Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2075/2004/QĐ-UB

Đông Hà, ngày 02 tháng 7 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ ĐẦU TƯ, KHAI THÁC SỬ DỤNG, BẢO TRÌ CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG PHỤC VỤ DÂN SINH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn.

- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ v/v sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;

- Căn cứ Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng;

- Theo đề nghị của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý đầu tư, khai thác sử dụng, bảo trì các công trình xây dựng phục vụ dân sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng các ban ngành, Giám đốc các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 


Nơi nhận :
-Như điều 2
-CT, các PCT UBND tỉnh
-T.vụ Tỉnh uỷ, TT/HĐND tỉnh
-Cục KTVB Bộ Tư pháp
-Lưu VT,CN,NN.

TM/UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ ĐẦU TƯ, KHAI THÁC SỬ DỤNG, BẢO TRÌ CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG PHỤC VỤ DÂN SINH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
“Ban hành kèm theo Quyết định số 2075/2004/QĐ-UB ngày 02 tháng 7 năm 2004 của UBND tỉnh Quảng Trị”

Chương I

MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Điều 1: Mục đích:

Hiện nay, ở tỉnh Quảng Trị có một số dự án được đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau và theo nhiều hình thức khác nhau (chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, vốn viện trợ ủy thác, vốn đóng góp của nhân dân, vốn đóng góp của cụm dân cư v.v). Công tác quản lý đầu tư, khai thác sử dụng, duy tu, bảo trì còn nhiều vấn đề bất cập, dẫn đến tình trạng thiếu sự quản lý, công trình xuống cấp nhanh, hiệu quả đầu tư kém.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quy định này nhằm tăng cường vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xét duyệt chủ trương đầu tư, quản lý dự án, giám sát, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị, nghiệm thu thanh quyết toán, bảo hành, khai thác sử dụng và bảo trì công trình, tăng hiệu quả đầu tư và tuổi thọ công trình.

Điều 2: Đối tượng và phạm vi áp dụng.

Quy định này áp dụng cho các công trình xây dựng và lắp đặt thiết bị (sau đây gọi là công trình) bằng các nguồn vốn và hình thức đầu tư khác nhau phục vụ dân sinh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị: Công trình nước tự chảy, nước sạch nông thôn; Công trình thuộc chương trình 135 (đường giao thông nông thôn, trường học, trạm xá, chợ); Công trình điện sinh hoạt đơn lẻ (như thủy điện nhỏ, pin năng lượng mặt trời, sức gió v.v không thuộc quy định của Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp); Công trình kiên cố hoá kênh mương nội đồng, kiên cố hóa giao thông nông thôn, khu phố v.v.

Bao gồm hai loại công trình sau:

2.1- Các công trình đầu tư từ các chương trình mục tiêu của Nhà nước, chương trình viện trợ nhân đạo v.v, sau khi hoàn thành (do một tổ chức, cá nhân khác thực hiện), được chuyển giao lại cho cộng đồng cụm dân cư quản lý, khai thác sử dụng.

2.2- Các công trình do cộng đồng cụm dân cư tự thực hiện bằng nguồn vốn đóng góp, vốn tài trợ ủy thác hoặc vốn Nhà nước giao theo hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tự quản lý và khai thác sử dụng.

Chương II

HÌNH THỨC QUẢN LÝ-PHÂN CẤP QUẢN LÝ

Điều 3: Hình thức quản lý:

Do tính chất đặc thù của loại hình công trình và tính chất nguồn vốn, nên hình thức quản lý là hình thức tự quản.

Cộng đồng dân cư (những người hưởng lợi) nơi có công trình chịu trách nhiệm quản lý, khai thác sử dụng, bảo trì công trình theo quy định tại văn bản này.

Các cấp chính quyền và cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tham gia về mặt định hướng, giám sát, hướng dẫn, đồng thời khuyến khích nhân dân tổ chức tự quản theo các hình thức quy định của pháp luật một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Những văn bản pháp luật nên vận dụng là: Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn; Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng; Các văn bản hướng dẫn thực hiện các văn bản trên của các Bộ, Ngành liên quan.

Điều 4: Phân cấp quản lý, khai thác sử dụng:

4.1- Cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng:

Sở Xây dựng Quảng Trị là cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với tất cả các công trình xây dựng được quy định tại Quy định này trên địa bàn tỉnh.

4.2- Chủ quản đầu tư:

Tuỳ theo tính chất công trình xây dựng là loại công trình được chuyển giao lại theo điểm 2.1 Điều 2 hoặc tự thực hiện theo điểm 2.2 Điều 2 của quy định này để xác định chủ quản đầu tư và trách nhiệm của Chủ quản đầu tư.

Chủ quản đầu tư có nhiệm vụ xét duyệt chủ trương đầu tư, hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện quản lý đầu tư, bảo hành, khai thác sử dụng và bảo trì công trình.

Chủ quản đầu tư là cơ quan chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan hành chính cấp trên khi do buông lỏng sự quản lý, thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Chủ đầu tư thực hiện quy định này, để xảy ra tình trạng công trình kém chất lượng, thiếu sự quản lý, công trình xuống cấp nhanh, hiệu quả đầu tư kém.

4.3- Chủ đầu tư:

- Đối với các công trình được chuyển giao theo điểm 2.1: Thực hiện theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ.

- Đối với các công trình tự thực hiện theo điểm 2.2:

Chủ đầu tư là tổ chức hoặc cá nhân do Hội nghị cộng đồng cụm dân cư (nơi có công trình và được hưởng lợi) đề cử và được Chủ quản đầu tư phê chuẩn.

Chủ đầu tư là người thay mặt cộng đồng dân cư quản lý thực hiện đầu tư xây dựng công trình. Chủ đầu tư phải được lựa chọn một cách thật sự dân chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, có tinh thần trách nhiệm, có hiểu biết về quản lý đầu tư, khai thác sử dụng và bảo trì công trình, bảo đảm hiệu quả đầu tư và nâng cao tuổi thọ công trình.

Chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ quản đầu tư khi để xảy ra vi phạm trong quản lý chất lượng công trình, gây thất thoát, lãng phí, thiếu sự quản lý, công trình xuống cấp nhanh, hiệu quả đầu tư kém.

Chủ đầu tư khi có đủ năng lực có thể tự thực hiện toàn bộ các bước đầu tư xây dựng công trình, hoặc thuê các tổ chức, cá nhân có pháp nhân thực hiện một số phần việc trong toàn bộ các bước đầu tư xây dựng công trình. Mức chi phí thuê phải được đưa vào quy chế quản lý và sử dụng vốn.

Chi phí hoạt động của Chủ đầu tư được trích từ nguồn lợi khai thác của công trình (nếu có) hoặc từ nguồn đóng góp của nhân dân cụm dân cư theo quy chế quản lý và sử dụng vốn đã lập và được Hội nghị cộng đồng cụm dân cư thông qua.

Chi phí hoạt động của Chủ đầu tư có thể vận dụng các nguồn hỗ trợ theo quy định hiện hành về phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ cấp xã, phường và thị trấn.

4.4- Ban giám sát:

Ban giám sát và Trưởng ban giám sát do Hội nghị toàn thể cộng đồng cụm dân cư bầu ra theo hình thức dân chủ. Trưởng ban giám sát phải là cán bộ chủ chốt ở cơ sở (bí thư chi bộ hoặc người đứng đầu có uy tín của các tổ chức chính trị-xã hội trong xã, phường, thị trấn).

Số lượng thành viên Ban giám sát từ 2 đến 3 người, tùy thuộc quy mô công trình, nhưng phải bảo đảm tính tinh gọn, hiệu quả.

Ban giám sát có trách nhiệm giám sát mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến đầu tư xây dựng công trình đối với công trình tự thực hiện theo điểm 2.2 hoặc đối với công trình sau khi được chuyển giao lại theo điểm 2.1 của quy định này; Tiếp nhận các kiến nghị từ phía cộng đồng dân cư về những sai phạm ảnh hưởng đến chất lượng công trình (nếu có) để kịp thời báo Chủ đầu tư sửa chữa; Có quyền yêu cầu Chủ đầu tư cung cấp các thông tin cần thiết về công trình để kiểm tra sự đúng đắn trong quá trình thực hiện; Tham gia nghiệm thu giai đoạn và nghiệm thu toàn bộ công trình.

Ban giám sát có nhiệm vụ giúp Chủ đầu tư hoàn thành tốt nhiệm vụ; Có quyền kiến nghị tạm dừng thi công khi phát hiện có sai phạm nghiêm trọng; Có quyền bảo lưu ý kiến; Không có quyền đình chỉ công trình, không được gây trở ngại đến công việc chung.

Ban giám sát chịu trách nhiệm về các nội dung do mình thực hiện.

Ban giám sát làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Quy định này khuyến khích các địa phương áp dụng hình thức thành lập và hoạt động của Ban giám sát công trình theo Điều 10, Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ.

Điều 5: Quy định công bố công khai các nội dung cơ bản của dự án:

Chủ đầu tư công bố công khai bằng cách niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung cơ bản của dự án tới mọi người dân trong vùng dự án có liên quan.

Nội dung cần công bố gồm:

- Tên dự án.

- Chủ quản đầu tư, Chủ đầu tư.

- Quy mô xây dựng.

- Đơn vị thiết kế (nếu có).

- Đơn vị thi công.

- Nguồn vốn đầu tư (nguồn và tổng kinh phí).

- Tổng dự toán (có phân ra các loại: Xây lắp, thiết bị, đền bù v.v).

- Các thông số và chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật chủ yếu.

- Lực lượng lao động yêu cầu cho dự án.

- Vật tư chủ yếu.

- Tiến độ thực hiện.

- V.v.

Điều 6: Quy định quản lý nguồn vốn:

6.1- Các loại nguồn vốn:

- Nguồn vốn Nhà nước giao cho nhân dân cùng làm.

- Nguồn vốn đóng góp của cộng đồng cụm dân cư.

- Nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho công trình xây dựng tại cụm dân cư, có sự uỷ quyền (của các tổ chức, cá nhân) cho cụm dân cư tự thực hiện.

- Nguồn vốn khác có tính chất tương tự như các nguồn trên.

6.2- Quy định quản lý vốn:

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn xây dựng công trình.

Ban giám sát phối hợp giám sát sử dụng nguồn vốn xây dựng công trình theo quy chế, thực hiện quản lý nguồn vốn duy tu, bảo trì công trình.

Chủ đầu tư lập Quy chế quản lý, sử dụng vốn để trình Chủ quản đầu tư phê chuẩn.

Nguồn vốn phải được quản lý một cách công khai, minh bạch, rõ ràng, theo đúng Quy chế đã được lập.

Chương III

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP THỰC HIỆN

Điều 7: Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan:

7.1- Sở Xây dựng Quảng Trị là cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được quy định tại Quy định này trên địa bàn tỉnh.

Sở Xây dựng giám sát việc bảo đảm chất lượng công trình của các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia thực hiện dự án; Xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng và các tranh chấp chất lượng công trình theo quy định của pháp luật.

7.2- Chủ quản đầu tư chịu trách nhiệm về:

- Xét duyệt chủ trương (định hướng) đầu tư xây dựng công trình.

- Giám sát sự phù hợp về quy hoạch xây dựng.

- Yêu cầu Chủ đầu tư đăng ký cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng nếu quy định Nhà nước bắt buộc.

- Giám sát sự phù hợp với chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Phê chuẩn dự trù kinh phí (dự toán); khối lượng công việc, vật tư; khả năng huy động nhân lực, thiết bị thi công.

- Phê chuẩn hình thức huy động vốn và giám sát quá trình huy động vốn.

- Phê chuẩn Quy chế quản lý và sử dụng vốn.

- Phê chuẩn phương thức tổ chức thực hiện dự án tự quản (công trình tự thực hiện theo điểm 2.2 của quy định này).

- Giám sát đầu tư và giám sát hiệu quả đầu tư.

- Tham gia giám sát nghiệm thu, bàn giao sử dụng.

- Chỉ đạo và giám sát công tác thanh quyết toán công trình.

- Phê chuẩn quy chế bảo hành, bảo trì công trình.

Chủ quản đầu tư thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo quy định, gửi báo cáo về các nội dung chủ yếu cho Sở Xây dựng để phối hợp theo dõi, giám sát.

7.3- Chủ đầu tư có trách nhiệm trực tiếp và cao nhất đối với toàn bộ việc quản lý thực hiện xây dựng công trình, bao gồm các nhiệm vụ sau:

- Lập chủ trương đầu tư, trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

- Bảo đảm sự phù hợp về quy hoạch xây dựng.

- Đăng ký cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng nếu quy định Nhà nước bắt buộc.

- Bảo đảm sự phù hợp với chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Thực hiện quản lý và xây dựng công trình, gồm:

+ Lập dự trù kinh phí (dự toán); khối lượng công việc, vật tư; phương án huy động nhân lực, vật tư, thiết bị thi công.

+ Lập kế hoạch và phương thức huy động vốn.

+ Lập quy chế quản lý và sử dụng vốn.

+ Tổ chức thi công xây lắp, giám sát thi công xây lắp.

+ Lập quy chế nghiệm thu từng phần, nghiệm thu toàn bộ và tổ chức nghiệm thu từng phần, nghiệm thu toàn bộ công trình.

+ Lập quy chế thanh quyết toán và tổ chức thanh quyết toán công trình.

+ Tổ chức bảo hành công trình.

+ Lập quy chế bảo trì công trình.

+ Tổ chức thực hiện bảo trì, duy tu công trình.

+ Tổ chức khai thác sử dụng.

Điều 8: Nghiệm thu, thanh quyết toán công trình:

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình (cả về chất lượng xây dựng và chất lượng lắp đặt thiết bị), khối lượng thi công xây lắp và chi phí xây lắp công trình.

8.1- Trình tự nghiệm thu:

8.1.a- Nghiệm thu thành phần công việc: Là những công việc, bộ phận, cấu kiện, lắp đặt thiết bị lẻ; những bộ phận công trình sẽ bị che lấp kín (như đế móng, thép trong bê tông v.v).

Việc nghiệm thu này do Chủ đầu tư cùng với Đơn vị thi công thực hiện. Khi nghiệm thu phải có ghi chép đầy đủ các số liệu liên quan, các khối lượng chủ yếu, kích thước cấu kiện, chủng loại vật tư đã thi công v.v bảo đảm trung thực, chính xác. Có thể ghi vào Nhật ký công trình hoặc biên bản riêng. Các số liệu này làm cơ sở cho các đợt nghiệm thu giai đoạn và nghiệm thu toàn bộ công trình.

Ban giám sát được tham gia nghiệm thu khi Chủ đầu tư yêu cầu.

8.1.b- Nghiệm thu giai đoạn và nghiệm thu toàn bộ công trình:

- Nghiệm thu giai đoạn là nghiệm thu một công đoạn thi công xây lắp, như phần móng của một công trình, mố cầu, một công đoạn đã được Chủ đầu tư phân ra giai đoạn.

Nghiệm thu giai đoạn làm cơ sở để tổng hợp vào văn bản nghiệm thu toàn bộ công trình, đồng thời để phục vụ giải ngân được chính xác, kịp thời.

Chủ đầu tư kết hợp với Ban giám sát, Đơn vị thi công tiến hành nghiệm thu giai đoạn công trình.

- Nghiệm thu toàn bộ công trình là đợt nghiệm thu sau cùng. Sau khi hoàn tất thi công theo các nội dung chủ trương đầu tư xây dựng công trình và khối lượng được thỏa thuận giữa Chủ đầu tư và Đơn vị thi công, Chủ đầu tư phải tiến hành tổ chức nghiệm thu toàn bộ công trình.

Thời hạn tổ chức nghiệm thu không quá 30 ngày (liên tục) kể từ khi kết thúc thi công. Các thành viên có trách nhiệm tham gia nghiệm thu phải bố trí thời gian, phối hợp thực hiện nghiệm thu nhanh, chính xác, chặt chẽ, đúng quy định.

Chủ đầu tư kết hợp với Ban giám sát, Đơn vị thi công tiến hành nghiệm thu toàn bộ công trình.

8.2- Thanh toán khối lượng nghiệm thu:

Thanh toán khối lượng chỉ được thực hiện sau khi nghiệm thu giai đoạn và nghiệm thu toàn bộ công trình.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu nghiệm thu, thanh toán.

Chủ đầu tư làm thủ tục thanh toán nhanh, gọn, kịp thời theo phương thức tổ chức thực hiện đã được duyệt. Chủ đầu tư không được gây trở ngại trong việc thanh toán sau khi được khối lượng thi công đã được nghiệm thu.

8.2- Quyết toán công trình:

Sau thời hạn 90 ngày (liên tục) kể từ ngày ký văn bản nghiệm thu toàn bộ công trình, Chủ đầu tư phải tiến hành quyết toán công trình.

Chủ đầu tư tổ chức quyết toán công trình theo quy chế được duyệt, có sự giám sát của Chủ quản đầu tư.

Điều 9- Bảo hành công trình:

Là công việc sửa chữa những hư hỏng công trình xảy ra trong thời hạn bảo hành của đơn vị thi công công trình.

Bảo hành công trình theo quy định tại Điều 22 Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Đơn vị thi công không thực hiện bảo hành công trình do bất kỳ lý do nào đều phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật và phải đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét tư cách tham dự đấu thầu, chỉ định thầu xây dựng các công trình khác.

9.1- Thời hạn bảo hành công trình là 12 tháng kể từ ngày nghiệm thu toàn bộ công trình.

Kinh phí bảo hành bằng 5% giá trị xây lắp công trình. Đơn vị thi công chịu trách nhiệm sửa chữa mọi sai sót, hư hỏng trong thời hạn bảo hành.

Sau thời hạn bảo hành (12 tháng), Chủ đầu tư thanh toán hết khoản kinh phí bảo hành cho đơn vị thi công. Thời hạn thanh toán không quá 30 ngày (liên tục) sau khi hết thời hạn bảo hành.

9.2- Không bảo hành công trình khi:

- Các hư hỏng công trình không phải lỗi do đơn vị thi công gây ra.

- Do Chủ đầu tư vi phạm pháp luật về xây dựng, bị các cơ quan có thẩm quyền buộc tháo dỡ hoặc di dời, sửa chữa.

Điều 10- Bảo trì công trình:

Bảo trì công trình là công việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn do Chủ đầu tư thực hiện nhằm đảm bảo cho công trình vận hành, khai thác sử dụng an toàn theo quy trình thiết kế.

Bảo trì công trình theo quy định tại điều 23 Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Chủ đầu tư và đơn vị thiết kế (nếu có) lập quy chế bảo trì và tiến hành bảo trì theo quy chế.

10.1- Quy chế bảo trì bao gồm:

- Hình thức tổ chức quản lý vận hành và bảo trì.

- Kinh phí bảo trì: Kế hoạch thu từ hoạt động khai thác của dự án hoặc thu từ nguồn đóng góp của dân cư. Kế hoạch thu phải được cộng đồng cụm dân cư thông qua và được chủ quản phê chuẩn và giám sát.

Kinh phí thu theo thời hạn một (01) năm và phải được quyết toán trong từng năm.

- Thời hạn bảo trì: Thời hạn bảo trì công trình được tính từ khi nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đến khi hết tuổi thọ công trình. Trường hợp theo yêu cầu của cộng đồng cụm dân cư (đơn vị hưởng lợi) đề nghị kéo dài niên hạn sử dụng thì Chủ đầu tư báo cáo bằng văn bản cho Sở Xây dựng để xem xét quyết định. Công tác bảo trì vẫn được tiếp tục khi được phép kéo dài niên hạn sử dụng công trình.

10.2- Sửa chữa nhỏ:

Trường hợp có hư hỏng cần sửa chữa nhỏ thì Chủ đầu tư kết hợp với Ban giám sát lập biên bản, lập dự trù kinh phí trình Chủ quản đầu tư để tiến hành sửa chữa kịp thời, nhằm tránh những hư hỏng lớn có thể xảy ra.

Chủ đầu tư lập báo cáo trình trước Hội nghị cộng đồng dân cư.

10.3- Sửa chữa lớn:

Khi có hư hỏng một hoặc nhiều hạng mục, một số cấu kiện chính v.v có thể làm ngừng trệ quá trình khai thác sử dụng thì Chủ đầu tư ngừng ngay khai thác sử dụng, lập báo cáo trình Chủ quản đầu tư, Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng liên quan (Điện lực, Môi trường, Phòng chống cháy nổ v.v) cùng phối hợp giải quyết.

Khi nhận được báo cáo, các cơ quan có liên quan phải đến ngay hiện trường và đề xuất ngay các biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn tài sản, bảo vệ công trình.

Chủ đầu tư và đơn vị thiết kế (nếu có) đề xuất giải pháp hữu hiệu để xử lý nhằm bảo đảm an toàn cho công trình trước khi vận hành trở lại.

Kinh phí sửa chữa được trích từ kinh phí bảo trì công trình.

Điều 11: Phương thức quản lý dự án và quản lý duy tu bảo dưỡng:

11.1- Đối với công trình sau khi thực hiện được chuyển giao lại theo điểm 2.1 của quy định này:

Cộng đồng cụm dân cư (đơn vị hưởng lợi) tiếp nhận công trình để quản lý, khai thác sử dụng.

Cộng đồng cụm dân cư lập ra Ban quản lý để tiếp nhận và quản lý sử dụng.

Khi công trình đang trong thời gian bảo hành (12 tháng kể từ ngày bàn giao), Chủ đầu tư (của dự án khi đang xây dựng) và đơn vị thi công thực hiện bảo hành công trình theo quy định tại Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Sau khi hết thời hạn bảo hành, Chủ đầu tư cũ lập biên bản bàn giao cho Ban quản lý mới để quản lý sử dụng.

Ban quản lý thực hiện bảo trì, quản lý khai thác sử dụng theo nội dung quy định này.

11.2- Đối với công trình tự thực hiện theo điểm 2.2 của quy định này:

Phương thức quản lý đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác sử dụng thực hiện theo nội dung quy định này.

Chương IV

SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 12: Sự cố công trình xây dựng:

"Sự cố công trình" là những hư hỏng, đổ vỡ bộ phận kết cấu công trình, hạng mục hoặc toàn bộ công trình mà sự hư hỏng, đổ vỡ đó làm giảm hoặc mất khả năng chịu lực, khả năng vận hành của công trình, gây mất an toàn các công trình xung quanh.

Trình tự giải quyết và phân cấp giải quyết sự cố công trình thực hiện theo điều 24 và điều 25 của Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Khi có sự cố công trình, Chủ đầu tư phải báo cáo ngay cho Sở Xây dựng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khác để điều tra và xử lý sự cố công trình.

Trường hợp có thiệt hại về người thì Chủ đầu tư phải báo cáo với ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương V

KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 13: Kiểm tra thực hiện quản lý chất lượng công trình:

Công tác kiểm tra thực hiện quản lý chất lượng do Sở Xây dựng, Chủ quản đầu tư tiến hành nhằm đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, kịp thời đề ra những biện pháp phòng ngừa, khắc phục, loại trừ các hành vi vi phạm về chất lượng công trình.

Ban giám sát có quyền bảo lưu ý kiến của mình bằng cách báo cáo với Sở Xây dựng và Chủ quản đầu tư nếu sau khi kiến nghị có dấu hiệu vi phạm chất lượng công trình với Chủ đầu tư nhưng Chủ đầu tư không kịp thời sửa chữa, khắc phục.

Điều 14: Xử lý vi phạm quản lý chất lượng công trình:

Các tổ chức, cá nhân vi phạm về chất lượng công trình và các nội dung tại quy định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15: Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có điều khoản nào vướng mắc hoặc chưa phù hợp thì đề nghị các địa phương, các ngành, các cấp kịp thời phản ánh về UBND tỉnh để điều chỉnh.

Điều 16: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng các ban ngành, Giám đốc các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định này./.