Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2090/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 26 tháng 9 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG VỀ THỰC HIỆN CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 3796/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về ban hành Kế hoạch tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tại thành phố Đà Nẵng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 2519/TTr-SNV ngày 05 tháng 9 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thuộc UBND thành phố Đà Nẵng về thực hiện công tác cải cách hành chính.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính thành phố; Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, thủ trưởng các sở ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BCĐ CCHC của Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- BTT UBMTTQVN TP;
- Chủ tịch, các PCT UBND TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- Đài PT-TH ĐN; Báo ĐN, Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT, SNV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Trung Chinh

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG VỀ THỰC HIỆN CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2090/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2023 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) trong việc thực hiện cải cách hành chính căn cứ vào các nội dung quy định theo Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và theo Quyết định số 3796/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 của UBND thành phố về ban hành Kế hoạch tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tại thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thành phố (gọi chung là người đứng đầu cấp sở).

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện (gọi chung là người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp huyện).

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường xã (gọi chung là người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp xã).

4. Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị tại các Khoản 1, 2, 3 của Điều này, phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Điều 3. Mục đích

1. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo điều hành công tác cải cách hành chính.

2. Kết quả đánh giá trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện cải cách hành chính là một trong những căn cứ đánh giá, phân loại chất lượng công chức và bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm.

3. Nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính gắn liền với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận chính quyền, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương, tính chuyên nghiệp, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm xây dựng cơ quan vững mạnh, đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Điều 4. Quản lý, điều hành thực hiện công tác cải cách hành chính

1. Người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, lập kế hoạch, tổ chức, kiểm soát việc tổ chức, thực hiện công tác cải cách hành chính ở cơ quan theo quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.

2. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình trong quá trình đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền và triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính có liên quan đến cơ quan.

3. Người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm trong bố trí, sử dụng công chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhằm đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính tại cơ quan thuộc quyền quản lý.

4. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong thực hiện cải cách hành chính đã được cấp có thẩm quyền giao, người đứng đầu quản lý điều hành, giải quyết công việc đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định, phân công rõ người, rõ việc, kiểm tra đôn đốc cấp phó và cán bộ công chức thuộc quyền quản lý giải quyết công việc được giao. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “đùn đẩy, né tránh trách nhiệm” thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan thuộc quyền quản lý cho cơ quan cấp trên hoặc sang cơ quan khác.

Điều 5. Xây dựng kế hoạch công tác cải cách hành chính

1. Xây dựng, ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn, hằng năm trên cơ sở kế hoạch cải cách hành chính của thành phố và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Triển khai, tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch hằng năm của thành phố và của cơ quan, đơn vị, địa phương.

3. Thực hiện rà soát, báo cáo mức độ hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Điều 6. Triển khai, thực hiện nội dung công tác cải cách hành chính

1. Tổ chức triển khai, quán triệt đầy đủ các nội dung công tác cải cách hành chính trong các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của cơ quan cấp trên và của cơ quan mình tại cuộc họp triển khai công tác đầu năm.

2. Thực hiện các giải pháp về chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính như: Phân công lãnh đạo, tổ chức, công chức phụ trách từng lĩnh vực cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ; quan tâm bố trí kinh phí cho công tác cải cách hành chính; gắn kết quả thực hiện cải cách hành chính với công tác thi đua khen thưởng của cơ quan, đơn vị, địa phương.

3. Tham dự hoặc phân công lãnh đạo phụ trách công tác cải cách hành chính tại đơn vị tham dự đầy đủ các cuộc họp triển khai các chủ trương, nhiệm vụ, công tác về cải cách hành chính của cơ quan cấp trên hoặc cơ quan chuyên ngành triệu tập, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện đúng thời gian, nội dung, nhiệm vụ theo quy định.

4. Kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương giao theo lĩnh vực được phân công phụ trách, theo dõi.

Điều 7. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách hành chính

1. Căn cứ vào kế hoạch, tính chất và nội dung công việc, các yêu cầu về thời gian hoàn thành người đứng đầu cơ quan giao nhiệm vụ và quy định thời gian hoàn thành cụ thể cho từng tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện.

2. Hằng năm, ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra đánh giá xếp hạng cải cách hành chính để đánh giá mức độ thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra và theo dõi, đôn đốc việc khắc phục các hạn chế, tồn tại sau kiểm tra, đảm bảo việc hoàn thành đúng tiến độ theo quy định về quy trình đánh giá xếp hạng trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính hằng năm do cơ quan cấp trên công bố, tổ chức phân tích các tiêu chí thành phần, nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng thực hiện công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

3. Chủ động phối hợp với đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính của cấp có thẩm quyền kiểm tra tại cơ quan, đơn vị, địa phương và chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các thông tin, báo cáo, số liệu theo quy định.

Điều 8. Triển khai thực hiện công tác tuyên truyền cải cách hành chính

1. Ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính nhằm phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác cải cách hành chính đến người dân, doanh nghiệp.

2. Đánh giá mức độ thực hiện kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính; kiểm tra, đôn đốc việc cập nhật các văn bản chỉ đạo, điều hành và thông tin hoạt động về cải cách hành chính trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; kiểm tra việc niêm yết, cập nhật Bộ thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan theo quy định.

3. Đề xuất các giải pháp đổi mới hình thức tuyên truyền bằng hình thức sơ đồ hóa hoặc đổi mới phương thức công khai tại bộ phận 1 cửa để hướng dẫn tổ chức, người dân thực hiện.

Điều 9. Chỉ đạo thực hiện thông tin, báo cáo cải cách hành chính

1. Tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ công tác cải cách hành chính tại cơ quan nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện; thực hiện khen thưởng, kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân theo quy định.

2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cơ quan thực hiện báo cáo, đồng thời chỉ đạo tập thể, cá nhân phụ trách tổng hợp báo cáo về cải cách hành chính. Thực hiện báo cáo theo quy định về chế độ thông tin báo cáo cải cách hành chính, đảm bảo về thời gian, nội dung, chất lượng. Việc thực hiện báo cáo phải đúng theo hướng dẫn báo cáo hoặc yêu cầu của cơ quan cấp trên.

Điều 10. Trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý cán bộ, công chức thực hiện thủ tục hành chính và nhiệm vụ cải cách hành chính

1. Thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; kiểm tra công việc của cán bộ, công chức trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân; việc chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong giao tiếp văn hóa công sở, đặc biệt là tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

2. Chịu trách nhiệm nếu để cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có những hành vi: sai quy định chức trách công vụ, đòi hỏi giấy tờ hồ sơ ngoài quy định, hướng dẫn bổ sung hồ sơ nhiều lần không thống nhất, cố tình kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, trả kết quả, trễ hẹn không có lý do chính đáng, không cung cấp phiếu hẹn ngày trả kết quả cho công dân (cả hình thức nộp hồ sơ trực tiếp và trực, tuyến), có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu gây phiền hà cho nhân dân, có thái độ thiếu nghiêm túc, không đúng mực khi tiếp xúc với dân, có thái độ vô cảm trước yêu cầu bức xúc chính đáng của người dân, không có người trực giải quyết công việc của dân.

3. Tiến hành xác minh làm rõ, có biện pháp kiên quyết để chấm dứt hành vi vi phạm và kịp thời áp dụng biện pháp khắc phục có hiệu quả đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm công vụ hoặc có dư luận phản ánh về thái độ, hành vi công vụ.

4. Quyết liệt trong công tác chỉ đạo, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, không để xảy ra tình trạng “đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”, gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

5. Giám đốc sở, Thủ trưởng ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của trưởng các phòng, ban chuyên môn và các cơ quan thuộc và trực thuộc sở, trưởng phòng ban chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp, UBND cấp xã trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, nếu để xảy ra vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

Chương III

QUY ĐỊNH VIỆC ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG THỰC HIỆN CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Điều 11. Căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu trong thực hiện công tác cải cách hành chính

1. Việc đánh giá xếp hạng công tác cải cách hành chính hằng năm của cơ quan, đơn vị là căn cứ để làm cơ sở đánh giá, xếp loại chất lượng người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác cải cách hành chính.

Căn cứ vào kết quả đánh giá xếp hạng công tác cải cách hành chính được phân loại theo Điều 14 Quyết định số 1976/QĐ-UBND ngày 25/7/2022 về ban hành Quy định về quy trình đánh giá, xếp hạng công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được xếp loại thực hiện công tác cải cách hành chính hàng năm, cụ thể như sau:

- Hoàn thành Xuất sắc nhiệm vụ (tương ứng kết quả đánh giá xếp hạng cải cách hành chính của đơn vị từ 90 điểm trở lên, thuộc nhóm Xuất sắc);

- Hoàn thành Tốt nhiệm vụ (tương ứng kết quả đánh giá xếp hạng cải cách hành chính của đơn vị từ 80 đến dưới 90 điểm, thuộc nhóm Tốt);

- Hoàn thành nhiệm vụ (tương ứng kết quả đánh giá xếp hạng cải cách hành chính của đơn vị từ 60 đến dưới 80 điểm, thuộc nhóm Khá và Trung bình Khá);

- Không hoàn thành nhiệm vụ (tương ứng kết quả đánh giá xếp hạng cải cách hành chính của đơn vị từ dưới 60 điểm, thuộc nhóm Trung bình và Yếu).

2. Kết quả đánh giá, phân loại được tính sau khi có quyết định phê duyệt kết quả chỉ số cải cách hành chính của năm đánh giá đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương.

3. Thẩm quyền đánh giá mức độ hoàn thành

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đánh giá mức độ hoàn thành của người đứng đầu sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện về thực hiện cải cách hành chính thông qua kết quả trình đánh giá xếp hạng cải cách hành chính hàng năm.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đánh giá mức độ hoàn thành của người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp xã về thực hiện cải cách hành chính và tổng hợp báo cáo kết quả đánh giá, phân loại hàng năm về Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Nội vụ).

Điều 12. Khen thưởng

Việc khen thưởng gắn với kết quả đánh giá xếp hạng cải cách hành chính hàng năm theo công bố của UBND thành phố.

Điều 13. Xử lý trách nhiệm

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm quy định các nội dung tại Chương II Quy định này thì xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 14. Trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm

1. Khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm quy định về cải cách hành chính, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, tiến hành các thủ tục xử lý trách nhiệm cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp ý kiến của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khác với ý kiến của cấp có thẩm quyền, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm phải giải trình bằng văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp xin ý kiến giải quyết.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước

1. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, người đứng đầu có trách nhiệm triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Quy định này tại cơ quan, đơn vị mình và các cơ quan thuộc quyền quản lý, đảm bảo người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý đều nắm vững và thực hiện nghiêm túc, đúng Quy định này.

2. Kiểm tra việc thực hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

3. Tổng hợp, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Nội vụ) kết quả triển khai thực hiện.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc nội dung nào chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương cần sửa đổi, bổ sung thì người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có văn bản phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết.

Điều 16. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ

1. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành Quy định này, hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Tổng hợp tham mưu điều chỉnh Quy định phù hợp với tình hình thực tế

Điều 17. Điều khoản tham chiếu

Trong trường hợp các văn bản được viện dẫn trong Quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế./.