Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2124/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CỔ PHẦN HÓA NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;

Xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án cổ phần hóa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với nội dung chính sau:

1. Tên tiếng Việt: Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

- Tên tiếng Anh: Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam

- Tên viết tắt: BIDV

- Trụ sở chính: 35 Hàng Vôi, tháp BIDV, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

2. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề mà Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5. Giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2010 là số liệu theo sổ sách kế toán đã được kiểm toán của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam: 22.036.078 triệu đồng.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam được sử dụng kết quả kiểm toán độc lập và báo cáo tài chính hàng năm để làm căn cứ xử lý tài chính khi cổ phần hóa. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam được tiếp tục theo dõi, quản lý và thu hồi các khoản dư nợ cho vay đang theo dõi ngoại bảng.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam được áp dụng các phương pháp theo thông lệ quốc tế để xác định giá trị doanh nghiệp, kết hợp với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu, đồng thời căn cứ tình hình cung cầu thị trường và các yếu tố khác tại thời điểm trước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu để xác định giá khởi điểm.

6. Vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành:

a) Vốn điều lệ: 28.251.382.000.000 đồng (hai mươi tám nghìn, hai trăm năm mươi mốt tỷ, ba trăm tám mươi hai triệu đồng).

b) Hình thức cổ phần hóa: Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu; Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, không thấp hơn 65% vốn điều lệ.

c) Cơ cấu cổ phần phát hành:

- Giai đoạn 1 (năm 2012): Tổng khối lượng phát hành lần đầu là 22% vốn điều lệ, trong đó:

+ Cổ phần bán đấu giá công khai trong nước: Tối thiểu 3% vốn điều lệ.

+ Cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên (bao gồm cả 85 cán bộ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam được cử sang công tác tại các đơn vị liên doanh, góp vốn tại Lào, Căm-pu-chia, My-an-ma): 1% vốn điều lệ.

+ Cổ phần bán cho tổ chức công đoàn: Tối đa 3% vốn điều lệ.

+ Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài: 15% vốn điều lệ.

- Giai đoạn 2 (đến năm 2015): Phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tổng mức không vượt quá 20% vốn điều lệ và phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng, giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống không thấp hơn 65% vốn điều lệ.

- Niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước, phát hành và niêm yết quốc tế vào thời điểm thích hợp.

7. Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài:

- Tiêu chí: Theo tiêu chí do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

- Số lượng: 01 nhà đầu tư.

- Tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng số không quá 20% vốn điều lệ.

- Giá bán: Theo phương thức thỏa thuận, căn cứ điều kiện cam kết hỗ trợ và phù hợp với nguyên tắc thị trường.

- Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tiềm năng theo quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được tham gia trong cơ cấu tổ chức quản lý Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

- Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cam kết đầu tư dài hạn với Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian ít nhất là 5 năm kể từ ngày Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

8. Sử dụng nguồn vốn thặng dư sau khi bán cổ phần theo quy định hiện hành.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Quyết định này.

- Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

- Thẩm định và phê duyệt chi phí cổ phần hóa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; trường hợp vượt thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Bộ Tài chính xác định tỷ lệ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam được hưởng khi thu hồi các khoản nợ theo dõi ngoại bảng như đối với các ngân hàng thương mại nhà nước khác đã cổ phần hóa.

3. Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam:

- Báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

- Cùng Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có trách nhiệm quản lý, điều hành, chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho đến khi bàn giao toàn bộ tài sản, tiền vốn, lao động, đất đai,… cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH;
- Lưu Văn thư, ĐMDN (6b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Văn Ninh