám sát nói trên các đơn vị tiến hành xác định nhu cầu đào tạo của đội ngũ giám sát. Vụ Tổ chức cán bộ, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phối hợp với Trường Hải quan Việt Nam tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho bộ phận cán bộ công chức để đảm bảo đội ngũ công chức giám sát đáp ứng được các yêu cầu của Khung năng lực, hoàn thành tốt công việc.

c. Thực hiện việc tuyển dụng, bố trí luân chuyển, sử dụng công chức giám sát

Sau khi rà soát lại đội ngũ công chức giám sát, căn cứ vào khối lượng công việc và biên chế được giao của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, lãnh đạo đơn vị cân nhắc và tiến hành tuyển dụng mới hoặc bố trí luân chuyển từ các vị trí việc làm khác để đảm bảo đủ công chức đảm nhiệm công tác giám sát tại Chi cục. Căn cứ vào các yêu cầu được quy định tại Khung năng lực mà lãnh đạo các đơn vị tiến hành tuyển dụng hoặc lựa chọn, bố trí luân chuyển cán bộ từ các vị trí khác có năng lực phù hợp.

d. Xác định nhu cầu biên chế, cơ cấu ngạch công chức của vị trí việc làm:

Trên cơ sở các nhiệm vụ chính được nêu trong bản mô tả công việc, các đơn vị trong ngành Hải quan có thể xác định được khối lượng công việc cũng như các ngạch công chức của vị trí việc làm giám sát Hải quan. Từ đó có thể xác định nhu cầu biên chế và cơ cấu ngạch công chức của vị trí việc làm này.

e. Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý nguồn nhân lực dựa trên năng lực

Việc xây dựng Bản Mô tả công việc và Khung năng lực của vị trí việc làm giám sát nói riêng, của toàn bộ các vị trí việc làm của ngành Hải quan là nền tảng để triển khai công tác quản lý nguồn nhân lực dựa trên năng lực sau này.



1 Trường hợp đã tốt nghiệp Cao đẳng Hải quan thì không yêu cầu phải học Nghiệp vụ Hải quan tổng hợp