ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 209/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 9 tháng 10 năm 1985 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CẢI TẠO VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGÀNH NHỰA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;
Căn cứ quyết định số 111/HĐBT ngày 25 tháng 8 năm 1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định những mặt hàng Nhà nước độc quyền kinh doanh;
Theo đề nghị của đồng chí Trưởng Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Trưởng Ban Quản lý thị trường thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 : Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời về cải tạo và tổ chức quản lý ngành nhựa tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2 : Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Sở Công nghiệp phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn việc thực hiện. Những quyết định trước đây trái với những điều trong bản quy định kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3 : Các đồng chí ChánhVăn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thuộc thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ CẢI TẠO VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGÀNH NHỰA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-UB ngày 9-10-1985 của UBND Thành phố)
Thực hiện chủ trương sắp xếp lại sản xuất tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và cải tiến cơ chế tổ chức quản lý theo ngành kinh tế kỹ thuật, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành bản quy định tạm thời về quản lý ngành sản xuất đồ nhựa như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1 : Liên hiệp xí nghiệp nhựa (gọi tắt là ngành) thuộc Sở Công nghiệp là cơ quan quản lý ngành sản xuất đồ nhựa thành phố theo nguyên tắc quản lý ngành kết hợp với quản lý theo địa bàn quận huyện.
Ngành có trách nhiệm thực hiện kế hoạch cải tạo sắp xếp, tổ chức tạo các cơ sở sản xuất đồ nhựa xuyên suốt từ các xí nghiệp quốc doanh cấp thành phố và quận huyện đến các xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh, hợp tác xã, tổ sản xuất, sản xuất gia đình và cá thể trên địa bàn thành phố theo đề án đã được duyệt.
Điều 2 : Sau khi sắp xếp lại sản xuất ngành nhựa ở thành phố có các thành phần kinh tế như sau:
- Xí nghiệp quốc doanh cấp thành phố và quận huyện.
- Xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh.
- Hợp tác xã.
- Cơ sở sản xuất gia đình.
Điều 3 : Không cho phép mở thêm cơ sở sản xuất mới với trình độ kỹ thuật và trang bị kỹ thuật cũ, sản xuất các mặt hàng đã có nhiều cơ sở sản xuất.
Những cơ sở sản xuất trang bị kỹ thuật quá cũ kỹ không còn khả năng tân trang, sửa chữa để bảo đảm được sản phẩm có chất lượng theo quy định, tốn kém nguyên liệu, năng lượng, hiệu quả kinh tế thấp kém thì không cho phép tiếp tục sản xuất.
Khuyến khích các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế, huy động nguyên liệu, vật tư, kỹ thuật, sản xuất các mặt hàng nhựa có chất lượng tốt, thích hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu (bao bì cho ngành y tế, bao bì thực phẩm, đồ chơi trẻ em, đồ điện tử cho công nghiệp và sản phẩm dân dụng khác).
Điều 4 : Thực hiện ngành quản lý tập trung số cơ sở cơ khí chế tạo khuôn mẫu chuyên ngành nhựa, với hình thức tổ chức quản lý thích hợp, cùng với năng lực cơ khí chế tạo khuôn mẫu cho ngành, được bổ sung công nhân cán bộ kỹ thuật giỏi, đầu tư chiều sâu về trang thiết bị mới hiện đại, ứng dụng kỹ thuật mới, tiến đến giải quyết khuôn mẫu cho toàn ngành.
Điều 5 : Việc tổ chức sản xuất nhựa hạt tái sinh cho nhu cầu sản xuất của tiểu thủ công nghiệp được thực hiện như sau:
- Trên mỗi quận huyện được thành lập một xí nghiệp quốc doanh hay xí nghiệp hợp doanh sản xuất nhựa hạt tái sinh từ nguồn nhựa phế liệu thu mua. Sản phẩm nhựa hạt được phân phối cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công trên địa bàn tùy theo kế hoạch sản xuất được giao.
Không duy trì các hình thức kinh tế cá thể tổ hợp, gia đình sản xuất nhựa hạt tái sinh riêng lẻ hoặc cơ sở sản xuất sản phẩm, nhựa tái sinh đồng thời sản xuất nhựa hạt tái sinh.
Điều 6 : Đối với nguồn nhựa nguyên sinh cần được quy định sản xuất các loại sản phẩm có yêu cầu thích đáng, và chỉ phân giao cho xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh hay số hợp tác xã và cơ sở sản xuất gia đình nào có trang thiết bị tốt, hiện đại, có kỹ thuật sản xuất tiên tiến, bảo đảm được chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được nguyên liệu, năng lượng.
Điều 7 : Ngành cần soạn thảo các văn bản sau đây trình Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành dưới dạng quy chế để quản lý ngành:
1. Quy hoạch và phương hướng phát triển dài hạn và chính sách đầu tư bảo đảm phát triển ngành đúng với phương hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
2. Quy định về cách xây dựng và chỉ đạo thực hiện theo hướng làm kế hoạch từ cơ sở.
3. Quy định tiêu chuẩn chất lượng cho những mặt hàng chuẩn.
4. Định mức tiêu hao nhựa và định mức tiêu hao điện.
5. Đề xuất những phương thức sản xuất kinh doanh và những chính sách cần thiết cho ngành thực hiện được quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh, tự chủ về tài chính, bảo đảm cho sản xuất của ngành ổn định và phát triển.
II. MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ
Điều 8 : Xí nghiệp liên hợp nhựa trực thuộc Sở Công nghiệp hiện nay được sắp xếp tổ chức lại thành Liên hiệp xí nghiệp nhựa trực thuộc Sở Công nghiệp, là tổ chức sản xuất kinh doanh, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế, có tư cách pháp nhân.
- Xí nghiệp liên hợp nhựa cần làm đề án chuyển thành liên hiệp xí nghiệp và biện pháp triển khai chuyển tổ chức.
- Các xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh trực thuộc Liên hiệp xí nghiệp nhựa, là những xí nghiệp có tư cách pháp nhân, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế.
Điều 9 : Các cơ sở sản xuất nhựa thuộc các thành phần kinh tế do quận huyện quản lý, được sắp xếp tổ chức lại với các thành phần kinh tế sau:
- Xí nghiệp quốc doanh.
- Xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh
- Hợp tác xã.
- Cơ sở sản xuất gia đình.
Điều 10 : Ngành nhựa được tổ chức thành các nhóm sản phẩm (theo quy hoạch ngành về tổ chức chuyên môn hóa về công nghệ và chuyên môn hóa theo mặt hàng, nhóm mặt hàng). Về sự phân công sản xuất các loại sản phẩm nhựa cho từng cơ sở sản xuất theo trình độ trang bị kỹ thuật và trình độ tay nghề khác nhau, hay các nhóm vệ tinh theo từng địa bàn, lấy xí nghiệp quốc doanh ngành, xí nghiệp quốc doanh quận huyện làm xí nghiệp đầu đàn giữ vai trò và vị trí chủ đạo.
- Ngành nhựa được tổ chức một cửa hàng để trưng bày hàng mẫu và được bán hành mẫu trưng bày, nhằm thăm dò nhu cầu và thị hiếu của thị trường (cần bàn cụ thể với Sở Thương nghiệp để được sự giúp đỡ về nghiệp vụ cũng như các mặt quản lý).
Điều 11 : Để bảo đảm môi sinh và vệ sinh môi trường khu dân cư, ngành và quận huyện cần quy hoạch lại địa điểm sản xuất cho phù hợp trên từng địa bàn, trước mắt những cơ sở xét thấy đã gây ô nhiễm làm hại sức khỏe nhân dân trong khu vực thì cần có kế hoạch di chuyển hoặc có biện pháp bảo vệ môi sinh. Nếu không có biện pháp thỏa đáng thì ngừng sản xuất.
Điều 12 : Các xí nghiệp quốc doanh và các cơ sở sản xuất nhựa thuộc các thành phần kinh tế khác thuộc ngành, đều được quyền chủ động tìm khách hàng ký kết hợp đồng kinh tế, tạo nguyên liệu từ các nguồn bằng quan hệ hợp tác kinh tế, liên doanh, liên kết hợp tác sản xuất trong ngành, ngoài ngàng, trong khu vực và các địa phương khác nhằm phát triển sản xuất trên nguyên tắc:
- Tuân theo các quy định hiện hành của Ủy ban Nhân dân thành phố về quy chế gia công, ký kết hợp đồng kinh tế.
- Các cơ sở sản xuất có trách nhiệm thông báo lại cho ngành những nội dung về hợp tác kinh tế và hợp đồng kinh tế đã ký với các nơi, để ngành làm trách nhiệm quản lý theo chức năng quy định.
Điều 13 : Về tiêu thụ sản phẩm:
- Đối với sản phẩm sản xuất theo kế hoạch được cân đối vật tư năng lượng và sản xuất theo hợp đồng gia công, các cơ sở sản xuất phải giao nộp sản phẩm đầy đủ cho khách hàng được chỉ định và theo hợp đồng kinh tế.
- Sản phẩm thuộc diện kế hoạch tự do cân đối, các cơ sở sản xuất ưu tiên tiêu thụ qua thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã. Sản phẩm xuất khẩu thì tiêu thụ ủy thác qua Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố. Nếu thương nghiệp và Tổng Công ty xuất nhập khẩu tiếp nhận không hết hoặc không tiếp nhận tiêu thụ theo đề nghị của ngành; các cơ sở được quyền chủ động đối lưu với các tỉnh, các cơ quan có nhu cầu để tái tạo ngoại tệ, tái sản xuất.
- Các cơ sở sản xuất được giữ lại sản phẩm để làm hàng đối lưu lấy vật tư nguyên liệu theo số lượng đã ghi và được duyệt trong kế hoạch.
Điều 14 : Ngành được vận dụng thực hiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các chính sách khác đối với ngành nhựa.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15 : Sở Công nghiệp, Liên hiệp xã thành phố, Ủy ban Nhân dân các quận huyện, Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố, Liên hiệp xí nghiệp nhựa và các ngành có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc thực hiện bản quy định tạm thời này
Điều 16 : Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với những điều trong bản quy định này đều bãi bỏ.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh