UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2180/QĐ-UBND | Hải Dương, ngày 12 tháng 6 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2006-2020”
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 92/2006/NĐ - CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triền kinh tế xã hội;
Căn cứ Thông tư số 05/TT - BKH ngày 22/7/2003 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội lãnh thổ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2020”; bao gồm các nội dung cơ bản sau:
1- Tên dự án: Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2020.
2- Địa điểm và quy mô dự án: Dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
3- Thời gian thực hiện: Gồm 3 giai đoạn
- Giai đoạn I: 2006 – 2010;
- Giai đoạn II: 2011 – 2015;
- Giai đoạn III: 2016 – 2020.
4- Quan điểm phát triển: Phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập, làm động lực quyết định để Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.
Ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh và công nghiệp phụ trợ.
Phát triển mạnh công nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam, phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Quy hoạch tồng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2006-2020.
Phát triển công nghiệp gắn với việc bảo vệ môi trường, gắn với an ninh quốc phòng và xã hội.
5- Mục tiêu phát triển
5.1. Mục tiêu chung:
Tăng cường năng lực mới, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại; coi trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ, từng bước hiện đại hoá các cơ sở sản xuất.
Phát triển sản xuất công nghiệp với nhiều quy mô, thành phần kinh tế và trình độ khác nhau phù hợp với định hướng chung và lợi thế của từng vùng, từng địa phương hình thành các doanh nghiệp vệ tinh phục vụ cho các nhà máy lớn.
Khuyến khích phát triển rộng khắp công nghiệp nông thôn, làng nghề.
Thu hút nhanh các dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã xây dựng; hình thành một số khu, cụm công nghiệp mới.
Tập trung phát triển theo thứ tự ưu tiên: Công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin và phần mềm; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, đồ uống; công nghiệp dệt may, da giày; công nghiệp hoá chất, in, tái chế; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
5.2. Mục tiêu cụ thể
+ Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 đạt 160.803 tỷ đồng, tăng bình quân 19,0%/năm, trong đó giai đoạn 2006 – 2010 tăng 20%/năm, giai đoạn 2011 – 2015 tăng 20%/năm và giai đoạn 2016 – 2020 tăng 17,44%/năm.
+ Giá trị tăng thêm (GDP) công nghiệp đến năm 2020 đạt 31.125 tỷ đồng, tăng bình quân 15,2%/năm, trong đó năm 2010 đạt: 7.528 tỷ đồng, tăng bình quân 15,0%/năm, năm 2015 đạt 15.473 tỷ đồng, tăng bình quân 15,5%/năm, năm 2015 đạt 15.473 tỷ đồng, tăng bình quân 15,0%/năm.
+ Tỷ trọng GDP công nghiệp trong tổng sản phẩm của tỉnh năm 2010 chiếm 38%; năm 2015 chiếm 39%, năm 2020 chiếm 40%.
+ Lao động trong ngành công nghiệp đến năm 2020 khoảng 503 ngàn người, tăng bình quân 10,1%/năm, trong đó giai đoạn 2006 – 2020 tăng 12,2%/năm, giai đoạn 2011 – 2015 tăng 10%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 tăng 8%/năm.
Mục tiêu phát triển công nghiệp theo phân ngành như sau: (Tính theo giá trị sản xuất)
TT | Phân ngành công nghiệp | Tăng trưởng | Tỷ trọng | ||||
2006-2010 | 2011-2015 | 2016-2020 | Năm 2010 | Năm 2015 | Năm 2020 | ||
| Toàn ngành | 20 | 20 | 17,44 | 100 | 100 | 100 |
1 | Công nghiệp khai thác | 8,69 | 5 | 4 | 1,4 | 0,7 | 0,4 |
2 | Công nghiệp chế biến | 24,42 | 21,58 | 18,28 | 86,4 | 92,3 | 95,6 |
2.1 | CN cơ khí, điện tử và gia công KL | 37,16 | 26,23 | 19,77 | 41,5 | 53,4 | 58,9 |
2.2 | CN sản xuất VLXD | 11,57 | 12 | 11 | 20,7 | 14,7 | 11,1 |
2.3 | CN chế biến nông- lâm sản thực phẩm | 21,95 | 18 | 19 | 13,2 | 12,2 | 13 |
2.4 | CN dệt, may, da giầy | 22,64 | 12 | 16 | 7,6 | 5,4 | 5,1 |
2.5 | CN hóa chất và các sản phẩm hoá chất | 22,94 | 20 | 20 | 2,1 | 2,1 | 2,4 |
2.6 | Cn khác (in, tái chế...) |
|
|
| 1,1 | 4,4 | 5,1 |
3 | Công nghiệp điện, nước | 3,28 | 7,5 | 5 | 12,2 | 7 | 4 |
3.1 | Sản xuất và phân phối điện | 3,24 | 7,44 | 4,99 | 12,1 | 6,9 | 6,4 |
3.2 | Sản xuất và phân phối nước | 12,7 | 16,54 | 11,2 | 0,07 | 0,06 | 0,05 |
6. Định hướng phát triển các ngành công nghiệp chính:
6.1. Công nghiệp cơ khí, điện tử:
Là ngành công nghiệp nền tảng có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế, trong sự nghiệp CNH - HĐH, củng cố an ninh quốc phòng cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng. Sản xuất điện tử, cơ khí tạo ra giá trị sản phẩm cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác của tỉnh phát triển. Cơ khí, điện tử, CNTT là ngành chủ lực của công nghiệp Hải Dương. Đến năm 2020 giá trị sản xuất ngành cơ khí, điện tử đạt 94.789 tỷ đồng, chiếm 58,95% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tăng bình quân 27,7%/năm trong giai đoạn 2006 – 2020, trong đó giai đoạn 2006 – 2010 tăng bình quân 37,16%/năm, tăng 26,23%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 19,77%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
6.2. Công nghiệp sản xuất VLXD:
Phát triển mạnh công nghiệp sản xuất xi măng, gạch ốp lát, gạch men sứ, gạch xây tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh; phù hợp với quy hoạch công nghiệp sản xuất xi măng của cả nước và quy hoạch vùng tỉnh. Sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn nguyên liệu đá vôi xi măng, sét, cao lanh và các loại tài nguyên khoáng chất khác. Phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng trên cơ sở công nghệ sản xuất hiện đại nhằm giảm thiểu tối đa nguồn khí thải làm ô nhiễm môi trường. Đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp ngành vật liệu xây dựng đạt 17.848 tỷ đồng, tăng bình quân 11,6%/năm, trong đó giai đoạn 2006-2010 tăng 11,58%/năm, giai đoạn 2011- 2015 tăng 12%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng 11%/năm.
6.3. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm:
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến có lợi thế cạnh tranh, tạo khả năng thu hút được nguồn nguyên liệu tại chỗ của tỉnh và các tỉnh lân cận để thực hiện chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. Đầu tư thay thế dần các thiết bị, công nghệ chế biến lạc hậu để không ngừng đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm. Phát triển các nghề tái chế các phụ phẩm, phế phẩm để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạn chế ô nhiễm môi trường. Phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu, nhất là tạo các vùng nguyên liệu nuôi trồng ổn định. Đa dạng về quy mô và loại hình sản xuất chế biến. Phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm – thủy sản và thực phẩm cần gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến năm 2020 giá trị SXCN đạt 20.897 tỷ đồng, tăng bình quân 19,7%/năm, trong đó 2006 – 2010 tăng 21,9%/năm, giai đoạn 2011- 2015 tăng 18%/năm, giai đoạn 2016- 2010 tăng 19%/năm.
6.4. Công nghiệp dệt may, da giầy:
Tận dụng các lợi thế của công nghiệp dệt may, da giầy để phát triển nhanh nhằm giải quyết việv làm, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, khai thác mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều thành phần, đổi mới công nghệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế của sản phẩm và doanh nghiệp. Đẩy nhanh thực hiện các dự án đã chấp thuận đầu tư. Khuyến khích các dự án đầu tư vào các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc tiếp nhận dự án đầu tư mới phải có trình độ công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh mạnh và không gây ô nhiễm môi trường.
Phấn đấu đến năm 2010 đạt 15 triệu đôi giày; 55 triệu sản phẩm may mặc. Đến năm 2020 đạt 40 triệu đôi giầy và 110 triệu sản phẩm may mặc. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành dệt may, da giầy là 22,63%/năm giai đoạn 2006 - 2010; tăng 12,02%/năm giai đoạn 2011- 2015 và 16% giai đoạn 2016- 2020. Đạt 2.200 tỷ đồng vào năm 2010; đạt 3.880 tỷ vào năm 2015 và 8.141 tỷ đồng vào năm 2020.
6.5. Công nghiệp hoá chất, in ấn:
Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghiệp hoá chất, in ấn để đáp ứng nhu cầu tiều dùng của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tăng cường thu hút các nguồn đầu tư để tiếp tục mở rộng, đổi mới công nghệ, xây dựng các cơ sở mới cho ngành hoá chất, in ấn, thuốc tân dược và nguyên liệu thuốc kháng, sản xuất các sản phẩm nhựa phục vụ tiêu dùng và sản xuất linh kiện, chi tiết, phụ tùng ôtô, xe máy bằng nhựa cao cấp thay thế kim loại.
Giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006- 2010 là 22,55%/năm; giai đoạn 2011- 2015 là 19,91% và giai đoạn 2016- 2020 là 19,88%/năm. Đạt giá trị 630 tỷ đồng vào năm 2010; đạt 1.562 tỷ đồng năm 2015 và 3.862 tỷ đồng năm 2020.
6.6. Công nghiệp khai thác:
Khai thác tiết kiệm, có hiệu quả nguồn nguyên liệu đá vôi xi măng, sét, cao lanh và các loại tài nguyên khoáng chất khác. Phấn đấu công nghiêp khai thác tăng trưởng giai đoạn 2006-2010 bình quân 8,67%/năm; giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 5%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 4,0%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp (Giá cố định năm 1994) năm 2010 đạt 402 tỷ VNĐ; năm 2015 đạt 513 tỷ VNĐ và năm 2020 đạt 624 tỷ VNĐ.
6.7. Công nghiệp điện, nước:
Phát triển điện lực phù hợp Qui hoạch điện cả nước, cả Vùng đồng thời tính đến các điều kiện cụ thể của Tỉnh, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế –xã hội. Phát triển lưới điện đồng bộ với nhu cầu phụ tải, ưu tiên các phụ tải dùng cho sản xuất công nghiệp, đảm bảo an ninh – quốc phòng.
Phát huy thế mạnh của tỉnh là gần nguồn nhiên liệu than, duy trì các nhà máy phát điện đã có, đồng thời gọi vốn đầu tư xây dựng một số nhà máy nhiệt điện mới. Phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện từ nguồn đến các phụ tải; đảm bảo lưới điện khu vực thành phố, thị xã có bán kính cấp điện dưới 0,3 km, tổn thất điện áp khoảng 5%, lưới điện nông thôn đảm bảo bán kính cấp điện dưới 0,5km từ trạm biến thế, tổn thất không quá 10%.
Đầu tư phát triển nhà máy nước tại các huyện, Khu công nghiệp đảm bảo đủ nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006- 2010 là 3,83%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 là 12,07%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 là 2,9%/năm. Đạt giá trị 3.500 tỷ đồng vào năm 2010; đạt 6.188 tỷ đồng vào năm 2015 và 7.140 tỷ đồng vào năm 2020.
6.8. Phát triển TTCN và làng nghề:
Mỗi năm thu hút từ 150 - 200 tỷ đồng đầu tư vào sản xuất, đưa tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này giai đoạn 2006 - 2010 đạt 1.000 tỷ đồng; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 1.500 – 2000; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3.500 tỷ đồng. Mỗi năm thu hút và giải quyết việc làm mới cho 8000 - 10000 lao động. Đến năm 2020 toàn tỉnh có 45.000 - 50.000 cơ sở TTCN, làng nghề. Đến năm 2010 số làng nghề được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận là 60 - 70 làng, đến năm 2015 có trên 100 làng nghề, đến năm 2020 có trên 200 làng được cấp bằng công nhận làng nghề công nghiệp - TTCN.
6.9. Đầu tư xây dựng và phát triển các khu cụm công nghiệp:
Phát triển hợp lý các khu cụm công nghiệp. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đảm bảo công nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và tăng cương thu hút các dự án để nhanh lấp đầy diện tích các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt. Tiếp tục mở rộng một số khu, cụm công nghiệp có điều kiện mở rộng và khảo sát lập quy hoạch một số khu cụm công nghiệp mới. Đảm bảo đến năm 2010 có 11 khu và 35 cụm công nghiệp, đến năm 2020 có 15 khu và 40 đến 50 cụm công nghiệp.
7. Các chính sách và giải pháp chủ yếu
7.1. Giải pháp về tổ chức, quản lý:
Hoàn thành sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước địa phương theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000, ISO 14000, HACCP, TQM…, xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các sở ngành liên quan phải làm tốt nhiệm vụ là cơ quan chuyên môn, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Công nghiệp, các bộ, ngành ở trung ương; giữa các ngành, các cấp trong tỉnh theo phân công, phân cấp cụ thể, kết hợp tốt quản lý theo ngành và theo vùng lãnh thổ. Củng cố bộ máy biên chế, bố trí cán bộ đủ điều kiện, năng lực làm công tác tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các cấp, nhất là cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong phát triển CN - TTCN của các địa phương. Tăng cường thực thi các chính sách xã hội, bảo vệ quyền lợi người lao động và các doanh nghiệp. Ban hành qui chế quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
7.2. Giải pháp thị trường:
Phát triển thị trường trong tỉnh gắn với thị trường ngoài tỉnh gắn với thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cung cấp thông tin, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu. Tăng cường việc tìm kiếm thị trường cũng như giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin. Miễn phí quảng bá trên các Website của tỉnh, cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về các văn bản pháp luật, thông lệ quốc tế và khu vực về sản xuất, xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu trong tương lai. Tạo điều kiện cho hàng hoá công nghiệp của tỉnh nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, chuẩn bị tốt các điều kiện để tham gia đầy đủ vào AFTA và WTO. Nâng cao khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp hiện có, tăng cường việc tham gia các hội chợ chuyên ngành được tổ chức trong nước cũng như ở nước ngoài để tìm kiếm thị trường mới, nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng đối với các loại sản phẩm chủ yếu và có thế mạnh của tỉnh.
7.3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:
Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ quản lý. Có chính sách thu hút cán bộ trẻ có trình độ cao về công tác tại Hải Dương. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề, truyền nghề, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động. Xây dựng kế hoạch đào tạo và tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các trường, gắn đào tạo tại trường với đào tạo tại các doanh nghiệp. Có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động đối với các doanh nghiệp đầu tư mới, sử dụng lao động tại chỗ. Hàng năm tỉnh dành một nguồn kinh phí trích từ ngân sách và huy động từ các nguồn khác để hỗ trợ cho đào tạo nghề, truyền nghề, du nhập nghề mới để đáp ứng nhu cầu lao động tại các làng nghề, các cụm công nghiệp.
7.4. Giải pháp về khoa học công nghệ:
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất theo phương châm kết hợp công nghệ tiên tiến hiện đại với công nghệ truyền thống nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường trong nước và quốc tế. Coi trọng công nghệ sạch không gây ô nhiễm môi trường, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, môi sinh, phát triển bền vững. Đối với các nhà máy đang hoạt động có dây chuyền công nghệ lạc hậu cần quy định thời hạn thay thế thiết bị bằng công nghệ hiện đại. Các dự án đầu tư mới cần được thẩm định về tác động môi trường, hoặc phải tính đủ chi phí xử lý môi trường do doanh nghiệp gây ra. Xây dựng lộ trình đổi mới chất lượng công nghệ cho các sản phẩm chủ yếu của tỉnh, tham gia hệ thống quản lý ISO 9000, mã vạch, mã số để hội nhập thị trường khu vực và thế giới. Hàng năm dành 30% kinh phí phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới qui trình công nghệ, sản xuất sản phẩm mới, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu hàng hóa, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn.
7.5. Giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu:
Xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến công nghiệp như vùng nguyên liệu rau, quả, nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động. Đảm bảo 100% cơ sở sử dụng nguyên liệu nông sản chế biến phải có hợp đồng liên kết với người sản xuất nguyên liệu để đảm bảo lợi ích hài hoà, hợp lý lâu dài giữa các bên. Khuyến khích người sản xuất nguyên liệu góp vốn (hoặc đóng cổ phần) với nhà máy chế biến, từ đó tạo vùng nguyên liệu ổn định, vững chắc cho nhà máy hoạt động hiệu quả.
7.6. Giải pháp về xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp - TTCN:
Phối hợp với các Bộ, Ngành Trung ương tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư tại Hải Dương. Công bố danh mục các dự án công nghiệp kêu gọi đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép bằng những quy định cụ thể về thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giải phóng mặt bằng... thực hiện cơ chế một cửa, để giải quyết nhanh chóng, thuận tiện cho các nhà đầu tư.
7.7. Giải pháp về vốn:
Dự kiến tổng mức vốn đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2020 là 88.474,91 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2006-2010 là 21.641,91 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 là 38.041 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 28.792 tỷ đồng). Cơ cấu các nguồn vốn đầu tư gồm: Vốn ngân sách 10%, vốn tín dụng 38%, vốn dân cư và doanh nghiệp trong nước 15%, vốn nước ngoài 37%. Huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài tỉnh để phát triển công nghiệp thông qua hệ thống tín dụng, ngân hàng, thị trường chứng khoán, đầu tư nước ngoài, thuê mua tài chính ..
7.8. Biện pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:
Thực hiện tốt việc lựa chọn, chấp thuận các dự án đầu tư có đủ các điều kiện cần thiết về sản xuất, môi trường. Thường xuyên tiến hành việc đánh giá hiện trạng môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất hiện có. Phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề phải gắn với công tác bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng môi trường, ngăn ngừa và giảm thiếu ô nhiễm ở các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Có các chế tài đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường và cần di dời nếu nằm trong khu dân cư. Trong các KCN, CCN cần xây dựng các xí nghiệp xử lý môi trường tập trung. Sau năm 2010 chỉ chấp thuận đầu tư cho các dự án sản xuất công nghiệp bảo đảm môi trường vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp gắn liền với việc bảo vệ an ninh quốc phòng và thực hiện sẵn sàng động viên công nghiệp.
Điều 2: Phân công thực hiện
Sở Công nghiệp là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan căn cứ nội dung đề án triển khai thực hiện; Trên cơ sở Quy hoạch, Sở Công nghiệp xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm và các đề án, công trình cụ thể trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 3: Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Công nghiệp, Kế hoạch đầu tư, Tài chính; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Quyết định 1024/QĐHC-CTUBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3 Quyết định 215/2006/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2020 do tỉnh Bình Dương ban hành
- 4 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5 Thông tư 05/2003/TT-BKH hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 1 Quyết định 1024/QĐHC-CTUBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Quyết định 215/2006/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2020 do tỉnh Bình Dương ban hành
- 3 Quyết định 3130/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030