ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2006/QĐ-UBND | Bạc Liêu, ngày 14 tháng 9 năm 2006 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Thông tư 05/2003/TT-BKH ngày 22/07/2003 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn về nội dung, trình tư lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội – lãnh thổ;
Căn cứ Quyết định số 40/2005/QĐ-BCN ngày 23/12/2005 của Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định tạm thời về quy hoạch phát triển công nghiệp;
Qua xem xét tờ trình số 206/SCN-KH ngày 09/05/2006 của Sở Công nghiệp và nội dung báo cáo kết quả thẩm định số 37/BC-TĐ ngày 09/8/2006 của Sở Kế hoạch & Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020”, với những nội dung chủ yếu sau:
- Tiếp tục phát huy có hiệu quả những lợi thế và tiềm năng sẵn có của tỉnh đồng thời đảm bảo tính ổn định và bền vững của phát triển. Tiếp tục triển khai và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là khu vực nông thôn, từng bước thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu xã hội, chú trọng tới các vùng có đông đồng bào dân tộc, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
-Phát triển kinh tế xã hội phù hợp với quy hoạch tổng thể ĐBSCL và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, bảo đảm mối quan hệ hài hoà giữa phát triển kinh tế và xã hội, giữa phát triển kinh tế và cải thiện môi trường sinh thái.
- Khai thác tiềm năng huy động các nguồn lực đầu tư theo mục tiêu của từng thời kỳ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH). Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá một cách toàn diện trên cơ sở thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với đầu tư đổi mới nông thôn. Đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ để các ngành này sớm có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hệ thống đô thị nhất là thị xã Bạc Liêu để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội
- Phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội, nâng cao mức sống và trình độ dân trí, đảm bảo nguồn nhân lực cho yêu cầu CNH-HĐH. Xây dựng đời sống xã hội ngày càng văn minh, bảo đảm cho người dân được cung ứng các dịch vụ và phúc lợi xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, các gia đình thuộc diện chính sách.
Duy trì tốc độ tăng trưởng cao và cơ cấu được điều chỉnh hợp lý hơn theo hướng nhanh chóng hình thành các ngành CN – TTCN mũi nhọn trên cơ sở lợi thế về nguyên liệu và thị trường, với quy mô vừa và nhỏ nhưng thiết bị và công nghệ tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh – chuẩn bị thực hiện đầu tư các dự án khu, cụm công nghiệp kết hợp với phát triển các làng nghề truyền thống. Nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, hình thành một cơ cấu công nghiệp tiên tiến chuẩn bị cho giai đoạn phát triển cao hơn về chất sau năm 2010. Tạo những tiền đề cho phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh các quan hệ hợp tác với các địa bàn lân cận, xây dựng Bạc Liêu thành một cực phát triển ở ĐBSCL với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, mạng lưới giao thông đối nội và đối ngoại phát triển, tạo điều kiện phát huy tốt các nguồn lực bên trong và bên ngoài. Phấn đấu cơ cấu ngành chiếm: 20 – 26% trong GDP.
3. Hình thức quản lý: Sở Công nghiệp trực tiếp quản lý thực hiện quy hoạch theo đúng quy định hiện hành.
4. Vị trí Quy hoạch: Toàn tỉnh Bạc Liêu.
5. Thời gian thực hiện quy hoạch: Từ năm 2006 đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020.
a) Hệ thống các sản phẩm chủ yếu và sản phẩm mũi nhọn:
*Thời kỳ 2006 – 2010:
Các sản phẩm chủ yếu của ngành CN-TTCN tỉnh Bạc Liêu bao gồm:
- Tôm, cá đông lạnh xuất khẩu
- Xay xát gạo xuất khẩu và tiêu thụ nội địa
- Thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm, cá ...
- Điện, Nước sạch
- Sản phẩm may mặc xuất khẩu
- Sản xuất bao bì, ngư lưới cụ
- Đóng, sửa tàu thuyền
- Bia, rượu, nước giải khát
- Phân bón vi sinh
- Tấm lợp kim loại, lưới thép xây dựng
- Cấu kiện bê tông đúc sẳn
- Sản phẩm thủ công nghiệp từ tre, trúc, lục bình ...
Sản phẩm mũi nhọn: Tôm, cá đông lạnh, bia- nước giải khác, may mặc xuất khẩu...
*Thời kỳ 2011-2020:
Ngoài các sản phẩm trong thời kỳ 2006-2010, tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ yếu thời kỳ 2011-2020 gồm:
- Gạch Tuynel
- Ván ép, Tấm vật liệu nhẹ
- Trái cây đông lạnh và nước giải khát từ trái cây
- Sản phẩm cao cấp chế biến từ thịt gia súc, gia cầm
- Lắp ráp linh kiện, thiết bị điện tử
- Sản phẩm da và giả da
- Đồ nhựa gia dụng, nhựa công nghiệp
- Sản phẩm cơ khí chính xác
- Sản phẩm gas hoá lỏng
- Sản phẩm công nghệ cao
Sản phẩm mũi nhọn: Sản phẩm súc sản cao cấp, tấm lợp vật liệu nhẹ, gas hoá lỏng, sản phẩm công nghệ cao
b) Hệ thống khu, Cụm CN tập trung:
* Thị xã Bạc Liêu:
- Khu công nghiệp Trà Kha giai đoạn 1: Vị trí tại phường 8 - thị xã Bạc Liêu, qui mô 66 ha, triển khai thực hiện từ năm 2005 - 2010; giai đoạn 2 phát triển thêm khu vực mới, quy mô dự kiến 400 ha, vị trí tại khu vực Hương lộ 6 – Hưng Hội và liên tỉnh lộ 38, giai đoạn triển khai sau 2010;
- Cụm công nghiệp phường Nhà Mát: Vị trí tại bờ Tây kinh 30/4, phường Nhà Mát, qui mô 60ha, triển khai 2006 - 2010;
- Đất dành phát triển tiểu thủ công nghiệp xen lẫn với các khu chức năng khác trên địa bàn các phường, xã, qui mô 85 ha;
* Huyện Vĩnh Lợi:
- Khu công nghiệp Vĩnh Lợi: vị trí tại ấp Trà Ban 1 và 2 xã Châu Hưng A, qui mô khoảng 200 ha, triển khai năm 2007 - 2010;
* Huyện Hồng Dân:
- Khu công nghiệp Ninh Quới: vị trí tại ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, qui mô 100 ha, triển khai năm 2006 - 2010;
- Cụm công nghiệp Ngan Dừa: vị trí tại ấp Kinh Xáng, xã Lộc Ninh, triển khai năm 2005 - 2010;
* Huyện Giá Rai:
- Khu công nghiệp Láng Trâm: vị trí tại ấp Xóm Mới, xã Tân Thạnh, qui mô 100 ha, triển khai năm 2006 - 2010;
- Cụm công nghiệp Giá Rai: vị trí giữa thị trấn Giá Rai và xã Phong Thạnh Đông A, qui mô 50 ha, triển khai năm 2008 - 2015;
- Cụm công nghiệp Hộ Phòng: vị trí tại ấp 5 thị trấn Hộ Phòng, qui mô 18 ha, triển khai năm 2007 – 2010 (dành cho xây dựng chợ cá vùng ĐBSCL, cơ sở sản xuất nước đá, cơ sở sửa chữa máy thủy động cơ và phương tiện vận tải);
* Huyện Đông Hải:
- Khu công nghiệp Gành Hào: vị trí tại khu vực 4, thị trấn Gành Hào, qui mô 90 ha, triển khai năm 2005 - 2010;
* Huyện Phước Long:
- Cụm công nghiệp Chủ Chí: vị trí tại ấp 12, xã Phong Thạnh Tây B, qui mô 50 ha, triển khai năm 2007 - 2015;
- Cụm công nghiệp Phước Long: vị trí tại ấp Long Thành, thị trấn Phước Long, qui mô 50 ha, triển khai năm 2007 - 2015;
* Huyện Hoà Bình:
- Cụm công nghiệp Vĩnh Mỹ: vị trí tại ấp 14, xã Vĩnh Mỹ B, qui mô 50 ha, triển khai năm 2008 - 2015;
- Cụm công nghiệp Vĩnh Thịnh: vị trí ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, qui mô 50 ha, triển khai 2010 – 2015.
- Dự kiến vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2006-2010 cần 5.944,64 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2020 cần 5.329,06 tỷ đồng . Trong đó vốn tích lũy từ nội bộ nền kinh tế giai đọan 2006 – 2010 chiếm từ 5 – 8%, giai đọan 2011 – 2020 chiếm từ 10 – 15 %.
- Vốn huy động từ doanh nghiệp và kinh tế hộ: 60%.
- Tỷ trọng đầu tư cho công nghiệp so tổng đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2006-2010 là 21,68%, giai đoạn 2011-2020 là 12,81%.
8. Những danh mục dự án đầu tư giai đọan 2006 – 2010 (Có phụ lục kèm theo)
9. Những giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch:
a) Giải pháp về vốn:
- Để tạo ra nguồn vốn cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần phải huy động tổng lực các nguồn: Vốn từ ngân sách, vốn từ quỹ đất đai, vốn từ dân và doanh nghiệp, vốn vay và nơi khác đầu tư, thuê mua tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nguồn vốn vay nước ngoài (ODA),
- Vốn ngân sách Nhà nước chủ yếu đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, vốn đối ứng cho các công trình và có tác động làm “mồi” để huy động vốn đầu tư phát triển từ các thành phần kinh tế khác;
- Vốn vay ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung cho giao thông, thủy lợi, cảng cá, khu trú, đậu tàu thuyền tránh bão, cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt ... tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư.
- Vốn tín dụng dùng đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến và các hộ dân vay phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; …
- Nguồn vốn tích lũy từ nội bộ nền kinh tế tỉnh để phát triển công nghiệp trong thời kỳ dự tính chỉ đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu về vốn đầu tư phát triển công nghiệp. Số vốn thiếu hụt còn lại có thể huy động từ các nguồn như vốn từ doanh nghiệp quốc doanh 3-5%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ gia đình ước khoảng 57-59%, vốn đầu tư viện trợ phát triển (ODA) khoảng 3-5%, còn lại là các nguồn vốn khác bao gồm vốn tín dụng, vốn đầu tư trong nước (trung ương và các tỉnh ngoài) và vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
b) Giải pháp khoa học & công nghệ:
- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong các ngành. Ưu tiên ứng dụng công nghệ tự động hoá có chọn lọc tạo ra năng suất cao làm tăng trưởng nhanh của các ngành, làm động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế;
- Trong điều kiện thiếu vốn, cần có sự lựa chọn tiến bộ kỹ thuật và công nghệ. Trong nông nghiệp và thuỷ sản khuyến khích sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng phòng trừ diệt hại tổng hợp IPM, công nghệ sinh học, cơ giới hóa sản xuất... Trong công nghiệp cần ưu tiên lựa chọn công nghệ thích hợp cho công nghiệp chế biến nông thủy sản, tập trung vào công đoạn tinh chế để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các mặt hàng công nghiệp đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu;
- Hình thành và ứng dụng hệ thống thông tin tư vấn giám định công nghệ và kỹ thuật, tư vấn có hiệu quả cho sản xuất kinh doanh;
- Tăng cường hợp tác nghiên cứu với các Viện, trung tâm của Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ để giải quyết các vấn đề vướng mắc về khoa học công nghệ cho doanh nghiệp và phục vụ phát triển ngành;
- Chuyển giao công nghệ có thể thực hiện bằng cách mua, thuê mua tài chính có sự hỗ trợ của nhà nước, liên kết liên doanh để thu hút công nghệ mới…;
- Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… trong các lĩnh vực sản xuất và quản lý phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và ngành;
- Thành lập quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ để mở rộng nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
c) Giải pháp về nguồn nhân lực:
- Nguồn nhân lực giữ vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đối với Bạc Liêu đào tạo nguồn nhân lực vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa lâu dài. Lực lượng lao động với trình độ chuyên môn cao tác động quan trọng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng suất lao động.
- Huy động mọi nguồn lực phát triển sự nghiệp giáo dục. Tăng cường công tác đào tạo, mở rộng các hình thức đào tạo, tín dụng đào tạo ưu đãi, lập quỹ đào tạo nhân tài.
- Xây dựng chương trình giải quyết việc làm trên cơ sở phát triển sản xuất kinh doanh ở thành thị và nông thôn, hình thành các trung tâm tư vấn việc làm gắn với các trung tâm đào tạo, các cơ sở sản xuất kinh doanh.
- Cần đảm bảo tiền lương và những điều kiện lao động, sinh hoạt cho người lao động.
d) Củng cố và mở rộng thị trường:
- Thị trường tác động đến quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, do đó cần phải đảm bảo “đầu vào” cũng như “đầu ra” cho sản xuất:
+ Để đảm bảo “đầu vào” cho sản xuất cần phải tìm kiếm các nguồn cung cấp tin cậy (Xây dựng mạng lưới phân phối vật tư hợp lý, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vật tư và các hợp tác xã dịch vụ, thực hiện giá bán vật tư theo quan hệ cung - cầu trên thị trường). Tuy nhiên cần xây dựng khung định mức giá và trợ giá khi cần thiết.
+ Để đảm bảo “đầu ra” cho sản xuất, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần nâng cao trình độ dự báo nhu cầu thị trường để định hướng đúng loại sản phẩm hàng hóa cần sản xuất về quy mô, chất lượng và tốc độ phát triển và đối tượng sử dụng... Cần tổ chức các trung tâm thông tin chuyên ngành thu thập xử lý các số liệu thành những thông tin thiết thực. Nguồn kinh phí cung cấp cho các trung tâm do các thành viên đóng góp một khoản nhất định thường kỳ hoặc thu dịch vụ phí. Ngoài ra ở các công ty, doanh nghiệp cần tổ chức bộ phận marketing có nhiệm vụ thu thập, phân tích và khai thác thị trường; Nhà nước hỗ trợ làm đầu mối để doanh nghiệp có cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
- Đối với sản phẩm công nghiệp nông thôn do sản xuất phân tán, nhỏ lẻ cần tổ chức mạng lưới thu gom theo hình thức liên kết liên doanh với các doanh nghiệp lớn ở các khu công nghiệp, ở thành thị dưới dạng hợp đồng, chi nhánh thầu phụ hoặc gắn với công ty thương mại;
- Hỗ trợ một phần chi phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
đ) Phát triển vùng nguyên liệu:
- Quy hoạch tập trung các vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến như: cây lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ hải sản tuỳ theo đặc điểm địa hình và điều kiện thổ nhưỡng, môi trường.
- Các nhà đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch được hưởng các chính sách ưu đãi của tỉnh; Tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ chế, chính sách cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
- Xây dựng các chính sách thu hút vốn từ bên ngoài đầu tư vào địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trên lĩnh vực đầu tư sản xuất con giống, chế biến thủy sản theo hướng tinh chế có giá trị gia tăng cao;
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các mô hình sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị và năng suất canh tác, đầu tư thêm công suất chế biến thuỷ hải sản, nâng cao tỷ lệ chế biến nguyên liệu.
e) Chính sách khuyến khích- thu hút đầu tư:
- Khuyến khích các hình thức đầu tư độc lập hoặc liên doanh, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế:
- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi, nhanh chóng;
- Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, cơ sở hạ tầng, nguồn cung cấp điện, nước;
- Xây dựng các cơ chế chính sách về tài chính như: vốn, tín dụng, thuế...
- Hỗ trợ, tư vấn về khoa học công nghệ, sản xuất;
- Có các biện pháp đảm bảo về nguồn cung nguyên liệu đầu vào và thị trường sản phẩm đầu ra. Tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ các dự án công nghiệp thu hút nhiều lao động địa phương như dệt may - da giày, sản xuất hàng tiêu dùng...
g) Về tổ chức quản lý:
- Thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về công nghiệp cần được mở rộng, bao quát tất cả các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp không phân biệt các thành phần kinh tế hoặc mức độ trực thuộc chuyên ngành, lĩnh vực.
- Tập trung quản lý, khắc phục sự trì trệ, lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản.
- Tăng cường công tác cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho kêu gọi và xúc tiến đầu tư trên địa bàn, tạo tâm lý ổn định và an tâm cho các doanh nghiệp đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện cơ chế hành chính “'một cửa”' tại tất cả cơ quan công quyền, tăng cường chức năng giám sát của các tổ chức đoàn thể đối cán bộ công chức, kiên quyết xử lý mọi hiện tượng vòi vĩnh, sách nhiễu.
- Đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, mối quan hệ thân thiện giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn với nhà đầu tư sản xuất kinh doanh.
h) Bảo vệ môi trường:
- Tăng cường công tác quản lý môi trường, đề xuất các biện pháp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm Luật bảo vệ môi trường.
- Khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm đến áp dụng công nghệ sạch, xây dựng và thực hiện các dự án cải tạo bảo vệ môi trường; Dần loại bỏ các công nghệ lạc hậu, các ngành gây ô nhiễm môi trường; Chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề xử lý chất thải.
Điều 2. Giao cho sở Công nghiệp, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt phổ biến đến các cấp các ngành và toàn dân biết để phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch. Đồng thời cụ thể hóa quy hoạch bằng kế hoạch phát triển hàng năm; triển khai các dự án, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển Công nghiệp trên địa bàn. Định kỳ tổ chức kiểm tra giám sát thực hiện quy hoạch và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Điều 3. Các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ động phối hợp với sở Công nghiệp xây dựng giải pháp, cơ chế tổ chức, phân cấp quản lý tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành mục tiêu đề ra.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc sở Công nghiệp và thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Kèm theo Quyết định số 21/2006/QĐ-UBNC ngày 14/9/2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch Phát triển CN – TTCN tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến 2010 và tầm nhìn 2020).
ĐVT: Tỷ đồng
TT | Tên dự án | Công suất | Vốn đầu tư | Địa điểm |
1 | Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu | 12.000 tấn/năm | 30 | Giá Rai |
2 | Kho trữ đông | 20.000 tấn/năm | 20 | Giá Rai |
3 | Đầu tư cơ sở giết mổ gia cầm tập trung | 06 điểm | 3 | Các huyện, TX Bạc Liêu |
4 | Nhà máy bia | 15 triệu lít/năm | 150 | TX Bạc Liêu |
5 | Nhà máy SX ván ép từ gỗ & phụ phẩm nông nghiệp | 5.000 m3/năm | 20 | Phước Long |
6 | Nhà máy SX bao bì | 10.000 tấn/năm | 10 | Giá Rai |
7 | Nhà máy SX bêtông đúc sẵn | 6.000 m3/năm | 30 | Giá Rai |
8 | SX gia công cơ khí | 200.000 sp/năm | 15 | Hoà Bình |
9 | Nhà máy chế biến muối chất lượng cao | 20.000 tấn/năm | 15 | Hoà Bình |
10 | May công nghiệp | 4 triệu sản phẩm /năm | 50 | Vĩnh Lợi, Hồng Dân |
11 | Nhà máy SX ngư lưới cụ | | 15 | Đông Hải |
12 | Nhà máy tái chế rác thải | | 25 | TXBL |
13 | Đầu tư các trung tâm đào tạo kỹ thuật | | 200 | TXBL, HDân, Hòa Bình |
14 | Đầu tư phát triển các làng nghề | | 50 | Các huyện, TXBL |
15 | Đầu tư di dời cơ sở SX gây ô nhiễm vào khu, cụm CN | | 300 | Các huyện, TXBL |
- 1 Quyết định 3185/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Quyết định 2451/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2006 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 3 Quyết định 2018/QĐ-UBND năm 2006 về Đề án "Phát triển tiểu thủ công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010"
- 4 Quyết định 284/QĐ-UBND năm 2006 duyệt quy hoạch điều chỉnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2006 – 2010, dự báo đến năm 2020
- 5 Quyết định 40/2005/QĐ-BCN ban hành Quy định tạm thời về quy hoạch phát triển công nghiệp của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp
- 6 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7 Thông tư 05/2003/TT-BKH hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 1 Quyết định 2451/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2006 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 2 Quyết định 2018/QĐ-UBND năm 2006 về Đề án "Phát triển tiểu thủ công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010"
- 3 Quyết định 284/QĐ-UBND năm 2006 duyệt quy hoạch điều chỉnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2006 – 2010, dự báo đến năm 2020
- 4 Quyết định 3185/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030