Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2193/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC KIỆN TOÀN BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ được kiện toàn trên cơ sở Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ thành lập theo Quyết định số 200/1998/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.

Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ và dấu của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Điều 2. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo

1. Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hàng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của Chính phủ, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính.

Điều 3. Quyền hạn của Ban Chỉ đạo

1. Lập các tiểu ban hoặc nhóm công tác giúp Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính.

2. Được mời tham dự các cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các cuộc họp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương liên quan đến nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

3. Mời lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương và đại diện cơ quan, tổ chức khác liên quan tham dự các cuộc họp, các buổi làm việc của Ban Chỉ đạo.

4. Yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Điều 4. Thành viên Ban Chỉ đạo

1. Trưởng Ban Chỉ đạo: Thủ tướng Chính phủ.

2. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo:

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo;

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo;

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

3. Các Ủy viên:

- Thứ trưởng Bộ Tư pháp;

- Thứ trưởng Bộ Tài chính;

- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;

- Thứ trưởng Bộ Công an;

- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;

- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Thứ trưởng Bộ Y tế;

- Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Thứ trưởng Bộ Công Thương;

- Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

- Thứ trưởng Bộ Xây dựng;

- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;

- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ;

- Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam;

- Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam;

- Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam;

- Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ;

- Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo;

- Mời Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia Ủy viên Ban Chỉ đạo.

Căn cứ quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, người đứng đầu các cơ quan có liên quan cử người tham gia thành viên Ban Chỉ đạo để Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 5. Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo

1. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

2. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 06 tháng một lần. Khi cần thiết Trưởng ban Chỉ đạo triệu tập họp bất thường.

3. Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

4. Thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo do Trưởng ban Chỉ đạo ban hành.

Điều 6. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo

1. Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Trưởng ban Chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo.

3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo, bảo đảm nguyên tắc gọn nhẹ, hiệu quả, không phát sinh biên chế riêng. Chánh Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo là Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

Điều 7. Kinh phí hoạt động

Nguồn kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước cấp hàng năm được tổng hợp chung vào kinh phí của Bộ Nội vụ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 8. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo.

Các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính