Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2001/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 22/2001/QĐ-BGDĐT NGÀY 26 THÁNG 6 NĂM 2001 QUI ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO ĐỂ CẤP BẰNG TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC THỨ HAI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, của cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Đại học,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Những quy định chung

1. Văn bằng đại học thứ hai là văn bằng cấp cho những người đã có ít nhất một bằng tốt nghiệp đại học, sau khi hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo đại học của ngành đào tạo mới, có đủ điều kiện để công nhận và cấp bằng tốt nghiệp đại học.

2. Đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và nâng cao tính thích ứng của nguồn nhân lực trước đòi hỏi ngày càng tăng của xã hội.

3. Đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai được thực hiện theo các phương thức giáo dục chính qui và không chính qui với các hệ và các hình thức học sau:

a. Hệ không chính qui: Học theo hình thức vừa làm vừa học (học tập trung không liên tục - hệ tại chức cũ), học từ xa, tự học có hướng dẫn.

b. Hệ chính qui: Học tập trung liên tục tại trường.

4. Người học bằng đại học thứ hai là nam giới trong độ tuổi gọi nhập ngũ không thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 3/CP ngày 16-1-1995 của Chính phủ và Thông tư Liên Bộ Quốc phòng - Giáo dục và Đào tạo số 1144/TTLB-QP-GDĐT ngày 15-6-1995.

Điều 2: Điều kiện để học bằng đại học thứ hai

1. Công dân Việt Nam có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định tại Thông tư liên Bộ Y tế - Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) số 10/TTLB ngày 18-8-1989 và Công văn hướng dẫn số 2445/TS ngày 20-8-1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không trong thời gian can án hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã có bằng tốt nghiệp đại học được đăng ký dự tuyển học bằng đại học thứ hai.

2. Nộp đầy đủ và đúng hạn hồ sơ đăng ký dự tuyển theo quy định của trường. Mẫu hồ sơ đăng ký dự tuyển bằng đại học thứ hai được quy định tại phụ lục kèm theo Quyết định này.

3. Đạt yêu cầu tuyển sinh theo quy định của trường.

Điều 3: Điều kiện để được đào tạo bằng đại học thứ hai

1. Việc đào tạo bằng đại học thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo (hoặc của Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng đối với các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc) ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính qui sau khi có ít nhất hai khoá chính qui của ngành đó tốt nghiệp.

2. Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Đại học và Vụ Kế hoạch và Tài chính) và với Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng (đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Đại học). Trong văn bản cần nêu rõ số lượng đào tạo bằng đại học thứ hai cho từng ngành, qui mô hệ chính qui đang đào tạo của ngành này; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên (số lượng, trình độ, tỷ lệ sinh viên/1giảng viên), trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy và học tập.

3. Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính qui hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện. (Các Đại học giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc).

Điều 4: Tuyển sinh

1. Sau khi nhận chỉ tiêu đào tạo bằng đại học thứ hai, Hiệu trưởng xác định số lượng tuyển sinh bằng thứ hai cho từng ngành đào tạo của trường và thông báo kế hoạch tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 2 tháng trước thời điểm tuyển sinh.

2. Hình thức tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh

a. Việc miễn thi áp dụng đối với các trường hợp sau:

- Người đã có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính qui đăng ký vào học ngành đào tạo mới hệ chính qui hoặc hệ không chính qui trong cùng nhóm ngành và tại chính trường mà mình đã học và tốt nghiệp đại học.

- Người đã có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính qui các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên đăng ký vào học ngành đào tạo mới hệ không chính qui thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ.

- Người đã có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính qui các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ đăng ký vào học ngành đào tạo mới hệ không chính qui thuộc nhóm ngành kinh tế, ngoại ngữ.

Trong trường hợp số thí sinh đăng ký dự tuyển vượt quá chỉ tiêu đào tạo được giao thì Hiệu trưởng cơ sở đào tạo tổ chức việc kiểm tra để tuyển đủ chỉ tiêu. Môn kiểm tra, nội dung, hình thức kiểm tra do Hiệu trưởng quy định và thông báo cho thí sinh.

b. Hình thức thi

- Những người không thuộc diện miễn thi nêu tại điểm a khoản 2 điều này và những người đăng ký học để lấy bằng đại học thứ hai hệ chính qui phải thi hai môn thuộc phần kiến thức giáo dục đại cương của ngành đào tạo thứ hai.

- Hiệu trưởng cơ sở đào tạo quy định môn thi, nội dung, hình thức thi và thông báo trước cho thí sinh.

- Mọi quy định về ra đề, bảo mật đề thi, tổ chức thi, chấm thi vận dụng các quy định của Qui chế tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hệ chính qui ban hành theo Quyết định số 05/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 23/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Đối với các ngành sư phạm, an ninh quốc phòng và các ngành đặc thù thuộc lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao, Hiệu trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể điều kiện đăng ký dự tuyển, quy định về các môn thi, nội dung, hình thức và tổ chức tuyển sinh.

Điều 5: Chương trình đào tạo và bảo lưu kiến thức

1. Chương trình đào tạo bằng thứ hai đối với từng ngành đào tạo là chương trình đào tạo hệ chính qui của ngành học đó đang được thực hiện tại cơ sở đào tạo.

2. Người học phải học đủ các học phần có trong chương trình đào tạo của ngành thứ hai mà khi học ngành thứ nhất chưa được học hoặc đã học nhưng chưa đủ khối lượng quy định.

3. Người học chỉ được bảo lưu kết quả học tập đối với những học phần trong chương trình đào tạo ngành thứ nhất có số đơn vị học trình tương đương hoặc lớn hơn so với chương trình đào tạo của ngành mới và đạt từ 5 điểm trở lên.

4. Dựa vào kết quả học tập trên bảng điểm kèm theo bằng, Hiệu trưởng cơ sở đào tạo quyết định việc bảo lưu kiến thức, khối lượng kiến thức, các học phần và nội dung phải học đối với từng sinh viên.

Điều 6: Tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập, xét công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng

1. Hiệu trưởng các cơ sở đào tạo căn cứ vào số lượng người học, ngành đã học, ngành đăng ký sẽ học, hệ đào tạo, hình thức học bằng đại học thứ hai để tổ chức lớp học cho người học phù hợp.

2. Đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai theo phương thức, hệ, hình thức học nào thì áp dụng các Qui chế hiện hành về tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp đối với phương thức, hệ, và hình thức học đó như sau:

a. Người học theo hình thức vừa làm vừa học (hệ tại chức cũ), thực hiện các quy định về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, xét và công nhận tốt nghiệp theo Qui chế của hệ không chính qui; nếu đủ điều kiện tốt nghiệp được cấp bằng đại học thứ hai theo hình thức vừa làm vừa học (hệ tại chức cũ).

b. Người học theo hình thức từ xa, tự học có hướng dẫn, thực hiện các quy định về kiểm tra, thi, và công nhận tốt nghiệp theo Qui chế đối với hình thức này; nếu đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp được cấp bằng tốt nghiệp đại học theo hình thức học từ xa, tự học có hướng dẫn.

c. Người học theo hình thức tập trung liên tục tại trường, thực hiện đầy đủ các quy định về thi tuyển sinh, học lý thuyết, thực hành, bài tập, làm đồ án, khoá luận, làm luận văn hoặc thi cuối khoá, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo Qui chế của hệ chính qui; nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp như hệ chính qui thì được cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ chính qui.

3. Trong văn bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo, dưới dòng chữ Bằng tốt nghiệp đại học ghi trong ngoặc đơn dòng chữ: "Bằng thứ hai".

Điều 7: Báo cáo và quản lý hồ sơ học tập

1. Chậm nhất là một tháng sau khi hoàn tất công tác tuyển sinh, cơ sở đào tạo phải gửi báo cáo danh sách tuyển sinh, và một tháng sau khi kết thúc mỗi khoá học, gửi báo cáo danh sách sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ chủ quản để theo dõi.

2. Các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc của các Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng gửi báo cáo về các Đại học mà mình trực thuộc.

3. Hồ sơ theo dõi tuyển sinh, kết quả học tập, cấp bằng tốt nghiệp của người học bằng đại học thứ hai thuộc diện hồ sơ lưu trữ lâu dài tại cơ sở đào tạo.

Điều 8: Kinh phí đào tạo

1. Kinh phí đào tạo bằng đại học thứ hai do người học hoặc cơ quan cử người đi học chịu trách nhiệm. Học phí thu được là nguồn ngân sách bổ sung của trường

2. Việc thu, sử dụng học phí thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 9: Điều khoản thi hành

1. Văn bản này áp dụng đối với khoá tuyển sinh từ năm học 2001-2002. Đối với các khoá đào tạo bằng đại học thứ hai thí điểm trước đây đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép được tiếp tục thực hiện cho đến kết thúc khoá học theo quy định tại các văn bản đó.

2. Các Ông (bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Giám đốc các đại học, Hiệu trưởng các trường đại học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Vũ Ngọc Hải

(Đã ký)