Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 2043/1999/QĐ-BKHCNMT

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ban hành ngày 01/04/1990 và Nghị định số 244/HĐBT ngày 30/06/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức của hệ thống Thanh tra Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/05/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ thỏa thuận của Tổng Thanh tra Nhà nước tại Công văn số 596/TTNN ngày 04/08/1999;
Xét đề nghị của các ông Chánh Thanh tra Bộ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức và Cán bộ khoa học, 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế về tổ chức và hoạt động thanh tra của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 308/QĐ ngày 04/5/1992 của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động thanh tra của Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

Điều 3: Các Ông Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức và Cán bộ khoa học có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định này./. 

 

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG




Chu Tuấn Nhạ

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2043/1999/QĐ-BKHCNMT, ngày 24/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (dưới đây viết tắt là Bộ KH,CN&MT) là cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và môi trường trong phạm vi cả nước.

Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và môi trường (dưới đây viết tắt là KH,CN&MT) các cấp có chức năng thanh tra về khoa học, công nghệ và môi trường trong phạm vi quản lý được phân cấp.

Điều 2. Các tổ chức thanh tra nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&MT thực hiện: Chức năng thanh tra chuyên ngành về KH,CN&MT trong phạm vi quản lý nhà nước được phân công đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân (dưới đây viết tắt là tổ chức, cá nhân); chức năng thanh tra nhà nước đối với tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của thủ trưởng cùng cấp và chịu sự chỉ đạo của tổ chức thanh tra nhà nước cấp trên về công tác tổ chức và nghiệp vụ thanh tra.

Điều 3. Các tổ chức thanh tra nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&MT bao gồm:

1. Thanh tra Bộ KH,CN&MT.

2. Thanh tra của các đơn vị trực thuộc Bộ KH,CN&MT: Thanh tra Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (dưới đây viết tắt là Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL), Thanh tra Cục Môi trường và Thanh tra của các đơn vị trực thuộc khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

3. Thanh tra Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây viết tắt là Thanh tra Sở KH,CN&MT tỉnh).

Điều 4. Các tổ chức thanh tra nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&MT có các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 8 và Điều 9 Chương II Pháp lệnh Thanh tra và các quyền hạn quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về KH,CN&MT.

Điều 5. Hoạt động thanh tra trong lĩnh vực KH,CN&MT chỉ tuân theo pháp luật; đảm bảo khách quan, chính xác, kịp thời, công khai, dân chủ; không một tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra.

Điều 6. Tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra hoặc có liên quan tới việc thanh tra phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị và quyết định về thanh tra; đồng thời có quyền giải trình, khiếu nại đối với các kết luận, kiến nghị, quyết định của thanh tra theo quy định của pháp luật. 
Chương 2:

HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Mục 1:

THANH TRA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG.

Điều 7. Thanh tra Bộ KH,CN&MT là tổ chức thuộc Bộ KH,CN&MT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống thanh tra nhà nước, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành KH,CN&MT trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ KH,CN&MT; chức năng thanh tra nhà nước đối với tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ trưởng; chỉ đạo và quản lý công tác thanh tra đối với các tổ chức trực thuộc Bộ.

Thanh tra Bộ KH,CN&MT chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT và sự chỉ đạo của Tổng Thanh tra Nhà nước về công tác tổ chức và nghiệp vụ Thanh tra.

Thanh tra Bộ KH,CN&MT có con dấu riêng và tài khoản tạm giữ chờ xử lý.

Điều 8. Thanh tra Bộ KH,CN&MT có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Thanh tra chuyên ngành đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về KH,CN&MT của tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước, theo những nội dung sau đây: 

a. Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học và công nghệ.

b. Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và hoạt động chuyển giao công nghệ.

c. Thực hiện pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và dịch vụ liên quan đến bảo hộ sở hữu công nghiệp.

d.  Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

e. Thực hiện chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.

g. Thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ.

h. Thực hiện các quy định khác trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH,CN&MT.

2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ KH,CN&MT.

3. Kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, cụ thể:

a. Xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT.

b. Có trách nhiệm thẩm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo theo Điều 61 Luật Khiếu nại, Tố cáo.

c. Xem xét, kết luận nội dung tố cáo mà Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Bộ KH,CN&MT đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trong trường hợp kết luận việc giải quyết tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét giải quyết lại theo Khoản 2 Điều 62 Luật Khiếu nại, tố cáo.

4. Hướng dẫn, kiểm tra thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ KH,CN&MT trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chỉ đạo công tác tổ chức và nghiệp vụ thanh tra đối với các đơn vị trực thuộc Bộ KH,CN&MT.

5. Tạm đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định không đúng về công tác thanh tra của các đơn vị trực thuộc Bộ KH,CN&MT.

6. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra, trường hợp kiến nghị không được chấp nhận thì có quyền bảo lưu và báo cáo Tổng Thanh tra Nhà nước.

7. Nghiên cứu nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành KH,CN&MT, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành KH,CN&MT cho Thanh tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác trực thuộc Chính phủ và Thanh tra các Sở KH,CN&MT tỉnh.

8. Có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, báo cáo tổng hợp về công tác thanh tra của Bộ trình Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT và Tổng Thanh tra Nhà nước.

Điều 9. Thanh tra Bộ KH,CN&MT được tổ chức và làm việc theo chế độ thủ trưởng, gồm có: Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và các công chức khác.

1. Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT, đồng thời chịu trách nhiệm trước Tổng Thanh tra Nhà nước về toàn bộ công tác thanh tra thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH,CN&MT.

Các Phó Chánh thanh tra chịu trách nhiệm về lĩnh vực công tác và nhiệm vụ được giao trước Chánh Thanh tra Bộ.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT có quyền:

1. Ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ KH,CN&MT đối với những người đang cộng tác với Đoàn thanh tra, tổ chức thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định sẽ gây trở ngại cho việc tiến hành thanh tra. Đối với các quyết định nói trên của thủ trưởng các đơn vị không thuộc quyền quản lý của Bộ KH,CN&MT thì kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Ra quyết định cảnh cáo, tạm đình chỉ công tác những cán bộ, công chức, nhân viên của các đơn vị trực thuộc Bộ KH,CN&MT đã cố ý cản trở công tác hoặc không thực hiện những yêu cầu, kiến nghị và quyết định về thanh tra.

Sau khi có quyết định cảnh cáo, tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, nhân viên, trong thời hạn hai ngày phải báo cáo bằng văn bản lên Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT.

Trường hợp người cố ý cản trở công tác hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị và quyết định về thanh tra là thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ KH,CN&MT thì đề nghị Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT quyết định. Những cán bộ, nhân viên không thuộc quyền quản lý của Bộ KH,CN&MT thì đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Thực hiện các quyền hạn quy định tại Điều 8 Quy chế này; các quyền hạn quy định tại Điều 9 và Điều 14 Pháp lệnh Thanh tra và các quyền hạn quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 11. Thanh tra viên của Bộ KH,CN&MT:

1. Thanh tra viên là người được Nhà nước giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật.

2. Trong hoạt động thanh tra, Thanh tra viên chỉ tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước người ra quyết định thanh tra về các kết luận, kiến nghị và quyết định của mình.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra viên có quyền:

a. Thực hiện các quyền quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 8 Điều 9 Pháp lệnh Thanh tra và các quyền hạn quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về KH,CN&MT và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

b. Tạm đình chỉ hoạt động của đối tượng thanh tra nếu xét thấy đang hoặc sẽ gây tác hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời phải báo cáo ngay cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thanh tra viên thuộc các tổ chức thanh tra Bộ KH,CN&MT, Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL và Thanh tra Cục Môi trường  thực hiện theo quy định của Quy chế Thanh tra viên ban hành kèm theo Nghị định 191-HĐBT ngày 16/6/1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

Mục 2:

THANH TRA CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ.

Điều 12. Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL là một tổ chức  thuộc Tổng cục TC-ĐL-CL, nằm trong hệ thống thanh tra của Bộ KH,CN&MT, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hóa trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục TC-ĐL-CL; chức năng thanh tra nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Tổng cục và chỉ đạo công tác thanh tra đối với các tổ chức trực thuộc Tổng cục.

Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Tổng cục trưởng Tổng cục TC-ĐL-CL và sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tổ chức và nghiệp vụ thanh tra của Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT.

Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL có con dấu riêng, được mở tài khoản tạm giữ chờ xử lý.

Điều 13. Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hóa, đề ra các biện pháp phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hóa đối với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước.

2. Thanh tra việc thực hiện pháp luật và nhiệm vụ được giao đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Tổng cục TC-ĐL-CL.

3. Xác minh, kết luận và kiến nghị Tổng cục trưởng giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

4. Hướng dẫn, kiểm tra thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục TC-ĐL-CL trong việc thực hiện các quy định về công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

5. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác quy định tại Pháp lệnh Thanh tra, Pháp lệnh Đo lường, Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa và các quyền hạn khác quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về TC-ĐL-CL.

6. Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra về TC-ĐL-CL cho Thanh tra các Sở KH,CN&MT tỉnh.

Điều 14. Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL gồm có: Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và các công chức khác.

Chánh Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tổng cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT về toàn bộ công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục TC-ĐL-CL.

Các Phó Chánh Thanh tra chịu trách nhiệm về lĩnh vực công tác và nhiệm vụ được giao trước Chánh Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL do Tổng cục trưởng Tổng cục TC-ĐL-CL đề nghị, Vụ trưởng Vụ TC-CBKH và Chánh Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT quyết định.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chánh Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL do Chánh Thanh tra Tổng cục đề nghị, Tổng cục trưởng quyết định.

Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL do Tổng cục trưởng Tổng cục TC - ĐL - CL quyết định ban hành sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT.

Điều 15. Thanh tra Cục Môi trường:

Thanh tra Cục Môi trường là một tổ chức thuộc Cục Môi trường, nằm trong hệ thống thanh tra của Bộ KH,CN&MT, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý nhà nước của Cục Môi trường, chức năng thanh tra nhà nước  đối với tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục trưởng Cục Môi trường.

Thanh tra Cục Môi trường chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Cục trưởng Cục Môi trường và sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tổ chức và nghiệp vụ thanh tra của Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT.

Thanh tra Cục Môi trường có con dấu riêng, được mở tài khoản tạm giữ chờ xử lý.

Điều 16. Thanh tra Cục Môi trường có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường đối với các Bộ, ngành và việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp, gồm:

Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường (tiêu chuẩn, quy định về phòng, chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trong khi sử dụng và khai thác các thành phần môi trường) của các tổ chức và cá nhân trong phạm vi cả nước.

2.  Thanh tra việc thực hiện pháp luật và nhiệm vụ được giao đối với tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục Môi trường.

3. Xác minh, kết luận và kiến nghị Cục trưởng Cục Môi trường giải quyết các khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và các tranh chấp về môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục trưởng.

4. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác quy định tại các văn bản quy phạm  pháp luật khác về bảo vệ môi trường.

5. Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra về bảo vệ môi trường cho Thanh tra các Sở KH,CN&MT tỉnh.

Điều 17. Thanh tra Cục Môi trường gồm có: Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và các công chức khác.

Chánh Thanh tra Cục Môi trường chịu trách nhiệm trực tiếp trước Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT về toàn bộ công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Cục Môi trường.

Các Phó Chánh Thanh tra chịu trách nhiệm về lĩnh vực công tác và nhiệm vụ được giao trước Chánh Thanh tra Cục Môi trường.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra Cục Môi trường do Cục trưởng Cục Môi trường đề nghị, Vụ trưởng Vụ TC-CBKH và Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT trình Bộ trưởng quyết định.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chánh Thanh tra Cục Môi trường do Chánh Thanh tra Cục đề nghị, Cục trưởng quyết định.

Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Cục Môi trường do Cục trưởng Cục Môi trường quyết định ban hành sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT.

Mục 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG CÁC ĐƠN VỊ  VÀ MỐI QUAN HỆ TRONG CÔNG TÁC THANH TRA.

Điều 18. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ KH,CN&MT có trách nhiệm:

1. Tổ chức và thực hiện chế độ kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, công tác, chính sách, pháp luật nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền trong phạm vi được phân cấp quản lý. 

2. Thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra của Thanh tra Bộ, của Đoàn Thanh tra hoặc Thanh tra viên đối với đơn vị mình.

3. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị mình bầu ra; xem xét giải quyết kịp thời các yêu cầu kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Cán bộ, công chức làm việc trong các tổ chức thanh tra nhà nước thuộc cơ quan quản lý nhà nước về KH,CN&MT các cấp phải là những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, khách quan và đảm bảo tiêu chuẩn theo từng chức danh do pháp luật quy định.

Điều 20. Trong hoạt động của mình, các tổ chức Thanh tra nhà nước về KH,CN&MT được sử dụng các cộng tác viên thanh tra theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Thanh tra Nhà nước.

Điều 21. Các đơn vị trực thuộc Bộ KH,CN&MT có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Bộ để thực hiện các chương trình, kế hoạch thanh tra của Bộ KH,CN&MT và giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan.

Điều 22. Thanh tra Bộ KH,CN&MT có trách nhiệm và quyền hạn sau đây với thanh tra của các tổ chức trực thuộc Bộ:

1. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra năm, từng thời kỳ và giải quyết các vụ việc theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT và theo yêu cầu của Chánh thanh tra Bộ.

2. Hướng dẫn, yêu cầu thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổng kết công tác.

3. Chỉ đạo công tác, tổ chức, nghiệp vụ thanh tra đối với tổ chức trực thuộc Bộ.

4. Yêu cầu cử các Thanh tra viên tham gia các Đoàn Thanh tra của Bộ KH,CN&MT.

Điều 23. Thanh tra Bộ KH,CN&MT có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây đối với thanh tra Sở KH,CN&MT tỉnh:

1. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra năm, từng thời kỳ và giải quyết các vụ việc theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT và theo yêu cầu của Chánh Thanh tra Bộ.

2. Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, yêu cầu thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở.

3. Yêu cầu cử Thanh tra viên tham gia các đoàn thanh tra của Bộ KH,CN&MT. 

Chương 3:

TRÌNH TỰ THANH TRA

Điều 24. Quyết định Thanh tra dựa vào những căn cứ sau:

1. Chương trình, kế hoạch thanh tra được lập theo yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Bộ KH,CN&MT.

2. Các vụ việc do Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT và Tổng thanh tra Nhà nước giao.

3. Do yêu cầu của việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT và Chánh Thanh tra Bộ.

4. Những vụ việc do Thanh tra Bộ KH,CN&MT, các Cục, Vụ thuộc Bộ phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đề nghị thanh tra.

Điều 25. Thẩm quyền quyết định thanh tra:

1. Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT quyết định thanh tra hoạt động KH,CN&MT đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đối với các đơn vị trực thuộc Bộ do Chính phủ quyết định thành lập, các Chương trình nghiên cứu  khoa học- công nghệ do Chính phủ quyết định.

2. Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT quyết định thanh tra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về KH,CN&MT của Bộ đối với các tổ chức, cá nhân không thuộc phạm vi điều chỉnh của Khoản 1 Điều này.

3. Tổng cục trưởng và Chánh Thanh tra Tổng cục TC-ĐL-CL, Cục trưởng và Chánh Thanh tra Cục Môi trường có thẩm quyền  quyết định thanh tra theo quy định của pháp luật và các Quy chế tổ chức và hoạt động thanh tra của Tổng cục TC-ĐL-CL và Cục Môi trường.

Điều 26. Thực hiện quyết định thanh tra

1. Quyết định thanh tra phải ghi rõ nội dung, phạm vi, thời gian và đối tượng thanh tra.

2. Đoàn Thanh tra hoặc Thanh tra viên khi thực hiện quyết định thanh tra phải tuân theo trình tự thanh tra do pháp luật quy định và chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra.

3. Đoàn Thanh tra hoặc Thanh tra viên khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện các quyền quy định tại Điều 24, Điều 31 Pháp lệnh Thanh tra và các quyền hạn khác quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về KH,CN&MT.

Điều 27. Trong quá trình thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên thực hiện quyết định thanh tra. Khi cần thiết Chánh Thanh tra Bộ quyết định, nếu thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ trưởng để sửa đổi, bổ sung nội dung thanh tra, đình chỉ thi hành quyết định thanh tra, thay đổi Trưởng đoàn, thành viên của Đoàn hoặc Thanh tra viên.

Khi nhận được kết luận, kiến nghị của Trưởng đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên, người ra quyết định thanh tra phải xem xét và ra quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

Đối với những vụ vi phạm pháp luật nếu xét thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải chuyển sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Điều 28. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm thực hiện đúng các yêu cầu, kiến nghị, quyết định của Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đã cung cấp. Trường hợp không thực hiện được vì lý do khách quan thì phải trả lời bằng văn bản cho Đoàn Thanh tra hoặc Thanh tra viên, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, kiến nghị, quyết định.

Nếu yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra không được thực hiện hoặc trả lời thì Đoàn Thanh tra hoặc Thanh tra viên có trách nhiệm báo cáo với người ký quyết định thanh tra hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Điều 29. Đối tượng thanh tra phải thực hiện đúng các yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

Đối tượng thanh tra được quyền giải trình trong quá trình thanh tra và  trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra và báo cáo kết quả biện pháp thực hiện cho Đoàn Thanh tra hoặc Thanh tra viên.

Trong trường hợp đối tượng thanh tra có căn cứ để đảm bảo việc chưa nhất trí với yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra thì trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được văn bản có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền. Trong khi chờ đợi giải quyết khiếu nại phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định thanh tra.

Đối tượng thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến và được ghi vào biên bản hoặc báo cáo kết quả thanh tra.

Điều 30. Khi nhận được khiếu nại của đối tượng thanh tra đối với các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý của Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên thì Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT hoặc Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm xem xét và trả lời cho đối tượng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT và Chánh Thanh tra Bộ đã giải quyết nhưng đối tượng thanh tra không nhất trí thì đối tượng thanh tra thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. 

Chương 4:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 31. Các tổ chức thanh tra nhà nước của Bộ KH,CN&MT và các đơn vị trực thuộc, Thanh tra viên, Cộng tác viên thanh tra và mọi tổ chức, cá nhân khác có thành tích trong công tác thanh tra được khen thưởng về vật chất và tinh thần theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT được quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT khen thưởng những đơn vị, tổ chức cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Điều 32. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn của tổ chức thanh tra, đoàn thanh tra, Thanh tra viên, Cộng tác viên thanh tra vì vụ lợi hoặc xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; người nào cản trở, chống đối, mua chuộc, vu khống hoặc trả thù Thanh tra viên, Cộng tác viên thanh tra thì tùy thuộc mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy tố trước pháp luật. 

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 33. Chánh Thanh tra Bộ KH,CN&MT và Vụ trưởng Vụ TC-CBKH có trách nhiệm tổ chức, theo dõi quá trình thực hiện Quy chế này; nếu có những điều cần sửa đổi, bổ sung phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ KH,CN&MT xem xét, quyết định./.

 

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG




Chu Tuấn Nhạ