Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2194/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH “CÔNG BỐ TÀI LIỆU LƯU TRỮ QUỐC GIA PHỤC VỤ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Luật Tiếp cận thông tin ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

Căn cứ Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước” (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Công bố rộng rãi tài liệu lưu trữ quốc gia nhằm phát huy hiệu quả giá trị tài liệu góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng ngành, địa phương, vùng miền; giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho các thế hệ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

2. Yêu cầu

a) Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ chủ quyền đất nước;

b) Công bố tài liệu lưu trữ phải bảo đảm trung thực, độ chính xác, tin cậy cao về nội dung và hình thức tài liệu.

c) Công bố tài liệu lưu trữ gắn với nhu cầu, mục đích, đối tượng và thực tiễn đất nước, của từng ngành, địa phương, vùng miền.

d) Tăng cường đổi mới phương thức công bố tài liệu lưu trữ theo hướng sáng tạo, hiện đại, phù hợp xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, tích hợp, chia sẻ các dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia, góp phần xóa bỏ rào cản về thời gian, không gian địa lý để công chúng ở trong và ngoài nước có thể tiếp cận với thông tin tài liệu lưu trữ nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.

II. CÁC NHIỆM VỤ

1. Tổ chức biên dịch tài liệu Hán - Nôm, tài liệu tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để phục vụ công bố.

2. Tổ chức xử lý khối tài liệu ảnh bị sai sót, thiếu thông tin trước khi đưa ra công bố.

3. Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hình thức: trưng bày, triển lãm, xuất bản ấn phẩm, xây dựng phim, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác.

4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác công bố tài liệu lưu trữ.

5. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động công bố tài liệu lưu trữ tại các Lưu trữ lịch sử nhà nước.

6. Xây dựng Cổng thông tin công bố tài liệu lưu trữ quốc gia.

III. THỜI GIAN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Thời gian thực hiện Chương trình

Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2030.

2. Kinh phí thực hiện Chương trình

- Ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách hằng nằm của bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; các chương trình, dự án, đề án có liên quan khác theo quy định của pháp luật.

- Tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Bộ Nội vụ

Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả, tiến độ thực hiện Chương trình; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

- Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình công bố tài liệu lưu trữ;

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện dịch thuật tài liệu lưu trữ quốc gia và xử lý các tài liệu ảnh bị sai sót, thiếu thông tin để phục vụ công bố;

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác của Chương trình.

2. Bộ Tài chính căn cứ vào khả năng, cân đối ngân sách Nhà nước tổng hợp đề xuất của các bộ, ngành để bố trí kinh phí thường xuyên hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các giá trị từ nguồn tài liệu lưu trữ quốc gia; phối hợp với Bộ Nội vụ tăng cường khai thác, công bố, giới thiệu thông tin tài liệu lưu trữ, sản xuất chương trình trong các chuyên mục phù hợp.

4. Các bộ, ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác phối hợp với Bộ Nội vụ khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Căn cứ vào các nội dung của Chương trình này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình về công bố tài liệu lưu trữ đang bảo quản tại Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của địa phương;

b) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công bố tài liệu lưu trữ;

c) Bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện hoạt động công bố tài liệu lưu trữ hằng năm theo Chương trình đã được phê duyệt;

d) Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo kết quả thực hiện Chương trình về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, HC, KTTH, TCCV;
- Lưu: VT, KGVX (03).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam