Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 215/QĐ-UB

Tuyên Quang, ngày 23 tháng 4 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND ngày 30-6-1989;

Căn cứ luật đất đai ngày 24-7-1993

Căn cứ pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 7-12-1989

Căn cứ nghị quyết HĐND tỉnh khóa 13 (kỳ họp bất thường từ ngày 21-4-1994 đến ngày 23-4-1994)

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời “xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”

Điều 2.- Giao cho giám đốc sở Tư pháp, trưởng ban quản lý ruộng đất, giám đốc sở tài chính vật giá, hướng dẫn một số điểm cần thiết trong việc thực hiện bản quy định này.

Điều 3.- Các ông chánh văn phòng UBND tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các cơ quan ban ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 


Nơi nhận:
- T.trực Tỉnh ủy “để b/c”
- T.trực HĐND tỉnh “để b/c”
- Các cơ quan ban ngành ĐT
- Các cơ quan TW tại ĐP
- Như Điều 3 “TH”
- Các CV HĐ, UBND
- Lưu VT

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
CHỦ TỊCH




Trần Trung Nhật

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo quyết định 215/QĐ-UB ngày 23 tháng 4 năm 1994 của UBND tỉnh Tuyên Quang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: - Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm ngoài phần đất hợp pháp Nhà nước giao cho mình; sử dụng đất không đúng mục đích Nhà nước giao và các hành vi khác nói tại chương II bản quy định này (kể cả người được: Thừa kế, thế chấp, thuê chuyển nhượng, chuyển đổi) đều bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 2: - Các hình thức, biện pháp xử phạt:

1- Hình thức phạt chính: Phạt tiền

2- Ngoài hình thức phạt chính còn bị áp dụng các biện pháp hành chính và hình thức phạt bổ sung:

a) Buộc trả lại diện tích đất đã lấn chiếm, sử dụng trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất; tháo dỡ công trình hoặc chấm dứt quá trình sản xuất trên đất sử dụng trái phép.

b) Buộc bồi thường thiệt hại trực tiếp do vi phạm hành chính gây ra.

c) Buộc truy nộp tiền thuế, thu nhập bất hợp pháp trên đất do lấn chiếm, sử dụng trái phép.

d) Thu hồi hồ sơ sử dụng đất.

3- Các hành vi vi phạm nói ở chương II nếu gây hậu quả nghiêm trọng chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương II

CÁC HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP XỬ PHẠT

Điều 3: - Lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích:

1- Buộc tổ chức, cá nhân đó phải trả lại toàn bộ diện tích đất lấn chiếm, sử dụng trái mục đích.

2- Phạt tiền từ 500.000đ (năm trăm ngàn đồng) đến 1.000.000đ (một triệu đồng); Tái phạm phạt tiền từ 1.000.000đ (một triệu đồng) đến 2.000.000đ (hai triệu đồng).

3- Buộc bồi thường thiệt hại thực tế cho người có đất bị lấn chiếm.

4- Thu hồi hồ sơ sử dụng đất, phần đất lấn chiếm, sử dụng trái mục đích.

Điều 4: - Chuyển dịch trái phép, phá hoại mốc địa chính, mốc địa giới hành chính:

1- Buộc khôi phục lại cột mốc đã chuyển dịch

2- Phạt tiền 500.000đ (năm trăm ngàn đồng) đối với vi phạm lần đầu; có nhiều hành vi vi phạm hoặc tái phạm phạt tiền đến 1.000.000đ (một triệu đồng).

3- Buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Điều 5: - Đào, đãi vàng, khai thác quặng, sản xuất gạch ngói trên đất được giao và của các chủ thể khác mà không được cấp có thẩm quyền cho phép; thải hóa chất công nghiệp làm ảnh hưởng đến sản xuất đời sống:

1- Buộc khôi phục lại mặt bằng của đất và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

2- Phạt tiền 50.000đ (năm mươi ngàn đồng) đối với vi phạm lần đầu; có nhiều hành vi vi phạm hoặc tái phạm phạt tiền từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ (một triệu đến hai triệu đồng)

Điều 6: - Trốn tránh không làm thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê theo quy định của pháp luật; kê khai sai, giấu diện tích, hạng đất, loại đất để trốn thuế và tránh sự kiểm soát của Nhà nước.

1- Buộc làm thủ tục theo quy định của pháp luật

2- Phải truy nộp thuế và bị phạt từ 0,5 đến 1,0 lần số tiền trốn thuế theo điểm a, b điều 26 luật thuế sử dụng đất nông nghiệp.

3- Phạt tiền:

- Vi phạm lần đầu 50.000đ (năm mươi ngàn đồng)

- Có nhiều hành vi vi phạm hoặc tái phạm phạt tiền từ 100.000đ đến 200.000đ (một trăm đến hai trăm ngàn đồng).

- Từ 200.000đ đến 500.000đ (hai trăm đến năm trăm ngàn đồng) đối với hành vi không làm thủ tục chuyển đổi và kê khai sai, giấu diện tích, hạng đất, loại đất.

- 1.000.000đ đến 2.000.000đ (một triệu đến hai triệu đồng) đối với hành vi không làm thủ tục chuyển nhượng cho thuê đất.

Điều 7: - Cản trở Cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền tiến hành thanh tra, điều tra, đo đạc lập bản đồ địa chính, thu hồi đất:

Phạt tiền 50.000đ (năm mươi ngàn đồng) đối với vi phạm lần đầu; có nhiều hành vi vi phạm hoặc tái phạm phạt tiền từ 200.000đ đến 1.000.000đ (hai trăm đến một triệu đồng).

Điều 8: - Lấy lại đất ông cha, đất cũ:

Phạt tiền 50.000đ (năm mươi ngàn đồng) đối với vi phạm lần đầu; có nhiều hành vi vi phạm hoặc tái phạm phạt tiền từ 200.000đ đến 500.000đ (hai trăm đến năm trăm ngàn đồng). Nếu đứng ra tổ chức nhiều người thực hiện hành vi trên phạt đến 1.000.000đ (một triệu đồng).

Điều 9: - Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc vượt quá quyền hạn giao đất, thu hồi đất, cho phép chuyển quyền, chuyển mục đích và sử dụng đất trái phép với quy định của pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật đất đai, quyết định xử lý trái pháp luật hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất:

1- Xử lý kỷ luật bãi miễn chức vụ; buộc thôi việc;

2- Phạt tiền gấp đôi số tiền với người có thẩm quyền đã quyết định xử lý trái pháp luật, nhưng tối đa không quá 2.000.000đ (hai triệu đồng).

Chương III

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH

Điều 10: - Chỉ những người sau đây được xử phạt:

1- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được phạt tiền 50.000đ (năm mươi ngàn đồng) và được áp dụng các biện pháp hành chính và hình thức phạt bổ sung nói ở khoản 2 các điểm a, b, c, d điều 2 bản quy định này.

2- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã được phạt tiền đến 2.000.000đ (hai triệu đồng) và áp dụng các hình thức, biện pháp hành chính nói tại quy định này.

3- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị quyết định xử phạt điểm 2 điều 9.

Điều 11: - Nguyên tắc, thủ tục xử phạt và các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính phải tuân theo quy định tại điều 6; 20; 21; 23; 27 pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 12: - Việc khen thưởng người có thành tích phát hiện vi phạm hành chính và người có thẩm quyền xử phạt được áp dụng theo quy định ở điều 39 của pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13: - Tổ chức và cá nhân bị xử phạt vi phạm có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định xử phạt đối với mình.

Điều 14: - Các tổ chức, cá nhân không tự nguyện thi hành quyết định xử phạt sẽ bị tổ chức cưỡng chế theo nguyên tắc cơ quan nào ra quyết định xử phạt thì cơ quan đó tổ chức, chỉ đạo cưỡng chế. Việc tổ chức cưỡng chế phải tuân theo quy định của điều 32 pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 15: - Mọi tổ chức và cá nhân đều phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng bản quy định này./.