Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 21/2010/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 3 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 72/2007/QĐ-UBND NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 2007 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN PHỐ, KHU PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20 tháng 4 năm 2007;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2008/NQ-QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 725/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 278/TTr-SNV ngày 23 tháng 02 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ dân phố, khu phố ban hành kèm theo Quyết định số 72/2007/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố, cụ thể như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quy chế:

“Điều 2. Tổ dân phố có Tổ trưởng và Tổ phó. Tổ trưởng do nhân dân trong tổ trực tiếp bầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn ra quyết định công nhận. Tổ trưởng là người đại diện cho nhân dân và chính quyền phường, thị trấn để thực hiện một số nhiệm vụ tại tổ, chịu sự quản lý và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn, sự lãnh đạo của Cấp ủy ở khu phố.

Trường hợp tổ dân phố có trên 100 hộ dân có thể bố trí thêm 01 Tổ phó tổ dân phố. Tổ phó do Tổ trưởng đề nghị sau khi trao đổi thống nhất với Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Ủy ban nhân dân phường, thị trấn quyết định công nhận. Tổ phó là người giúp Tổ trưởng, thay mặt Tổ trưởng chủ trì các buổi họp dân khi Tổ trưởng vắng và thực hiện các nhiệm vụ do Tổ trưởng giao.

Nhiệm kỳ của Tổ trưởng, Tổ phó là hai năm rưỡi. Trong trường hợp thành lập tổ dân phố mới hoặc khuyết Tổ trưởng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn chỉ định Tổ trưởng lâm thời hoạt động cho đến khi bầu được Tổ trưởng mới.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 Quy chế:

“Điều 3. Khu phố bao gồm nhiều tổ dân phố liền kề trên một địa bàn và có từ 700 hộ dân trở lên. Khu phố có Trưởng Khu phố và Phó Khu phố, do Cấp ủy khu phố đề nghị, sau khi Ban công tác Mặt trận hiệp thương lấy ý kiến đồng thuận với nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn quyết định công nhận. Trường hợp khu phố có trên 700 hộ dân có thể bố trí thêm 01 Phó Khu phố. Trưởng, Phó Khu phố được hưởng phụ cấp hàng tháng trong tổng mức phụ cấp đối với khu phố theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố. Mức phụ cấp cụ thể cho từng thành viên ở khu phố do Ủy ban nhân dân phường, thị trấn bàn với các tổ chức liên quan quyết định.

Nhiệm kỳ của Trưởng, Phó Khu phố là hai năm rưỡi, trong trường hợp thành lập mới khu phố hoặc khuyết Trưởng, Phó Khu phố thì Cấp ủy khu phố đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn quyết định công nhận cùng thời hạn nhiệm kỳ của các khu phố khác trong phường, thị trấn.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 Quy chế:

“1. Việc thành lập mới (bao gồm cả việc chia tách, sáp nhập) tổ dân phố do Ủy ban nhân dân phường lập phương án đề nghị Ủy ban nhân dân quận xem xét, quyết định. Đối với thị trấn phải trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi đề nghị Ủy ban nhân dân huyện xem xét, quyết định;

Quy mô tổ dân phố được thành lập mới trên dưới 70 hộ dân, ở những khu vực đông dân, tùy tình hình thực tế số hộ có thể trên dưới 100 hộ dân.”

4. Sửa đổi, bổ sung điểm c và d khoản 2 Điều 5 Quy chế:

“c) Nếu có trên 50% số cử tri được lấy ý kiến đồng ý:

- Ủy ban nhân dân phường hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân quận xem xét, quyết định.

- Đối với thị trấn, phải được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện xem xét, quyết định;

d) Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân quận - huyện gồm:

- Tờ trình của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn trình Ủy ban nhân dân quận - huyện;

- Phương án thành lập tổ dân phố mới;

- Bản tổng hợp ý kiến cử tri của tổ dân phố;

- Bản đồ hiện trạng và bản đồ chia tách tổ dân phố.

Đối với thị trấn, ngoài các thành phần hồ sơ nêu trên, phải có thêm:

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị trấn;

- Trích biên bản kỳ họp Hội đồng nhân dân thị trấn.”

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Quy chế:

“Điều 6. Sinh hoạt tổ dân phố

Tổ dân phố sinh hoạt 3 tháng một lần, khi cần thiết thì họp đột xuất nhưng phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn. Buổi sinh hoạt được tiến hành khi có hơn 50% đại diện hộ tham dự. Tổ trưởng hoặc Tổ phó chủ trì sinh hoạt tổ dân phố, cử người làm thư ký (được đa số người dự họp đồng ý) ghi biên bản sinh hoạt. Biên bản sinh hoạt tổ được gửi đến Ủy ban nhân dân phường, thị trấn sau khi sinh hoạt chậm nhất ba ngày.

Nội dung sinh hoạt tổ dân phố phải chuẩn bị chu đáo, việc kiểm điểm thực hiện công việc cần ngắn gọn, kế hoạch và biện pháp thực hiện công tác quý tới cần rõ ràng, cụ thể để nhân dân trong tổ dễ nhớ, dễ thực hiện. Ủy ban nhân dân phường, thị trấn chuẩn bị nội dung bằng văn bản để tạo điều kiện cho Tổ trưởng tổ dân phố triển khai đến nhân dân được thuận lợi.”

6. Sửa đổi, bổ sung điểm b và c khoản 2 Điều 7 Quy chế:

“b) Bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân thị trấn; các quyết định của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn; nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân phường, thị trấn giao;

c) Thảo luận, góp ý kiến về kết quả việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và tự phê bình của Tổ trưởng tổ dân phố, các chức danh lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường, thị trấn và Hội đồng nhân dân đối với thị trấn;”

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Quy chế:

“2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (đối với thị trấn), đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện công nhận.”

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 Quy chế:

“1. Tổ trưởng tổ dân phố khi không còn được nhân dân tín nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, tham nhũng, lãng phí, không phục tùng sự chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn thì có thể bị bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn hoặc của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hoặc có ít nhất một phần ba tổng số cử tri đại diện hộ gia đình trong tổ kiến nghị.”

9. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 13 Quy chế:

“a) Tổ trưởng làm bản tự kiểm điểm nêu rõ khuyết điểm, nguyên nhân và tự nhận hình thức kỷ luật, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn và Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố. Trường hợp Tổ trưởng không tham dự hoặc có tham dự nhưng không trình bày bản tự kiểm điểm thì người đưa ra đề xuất việc bãi nhiệm trình bày những khuyết điểm của Tổ trưởng;”

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 Quy chế:

“1. Giữ nguyên khu phố hiện có. Chỉ thành lập mới khu phố khi tổ chức quy hoạch lại khu dân cư, tổ chức tái định cư, di dân giải phóng mặt bằng, thực hiện quy hoạch dãn dân hoặc có sự điều chỉnh địa giới hành chính của phường, thị trấn có liên quan đến khu phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Khu phố thành lập mới phải phù hợp với quy mô số hộ dân theo quy định; ranh khu phố phải rõ ràng, tách bạch để dễ quản lý, thuận lợi cho sinh hoạt của dân và phải thông báo nhân dân trong khu phố liên quan.”

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 15 Quy chế:

“4. Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân thành phố gồm:

a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân quận - huyện trình Ủy ban nhân dân thành phố;

b) Biên bản thẩm định của Ủy ban nhân dân quận - huyện;

c) Tờ trình của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn trình Ủy ban nhân dân quận - huyện;

d) Phương án thành lập khu phố do Ủy ban nhân dân phường, thị trấn lập;

đ) Bản tổng hợp ý kiến cử tri ở khu vực liên quan đến thành lập khu phố;

e) Bản đồ hiện trạng và bản đồ chia tách khu phố.

Đối với thị trấn, ngoài các thành phần hồ sơ nêu trên, phải có thêm:

g) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị trấn;

h) Trích biên bản kỳ họp Hội đồng nhân dân thị trấn (phần nội dung thành lập khu phố).”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Các nội dung khác không đề cập vẫn giữ nguyên theo Quyết định số 72/2007/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở - ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân