Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2137/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 07 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐƯA CÁC CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT PHỤC VỤ VÙNG SÂU, VÙNG XA, VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Ban Dân tộc tỉnh; Báo Đồng Nai; Báo Lao động Đồng Nai; Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Chánh, PVP Văn xã;
- Lưu: VT, VX, TTCB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Trí

 

ĐỀ ÁN

ĐƯA CÁC CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT PHỤC VỤ VÙNG SÂU, VÙNG XA, VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2014 – 2020
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 2137/QĐ-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”;

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”;

Chỉ thị số 39/1998/CT-TTg ngày 03 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác văn hóa - thông tin ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa;

 Nghị quyết số 23/NQ-TƯ ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”;

Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

 Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam;

Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “ Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”;

Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “ Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;

Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015;

Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Chỉ thị số 194/CT-BVHTTDL ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;

Quyết định số 4685/QĐ-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020.

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Đồng Nai có 31 thành phần dân tộc, dân số trên 2,8 triệu người; trong đó dân tộc Kinh hơn 02 triệu, chiếm 92% dân số. Đồng bào dân tộc thiểu số (sau đây viết tắt là DTTS) có 192.161 người, chiếm 7,1% dân số toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 04 dân tộc bản địa là: Chơro, Mạ, S’ Tiêng, Cơ Ho, còn lại là đa phần dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh phía Bắc như Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Hà nhì, Sán Chay…. và một bộ phận cộng đồng người Hoa. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai ít sống tập trung thành bản, làng riêng biệt mà chủ yếu sống xen kẽ với người Kinh ở khắp các địa bàn. Phần lớn địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn. Vốn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh rất đa dạng và phong phú, chủ yếu tồn tại ở dạng văn hóa dân gian, thông qua các loại hình như: Truyền miệng, âm nhạc, lễ hội, tín ngưỡng, ẩm thực, các điệu múa... Ngoài ngôn ngữ chung là tiếng Việt, các dân tộc đều có tiếng nói riêng; dân tộc Hoa có chữ viết riêng.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, phục dựng lại di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS đã bị mai một; các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng ở ấp, khu phố đang ngày càng lan tỏa, góp phần quan trọng trong nâng cao ý thức tự bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chính sách phù hợp với yêu cầu hoạt động văn hóa, nghệ thuật và công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật trong giai đoạn mới.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều cuộc Liên hoan, Hội thi văn hóa văn nghệ quần chúng, góp phần làm phong phú hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở; tạo điều kiện cho đồng bào các DTTS được giao lưu, trao đổi, học tập tạo sự bình đẳng, thắt chặt khối đại đoàn kết các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Hoạt động nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp của tỉnh và các Đội Thông tin lưu động cấp tỉnh, huyện đã bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn đời sống xã hội, chất lượng nghệ thuật được chú trọng và nâng cao; hàng năm, đều xây dựng kế hoạch, chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Các chương trình nghệ thuật đã khai thác sử dụng di sản văn hóa các DTTS trong tỉnh và vùng, miền, khu vực, tạo được bản sắc riêng, gần gũi, hấp dẫn khán giả DTTS. Các Đội chiếu bóng lưu động của tỉnh, mỗi năm có hàng trăm buổi chiếu tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.

Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai có nhiều hội viên là người DTTS, có mặt và hoạt động ở nhiều lĩnh vực, loại hình nghệ thuật như: Văn học, thi ca, nhạc họa, mỹ thuật, nhiếp ảnh… đã đóng góp nhiều tác phẩm nghệ thuật, đề tài nghiên cứu, phổ biến, giới thiệu văn hóa, nghệ thuật các DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa dân tộc; một số tác giả đã có tác phẩm được phổ biến, được giải thưởng quảng bá ở trong nước và quốc tế. Một số lễ hội tín ngưỡng, dân gian của đồng bào DTTS đã được cấp tỉnh, huyện hỗ trợ phục dựng nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào

Bên cạnh những mặt đạt được nêu trên, các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập:

Đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Trình độ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở, vùng đồng bào DTTS nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Các thiết chế văn hóa tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được xây dựng chưa đồng bộ do thiếu quỹ đất và nguồn kinh phí hoạt động. Một số loại hình nghệ thuật không thể đến được với đồng bào do tính đặc thù của loại hình hoặc đòi hỏi địa điểm, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, huy động nguồn đầu tư từ xã hội cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn rất thấp. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng chưa mạnh, các hình thức Câu lạc bộ ở cơ sở không có kinh phí tập luyện, duy trì sinh hoạt và tổ chức biểu diễn. Một số hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống cộng đồng dân tộc không có không gian truyền thống để hoạt động.

Nhằm nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; tạo điều kiện để đưa nông thôn và các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu chậm phát triển hòa nhập vào sự phát triển chung của tỉnh, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và tạo điều kiện; thu hẹp khoảng cách về trình độ thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh thì việc xây dựng Đề án “Đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020” là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

III. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

a) Giảm nhanh khoảng cách chênh lệch thời lượng và chất lượng được hưởng thụ các loại hình và sản phẩm văn hóa, nghệ thuật cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS sống tập trung với vùng đồng bằng, thành thị và các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh; cụ thể:

- Nâng dần tỷ lệ (số buổi) được hưởng thụ các loại hình nghệ thuật cho đồng bào các dân tộc tại những vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, vật chất và mức hưởng thụ văn hóa, văn nghệ còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.

- Kết hợp các loại hình chuyên nghiệp và không chuyên, khuyến khích các loại hình sinh hoạt nghệ thuật quần chúng, sinh hoạt Câu lạc bộ, đội, nhóm; tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác nhằm tạo sự đa dạng, phong phú với nhiều cấp độ, quy mô ở cơ sở.

b) Sản xuất các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có chất lượng nội dung, hình thức, thẩm mỹ, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh.

c) Kêu gọi và có cơ chế khuyến khích các ngành, doanh nghiệp, các hội, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

 d) Xây dựng chế độ đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho vùng các DTTS. Trong đó chú ý các chế độ khuyến khích các nghệ nhân trao, truyền di sản văn hóa; khuyến khích lớp trẻ tiếp thu các di sản văn hóa DTTS. Chính sách này lồng ghép với các chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân dân, nghệ nhân dân gian các DTTS trên địa bàn tỉnh.

đ) Từng bước xây dựng mô hình, điểm sáng văn hóa, là địa chỉ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch, thu hút các nhà đầu tư; góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội để đồng bào các dân tộc yên tâm lao động sản xuất, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc; góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Giai đoạn 2014 - 2015:

- Tăng cường đưa các hoạt động văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh, huyện và tranh thủ sự hỗ trợ của các đoàn Văn hóa nghệ thuật Trung ương đến phục vụ đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, ưu tiên các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống.

- Hàng năm, ngân sách của tỉnh và huyện cấp thêm kinh phí, có cơ chế khuyến khích để các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương, tỉnh, huyện; các Đội chiếu phim, các Câu lạc bộ, đội, nhóm xung kích tuyên truyền văn hóa; các hoạt động triển lãm nghệ thuật, bảo tàng, thư viện đến phục vụ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh.

- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức cơ bản về xây dựng, quản lý, điều hành cho cán bộ Câu lạc bộ, đội, nhóm hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại cơ sở. Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện giúp đỡ xây dựng, tổ chức các hoạt động Câu lạc bộ, đội, nhóm xung kích sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

- Hàng năm, có các hình thức khen thưởng, động viên các Già làng, Trưởng bản, nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS tham gia với vai trò đầu tàu trong các hoạt động Câu lạc bộ, đội, nhóm xung kích truyền dạy văn hóa nghệ thuật dân tộc hoặc sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật mới phục vụ nhân dân các DTTS trên địa bàn tỉnh.

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Cơ bản hoàn thành việc xác định các mô hình và triển khai các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.

- Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương, tỉnh và cấp huyện; các đội chiếu phim; đội tuyên truyền văn hóa; các hoạt động triển lãm nghệ thuật, bảo tàng, thư viện tại vùng sâu, vùng xa, xã có đông đồng bào DTTS sống nhằm nâng tần suất hoạt động, chất lượng, quy mô, loại hình phục vụ các đối tượng được hưởng lợi của Đề án.

- Hỗ trợ cho các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh truyền dạy các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc, tăng cường năng lực các chủ thể văn hóa tại các địa phương trong việc bảo vệ, phát huy, phát triển di sản văn hóa dân tộc và các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.

- Tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ xây dựng các Câu lạc bộ, đội, nhóm hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở; bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức cơ bản về quản lý điều hành cho các Câu lạc bộ, đội, nhóm và hoạt động văn hóa, văn nghệ cộng đồng; coi đây là lực lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật tại chỗ quan trọng và hiệu quả trong thời gian trước mắt và lâu dài.

IV. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Thống kê, đánh giá thực trạng về hưởng thụ văn hóa nghệ thuật vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mô hình điểm hoạt động văn hóa nghệ thuật vùng DTTS, các xã còn khó khăn để rút kinh nghiệm, triển khai rộng rãi.

2. Tăng cường đưa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và các Đội thông tin lưu động của tỉnh, huyện đi biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Tăng cường chuyên mục văn hóa nghệ thuật về đồng bào DTTS trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai.

3. Duy trì tổ chức các Ngày hội, Liên hoan văn hóa - thể thao DTTS cấp tỉnh và huyện.

4. Thường xuyên đưa các Đội chiếu bóng phục vụ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

5. Hoạt động sáng tác, phổ biến tác phẩm về đồng bào DTTS ở cơ sở.

6. Hoạt động Thư viện và văn hóa đọc phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.

7. Hoạt động triển lãm ở cơ sở; ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.

8. Xây dựng mô hình hoạt động văn hóa nghệ thuật điểm tại các phường, xã tại vùng 3 nhằm nhân rộng cho các xã, thị trấn tại vùng 1; đồng thời tạo nguồn cung cấp cán bộ văn hóa cơ sở để tăng cường, hỗ trợ cho vùng 1 còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh.

9. Tôn vinh, khen thưởng các tác giả người DTTS có những sáng tác có giá trị nghệ thuật và nhân văn cao; tôn vinh các giáo viên, nghệ nhân có công truyền dạy nghệ thuật truyền thống dân tộc và có đóng góp lớn được cộng đồng thừa nhận.

10. Phát huy các hoạt động nghệ thuật trong quảng bá văn hóa, phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS.

V. THỜI GIAN VÀ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2014 đến năm 2020, chia làm 02 giai đoạn:

a) Giai đoạn 1: Từ năm 2014 đến năm 2015:

- Xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật (biểu diễn, triển lãm tranh, ảnh, hiện vật bảo tàng, sách báo...); công tác hỗ trợ bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc tại vùng 1; hướng dẫn sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa nghệ thuật cho đồng bào các dân tộc tại các địa bàn trên.

- Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và đảm bảo duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.

b) Giai đoạn 2: Từ 2016 đến năm 2020:

- Tiếp tục triển khai hoàn thiện các công việc của giai đoạn 2014 - 2015, đưa hoạt động này trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các sở, ban, ngành chức năng và UBND cấp huyện, tạo sự chuyển biến cơ bản trong đời sống tinh thần và vật chất của người dân ở những địa bàn được ưu tiên.

- Tạo thành phong trào lan tỏa trong toàn xã hội, thu hút sự quan tâm và tăng cường trách nhiệm của các sở, ban, ngành các cấp; các Hội chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ cho địa bàn được hưởng lợi của Đề án.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ người DTTS cho các địa bàn ưu tiên. Tham mưu xây dựng chính sách luân chuyển cán bộ và thu hút cán bộ hoạt động văn hóa, nghệ thuật đến công tác tại các địa bàn xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.

- Bảo tồn, phát huy và phát triển bền vững các giá trị văn hóa truyền thống như tiếng nói, kiến trúc nhà ở, trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng, các phong tục tập quán, lối sống đẹp của các dân tộc; nghiên cứu kỹ khi triển khai công tác xây dựng đời sống văn hóa mới không làm mất đi các phong tục tốt đẹp, các giá trị văn hóa bản địa có lợi cho phát triển. Xây dựng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS trở thành các địa chỉ văn hóa hấp dẫn các nghệ sĩ, khách du lịch, các doanh nhân, doanh nghiệp đến biểu diễn phục vụ và đầu tư tổ chức các hoạt động, xây dựng cơ sở vật chất nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

2. Đối tượng, địa bàn thực hiện Đề án:

a) Đối tượng ưu tiên hưởng lợi của Đề án thuộc vùng 1; cụ thể:

- Huyện Tân Phú: Có 15 xã, thị trấn (thị trấn Tân Phú, các xã: Trà Cổ, Phú Điền, Phú Lộc, Phú Thịnh, Phú Lập, Phú Trung, Phú Bình, Núi Tượng, Phú An, Tà Lài, Nam Cát Tiên, Đắc Lua, Phú Sơn, Thanh Sơn).

- Huyện Định Quán: Có 14 xã, thị trấn (thị trấn Định Quán, các xã: Phú Cường, Thanh Sơn, La Ngà, Túc Trưng, Phú Vinh, Phú Lợi, Phú Tân, Ngọc Định, Gia Canh, Phú Hòa, Phú Ngọc, Suối Nho, Phú Túc).

- Huyện Xuân Lộc: Có 15 xã, thị trấn (thị trấn Gia Ray, các xã: Xuân Định, Bảo Hòa, Xuân Hiệp, Xuân Trường, Xuân Tâm, Xuân Hòa, Xuân Bắc, Xuân Thọ, Xuân Hưng, Suối Cát, Xuân Thành, Xuân Phú, Suối Cao, Lang Minh).

- Huyện Cẩm Mỹ: Có 13 xã (Xuân Đường, Long Giao, Nhân Nghĩa, Xuân Quế, Sông Nhạn, Xuân Bảo, Bảo Bình, Xuân Tây, Xuân Đông, Sông Ray, Xuân Mỹ, Lâm San, Thừa Đức).

- Thị xã Long Khánh: Có 04 xã (Bàu Trâm, Bảo Quang, Xuân Lập, Bàu Sen).

- Huyện Trảng Bom: Có 17 xã, thị trấn (thị trấn Trảng Bom, các xã: Bàu Hàm, Sông Thao, Tây Hòa, Sông Trầu, Cây Gáo, Thanh Bình, Hưng Thịnh, Đông Hòa, Trung Hòa, An Viễn, Đồi 61, Quảng Tiến, Giang Điền, Bình Minh, Bắc Sơn, Hố Nai 3).

- Huyện Thống Nhất: Có 10 xã (Xuân Thiện, Xuân Thạnh, Bàu Hàm 2, Hưng Lộc, Lộ 25, Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3).

- Huyện Vĩnh Cửu: Có 12 xã, thị trấn (thị trấn Vĩnh An, các xã: Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý, Bình Hòa, Tân Bình, Thạnh Phú, Bình Lợi, Thiện Tân, Tân An, Trị An, Vĩnh Tân).

- Huyện Long Thành: Có 03 xã (Tân Hiệp, Phước Bình, Bình Sơn).

- Huyện Nhơn Trạch: Có 12 xã (Đại Phước, Hiệp Phước, Long Tân, Long Thọ, Phú Đông, Phú Hội, Phú Hữu, Phú Thạnh, Phước An, Phước Khánh, Phước Thiền, Vĩnh Thanh).

b) Đối tượng thuộc vùng 3: Là vùng có dân số đông, kinh tế khá, giao thông thuận lợi, được tiếp cận các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhiều, đa dạng hơn vùng 1, bao gồm: Các xã, phường (trừ các xã, thị trấn thuộc vùng 1 đã nêu ở trên) còn lại của các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa.

VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Về nhận thức lãnh đạo, chỉ đạo:

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức “Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế, xã hội” đối với cán bộ các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường gắn kết các Chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, trong đó có hạ tầng cho phát triển văn hóa. Gắn đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cấp huyện với chương trình xây dựng, phát triển nông thôn mới của tỉnh.

b) Thống nhất nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm cao từ các cấp, các ngành trong tỉnh phối hợp hành động xây dựng các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trở thành các điểm sáng về văn hóa, giàu về kinh tế, vững về an ninh, quốc phòng, hấp dẫn khách du lịch và các nhà đầu tư. Tạo môi trường chính trị ổn định, nhân dân các dân tộc có môi trường sống an toàn, lành mạnh, ấm no, hạnh phúc.

2. Về thực hiện chính sách và xây dựng các chế độ hỗ trợ:

- Thực hiện chính sách, cơ chế ưu tiên trong giáo dục phổ thông; đào tạo nhân lực tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai, trường Đào tạo nghề số 8, các trường Dân tộc nội trú cấp huyện. Xây dựng chế độ thu hút nhân tài tốt nghiệp tại các trường Cao đẳng, Đại học hoặc từ các tỉnh, thành trong cả nước đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh nhận công tác.

b) Tỉnh có hỗ trợ về tài chính, thuế phù hợp theo quy định của pháp luật và các hình thức ưu tiên khác cho các doanh nghiệp, doanh nhân tài trợ cho sản xuất phim và các sản phẩm văn hóa khác về đề tài DTTS và biển đảo có nội dung tốt, chất lượng nghệ thuật cao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế; các tổ chức, cá nhân xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở và kinh doanh các dịch vụ văn hóa, các điểm vui chơi, giải trí tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tạo sự ổn định và nâng cao đời sống văn hóa trên địa bàn.

3. Giải pháp về sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:

a) Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực hiện có; tạo điều kiện cho đi học hoặc bồi dưỡng các tài năng được phát hiện tại chỗ, hoặc cán bộ ở các ngành nghề khác có năng khiếu văn hóa nghệ thuật muốn chuyển sang hoạt động tại ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

b) Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh có các hình thức ưu tiên tuyển học sinh, sinh viên phù hợp với đối tượng người DTTS trên địa bàn tỉnh thuộc Đề án.

c) Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nghiên cứu tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa, thể thao và du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hàng năm cho đối tượng là cán bộ phụ trách văn hóa - thể thao cấp huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và các Bí thư Chi đoàn, Hội trưởng Hội phụ nữ xã, giáo viên, y tá xã, Đội tuyên truyền lưu động, Đội chiếu phim…tạo thành một mạng lưới tuyên truyền viên hoạt động văn hóa ở cơ sở.

d) Các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp triển khai tốt, hiệu quả Đề án; đảm bảo hỗ trợ, đầu tư về kinh phí và đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện, phối hợp đạt kết quả cao.

4. Giải pháp công nghệ:

a) Sử dụng và phát huy các thành tựu khoa học công nghệ như: Sóng phát thanh, truyền hình, điện thoại, internet, máy ghi hình, thu âm, máy thu phát, chiếu; các công nghệ in sao, sản xuất băng đĩa tiếng, hình… hiện có cho công tác tuyên truyền, sản xuất sản phẩm văn hóa, phổ biến tác phẩm và các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.

b) Tăng cường sản xuất các sản phẩm nghe, nhìn; tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng DTTS trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, Đài Truyền thanh cấp huyện…

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, phối hợp các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án; định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Đề án theo quy định.

b) Phối hợp Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Dân tộc đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch Đông Nam bộ theo lịch đăng ký và tham gia Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch vùng miền (Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ) theo Kế hoạch của Bộ VHTTDL và Ngày hội Văn hóa các dân tộc (19/4) hàng năm.

c) Hỗ trợ về mặt thủ tục biểu diễn và địa bàn cho các đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp ở Trung ương về địa phương biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.

d) Chỉ đạo Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai và Đoàn Nghệ thuật Cải lương Đồng Nai phục vụ tại địa bàn cấp huyện 03 lần/năm và địa bàn cấp xã được hưởng lợi của Đề án 03 lần/năm.

đ) Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh đưa Đội Thông tin lưu động phục vụ địa bàn cấp huyện 03 lần/năm, địa bàn các xã được hưởng lợi của Đề án 03 lần/năm.

e) Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức các Ngày hội, Lễ hội, Liên hoan Văn hóa, thể thao và du lịch vào thời gian thích hợp. Đưa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao phù hợp vào các lễ hội của dân tộc và các dịp lễ hội của đồng bào như: Lễ hội Sayangva (mừng lúa mới của dân tộc Chơro), Lễ Đâm Trâu (Lễ Ăn Trâu) của dân tộc Mạ, S’ Tiêng, Lễ Yang Bơ nơm của dân tộc Mạ, Lễ cung thỉnh hoa đăng của dân tộc Hoa, Lễ Ramadan của dân tộc Chăm, Tết Cholchnamthmay và Sendolta của dân tộc Khmer….

g) Phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai xây dựng các chuyên mục: “Trò chuyện về nghệ thuật biểu diễn truyền thống các DTTS Việt Nam” phát trên sóng phát thanh truyền hình của tỉnh.

h) Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các xã thuộc đối tượng hưởng lợi của Đề án. Đối với cấp tỉnh, tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số mỗi năm/lần hưởng ứng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).

i) Xây dựng và tăng cường các hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn cách xa trung tâm xã, huyện, thị xã. Định hướng các đội, nhóm văn nghệ, Câu lạc bộ sưu tầm các bài hát, điệu múa truyền thống, nghi thức diễn xướng dân gian, các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.

k) Chỉ đạo Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh liên hệ với Điện ảnh Trung ương để được cung cấp nguồn phim có nội dung phù hợp cho các Đội chiếu bóng lưu động của tỉnh phục vụ các xã thuộc phạm vi hưởng lợi của Đề án: 10 buổi chiếu/xã/năm. Phát huy thế mạnh của các Đội chiếu bóng lưu động, Đội thông tin lưu động trong công tác tuyên truyền, cổ động công chúng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương.

l) Chỉ đạo Thư viện tỉnh phối hợp Thư viện cấp huyện giúp các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng tủ sách (Thư viện) cấp xã; hàng năm hỗ trợ sách, ấn phẩm văn hóa; phối hợp Thư viện cấp huyện, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai tổ chức luân chuyển sách, tổ chức các chuyến xe đưa sách đến với bạn đọc tại các điểm trường phổ thông, các xã vào các dịp thích hợp; tổ chức các đợt thi đọc sách, các buổi bình thơ, giới thiệu về sách…tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Thúc đẩy văn hóa đọc, đảm bảo người dân các địa bàn hưởng lợi được tiếp cận với sách một năm 01- 02 lần. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sản xuất ấn phẩm văn hóa, sách nghiệp vụ, băng đĩa hình…có nội dung hình thức phù hợp cấp cho các xã còn khó khăn trên địa bàn tỉnh; hàng năm, tổng kết hiệu quả và khắc phục các tồn tại, yếu kém về nội dung và chất lượng sản phẩm. Xây dựng thêm cơ sở dữ liệu số về nông thôn phù hợp với địa hình, vùng đất trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường và giúp người dân tiếp cận thêm các tài liệu về khoa học kỹ thuật để phục vụ đời sống và mạnh dạn đầu tư tăng năng suất cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, miền.

m) Chỉ đạo Bảo tàng Đồng Nai, Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Phòng Văn hóa - Thông tin và Ban Quản lý Di tích - Danh thắng cấp huyện tùy theo từng nội dung cuộc triển lãm để tổ chức hoặc phối hợp tổ chức triển lãm có hiệu quả về tranh, ảnh nghệ thuật trong nước, thế giới (bản chính hoặc phiên bản), các hiện vật bảo tàng, cổ vật…. tại một số địa bàn huyện hoặc xã, tại các di tích - danh thắng trong các dịp thích hợp 03 năm/lần; tạo cơ hội thuận lợi để nhân dân các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS được tiếp cận nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật.

n) Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng các Câu lạc bộ, đội, nhóm hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở; tập huấn các kiến thức cơ bản về quản lý điều hành cho cán bộ phụ trách Câu lạc bộ, đội, nhóm nhằm thực thi tốt nhiệm vụ.

o) Nghiên cứu đưa một số loại hình văn hóa nghệ thuật và đưa nghệ nhân các DTTS trên địa bàn tỉnh đi giao lưu, biểu diễn, giới thiệu ở một số địa phương trong nước và nước ngoài.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai Đề án “Sân khấu học đường”, đưa giáo dục nghệ thuật trong đó có giới thiệu nghệ thuật biểu diễn truyền thống các DTTS vào chương trình chính khóa của trường học từ cấp phổ thông cơ sở…;

b) Phối hợp Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh, Trường Phổ thông Năng khiếu Đồng Nai, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai phát hiện, đào tạo các tài năng, năng khiếu trẻ là người DTTS trên các lĩnh vực: Văn học, nghệ thuật, thể dục thể thao.

3. Sở Nội vụ:

 Phối hợp các sở, ban, ngành chức năng có liên quan của tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng chế độ ưu đãi trong giáo dục phổ thông; đào tạo nguồn nhân lực tại các trường Cao đẳng, Đại học nhằm tạo nguồn cán bộ là người DTTS làm công tác dân tộc tại các địa phương; xây dựng các hình thức ưu tiên tuyển học sinh, sinh viên phù hợp với đối tượng người DTTS học tại các trường: Cao đẳng, Đại học, Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai, Trường Dân tộc Nội trú cấp huyện.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa do Trung ương hỗ trợ theo quy định để thực hiện một số nhiệm vụ của Đề án này.

5. Ban Dân tộc tỉnh:

a) Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chế độ phù hợp với pháp luật hỗ trợ cho các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS tiếp tục truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật DTTS trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp Ủy ban Dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

c) Xin chủ trương UBND tỉnh tiếp tục trang bị nhạc cụ dân tộc cho các Nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.

d) Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai tham mưu, đề xuất khen thưởng, động viên các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS có những đóng góp tích cực trong việc đầu tàu, gương mẫu, tuyên truyền, truyền dạy văn hóa nghệ thuật cơ sở và các tác giả người DTTS có những sáng tác có giá trị nghệ thuật, nhân văn cao; tôn vinh các giáo viên, nghệ nhân có công truyền dạy nghệ thuật truyền thống dân tộc và có đóng góp lớn được cộng đồng thừa nhận.

6. Sở Tài chính:

a) Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách của địa phương thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án và thực hiện việc thu chi, thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

b) Tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ về tài chính, thuế phù hợp theo quy định của pháp luật và hình thức ưu tiên khác cho các doanh nghiệp, doanh nhân… tài trợ cho sản xuất phim và các sản phẩm văn hóa khác về đề tài DTTS và biển đảo có nội dung tốt, chất lượng nghệ thuật cao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

7. Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai:

a) Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai: Hàng năm, xây dựng kế hoạch các chương trình văn hóa nghệ thuật, các chuyên mục phù hợp với đồng bào DTTS phát trên sóng của Đài. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục phát tiếng DTTS trên Đài. Phối hợp các Sở, ban, ngành, địa phương xây dựng các Trạm thu phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình; xây dựng cơ chế cấp phát ra-đi-ô, đài vô tuyến (ti vi), internet cho một số đối tượng ưu tiên, các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

b) Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai: Xây dựng chuyên mục viết về văn hóa văn nghệ đồng bào DTTS; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc.

8. Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai:

a) Tổ chức cho văn nghệ sĩ người DTTS các chuyến đi thực tế lấy tư liệu để sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, mỹ thuật, nhiếp ảnh….; tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động, các Trại sáng tác văn học, kịch bản phim ảnh, mỹ thuật, ca khúc, nhạc phẩm… về đề tài DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo đối với cấp tỉnh 01 cuộc/năm, các Hội chuyên ngành 02 cuộc/năm.

b) Sử dụng, phổ biến các tác phẩm của các văn nghệ sĩ người DTTS có nội dung và chất lượng nghệ thuật tốt để khuyến khích sáng tạo và đáp ứng yêu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp tổ chức triển lãm các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật về đề tài DTTS trên địa bàn tỉnh.

9. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa:

Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, Phòng Dân tộc, các phòng, ban chức năng của huyện và UBND các xã hưởng lợi thuộc Đề án thực hiện nhiệm vụ sau:

a) Bằng các hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.

b) Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các xã thuộc đối tượng hưởng lợi của Đề án. Đối với huyện có nhiều đồng bào DTTS (Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, thị xã Long Khánh…) cần đưa vào kế hoạch tổ chức định kỳ Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số 01 năm/lần vào thời điểm thích hợp.

c) Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện đưa Đội Thông tin lưu động đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS phục vụ nhân dân từ 6-7 lần/năm.

d) Xây dựng và tăng cường các hoạt động văn nghệ quần chúng cơ sở, nhất là địa bàn có đồng bào DTTS sống tập trung. Định hướng các Đội văn nghệ, Câu lạc bộ sưu tầm các bài hát, điệu múa truyền thống, nghi thức diễn xướng dân gian, các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Trung tâm Văn hóa thể thao - Học tập cộng đồng, Nhà văn hóa dân tộc sử dụng giá trị di sản văn hóa các dân tộc ở địa phương để xây dựng chương trình hoạt động đạt từ 30% số tiết mục trở lên.

đ) Thúc đẩy tạo dựng các mô hình hoạt động văn hóa cộng đồng; xây dựng nhân lực, vật lực hỗ trợ các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, giao thông không thuận tiện, dễ bị các thế lực xấu kích động, lôi kéo.

e) Tiếp tục xây dựng quỹ đất và phân bổ kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa (Nhà văn hóa dân tộc) cho đồng bào DTTS trên địa bàn theo lộ trình quy hoạch; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho đồng bào DTTS ở địa phương và làm tốt công tác quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa văn nghệ, thể thao cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

g) Xây dựng mô hình điểm về hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các xã, phường thuộc vùng 3 nhằm nhân rộng và hỗ trợ cho vùng 1; xây dựng nhân lực, vật lực, tạo nguồn cung cấp cán bộ văn hóa cơ sở tăng cường cho vùng 1; tạo sự liên kết tương trợ, giúp đỡ tương thân, tương ái giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

h) Chủ động lồng ghép kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đề án “Đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS giai đoạn 2014 - 2020” có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi những mục tiêu tổng quát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Do vậy, đề nghị các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án nêu trên. Vào cuối tháng 10 hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện Đề án gửi về UBND tỉnh (đồng gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp). Tổ chức sơ kết kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2014 - 2015 và triển khai thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 vào tháng 10 năm 2015./.