Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2180/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 03 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN, GIAI ĐOẠN 2015 - 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Xét đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình 2079/CAT-PV11 ngày 14/10/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2015 - 2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh;
- Các Phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2180/QĐ-UBND ngày 03/11/2015 của UBND tỉnh)

Phần thứ I

CƠ SỞ THỰC TIỄN, PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ THỰC TIỄN

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nhằm đảm bảo ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT), ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân được nâng lên rõ rệt, cơ sở hạ tầng giao thông từng bước được nâng cấp, nhất là ở địa bàn nông thôn; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được duy trì thường xuyên. Do đó, tình hình TTATGT đã có sự chuyển biến tích cực, TNGT được kiềm chế. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế: cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT của một số đơn vị, địa phương chưa được chú trọng; chính quyền một số địa phương chưa tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo TTATGT, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp nhưng mặt đường hẹp, thiếu biển báo hiệu giao thông, tầm nhìn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia thông chưa cao, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong khi lực lượng CSGT còn mỏng, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường giao thông nông thôn chưa được chú trọng.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Xây dựng Đề án “Tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015 – 2020” dựa trên những cơ sở pháp lý sau:

1. Luật giao thông đường bộ năm 2008.

2. Luật đường sắt năm 2005.

3. Luật đường thủy nội địa năm 2004.

4. Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.

5. Chỉ thị 1405/CT-TTg , ngày 30/9/2008 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh theo quy định tại Nghị định số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 và Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ.

6. Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT.

7. Quyết định số 800/QĐ-TTg , ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

8. Nghị định 27/2010/NĐ-CP , ngày 24/3/2010 của Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát TTATGT đường bộ trong trường hợp cần thiết; Thông tư số 47/2011/TT-BCA , ngày 02/7/2011 của Bộ Công an về quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 của Chính phủ.

Phần thứ II

TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TTATGT THỜI GIAN QUA VÀ DỰ BÁO TÌNH HÌNH TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CÓ LIÊN QUAN

Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam trung bộ vừa đồng bằng, vừa miền núi, có địa hình địa lý phức tạp với nhiều sông suối, đồi núi, đèo dốc...; phía Bắc giáp với tỉnh Bình Định, phía Tây giáp với tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai, phía Nam giáp với tỉnh Khánh Hòa, phía Đông giáp với biển Đông; theo địa giới hành chính được chia thành 07 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố trực thuộc tỉnh với 112 xã, phường, thị trấn (16 phường, 8 thị trấn và 88 xã); diện tích tự nhiên 5.060,6 km2, dân số trên 9,5 vạn người.

Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh có đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không. Về đường bộ, tổng chiều dài 5.905 km, trong đó: Quốc lộ dài 431,39 km, đường tỉnh dài 200,73 km, đường nông thôn dài 5.226,68 km và đường đô thị dài 112,5 km. Về đường sắt, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa phận tỉnh có tổng chiều dài 95 km. Thời tiết có 2 mùa rõ rệt, mùa khô khí hậu nóng bức, mùa mưa thường có gió mạnh, mưa lớn kéo dài gây lụt lội trên diện rộng gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được Nhà nước đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa (3.339,04/5.226,68km, tỉ lệ 63,9%) theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đây là điều kiện thuận lợi để nhân dân đi lại và phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Tuy nhiên, do địa hình có nhiều đồi, núi, đèo dốc, nhiều đoạn đường giao thông nông thôn chưa đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, mặt đường hẹp, không có lề đường, tầm nhìn bị hạn chế, nhiều đoạn quanh co khúc khuỷu; lối rẽ, đường ngang mở tùy tiện; thiếu hệ thống biển báo hiệu giao thông dẫn đến sự gia tăng tai nạn giao thông (TNGT) ở khu vực này.

Trong những năm gần đây, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng đột biến, nhất là xe mô tô, xe máy, trung bình hàng năm đăng ký mới khoảng 33.000 phương tiện, trong đó xe mô tô trên 50 phân khối chiếm 91,9% (424.768/462.045 xe). Số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được đăng ký mới năm sau luôn cao hơn năm trước; tỷ lệ mô tô, xe máy ở khu vực nông thôn luôn chiếm tỷ lệ cao 52,3% (241.613/462.045), cụ thể:

+ Năm 2010 đăng ký mới: 585 xe ô tô, 28.935 xe mô tô, xe máy. Trong đó, ở khu vực nông thôn 219 xe ô tô (tỉ lệ 37,4%), 18.402 xe mô tô (tỉ lệ 63,6%) .

+ Năm 2011 đăng ký mới: 619 xe ô tô, 34.568 xe mô tô, xe máy. Trong đó, ở khu vực nông thôn 233 xe ô tô (tỉ lệ 37,6%), 22.885 xe mô tô (tỉ lệ 66,2%).

+ Năm 2012 đăng ký mới: 752 xe ô tô, 34.518 xe mô tô, xe máy. Trong đó, ở khu vực nông thôn 332 xe ô tô (tỉ lệ 44,1%), 21.066 xe mô tô (tỉ lệ 61%).

+ Năm 2013 đăng ký mới: 978 xe ô tô, 35.699 xe mô tô, xe máy. Trong đó, ở khu vực nông thôn 360 xe ô tô (tỉ lệ 36,8%), 21.501 xe mô tô (tỉ lệ 60,2%).

+ Năm 2014 đăng ký mới: 1.317 xe ô tô, 34.411 xe mô tô, xe máy. Trong đó, ở khu vực nông thôn 332 xe ô tô (25,2%), 20.626 xe mô tô (tỉ lệ 59,9%).

- Tính bình quân, năm 2010 tổng số xe mô tô, xe gắn máy được đăng ký 314.322 xe, bình quân khoảng 2,8 người dân trong tỉnh có 01 xe mô tô, xe gắn máy. Đến nay, tổng số xe mô tô, xe gắn máy hiện đang quản lý là 473.468 phương tiện; bình quân 02 người dân có 01 xe mô tô, xe máy, đó là chưa kể số xe máy điện, xe đạp điện và phương tiện thô sơ khác chưa đăng ký vẫn đang lưu hành trên các tuyến giao thông.

- Nhiều phương tiện tham gia giao thông đã quá cũ, hệ số an toàn thấp vẫn còn lưu hành trên các tuyến giao thông đang là mối lo ngại chung của người tham gia giao thông. Số phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc chưa đủ tiêu chuẩn không được các chủ phương tiện thay thế, sửa chữa vẫn đang hoạt động, nhất là ở địa bàn nông thôn, các huyện miền núi. Mặc dù, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các loại xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, xe hết niên hạn sử dụng nhưng vì lợi nhuận hoặc tiện lợi nên người dân vẫn lén lút đưa các loại phương tiện này tham gia giao thông.

II. TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TTATGT

1. Tình hình TNGT trên địa bàn Phú Yên

Từ năm 2010 đến năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 2.283 vụ TNGT, làm chết 712 người, bị thương 2.657 người, thiệt hại tài sản khoảng 8,759 tỷ đồng. Cụ thể:

Năm

Số vụ

Số người chết

Số người bị thương

2010

549

134

687

2011

564

157

664

2012

454

151

546

2013

384

135

416

2014

332

135

344

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm quy định pháp luật về TTATGT, tập trung vào các lỗi: vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, tránh vượt sai quy định… gây TNGT; phương tiện gây tai nạn do mô tô, xe gắn máy gây ra chiếm 68,3%; độ tuổi người gây tai nạn chủ yếu từ 18 đến 55 tuổi và đa số là nam giới; thời gian xảy ra tai nạn tập trung nhiều nhất trong ngày là từ 12 giờ đến 24 giờ; tuyến đường xảy ra TNGT tập trung các tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh, đáng chú ý tình hình TNGT trên các tuyến đường nông thôn trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp, mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng[1].

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT

Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đã quan tâm phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về TTATGT sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Trong đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đóng vai trò nòng cốt, chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan tuyên truyền trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT sâu rộng trong cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên với nhiều hình thức sinh động, phong phú, như: cấp phát tờ rơi, pano hình ảnh, chiếu phim ATGT, tuyên truyền lưu động; phối hợp với chính quyền cơ sở xuống tận thôn, buôn, khu phố tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật về TTATGT... nhất là, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhân dân tổ chức triển khai nhiều mô hình bảo đảm ATGT đạt hiệu quả cao, như mô hình “Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT nơi công cộng”, “Văn hóa giao thông trong trường học”… đã góp phần đáng kể vào việc làm chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông, kiềm chế, làm giảm TNGT trên địa bàn.

3. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT

Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT chủ yếu do lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông đảm trách, trong những trường hợp cần thiết có thể huy động các lực lượng khác như: Cảnh sát Bảo vệ và cơ động, Cảnh sát 113, Công an phường và Công an xã phối hợp Cảnh sát giao thông tham gia công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm ở những địa bàn nhất định. Lực lượng Công an đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tăng cường và mở nhiều đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATGT, các “điểm đen” thường xảy ra TNGT, tập trung xử lý theo chuyên đề ô tô, mô tô nhất là những lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như: vi phạm quy định nồng độ cồn, tốc độ, xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chở quá khổ, quá tải, quá số người quy định, tránh vượt sai, đi không đúng phần đường, không giấy phép lái xe, người ngồi trên xe môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm… Kết quả: số ca, số lượt tuần tra kiểm soát và số trường hợp xử lý vi phạm hành chính năm sau nhiều hơn năm trước, trong 5 năm (2010-2014) lực lượng Công an đã xử lý 313.997 trường hợp vi phạm, phạt tiền 165,602 tỷ đồng, tạm giữ 57.427 phương tiện các loại và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 27.316 trường hợp[2].

Tuy nhiên, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình hiện nay, số lượng cán bộ chiến sỹ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự hiện có chưa đủ để làm tốt công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 6/2015, lực lượng Cảnh sát giao thông và Cảnh sát trật tự toàn tỉnh gồm có 208 đồng chí; trung bình mỗi cán bộ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự phải phụ trách trên 28km đường bộ, vì thế việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT chủ yếu tập trung các tuyến đường và địa bàn trọng điểm, như Quốc lộ, tỉnh lộ và đường đô thị mà chưa thể khép kín tất cả các tuyến, địa bàn, nhất là các tuyến giao thông khu vực nông thôn. Do vậy, công tác công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT các tuyến giao thông khu vực nông thôn thời gian qua hiệu quả chưa cao, dẫn đến ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT khi tham gia giao thông của người dân khu vực này còn hạn chế.

III. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Những tồn tại, hạn chế

- Cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh còn nhiều bất cập so với sự gia tăng nhanh chóng của các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, nhất là lượng xe mô tô, xe máy. Ngoài tuyến Quốc lộ 1A đang được nâng cấp mở rộng, các tuyến Quốc lộ 29, 19C mới được nâng cấp trên cơ sở các tuyến tỉnh lộ nhưng hạ tầng giao thông chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng ngang tầm quốc lộ; các tuyến giao thông nông thôn được Nhà nước đầu tư nhựa hóa hoặc bê tông hóa nhưng còn nhiều vị trí mặt đường còn hẹp, đường vòng, dốc, tầm nhìn bị hạn chế và hệ thống biển báo hiệu đường bộ chưa lắp đặt bổ sung đầy đủ…tất cả những yếu tố đó đã ảnh hưởng đến sự an toàn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể dẫn đến vi phạm và gây va chạm, TNGT.

- Việc tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để kinh danh, buôn bán, trông giữ phương tiện; xây dựng nhà ở, quán ăn và các công trình kiên cố khác; tuốt lúa, phơi nông sản trên đường chưa được các ngành, các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm, làm ảnh hưởng đến ATGT.

- Sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban ngành chức năng của tỉnh và huyện trong công tác khảo sát, quy hoạch, đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông tuy có tiến bộ, chuyển biến hơn trước, song vẫn chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ và có lúc không đồng bộ. Công tác kiểm tra khảo sát các tuyến đường bộ để sớm phát hiện, kiến nghị các cơ quan hữu quan khắc phục những sơ hở, thiếu sót như cọc tiêu, biển báo, vạch kẻ đường, rào chắn… chưa được quan tâm đúng mức.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT chưa được các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nội dung, hình thức và biện pháp công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT chưa thật sự đa dạng, hấp dẫn, kém phong phú, chưa sát hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, giới tính và còn mang tính thời vụ. Đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này đa số chưa qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức khả năng sư phạm. Lực lượng tuyên truyền viên cơ sở xã, phường, thị trấn chưa hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Việc giảng dạy pháp luật TTATGT tại các trường học còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

- Lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; chưa tổ chức tuần tra khép kín địa bàn 24/24 giờ, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm, đường giao thông nông thôn. Phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ (cân tải trọng, máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn…) còn thiếu, nên việc kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn.

- Công tác phối hợp xét xử lưu động các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm còn hạn chế, chưa được chú trọng làm cho hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao.

2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

Những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng có thể do tác động của nhiều yếu tố, điều kiện khác nhau, song dễ nhận thấy và nổi lên những nguyên nhân chính sau:

- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đảm bảo TTATGT chưa được bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh một cách kịp thời, một số văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Do đó, chưa tạo được hành lang pháp lý vững chắc làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, làm giảm hiệu quả trong công tác đảm bảo TTATGT.

- Một số văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực bảo đảm TTATGT mới ban hành nhưng sửa đổi, bổ sung thiếu tính ổn định bền vững nên người dân chưa nắm bắt kịp thời, gây khó khăn cho lực lượng thi hành pháp luật; văn bản pháp luật lĩnh vực TTATGT chỉ đến các cơ quan thi hành pháp luật, chưa được cấp phát rộng rãi, miễn phí đến các tổ chức xã hội, chính quyền cơ sở để tuyên truyền cho người dân nắm bắt, thực hiện.

- Cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chưa thật sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm TTATGT, nhất là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông ở địa bàn nông thôn. Trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể nhất là chính quyền cơ sở xã, phường trong việc giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT chưa được phát huy.

- Ý thức tuân thủ pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, nhất là ở địa bàn nông thôn và khi không có lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường. Người tham gia giao thông chưa thật sự xem vấn đề chấp hành các quy tắc giao thông là bắt buộc, có tính chất pháp quy; chưa nhận thức được chấp hành pháp luật giao thông là quyền lợi và nghĩa vụ công dân; người vi phạm chưa nhận thức những hành vi mà mình gây ra có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và xã hội. Chính vì thế, tình trạng vi phạm TTATGT hiện vẫn còn đang phổ biến.

- Hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT của lực lượng CSGT chỉ mới quán xuyến một số tuyến giao thông trọng điểm, chưa đủ lực lượng để bố trí tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường giao thông nông thôn, do vậy việc phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm TTATGT vẫn còn nhiều hạn chế, tác dụng răn đe giáo dục chưa cao; trong nhiều trường hợp công tác tuần tra kiểm soát chỉ mang tính hành chính đơn thuần, chưa phát huy được hết vai trò, tác dụng trong đảm bảo TTATGT và phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm trên tuyến giao thông. Công tác tập huấn các phương pháp, chiến thuật tuần tra kiểm soát cho cán bộ, chiến sỹ chưa được tiến hành thường xuyên; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu, ý thức trách nhiệm trong việc phối hợp các lực lượng trong và ngoài ngành chưa cao, chưa phát huy được tính cơ động và hiệu quả phối hợp trong công tác bảo đảm TTATGT.

IV. DỰ BÁO TÌNH HÌNH TTATGT TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

Trong những năm tới, dự báo tình hình TTATGT sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Việc mở rộng Quốc lộ 1A, xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả, Đèo Cù Mông sẽ giúp cho quá trình vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường bộ được thuận lợi nhưng mặt khác làm cho mật độ phương tiện vận tải qua địa bàn tỉnh gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Nhu cầu giao thương với các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên và giữa các địa phương trong tỉnh thông qua các tuyến QL25, QL29, QL19C dự báo tăng, nhưng mặt đường các tuyến này nhỏ hẹp, không đảm bảo an toàn, dễ xảy ra tai nạn giao thông. Khu vực nông thôn dự báo tai nạn sẽ tăng cao trong những năm tới do hệ thống đường giao thông được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại nhưng thiếu hệ thống biển báo, tầm nhìn hạn chế, ý thức chấp hành của phần lớn người dân khu vực nông thôn nói riêng, cả tỉnh nói chung chưa cao. Bên cạnh đó, số lượng người và phương tiện cơ giới, nhất là mô tô, xe gắn máy không ngừng gia tăng, nhất là tại khu vực trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố; phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn còn được người dân sử dụng tham gia giao thông; hạ tầng giao thông tuy được đầu tư, nâng cấp nhưng nhiều nơi chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, mặt đường hẹp, hệ thống báo hiệu chưa đầy đủ… , ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên còn tự do, tùy tiện, chấp hành pháp luật chưa nghiêm, là những nguy cơ tiềm ẩn gia tăng tai nạn.

Phần thứ III

MỤC TIÊU, YÊU CẦU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Nhằm đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đảm bảo TTATGT, kiềm chế và làm giảm TNGT trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở trong công tác bảo đảm TTATGT; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban ATGT từ tỉnh đến cơ sở; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác giữ gìn TTATGT, kiềm chế và làm giảm TNGT, nhất là khu vực nông thôn.

2. Đề xuất các giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kiềm chế TNGT khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

3. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản, đó là:

- Hàng năm TNGT giảm từ 5% - 10% trên cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

- Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác thực thi pháp luật về TTATGT.

- Tạo lập được thói quen và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông, trước hết là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; phát triển văn hóa giao thông cộng đồng. 100% các bậc học phải được giáo dục về TTATGT và 100% số người điều khiển phương tiện giao thông được trang bị kiến thức, pháp luật về ATGT.

- Nâng cấp, cải tạo và tăng cường điều kiện an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên toàn tỉnh; đặc biệt ưu tiên các tuyến đường có mật độ giao thông lớn và đường giao thông nông thôn.

- Thực hiện các biện pháp xóa bỏ 100% các điểm đen, các vị trí có nguy cơ tiềm ẩn TNGT cao trên toàn bộ hệ thống đường bộ của tỉnh;

- Nâng cấp hệ thống đào tạo (các trung tâm, trường nghề), sát hạch cấp giấy phép lái xe đạt tiêu chuẩn quốc gia, nhất là thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe và trung tâm kiểm định ATKT và bảo vệ môi trường.

II. KINH PHÍ, PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Kinh phí thực hiện

- Kinh phí thực hiện Đề án trích từ nguồn kinh phí đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh.

- Các sở, ban, ngành, tranh thủ tối đa sự quan tâm của các cấp ngành Trung ương để bổ sung nguồn kinh phí, trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh.

2. Địa bàn triển khai thực hiện Đề án

Đề án được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Thời gian thực hiện

Từ năm 2015 đến năm 2020.

III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN

1. Nhiệm vụ

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở xã, phường trong công tác bảo đảm TTATGT; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác bảo đảm TTATGT.

- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm TTATGT; thường xuyên quản lý, giáo dục cán bộ, công nhân viên cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT; bổ sung quy định ATGT là tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên hàng năm.

- Bố trí đủ lực lượng, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm TTATGT; tăng cường lực lượng Công an xã phối hợp Cảnh sát giao thông tham gia công tác tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ khu vực nông thôn.

- Triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp công tác đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông; tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông và tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây TNGT.

- Bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm phục vụ công tác.

2. Giải pháp chủ yếu

2.1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong công tác bảo đảm TTATGT

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp tại Chỉ thị 18-CT/TW,ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; kế hoạch số 31-KH/TU ngày 14/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác bảo đảm TTATGT.

- Quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể và người đứng đầu; trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác bảo đảm TTATGT là một trong những tiêu chí đề bình xét, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, phân loại đảng viên, đề bạt, bổ nhiệm, ứng cử, xét danh hiệu “gia đình văn hóa”…

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW,ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; kế hoạch số 31-KH/TU ngày 14/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.

2.2. Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện.

Chú trọng công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm tính đồng bộ và hoàn thiện theo đúng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn giao thông trên toàn mạng lưới giao thông. Trong đó tập trung một số nội dung sau:

- Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm có kế hoạch triển khai cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 25, 29 và 19C đi qua địa bàn tỉnh bảo đảm quy chuẩn quốc gia; Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tổ chức nâng cấp, cải tạo các đường ngang hiện có, mở thêm đường ngang, hầm chui, giải tỏa tầm nhìn tại các đường ngang bị che khuất, đầu tư xây mới hàng rào, đường gom, kiên quyết rào chắn những đường ngang dân sinh mở trái phép để phòng ngừa, hạn chế TNGT xảy ra.

- Tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, chú ý đầu tư phát triển mạng lưới giao thông khu vực nông thôn. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp và đơn vị chức năng về quản lý hành lang ATGT. Kiểm tra, rà soát việc bảo đảm ATGT đối với các công trình đường bộ đang khai thác và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các đơn vị thi công không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm ATGT. Thường xuyên khảo sát, sửa chữa, khắc phục kịp thời những bất cập về tổ chức giao thông.

- Khẩn trương rà soát có biện pháp cải tạo, xóa bỏ các “điểm đen”, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT trên các tuyến giao thông; tập trung giải quyết dứt điểm các điểm vi phạm hành lang ATGT đường bộ; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chống lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang ATGT.

- Đẩy nhanh tiến độ nhựa hóa, bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đồng thời, giải tỏa những vị trí đường cong, tầm nhìn che khuất; bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo, cọc tiêu và quy chuẩn kỹ thuật tại các điểm đấu nối giữa đường giao thông nông thôn với các tuyến đường chính nhằm bảo đảm ATGT.

- Đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất về trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ Trạm đăng kiểm tại tỉnh Phú yên và Cảnh sát giao thông; thường xuyên kiểm tra, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

2.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT

- Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và các cơ quan, ban ngành tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, nhất là phát huy thế mạnh của các cơ quan thông tin tuyên truyền trong việc phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông. Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào sinh hoạt định kỳ của Chi bộ đảng, đoàn thể, gắn xây dựng “Văn hóa giao thông” vào nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Sơ kết các mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT để rút kinh nghiệm, nhân rộng. Chú trọng công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, mặt trận, hội đoàn thể và chính quyền địa phương cơ sở tổ chức tuyên truyền cá biệt các đối tượng thường có hành vi vi phạm, tập trung lứa tuổi thanh thiếu niên.

- Tập trung nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên từ bậc tiểu học đến đại học; đưa công tác giảng dạy pháp luật về TTATGT vào chương trình chính khóa, nhằm giáo dục kiến thức cơ bản về pháp luật ATGT và rèn luyện ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về ATGT nói riêng cho các bậc học sinh trên toàn tỉnh, bảo đảm phù hợp với từng độ tuổi, trên cơ sở sự phát triển tâm lý và thể chất của từng đối tượng.

- Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải thường xuyên tổ chức giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe. Quy định trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trong công tác này. Thường xuyên cung cấp thông tin về các mối nguy hiểm trên đường, các điểm nguy hiểm trên tuyến vận tải cho lái xe; kiểm tra kỹ năng của lái xe và xây dựng các chế tài xử phạt đối với lái xe vi phạm.

- Lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thường xuyên quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện pháp luật về TTATGT; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về TTATGT, đồng thời nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức can thiệp vào việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.

- Tạo điều kiện cho nhân dân được nghiên cứu, quán triệt, học tập nâng cao trình độ dân trí về pháp luật nói chung và pháp luật về TTATGT nói riêng, nhất là nhân dân các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn khó khăn, như: cấp phát miễn phí Luật giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật TTATGT, các tờ rơi tuyên truyền…

2.4. Nâng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT

- Tổ chức khảo sát, nghiên cứu, bố trí sắp xếp lại lực lượng Cảnh sát giao thông, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát phù hợp với tình hình mới, bảo đảm tập trung thống nhất, chuyên sâu và theo nguyên tắc bố trí theo tuyến kết hợp với địa bàn; phân công, phân cấp công tác đảm bảo TTATGT giữa cảnh sát giao thông Công an các cấp. Huy động lực lượng Cảnh sát khác phối hợp với Cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông; nhất là, tăng cường tối đa lực lượng Công an xã phối hợp tham gia công tác tuần tra kiểm soát các tuyến đường giao thông nông thôn, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây TNGT.

- Thanh tra giao thông theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, phát hiện ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật công trình đường bộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về hoạt động vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ; phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

- Theo phân công, phân cấp lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự phải xây dựng kế hoạch cụ thể, thường xuyên bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ tăng cường hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT 24/24 giờ ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, những nơi thường xảy ra TNGT trên tuyến QL1A, QL1D, QL25, QL29, QL19C và các tuyến đường tỉnh, đường nông thôn; nhất là mở nhiều đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm vào các ngày lễ, tết, các sự kiện văn hóa, thể thao; tập trung kiểm tra xử lý chuyên đề xe ô tô, mô tô, xe máy với những lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông như: xe ô tô chở quá khổ, quá tải, quá số người quy định, chạy quá tốc độ cho phép, thiết bị kỹ thuật không đảm bảo an toàn; xe mô tô, xe máy chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng trên đường giao thông, đi không đúng phần đường, chở quá số người quy định, không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi quy định, chở hàng hóa cồng kềnh, không đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là hành vi uống rượu, bia quá nồng độ quy định… Tập trung chỉ đạo kiểm tra xử lý nghiêm, kiên quyết xe mô tô, xe máy vi phạm, lứa tuổi từ 18 đến 45 tuổi và thời gian từ 18 giờ đến 24 giờ hàng ngày, Vì đây là nhóm phương tiện, lứa tuổi và thời gian thường xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất trong năm.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc đối với những người thi hành công vụ có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và điều tra, giải quyết TNGT.

2.5. Nâng cao chất lượng công tác điều tra xử lý các vụ TNGT của các cơ quan bảo vệ pháp luật

- Hoàn thiện về tổ chức biên chế và thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết TNGT Công an các cấp.

- Thực hiện nghiêm túc quy định về phân công, phân cấp công tác điều tra, giải quyết TNGT của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Tổ chức điều tra, giải quyết vụ TNGT bảo đảm khách quan, đúng quy trình và quy định pháp luật. Tập trung chỉ đạo tổ chức lực lượng điều tra kết luận chuyển sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố, xét xử nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm nhằm răn đe, giáo dục chung, không để dây dưa kéo dài

- Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp phối hợp với Viện kiểm sát, Toà án nhân dân kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội về TTATGT, xử án công khai, lưu động nơi hay xảy ra TNGT để tạo răn đe, phòng ngừa vi phạm.

2.6. Xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Công an xã trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu công tác đảm bảo TTATGT

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông gắn với việc nâng cao chất lượng công tác Đảng, công tác chính trị trong các đơn vị.

- Đầu tư các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đảm bảo TTATGT. Tăng cường biên chế cho lực lượng Cảnh sát giao thông đủ về số lượng đảm bảo khép kín địa bàn. Tăng cường kinh phí hỗ trợ cho lực lượng Công an xã tham gia cùng lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo TTATGT.

- Nâng cấp, hiện đại hóa hoạt động quản lý trật tự ATGT bằng hệ thống Camera giám sát tại các tuyến đường trong khu vực thành phố Tuy Hòa.

Phần IV

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và phối hợp với các cấp, các ngành và các đoàn thể quần chúng tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015 - 2020”. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án.

- Chỉ đạo Công an các địa phương và đơn vị chức năng thường xuyên xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức các đợt cao điểm đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ban ngành và cơ quan thông tin truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT sâu rộng trong cán bộ, nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và duy trì thường xuyên hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm TTATGT; tổ chức điều tra, giải quyết TNGT đúng quy trình, quy định pháp luật.

- Huy động lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tham gia công tác đảm bảo TTATGT ở địa bàn cơ sở theo quy định của pháp luật.

2. Sở Giao thông vận tải

- Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mạng lưới công trình giao thông đường bộ đang khai thác thuộc trách nhiệm quản lý; chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật; thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn giao thông và công trình giao thông trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện giao thông; quản lý việc đào tạo lái xe đối với các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn; nâng cao chất lượng kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện giao thông theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải.

- Tăng cường công tác quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn. Phối hợp đẩy mạnh việc quản lý, giáo dục đội ngũ lái xe chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp khi điều khiển xe tham gia giao thông.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

Tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền tăng thời lượng, phát thanh, phát sóng, đăng tải thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân.

4. Sở Tư pháp

Thực hiện trách nhiệm thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi người dân.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo các trường học thực hiện nghiêm túc công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục; tiếp tục bổ sung và đa dạng hoá các hình thức giáo dục về an toàn giao thông trong nhà trường ở tất cả các cấp học.

6. Sở Tài chính

Có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo đúng quy định hiện hành. Tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng tuần tra, kiểm soát và các lực lượng khác tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

7. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo Viện kiểm sát, Tòa án cấp dưới phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp phối hợp truy tố, xét xử nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm để phục vụ công tác phòng ngừa, răn đe, giáo dục chung.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Liên đoàn lao động tỉnh và các tổ chức kinh tế, xã hội khác tổ chức vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên, cán bộ tích cực tham gia công tác đảm bảo TTATGT.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo đảm TTATGT tại địa phương để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của đề án đến địa bàn cấp xã. Chỉ đạo lực lượng Công an tham mưu để xây dựng lực lượng Công an xã trên địa bàn vững mạnh. Hàng năm bố trí kinh phí để hỗ trợ triển khai các nội dung của đề án.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung Đề án và chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được phân công. Hàng năm thực hiện chế độ báo cáo định kỳ gửi về Công an tỉnh trước ngày 18/11 để theo dõi, tổng hợp (mốc báo cáo tính từ ngày 16/11 năm trước đến ngày 15/11 năm báo cáo).

2. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án này của các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết - báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

3. Quá trình thực hiện Đề án nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để xem xét, tổng hợp, chỉ đạo giải quyết./.



[1] Nguyên nhân gây TNGT do vi phạm tốc độ 369 vụ, chết 104 người, bị thương 415 người; vi phạm phía đi 611 vụ, chết 163 người, bị thương 839 người; vi phạm tránh vượt xe 74 vụ, chết 20 người, bị thương 80 người; không quan sát 237 vụ, chết 49 người, bị thương 247 người… Độ tuổi người gây TNGT từ 17-27 tuổi: 460 vụ, chết 108 người, bị thương 585 người; từ 27-55 tuổi: 535 vụ, chết 156 người, bị thương 602 người. Thời gian xảy ra từ 12- 18 giờ: 593 vụ, chết 175 người, bị thương 714; từ 18-24 giờ: 781 vụ, chết 256 người, bị thương 895 người. Tuyến Quốc lộ xảy ra797 vụ, chết 355 người, bị thương 841 người; Tỉnh lộ 198 vụ, chết 102 người, bị thương 215 người; nông thôn 452 vụ, chết 139 người, bị thương 584 người.

[2] Trong đó, không đội mũ bảo hiểm 49.939, không giấy phép lái xe 44542, vi phạm tốc độ 37.115,vi phạm quy định nồng độ cồn 7.744, vi phạm quy định tín hiệu đèn 3.773, chở quá số người quy định 19.599, chở hàng quá tải 16.239 trường hợp…; tạm giữ 55.782 mô tô, 1.631 ô tô các loại.