Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2172/QĐ-UBND

Huế, ngày 24 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1505/2008/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2008 của UBND tỉnh về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 986/TTr-SNV ngày 03 tháng 9 năm 2008 và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1150/TTr-NNPTNT ngày 26 tháng 8 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Chi cục Bảo vệ thực vật trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

1. Vị trí, chức năng:

Chi cục Bảo vệ thực vật tham mưu giúp Giám đốc Sở quản lý nhà nước và thanh tra chuyên ngành về bảo vệ thực vật.

Chi cục Bảo vệ thực vật chịu sự quản lý, chỉ đạo của Giám đốc Sở; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Bảo vệ thực vật.

Chi cục Bảo vệ thực vật có tư cách pháp nhân; có trụ sở, có tài khoản và con dấu riêng.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Tham mưu Giám đốc Sở trình Ủy ban Nhân dân tỉnh dự thảo quyết định, chỉ thị về lĩnh vực bảo vệ thực vật; xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về bảo vệ thực vật trong phạm vi toàn tỉnh theo chủ trương, chính sách của ngành, của tỉnh.

b) Thực hiện điều tra, dự tính dự báo thời gian phát sinh, phạm vi và mức độ gây hại của những sinh vật gây hại chính trên một số cây trồng chủ yếu; thông báo kịp thời tình hình diễn biến của sinh vật gây hại. Đề xuất chủ trương và hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.

c) Tổ chức và thực hiện công tác kiểm dịch thực vật địa phương, bao gồm:

- Công tác kiểm dịch thực vật nội địa;

- Công tác kiểm dịch thực vật nhập, xuất khẩu địa phương qua các cửa khẩu biên giới theo ủy quyền của Cục Bảo vệ thực vật;

d) Tổ chức và quản lý công tác khử trùng sản phẩm thực vật bảo quản tại địa phương.

đ) Quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh (bao gồm việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) theo quy định của pháp luật.

e) Cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề và buôn bán, sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thu, nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí trong công tác bảo vệ thực vật theo quy định.

ê) Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, chế độ chính sách và các văn bản quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ thực vật; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành về bảo vệ thực vật cho các đối tượng liên quan.

g) Tham mưu Giám đốc Sở và UBND tỉnh trong lĩnh vực khoa học công nghệ về bảo vệ thực vật; chỉ đạo và kiểm tra thực hiện các đề tài, dự án về bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Khảo sát, thực nghiệm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong bảo vệ thực vật. Tổ chức thu thập và quản lý thông tin khoa học công nghệ chuyên ngành bảo vệ thực vật; thực hiện các dịch vụ kỹ thuật bảo vệ thực vật theo quy định chung của Nhà nước.

h) Trực tiếp quản lý chỉ đạo Trạm bảo vệ thực vật các huyện, các chốt kiểm dịch bảo vệ thực vật trong tỉnh; chỉ đạo công tác chuyên môn, theo dõi, giám sát hoạt động mạng lưới bảo vệ thực vật cấp xã thông qua Trạm bảo vệ thực vật.

i) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ thực vật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ thực vật; giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo theo thẩm quyền.

k) Hướng dẫn, thẩm định, trả lời kết quả thẩm định hồ sơ đăng ký quảng cáo hàng hóa trong lĩnh vực bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra, kiểm tra việc quảng cáo hàng hoá trong lĩnh vực mình quản lý.

l) Trình Giám đốc Sở dự toán ngân sách hàng năm, kế hoạch ngân sách trung hạn, ngắn hạn của Chi cục; chịu trách nhiệm quyết toán các nguồn kinh phí do Chi cục trực tiếp quản lý; quản lý và chịu trách nhiệm về tài sản của nhà nước giao cho Chi cục quản lý theo phân cấp của Giám đốc Sở và theo quy định của pháp luật.

m) Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc Sở.

Điều 2. Cơ cấu tổ chức và biên chế:

1. Lãnh đạo Chi cục:

a) Chi cục có Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng;

b) Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục; Phó Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công;

c) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và miễn nhiệm Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng thực hiện theo Quyết định số 4071/QĐ-UBND ngày 03/12/2004 của UBND tỉnh về việc phân cấp công tác tổ chức bộ máy và công chức, viên chức.

2. Các tổ chức thuộc Chi cục:

a) Các phòng thuộc Chi cục:

- Phòng Hành chính - Tổng hợp;

- Phòng Kỹ thuật;

- Phòng Thanh tra pháp chế.

b) Các đơn vị trực thuộc Chi cục:

- Các Trạm bảo vệ thực vật huyện, thành phố;

- Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa;

- Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu.

Các Trạm có: Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng, chuyên viên, kỹ thuật viên và có con dấu để giao dịch.

Chi cục trưởng có trách nhiệm xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các phòng, các Trạm trực thuộc, quy chế tổ chức và hoạt động của Chi cục trình Giám đốc Sở phê duyệt.

3. Biên chế các phòng thuộc Chi cục là biên chế hành chính nhà nước; biên chế của các Trạm thuộc Chi cục là biên chế sự nghiệp được UBND tỉnh giao hàng năm trong tổng biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2963/QĐ-UBND ngày 14/9/1996 của UBND tỉnh về việc đổi tên và chuyển đầu mối quản lý các đơn vị quản lý nhà nước và sự nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- UBND thành phố Huế và các huyện;
- Các PCVP và CV: NN;
- Lưu VT, NV.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện