Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 21/2010/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 30 tháng 7 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

 BAN HÀNH QUY ĐỊNH NHÂN VIÊN THÚ Y XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ CỘNG TÁC VIÊN THÚ Y

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y,
Căn cứ Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Thông tư số 04/2009/TT-BNN ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 184/TTr-SNN ngày 26 tháng 5 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về nhân viên thú y xã, phường, thị trấn và cộng tác viên thú y.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký ban hành. Bãi bỏ Quyết định số 620/QĐ-UB ngày 17 tháng 6 năm 1995 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành bản Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức thú y xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các nhân viên thú y, cộng tác viên thú y; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

QUY ĐỊNH

VỀ NHÂN VIÊN THÚ Y XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ CỘNG TÁC VIÊN THÚ Y
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2010/QĐ-UBND  ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Điều 1. Nhân viên thú y, cộng tác viên thú y

1. Nhân viên thú y xã, phường, thị trấn (gọi tắt là nhân viên thú y cấp xã) là nhân viên kỹ thuật chuyên môn về thú y giúp Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã) tổ chức thực hiện các công tác có liên quan về thú y, thú y thuỷ sản (trong phạm vi quản lý của Chi cục Thú y).

2. Cộng tác viên thú y là những cá nhân có chuyên môn hoặc chưa có chuyên môn về thú y cộng tác với nhân viên thú y cấp xã thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác thú y trên địa bàn (bao gồm thú y tư nhân; chủ cửa hàng kinh doanh thuốc thú y; chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản; trang trại) hoặc những người bên ngoài tự nguyện tham gia cộng tác với nhân viên thú y, hoạt động theo quy chế hoặc điều lệ do Uỷ ban nhân dân cấp xã phê duyệt.

Điều 2. Tiêu chuẩn của nhân viên thú y, cộng tác viên thú y

1. Nhân viên thú y:

a) Phải có bằng cấp chuyên môn từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên (trong trường hợp đặc biệt không có trung cấp thì trước mắt tuyển dụng sơ cấp).

b) Phải nhiệt tình, có năng lực, có đạo đức nghề nghiệp, không vi phạm chủ trương chính sách của Nhà nước, theo quy định pháp luật về thú y, có uy tín trong nghề.

2. Cộng tác viên thú y:

a) Phải được đào tạo qua trường lớp về chăn nuôi thú y, thấp nhất là sơ cấp chăn nuôi thú y và có giấy chứng nhận đào tạo. Trong trường hợp các thành viên tự nguyện tham gia cộng tác viên thú y mà chưa có chuyên môn thì sẽ được Chi cục Thú y ưu tiên đào tạo trong quá trình hoạt động.

b) Phải nhiệt tình, tích cực hoạt động; thực hiện tốt các nhiệm vụ theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân cấp xã; hướng dẫn về chuyên môn của nhân viên thú y cấp xã.

Điều 3. Tuyển dụng, bãi nhiệm nhân viên thú y, cộng tác viên thú y

1. Nhân viên thú y:

a) Mỗi đơn vị cấp xã được tuyển dụng một nhân viên thú y. Việc tuyển dụng thực hiện theo quy trình sau: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã giới thiệu nhân sự dự tuyển về Trưởng Trạm Thú y huyện, thành phố để xem xét, có ý kiến thống nhất bằng văn bản; trên cơ sở đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định hợp đồng tuyển dụng không thời hạn, hệ số phụ cấp hàng tháng được hưởng, đồng thời có văn bản báo cáo về Trưởng Trạm Thú y huyện, thành phố theo dõi, quản lý về nghiệp vụ.

b) Trong trường hợp nhân viên thú y cấp xã không hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vi phạm theo quy định pháp luật về thú y, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét mức độ vi phạm, có văn bản thống nhất với Trưởng Trạm Thú y cấp huyện, thành phố trước khi xử lý kỷ luật hoặc chấm dứt hợp đồng; sau đó, có văn bản báo cáo kết quả về Trưởng Trạm Thú y huyện, thành phố theo dõi.

c) Trạm Thú y cấp huyện, thành phố có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo mọi việc tuyển dụng, bãi nhiệm, xử lý kỷ luật nhân viên thú y cấp xã về Chi cục Thú y để theo dõi quản lý chung.

2. Cộng tác viên thú y:

Số lượng không hạn chế ở mỗi đơn vị cấp xã; tuỳ theo điều kiện thực tế của địa phương và trên cơ sở đề nghị của nhân viên thú y cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định cụ thể danh sách cộng tác viên thú y.

Các cá nhân là thú y tư nhân; chủ cửa hàng kinh doanh thuốc thú y; chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản; trang trại… có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia vào mạng lưới cộng tác viên thú y trên địa bàn theo yêu cầu của nhân viên thú y cấp xã và Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Điều 4. Nhiệm vụ nhân viên thú y, cộng tác viên thú y

1. Nhân viên thú y:

a) Tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi bao gồm cả thuỷ sản trong sản xuất nông nghiệp.

b) Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách và chuyên môn nghiệp vụ về chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và thú y.

c) Tổng hợp, hướng dẫn kế hoạch phát triển chăn nuôi hàng năm; hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất, thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi, thú y và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.

d) Giám sát, tổng hợp và báo cáo kịp thời về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật tại địa phương; đề xuất, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh và điều trị bệnh cho động vật theo kế hoạch, hướng dẫn của Trạm Thú y huyện, thành phố.

đ) Xây dựng kế hoạch, biện pháp huy động lực lượng và thực hiện hoặc phối hợp thực hiện nội dung được duyệt theo hướng dẫn của Trạm Thú y huyện, thành phố.

e) Hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng bệnh bắt buộc cho động vật, cách ly động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật, vệ sinh tiêu độc, khử trùng và việc sử dụng, thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

g) Phối hợp thực hiện việc tiêu độc, khử trùng cho các cơ sở hoạt động liên quan đến công tác thú y, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và phục hồi môi trường sau khi dập tắt dịch bệnh đối với thuỷ sản trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo quy định.

h) Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hướng dẫn hoạt động đối với hệ thống cung cấp dịch vụ công về chăn nuôi, thú y và cá nhân kinh doanh thuốc thú y; thực hiện công tác khuyến nông về thú y theo kế hoạch được duyệt và các dịch vụ về thú y trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

i) Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình dịch bệnh động vật, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn xã, phường, thị trấn cho Trạm Thú y huyện, thành phố và Uỷ ban nhân dân cấp xã.

k) Thực hiện nhiệm vụ về quản lý chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên.

l) Thực hiện việc kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong phạm vi xã, phường, thị trấn theo phân công của Trạm Thú y huyện, thành phố.

m) Thực hiện nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân dân cấp xã giao.

2. Cộng tác viên thú y:

a) Phối hợp, cộng tác thực hiện các công tác về thú y theo hướng dẫn của nhân viên thú y trên địa bàn theo yêu cầu của địa phương.

b) Mạng lưới cộng tác viên được đăng ký hoạt động theo quy chế hoặc điều lệ do Uỷ ban nhân dân cấp xã phê duyệt.

Điều 5. Chế độ phụ cấp đối với nhân viên thú y cấp xã và cộng tác viên thú y

1. Nhân viên thú y cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng hệ số 1,0 của mức tiền lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước và được hưởng các chế độ thanh toán công tác phí khi tham gia chống dịch, hội họp, công tác khác theo phân công của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

2. Cộng tác viên thú y khi tham gia các phong trào, hoạt động có liên quan đến công tác thú y theo yêu cầu thì được hưởng các chế độ theo kế hoạch chung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Nguồn kinh phí thực hiện: từ nguồn ngân sách của Nhà nước.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chỉ đạo Chi cục Thú y tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ việc xây dựng, tuyển dụng, đào tạo nhân viên thú y cấp xã và mạng lưới cộng tác viên trong toàn tỉnh; quản lý chung và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng này trong thời gian tới đảm bảo có hiệu quả góp phần vào công tác phòng, chống dịch của tỉnh được tốt hơn.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính, Sở Nội vụ:

a) Sở Tài chính có trách nhiệm bảo đảm nguồn kinh phí để thực hiện các chế độ phụ cấp cho nhân viên thú y cấp xã theo quy định.

b) Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng tổ chức bộ máy nhân viên thú y cấp xã và cộng tác viên thú y.

3. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố:

Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt công tác xây dựng nguồn chi phụ cấp hàng tháng, năm và các chế độ khác (nếu có) theo quy định của Nhà nước về nhân viên thú y cấp xã và cộng tác viên thú y.

4. Trách nhiệm của Trạm Thú y huyện, thành phố:

Rà soát và phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai thực hiện xây dựng tổ chức bộ máy nhân viên thú y cấp xã và cộng tác viên thú y trên địa bàn mình quản lý; đồng thời hướng dẫn về nhiệm vụ chuyên môn cho hệ thống nhân viên thú y cấp xã, mạng lưới cộng tác viên thú y.

5. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã:

Có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhân viên thú y cấp xã hoạt động; phối hợp với Trạm Thú y huyện, thành phố xây dựng quy chế hoặc điều lệ hoạt động của nhân viên thú y cấp xã và cộng tác viên thú y nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn trên địa bàn quản lý.

6. Nhân viên thú y cấp xã, cộng tác viên thú y:

Có trách nhiệm tích cực tham mưu và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo Quy định này./.