Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 212/QĐ-NH1

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI, NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt nam và Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty Tài chính công bố theo Lệnh số 37/LCT/HĐNN.8 và Lệnh số 38-LCT/HĐNN.8 ngày 24/5/1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

- Để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế

- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu kinh tế

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1

Ban hành kèm theo quyết định này Thể lệ phát hành trái phiếu Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Đầu tư và phát triển

Điều 2

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 3

Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu kinh tế, Chánh thanh tra Ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc ngân hàng nhà nước trung ương, Giám đốc các Chi nhánh ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố, Tổng Giám đốc, Giám đốc các NHTM quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt nam, Công ty tài chính được phép phát hành trái phiếu chịu trách nhiệm thi hành theo quyết định này.

 

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC




Cao Sĩ Kiêm

 

THỂ LỆ

PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN
(Ban hành theo quyết định số 212/QĐ-NH1 Ngày 22 tháng 9 năm 1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Trái phiếu Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển - gọi tắt là trái phiếu ngân hàng là một công cụ vay nợ dài hạn trên một thị trường vốn dưới hình thức giấy nhận nợ của các tổ chức tín dụng phát hành để huy động vốn trong đó cam kết, trả lãi và gốc cho người mua (hoặc người sở hữu) sau một thời gian nhất định. Về phía người mua, trái phiếu Ngân hàng là giấy chứng nhận việc đầu tư vốn mà quyền được hưởng thu nhập của người mua trên số tiền mua trái phiếu.

Điều 2

Trái phiếu Ngân hàng được chuyển nhượng quyền sở hữu dưới các hình thức mua bán, cho, tặng, thừa kế. Người sở hữu trái phiếu có thể dùng trái phiếu làm thế chấp tiền vay nếu được người cho vay chấp nhận và được thừa kế theo luật thừa kế.

Điều 3

Trái phiếu Ngân hàng có thể phát hành dưới hình thức: Trái phiếu có ghi tên hoặc trái phiếu không ghi tên.

3.1- Đối với trái phiếu Ngân hàng có ghi tên: Tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu phải mở sổ đăng ký quyền sở hữu và tiến hành đăng ký lại khi có yêu cầu chuyển nhượng quyền sở hữu. Thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu trái phiếu thực hiện theo quy định tại điều 26 thể lệ này.

3.2- Trái phiếu Ngân hàng không ghi tên thuộc quyền sở hữu của người có trái phiếu và được tự do chuyển nhượng.

Điều 4

Các tổ chức tín dụng sau đây nếu có đủ các điều kiện quy định ở điều 19 của Thể lệ này đều có thể phát hành trái phiếu ngân hàng.

- Các ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng đầu tư và phát triển.

- Các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty tài chính cổ phần.

Điều 5

Căn cứ vào tính chất hoạt động, việc phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo 2 hình thức:

1- Phát hành trái phiếu thường xuyên: Do các tổ chức tín dụng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cho vay đầu tư dài hạn, không huy động tiền gửi ngắn hạn của dân cư hoặc huy động không đáng kể thực hiện.

2- Phát hành trái phiếu không thường xuyên: Do các tổ chức tín dụng khác thực hiện từng lần tùy theo yêu cầu đầu tư cho các dự án dài hạn.

Việc cho phép các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu thường xuyên hay không thường xuyên do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định và được ghi trong giấy phép hoạt động hay trong văn bản cho phép bổ sung.

Điều 6

Các pháp nhân và thể nhân, người cư trú tại Việt nam và người Việt nam ở nước ngoài đều có thể mua trái phiếu ngân hàng.

Điều 7

Trái phiếu ngân hàng phát hành bằng đồng Vịêt nam (VND) và được phát hành trong phạm vi cả nước.

Trường hợp phát hành trái phiếu để huy động vốn từ nước ngoài sẽ có quy định riêng phù hợp với các quy định luật pháp về đầu tư nước ngoài tại Việt nam.

Điều 8

Trái phiếu ngân hàng có thời hạn từ 1 năm trở lên.

Điều 9

Nguồn vốn huy động từ trái phiếu ngân hàng nguồn vốn dài hạn của các tổ chức tín dụng chủ yếu để đầu tư theo các dự án.

Các tổ chức tín dụng không phải thực hiện dự trữ bắt buộc trên số vốn huy động từ trái phiếu ngân hàng.

Điều 10

Các Tổ chức tín dụng có thể vừa trực tiếp phát hành vừa có thể tổ chức thực hiện các dịch vụ cất trữ, mở tài khoản, thanh toán, môi giới mua bán và mua bán trái phiếu.

Chương II

NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 11

Thời hạn của trái phiếu ngân hàng là 01 năm trở lên. Thời hạn cụ thể do các tổ chức tín dụng quyết định tùy theo phương án sử dụng vốn huy động từ trái phiếu.

Trái phiếu phát hành cùng một đợt được ghi cùng một thời hạn và được thanh toán vào cùng một thời điểm .

Điều 12

Lãi suất của trái phiếu do các tổ chức tín dụng ấn định, trên cơ sở quan hệ cung, cầu về vốn trên thị trường sao cho có thể khuyến khích động viên được người gửi vốn dài hạn, người vay có thể chấp nhận được, tổ chức tín dụng đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Điều 13

Phương thức trả lãi:

13.1- Để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người mua tổ chức tín dụng có thể lựa chọn 1 trong 3 phương thức sau:

1- Trả lãi trước: tức bán trái phiếu thấp hơn mệnh giá khi đến hạn người mua sẽ lĩnh số tiền theo mệnh giá và được hưởng lãi là số tiền chênh lệch giữa mệnh giá và giá mua.

2- Trả lãi sau: Trái phiếu được bán theo mệnh giá, khi đến hạn người mua nhận được vốn gốc (mệnh giá) và phần lãi đã công bố khi phát hành.

3- Trả lãi từng định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm căn cứ vào mức lãi ghi trên các phiếu lĩnh lãi kèm theo trái phiếu.

13.2- Các tổ chức tín dụng có thể trả lãi trái phiếu theo lãi suất có điều chỉnh định kỳ căn cứ vào một mức lãi suất làm cơ sở đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Điều 14

Mệnh giá trái phiếu là số tiền ghi trên trái phiếu lúc phát hành và có giá trị tối thiểu là 500.000 VND. Các loại mệnh giá lớn hơn được xác định bằng bội số của mệnh giá tối thiểu.

Điều 15

Trái phiếu ngân hàng được in ấn trên giấy đặc biệt tại nhà in Ngân hàng Nhà nước theo các quy định thống nhất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và bán cho các tổ chức tín dụng phát hành theo giá bù đắp chi phí in ấn.

Điều 16

Trên tờ trái phiếu ngân hàng phải có các nội dung sau:

16.1- Trên mặt trước:

- Tên tổ chức tín dụng phát hành.

- Chữ "Trái phiếu ngân hàng "

- Thời hạn trái phiếu

- Mệnh giá trái phiếu

- Lãi suất của trái phiếu.

- Cách thức trả lãi, thời điểm, địa điểm trả lãi

- Ngày bán trái phiếu.

- Ngày đến hạn, địa điểm thanh toán trái phiếu.

- Tên của người mua trái phiếu; Số chứng minh thư nhân dân; Nơi cư trú; Chữ ký của người mua trái phiếu (nếu là trái phiếu có ghi tên); hoặc nói rõ đó là trái phiếu không ghi tên.

- Ngoài ra trên tờ trái phiếu phải bao gồm các yếu tố pháp lý khác như: ký hiệu, số se ri phát hành, chữ ký của Tổng giám đốc hay người được ủy quyền, kế toán và thủ quỹ của tổ chức tín dụng ngân hàng phát hành.

16.2- Mặt sau của trái phiếu: dùng để ghi các yếu tố phát sinh trong các trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu trái phiếu có ghi tên do mua bán, cho, tặng, thừa kế: Tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân, chữ ký của người bán, cho, tặng, chuyển thừa kế và của người sở hữu mới; các nội dung cần ghi chú của tổ chức tín dụng khi đăng ký lại sở hữu.

Điều 17

Nếu trái phiếu trả lãi định kỳ thì kèm theo trái phiếu có các phiếu lĩnh lãi của mỗi lần lĩnh lãi cho đến khi trái phiếu đến hạn. Trên mỗi phiếu lĩnh lãi phải có các chi tiết liên quan đến trái phiếu, số tiền được lĩnh và thời hạn lĩnh lãi. Đến ngày trả lãi và kể từ sau ngày trả lãi, người sở hữu trái phiếu chỉ cần mang phiếu lĩnh lãi kèm theo trái phiếu đến tổ chức tín dụng phát hành hay địa điểm thanh toán của tổ chức tín dụng để lĩnh lãi.

Người sở hữu trái phiếu có thể ủy quyền cho người khác hoặc một tổ chức tín dụng lĩnh lãi hộ mình.

Nếu ngày lĩnh lãi trung vào ngày nghỉ theo quy định của nhà nước thì việc lĩnh lãi được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

Điều 18

Đối với các trái phiếu có ghi tên, tổ chức tín dụng phát hành phải mở sổ đăng ký quyền sở hữu và thực hiện đăng ký lại sở hữu khi phát sinh các trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu do mua bán, cho, tặng, thừa kế.

Điều 19

Các tổ chức tín dụng nói ở điều 4 muốn được phép phát hành trái phiếu phải đáp ứng các điều kiện sau:

1- Hoạt động ổn định trên 3 năm, kinh doanh có lãi, tình hình tài chính lành mạnh, có triển vọng phát triển và có bộ máy quản lý tốt, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước.

2- Có vốn cổ phần pháp định hay vốn điều lệ tối thiểu 50 tỉ VND.

3- Được phép bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

4- Đáp ứng đầy đủ các thủ tục phát hành theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong thể lệ này.

Điều 20

Thủ tục xin phát hành trái phiếu: Các tổ chức tín dụng có đủ các điều kiện tại điều 19, phải làm thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước về việc phát hành; hồ sơ làm thủ tục gồm có:

20.1- Đối với các tổ chức tín dụng phát hành không thường xuyên; Mỗi lần phát hành phải gửi đến Ngân hàng Nhà nước các hồ sơ sau:

1- Báo cáo kết quả hoạt động trong 2 năm gần nhất (báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh và kết quả lỗ, lãi), báo cáo tình hình tài chính của đơn vị. Các báo cáo tài chính phải được một số tổ chức kiểm toán được Ngân hàng Nhà nước thừa nhận hoặc cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước xác nhận.

2- Đơn xin phát hành trái phiếu. Trong đơn cần giải trình mục đích phát hành, tổng giá trị phát hành, thời hạn các loại mệnh giá, lãi suất, phạm vi phát hành, cách thức và địa điểm trả lãi, trả gốc.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần phải gửi thêm nghị quyết về phát hành trái phiếu do Đại hội cổ đông hoặc hội đồng quản trị thông qua.

3- Nội dung thông cáo phát hành trái phiếu ra công chúng. Trong thông báo phát hành phải bao gồm các nội dung nói ở điểm 1.2 trên đây.

4- Mẫu trái phiếu sẽ phát hành.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc, Ngân hàng Nhà nước phải thông báo kết quả xét duyệt cho ngân hàng nộp đơn xin phát hành biết nếu hồ sơ xin phát hành đã đáp ứng đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

20.2- Đối với các tổ chức tín dụng phát hành thường xuyên:

Các thủ tục xét duyệt quy định trong điều 20.1 trên đây chỉ áp dụng cho lần phát hành đầu tiên. Trong những lần phát hành tiếp sau, tổ chức tín dụng cần gửi các hồ sơ nói trên cho Ngân hàng Nhà nước để thông báo 5 ngày trước khi đăng ký thông báo phát hành.

Điều 21

Tổng giá trị trái phiếu ngân hàng dự định phát hành cộng với tổng nguồn vốn đã huy động của các tổ chức tín dụng từ các hình thức khác như tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư, kỳ phiếu, trái phiếu đã phát hành chưa đến hạn thanh toán... tính đến thời điểm cuối tháng gần nhất không được vượt quá 20 lần vốn tự có và các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng.

Điều 22

Đối với một số tổ chức tín dụng hoạt động tốt, có uy tín cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét quyết định cho phép miễn trừ một số quy định cho phép phát trái phiếu.

Điều 23

Tổ chức phát hành trái phiếu:

23.1 - Sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp nhận bằng văn bản cho phép phát hành trái phiếu - Các tổ chức tín dụng phải công bố thông báo phát hành trái phiếu qua các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian tối thiểu 5 ngày liên tiếp.

23.2- Các tổ chức tín dụng có thể tự tổ chức phát hành hoặc phát hành qua các tổ chức trung gian làm đại lý hoặc ủy thác phát hành. Phần thuê đại lý phát hành phải trả phí hoa hồng theo tỉ lệ phí do 2 bên thỏa thuận.

23.3- Các tổ chức tín dụng phát hành không thường xuyên chỉ được tổ chức phát hành trong thời gian không qua 60 ngày cho một đợt phát hành. Hết thời hạn trên, số trái phiếu chưa bán hết, muốn bán tiếp phải được phép của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 24

Nghĩa vụ báo cáo:

Sau khi kết thúc thời hạn phát hành, tổ chức tín dụng phải báo cáo kết quả phát hành về chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính để tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Trung ương theo chế độ thông tin báo cáo hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Số liệu báo cáo bao gồm tổng trị giá phát hành phân ra từng loại theo mệnh giá và kỳ hạn. Ngoài ra, trong báo cáo định kỳ theo chế độ thông tin báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phải báo cáo riêng phần vốn huy động từ trái phiếu ngân hàng còn , đang nợ đến kỳ báo cáo.

Điều 25

Thanh toán trái phiếu khi đến hạn.

25.1- Các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu phải đảm bảo chi trả gốc và lãi đúng hạn.

25.2- Đối với trái phiếu có ghi tên, sau khi đến hạn, người sở hữu trái phiếu chưa đến thanh toán, tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu phải mở cho khách 1 tài khoản tiền gửi cá nhân và hạch toán số tiền phải trả vào tài khoản này và tính lãi theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn tại thời điểm đó.

Điều 26

Thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu:

26.1- Đối với trái phiếu có ghi tên; người sở hữu trái phiếu ghi tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân của người được chuyển nhượng hoặc thừa kế sau đó ký vào mặt sau của trái phiếu. Người được chuyển nhượng hoặc thừa kế đến tổ chức tín dụng nơi phát hành để đề nghị thay đổi chủ sở hữu đã đăng ký tại tổ chức tín dụng.

26.2- Đối với trái phiếu không ghi tên: Người có trái phiếu là chủ sở hữu của trái phiếu và được tự do chuyển nhượng.

Điều 27

Các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu có thể tổ chức thực hiện các dịch vụ sau:

27.1- Dịch vụ cất trữ hộ trái phiếu (mở tài khoản trái phiếu cho từng cá nhân gửi và cất giữ hộ trái phiếu)

27.2- Dịch vụ môi giới chuyển nhượng, và hạch toán thanh toán chuyển nhượng cho những khách hàng mua và gửi trái khoán tài trụ sở của mình.

27.3- Mua lại các trái phiếu đã phát hành nhưng chưa đến hạn thanh toán.

Các tổ chức tín dụng xây dựng qui chế cụ thể và phí dịch vụ cho các dịch vụ này.

Điều 28

Xử lý vi phạm:

28.1- Các tổ chức tín dụng vi phạm các điều khoản của thể lệ này tùy thuộc theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý một trong các hình thức dưới đây:

- Cảnh cáo

- Phạt tiền

- Hạn chế hoặc cấm phát hành trái phiếu ngân hàng

- Thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng

28.2- Các cá nhân có hành vi làm giả trái phiếu ngân hàng sẽ bị xử phạt theo pháp luật hiện hành.

Điều 29

Việc sửa đổi, bổ sung Thể lệ này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.