Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2166/QĐ-UBND

Huế, ngày 08 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT” CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1987/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”;

Căn cứ Thông tư số 03/2010/BTP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 113/STP-KTTDTHPL ngày 09 tháng 8 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” của Thủ tướng Chính phủ và kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch (có kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Hương Thuỷ, thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC THEO DÕI THI HÀNH PHÁP LUẬT” CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số 2166 /QĐ-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

I. SỰ CẤN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Xây dựng và thi hành pháp luật luôn là những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm minh, phát huy tốt vai trò là công cụ quản lý nhà nước và xã hội. Đến nay, nước ta đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh một cách toàn diện các lĩnh vực của đời sống đất nước. Tuy nhiên, pháp luật chỉ thực sự phát huy được vai trò của mình trong quản lý nhà nước và xã hội khi được thi hành một cách đầy đủ và nghiêm minh trên thực tế. Thi hành pháp luật là hoạt động có ý nghĩa quyết định hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Song, trên thực tế, công tác thi hành pháp luật còn có những khiếm khuyết nhất định. Vẫn còn tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm minh, đồng bộ.

Theo quy định tại Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, thì một trong những chức năng mà Bộ Tư pháp được giao thực hiện là chức năng quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật ở địa phương, ngày 16/02/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, Sở Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn cấp tỉnh.

Các văn bản pháp luật nêu trên là những cơ sở pháp lý quan trọng bước đầu để Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật. Tuy nhiên, theo dõi tình hình thi hành pháp luật là nhiệm vụ mới, rất quan trọng và chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, đây cũng là nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội lớn và có liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Trong khi đó, các văn bản nêu trên mới chỉ giao nhiệm vụ chung cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, chưa quy định cụ thể về nội dung, phương thức cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục đích.

a) Đánh giá thực trạng và hiệu quả thi hành pháp luật; kịp thời thay thế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và huỷ bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

b) Quán triệt nội dung, đôn đốc chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

c) Xác định rõ những nội dung cụ thể đối với các hoạt động để thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

d) Thay đổi thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương.

2. Yêu cầu.

a) Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, toàn diện và kịp thời trên mọi lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

b) Đảm bảo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện đồng bộ, thống nhất trên cơ sở xác định và phân công cụ thể nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

c) Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo kế hoạch được thực hiện có chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ đã đề ra.

d) Đảm bảo hài hoà giữa kết quả của các hoạt động, cũng như kinh phí cấp cho việc triển khai các hoạt động thực hiện Kế hoạch.

III. THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tập huấn triển khai kế hoạch.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp

- Cơ quan, đơn vị phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã Hương Thuỷ và thành phố Huế.

- Nội dung tập huấn: Tập huấn về cách thức và yêu cầu về nội dung đánh giá, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên các lĩnh vực nói chung và các lĩnh vực an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và tài chính nói riêng tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Bao gồm những hoạt động sau:

+ Xây dựng nội dung tập huấn

+ Tổ chức 01 Hội nghị tập huấn

- Đối tượng tập huấn: Bao gồm các cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Sở và đại diện phòng Tư pháp các huyện, thị xã Hương Thuỷ, thành phố Huế và cán bộ pháp chế của các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, đại diện thường trực HĐND, Văn phòng UBND tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Quý IV/2010

- Kết quả cần đạt được: Tổ chức thành công khoá tập huấn; theo đó, các đối tượng được tập huấn nắm rõ yêu cầu của kế hoạch, cách thức và yêu cầu về nội dung đánh giá, theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

2. Rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về công tác theo dõi thi hành pháp luật.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp

- Cơ quan, đơn vị phối hợp các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, các cơ quan đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã Hương Thuỷ và thành phố Huế.

- Nội dung hoạt động:

+ Rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về công tác thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên các phương diện: tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, khả thi; phát hiện những điểm hạn chế, bất cập nhằm kiến nghị xây dựng, hoàn thiện thể chế thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

+ Tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo về công tác thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật từ các đơn vị, cơ quan có liên quan và các Phòng Tư pháp các huyện, thị xã Hương Thuỷ và thành phố Huế.

- Thời gian thực hiện: Quý IV/2010

- Kết quả cần đạt được:

+ Báo cáo rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về công tác thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật.

+ Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ, bãi bỏ hoặc ban hành mới nhằm thực hiện công tác thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật.

+ Thống kê kết quả rà soát báo cáo về công tác thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật từ các đơn vị, cơ quan có liên quan và Phòng Tư pháp các huyện, thị xã Hương Thuỷ và thành phố Huế.

3. Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công tác theo dõi thi hành pháp luật

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp

- Cơ quan, đơn vị phối hợp các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, các cơ quan đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã Hương Thuỷ và thành phố Huế.

- Nội dung hoạt động:

+ Nghiên cứu, xây dựng, trình UBND tỉnh các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác thi hành pháp luật tại địa phương.

+ Trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác này tại Sở Tư pháp Đà Nẵng và Nghệ An (02 đơn vị đã triển khai thí điểm thực hiện).

- Thời gian thực hiện: tháng 12/2010

- Kết quả cần đạt được:

+ Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi hành pháp luật tại địa phương.

4. Phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp

- Cơ quan, đơn vị phối hợp các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, các cơ quan đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã Hương Thuỷ và thành phố Huế.

- Nội dung hoạt động:

+ Tập hợp và thống kê các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật.

+ Phối hợp các đơn vị, cơ quan phổ biến các nội dung chính liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật.

- Thời gian thực hiện: Quý II/2011.

- Kết quả cần đạt được: Các cán bộ thường trực HĐND, UBND các cấp, cán bộ, công chức có nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương, cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, doanh nghiệp có điều kiện nắm rõ các nội dung, yêu cầu của công tác theo dõi thi hành pháp luật, tập hợp đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống tài liệu để thuận tiện trong công tác và nghiên cứu.

5. Tổng kết việc triển khai Kế hoạch

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp

- Cơ quan, đơn vị phối hợp: các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, các cơ quan đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã Hương Thuỷ và thành phố Huế.

- Nội dung hoạt động:

+ Xây dựng nội dung tổng kết Kế hoạch

+ Tổ chức Hội nghị tổng kết Kế hoạch

+ Xây dựng báo cáo tổng kết Kế hoạch và các kiến nghị đề xuất về công tác theo dõi thi hành pháp luật trình UBND tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: tháng 6/2011.

- Kết quả cần đạt được:

+ Báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch.

+ Tập hợp các đề xuất, ý kiến về công tác theo dõi thi hành pháp luật.

IV. CÁC KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH

1. Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ, bãi bỏ nhằm tăng cường hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật.

2. Báo cáo tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và các tổ chức tài chính.

3. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật trình UBND tỉnh.

4. Xây dựng và nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ chuyên trách công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

5. Triển khai việc tổng kết về công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch

a) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan lập dự toán kinh phí tổng thể và chi tiết cho từng hoạt động được giao theo Kế hoạch với việc phân kỳ theo năm thực hiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định và bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch đã đề ra.

c) Các cơ quan đơn vị được giao thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch, căn cứ vào Kế hoạch, lập dự toán kinh phí triển khai các hoạt động được giao trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trách nhiệm thực hiện

a) Sở Tư pháp chủ trì và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, có trách nhiệm chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức có chất lượng, hiệu quả và đảm bảo đúng tiến độ, thời gian theo yêu cầu của Kế hoạch.

b) Các cơ quan, đơn vị được phân công thực hiện các nội dung, hoạt động cụ thể có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết và phối hợp với Sở Tư pháp trong tổ chức thực hiện; Báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch, các khó khăn, vướng mắc về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

c) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được phân công nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng./.