Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2158/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2013-2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013 - 2015 (sau đây gọi là Chương trình) với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát: Từng bước hạn chế tình trạng trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn, thương tích gây ra, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị đuối nước. Tập trung vào những nơi thường xảy ra tai nạn, thương tích đối với trẻ em như tại gia đình, trường học và nơi công cộng nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

b) Các mục tiêu cụ thể đến năm 2015:

- Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích từ 1.300/100.000 trẻ em năm 2010 xuống còn 550/100.000 trẻ em.

- Giảm tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích từ 20,8/100.000 trẻ em năm 2010 xuống dưới 19/100.000 trẻ em.

- 70% hộ gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em được phổ biến, tuyên truyền về chính sách, pháp luật, kiến thức và kỹ năng cơ bản phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

- 3.000.000 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”; 5.000 trường học đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn”; 200 xã, phường đạt tiêu chuẩn “Cộng đồng an toàn”.

- Giảm 15% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2010.

- Ít nhất 50% số trẻ em lứa tuổi tiểu học và 70% số trẻ em lứa tuổi trung học cơ sở biết bơi và có kỹ năng tự cứu đuối.

- Ít nhất 70% số trẻ em sử dụng áo phao hoặc cặp phao khi tham gia giao thông đường thủy.

- 100% số bể bơi, hồ bơi công cộng, bãi tắm tại các khu du lịch được cấp phép bảo đảm các quy định an toàn.

- 100% số bến vận chuyển khách ngang sông, bến tàu được cấp phép bảo đảm các quy định an toàn.

2. Đối tượng và phạm vi:

a) Đối tượng: Trẻ em

b) Phạm vi: Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Ưu tiên các địa phương có tỷ lệ cao về tai nạn, thương tích trẻ em và vùng đặc biệt khó khăn.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 đến năm 2015.

4. Các nội dung hoạt động và giải pháp chủ yếu của Chương trình:

a) Lãnh đạo, tổ chức và quản lý:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành phù hợp trong phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện luật pháp, chính sách về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Xây dựng, vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về tình hình tai nạn, thương tích trẻ em.

b) Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em:

Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược truyền thông phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Hằng năm, tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống tai nạn do đuối nước. Nghiên cứu, xây dựng và phát triển chương trình, sản xuất các sản phẩm truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại gia đình, trường học, cộng đồng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

c) Xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em: “Cộng đồng an toàn”; “Trường học an toàn”; “Ngôi nhà an toàn”.

d) Triển khai các hoạt động để phòng, chống đuối nước trẻ em:

Xác định các nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Loại bỏ nguy cơ gây đuối nước trẻ em; hướng dẫn kỹ năng bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tiểu học, trung học cơ sở; tập huấn cho giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn; tổ chức dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng và trường tiểu học; sử dụng áo phao, phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy và các hoạt động vui chơi trong môi trường nước; hướng dẫn kỹ năng cứu đuối trẻ em. Thực hiện việc cấp giấy phép và các quy định an toàn tại bể bơi, hồ bơi công cộng, bãi tắm tại các khu du lịch, các phương tiện đường thủy, các bến vận chuyển khách ngang sông, các bến tàu. Xây dựng tổ tự quản trật tự an toàn giao thông đường thủy. Tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên về phòng, chống đuối nước trẻ em.

đ) Xã hội hóa và hợp tác quốc tế:

Huy động rộng rãi các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng, cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế để thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

5. Kinh phí:

Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động khác (nếu có).

Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Chương trình này, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương lập dự toán chi hằng năm, trình cơ quan có thẩm quyền.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Chương trình

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Giao thông vận tải, các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:

a) Tổ chức triển khai Chương trình trên phạm vi cả nước.

b) Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lao động - thương binh và xã hội về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em; xây dựng, vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về tình hình tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

c) Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình và định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tổng kết việc thực hiện Chương trình vào cuối năm 2015; xây dựng chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện cấp cứu, điều trị trẻ em bị tai nạn, thương tích; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; xây dựng và nhân rộng mô hình “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong trường học; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục phổ thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng và nhân rộng mô hình “Trường học an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

4. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện công tác phòng, chống tai nạn giao thông cho trẻ em.

5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lồng ghép nội dung phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong việc xây dựng gia đình văn hóa; tăng cường công tác quản lý bể bơi, dạy bơi cho trẻ em; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030.

6. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội; kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, phòng cháy chữa cháy, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, pháo, đồ chơi nguy hiểm và các vi phạm khác về trật tự, an toàn xã hội; thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho việc thực hiện Chương trình.

9. Bộ Tài chính, căn cứ khả năng ngân sách nhà nước, bố trí kinh phí thực hiện Chương trình theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành chức năng; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở địa phương; bố trí ngân sách địa phương, nhân lực phù hợp để thực hiện Chương trình; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại địa phương; định kỳ báo cáo hằng năm việc thực hiện Chương trình trên địa bàn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

11. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức xã hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động tham gia thực hiện Chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong tổ chức của mình; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, V.III, TKBT, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân