Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2082/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG NAM NGHỆ AN - BẮC HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 với những nội dung chính như sau:

1. Phạm vi, ranh giới, quy mô vùng

Vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh bao gồm các huyện, thành phố, thị xã phía Nam của tỉnh Nghệ An (thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương), các huyện, thị xã phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh (thị xã Hồng Lĩnh, các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn). Tổng diện tích tự nhiên của vùng khoảng 3.648km2.

2. Tính chất

- Là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung Bộ với các ngành kinh tế chủ đạo phát triển của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng và quốc gia.

- Là đầu mối giao thương hàng hóa và dịch vụ của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ kết nối với thị trường quốc tế trong khu vực.

- Là vùng có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với danh nhân văn hóa quốc gia và quốc tế, các cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cần được bảo tồn tôn tạo và khai thác phục vụ du lịch nhân văn và phát triển kinh tế xã hội của vùng.

3. Các dự báo phát triển vùng

- Dự báo dân số toàn vùng đến năm 2015 khoảng 1.506.900 người, trong đó dân số đô thị là 602.700 người.

- Dự báo dân số toàn vùng đến năm 2025 khoảng 1.748.800 người, trong đó dân số đô thị là 1.049.500 người.

- Dự báo quy mô đất xây dựng đô thị và các khu chức năng ngoài đô thị đến năm 2015 khoảng 19.890 ha, đến năm 2025 khoảng 30.203 ha.

- Dự báo quy mô đất xây dựng các khu dân cư nông thôn đến năm 2015 khoảng 21.700 ha, đến năm 2025 khoảng 13.986 ha.

4. Định hướng phát triển không gian vùng

a) Phân vùng phát triển và trục kinh tế động lực chính của vùng:

- Vùng đồng bằng ven biển: Đây là khu vực có vị trí địa lý và địa chính quan trọng phục vụ phát triển kinh tế của vùng bao gồm các huyện, thị: Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn thuộc tỉnh Nghệ An và thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Tại khu vực này chủ yếu phát triển các ngành kinh tế như công nghiệp vật liệu và sản xuất hàng tiêu dùng, mở rộng nâng công suất các cảng biển hiện có, khai thác các tài nguyên về du lịch biển và du lịch tâm linh, hình thành các vùng ngư nghiệp, khai thác và chế biến thủy hải sản.

- Vùng trung du miền núi bao gồm: Các huyện Thanh Chương thuộc tỉnh Nghệ An, huyện Hương Sơn thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Trọng tâm của vùng là khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo và các đô thị Thanh Thủy, Phố Châu, Chợ Cồn, Chợ Rộ, Tây Sơn …. Khu vực này sẽ lấy công nghiệp khai khoáng, dịch vụ thương mại du lịch làm động lực phát triển. Đồng thời chú trọng phát triển kinh tế nông lâm theo hướng hiệu quả bền vững gắn liền với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn trên địa bàn. Ổn định và cải thiện điều kiện sống của các nhóm dân cư nông thôn tại khu vực này theo các tiêu chí nông thôn mới.

- Các trục phát triển kinh tế theo hướng Bắc Nam: Quốc lộ 1A gắn kết các đô thị động lực bao gồm thành phố Vinh, Xuân An, Hồng Lĩnh, Nam Cấm, Quán Hành; đường ven biển gắn kết các đô thị động lực bao gồm Cửa Lò, Xuân Thành, Cương Gián; đường Hồ Chí Minh gắn kết các đô thị động lực gồm Hạnh Lâm, Hoa Quân, Thanh Thủy, Thanh Mai, Phố Châu.

- Các trục phát triển kinh tế theo hướng Đông Tây: Quốc lộ 46, nối thành phố Vinh với Thanh Thủy, gắn kết các đô thị động lực Hưng Nguyên, Nam Đàn, Kim Liên, Chợ Cồn, Chợ Rộ; quốc lộ 8, nối đô thị Hồng Lĩnh với cửa khẩu Cầu Treo, gắn kết các đô thị động lực gồm Đức Thọ, Phố Châu, Tây Sơn, Đức Lâm, Nầm.

b) Phát triển hệ thống đô thị, dân cư nông thôn và dịch vụ hạ tầng xã hội:

- Hệ thống đô thị Nam Nghệ An: Thành phố Vinh là đô thị loại I trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trung tâm hành chính kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh Nghệ An. Thị xã Cửa Lò là đô thị loại III, là đô thị du lịch biển phát triển theo hướng sáp nhập thành phố Vinh. Huyện Nghi Lộc gồm các đô thị loại V là Quán Hành (trung tâm hành chính của huyện), Chợ Thượng, Mai Trang. Huyện Hưng Nguyên sẽ gồm các đô thị loại V là Hưng Nguyên (trung tâm hành chính của huyện), Hưng Phúc, Hưng Xá. Huyện Nam Đàn gồm các đô thị sau: Nam Đàn là đô thị loại IV (trung tâm hành chính huyện), các đô thị loại V là Nam Trung và Nam Giang. Huyện Thanh Chương gồm các đô thị sau: Đô thị loại IV là Thanh Thủy, các đô thị loại V là Dùng (trung tâm hành chính huyện), Chợ Chùa, Rộ.

- Hệ thống đô thị Bắc Hà Tĩnh: Thị xã Hồng Lĩnh là đô thị loại IV được nâng cấp đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2015. Huyện Nghi Xuân gồm các đô thị loại V là Nghi Xuân, Xuân Thành, Cương Gián và Xuân An là đô thị loại IV; trong đó thị trấn Nghi Xuân là trung tâm hành chính huyện. Huyện Đức Thọ gồm các đô thị: Đô thị loại IV Đức Thọ (trung tâm hành chính của huyện), các đô thị loại V là: Lạc Thiện, Tam Đồng, Đức Đồng. Huyện Hương Sơn gồm các đô thị là: Đô thị loại IV Hương Sơn (trung tâm hành chính của huyện), các đô thị loại V là: Nầm, Tây Sơn, Nước Sốt.

- Định hướng tổ chức hệ thống dân cư nông thôn: Được bố trí trên cơ sở các định hướng về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế toàn vùng cũng như hiện trạng phân bố dân cư. Các điểm dân cư nông thôn được kết nối giao thông với các tuyến đường liên xã, liên vùng đáp ứng yêu cầu sinh sống và sản xuất của người dân theo đúng tiêu chí nông thôn mới.

- Định hướng hệ thống dịch vụ thương mại - y tế vùng: Xây dựng tại thành phố Vinh: Một bệnh viện đa khoa cấp vùng có quy mô diện tích 12 ha với 1.000 giường; các bệnh viện về nhi và sản phục vụ cho khu vực Bắc miền Trung có tổng diện tích 16 ha với 1.500 giường; một bệnh viện y học cổ truyền và bệnh viện giao thông có tổng diện tích 10 ha với 800 giường.

Hệ thống các trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng được đặt tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và thị xã Hồng Lĩnh; tại các thị trấn thuộc các huyện chủ yếu bố trí các cơ sở thương mại dịch vụ phục vụ nhu cầu cho dân cư trong huyện.

- Định hướng các công trình Văn hóa - Thể dục thể thao cấp vùng: Xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu quy mô diện tích 117,2 ha với quy mô đào tạo, nhân lực 1.200 người; tại khu vực phía Đông Bắc thành phố Vinh trên trục đại lộ Vinh - Cửa Lò.

- Định hướng hệ thống đào tạo vùng: Xây dựng và phát triển trung tâm đào tạo khoa học, dạy nghề cho khu vực Bắc miền Trung tại thành phố Vinh. Toàn vùng có 8 trường đại học và cao đẳng đặt tại khu vực Vinh, Nghi Lộc, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh; với quy mô diện tích 129 ha và 5,95 vạn sinh viên và hệ thống các trường dạy nghề bố trí tại các trung tâm huyện với quy mô diện tích 15 ha và 0,5 vạn sinh viên.

c) Tổ chức không gian công nghiệp vùng:

Vùng công nghiệp Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh sẽ ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, dệt may, gia công cơ khí, sản xuất hàng gia dụng cao cấp, lắp ráp và sản xuất các linh kiện điện tử và sản phẩm công nghệ cao …. Các loại hình công nghiệp này chủ yếu được đầu tư tại các khu công nghiệp tập trung lớn như Nam Cấm, Bắc Vinh, Hồng Lĩnh, Gia Lách, Đại Kim … và một số khu công nghiệp quy mô nhỏ khác. Diện tích xây dựng công nghiệp tại khu vực phía Nam Nghệ An khoảng 1.251 ha; khu vực phía Bắc Hà Tĩnh khoảng 985 ha; tổng diện tích xây dựng công nghiệp trong vùng đạt khoảng 2.236 ha.

d) Tổ chức hệ thống du lịch vùng:

Không gian du lịch được bố trí trên cơ sở khai thác tiềm năng tài nguyên sẵn có, chú trọng bảo vệ môi trường, cảnh quan với các không gian du lịch chủ yếu như sau:

- Vùng du lịch biển đảo gắn với các khu vực ven biển (Nghi Lộc, Cửa Lò, Xuân Thành …) với các loại hình du lịch từ đơn giản đến cao cấp, du lịch mạo hiểm.

- Vùng du lịch sinh thái cung cấp các sản phẩm du lịch gắn liền với hệ thống các hồ và sông lớn (sông Lam, sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, các hồ như Rào Băng, Đá Bạc, Khe Gỗ …), các vùng rừng sinh thái suối nước khoáng tại Hương Sơn, Thanh Chương.

- Các khu vực phát triển du lịch văn hóa tâm linh như di tích và các địa danh lịch sử gắn với các danh nhân văn hóa tại các địa phương như: Thành phố Vinh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn …

5. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng

a) Chuẩn bị kỹ thuật:

- Xây dựng cải tạo hệ thống hồ đầu nguồn (hồ Sông Giăng, Khe Làng, Nghi Công, Khe Thi, Khe Lách) để từng bước kiểm soát lũ, cung cấp nước cho đời sống và các hoạt động canh tác, sản xuất cho vùng hạ lưu. Những khu vực xây dựng gần hồ chứa, đê đập phải tuân thủ quy định của Luật Đê điều.

- Xác định và cảnh báo các vùng có nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, ảnh hưởng của triều cường, bão biển, chấn động địa chất để có giải pháp di dân và kiểm soát các tai biến thiên nhiên. Khơi thông dòng chảy hệ thống sông suối và kênh mương thoát nước đáp ứng yêu cầu thoát lũ.

- Việc chọn cao độ xây dựng khống chế cho các đô thị tại những khu vực dự kiến phát triển phải tuân thủ theo quy định hiện hành. Tại các khu dân cư nông thôn: Cao độ xây dựng khống chế đối với công trình dân dụng > Hmax hàng năm; đối với công trình công cộng > Hmax hàng năm + 0,3m.

- Những khu vực dự kiến xây mới có độ dốc địa hình > 10% cần chọn giải pháp thích hợp: San giật cấp, chỉ tạo mặt bằng lớn khi thật cần thiết.

- Việc thoát nước của toàn vùng quy hoạch chủ yếu dựa vào hệ thống sông Cả và các sông nhánh như sông Lam, sông La, sông Cấm, sông Mỹ Dương và các sông nhánh, kênh đào khác. Đối với đô thị tiến tới sử dụng hệ thống thoát nửa riêng. Tiến tới đạt 80 - 100% đường nội thị và 70% đường ngoại thị có cống thoát nước mưa. Đối với khu công nghiệp tập trung sử dụng hệ thống thoát nước mưa riêng, đạt 100% đường giao thông có cống thoát nước mưa.

b) Quy hoạch giao thông:

- Đường bộ

+ Trục dọc Bắc - Nam:

. Đường Hồ Chí Minh đi qua khu vực quy hoạch có chiều dài tuyến khoảng 70 km, quy mô mặt cắt ngang quy hoạch thay đổi 48 - 55 m tùy vị trí, nền đường 9 m, mặt đường 7 m, tiêu chuẩn đường cấp III hiện đang khai thác.

. Tuyến đường bộ ven biển đi qua địa phận các huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Xuân có tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với chiều dài đoạn đi qua vùng khoảng 43 km.

. Đường quốc lộ 1A với tổng chiều dài đi qua vùng khoảng 75 km sẽ được nâng cấp thành đường cấp I đồng bằng với 4 làn xe.

. Đường bộ cao tốc Bắc Nam dự kiến nằm phía Tây quốc lộ 1A hiện có với chiều dài qua vùng đạt khoảng 43 km.

. Đường quốc lộ 46 có 2 nhánh với tổng chiều dài khoảng gần 110 km với quy mô đường cấp III miền núi 2 làn xe cho hướng đi Thanh Thủy và cấp II đồng bằng hướng đi Đô Lương.

. Đường quốc lộ 15A chiều dài qua vùng là 42km, quy mô đường cấp IV.

. Đường quốc lộ 8 đi lên cửa khẩu Cầu Treo với chiều dài khoảng 83 km, quy mô đường cấp III. Riêng đoạn từ thị xã Hồng Lĩnh đến Hương Sơn dài 34 km sẽ nâng cấp thành đường cao tốc 4 làn xe.

+ Trục ngang Đông - Tây:

. Trục Đông Tây Nam Nghệ An được xây dựng trên cơ sở quốc lộ 46 đi lên cửa khẩu Thanh Thủy với quy mô đường cấp III chiều dài tuyến khoảng 73 km.

. Xây dựng trục Đô Lương - Nghi Thái - Nghi Xuân nối từ quốc lộ 15A tại huyện Đô Lương đi qua huyện Nghi Lộc, qua sông Lam và nối vào đường bộ Ven biển tại huyện Nghi Xuân. Hình thành trục xuyên suốt từ Đô Lương đến Nghi Xuân. Quy hoạch với quy mô đường cấp III đồng bằng đoạn Nghi Thái - quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Vinh, chiều dài tuyến 14 km, đoạn còn lại cấp 5 chiều dài tuyến 27 km.

. Trục Đông Tây Bắc Hà Tĩnh 1 được xây dựng trên cơ sở tuyến quốc lộ 8A đi lên cửa khẩu Cầu Treo sẽ mở thêm tuyến nối thị trấn Đức Thọ với quốc lộ 1A hình thành một tuyến nối từ cảng Xuân An với cửa khẩu Cầu Treo. Tuyến này sẽ được xây dựng với quy mô cấp III đồng bằng chiều dài tuyến khoảng 103 km. (Đoạn Hồng Lĩnh - Hương Sơn sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc).

. Trục Đông Tây, Bắc Hà Tĩnh 2 được xây dựng trên cơ sở tỉnh lộ 5 nối từ huyện Đức Thọ ra đường Hồ Chí Minh sẽ kéo dài qua quốc lộ 1A đến thị trấn Xuân An. Hình thành trục đường xuyên suốt từ thị trấn Xuân An ra đường Hồ Chí Minh đi về phía Nam của vùng quy hoạch với quy mô đường cấp IV đồng bằng, chiều dài tuyến 44 km.

+ Hệ thống giao thông nội vùng:

. Các tuyến đường tỉnh: Nâng cấp các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III - cấp IV.

. Đường giao thông nông thôn: Đến năm 2015: 100% các xã có đường giao thông đến trung tâm, tỷ lệ rải mặt đạt 40 - 50%, đến năm 2025 hầu hết các tuyến đạt tiêu chuẩn đường nông thôn mới, tỷ lệ rải mặt đạt 80%.

. Từng bước xây dựng đường từ trung tâm xã tới trung tâm thôn, bản ở các huyện vùng núi cao (5 huyện). Tỷ lệ nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường xã ở các huyện vùng núi cao đến năm 2015 đạt 15%, đến năm 2020 đạt 20%.

- Đường sắt:

Cải tạo nâng cấp: Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu đi qua vùng. Lắp đặt đầy đủ hệ thống báo, các trang thiết bị cảnh báo đường sắt; xây dựng các đường ngang bảo đảm an toàn giao thông.

- Đường hàng không: Đầu tư, cải tạo sân bay Vinh theo quy hoạch hàng không đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đường thủy:

+ Đường biển: Các tuyến đường biển ra hải phận quốc tế và các tuyến cự ly ngắn được hoàn thiện mở rộng, nâng cấp theo quy hoạch được duyệt. Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác an toàn, an ninh, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ trên biển.

Hệ thống cảng bao gồm: Cảng Nghệ An (khu bến Cửa Lò, bến Cửa Hội, Bến Thủy), cảng Sơn Dương Vũng Áng (khu bến Xuân Hải).

+ Đường sông: Trong vùng có khoảng 14 tuyến đường sông (10 tuyến thuộc các huyện Thanh Chương, Nam Đàn và thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An và 4 tuyến thuộc các huyện Hương Sơn, Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh). Dự kiến hoàn chỉnh bến bãi và nạo vét luồng lạch cho các tuyến này.

- Giao thông đô thị:

+ Nâng cấp chất lượng hệ thống đường hiện có. Xây dựng mới các tuyến đường đảm bảo mật độ hợp lý, đặc biệt là khu vực có liên hệ với các trung tâm kinh tế của vùng theo tuyến độc đạo (vùng núi, ven biển).

+ Xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới bến xe đối ngoại trong vùng theo cấp vùng, cấp tỉnh và mạng lưới bến xe cấp huyện. Các bến xe đối ngoại này bố trí tại các đô thị lớn, đầu mối giao thông quan trọng của trong vùng. Quy mô dự kiến 4,5 - 5 ha cho một bến; hệ thống bến xe liên tỉnh, nội tỉnh bố trí tại các đô thị huyện lỵ, các đầu mối giao thông lớn của các huyện. Quy mô dự kiến khoảng 1,5 - 2,5 ha cho một bến.

c) Quy hoạch cấp nước:

- Nhu cầu cấp nước: Tổng nhu cầu dùng nước của vùng dự kiến đạt khoảng 400.000 m3/ngày đêm.

- Nguồn cấp nước: Chủ yếu sử dụng nước mặt, từ các sông Lam, sông La, sông Ngàn Phố. Một số khu vực có thể sử dụng nước mạch nông cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

- Giải pháp cấp nước vùng: Giải pháp thiết kế hệ thống cấp nước phù hợp theo điều kiện cụ thể từng khu vực. Kết hợp việc xây dựng và khai thác các công trình hồ chứa thủy lợi để phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Khu vực nông thôn chủ yếu áp dụng hình thức cấp nước quy mô vừa và nhỏ.

d) Định hướng cung cấp điện:

- Tổng nhu cầu dùng điện của vùng: Dự kiến đến năm 2025 công suất định mức toàn vùng là 1.274.239 KVA.

- Nguồn điện và trạm phân phối: Nhà máy thủy điện: Trong khu vực Nam Nghệ An sẽ xây dựng 1 nhà máy thủy điện Thác Muối với công suất 54 MW, 1 trạm biến áp 220 KV, 6 trạm biến áp 110 KV và cải tạo nâng cấp 1 trạm 110 KV hiện có. Tại khu vực Bắc Hà Tĩnh sẽ xây dựng 1 nhà máy thủy điện Hương Sơn với công suất 43 MW, 4 trạm biến áp 110 KV và cải tạo nâng cấp 1 trạm 110 KV hiện có.

- Lưới điện: Dùng các lưới điện cao áp 500 KV, 220 KV. Giữ nguyên các tuyến đường dây cao thế 500 KV, 220 KV, 110 KV đã có, xây dựng mới tuyến đường dây 220 KV xuất phát từ đường dây 220 KV Thanh Hóa - Hưng Đông đến trạm biến áp quy hoạch 220 kV Khu kinh tế đông Nam Nghệ An. Xây dựng mới các tuyến đường dây 110 kV cấp điện cho các trạm biến áp 110 KV khu Kinh tế đông nam Nghệ An; xây dựng mới đường dây 110 KV Hưng Đông - Thanh Chương - Đô Lương; xây dựng mới tuyến đường dây 110 KV từ thủy điện Thác Muối đến trạm 110 KV Thanh Chương; xây dựng mới tuyến đường dây 110 KV Bến Thủy - Hưng Hòa để cấp điện cho trạm 110 KV Hưng Hòa. Xây dựng mới tuyến đường dây 110 KV đến trạm 110 KV Nghi Xuân, Hà Tĩnh; xây dựng mới tuyến đường dây 110 KV từ trạm 110 KV Linh Cảm đến trạm 110 KV Hương Sơn; xây dựng mới tuyến đường dây 110 KV từ nhà máy thủy điện Hương Sơn đến trạm 110 KV Hương Sơn. Lưới trung thế: Lưới điện trung thế của vùng Nam Nghệ - Bắc Hà về lâu dài sử dụng cấp điện áp 22 KV. Tận dụng triệt để lưới điện hiện hữu còn khả năng cung cấp, cho duy trì lưới 35 KV, 10 KV và các trạm trung gian 35/10 KV.

đ) Quy hoạch thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

- Quy hoạch thoát nước thải: Tổng lượng nước thải cần thu gom xử lý trong vùng quy hoạch là gần 280.000 m3/ngày đêm. Giải pháp thoát nước vùng: Nước thải công nghiệp trước khi xả vào hệ thống đường ống nước thải phải được xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Nước thải bệnh viện phải xử lý, đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi xảy ra môi trường bên ngoài. Đối với thành phố Vinh và tại các khu vực mới phát triển sử dụng hệ thống thoát nước thải riêng hoàn toàn. Với các đô thị loại III, IV, V, các thị trấn, trung tâm cụm xã, sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng. Sử dụng các đầm, hồ trong đô thị làm hồ sinh học để xử lý nước thải sau khi đã làm sạch trong điều kiện tự nhiên.

- Định hướng thu gom và phân loại chất thải rắn (CTR): Tổng khối lượng chất thải rắn toàn vùng khoảng 690.000 tấn/năm. Giải pháp thu gom và xử lý: Phân loại CTR tại nguồn sau đó chuyển đến các trạm trung chuyển, xử lý phân loại sơ bộ sau đó vận chuyển về khu xử lý CTR tập trung của từng khu vực. Dự kiến lựa chọn các loại hình công nghệ xử lý như: Công nghệ tái chế và chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ ép kín, công nghệ lò đốt …

- Định hướng quy hoạch nghĩa trang: Xây dựng, nâng cấp các nghĩa trang phục vụ các đô thị, thị xã, thị trấn trong vùng với quy mô từ 1 - 15 ha, tùy thuộc quy mô dân số từng khu vực. Tại các khu vực dân cư nông thôn: Mỗi xã xây dựng 1 - 2 nghĩa trang tập trung quy mô khoản 1 - 2 ha/nghĩa trang phục vụ địa bàn xã và vùng phụ cận.

e) Định hướng về bảo vệ môi trường:

- Xây dựng quy hoạch về sử dụng đất toàn vùng để đảm bảo phát triển một cách hợp lý và hiệu quả quỹ đất. Thiết lập mạng lưới quan trắc trên phạm vi toàn vùng. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải vào môi trường.

- Bảo vệ môi trường nguyên sinh tại các khu rừng cấm quốc gia, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn ở cửa sông ven biển. Bảo vệ đa dạng sinh học: Hệ sinh thái biển, sinh thái rừng và sinh thái vùng đồng bằng ven biển. Có kế hoạch và biện pháp đối phó với các rủi ro về môi trường. Tăng cường quản lý và trồng rừng đầu nguồn để chống xói lở và lũ quét, cải tạo đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng phòng hộ đầu nguồn trên các lưu vực sông chính.

- Khoanh vùng, cách ly các nguồn phát sinh chất thải ô nhiễm và có giải pháp thu gom xử lý chất thải rắn ô nhiễm.

6. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

a) Các chương trình ưu tiên:

- Phát triển hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế xã hội vùng.

- Phát triển nâng cấp các đô thị là động lực cho phát triển vùng.

- Phát triển dịch vụ du lịch và đào tạo nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các thế mạnh của vùng.

- Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

b) Các dự án chiến lược:

- Xây dựng các nhà máy thủy điện theo quy hoạch (Hương Sơn, Thác Muối).

- Ưu tiên đầu tư các dự án thuộc các Khu kinh tế trong vùng.

- Xây dựng các tuyến đường kết nối giữa các trung tâm đô thị của vùng với các khu vực động lực sản xuất như các khu công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế … để hỗ trợ thông thương hàng hóa, tạo việc làm cho người dân.

- Ưu tiên hoàn thành các tuyến đường vào các vùng nguyên liệu tập trung như mía, chè, sắn … để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Điều 2.

- Giao Bộ Xây dựng tổ chức công bố Quy hoạch xây dựng Vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 theo các quy định của pháp luật hiện hành.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh tiến hành rà soát điều chỉnh hoặc triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các quy hoạch khác theo các nội dung của Quy hoạch chung xây dựng vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, ĐP;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải