Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2052/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương; sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tập trung vào các ngành then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời không ngừng hoàn thiện thể chế và cơ chế điều hành, thực hiện mục tiêu phát triển hướng ngoại, mở cửa, chủ động hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế trước hết với các tỉnh Duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên và Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

2. Phấn đấu duy trì mục tiêu phát triển kinh tế với tốc độ cao, bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện vật chất và tinh thần cho nhân dân, phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu chất lượng hợp lý theo ngành và lãnh thổ.

3. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp hóa dầu, công nghiệp thép, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và các ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao để tạo những đột phá trong phát triển có khả năng mang lại hiệu quả lớn, hình thành cơ cấu kinh tế tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Đồng thời đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội cho các huyện phía Tây của tỉnh và nhân dân vùng ngập lũ, vùng hải đảo.

4. Phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đảm bảo yêu cầu phát triển trước hết là các ngành công nghiệp then chốt như dầu khí, luyện kim, đóng tàu, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vùng nông thôn miền núi.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp lồng ghép quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư với các yêu cầu bảo vệ môi trường theo hướng bền vững về mặt sinh thái. Đầu tư đúng mức cho công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn ngừa ô nhiễm công nghiệp và đô thị, đảm bảo môi trường lao động an toàn.

5. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh củng cố, xây dựng vững chắc hệ thống chính trị theo hướng không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng các khu vực phòng thủ cơ bản liên hoàn vững chắc. Đảm bảo thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân, giữ gìn trật tự và ổn định xã hội, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm, xung yếu.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Mở rộng quan hệ hợp tác, kinh tế đối ngoại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đầu tư có trọng tâm vào các ngành có lợi thế so sánh cao nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tạo nền tảng để trở thành Tỉnh công nghiệp - dịch vụ vào năm 2020.

Tạo đột phá trong phát triển các ngành công nghiệp cơ bản tạo giá trị gia tăng cao, các ngành dịch vụ và nông nghiệp sinh thái chất lượng cao. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với việc tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến, giải quyết việc làm cho người lao động; giảm nhanh số hộ nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu đưa Quảng Ngãi lên vị trí cao về phát triển trong số các Tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung vào năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế

- Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 14% giai đoạn 2011 - 2015; và khoảng 12 - 13% giai đoạn 2016 - 2020. GDP bình quân đầu người của tỉnh tính theo giá năm 2007 đạt khoảng 2.000 - 2.200 USD/người vào năm 2015 và 4.300 - 4.500 USD/người vào năm 2020.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong GDP. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt khoảng 85 - 90% vào năm 2015 và trên 90% năm 2020.

- Hình thành một Trung tâm thương mại lớn tại thành phố Quảng Ngãi và hệ thống siêu thị tại các trung tâm kinh tế lớn của Tỉnh. Đến năm 2020 tỷ trọng dịch vụ trong GDP của tỉnh Quảng Ngãi đạt 32 - 35%.

- Thực hiện các biện pháp tăng nguồn thu và sử dụng hiệu quả vốn thu ngân sách trên địa bàn nhằm nâng tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP từ 13,2% năm 2008 lên 18% vào năm 2020.

b) Về xã hội

- Phấn đấu đến năm 2020 có 99% học sinh tiểu học và trung học cơ sở đi học đúng độ tuổi; có trên 50% trường mầm non, 70% trường tiểu học và 70% các trường trung học đạt chuẩn quốc gia; 99% các đối tượng trong độ tuổi đều đạt phổ cập trung học cơ sở, 35% trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ, 85% cháu trong độ tuổi đến lớp mẫu giáo, 99% trẻ 5 tuổi được học một năm mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1. Phấn đấu đạt chỉ số phát triển con người (HDI) bằng mức bình quân cả nước.

- Hàng năm giải quyết khoảng 35 - 38 ngàn chỗ làm việc thời kỳ 2011 - 2015 và 38 - 42 ngàn chỗ cho thời kỳ 2016 - 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 35% vào năm 2015 và 42% vào năm 2020; lao động nông nghiệp vào các năm tương ứng giảm còn 47% và 40%.

- Nâng thu nhập bình quân đầu người của Tỉnh lên khoảng 1,2 lần so với trung bình toàn quốc vào năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn theo tiêu chí mới hiện nay xuống dưới 8% năm 2015 và khoảng 6% vào năm 2020.

- Đến năm 2020 có 100% đường giao thông đến các xã và được nhựa hóa, 20 - 30% đường đến các thôn bản được kiên cố hóa. Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội trên địa bàn, đảm bảo đến năm 2020 có 100% dân cư được sử dụng điện lưới quốc gia, 98% dân cư được dùng nước sạch hợp vệ sinh, 100% dân cư được chăm sóc sức khỏe ban đầu, tỷ lệ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn dưới 5%.

- Thực hiện tốt công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, phấn đấu đạt mức tăng dân số bình quân 0,9%/năm thời kỳ 2011 - 2015 và 0,87%/năm thời kỳ 2016 - 2020.

- Phấn đấu đạt 100% xã, phường, thị trấn có làng văn hóa, khu phố văn hóa. Thực hiện bình đẳng giới, phát triển hệ thống an sinh xã hội và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Mở rộng dân chủ, tăng cường đoàn kết dân tộc, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

c) Về phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh.

Thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống và đảm bảo trật tự kỷ cương trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Tiềm lực kinh tế, quốc phòng an ninh được tăng cường, củng cố vững chắc hệ thống chính trị giữ vững trật tự an toàn xã hội. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, thích ứng với bối cảnh hội nhập sâu vào khu vực và quốc tế. Xây dựng các khu kinh tế quốc phòng trên đất liền và trên biển đảo.

d) Về sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên kết hợp với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

- Khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất hợp lý, an toàn về lương thực và bền vững về sinh thái.

- Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng trên 50%, thu gom và xử lý 95% rác thải sinh hoạt ở đô thị và 65% rác thải sinh hoạt ở nông thôn; 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế; thu gom và xử lý khoảng 65% nước thải.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC VÀ CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC

1. Công nghiệp: Khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế so sánh của Tỉnh để phát triển công nghiệp với nhịp độ cao, đặc biệt là những lợi thế có được từ Khu kinh tế Dung Quất; tạo bước đột phá trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Phấn đấu nâng tỷ trọng GDP công nghiệp - xây dựng lên 60% vào năm 2020.

- Công nghiệp lọc hóa dầu:

Giai đoạn 2011 - 2015: Phát triển ngành công nghiệp hóa dầu và các sản phẩm từ dầu như khí hóa lỏng (250 ngàn tấn/năm), N-parafin (65 ngàn tấn/năm); sản xuất nhựa polystylen (60 ngàn tấn/năm), sản xuất than đen (50 ngàn tấn/năm); sản xuất chất tẩy rửa công nghiệp (80 ngàn tấn/năm) với tổng đầu tư khoảng 250 triệu USD. Triển khai các dự án LAB, Carbon Black, lốp cao su Radian, sản xuất nhựa PVC, PE. Mở rộng quy mô nhà máy lọc dầu hiện nay đạt công suất 10 triệu tấn và chuẩn bị điều kiện để phát triển mới tổ hợp lọc hóa dầu tại Dung Quất.

Giai đoạn 2016 - 2020: Phát triển tổ hợp lọc dầu mới, nâng tổng giá trị các sản phẩm hóa dầu lên 1,5 - 2,0 lần so với năm 2015 và giá trị gia tăng của phân ngành lên 3 lần so với năm 2015.

- Công nghiệp gia công kim loại, đóng tàu và điện tử tin học:

Đầu tư sản xuất các trang thiết bị cơ khí điện và điện tử cao cấp phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; gia công các thiết bị phi tiêu chuẩn phục vụ xây dựng KKT Dung Quất, thành phố Vạn Tường và các KCN khác trong vùng.

Phát triển công nghiệp điện tử tin học theo hướng gia công phần mềm, tích hợp hệ thống nhằm hỗ trợ cho việc phát triển các sản phẩm máy móc thiết bị cơ khí, điện tử, dây chuyền sản xuất của các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

- Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản:    

Hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với chế biến thủy sản, lâm sản, súc sản xuất khẩu. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm đạt 14% giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh vào năm 2020.

- Công nghiệp vật liệu xây dựng, gốm sứ, thủy tinh:

Đầu tư nâng công suất nhà máy chế biến phụ gia; nhà máy nghiền clinke; nhà máy sản xuất gạch, xây dựng nhà máy sản xuất tôn với công suất 1,5 triệu m2/năm; nhà máy bê tông ly tâm, công suất 100m ống bê tông/ngày. Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất phân ngành lên 6,2% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh vào năm 2020.

- Công nghiệp khai khoáng:

Đầu tư mới các mỏ đá và mở rộng công suất khai thác đá khu vực phía tây Dốc Sỏi (Bình Chánh, Bình Nguyên) huyện Bình Sơn; khu vực Bình Mỹ, đông huyện Trà Bồng (Trà Sơn, Trà Phú) và Tịnh Hiệp; khu vực Phổ Phong huyện Đức Phổ và Ba Động huyện Ba Tơ (dọc Quốc lộ 24); khu vực Nam Đức Phổ (Phổ Hòa, Phổ Khánh và Phổ Thạch).

Đầu tư cơ sở sản xuất nước khoáng tại Bình Đông (xã Trà Bình, huyện Trà Bồng), khai thác sử dụng tổng hợp nguồn nước khoáng Nghĩa Thuận và Thạch Trụ, nước khoáng Thạch Bích. Đầu tư khai thác, chế biến các khoáng sản khác có giá trị trên địa bàn như sắt, ti tan, thiếc, đất hiếm,…

- Công nghiệp dệt may - da giầy:

Mở rộng công suất các nhà máy may thêm 3 - 3,5 triệu SP/năm. Xây dựng nhà máy giầy thể thao công suất 1 triệu đôi/năm; nhà máy sản xuất sợi PE, công suất 200 ngàn tấn/năm.

- Công nghiệp điện, sản xuất và phân phối nước:

Tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện theo quy hoạch điện lực của tỉnh (15 nhà máy), chú trọng trước hết vào các công trình trên sông Trà Khúc với tổng công suất 40 MW; thủy điện Nước Trong (16 MW); cụm thủy điện Dakring (170 MW).

Tiếp tục đầu tư, cải tạo hệ thống cấp nước và nâng công suất của nhà máy nước tại thành phố Quảng Ngãi lên 45.000 m3/ngày đêm; hoàn chỉnh giai đoạn II nhà máy nước Dung Quất lên 100.000 m3/ngày đêm. Đầu tư nhà máy nước phục vụ công nghiệp luyện thép với công suất 33.000 m3/ngày đêm.

- Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề:

Khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Du nhập và phát triển các ngành nghề mới: trồng nấm, cây cảnh, sinh vật cảnh, làm hoa, thêu ren và sản xuất hàng mỹ nghệ.

- Phát triển các khu, cụm công nghiệp:

Phát triển các khu công nghiệp của Tỉnh gắn với Khu kinh tế Dung Quất theo hướng hiện đại, đồng bộ. Phấn đấu lấp đầy Khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú vào năm 2015, đạt tăng trưởng chung của các khu công nghiệp trên 3,0%/năm. Sau 2010 mở rộng diện tích Khu công nghiệp Tịnh Phong thêm 209 ha, xây dựng khu dân cư của các khu công nghiệp này.

Quy hoạch các Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tại các huyện với tổng diện tích sử dụng khoảng hơn 560 ha, giải quyết việc làm cho khoảng 45.000 lao động. Trong đó: Tại huyện Đức Phổ quy hoạch 04 CCN-TTCN là Sa Huỳnh (05 ha), Phổ Phong (10 ha), Gò Hội (05 ha) và CCN Phổ Khánh (5 ha); tại huyện Tư Nghĩa quy hoạch CCN La Hà (50 ha) các điểm công nghiệp ở Cổ Lũy và Nghĩa Thuận; tại huyện Nghĩa Hành mở rộng CCN Đồng Dinh từ 10 ha lên 30 ha và hình thành thêm CCN núi Đá Hai tại xã Hành Phước với quy mô 05 ha; tại huyện Bình Sơn phát triển 04 CCN Bình Nguyên (20 ha), CCN Bình Khương (15 ha), CCN Đông TT. Châu Ổ (10 ha); CCN Bình Hiệp (20 ha); tại huyện Mộ Đức dự kiến hoàn thiện CCN Quán Lát và nâng quy mô lên 20 ha sau 2010, hình thành CCN Thạch Trụ (20 ha) và xem xét hình thành KCN phía Tây Mộ Đức giai đoạn sau 2015; tại huyện Sơn Tịnh hoàn thiện CCN Tịnh Ấn Tây và Điểm công nghiệp - làng nghề thị trấn Sơn Tịnh. Mở rộng điểm CN - làng nghề An Hải tại huyện đảo Lý Sơn từ 1 ha lên 2 ha.

2. Dịch vụ: Phát triển nhanh và đa dạng các loại hình dịch vụ, nâng tỷ trọng dịch vụ trong GDP lên 30,8% vào năm 2015 và trên 32,4% vào năm 2020. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 400 - 410 triệu USD vào năm 2020.

- Thương mại:

Phấn đấu đạt tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội thời kỳ 2011 - 2015 là 16 - 18%/năm và thời kỳ 2016 - 2020 là 16%/năm.

Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành xây dựng 189 chợ; ưu tiên trước mắt cho các chợ Dung Quất, chợ đầu mối nông sản Thành phố Quảng Ngãi, chợ Đức Phổ.

Giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng mới chợ nông sản tổng hợp Nghĩa Chánh (thành phố Quảng Ngãi), chợ nông sản tổng hợp Sơn Tịnh. Xây dựng các siêu thị kinh doanh tổng hợp tại thành phố Quảng Ngãi, KKT Dung Quất, Dốc Sỏi, Đức Phổ. Xây dựng 2 khu vực kho bãi xuất, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cảng biển Sa Kỳ, Cảng Dung Quất và 1 - 2 khu vực kho bãi phục vụ lưu thông hàng hóa nội địa tại ngoại vi thành phố Quảng Ngãi và thành phố Vạn Tường. Xây dựng mới kho cảng Dung Quất dự kiến kho có sức chứa 60.000 m3, cầu cảng tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 DWT. Hình thành các sàn giao dịch, trung tâm đấu giá, siêu thị trên mạng, phát triển thương mại điện tử, …

- Du lịch:

Phát triển nhanh, ổn định và bền vững ngành du lịch theo hướng du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái, lễ hội và cảnh quan môi trường, đạt hiệu quả kinh tế cao gắn liền với việc đầu tư bảo vệ tôn tạo cảnh quan môi trường, phát huy truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc.

Quy hoạch phát triển thành 5 khu du lịch chính là khu du lịch Trung tâm (thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận), khu du lịch Đông Bắc (khu Vạn Tường và vùng phụ cận), khu du lịch phía Nam (Bãi biển Sa Huỳnh và phụ cận), khu du lịch Tây Nam (Ba Tơ và phụ cận), khu du lịch Tây Bắc (Trà Bồng và vùng phụ cận); các điểm du lịch chính là Thiên Đàng (Khe Hai), Vạn Tường, Ba Làng An, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Nước Trong - Cà Đam. Đồng thời, xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh và khai thác tốt các tuyến du lịch liên tỉnh. Kết hợp khai thác hiệu quả các điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống tại các huyện miền núi.

- Du lịch vận tải:

Đầu tư, nâng cấp cảng Sa Kỳ và phương tiện vận tải ra đảo Lý Sơn.

Triển khai xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch vận tải nội tỉnh và tổ chức mở các tuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh. Trước hết khuyến khích mở thêm một số tuyến xe khách chất lượng cao, phát triển từng bước hệ thống xe tắc xi, các tuyến xe buýt từ thành phố Quảng Ngãi đi các huyện.

- Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm:

Tăng cường công tác huy động vốn tại địa phương của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, mở rộng đầu tư vốn cho các thành phần kinh tế, đảm bảo tín dụng tăng trưởng ổn định, an toàn bền vững và hiệu quả.

Đẩy mạnh các hoạt động bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ) và các dịch vụ tài chính khác (cho thuê tài chính, dịch vụ thẻ tín dụng, tư vấn tài chính…) gắn với sự phát triển của KKT Dung Quất.

Phát triển nhanh các loại hình dịch vụ khác như dịch vụ đào tạo, dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ…

3. Nông, lâm, thủy sản

Phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa bền vững về sinh thái, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng ra xuất khẩu.

Phát triển mạnh chăn nuôi, thủy sản và các dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi. Kết hợp phát triển sản xuất nông sản hàng hóa với đảm bảo chất lượng nông sản và vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác đạt 50 triệu đồng năm 2015 và 55 triệu đồng năm 2020. Sản lượng lương thực bình quân đầu người tương ứng là 332 kg và 307 kg vào các năm 2015 và 2020. Sản lượng thịt hơi các loại 81.000 tấn năm 2015 và 130.000 tấn năm 2020.

Hình thành những vùng chuyên canh như vùng lúa chất lượng cao, vùng thâm canh rau sạch áp dụng quy trình, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, tăng giá trị đầu tư/ha đất canh tác. Áp dụng công nghệ tiên tiến sau thu hoạch gắn với việc tổ chức tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Tạo việc làm phi nông nghiệp để giảm lao động trong nông nghiệp xuống 40% trong tổng lao động vào năm 2020.

- Đầu tư phát triển lâm nghiệp theo hướng đẩy mạnh công tác trồng rừng, kết hợp với khoanh nuôi phục hồi và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 47-48% năm 2015 và trên 50% vào năm 2020.

- Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thủy sản, trước hết là cảng cá Sa Huỳnh, cảng cá Sa Cần, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ; nạo, vét cửa Cửa Đại (Nghĩa Phú),… Chuẩn bị và triển khai xây dựng cảng cá Mỹ Á, Cửa Đại - Cổ Lũy. Sau 2015 lập quy hoạch tiếp tục xây dựng, mở vũng neo đậu tàu thuyền và trung tâm dịch vụ nghề cá Lý Sơn tầm cỡ khu vực miền Trung.

4. Các lĩnh vực xã hội

- Về phát triển dân số và nguồn nhân lực

Dân số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2015 khoảng 1.4 triệu người và năm 2020 khoảng trên 1,5 triệu người. Dự kiến đến năm 2020 lao động nông nghiệp chỉ còn khoảng 40,4% tổng lao động xã hội. Phấn đấu đến năm 2020 có 42% lao động qua đào tạo và 35 - 37% có nghề.

Từ năm 2015, 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt các xã thuộc huyện đồng bằng có trình độ đại học, cao đẳng; 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt các xã thuộc huyện miền núi, hải đảo có trình độ trung cấp chuyên môn, nghiệp vụ trở lên. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật, văn hóa - nghệ thuật, công chức, viên chức bảo đảm tiêu chuẩn chức danh, đủ năng lực đảm nhiệm nhiệm vụ được giao.

Phấn đấu hàng năm tạo việc làm mới và thêm việc làm từ 38 - 42 nghìn lao động. Giảm tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi dưới 5% vào năm 2010 và dưới 3,5% vào năm 2020.

- Về giáo dục và đào tạo

Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phấn đấu 50% trường mầm non, 70% số trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở và 70% trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Đảm bảo 90% học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia các chương trình, hoạt động hướng nghiệp. Triệt để xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho người lao động đến 35 tuổi, thí điểm mở các lớp đào tạo từ xa theo đúng quy chế.

Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi, Trường Trung cấp nghề Đức Phổ, Trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật cao Dung Quất, định hướng nâng cấp thành trường dạy nghề kỹ thuật cao khi có đủ điều kiện. Xây dựng các cơ sở đào tạo nghề quy mô vùng và thành lập thêm các trung tâm dạy nghề ở 6 huyện miền núi.

Phối hợp với Bộ Tài chính thành lập trường Đại học Tài chính - Kế toán trên cơ sở trường Cao đẳng Tài chính - Kế toán hiện nay. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại cho trường Đại học Phạm Văn Đồng, phân hiệu Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh.

- Về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ y tế về chuyên môn, y đức, quản lý và sử dụng trang thiết bị hiện đại.

Tiếp tục phát triển các kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Đến năm 2015 thành lập Bệnh viện nội tiết, bệnh viện mắt. Sau năm 2015 xây dựng bệnh viện ung bướu của tỉnh. Mở rộng quy mô và nâng cấp trường Trung học y tế thành trường Cao đẳng y tế.

- Về văn hóa, thể dục, thể thao

Phấn đấu đến năm 2015 có 90 - 95% gia đình, 80 - 85% thôn, tổ dân phố; trên 95% cơ quan, trường học đạt chuẩn văn hóa; 100% đài truyền thanh huyện, xã được củng cố và nâng cấp, đầu tư trang thiết bị hiện đại; 100% các huyện, thành phố có trung tâm văn hóa - thể thao, thư viện, sân bãi thể thao, nhà truyền thống và khu vui chơi giải trí, đội thông tin lưu động; 100% các nhà văn hóa huyện, thành phố được đầu tư sửa chữa, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin.

Đến năm 2020 có 70% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; 100% thị trấn, xã phường có làng văn hóa, khu phố văn hóa; 100% gia đình, 90 - 95% thôn, tổ dân phố và 100% cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa.

- Về khoa học và công nghệ

Thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển khoa học - công nghệ để đến năm 2020, khoa học công nghệ của Quảng Ngãi phải thực sự là lực lượng sản xuất của kinh tế địa phương. Hình thành một số trung tâm nghiên cứu ứng dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông, lâm, thủy hải sản.

Đẩy mạnh phổ cập tin học, kết nối rộng rãi mạng internet và các mạng nội bộ khác. Phát triển các dịch vụ kỹ thuật như đo lường, thẩm định công nghệ, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đăng ký sản phẩm, chống làm hàng giả. Tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp) cho các sản phẩm sản xuất ở trong Tỉnh.

- Về chính sách xã hội và xóa đói giảm nghèo

Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo; tăng cường các nguồn lực theo hướng xã hội hóa, đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo; tập trung cho 6 huyện nghèo miền núi; thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình chính sách và hộ nghèo; đẩy mạnh phát triển sản xuất, từng bước nâng cao mức sống của dân cư trong các xã nghèo. Xây dựng và phát triển mạng lưới an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện các chính sách xã hội và công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

- Về phát thanh, truyền hình.

Phấn đấu đưa sóng PTQ lên vệ tinh phủ sóng PT-TH 100% các vùng trong Tỉnh, kể cả vùng biển Đông của Tỉnh, 100% số hộ được nghe đài, 99% số hộ được xem truyền hình, 80% số hộ được xem truyền hình qua vệ tinh. Xây dựng Đài phát thanh - truyền hình tỉnh đồng bộ và hiện đại.

5. Phát triển kết cấu hạ tầng

a) Giao thông

- Đường bộ: Đầu tư nâng cấp hệ thống các trục dọc chính (7 tuyến), trục ngang chính (3 tuyến) của tỉnh, tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, đối với miền núi đảm bảo cấp IV, đường nội thị 100% bê-tông nhựa hoặc bê-tông xi măng; đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp V; đường xã đạt tiêu chuẩn cấp V. Đường vào các trung tâm thôn, xóm đạt loại A, B.

Nâng cấp đường tỉnh chủ yếu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV. Riêng đường ĐT623, đường ĐT625 (đoạn km4 - km26+800) từ 2011 - 2020 nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III. Quy hoạch nâng cấp tỉnh lộ thành quốc lộ tuyến Dung Quất - Trà Bồng - Trà Thanh - Trà My - Tăc Pỏ - đường Hồ Chí Minh.

Đầu tư nâng cấp rải nhựa và bê tông xi măng khoảng 90% chiều dài đường huyện, 70% chiều dài đường xã, phường, thị trấn, đường liên thôn. Quy hoạch nâng cấp đường trung tâm huyện lỵ Ba Tơ - Ba Trang - Phổ Ninh - QL 1A thành tỉnh lộ sau năm 2010.

Nâng cấp các tuyến đường đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị cấp khu vực của đô thị loại 3 sau năm 2010. Đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đường đô thị từ cấp khu vực trở lên của đô thị loại II.

Xây dựng 01 bến xe trung tâm của tỉnh tại thành phố Quảng Ngãi đạt tiêu chuẩn loại I; xây dựng mới bến xe Sơn Tịnh (Bến xe Bắc Quảng Ngãi) đạt tiêu chuẩn loại III; 12 bến xe tại trung tâm huyện lỵ tại các huyện đạt tiêu chuẩn loại 4 và các điểm đón trả khách tại các Trung tâm cụm xã của các huyện miền núi trong Tỉnh. Hình thành mạng lưới giao thông công cộng.

- Đường thủy: Nâng cấp cải tạo tuyến Châu Ổ - Sa Cần đến thủy điện Cà Đú (S. Trà Bồng); từ Cửa Đại đến đập thủy lợi Thạch Nham (Sông Trà Khúc). Đưa vào khai thác theo quy hoạch các tuyến đường thủy nội địa thuộc các sông Kinh Giang, sông Vệ, sông Trà Câu, sông Thoa và tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn.

Hoàn thiện cảng Dung Quất là cảng chuyên dùng và tổng hợp container đầu mối của khu vực theo quy hoạch. Đồng thời nghiên cứu quy hoạch cảng nước sâu Dung Quất II nhận tàu công suất đến 26 vạn DWT; công suất cảng đến năm 2020 là 30 triệu tấn/năm; Cảng Sa Kỳ (xã Tịnh Kỳ): năng lực thiết kế đến năm 2020 là tàu cỡ 2000 DWT và công suất 0,3 - 0,4 triệu tấn/năm. Quy hoạch các bến cảng nhỏ của địa phương: Cổ Lũy (tổng hợp), Lý Sơn (cảng cá), Sa Huỳnh (cảng cá), bến cập quân sự Lý Sơn (bến cập tàu), cảng Mỹ Á (cảng tổng hợp) đầu tư hạ tầng kỹ thuật vũng neo đậu trú bão tàu thuyền Lý Sơn giai đoạn II.

- Đường sắt: Xây dựng mới đường sắt nối vào cảng Dung Quất khổ đường 1435 mm, lấy ga Trị Bình làm ga cập tàu để chuyển đường sắt Bắc - Nam sang đường sắt vào cảng Dung Quất. Nâng cấp mở rộng các ga Bình Sơn, Đức Phổ nâng lên 4 đường đón tiễn; ga Quảng Ngãi thành nhà ga khu vực 6 đường đón tiễn.

- Đường không: Nâng cấp sân bay quân sự Quảng Ngãi thành sân bay lưỡng dụng và đầu tư thành sân bay taxi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh. Đầu tư khôi phục sân bay Lý Sơn, Quảng Ngãi để cho máy bay trực thăng hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp quốc phòng - an ninh.

b) Cung cấp điện

Duy trì nguồn điện và đảm bảo chất lượng mạng lưới cấp điện đáp ứng nhu cầu dùng điện của Tỉnh. Đồng thời, tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên xây dựng một số thủy điện vừa và nhỏ hoặc tận dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời để cấp điện cho vùng sâu vùng xa và các xã đảo những nơi không có điện quốc gia. Nghiên cứu lắp đặt các pin mặt trời và xây dựng nhà máy nhiệt điện có công suất 8 MW tại đảo Lý Sơn.

c) Thông tin - truyền thông

Phát triển thêm khoảng 30 đại lý bưu điện tại các khu công nghiệp, khu dân cư mới; 4 đại lý bưu điện tại KCN Phổ Phong; 5 điểm phục vụ ở hai KCN Tịnh Phong và Quảng Phú. Xây dựng mới 129 điểm bưu điện văn hóa xã tại các xã chưa được phổ cập. Mở rộng phạm vi phủ sóng đến từng xã, phổ cập dịch vụ điện thoại và Internet. Đến năm 2015 đạt 114 máy/100 dân và năm 2020 đạt 130 máy/100 dân.

Thời kỳ 2011 - 2015 xây dựng trên 250km cáp quang, lắp đặt thêm 159 trạm BTS; thời kỳ 2016 - 2020 hoàn thành việc ngầm hóa đến khu vực dân cư, cụm dân cư, KCN và cáp quang hóa đến cấp xã. Phấn đấu 100% số xã, 100% số trường THPT và cơ sở y tế có điểm truy cập Internet, 25 - 30% dân số sử dụng Internet. Triển khai thành công các dịch vụ cơ bản của Chính phủ điện tử, các dịch vụ điện tử G2B, G2C, G2G, B2B, B2C.

d) Cấp, thoát nước và xử lý nước thải

Cải tạo hệ thống cấp nước và nâng công suất của nhà máy nước tại thành phố Quảng Ngãi lên 45.000 m3/ngày đêm; nhà máy nước Dung Quất lên 100.000 m3/ngày đêm và xây dựng nhà máy nước phục vụ công nghiệp luyện thép với công suất 33.000 m3/ngày đêm. Đồng thời điều tra bổ sung và quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước tại các đô thị mới và các khu công nghiệp.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thành các hồ chứa lớn để hoàn chỉnh hệ thống nguồn tưới và cắt lũ cơ bản Thạch Nham cùng hồ chứa Nước Trong hỗ trợ cho Thạch Nham; triển khai công trình thủy lợi hồ Chóp Vung, quy hoạch xây dựng đê biển (dự án đê biển Quảng Ngãi - Kiên Giang) kết hợp với giao thông ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh.

Soát xét lại quy hoạch kiểm soát lũ toàn vùng theo hướng phòng và tránh lũ là chính, bố trí vốn xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi lớn ở thượng nguồn. Xây dựng quy hoạch tổng hợp sử dụng nước của các hệ thống sông chính, có kế hoạch chi tiết xử lý bằng biện pháp công trình tình trạng thiên tai liên quan đến nước tại một số khu vực trọng điểm của Tỉnh.

Đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống hạ tầng xử lý nước thải tại các KCN, CCN và các cơ sở sản xuất công nghiệp, các đô thị và địa bàn tập trung dân cư. Đảm bảo đến năm 2015 xử lý được 65% và năm 2020 xử lý 75% nước thải công nghiệp đảm bảo chất lượng được phép xả thải hiện hành.

IV. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THEO LÃNH THỔ

1. Phát triển mạng lưới đô thị

Mở rộng thành phố Quảng Ngãi về phía huyện Sơn Tịnh bao gồm 06 xã và thị trấn Sơn Tịnh thuộc huyện Sơn Tịnh và 02 xã của huyện Tư Nghĩa là xã Nghĩa Hà và Nghĩa Phú; phía đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Đến năm 2015 đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, đến năm 2020 hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị thành thành phố biển hiện đại của khu vực Miền Trung. Phát triển thành phố Vạn Tường thành đô thị công nghiệp - dịch vụ - du lịch ven biển là đô thị trung tâm của KKT Dung Quất mở rộng, có kiến trúc cảnh quan đẹp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại ngang tầm với các đô thị lớn của Miền Trung. Thị trấn Đức Phổ phát triển thành thị xã thuộc Tỉnh vào năm 2015, là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của vùng phía Nam Quảng Ngãi. Phát triển đô thị Dốc Sỏi đến năm 2015 đạt tiêu chuẩn của đô thị loại IV. Năm 2020 thị trấn Châu Ô đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV.

Phát triển và hình thành các thị trấn mới thuộc huyện là Sơn Tịnh, Trà Câu, Thạch Trụ, Sa Huỳnh. Đến năm 2020 hình thành thị trấn Nam Sông Vệ, thị trấn Phổ Phong.

2. Phát triển các lãnh thổ động lực

- Khu kinh tế Dung Quất và huyện Bình Sơn

Quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Dung Quất, đưa diện tích 10.300 ha hiện nay lên 45.332 ha, để hình thành Thành phố công nghiệp mở, Trung tâm lọc hóa dầu quốc gia (công suất 10 triệu tấn/năm), gắn với cảng nước sâu Dung Quất II, sân bay Quốc tế Chu Lai, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và giữ vai trò quan trọng về quốc phòng của toàn Miền Trung và Tây Nguyên trong tương lai.

- Thành phố Quảng Ngãi

Thành phố Quảng Ngãi với kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch và tài chính hiện đại sẽ là một trong những đầu mối giao thông quan trọng và trung tâm kinh tế của khu vực Miền Trung về thương mại, dịch vụ du lịch, là hậu phương quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển KKT Dung Quất.

- Trục Thạch Trụ - Sa Huỳnh của Mộ Đức và Đức Phổ

Phát triển với trọng tâm là công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; công nghiệp vật liệu xây dựng, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du lịch đặc biệt là du lịch văn hóa lịch sử liên tỉnh hòa nhập với các tuyến du lịch Miền Trung và Tây Nguyên.

- Trung tâm kinh tế - xã hội miền núi tại Sơn Hà

Phát triển đô thị Sơn Hà lên cấp IV vào năm 2020 làm lãnh thổ kinh tế hạt nhân của cả 6 huyện trong vùng miền núi trên cơ sở phát huy tốt những lợi thế do các hành lang kinh tế - kỹ thuật miền núi mang lại cho miền tây Quảng Ngãi. Từng bước hình thành hệ thống các cơ sở công nghiệp chế biến quy mô vừa và khá, các ngành tiểu thủ công nghiệp, các nghề truyền thống, tạo việc làm, cải thiện thu nhập của người dân miền núi lên mức trung bình khá so với các Tỉnh trong vùng miền núi của Miền Trung.

3. Phát triển kinh tế - xã hội theo các tiểu vùng

- Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án 30a về xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn 6 huyện miền núi, từng bước thay đổi bộ mặt kinh tế của toàn vùng phía tây của Tỉnh. Giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% vào năm 2015, dưới 8% vào năm 2020. Giảm tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 60% vào năm 2015 và còn khoảng 50% vào năm 2020 trong tổng lao động xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 40% vào năm 2015 và trên 50% năm 2020. Tất cả các xã và phần lớn thôn bản được đảm bảo giao thông bốn mùa, điện sinh hoạt và các điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa.

Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở toàn vùng vào năm 2015; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đến năm 2015 dưới 16%, năm 2020 dưới 13%. Độ che phủ rừng của vùng đạt 58% vào năm 2015 (toàn tỉnh đạt 47-48%), năm 2020 trên 63% (toàn tỉnh 50%).

- Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và các huyện ven biển đóng góp trên 80% GDP của cả Tỉnh, đóng góp 85-90% giá trị kim ngạch xuất khẩu, thu nhập bình quân đầu người của các huyện ven biển hải đảo cao gấp đôi so với thu nhập bình quân chung cả Tỉnh.

- Phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo mô hình Thành phố công nghiệp mở với thể chế đặc biệt về hành chính và kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với các dự án quy mô lớn và công nghệ hiện đại, thực hiện các thể chế hành chính quốc tế, làm nền tảng hình thành tuyến hành lang Duyên hải Trung Bộ Chân Mây - Đà Nẵng - Dung Quất…

- Đến năm 2015 phát triển Khu du lịch - kinh tế - văn hóa Sa Huỳnh với Trung tâm văn hóa - nghiên cứu - khảo cổ của tỉnh và quốc gia, Trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch tổng hợp và khu phim trường quy mô cấp quốc tế, cụm CN-TTCN với các ngành đóng tàu thuyền, chế biến thủy sản…

- Phát triển hành lang kinh tế ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giáp KKT mở Chu Lai của tỉnh Quảng Nam bắt đầu từ KKT Dung Quất chạy dọc ven biển trên toàn tuyến 110 km về phía nam tỉnh, nối với Bình Định tại Tam Quan tạo mối liên hết kinh tế biển của khu vực và cả nước.

- Phát triển các khu du lịch biển KDLSTB Thiên Đàng, Vạn Tường, Ba Làng An, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Lý Sơn và các điểm du lịch ven biển như chứng tích Sơn Mỹ, Cổ Lũy - Cô Thôn, Chùa Ông…

- Xây dựng cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sông Trà Bồng, Sa Huỳnh và Tịnh Kỳ. Lập quy hoạch bến cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tư Nghĩa. Đầu tư xây dựng vũng neo đậu tàu thuyền và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Lý Sơn.

- Quy hoạch phát triển huyện đảo Lý Sơn thành đảo du lịch xanh sạch đẹp kết hợp với khai thác hải sản. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên đảo với việc xây dựng trạm cảnh báo cứu hộ thiên tai, vũng neo đậu tàu thuyền, sân bay quân sự hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ  

(Phụ lục kèm theo)

VI. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Huy động vốn đầu tư

Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2010 - 2015 khoảng 158.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 279.000 tỷ đồng;

Để huy động được các nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch, Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương ngay từ khâu xây dựng quy hoạch và kế hoạch, đảm bảo các công trình, dự án trọng điểm của Tỉnh, nhất là các dự án lớn về giao thông, thủy lợi, quốc phòng, an ninh được thể hiện đầy đủ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển gắn với kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án.

Thực hiện đa dạng hóa đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; xây dựng các cơ chế, chính sách hấp dẫn và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đồng thời khuyến khích các dự án đang hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất.

Thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động từ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đảm bảo vốn tín dụng và liên doanh, liên kết với các địa phương khác và huy động trong dân so với tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến đáp ứng được 31,5% thời kỳ 2011 - 2015 và 35,2% tổng nhu cầu vốn thời kỳ 2016 - 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến khoảng 15% tổng đầu tư trên địa bàn thời kỳ 2011 - 2015 và 42% thời kỳ 2016 - 2020 với tổng đầu tư khoảng trên 113 ngàn tỷ đồng tương đương 7,2 tỷ USD.

Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BT, BOT, BTO và các hình thức đầu tư khác để thu hút mạnh vốn vào phát triển kết cấu hạ tầng, đồng thời thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu và chương trình quốc gia trên từng địa bàn, ưu tiên vốn của các chương trình này cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc, vùng căn cứ cách mạng.

Có giải pháp sử dụng có hiệu quả vốn tín dụng đầu tư dài hạn, vốn tín dụng từ quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia sẽ tập trung cho một số đơn vị sản xuất kinh doanh theo đối tượng ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thuộc các lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

2. Giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Tiếp tục thực hiện chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ giỏi làm việc trên địa bàn tỉnh, đội ngũ cán bộ công tác tại các huyện miền núi, hải đảo. Trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về kinh phí đào tạo đào tạo doanh nhân, dạy nghề ngắn hạn, kinh phí cho tuyển dụng lao động.

Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư cho y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao. Tăng cường cơ sở vật chất ngành y tế, nâng cao y đức, mở rộng diện bảo hiểm y tế tự nguyện. Hình thành, phát triển và mở rộng bảo hiểm xã hội, tiến tới thực thi bảo hiểm thất nghiệp.

3. Giải pháp về phát triển hạ tầng

Tập trung nguồn vốn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng của KKT Dung Quất, các KCN, hạ tầng đô thị Vạn Tường, Quảng Ngãi, Đức Phổ và các đô thị ven biển…

Chú trọng các công trình giao thông, thủy lợi đầu mối có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất, hạ tầng du lịch, hạ tầng KKT Dung Quất, hạ tầng các khu đô thị và các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung trên cơ sở liên kết các nguồn vốn của nhà nước, vốn tín dụng, vốn ứng trước của nhà đầu tư, vốn liên doanh liên kết với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng. Xây dựng kế hoạch cụ thể về đầu tư các công trình hạ tầng môi trường kết hợp với dự án xây đê biển Quảng Ngãi - Kiên Giang của Chính phủ.

4. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Cải thiện môi trường cho phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường mới, nhất là thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu, đẩy mạnh hoạt động của KKT, phổ biến kịp thời các thông tin kinh tế, nhất là về cơ chế, chính sách. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận trên địa bàn.

Tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển các khu vực động lực về kinh tế, phát triển dịch vụ, du lịch, tài chính, đào tạo nhân lực,…

Triển khai quy hoạch chi tiết sử dụng đất trên cơ sở đảm bảo sử dụng hợp lý quỹ đất cho các mục tiêu kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng theo tiêu chí bền vững về môi trường sinh thái, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.

5. Giải pháp về khoa học - công nghệ, môi trường

Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa, doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đa dạng hóa đối tác và hình thức hợp tác về khoa học công nghệ giữa tỉnh với các cơ quan khoa học và công nghệ.

Thực hiện giao khoán rừng và đất rừng phải gắn với quy hoạch, định canh, định cư, lồng ghép các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển vườn rừng, kinh tế trang trại. Thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các quy hoạch, các dự án đầu tư quy mô lớn, giám sát nghiêm quy trình xử lý nước thải, rác thải, bụi, tiếng ồn… ở các KCN, bệnh viện, khu đô thị.

6. Giải pháp phối hợp phát triển với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên

Phối hợp trong phát triển kết cấu hạ tầng như xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Quảng Ngãi - Nha Trang; tuyến đường Đông Trường Sơn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi; phối hợp với các tỉnh vùng Tây Nguyên nâng cấp các QL 24, với Quảng Nam nâng cấp tuyến đường Dung Quất - Trà Bồng - Trà My. Phối hợp sử dụng chung hạ tầng kinh tế và xã hội các KKT trong vùng KTTĐ Miền Trung như cảng biển, sân bay, hệ thống cấp điện,…

Hợp tác xây dựng các tuyến du lịch, trong xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, trong lĩnh vực đào tạo - nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, trong phát triển y tế, khám chữa bệnh. Phối hợp nâng cao năng lực khai thác hệ thống thủy nông trên địa bàn.

7. Giải pháp về bảo đảm quốc phòng - an ninh

- Xây dựng một số công trình quốc phòng: Sở chỉ huy cơ bản tỉnh và các huyện, thành phố, hệ thống đường cơ động vào sở chỉ huy cơ bản của tỉnh và các huyện, thành phố kết hợp với phát triển kinh tế vùng dân cư lân cận,…

- Xây dựng các công trình phòng thủ trên địa bàn huyện Lý Sơn thuộc chương trình Biển Đông - Hải đảo như: sân bay, cảng quân sự, kho tàng, đường cơ động kết hợp với kè bảo vệ, một số công trình quan trọng khác.

- Xây dựng các công trình phòng thủ tuyến ven biển (các tuyến đường cơ động, căn cứ hậu cần kỹ thuật), các công trình chiến đấu của tỉnh và các huyện, thành phố kết hợp quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế của vùng dân cư lân cận.

8. Tổ chức và chỉ đạo điều hành và quản lý phát triển kinh tế - xã hội

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, cần công khai hóa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, tiến hành rà soát, xây dựng mới quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực, các quy hoạch chi tiết. Chi tiết hóa quy hoạch trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầu tư phát triển theo quy hoạch.

Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, trong sạch, có đủ phẩm chất và năng lực phục vụ nhân dân.

Tăng cường liên kết giữa các ngành, các địa phương và các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự can thiệp đúng mức và hiệu quả của Nhà nước đối với các hoạt động phát triển.

VII. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tổ chức công bố, phổ biến quy hoạch

- Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020 cho các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh.

- Tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế, các chương trình, dự án ưu tiên cho các nhà đầu tư.

2. Xây dựng chương trình hành động

- Sau khi Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, trên cơ sở mục tiêu của Quy hoạch, Tỉnh xây dựng chương trình hành động để thực hiện Quy hoạch.

- Cụ thể hóa các mục tiêu Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện Quy hoạch có hiệu quả.

- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Quy hoạch.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội trong Quy hoạch, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện và các đơn vị liên quan; quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để bảo đảm sự phát triển tổng thể, đồng bộ.

2. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, các dự án cụ thể để đầu tư tập trung, bố trí ưu tiên đầu tư một cách hợp lý.

3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh và pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

4. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch này kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và cả nước trong từng giai đoạn Quy hoạch.

Điều 3. Giao các Bộ, ngành Trung ương liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu lập các quy hoạch cụ thể; nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích, thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nêu trong Quy hoạch.

2. Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan đã được dự kiến nêu trong quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Hỗ trợ Tỉnh trong việc bố trí và huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ THỜI KỲ 2010 - 2020 TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2052/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên dự án

A

CÁC DỰ ÁN DO CÁC BỘ NGÀNH ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

1

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

2

Dự án nâng cấp đường Quốc lộ 24 (Quảng Ngãi - Kon Tum)

3

Dự án đường tránh qua thị trấn La Hà - Tư Nghĩa

4

Dự án đường tránh qua thị trấn Châu Ổ - Bình Sơn

5

Dự án Trường Đại học Tài chính Kế toán Quảng Ngãi

B

CÁC DỰ ÁN DO TỈNH LÀM CHỦ ĐẦU TƯ

I

Dự án đầu tư từ nguồn vốn Trung ương

1

Dự án tiêu thoát lũ sông Thoa

2

Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh

3

Dự án đường cứu hộ, cứu nạn miền Tây tỉnh Quảng Ngãi

4

Dự án đường tỉnh lộ 623 (Sơn Tịnh - Sơn Tây)

5

Dự án đường cơ động đảo Lý Sơn giai đoạn 2 

6

Dự án cảng Bến Đình - Lý Sơn

7

Các dự án đê biển từ Bình Sơn đến Đức Phổ

8

Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền trú bão đảo Lý Sơn

9

Dự án Trung tâm phòng cháy chữa cháy KKT Dung Quất

10

Dự án cầu Cửa Đại nối đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh

11

Dự án rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh

12

Khu lưu niệm Bác Phạm Văn Đồng (giai đoạn 2)

13

Dự án đường Trị Bình - cảng Dung Quất (đường trục chính KKT Dung Quất)

14

Dự án đường Võ Văn Kiệt giai đoạn 2 (KKT Dung Quất)

15

Dự án bệnh viện Y học cổ truyền và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh

16

Dự án xây dựng các Khu dân cư để tái định cư phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại KKT Dung Quất

II

Dự án đầu tư từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương

1

Cơ sở hạ tầng KKT Dung Quất mở rộng

2

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đảo Lý Sơn theo hướng phát triển mạnh về kinh tế vững về quốc phòng - an ninh

3

Cơ sở hạ tầng khu du lịch Mỹ Khê, khu du lịch Đặng Thùy Trâm

4

Ký túc xá sinh viên tỉnh Quảng Ngãi

5

Xây dựng 15 tuyến đường ô tô đến trung tâm xã

6

Các công trình thủy lợi và hồ chứa người các huyện

7

Xây dựng các cảng cá Sa Huỳnh, Sa Kỳ, Mỹ Á, Cổ Lũy

8

Kè chống sạt lở ở đô thị, khu dân cư sông Trà Bồng, sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Câu

9

Hạ tầng khu công nghiệp Tịnh Phong

10

Hạ tầng khu công nghiệp Quảng Phú

11

Dự án xây dựng 72 Khu dân cư bị ảnh hưởng bão lũ, sạt lở theo tiêu chí nông thôn mới

II

Dự án từ nguồn vốn địa phương

1

Dự án đập dâng sông Trà Khúc

2

Hạ tầng thành phố Quảng Ngãi

3

Hạ tầng thị xã Đức Phổ

4

Dự án đường Quảng Ngãi - Thạch Nham (ĐT 623B)

5

Dự án đường Quảng Ngãi - Minh Long

6

Dự án đường Quảng Ngãi - Cổ Lũy

7

Dự án đường Quán Lát - Đá Chát

8

Đường bờ Bắc và bờ Nam sông Trà Khúc

9

Dự án Khu liên hợp thể dục - thể thao tỉnh

10

Dự án khu hành chính tập trung

11

Dự án Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên tỉnh

12

Hạ tầng các cụm công nghiệp

13

Hạ tầng chợ 14 huyện, thành phố của tỉnh

14

Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề các huyện, thành phố

C

CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ ĐẦU TƯ

I

Lĩnh vực hạ tầng các khu công nghiệp

1

Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Phổ Phong

2

Xây dựng kết cấu hạ tầng, khu dân cư, kinh doanh địa ốc,… tại thành phố Vạn Tường - Khu kinh tế Dung Quất

II

Lĩnh vực công nghiệp

1

Dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 10 triệu tấn/năm

2

Dự án Nhà máy sản xuất cao su tổng hợp 40.000 tấn/năm

3

Dự án Nhà máy sản xuất than đen (Carbon black) 350.000 tấn/năm 

4

Dự án Nhà máy sản xuất chất tẩy rửa công nghiệp (LAB) 80.000 tấn/năm

5

Dự án Nhà máy sản xuất sợi Polyester 45.000 tấn/năm

6

Dự án Nhà máy sản xuất Styrene Monomer 210.000 tấn/năm

7

Dự án Nhà máy sản xuất dầu nhờn 50.000 tấn/năm

8

Dự án Nhà máy sản xuất động cơ Diesel 30-50 mã lực (2,3,4 xi lanh)

9

Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị cần cẩu siêu trường, siêu trọng

10

Dự án Nhà máy sản xuất tấm lợp cốt sợi hữu cơ 10 triệu m2/năm

11

Dự án xây dựng các Nhà máy chế tạo công nghệ cao về điện tử, thông tin, sinh học phục vụ cho nông nghiệp,…

III

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch

1

Dự án Trung tâm thương mại Đức Phổ

2

Dự án Trung tâm thương mại Vạn Tường

3

Dự án Trung tâm Triển lãm, Hội chợ Quảng Ngãi

4

Khu du lịch sinh thái Cà Đam - Hồ Nước Trong

5

Khu du lịch sinh thái và tắm bùn khoáng Nghĩa Thuận

6

Khu du lịch đảo Lý Sơn

7

Dịch vụ vận chuyển, dịch vụ logistics cho hàng xuất - nhập khẩu

8

Khu du lịch và phim trường Vina - Universal - Đặng Thùy Trâm

* Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.