Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2177/2013/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 26 tháng 8 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐỐI VỚI CÁC HỘ DÂN RA SINH SỐNG LÂU DÀI TẠI ĐẢO TRẦN, HUYỆN CÔ TÔ, TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng 2013 - 2015 và định hướng tới 2020”;

Căn cứ Nghị quyết số 101/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 của Hội đồng nhân tỉnh Khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 “Về một số cơ chế, chính sách khuyến khích đối với các hộ dân ra sinh sống lâu dài tại đảo Trần, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh tại tờ trình số 1651/TTr-NN&PTNT ngày 19/8/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích đối với các hộ dân ra sinh sống lâu dài tại đảo Trần, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, gồm các nội dung như sau:

1. Phạm vi và đối tượng, nguyên tắc áp dụng

1.1. Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho việc di dân ra đảo Trần sinh sống, ổn định lâu dài theo Quyết định phê duyệt Đề án của Tỉnh.

1.2. Đối tượng áp dụng:

- Hộ gia đình làm nghề ngư và dịch vụ hậu cần biển, có đủ các điều kiện sau: Là hộ hoặc nhóm hộ có tàu thuyền; Tuổi đời dưới 40 tuổi (Trường hợp cá biệt có thể xét trên 40 tuổi nhưng không quá 50 tuổi); có sức khỏe tốt, nhân thân tốt và có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh. Ưu tiên các hộ chưa có nhà trên đất liền và thường xuyên đang hoạt động khai thác thủy sản xung quanh khu vực vùng biển đảo Trần; Các hộ đi theo nhóm hộ, cùng quê, cùng địa phương.

- Cán bộ, công chức, viên chức được điều động ra công tác trên đảo, đang công tác trên đảo có nguyện vọng chuyển cả gia đình ra định cư lâu dài trên đảo.

1.3. Nguyên tắc: Các hộ có nguyện vọng ra Đảo sinh sống phải được cơ quan chức năng thẩm định và được cấp thẩm quyền phê duyệt.

2. Nội dung cơ chế chính sách

2.1. Chính sách về đất đai:

- Về Đất sản xuất: Được giao đất sản xuất với hạn mức theo quy hoạch cụm dân cư và tùy theo điều kiện thực tế quỹ đất tại đảo Trần, theo quy định của Luật đất đai;

- Về Đất ở: Được giao cho mỗi hộ với diện tích phù hợp với quy hoạch được UBND huyện Cô Tô phê duyệt trên thực tế quỹ đất hiện có và đảm bảo sinh hoạt làm nghề ngư nghiệp;

- Các hộ dân được tỉnh hỗ trợ 100% tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ khi được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất.

2.2. Hỗ trợ về nhà ở:

- Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở và hệ thống công trình phụ trợ cho mỗi hộ gia đình sinh sống tại đảo Trần, theo thiết kế mẫu được UBND tỉnh phê duyệt.

- Nguyên tắc: Nhà nước tổ chức xây dựng, người dân giám sát.

- Kinh phí xây dựng, gồm: Hộ gia đình phải đóng góp 20%/tổng kinh phí đầu tư xây dựng, nhưng không quá 120 triệu đồng/hộ gia đình; khoản kinh phí này được ngân sách nhà nước cho vay không tính lãi suất, thời gian hoàn trả trong 10 (mười) năm, bắt đầu trả từ năm thứ 2 trở đi. Phần kinh phí còn lại 80% do Nhà nước hỗ trợ.

2.3. Điều kiện ràng buộc quyền sở hữu đất ở và nhà ở đối với các hộ gia đình, cá nhân được nhà nước hỗ trợ đất ở tại mục 2.1 và hỗ trợ nhà ở mục 2.2 của Điều 1 Quyết định này như sau:

- Trong thời hạn 11 (mười một) năm kể từ ngày bàn giao đất, nhà để ở, hộ gia đình, cá nhân không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

- Sau 11 (mười một) năm hộ gia đình, cá nhân khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước về tiền đóng góp xây dựng nhà ở thì có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở theo quy định hiện hành.

2.4. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình:

2.4.1. Chính sách về di chuyển người, hành lý, ổn định đời sống:

a) Hỗ trợ di chuyển người và hành lý ra Đảo:

- Cơ quan quản lý thực hiện di dân phối hợp với chính quyền địa phương nơi đi có trách nhiệm thuê phương tiện để tổ chức đi tập trung di chuyển dân từ nơi ở cũ đến nơi ở mới. Trường hợp các hộ tự túc phương tiện của mình để đi, phải được cấp thẩm quyền xem xét cụ thể để giải quyết, bảo đảm an toàn tuyệt đối, nhà nước hỗ trợ tiền xăng dầu theo thực tế;

- Hỗ trợ tiền ăn đường (01 ngày): 200.000,0 đồng/người/ngày.

b) Hỗ trợ ổn định đời sống:

- Được trợ cấp tiền ổn định đời sống trong thời gian 1 năm đầu (12 tháng), tương đương với 15kg gạo/người/tháng, tính từ ngày đến Đảo. Giá gạo (giá bán tại vùng đảo) hàng năm Sở Tài Chính thẩm định phê duyệt giá.

- Được cấp hỗ trợ tiền ăn 3 tháng đầu kể từ ngày lên đảo sinh sống, tương đương với mức 5 kg gạo/người/tháng.

2.4.2. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất:

- Được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn để phát triển sản xuất ngư nghiệp, dịch vụ hậu cần nghề cá, cụ thể:

+ Khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để sửa chữa tàu, thuyền, mua ngư lưới cụ, làm dịch vụ hậu cần nghề cá; hình thức tín chấp thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ hoặc Đoàn Thanh niên huyện Cô Tô; mức vay đối đa 60 triệu đồng/hộ; được hỗ trợ lãi suất vay 100%; thời hạn vay tối đa là 5 năm;

+ Được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo tất cả các chương trình đang áp dụng cho người nghèo ở địa bàn xã đặc biệt khó khăn;

+ Khi vay vốn ở các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tỉnh để đóng mới, cải hoán tàu (tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá), đầu tư nuôi cá lồng bè được vay theo hạn mức quy định tại Quyết định số 2009/QĐ-UBND ngày 13/8/2012 của UBND Tỉnh, được hỗ trợ lãi suất vốn vay là 70%; thời hạn vay từ 3 năm đến 5 năm; điều kiện vay vốn: Hộ, nhóm gia đình có phương án sản xuất được UBND huyện Cô Tô phê duyệt.

- Kinh phí cấp bù hỗ trợ lãi suất vốn vay từ ngân sách Tỉnh;

2.5. Các chính sách hỗ trợ khác

- Các hộ gia đình sống trên đảo Trần được hưởng tất cả các chính sách của Trung ương và của Tỉnh về an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế như đang áp dụng đối với hộ nghèo, ở vùng xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;

- Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông học tập trên Đảo được miễn học phí và hỗ trợ học tập; trường hợp trên Đảo không bố trí được lớp học THCS, THPT học sinh được tuyển thẳng vào trường Dân tộc nội trú của tỉnh;

- Dân cư trên Đảo được nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách Nhà nước, gồm:

- Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu hàng năm;

- Ngân sách địa phương cho Chương trình bố trí ổn định dân cư hàng năm;

- Nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Điều 3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013

Điều 4. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các Huyện, Thị xã, Thành phố liên quan thẩm định nhân thân các đối tượng hộ gia đình, cá nhân có nguyện vọng ra sinh sống lâu dài trên đảo Trần, tổng hợp danh sách các hộ dân đạt tiểu chuẩn báo cáo UBND Tỉnh xem xét phê duyệt.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô xây dựng kế hoạch, lập dự trù kinh phí về các khoản hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng Chính sách này hàng năm chuyển Sở Tài chính thẩm định trước khi báo cáo UBND Tỉnh phê duyệt;

- Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Cô Tô, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên Phòng Tỉnh và UBND các Huyện, Thị xã, Thành phố để tổ chức di dân ra đảo theo kế hoạch được phê duyệt; tổng hợp kết quả di dân báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Tỉnh;

- Tổ chức phân khai nguồn vốn sự nghiệp di dân (bao gồm cả nguồn vốn sự nghiệp có tính chất xây dựng cơ bản) và kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí di dân ra đảo theo chỉ tiêu kế hoạch Tỉnh giao.

3. Sở Tài chính:

- Cân đối nguồn vốn để bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ di dân ra đảo Trần theo kế hoạch hàng năm;

- Thẩm định mức giá gạo hỗ trợ hàng năm theo quy định;

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn lập dự trù kinh phí và tham gia các đoàn kiểm tra thực hiện chính sách này.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì tham mưu cho UBND Tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh trên Đảo; thẩm định các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh trên Đảo;

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên Đảo;

5. Sở Xây dựng:

- Thiết kế, dự toán mẫu nhà ở, công trình phụ trợ cho hộ dân ra đảo Trần trình Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt;

- Phối hợp với UBND huyện Cô Tô lập quy hoạch chi tiết các điểm dân cư tập trung tại Đảo trần phục vụ công tác di dân ra đảo.

6. Sở Lao động - Thương binh & xã hội, Bảo hiểm xã hội Tỉnh và UBND huyện Cô Tô hướng dẫn triển khai việc mua, cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho người dân trên đảo theo quy định của BHXH Việt Nam.

7. Sở Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận đất ở, nhà ở cho dân theo tính chất đặc thù đảm bảo gắn trách nhiệm người dân với các tài sản được nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này.

8. Ngân hàng Chính sách Xã hội Tỉnh có trách nhiệm bố trí nguồn vốn và hướng dẫn tổ chức thực hiện việc thực hiện vay vốn phát triển sản xuất tại Ngân hàng theo quy định.

9. UBND huyện Cô Tô:

- Có trách nhiệm lập dự án và triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh trên Đảo theo quy hoạch đã được phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện di dân tổ chức đưa, đón dân đến nơi an toàn, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ di dân ra đảo Trần theo quy định;

- Hướng dẫn các hộ dân sau khi ra Đảo lập hồ sơ dự án vay vốn, tổ chức thẩm định xét duyệt Dự án vay vốn; lập kế hoạch nhu cầu kinh phí hỗ trợ lãi suất dân vay phát triển sản xuất; lệ phí hồ sơ cấp đất sản xuất và đất ở; kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế và các khoản trợ cấp cho học sinh,...hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét phê duyệt cấp kinh phí cho Huyện thực hiện;

- Lập kế hoạch và tổ chức thu hồi kinh phí đóng góp nhà ở của dân hàng năm, nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Quyết định này.

10. Các Sở, Ban, ngành và địa phương khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức Đoàn thể chính trị xã hội, tuyên truyền nội dung Chính sách và tham gia hướng dẫn giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, tham mưu kịp thời cho UBND Tỉnh để giải quyết những vướng mắc vượt thẩm quyền của các ngành, địa phương; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh.

Điều 5. Trách nhiệm của người dân:

- Thực hiện đúng các quy định của Ủy ban nhân dân Tỉnh về công tác di dân ra đảo Trần, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

- Tham gia giám sát công tác đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh trên Đảo theo quy định.

- Thực hiện nghiêm chỉnh việc đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở; sử dụng có hiệu quả, trả nợ đúng kỳ hạn cả gốc và lãi đối với vốn vay phát triển sản xuất; tổ chức ổn định cuộc sống.

Điều 6. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 29/7/2013.

Các ông, (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch & Đầu tư, Tài Chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y Tế; Giám đốc Công an Tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Tỉnh; Giám đốc Bảo Hiểm xã Hội Tỉnh; Giám đốc Kho bạc Tỉnh; Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, các hộ dân ra đảo Trần căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thông