Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 210/QĐ-BNN-TY

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ KHẨN CẤP VỚI CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM NGUY HIỂM CÓ KHẢ NĂNG LÂY SANG NGƯỜI

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 13/2004/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ban hành ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 14/02/2014;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.   Phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người" với một số nội dung chính như sau (chi tiết theo bản Kế hoạch đính kèm):

1. Mục tiêu:

Mục tiêu chung: Chủ động phát hiện và sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người và tác động bất lợi nếu vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể:

- Giảm thiểu nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua hoạt động nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.

- Phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.

- Giảm thiểu nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 lây nhiễm cho đàn gia cầm và cho người.

- Giảm thiểu tác động tiêu cực cho kinh tế, xã hội.

2. Phương pháp tiếp cận: Phương pháp "Một sức khỏe", trong đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành thú y với các ngành khác như y tế, quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế nhằm triển khai các biện pháp toàn diện, hiệu quả nhất, đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra. Kế hoạch hành động được xây dựng dựa trên các tình huống sau:

Tình huống 1: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người.

Tình huống 2: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh.

Tình huống 3: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh.

Tình huống 4: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.

3. Cơ chế tài chính

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách trung ương và địa phương đảm bảo kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm.

+ Ngân sách trung ương: Đảm bảo kinh phí chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu gia cầm vào trong nước, tổ chức giám sát phát hiện và phân lập vi rút, tập huấn, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, gửi mẫu đi nước ngoài, công tác truyền thông, tiêu hủy gia cầm và xử lý môi trường.

+ Ngân sách địa phương: Đảm bảo kinh phí chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu gia cầm vào trong nước, giám sát, tập huấn, hội nghị, hội thảo, gửi mẫu xét nghiệm, thông tin tuyên truyền, chi phí cho các hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ chủ gia cầm, triển khai các biện pháp tại chợ gia cầm, mua sắm dụng cụ, bảo hộ lao động, thuốc sát trùng và triển khai tiêu độc khử trùng, tiêu hủy gia cầm và xử lý môi trường.

- Trước mắt các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động sử dụng nguồn kinh phí trong dự toán được giao năm 2014. Nếu có nhu cầu cần bổ sung, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tổng hợp gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

- Huy động nguồn kinh phí viện trợ của các tổ chức quốc tế và các nước để triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Kết hợp với các đề án, chương trình, dự án, kế hoạch phòng chống dịch bệnh có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.

Điều 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

Điều 3.   Kế hoạch này sẽ được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời tùy theo diễn biến của dịch và quá trình triển khai công tác phòng chống dịch trên thực địa cho phù hợp.

Điều 4.  Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để b/c);
- Văn phòng Chủ tịch nước (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ thành viên BCĐQGPCDCGC;
- Lưu VT, TY.

BỘ TRƯỞNG
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QGPCDCGC




Cao Đức Phát

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

ỨNG KHÓ KHẨN CẤP VỚI CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM GIA CẦM NGUY HIỂM CÓ KHẢ NĂNG LÂY SANG NGƯỜI
(Ban hành theo Quyết định số 210/QĐ-BNN-TY ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. TỔNG QUAN

1.1. Thông tin chung về vi rút cúm A/H7N9

- Vi rút cúm A/H7N9 được xác định có nguồn gốc từ gia cầm nhưng chưa gây bệnh lâm sàng cho gia cầm; vi rút lây truyền từ gia cầm sang người, gây bệnh cho người và tỷ lệ tử vong rất cao;

- Vi rút cúm A/H7N9 được tái tổ hợp theo kiểu lấy 06 gien nội (internal genes) của vi rút cúm H9N2 lưu hành gần đây trong gia cầm ở Trung Quốc; riêng nguồn gốc 02 gien ngoài H7 và N9 vẫn chưa được xác định rõ nhưng có mối liên hệ gần với gien H7 trên vịt và gien N9 trên các loài chim hoang dã. Vi rút cúm H10N9 phân lập được trong gia cầm ở tỉnh Giang Tô - Trung Quốc có gien N tương tự như gien N tìm thấy trong vi rút cúm A/H7N9.

- Vi rút cúm A/H7N9 có phương thức tồn tại và lây truyền giống vi rút cúm A/H5N1 là thường được phát hiện tại những nơi tập trung gia cầm bao gồm cả chợ buôn bán gia cầm sống có phương thức quản lý kém (không kiểm soát được nguồn gốc gia cầm, vệ sinh kém, lưu giữ gia cầm liên tục, không có hoặc có ít ngày đóng cửa chợ để vệ sinh, tiêu độc khử trùng).

- Vi rút cúm A/H7N9 có phương thức tồn tại và lây truyền giống vi rút cúm A/H9N2 là: Đường bài thải vi rút chính là thông qua vùng hầu họng; vi rút có bộ gen nội của vi rút cúm A/H9N2; có điểm thụ cảm liên kết đặc trưng như vi rút cúm A/H9N2 ở gia cầm tại Trung Quốc,.. Điều này cho thấy nó có thể có nhiều đặc tính tương tự như loại vi rút cúm A/H9N2, nguy cơ nó có thể lan rộng trong gia cầm ở Trung Quốc trong tương lai.

- Hiện nay, tại chợ gia cầm ở Trung Quốc, tỷ lệ mẫu gà phát hiện dương tính với vi rút cúm A/H7N9 nhiều hơn các loài khác, đồng thời nhiều mẫu môi trường cũng phát hiện thấy vi rút cúm A/H7N9. Ngoài ra một lượng nhỏ mẫu vịt, chim bồ câu bán tại chợ gia cầm Trung Quốc cũng cho kết quả dương tính. Chưa phát hiện trang trại gia cầm dương tính với cúm A/H7N9.

1.2. Tình hình dịch

- Vi rút này được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 3/2013 tại Thượng Hải, đến 02/2014 đã ghi nhận 339 ca bệnh, trong đó 66 ca tử vong (tại các tỉnh An Huy, Giang Tây, Hà Nam, Hồ Nam, Phúc Kiến, Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Sơn Đông, Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Tây thuộc Trung Quốc; Hồng Kông và Đài Loan).

- Theo thông tin từ Tổ chức WHO: Ma-lai-xi-a đã xác nhận ca bệnh cúm A/H7N9 trên người đầu tiên. Bệnh nhân là cụ bà 67 tuổi đi du lịch từ Trung Quốc sang Ma-lai-xi-a từ ngày 03/02/2014 và được phát hiện nhiễm vi rút cúm.

- Hiện nay, vi rút đã được phát hiện trên cả gia cầm và người tại tỉnh Quảng Tây giáp biên giới với Việt Nam, nhưng chưa phát hiện thấy trên gia cầm và trên người tại Việt Nam.

1.3. Các biện pháp đã thực hiện ở Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt các biện pháp để ứng phó với chủng vi rút cúm A/H7N9 này.

- Các chương trình giám sát chợ gia cầm sống cho thấy có sự hiện diện của vi rút tại các chợ, trong một số trường hợp tỷ lệ dương tính có thể tới khoảng 10% gia cầm được xét nghiệm.

- Biện pháp đóng cửa chợ tạm thời được áp dụng trong một số vùng của Trung Quốc đã làm giảm tỷ lệ nhiễm vi rút ở gia cầm và giảm rủi ro lây nhiễm cho người; tuy nhiên một số trường hợp (như ở tỉnh Chiết Giang) lại có thêm ca bệnh ở người khi mở cửa chợ trở lại. Một nghiên cứu tại Trung Quốc đã chứng minh việc tiếp xúc với gia cầm tại các chợ gia cầm sống là một yếu tố nguy cơ lây nhiễm vi rút này cho con người.

- Một số chợ gia cầm sống có vi rút cúm A/H7N9 lưu hành tại Trung Quốc đã bị đóng cửa trong 10 tuần để triển khai các biện pháp can thiệp vào chợ, mục đích là làm giảm khả năng tái xuất hiện và lây lan của vi rút cúm A/H7N9 trong chợ.

- Ở những nơi có ca bệnh trên người, việc đóng cửa chợ tạm thời đã có hiệu quả ngay lập tức, số ca bệnh giảm đáng kể giống như khi đóng cửa chợ tại Hồng Kông vào tháng 12/1997 khi có cúm A/H5N1 xuất hiện.

- Một số chợ sau đó đã được mở cửa trở lại vào cuối tháng 6/2013 với điều kiện bắt buộc (như ở Thượng Hải) bao gồm:

+ Các chợ bán buôn: Mỗi tuần đóng cửa chợ một ngày.

+ Các chợ bán lẻ: Hai tuần đóng cửa chợ một ngày.

+ Truy xuất nguồn gốc toàn bộ gia cầm bán tại chợ để người tiêu dùng có thể xác định nguồn gốc gia cầm mua từ đâu.

+ Thiết lập việc lưu trữ hồ sơ mua bán gia cầm của những người buôn bán.

+ Tổ chức vệ sinh, tiêu độc và khử trùng thường xuyên, kỹ lưỡng.

+ Chuyển địa điểm các chợ ra xa khu dân cư.

1.4. Nhận định tình hình:

Một số nghiên cứu về việc vận chuyển gà loại thải ở Trung Quốc cho thấy nhiều gà loại thải được vận chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam giáp với Việt Nam, trong đó có qua các tỉnh đã phát hiện vi rút cúm A/H7N9. Vi rút cũng đã được phát hiện trên gia cầm và người ở tỉnh Quảng Tây giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trong khi đó, các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Vì vậy, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tổ chức FAO nhận định Việt Nam, Lào và Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 từ Trung Quốc. Do đó, cần thiết phải xây dựng kế hoạch chủ động nhằm phát hiện và ứng phó với vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm tại Việt Nam.

II. MỤC TIÊU

2.1. Mục tiêu chung: Chủ động phát hiện và sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người và tác động bất lợi nếu vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

2.2.1. Giảm thiểu nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua hoạt động nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.

2.2.2. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.

2.2.3. Giảm thiểu nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 lây nhiễm cho đàn gia cầm và cho người.

2.2.4. Giảm thiểu tác động tiêu cực cho kinh tế, xã hội.

III. GIẢI PHÁP CHUNG

3.1. Phương pháp tiếp cận

- Phương pháp "Một sức khỏe", trong đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành thú y với các ngành khác như y tế, quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế nhằm triển khai các biện pháp toàn diện, hiệu quả nhất, đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra.

- Kế hoạch hành động bao gồm các biện pháp cụ thể làm cơ sở cho các Bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện. Các biện pháp cụ thể này về cơ bản tương tự như các biện pháp áp dụng với ổ dịch cúm gia cầm H5N1 hiện nay và được xây dựng dựa trên các tình huống sau:

Tình huống 1: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người.

Tình huống 2: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh.

Tình huống 3: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh.

Tình huống 4: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.

3.2. Giải pháp chung

3.2.1. Giải pháp tổ chức thực hiện:

- Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (BCĐQG PCDCGC) là đầu mối chung, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với cúm A/H7N9 trên gia cầm. Thường xuyên báo cáo cập nhật thông tin về cúm A/H7N9 cho Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và đề xuất các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch trong trường hợp cần thiết. Các Bộ, ngành thành viên BCĐQG PCDCGC căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên triển khai ngay các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan.

- BCĐQG PCDCGC định kỳ tổ chức họp giao ban trực tuyến với ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm cấp tỉnh. Định kỳ cung cấp thông tin cập nhật về cúm A/H7N9 trên thế giới (hoặc trong nước) cho các cơ quan báo chí.

- Trên cơ sở bản Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng, phê duyệt Kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống nêu trên. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo trong việc triển khai các hoạt động cụ thể trong mỗi tình huống. Huy động toàn hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia phòng chống dịch.

3.2.2. Giải pháp kỹ thuật

Các điểm cần lưu ý: Hiện nay, vi rút cúm A/H7N9 chủ yếu được phát hiện tại Trung Quốc (trên cả gia cầm và người) và nguy cơ xâm nhập vào trong nước qua gia cầm nhập lậu là rất cao; vi rút chưa gây bệnh lâm sàng trên động vật, phương pháp duy nhất là lấy mẫu để xét nghiệm xác định gia cầm mang trùng; chợ buôn bán gia cầm sống và điểm thu gom, tập kết gia cầm được xác định là nơi lưu trữ và phát tán vi rút; gia cầm, sản phẩm gia cầm vẫn an toàn cho người nếu được giết mổ và chế biến đúng cách.

* Các biện pháp áp dụng tại khu vực biên giới: Nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc biếu, cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến là biện pháp ưu tiên số một hiện nay, nhằm ngăn chặn vi rút xâm nhập vào trong nước; tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của chính quyền và các Ban ngành của địa phương về nguy cơ, tác hại đối với dịch cúm A/H7N9, nhằm thay đổi nhận thức của cư dân khu vực biên giới, không tiếp tay hoặc tham gia vào các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

- Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới. Không cho buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở, nhằm tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát.

* Kiểm soát việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các thị trường tiêu thụ gia cầm. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

* Tập trung triển khai lấy mẫu giám sát trên gia cầm được buôn bán tại các chợ, điểm thu gom, tập kết gia cầm và các mẫu môi trường thuộc địa bàn có nguy cơ cao như các tỉnh biên giới phía Bắc, các địa phương có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

- Triển khai chương trình giám sát hiện nay do USAID, FAO, CDC tài trợ tại các tỉnh, thành phố; tăng cường giám sát (mở rộng địa bàn, tăng tần suất lấy mẫu giám sát) bằng nguồn ngân sách nhà nước;

- Tăng cường năng lực ngành thú y nhằm ứng phó kịp thời: Tổ chức tập huấn cho thú y các địa phương về kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản và gửi mẫu giám sát vi rút cúm A/H7N9; năng lực chẩn đoán, xét nghiệm; liên hệ với các phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế về bệnh cúm của WHO, FAO, OIE, Úc, Hoa Kỳ và Trung Quốc để cập nhật các quy trình kỹ thuật chẩn đoán xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9 và các vi rút cúm khác (A/H5N1, A/H10N8, A/H5N2, A/H6N1).

* Các biện pháp can thiệp đối với chợ:

- Đối với chợ chuyên buôn bán gia cầm sống: Định kỳ đóng cửa chợ để tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng gia cầm; lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc (nơi bán, nơi tiêu thụ gia cầm); người buôn bán, vận chuyển và người mua gia cầm cần sử dụng khẩu trang, găng tay, ủng khi tiếp xúc gia cầm.

- Đối với chợ có bán và giết mổ gia cầm: Phân tách riêng khu vực bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực bán và giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng gia cầm, sản phẩm gia cầm.

* Biện pháp đối với cơ sở giết mổ, điểm giết mổ gia cầm: Sử dụng bảo hộ lao động theo khuyến cáo của ngành y tế khi tiếp xúc và giết mổ gia cầm; không giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ sau mỗi ca làm việc; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm.

* Tổ chức nghiên cứu phân tích và đánh giá chuỗi cung ứng gia cầm và sản phẩm gia cầm cho thị trường với đầy đủ các thông tin dịch tễ liên quan từ lò ấp - trang trại - người vận chuyển - chợ buôn bán, lò giết mổ - người phân phối - người tiêu dùng. Lập sơ đồ mạng lưới cung ứng gia cầm và sản phẩm gia cầm trong từng khu vực để phục vụ kế hoạch ứng phó khi cần.

* Trong trường hợp phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên người tại Việt Nam, thực hiện các biện pháp bổ sung khuyến cáo của ngành y tế.

3.2.3. Giải pháp truyền thông:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các cơ quan thông tấn báo chí (đài truyền hình, đài phát thanh, các báo) xây dựng các thông điệp, chương trình truyền thông phù hợp, với thời lượng, tần suất phù hợp trong từng tình huống dịch; đảm bảo giảm thiểu nguy cơ và an toàn dịch bệnh cho cộng đồng, hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Đặc biệt nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân về sự nguy hiểm của vi rút cúm A/H7N9.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế và các tổ chức chính trị, chính trị xã hội và các tổ chức đoàn thể để triển khai công tác truyền thông nguy cơ, tác hại của dịch cúm A/H7N9 trong cộng đồng.

3.2.4. Giải pháp hợp tác quốc tế

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y, Vụ Hợp tác quốc tế) phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), các tổ chức quốc tế khác và các nước có liên quan chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch; huy động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và vật tư phục vụ phòng chống dịch từ các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ (FAO, WHO, USAID, OIE, EU, ASEAN, WB,...).

- Huy động sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế về chuyên gia cũng như trang thiết bị, kinh phí dự phòng và chống dịch tương ứng với các tình huống, tập trung vào các hoạt động như giám sát vi rút cúm A/H7N9, lập kế hoạch ứng phó cụ thể cho từng tình huống dịch, triển khai diễn tập ứng phó dịch, đánh giá nguy cơ... cũng như truyền thông nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong phòng chống dịch.

3.2.5. Cơ chế tài chính

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách trung ương và địa phương đảm bảo kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm.

+ Ngân sách trung ương: Đảm bảo kinh phí chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu gia cầm vào trong nước, tổ chức giám sát phát hiện và phân lập vi rút, tập huấn, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, gửi mẫu đi nước ngoài, công tác truyền thông, tiêu hủy gia cầm và xử lý môi trường.

+ Ngân sách địa phương: Đảm bảo kinh phí chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu gia cầm vào trong nước, giám sát, tập huấn, hội nghị, hội thảo, gửi mẫu xét nghiệm, thông tin tuyên truyền, chi phí cho các hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ chủ gia cầm, triển khai các biện pháp tại chợ gia cầm, mua sắm dụng cụ, bảo hộ lao động, thuốc sát trùng và triển khai tiêu độc khử trùng, tiêu hủy gia cầm và xử lý môi trường.

- Trước mắt các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động sử dụng nguồn kinh phí trong dự toán được giao, nếu có nhu cầu cần bổ sung, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

- Huy động nguồn kinh phí viện trợ của các tổ chức quốc tế và các nước để triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Kết hợp với các đề án, chương trình, dự án, kế hoạch phòng chống dịch bệnh có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

4.1. Tình huống 1: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người.

4.1.1. Mục tiêu: Giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm vi rút cúm A/H7N9 vào Việt Nam, đồng thời phát hiện kịp thời nếu vi rút xâm nhập vào Việt Nam.

4.1.2. Các hoạt động cụ thể:

* Các cơ quan Trung ương:

- Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm duy trì họp giao ban hàng tháng để chỉ đạo điều hành các hoạt động phòng, chống dịch nói chung, đồng thời thường xuyên thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 23/01/2014 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây qua biên giới, Công điện số 2245/CĐ-TTg ngày 19/12/2013 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

- Bộ Công thương chủ trì, tiếp tục triển khai quyết liệt "Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép" theo Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 2088).

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng, đề xuất phương án tái cơ cấu các chợ có buôn bán gia cầm sống theo hướng đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi rút cho người (có khu vực buôn bán gia cầm, khu vực giết mổ gia cầm riêng biệt, các chợ chuyên buôn bán gia cầm sống thực hiện ít nhất 01 ngày nghỉ chợ trong tháng và khuyến khích các thương lái lưu trữ hồ sơ xuất xứ gia cầm để hỗ trợ việc truy xuất nguồn gốc, tất cả các chợ có bán gia cầm sống phải thực hiện vệ sinh khử trùng khu vực bán gia cầm sau mỗi buổi chợ, khuyến khích người buôn bán gia cầm sống sử dụng bảo hộ lao động phù hợp và vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế).

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, tích cực triển khai thực hiện "Đề án truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm" theo Quyết định số 550/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 550). Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên thông tin tuyên truyền với thời lượng thích hợp, có chuyên mục riêng về phòng chống cúm gia cầm. Cách thức tuyên truyền không gây hoang mang trong xã hội và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người và động vật. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại tiêu cực của việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm đến người chăn nuôi, ngành chăn nuôi trong nước, gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân; cùng lên án các hành vi vi phạm, không sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động phòng ngừa vi rút cúm A/H7N9 lây vào trong nước và lây nhiễm cho người cũng như động vật nuôi;

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Chủ trì, tiếp tục triển khai các chương trình lấy mẫu giám sát trên gia cầm tại các tỉnh biên giới và các tỉnh có liên quan đến hoạt động vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nhập lậu. Trước mắt tiếp tục triển khai giám sát cúm trên gia cầm bán tại các chợ gia cầm sống của 09 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên. Mở rộng giám sát tại các tỉnh biên giới phía Bắc còn lại nếu tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có lưu hành vi rút cúm A/H7N9.

+ Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế (WHO, FAO, OIE, EU, ASEAN, USAID, WB,...), các nước, đặc biệt là Trung Quốc để kịp thời nắm bắt thông tin, tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác về kỹ thuật, tài chính cho việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

+ Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế theo dõi, nắm bắt tình hình bệnh cúm A(H7N9) trên người trên thế giới và trong nước, thiết lập đường dây nóng để trao đổi, chia sẻ thông tin. Định kỳ phát động tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia cầm, các chợ/ điểm có buôn bán gia cầm sống. Chuẩn bị sẵn sàng hóa chất sát trùng, bảo hộ lao động phục vụ các hoạt động ứng phó dịch.

+ Cục Thú y lập kế hoạch và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho: Các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng, Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố về bệnh cúm gia cầm A/H7N9, các biện pháp vệ sinh cá nhân và an toàn khi tiếp xúc với gia cầm, phương pháp lấy mẫu xét nghiệm, phương pháp xử lý gia cầm và địa bàn có gia cầm dương tính với vi rút cúm (chợ gia cầm sống, trang trại), hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

+ Cục Thú y lập kế hoạch và tổ chức tập huấn cho các phòng xét nghiệm thú y về kỹ thuật xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9, đồng thời chỉ đạo toàn hệ thống thú y chuẩn bị đầy đủ điều kiện về vật tư, hóa chất, dụng cụ xét nghiệm, trang thiết bị và phương tiện để ứng phó trong các tình huống dịch khác nhau.

Huy động các phòng xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y TW và các Cơ quan Thú y vùng tham gia vào công tác xét nghiệm cúm A/H7N9. Trong trường hợp cần thiết huy động thêm phòng xét nghiệm của các Trường Đại học Nông nghiệp và các Viện nghiên cứu liên quan.

+ Cục Thú y phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế xây dựng các thông điệp truyền thông nguy cơ trong giai đoạn hiện nay và trong giai đoạn phát hiện vi rút cúm A/H7N9, khuyến cáo các biện pháp vệ sinh cá nhân và sử dụng gia cầm an toàn. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, không tẩy chay sản phẩm gia cầm và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

+ Cục Thú y tổ chức trực chống dịch để nắm bắt thông tin cúm A/H7N9 kịp thời, thành lập Đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện vi rút cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào Việt Nam.

+ Cục Thú y phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, WHO, FAO thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ xâm nhập của vi rút cúm gia cầm A/H7N9 vào trong nước để tham mưu điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp.

+ Cục Thú y, Cục Chăn nuôi tiếp tục nghiên cứu bổ sung và phân tích chuỗi cung ứng gia cầm để xác định khu vực trọng điểm cần can thiệp mạnh; tiến hành đánh giá rủi ro đối với các hoạt động liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển gia cầm ở khu vực biên giới.

+ Viện Thú y chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu về các loại vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người.

+ Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lập kế hoạch tuyên truyền, tập huấn việc áp dụng các biện pháp an ninh sinh học đối với trang trại chăn nuôi gia cầm, cơ sở giết mổ gia cầm tập trung.

+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương, các Bộ, ngành có liên quan và địa phương triển khai diễn tập ứng phó với các tình huống phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường.

- Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an ban hành chỉ thị chỉ đạo các lực lượng chức năng hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống nhập khẩu trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm đưa vào trong nước tiêu thụ.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch kinh phí phục vụ hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt cho công tác giám sát, phát hiện các chủng vi rút cúm gia cầm mới và dự phòng đủ kinh phí cho hoạt động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người.

* Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố

- Kiện toàn và duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp; thành lập các tổ, đội công tác chuyên trách để ứng phó với cúm gia cầm H7N9; triển khai diễn tập ứng phó với các tình huống phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường.

- Ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban ngành của địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của Trung ương đóng trên địa bàn tích cực triển khai các Đề án 2088, Đề án 550, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc ngăn chặn lây nhiễm vi rút qua biên giới. Đặc biệt chỉ đạo việc triển khai các biện pháp áp dụng tại khu vực biên giới. Riêng các tỉnh biên giới phía Bắc cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc biếu, cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến nhằm ngăn chặn vi rút xâm nhập vào trong nước.

- Rà soát các chợ, điểm trung chuyển, tập kết gia cầm sống trên địa bàn, các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, đặc biệt các địa bàn có buôn bán gia cầm loại thải, gia cầm không rõ nguồn gốc để giám sát.

- Chỉ đạo lực lượng biên phòng, công an, quản lý thị trường, chính quyền các xã biên giới đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới. Tổ chức tiêu hủy tất cả gia cầm nhập lậu qua biên giới.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm gia cầm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm bất hợp pháp; hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm vi rút cúm cho người và các biện pháp sử dụng gia cầm an toàn. Vận động các tổ chức đoàn thể của địa phương cùng tham gia tuyên truyền.

- Chỉ đạo ngành thú y địa phương tăng cường công tác lấy mẫu giám sát đối với gia cầm nhập lậu, gia cầm sống bán tại các chợ, mẫu môi trường theo Kế hoạch giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hệ thống thú y của địa phương.

- Định kỳ triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn những khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt chợ buôn bán gia cầm sống.

- Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra. Chuẩn bị các phương án tiêu hủy gia cầm khi có mẫu dương tính.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng ngừa dịch xâm nhập tại các địa bàn có nguy cơ cao.

4.2. Tình huống 2: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh.

4.2.1. Mục tiêu: Giảm thiểu nguy cơ vi rút nhân lên và phát tán rộng

4.2.2. Các hoạt động cụ thể: Về cơ bản, các hoạt động cụ thể vẫn được triển khai như trong tình huống 1, cần chú trọng thêm các hoạt động sau:

* Các cơ quan Trung ương

- Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm tổ chức họp tăng cường 2 tuần 1 lần để kịp thời nắm bắt thông tin và chỉ đạo điều hành công tác phòng chống dịch. Các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch theo Kế hoạch hành động phòng chống cúm gia cầm trên người của Bộ Y tế.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện:

+ Phân công Đội ứng phó nhanh phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế triển khai các hoạt động điều tra dịch tễ chung, tăng cường hoạt động lấy mẫu giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm và môi trường tại khu vực có bệnh nhân mắc bệnh cúm A/H7N9 và những khu vực có yếu tố dịch tễ liên quan.

+ Trên cơ sở kết quả điều tra dịch tễ ca bệnh trên người, đề nghị chính quyền địa phương cấm tạm thời việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn có nguy cơ cao trong khoảng thời gian 07 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ trên đàn gia cầm;

+ Phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp giết mổ, tiêu thụ gia cầm an toàn và phòng lây nhiễm bệnh cho người;

+ Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức tuyên truyền phù hợp, không gây hoang mang trong cộng đồng, hướng dẫn áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân và sử dụng gia cầm an toàn.

+ Chỉ đạo toàn ngành thú y chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có thêm các ca bệnh.

+ Chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, kinh phí, dụng cụ, hóa chất, địa điểm chôn lấp gia cầm trong trường hợp phát hiện ca bệnh cúm A/H7N9 trên động vật.

- Bộ Công thương: Xây dựng phương án cung cấp các loại thực phẩm thay thế, bình ổn giá và chỉ đạo các địa phương thực hiện.

- Các Bộ: Công thương, Công an, Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng hỗ trợ, giám sát việc thực thi các biện pháp do ngành nông nghiệp và y tế khuyến cáo áp dụng, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

* Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố

- Địa phương có bệnh nhân mắc bệnh tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp để chỉ đạo chung. Thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo, giám sát chặt địa bàn có bệnh nhân và những nơi có liên quan về dịch tễ.

- Chỉ đạo hệ thống thú y địa phương tăng cường các hoạt động lấy mẫu giám sát đàn gia cầm và môi trường để xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9; tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc nhằm cung cấp gia cầm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng cho người tiêu dùng.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tuyên truyền các thông điệp do ngành y tế và thú y cung cấp, đảm bảo không gây hoang mang cho cộng đồng.

- Chỉ đạo các ban ngành chức năng của địa phương tăng cường giám sát việc thực thi các biện pháp kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia cầm. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn xã có bệnh nhân.

- Chỉ đạo chuẩn bị triển khai phương án cung cấp thực phẩm thay thế và bình ổn giá.

- Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực và phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị liên quan, chuẩn bị đủ kinh phí, dụng cụ, hóa chất, địa điểm chôn lấp gia cầm trong trường hợp phát hiện ca bệnh cúm A/H7N9 trên động vật.

4.3. Tình huống 3: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh.

4.3.1. Mục tiêu: Giảm thiểu nguy cơ vi rút nhân lên, phát tán rộng và ngăn ngừa vi rút cúm A/H7N9 lây nhiễm cho người

4.3.2. Các hoạt động cụ thể:

* Các cơ quan Trung ương:

- Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm họp hàng tuần và đột xuất để chỉ đạo, điều hành.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Phân công Đội ứng phó nhanh trực tiếp xuống địa bàn có mẫu dương tính để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế thực hiện điều tra dịch tễ (bao gồm cả truy xuất ngược và xuôi đối với nguồn gốc của gia cầm, địa điểm đã mua hoặc bán gia cầm), thông báo cho chính quyền địa phương và người dân để phòng tránh lây nhiễm vi rút. Tổ chức lấy mẫu giám sát đàn gia cầm ở những khu vực có yếu tố dịch tễ liên quan.

+ Huy động tối đa nguồn nhân lực từ các cơ quan thú y Trung ương để tập trung triển khai các biện pháp lấy mẫu giám sát, điều tra dịch tễ, hướng dẫn địa phương có nguy cơ cao các biện pháp ứng phó dịch.

+ Trường hợp phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên các mẫu lấy tại chợ: Cấm tạm thời việc bán gia cầm sống đối với chợ dương tính trong khoảng thời gian tối thiểu 07 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ, xác minh nguồn gốc của vi rút trong chợ (điều tra truy xuất nguồn gốc gia cầm bán trong chợ để xác định các trang trại đã cung ứng; giám sát các chợ gia cầm thứ cấp có liên quan). Lấy mẫu giám sát và tiêu hủy ngay những đàn gia cầm đang được bán trong chợ. Triển khai việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng hàng ngày đối với toàn bộ khu vực chợ để giảm thiểu phát tán vi rút, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tăng cường lấy mẫu giám sát tại các chợ có liên quan.

+ Trường hợp phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trong các mẫu thu thập từ trại chăn nuôi: Tiến hành điều tra dịch tễ; tiêu hủy gia cầm trong trang trại nhằm giảm thiểu nguy cơ lây truyền vi rút ra ngoài, hỗ trợ chủ gia cầm bị tiêu hủy như đối với trường hợp hủy do cúm H5N1. Đóng cửa trang trại trong ít nhất 21 ngày và thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn trang trại. Đàn gia cầm tại các địa điểm có yếu tố dịch tễ liên quan sẽ được giám sát, đồng thời thực hiện vệ sinh, khử trùng tại những nơi này. Kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn cấp huyện, nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch thú y. Tổ chức tiêu độc khử trùng ở địa bàn phát hiện vi rút cúm A/H7N9. Hợp tác chặt chẽ với ngành y tế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27 tháng 5 năm 2013 để tổ chức giám sát dịch trên người.

+ Trường hợp phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trong thôn, bản, ấp có nuôi gia cầm: Tiến hành điều tra dịch tễ để xác định những đàn gia cầm có tiếp xúc với đàn bị nhiễm bệnh; tiêu hủy tất cả gia cầm trong các đàn bị nhiễm bệnh và đàn có tiếp xúc với đàn nhiễm bệnh. Tiêu độc và khử trùng khu vực có đàn gia cầm nhiễm bệnh; tạm dừng việc vận chuyển gia cầm trong thôn, bản, ấp, bao gồm cả việc cấm thả rông gia cầm; lấy mẫu xét nghiệm thêm để xác định mức độ lan truyền vi rút trong địa bàn; thông báo cho ngành y tế để tiến hành giám sát bệnh trên người.

+ Xây dựng bản đồ dịch tễ lưu hành vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường (chợ, trang trại, thôn làng) và thông tin trên các phương tiện truyền thông.

- Bộ Y tế: Triển khai các hoạt động giám sát vi rút cúm A/H7N9 trên người tại những khu vực có mẫu xét nghiệm dương tính trên gia cầm, môi trường.

- Các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo các lực lượng chức năng hỗ trợ ngành nông nghiệp triển khai các biện pháp nêu trên.

* Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

Ban hành lệnh cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm sống tại các địa bàn có phát hiện vi rút cúm A/H7N9, đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở tập trung triển khai các biện pháp ứng phó theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia.

4.4. Tình huống 4: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.

4.4.1. Mục tiêu: Giảm thiểu nguy cơ vi rút nhân lên, phát tán rộng và tiếp tục lây nhiễm cho động vật, cho người.

4.3.2. Các hoạt động cụ thể: Triển khai các biện pháp như tình huống 2 và 3. Đề nghị các tổ chức quốc tế và các nước hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1. Ban chỉ đạo quốc gia PCDCGC

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm là đầu mối điều phối, chỉ đạo các hoạt động ứng phó khẩn cấp trong toàn quốc theo bản Kế hoạch này. Tùy theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch, Ban chỉ đạo quốc gia tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp bổ sung cho phù hợp.

5.2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5.2.1. Cục Thú y:

- Tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai các hoạt động tương ứng với các tình huống nêu trên.

- Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó dịch như: xây dựng kế hoạch ứng phó của địa phương, chuẩn bị vật tư, hóa chất, nhân lực và các phương án cụ thể trong mỗi tình huống dịch.

- Là đầu mối chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống cúm trên gia cầm tại Việt Nam. Tham gia nhóm đánh giá rủi ro với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế (FAO, WHO).

- Xây dựng kế hoạch chi tiết việc triển khai các hoạt động phòng chống cúm A/H7N9 và một số chủng vi rút cúm khác trên gia cầm trong toàn quốc để trình Bộ phê duyệt.

- Ban hành hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý đàn gia cầm, tiêu độc khử trùng và xử lý địa bàn khi phát hiện vi rút cúm A/H7N9, giết mổ và tiêu thụ gia cầm an toàn.

- Phối hợp với Cục Chăn nuôi, các đơn vị chức năng của Bộ Công thương, Bộ Y tế và địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai các biện pháp xử lý chợ gia cầm và các địa bàn khi có mẫu dương tính với cúm A/H7N9.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Y tế và cơ quan thú y có thẩm quyền của địa phương thực hiện điều tra ổ dịch, giám sát và xử lý ổ dịch.

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế, Bộ thông tin truyền thông xây dựng thông điệp truyền thông phòng chống cúm A/H7N9.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Viện Thú y nghiên cứu cúm gia cầm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch và phục vụ sản xuất.

- Là đầu mối trong hợp tác quốc tế về phòng, chống cúm gia cầm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tham gia xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị cấp quốc gia, quốc tế về phòng chống cúm gia cầm tại Việt Nam.

5.2.2. Cục Chăn nuôi

- Phối hợp với Cục Thú y trong việc xây dựng các thông điệp truyền thông phòng chống cúm gia cầm và trực tiếp tham gia công tác truyền thông.

- Ban hành hướng dẫn, tổ chức tập huấn và chỉ đạo các địa phương tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm.

- Phối hợp với Cục Thú y trong việc triển khai các nghiên cứu về chuỗi cung ứng thị trường đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm.

- Kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch.

5.2.3. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:

- Phối hợp với Cục Thú y trong việc xây dựng các thông điệp truyền thông phòng chống cúm gia cầm và trực tiếp tham gia công tác truyền thông.

- Phối hợp với Cục Chăn nuôi tập huấn việc áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm.

- Kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch.

5.2.4. Các đơn vị khác: Các Vụ: Kế hoạch, Tài chính, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Pháp chế, Thanh tra Bộ, Viện Thú y, Viện Chăn nuôi phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

5.3. Bộ Y tế

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra dịch tễ, giám sát dịch bệnh và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên người.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng thông điệp truyền thông, hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch.

- Chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch theo Kế hoạch phòng chống dịch cúm trên người của Bộ Y tế.

5.4. Bộ Tài chính

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch.

- Chỉ đạo lực lượng hải quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các cửa khẩu biên giới.

5.5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch.

5.6. Bộ Quốc phòng

- Chỉ đạo lực lượng biên phòng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên toàn tuyến biên giới.

- Chỉ đạo lực lượng biên phòng tham gia công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cư dân khu vực biên giới trong công tác phòng chống dịch, phòng ngừa gian lận thương mại và vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới.

- Tùy theo diễn biến dịch, chỉ đạo lực lượng quân y và các lực lượng khác sẵn sàng tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch.

5.7. Bộ Công thương

- Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt Đề án 2088 và kế hoạch tái cơ cấu, quy hoạch các chợ theo chỉ đạo của Thủ tướng.

- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

5.8. Bộ Giao thông Vận tải

- Ban hành chỉ thị nghiêm cấm các phương tiện vận tải vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm.

- Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thú y, công an đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các ga tầu, bến xe, đầu mối giao thông.

5.9. Bộ Công an

- Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu qua biên giới.

5.10. Bộ Ngoại giao

Chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài nắm bắt và báo cáo kịp thời diễn biến dịch cúm A/H7N9 trên người và lưu hành vi rút trên động vật tại các nước để tham mưu cho Chính phủ có biện pháp tương ứng.

5.11. Bộ Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

5.12. Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

5.13. Bộ Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo thực hiện quyết liệt Đề án 550, đồng thời chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức công tác truyền thông nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào trong nước và các biện pháp giảm thiểu nguy cơ, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm vi rút cho người theo khuyến cáo của ngành y tế và thú y.

5.14. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố

- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các Ban, ngành của địa phương và trung ương, trên cơ sở Kế hoạch ứng phó này, xây dựng Kế hoạch của địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các cấp, các Ban, ngành của địa phương để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm theo Kế hoạch của Trung ương và địa phương.

- Chỉ đạo chính quyền các cấp, các Ban, ngành của địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương và theo quy định của pháp luật.

Bản kế hoạch này sẽ được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời tùy theo diễn biến của tình hình dịch trên thế giới, trong nước và những thông tin khoa học cập nhật về vi rút cúm gia cầm; đồng thời sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với quá trình triển khai công tác phòng chống dịch trên thực tế./.