Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2156/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 31 tháng 08 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THỦY LỢI TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2017 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 1509/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam;

n cứ Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006-2020;

n cứ Quyết định số 749/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành thủy lợi;

n cứ Quyết định số 1788/QĐ-BNN-TCTL ngày 19/5/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu ngành Thủy lợi;

Căn cứ Quyết định số 1003/QĐ-UBND ngày 23/4/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành chương trình hành động thực hiện kế hoạch số 53-KH/TU ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết TW 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thực hiện Công văn số 2860/BNN-TL ngày 16/10/2007 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc rà soát, bổ sung Quy hoạch thủy lợi phục vụ đa mục tiêu nhất là nuôi trồng thủy sản;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 103/TTr-SNN ngày 28/8/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Thủy lợi tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính sau:

1. Tên dự án Quy hoạch: Quy hoạch thủy lợi tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030;

2. Thời gian thực hiện Quy hoạch: Đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

3. Địa điểm thực hiện Quy hoạch: Trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

4. Đơn vị lập Quy hoạch: Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam;

5. Quan điểm quy hoạch:

- Phát triển thủy lợi đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, làm cơ sở để phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng hiện đại hóa, thâm canh cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, lợi ích quốc gia và hài hòa lợi ích giữa các vùng, các ngành;

- Khai thác sử dụng nước hợp lý, phục vụ đa mục tiêu, thống nhất theo lưu vực sông và hệ thống công trình thủy lợi; khai thác sử dụng đi đối với bảo vệ, tái tạo nguồn nước bằng biện pháp công trình và phi công trình; chú ý đến bảo vệ môi trường nước, đặc biệt môi trường nước trong hệ thống công trình thủy lợi;

- Nâng cao mức đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai (bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất,) có kế hoạch và biện pháp thích hợp cho từng vùng, chủ động ứng phó, phòng tránh hoặc thích nghi để giảm thiểu thiệt hại;

- Chú trọng phát triển thủy lợi cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, gắn với các chính sách xã hội để từng bước giải quyết nước sinh hoạt cho Nhân dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công chương trình xóa đói giảm nghèo, định canh định cư và đảm bảo quốc phòng an ninh.

6. Mục tiêu quy hoạch:

a) Mục tiêu chung:

- Phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại hóa, tăng cường mức đảm bảo phục vụ cấp nước tưới, tiêu cho nông nghiệp trên xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh hoạt, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, góp phần xây dựng nông thôn mới ..., phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

- Chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai gây ra, nâng cao mức đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng, bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Về cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản: Đảm bảo đủ nguồn nước để khai thác đất canh tác nông nghiệp cho các loại cây trồng cần tưới, tiến tới đảm bảo tưới chủ động cho cơ bản diện tích lúa 03 vụ, nâng tần suất đảm bảo tưới đạt từ 75% trở lên và phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản.

- Về cấp nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp: Tạo nguồn cấp nước phục vụ dân sinh, công nghiệp, nâng tỷ lệ cấp nước đối với các đô thị Loại IV trở lên đạt 90%, tiêu chuẩn cấp nước là 120 lít/người/ngày; các đô thị Loại V trở lên đạt 70%, tiêu chuẩn cấp nước là 80 lít/người/ngày; đáp ứng nguồn nước phục vụ phát triển công nghiệp với mức cấp từ 50-100 m3/ngày/ha xây dựng.

- Tiêu thoát nước và bảo vệ môi trường nước: Góp phần tiêu thoát nước ở những vùng thấp trũng phục vụ phát triển dân sinh, nông nghiệp thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; đảm bảo môi trường nước trong các hệ thống thủy lợi đạt tiêu chuẩn nước tưới.

- Chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai: Nâng cao mức đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai, bão lũ, lụt, chủ động phòng, ứng phó hoặc thích nghi để giảm thiểu tổn thất, bảo vệ an toàn dân cư; có giải pháp công trình phòng, chống lụt, bảo đảm an toàn cho dân cư, bảo vệ lúa, hoa màu, cây công nghiệp, đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu; từng bước nâng cao khả năng chống lũ của các hệ thống kè sông, suối tại các lưu vực sông, suối lớn trên địa bàn tỉnh; phòng, tránh lũ và thích nghi để bảo vệ dân cư ở các lưu vực sông; đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, kè, cống.

- Công tác quản lý: Chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, đảm bảo phát huy trên 80% năng lực thiết kế.

7. Quy mô quy hoạch:

a) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp: Tạo nguồn cấp nguồn nước để tưới tăng thêm cho khoảng 45.416 ha lúa và các loại cây trồng cạn cần tưới. Đưa diện tích gieo trồng cây lương thực chính là lúa lên tưới chủ động được 100% diện tích, nâng tần suất đảm bảo tưới đạt từ 75% trở lên và tiêu nước cho khoảng 7.362 ha.

b) Cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp: Góp phần tạo nguồn cấp nước sinh hoạt dự kiến dân cư đến giai đoạn 2025 khoảng 25.420 m3/ngày-đêm và giai đoạn 2030 khoảng 27.020 m3/ngày-đêm.

c) Cấp nước cho Chăn nuôi: Góp phần tạo nguồn cấp nước cho chăn nuôi dự kiến đến giai đoạn 2025 với tổng lượng 359,7 triệu m3/năm và giai đoạn 2030 với tổng lượng 374,4 triệu m3/năm.

d) Phòng, chống lũ, lụt: Góp phần đảm an toàn cho dân cư, bảo vệ lúa, hoa màu, cây công nghiệp, đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu; từng bước nâng cao khả năng chống lũ của các hệ thống kè sông tại các lưu vực sông lớn trên địa bàn tỉnh; phòng, tránh lũ và thích nghi để bảo vệ dân cư ở các lưu vực sông; đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, kè, cống

đ) Về số lượng công trình đầu tư xây dựng đến năm 2030:

- Công trình cp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp xây dựng mới: Tổng số 180 công trình (trong đó: 117 hồ chứa và 32 đập dâng, 41 trạm bơm và công trình tiêu nước).

- Công trình phòng chng lũ, tiêu thoát nước và bảo vệ bờ: Tổng số 16 công trình, trong đó: hệ thống tiêu nội đồng 9 công trình và hệ thống tiêu thoát nước đô thị, kè bảo vệ bờ là 7 công trình.

- Sửa chữa, nâng cấp: 29 hồ chứa đảm bảo an toàn hồ chứa.

- Kiên cố hóa kênh mương: Đến năm 2030 thực hiện kiên cố hóa 30km kênh, ưu tiên cho các vùng khô hạn, kênh mương trạm bơm. Áp dụng các biện pháp tưới hiện đại tiết kiệm nước, phát triển thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.

8. Nhu cầu kinh phí thực hiện quy hoạch:

- Tổng nhu cầu kinh phí để thực hiện Quy hoạch là: 6.654 tỷ đồng (Sáu nghìn, sáu trăm năm mươi bốn tỷ đồng).

Trong đó:

+ Vốn đầu tư xây dựng mới các công trình là: 6.207 tỷ đồng;

+ Vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình là: 447 tỷ đồng.

- Phân kỳ đầu tư:

+ Giai đoạn 2017 - 2025, vốn đầu tư là: 4.538 tỷ đồng (trong đó: vốn ngân sách Trung ương là: 3.337 tỷ đồng; vốn địa phương và nguồn huy động khác là: 1.201 tỷ đồng);

+ Giai đoạn 2026 - 2030, vốn đầu tư là: 1.669 tỷ đồng (trong đó: vốn ngân sách Trung ương là: 1.320 tỷ đồng; vốn địa phương và nguồn huy động khác là: 349 tỷ đồng).

- Nguồn vn đầu tư:

+ Vốn ngân sách Trung ương: Đầu tư thông qua nguồn trái phiếu chính phủ, cho vay ưu đãi, cấp bù thủy lợi phí và các chương trình an toàn hồ chứa, kiên cố hóa kênh mương, phòng chống hạn, khắc phục hậu quả thiên tai, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới...

+ Vốn ngân sách địa phương: Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và đối ứng.

+ Vốn ODA và viện trợ của các tổ chức quốc tế: Đầu tư tập trung trong lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, hỗ trợ giảm nghèo và phát triển bền vững.

+ Vốn đầu tư của doanh nghiệp, đóng góp của Nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác: Đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng, các hệ thống tưới hiện đại tiết kiệm nước, sản xuất và kinh doanh nước sạch.

(kèm theo Báo Quy hoạch thủy lợi tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

Giao Sở Nông nghiệp & PTNT là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm phổ biến Quy hoạch này. Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch này theo quy định hiện hành của nhà nước.

Trên cơ sở Quy hoạch này, theo chức năng, nhiệm vụ được giao các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã cụ thể hóa các nội dung đưa vào kế hoạch hàng năm, trung hạn và dài hạn để triển khai Quy hoạch đảm bảo tuân thủ các nội dung đã phê duyệt, từng bước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp & PTNT, Tài Chính, Kế hoạch & Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Bình Phước; Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp & PTNT (b/c);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Các Sở, ban, ngành có liên quan;
- Chi cục Thủy lợi;
- Cổng thông tin điện tử;
- LĐVP, Phòng: KT;
- Lưu: VT(Th qd 19-017).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trăm