Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 2089/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 27 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN QUẶNG TITAN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3536/STNMT-TNKS ngày 31 tháng 7 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp kiểm tra hoạt động khai thác quặng titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Hiệu lực thi hành:

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần chỉnh sửa, bổ sung Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Thuận, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCTUBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT. Vũ.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN QUẶNG TITAN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2089/QĐ-UBND ngày 27 /8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định chi tiết việc phối hợp kiểm tra hoạt động khai thác quặng titan; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; chế độ kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản quặng titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản thuộc tỉnh; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản quặng titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý

Quản lý các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được thực hiện dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, bảo đảm thực hiện chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; bảo đảm không trùng lắp, không chồng chéo, không bỏ sót, không gây khó khăn, phiền hà, không cản trở đến các hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng được kiểm tra.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Kiểm tra trong lĩnh vực khoáng sản là công tác kiểm tra theo thủ tục, trình tự được pháp luật quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật và công tác quản lý để kiến nghị với cơ quan nhà nước biện pháp khắc phục, phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.

Phối hợp kiểm tra trong hoạt động khoáng sản là sự phối hợp của các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng nhiệm vụ đã được pháp luật quy định, phân định rõ nội dung, trách nhiệm của từng cơ quan để thực hiện tốt việc kiểm tra liên ngành đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp phép hoạt động khoáng sản.

Chương II

NỘI DUNG, TRÁCH NHIỆM KIỂM TRA VÀ PHỐI HỢP KIỂM TRA

Điều 5. Hồ sơ pháp lý triển khai khai thác quặng titan

Tổ chức, cá nhân trước khi triển khai việc khai thác quặng titan phải có đầy đủ các hồ sơ pháp lý theo quy định tại Điều 25 Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 6. Nội dung và trách nhiệm kiểm tra

1. Kiểm tra trong việc thực hiện pháp luật về khoáng sản

a) Kiểm tra việc thông báo kế hoạch khai thác, đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu hoạt động sản xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định về bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ; việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản và sản lượng khoáng sản đã khai thác thực tế hằng năm; việc lập bản đồ hiện trạng khai thác mỏ theo quy định. Trách nhiệm kiểm tra thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh và chính quyền địa phương cấp huyện, xã nơi có hoạt động khoáng sản.

b) Kiểm tra sự phù hợp về quy mô khai thác và quy trình công nghệ, thiết bị được lựa chọn; kiểm tra thiết kế mỏ đã được phê duyệt; thực hiện nội dung thiết kế mỏ và thiết kế cơ sở được duyệt. Trách nhiệm kiểm tra thuộc về Sở Công Thương phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh và chính quyền địa phương cấp huyện, xã nơi có hoạt động khoáng sản.

c) Kiểm tra việc tàng trữ, vận chuyển mua bán khoáng sản titan không có nguồn gốc khai thác, chế biến hợp pháp. Trách nhiệm kiểm tra thuộc về Cục Quản lý thị trường Bình Thuận, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Tỉnh và chính quyền địa phương cấp huyện, xã nơi xảy ra hành vi.

2. Kiểm tra trong việc thực hiện pháp luật về đất đai

a) Kiểm tra về hồ sơ cho thuê đất (quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất, biên bản cắm mốc giao đất khu vực khai thác tại thực địa, nộp tiền thuê đất theo quy định,..); thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực dự án khai thác titan.

b) Kiểm tra tình hình sử dụng đất, diện tích đất đang sử dụng, mục đích sử dụng đất, sự phù hợp của khu vực đang khai thác với khu vực được cho thuê đất; tình trạng lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng đất trái phép trong khu vực mỏ.

Trách nhiệm kiểm tra thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương cấp huyện, xã nơi có hoạt động khoáng sản.

3. Kiểm tra trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn bức xạ

a) Kiểm tra việc thực hiện nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, dự án cải tạo, phục hồi môi trường, báo cáo đánh giá an toàn bức xạ đã được phê duyệt, thẩm định trong khai thác titan.

b) Kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; Các biện pháp giảm thiểu bụi, cát bay; Về giảm thiểu nước thải; việc xây dựng, vận hành, quy trình vận hành các công trình xử lý môi trường theo nội dung cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

c) Kiểm tra việc niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án bản tóm tắt báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị thanh tra, kiểm tra và các quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước; việc thực hiện công tác phục hồi môi trường trong và sau khai thác titan.

Trách nhiệm kiểm tra thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh và chính quyền địa phương cấp huyện, xã nơi khai thác titan. Riêng trách nhiệm kiểm tra, giám sát về an toàn bức xạ thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ.

4. Kiểm tra trong việc thực hiện pháp luật về tài nguyên nước

Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu của giấy phép thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, nộp thuế tài nguyên nước; các quy định về báo cáo kết quả thăm dò tài nguyên nước; việc sử dụng các hồ chứa nước phục vụ khai thác quặng titan; việc theo dõi, ghi chép vào sổ quan trắc, sổ theo dõi vận hành các công trình khai thác tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước; tình hình, kết quả quan trắc chất lượng nước, mực nước dưới đất tại khu vực khai thác titan; báo cáo về kết quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Trách nhiệm kiểm tra thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh và chính quyền địa phương cấp huyện, xã nơi khai thác titan.

5. Kiểm tra trong việc thực hiện pháp luật về an toàn lao động

Kiểm tra trong việc vận hành máy móc, thiết bị; các chế độ kiểm định đối với máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; việc thực hiện các quy định về bảo hộ lao động; các quy định về biển báo, cảnh báo, chỉ dẫn an toàn; việc thực hiện pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động; việc huấn luyện cấp thẻ an toàn lao động. Trách nhiệm kiểm tra thuộc về Sở Lao động và Thương binh và xã hội, Sở Công Thương.

6. Kiểm tra thực hiện quy định về trồng cây hoàn phục môi trường

Hướng dẫn và kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện công tác trồng cây hoàn phục môi trường trong, sau khi khai thác theo đúng thiết kế, kỹ thuật, quy chuẩn trong Dự án đầu tư khai thác khoáng sản quặng titan, báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Trách nhiệm kiểm tra thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương cấp huyện, xã nơi khai thác titan kiểm tra hướng dẫn thực hiện dự án cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức khai thác khoáng sản theo quy định.

7. Kiểm tra trong việc thực hiện pháp luật về tài chính và thuế

Kiểm tra việc kê khai nộp thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nước và các quy định về hỗ trợ, đóng góp tài chính cho địa phương và nhân dân nơi có hoạt động khoáng sản. Trách nhiệm kiểm tra thuộc về Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 7. Trách nhiệm phối hợp kiểm tra liên ngành

Ngoài các cuộc thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giám sát của Tổ giám sát Sở Tài nguyên và Môi trường; theo tình hình thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi khai thác quặng titan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì và làm Trưởng Đoàn kiểm tra, các Sở Công Thương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi khai thác quặng titan làm thành viên Đoàn kiểm tra.

Cán bộ, công chức do Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện cử tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành phải đảm bảo về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý của ngành và địa bàn.

Việc thực hiện kiểm tra đối với mỗi tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản quặng titan chỉ được tiến hành một lần trong một năm, trừ trường hợp thanh tra đột xuất hoặc kiểm tra giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc theo yêu cầu của cấp trên theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo chức năng và nhiệm vụ của mình, mỗi ngành, địa phương phải tổ chức giám sát, tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm các quy định trong khai thác khoáng sản.

Điều 8. Trách nhiệm của Đoàn kiểm tra liên ngành

Trước khi tiến hành kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành phổ biến, quán triệt mục đích yêu cầu, nội dung kiểm tra cho các thành viên Đoàn kiểm tra; phân công và xác định trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Đoàn kiểm tra.

Theo sự phân công của Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành, các thành viên đại diện cho các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi khai thác titan thực hiện kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác titan theo các quy định của pháp luật do ngành, địa phương theo dõi quản lý. Trong quá trình tiến hành kiểm tra, các thành viên trong Đoàn kiểm tra phải có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin để làm căn cứ tính toán, xác định kết quả kiểm tra. Trưởng Đoàn kiểm tra căn cứ kết quả kiểm tra, tham khảo ý kiến từng thành viên để tiến hành nhận xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị đối với từng trường hợp cụ thể cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo thẩm quyền được phân cấp.

Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định về toàn bộ hoạt động của Đoàn kiểm tra.

Điều 9. Các hoạt động kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành

Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản quặng titan của các tổ chức được cấp Giấy phép khai thác; kiểm tra hậu kiểm theo các Kết luận thanh tra, kiểm tra của các Đoàn trước đó và kiến nghị đề xuất, xử lý theo quy định.

Điều 10. Trách nhiệm của các đơn vị hoạt động khai thác quặng titan

1. Tất cả các đơn vị hoạt động khai thác quặng titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ được hoạt động khai thác khi các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác và phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật như Điều 5 Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chỉ được khai thác trong ranh giới được cấp phép, thuê đất; khai thác theo các nội dung quy định trong giấy phép khai thác, thiết kế mỏ đã được phê duyệt; phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo phương án được duyệt, bảo đảm an toàn lao động; thực hiện việc khai thác, sử dụng nguồn nước, thu gom, xử lý nước thải trong quá trình khai thác khoáng sản theo đúng quy định; bồi thường các thiệt hại do hoạt động khoáng sản gây ra; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo cuối cùng; phục hồi môi trường, đất đai, kết cấu hạ tầng giao thông trong khai thác khoáng sản trong và sau khi khai thác hết toàn bộ hoặc một phần trữ lượng khoáng sản theo giấy phép đã cấp; chấp hành các quy định về quản lý hành chính, xã hội; ký quỹ bảo vệ môi trường; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nước và các khoản phí và thuế khác theo quy định; chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong quá trình khai thác khoáng sản, phải áp dụng công nghệ đã được thẩm định, chấp nhận phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

- Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản phải cắm mốc tại thực địa các điểm khép góc khu vực khai thác khoáng sản theo tọa độ đã ghi trong giấy phép trước khi hoạt động. Vật liệu và kích thước mốc điểm góc khu vực khai thác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

- Sau khi hoàn thành việc cắm mốc, tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản thông báo bằng văn bản để Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có khoáng sản được khai thác bàn giao mốc tại thực địa theo quy định.

- Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng khai thác trái phép trong phạm vi được phép hoạt động khoáng sản. Khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở ngoài ranh giới khu vực được phép hoạt động khoáng sản phải báo báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để kịp thời xử lý.

- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản có trách nhiệm lưu giữ, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng, khoáng sản tại bãi thải hoặc khoáng sản đi kèm nhưng chưa thu hồi trong quá trình khai thác. Trường hợp muốn khai thác khoáng sản đi kèm trong quá trình khai thác mà loại khoáng sản đó chưa ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản thì phải gửi văn bản đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép loại khoáng sản đó để quyết định.

4. Kết thúc khai thác

- Lập đề án đóng cửa mỏ theo quy định, nộp về Tổng Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam để thẩm định trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

- Thực hiện việc đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường, đất đai theo đề án đã được phê duyệt.

Điều 11. Báo cáo kết quả kiểm tra

Sau khi kết thúc kiểm tra, các thành viên của Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm báo cáo phần việc được giao theo phân công chuyên ngành. Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo kết quả kiểm tra cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 12. Xử lý vi phạm hành chính khi tiến hành kiểm tra

Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện tổ chức, cá nhân khai thác titan vi phạm pháp luật thì căn cứ vào hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực của từng ngành, thành viên đại diện Sở, ngành chuyên môn có ý kiến đề xuất. Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Chánh thanh tra các Sở, ngành theo thẩm quyền đã được pháp luật quy định ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực do ngành mình quản lý. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính vượt thẩm quyền xử phạt của Chánh thanh tra chuyên ngành, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành trình UBND tỉnh xem xét ra quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy trình, trình tự khai thác và bảo vệ môi trường thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Các tổ chức, cá nhân phát hiện và báo cáo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm quy trình, trình tự khai thác và bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác titan thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

3. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

4. Các tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác, nhiều lần vi phạm vi trình, trình tự khai thác và bảo vệ môi trường, bị xử lý vi phạm hành chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tạm đình chỉ hoạt động khai thác để đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép khai thác theo quy định và không được xem xét hồ sơ xin khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động khai thác quặng titan trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện Quy chế này.

Các Sở, ngành, địa phương liên quan nêu trên, các tổ chức, cá nhân khai thác quặng titan trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân có liên quan phản ảnh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.