Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 211/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 31 tháng 10 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V QUY ĐỊNH VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BAN NGOẠI VỤ VÀ BIÊN GIỚI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Thông tư liên bộ số 03/TT.LB ngày 05/5/1993 của Ban tổ chức – cán bộ Chính phủ - Bộ ngoại giao, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy làm công tác đối ngoại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Căn cứ vào Quyết định số 371/QĐ.TU ngày 10/7/1994 của Ban thường vụ tỉnh ủy Lào Cai về phân công, phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ;

Xét tờ trình về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của ông Trưởng ban ngoại vụ và Biên giới;

Theo đề nghị của ông Trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban ngoại vụ và biên giới tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban ngoại vụ và biên giới, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thăng

 

QUY ĐỊNH

VỀ VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BAN NGOẠI VỤ VÀ BIÊN GIỚI TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 211/QĐ-UB ngày 31/10/1996 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG

Điều 1. Ban ngoại vụ và biên giới tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của tỉnh ủy, UBND tỉnh; giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng đối ngoại và quản lý nhà nước về lĩnh vực biên giới thuộc địa bàn tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn của Bộ ngoại giao, Ban biên giới chính phủ.

Ban ngoại vụ và biên giới có tư cách pháp nhân, có con dấu và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 2. Ban ngoại vụ và biên giới có nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chủ trương, chương trình, kế hoạch và những giải pháp về tổ chức hoạt động đối ngoại ở địa phương và hoạt động quản lý bảo vệ biên giới thuộc lãnh thổ tỉnh, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện.

2. Theo dõi, giám sát và tổng hợp tình hình hoạt động đối ngoại, hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới trong phạm vi tỉnh. Kiến nghị với UBND tỉnh yêu cầu đình chỉ đối với các hoạt động làm phương hại đến quan hệ giữa hai nước và chủ quyền biên giới quốc gia không phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; đồng thời tham gia ý kiến với Trung ương xây dựng phương án giải quyết các vấn đề quốc tế, vấn đề biên giới với các nước có liên quan.

3. Giúp UBND tỉnh tổ chức, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện hoạt động đối ngoại, hoạt động quản lý biên giới, bảo vệ biên giới trên địa bàn tỉnh, chủ trì các cuộc khảo sát biên giới đơn phương, song phương. Có trách nhiệm tổng hợp tình hình, thường xuyên tham mưu báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, báo cáo biên giới Chính phủ, Bộ ngoại giao.

- Giúp UBND tỉnh chuẩn bị nội dung làm việc và tổ chức đón tiếp các đoàn khách quốc tế tới thăm địa phương, tổ chức các đoàn đại diện lãnh đạo đi thăm và làm việc nước ngoài, quản lý đoàn ra, đoàn vào địa phương theo quy định của Chính phủ.

- Giúp UBND tỉnh xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các tỉnh có chung đường biên giới nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác biên giới.

4. Làm đầu mối quản lý vấn đề lãnh sự có liên quan đến các yếu tố ngoại vụ như: Thăm thân, tài sản, đi lại, lưu trú…của người nước ngoài theo phân cấp và quy định hiện hành.

- Làm đầu mối xây dựng, củng cố, phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân các dân tộc địa phương nói riêng với nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật ở địa phương.

- Làm đầu mối thúc đẩy, mở rộng mối quan hệ với mọi tổ chức, cá nhân ngoài nước có thiện chí hữu hảo, hợp tác với ta. Tổ chức nghiên cứu tình hình hoạt động của các tổ chức, các phong trào vì hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của nhân dân các nước, các tổ chức phi chính phủ, từ thiện nhân đạo (NGO) trên thế giới, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

5. Tham mưu cho lãnh đạo địa phương về nội dung, hình thức tuyên truyền đối ngoại như giới thiệu lịch sử, văn hóa, truyền thống, tiềm năng…của địa phương nhằm mở rộng hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa và con người; giúp đỡ quản lý hoạt động của các đoàn, các phóng viên báo chí nước ngoài đến thăm và làm việc tại địa phương.

- Tham mưu cho lãnh đạo địa phương các giải pháp về chỉ đạo, đấu tranh có hiệu quả, chống phần tử phản cách mạng, tội phạm hình sự; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

6. Nắm vững tình hình đường biên mốc giới, tình hình an ninh chính trị, trật tự khu vực biên giới, tình hình ngoại biên, tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật, quy chế biên giới của nhà nước ban hành trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã quản lý, bảo vệ hệ thống cột mốc, dấu hiệu đường biên giới, chống những hành động xâm phạm chủ quyền biên giới và làm thay đổi biên giới quốc gia.

- Phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã triển khai và tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Là cơ quan phát ngôn chính thức được tỉnh ủy, UBND tỉnh giao trong các cuộc hội đàm và giải quyết các vấn đề xảy ra trong quan hệ biên giới hai tỉnh trên cơ sở hiệp định đã ký giữa hai nhà nước để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới hai nước và chủ quyền của quốc gia.

- Phối hợp với các ngành, các huyện, thị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở các xã biên giới, thực hiện đoàn kết dân tộc, bảo vệ an ninh tổ quốc xây dựng vùng biên giới vững mạnh.

7. Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho các ngành, các huyện, thị xã về công tác đối ngoại, hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của ngành. Phối hợp với các ngành chức năng như Công an, Biên phòng, Sở Tài chính – vật giá giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh, chế độ tài chính đi nước ngoài công tác, đón tiếp khách nước ngoài theo quy định.

8. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và biên giới; quản lý tổ chức công chức, viên chức, quản lý tài sản và kinh phí của cơ quan theo quy định của Nhà nước.

Ngoài nhiệm vụ nêu trên còn có các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao cho.

Chương III

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ TỔ CHỨC – CÁN BỘ

Điều 3. Tổ chức bộ máy của Ban ngoại vụ và biên giới như sau:

1. Lãnh đạo Ban gồm:

- Trưởng ban

- Có 1 phó trưởng ban giúp việc cho trưởng ban.

2. Các phòng chuyên môn thuộc ban:

- Phòng ngoại vụ

- Phòng quản lý biên giới

- Phòng tổ chức hành chính

Điều 4. Trưởng ban ngoại vụ và biên giới tỉnh Lào Cai căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban để xây dựng quy chế làm việc, xây dựng và ban hành chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho các phòng và xây dựng kế hoạch biên chế thống nhất với Trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 5. Trưởng ban ngoại vụ và biên giới có trách nhiệm thực hiện công tác phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ theo Quyết định 371QĐ-TU ngày 10/7/1994 của Ban thường vụ tỉnh ủy Lào Cai.

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện có những gì phát sinh, trưởng ban ngoại vụ và biên giới có trách nhiệm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết bổ sung cho phù hợp.