Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2160/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 28 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU, NHÃN HIỆU HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 984/QĐ-BCT ngày 06 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 84/TTr-SCT ngày 24 tháng 12 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công Thương chủ trì phối hợp Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ và Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, TP. Cà Mau;
- Phòng KT (vic);
- Lưu: VT, PA87, M.A190/12.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Văn Bi

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU, NHÃN HIỆU HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2160/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này xác định mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển và quản lý thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau; các hội, hiệp hội doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mua bán, tiêu dùng, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong việc tham gia xây dựng, phát triển và quản lý thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Mục tiêu xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Cà Mau

1. Tăng cường sự nhận biết, tin cậy của các nhà phân phối và của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu, nhãn hiệu có xuất xứ tại Cà Mau.

2. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề (gọi chung là doanh nghiệp) trên địa bàn tỉnh quan tâm đúng mức trong xây dựng, phát triển và quản lý thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.

3. Nâng cao giá trị của các sản phẩm mang thương hiệu, nhãn hiệu có xuất xứ tại Cà Mau thông qua uy tín của doanh nghiệp, chất lượng của sản phẩm, góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các thương hiệu Cà Mau trong quá trình hội nhập.

4. Đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh các ngành hàng chủ lực như tôm, của, chuối, gỗ, lúa; đồng thời tăng cường bảo vệ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với nhãn hiệu hàng hóa tập thể của tỉnh đã được công nhận, như: “Tôm khô Rạch Gốc”, “Cua biển Năm Căn”, “Mật ong U Minh Hạ”, “Cá khô bổi U Minh”, “Mắm lóc Thới Bình”, “Cá chình, Cá bóng tượng”, “Cá khoai Cái Đôi Vàm”, “Bồn bồn Cái Nước”, “Chuối khô Trần Hợi” và những nhãn hiệu sản phẩm khác được công nhận.

5. Tăng cường sự phối hợp, liên kết hoạt động của các cơ quan và tổ chức hữu quan hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu.

6. Tiếp tục tăng cường đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và nông dân các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, quy định trong quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh sử dụng nhãn hiệu tập thể.

7. Xây dựng hình ảnh Cà Mau là địa phương có nhiều doanh nghiệp và sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu với chất lượng, uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

8. Phấn đấu đăng ký nhãn hiệu, tên thương mại, xuất xứ hàng hóa, mỗi năm tăng từ 10 % trở lên so với số đã được công nhận. Phấn đấu hàng năm đều có sản phẩm tham gia và được xét chọn gắn Biểu trưng Thương hiệu Quốc gia; từng bước gắn kết xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng đối với một số hàng hóa của Cà Mau khi có đủ điều kiện.

Điều 4. Nguyên tắc phối hợp

Các cơ quan, đơn vị phối hợp theo các nguyên tắc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi đơn vị.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Mục 1. XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU

Điều 5. Xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp

1. Thường xuyên rà soát, có kế hoạch và hỗ trợ, tư vấn phát triển các sản phẩm của tỉnh được công nhận nhãn hiệu tập thể; được bình chọn, gắn Biểu trưng Thương hiệu Quốc gia và đạt các giải thưởng chuyên ngành cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh.

2. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị phát động, tập huấn, đào tạo chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, mô hình xây dựng thương hiệu thành công cho doanh nghiệp.

Điều 6. Xây dựng và phát triển thương hiệu theo ngành hàng

1. Xây dựng, phát triển thương hiệu cho các ngành hàng chủ lực, mặt hàng có thế mạnh và khả năng cạnh tranh cao của tỉnh (tôm, cua, chuối, gỗ, lúa và cá,...).

2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức quản lý chất lượng trong và ngoài nước thực hiện các chương trình tư vấn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành hàng nâng cao năng lực quản lý chất lượng và đổi mới quy trình sản xuất kinh doanh.

3. Hướng dẫn và hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng mang chỉ dẫn địa lý Cà Mau ở thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.

Điều 7. Quảng bá thương hiệu

1. Xây dựng và thực hiện các chương trình quảng bá thương hiệu ở phạm vi địa phương, trong nước và từng bước ra nước ngoài với các hình thức thích hợp như: quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử; Cổng thông tin điện tử; tổ chức sự kiện; ấn phẩm, tài liệu đa phương tiện; đoạn phim quảng bá, trương mục quảng cáo.

2. Tổ chức các khu trưng bày và điểm giới thiệu các doanh nghiệp và sản phẩm đạt thương hiệu, nhãn hiệu; các chương trình tiếp xúc giao thương, khảo sát thị trường cho các doanh nghiệp với các đối tác liên quan thông qua chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

3. Tổ chức bình chọn và tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp của tỉnh có thành tích xuất sắc trong kinh doanh trong và ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp có sản phẩm đạt các giải thưởng trong và ngoài nước.

4. Tăng cường tuyên truyền quảng bá, giáo dục ý thức tự hào qua việc sử dụng sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh, của Việt Nam cho người tiêu dùng trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài.

Mục 2. XÂY DỰNG, QUẢN LÝ NHÃN HIỆU

Điều 8. Xây dựng, đăng ký, quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận

1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phát động hướng dẫn địa phương xây dựng các hình thức bảo hộ nhằm phát triển sản phẩm đặc thù, đặc sản của địa phương.

2. Sở Công Thương chủ trì hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng, đăng ký phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (địa danh), bao bì, mẫu mã, kiểu dáng công nghiệp.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì chỉ đạo các cơ sở sản xuất, nuôi trồng đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đầy đủ các thủ tục đảm bảo hàng hóa đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất các ngành/mặt hàng trong đó có những ngành/mặt hàng được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý.

4. Các sở, ban, ngành, đoàn thể theo chức năng phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực để xây dựng nhãn hiệu cho doanh nghiệp và nhãn hiệu các sản phẩm.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau trực tiếp chỉ đạo các Ban quản lý nhãn hiệu tập thể đảm bảo phát huy hiệu quả các nhãn hiệu tập thể được công nhận trên địa bàn.

Điều 9. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa

1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa trong và ngoài nước. Xử lý vi phạm các nhãn hiệu của các doanh nghiệp và nhãn hiệu các sản phẩm.

2. Sở Công Thương phối hợp, hỗ trợ đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa trong và ngoài nước.

3. Các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp theo chức năng phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp đăng ký các nhãn hiệu trong và ngoài nước.

Chương III

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU, NHÃN HIỆU

Điều 10. Xây dựng kế hoạch hàng năm

1. Sở Công Thương chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng năm của tỉnh trước ngày 01 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, tham mưu xây dựng, thực hiện các quy định hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 11. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện được hình thành từ các nguồn sau:

a) Ngân sách nhà nước cấp hàng năm và được giao trong dự toán chi thường xuyên của Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ.

b) Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

c) Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí được sử dụng cho các hoạt động quy định tại Quy chế này theo chế độ quy định.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12. Khen thưởng

Các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Quy chế này tùy theo mức độ sẽ được khen thưởng theo pháp luật hiện hành.

Điều 13. Xử lý vi phạm

1. Các tổ chức và cá nhân vi phạm Quy chế này và các quy định có liên quan tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại và lợi dụng làm giả thương hiệu, nhãn hiệu.

3. Các chủ sở hữu nhãn hiệu, thương hiệu có trách nhiệm bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu, xây dựng các Quy chế bảo vệ từng nhãn hiệu/thương hiệu trình cấp thẩm quyền phê duyệt, ban hành để bảo vệ và xử lý vi phạm.

4. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm thực hiện

1. Sở Công Thương:

- Chủ trì phối hợp các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

- Chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng thương hiệu trên địa bàn tỉnh; hàng năm có kế hoạch, chương trình xây dựng phát triển, tôn vinh thương hiệu, nhãn hiệu của tỉnh.

- Chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương có liên quan tổ chức chỉ đạo sản xuất các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và giữ vững, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu của các doanh nghiệp và sản phẩm lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Có chương trình hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

- Tổ chức thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm và tham gia tìm kiếm thị trường; giới thiệu, quảng bá, tổ chức giao thương, kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ hàng hóa nhằm phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh.

- Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng, đăng ký, quản lý và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu.

- Theo dõi đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Quy chế và tham mưu sửa đổi, bổ sung Quy chế khi cần thiết.

2. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố Cà Mau hướng dẫn, phát động xây dựng, đăng ký các loại nhãn hiệu hàng hóa, bảo vệ quyên sở hữu trí tuệ.

- Chủ trì phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thành phố Cà Mau hướng dẫn, hỗ trợ các Ban quản lý các nhãn hiệu tập thể trong việc quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể; xây dựng các quy định về quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể, công bố chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng biết.

- Làm đầu mối phối hợp tổ chức xây dựng các Quy chế bảo vệ, xử lý và phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể được công nhận.

- Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương có liên quan tổ chức chỉ đạo sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể theo hướng quy mô lớn, chuyên canh và áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành phát triển vùng sản xuất các sản phẩm đặc sản của tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các quy định về chất lượng sản phẩm hàng hóa, điều kiện an toàn thực phẩm.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Công Thương thẩm định nội dung và mức hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, thực hiện quy trình, hồ sơ thủ tục thanh, quyết toán theo đúng quy định.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương có liên quan tổ chức xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu lĩnh vực văn hóa, du lịch.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, các ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo, đài tuyên truyền, vận động xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu.

7. Cục Quản lý thị trường

Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh sử dụng nhãn hiệu tập thể.

8. Liên minh Hợp tác xã tỉnh

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các hợp tác xã tham gia thực hiện xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu.

9. Hội Nông dân tỉnh

- Quản lý chỉ đạo nâng cao chất lượng các Ban quản lý nhãn hiệu hàng hóa tập thể đủ sức hoạt động.

- Phối hợp các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục xây dựng các nhãn hiệu hàng hóa tập thể và các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa có liên quan.

10. Các Hiệp hội doanh nghiệp

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương phát động, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển và quản lý, bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.

11. Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tuyên truyền vận động người tiêu dùng nâng cao trách nhiệm trong việc ủng hộ tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu, nhãn hiệu để góp phần xây dựng, giữ vững phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa của tỉnh.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau

- Chủ trì phối hợp các sở, ngành, đơn vị trong việc phát động, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển và quản lý, bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn.

- Chỉ đạo và kiểm tra các tổ chức, cá nhân chấp hành thực hiện các Quy chế quản lý nhãn hiệu trên địa bàn.

- Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để các Ban quản lý nhãn hiệu hàng hóa tập thể hoạt động.

- Thực hiện tốt vai trò trách nhiệm trong việc xây dựng, quản lý nhãn hiệu chứng nhận.

13. Các Ban quản lý nhãn hiệu tập thể

- Đề cao vai trò, trách nhiệm của các Ban quản lý nhãn hiệu hàng hóa tập thể; tuyên truyền, vận động các thành viên nhận thấy quyền lợi và trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, bảo vệ, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa.

- Rà soát, tham mưu xây dựng các Quy chế quản lý nhãn hiệu tập thể đủ sức quản lý.

14. Các doanh nghiệp, cơ sở, sản xuất kinh doanh

- Tích cực thực hiện xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa của chính doanh nghiệp và địa phương.

- Có trách nhiệm quản lý, phòng ngừa, bảo vệ, đấu tranh với các hành vi gian lận, lợi dụng thương hiệu, nhãn hiệu.

Điều 15. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi cho phù hợp.

Định kỳ 6 tháng và hàng năm các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.