ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 209/QĐ-UBQGCPĐT | Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TẠI QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ
CHỦ TỊCH ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Căn cứ Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử;
Căn cứ Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử ban hành kèm theo Quyết định số 336/QĐ-UBQGCPĐT ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử:
1. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 4. Các Phó Chủ tịch Ủy ban
1. Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban giúp Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo, xem xét, quyết định các vấn đề, công việc thường xuyên của Ủy ban. Khi Chủ tịch Ủy ban vắng mặt, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban thay mặt Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo công tác của Ủy ban.
2. Phó Chủ tịch Ủy ban
a) Chịu trách nhiệm chính trước Chủ tịch Ủy ban về việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử.
b) Giúp Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử nhằm đạt được các chỉ tiêu định lượng do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo mẫu và tuân thủ thời hạn báo cáo, tiến tới thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trực tuyến.
3. Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban và Phó Chủ tịch Ủy ban sau đây được gọi chung là Phó Chủ tịch Ủy ban.”.
3. Khoản 1 Điều 6 được sửa đổi như sau: “Tham mưu giúp Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban về các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình.
Ủy viên Ủy ban là Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm huy động nguồn lực (doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê dịch vụ; hợp tác công tư (PPP); kinh phí sự nghiệp; sử dụng một phần kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam…) để triển khai các dự án xây dựng Chính phủ điện tử.”.
4. Khoản 3 Điều 6 được sửa đổi như sau: “Cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số theo chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban và trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc cơ quan mình phụ trách cho ý kiến đúng hạn về các vấn đề này nếu được xin ý kiến.”.
5. Điều 7 được sửa đổi tên như sau:
“Điều 7. Tổ công tác giúp việc Ủy ban”.
6. Khoản 3 Điều 7 được sửa đổi như sau: “Giúp Ủy ban đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch và giải pháp về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; tình hình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.”.
7. Khoản 4 Điều 7 được sửa đổi như sau: “Chuẩn bị các ý kiến về các vấn đề liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, báo cáo Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban xem xét, quyết định.”.
8. Khoản 6 Điều 7 được sửa đổi như sau: “Chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ các hoạt động và cuộc họp của Ủy ban, Chủ tịch Ủy ban; chuẩn bị các thông báo, biên bản họp của Ủy ban để Phó Chủ tịch Ủy ban ký ban hành; đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban; triển khai thực hiện việc sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Đề nghị lãnh đạo Ủy ban khen thưởng các thành viên Ủy ban, Tổ công tác và các bộ, ngành, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.”.
9. Khoản 11 Điều 7 được sửa đổi như sau: “Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban và Tổ trưởng Tổ công tác giao.”.
10. Khoản 1 Điều 8 được sửa đổi như sau: “Ủy ban họp định kỳ một quý một lần.
Ủy ban có thể họp đột xuất theo triệu tập của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban. Thành phần tham dự cuộc họp do người chủ trì cuộc họp quyết định.”.
11. Khoản 4 Điều 9 được sửa đổi như sau: “Tổ trưởng Tổ công tác được trưng tập các thành viên của Tổ công tác và huy động chuyên gia trong nước và quốc tế làm việc tập trung tại Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian nhất định để nghiên cứu, biên tập các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.”.
12. Điều 10 được sửa đổi như sau:
“Điều 10. Kinh phí hoạt động của Ủy ban và Tổ công tác
1. Kinh phí hoạt động của Ủy ban và Tổ công tác được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Thông tin và Truyền thông và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý kinh phí hoạt động của Ủy ban và Tổ công tác theo quy định của Nhà nước.
2. Việc sử dụng kinh phí bảo đảm hoạt động của Ủy ban thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp có phát sinh các nội dung chi đặc thù chưa có tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để xem xét hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 701/QĐ-TTg năm 2020 về kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 5137/BTC-NSNN năm 2020 về rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2019 do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Công văn 1145/BTTTT-CATTT năm 2020 hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 4 Quyết định 1201/QĐ-TTg năm 2019 sửa đổi Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị quyết 69/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019 do Chính Phủ ban hành
- 6 Quyết định 1072/QĐ-TTg năm 2018 về thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 8 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 9 Quyết định 34/2007/QĐ-TTg về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Công văn 1145/BTTTT-CATTT năm 2020 hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2 Công văn 5137/BTC-NSNN năm 2020 về rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2019 do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Quyết định 701/QĐ-TTg năm 2020 về kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 414/QĐ-UBQGCPĐT năm 2020 ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử