Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2007/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 06 tháng 7 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2007 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thông tư số 76/2006/TT-BTC ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2006;

Căn cứ Nghị quyết số 80/2006/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân thành phố về các giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2007 và những năm tiếp theo;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định các giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2007 và những năm tiếp theo.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày, đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

QUY ĐỊNH

CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2007 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)

A. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

I. Mục tiêu:

- Ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố;

- Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và nhân dân trên địa bàn thành phố về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị cấp thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng các giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. Yêu cầu:

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực thuộc phạm vi được điều chỉnh của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2007 và những năm tiếp theo của thành phố.

B. NỘI DUNG CÁC GIẢI PHÁP

I. Công tác tuyên truyền:

Trên cơ sở quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Quyết định số 25/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quyết định số 60/2006/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

1. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh Truyền hình thành phố, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp về các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chỉ thị, Quyết định, Công văn chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy hướng dẫn Trường Chính trị thành phố, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào các chương trình tập huấn, bồi dưỡng hàng năm.

2. Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội với các hình thức thích hợp và có hiệu quả. Tăng cường công tác giáo dục ý thức tiết kiệm trong nhân dân, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa lành mạnh mang tính bản sắc dân tộc nhất là trong các dịp tổ chức lễ hội, đám tiệc giản đơn, đầy đủ ý nghĩa nhưng không gây lãng phí, tốn kém.

3. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến và quán triệt đến từng cán bộ, công chức của đơn vị mình các nội dung cụ thể của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai kịp thời các chủ trương của cấp trên và văn bản pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị phù hợp quy định của nhà nước về tiêu chuẩn, định mức, thực hiện tiết kiệm và đảm bảo đạt chất lượng cao hoàn thành nhiệm vụ được giao.

II. Thực hiện dân chủ, công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước:

Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện tốt Quy chế dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch về sử dụng nguồn kinh phí ngân sách để thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả, với các nội dung như sau:

- Công khai sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, nguồn tài chính được giao;

- Công khai việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại, phương tiện thông tin liên lạc;

- Công khai quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng và các tài sản khác trong cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc đơn vị mình quản lý;

- Công khai việc đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí công chức, viên chức; kiểm tra, giám sát việc sử dụng thời gian lao động và chấp hành kỷ luật lao động của cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị quản lý.

III. Tổ chức thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực:

1. Quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước:

1.1. Chi thường xuyên:

Giao các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng Đề án thực hiện tốt chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTC-BNV ngày 17 tháng 01 năm 2006 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ; giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

1.1.1 Trong chi sự nghiệp đo đạc và sự nghiệp môi trường tổ chức đấu thầu tuyển chọn đơn vị thực hiện có năng lực, giá thấp, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm ngân sách;

1.1.2 Trong thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tuyển chọn tổ chức, cá nhân tham gia thông qua hình thức đấu thầu;

1.1.3 Về sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm trang thiết bị, tài sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư 94/2006/TT-BTC ngày 9 tháng 10 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2006 về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Việc mua sắm trang thiết bị phải đảm bảo đúng quy định, có nguồn kinh phí được duyệt, có thẩm định giá của cơ quan quản lý, số lượng phải đúng tiêu chuẩn định mức và nhu cầu thực tế, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng của thiết bị, phương tiện;

1.1.4 Về tiêu chuẩn trang bị điện thoại, định mức cước phí sử dụng điện thoại hàng tháng chấp hành theo quy định tại Quyết định số 36/2002/QĐ-UB ngày 25 tháng 02 năm 2002 và Quyết định số 37/2003/QĐ-UB ngày 24 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2001/QĐ-UB ngày 01 tháng 10 năm 2001 về tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ lãnh đạo trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị rà soát, sắp xếp các máy điện thoại cố định hiện có đã trang bị cho các phòng làm việc của cơ quan để quản lý chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm;

1.1.5 Về chế độ công tác phí, hội nghị thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21 tháng 3 năm 2007 của Bộ Tài chính. Việc tổ chức hội nghị phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng với chức năng nhiệm vụ được giao, nghiên cứu sắp xếp địa điểm hợp lý, kết hợp nhiều nội dung trong một cuộc hội nghị, nghiêm cấm sử dụng kinh phí Nhà nước để tổ chức chiêu đãi ăn uống, tặng quà sai quy định. Cơ quan, đơn vị khi cử cán bộ đi công tác cần căn cứ yêu cầu của công việc để cân nhắc, xem xét cụ thể về thành phần và thời hạn đi công tác đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả;

1.1.6 Việc mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại phục vụ công tác thực hiện theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty Nhà nước. Giao Sở Tài chính có trách nhiệm rà soát số lượng xe ô tô hiện có và nhu cầu sử dụng phương tiện của các cơ quan hành chính, đơn vị hành chính sự nghiệp và Công ty Nhà nước xây dựng phương án sử dụng theo quy định hiện hành, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng quy định của Nhà nước.

1.1.7. Quản lý, sử dụng hoa hồng:

Các cơ quan, tổ chức cá nhân khi sử dụng ngân sách Nhà nước, các nguồn tài chính được giao tự chủ để mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc, tài sản khác hoặc thanh toán dịch vụ nếu nhận được khoản hoa hồng thì phải kê khai, nộp lại đầy đủ, kịp thời cho cơ quan tổ chức và được quản lý, sử dụng như sau:

- Đối với khoản hoa hồng nhận được bằng tiền coi như nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước cấp, kinh phí giao tự chủ, được quản lý, sử dụng như kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức;

- Đối với khoản hoa hồng nhận được bằng hiện vật, cơ quan, tổ chức phải quản lý, sử dụng theo chế độ quản lý tài sản hiện hành. Các khoản hoa hồng nhận được bằng hiện vật mà cơ quan, tổ chức không có nhu cầu sử dụng phải thực hiện bán đấu giá công khai để thu tiền và quản lý, sử dụng theo quy định như đối với hoa hồng bằng tiền.

Các cơ quan, tổ chức phải công khai việc kê khai, nộp lại, quản lý, sử dụng các khoản hoa hồng. Việc công khai các khoản hoa hồng là một nội dung công khai tài sản, tài chính của cơ quan, tổ chức, được thực hiện dưới các hình thức sau:

- Đối với các khoản hoa hồng nhận được bằng tiền phải công khai trong báo cáo tài chính của cơ quan, tổ chức;

- Đối với các khoản hoa hồng nhận được bằng hiện vật phải công khai trong báo cáo công khai về quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức.

1.2. Chi xây dựng cơ bản:

1.2.1 Căn cứ kế hoạch vốn xây dựng cơ bản hàng năm được Ủy ban nhân dân thành phố giao, các ngành, các cấp, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch dự kiến để hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng đúng thời gian quy định. Trong bố trí danh mục công trình cần đầu tư tập trung, tránh dàn trải nhằm hạn chế số lượng công trình dở dang kéo dài, gây lãng phí;

1.2.2 Đối với vốn huy động nhân dân đóng góp phải được quản lý chặt chẽ, kết quả huy động phải được quản lý công khai; thực hiện kiểm tra, kiểm soát và đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng quy định tại Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ;

1.2.3 Đối với thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán, giao các sở quản lý chuyên ngành và các Chủ đầu tư khi thẩm định phải tăng cường trách nhiệm, tính đúng, tính đủ theo định mức, giá vật liệu nhà nước quy định và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật;

1.2.4 Tổ chức thực hiện đấu thầu xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

2. Quản lý tài sản công:

2.1. Đất đai xây dựng trụ sở làm việc, nhà công vụ và sử dụng vào các mục đích cụ thể đã giao cho các cơ quan, đơn vị phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả;

2.2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng đất có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật;

2.3 Sắp xếp lại trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và biên chế hiện có của từng cơ quan, đơn vị; chấm dứt việc sử dụng trụ sở làm việc để cho thuê mặt bằng sai quy định. Cụ thể như sau:

2.3.1 Thực hiện việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố theo Thông tư số 20/2004/TT-BTC ngày 19 tháng 3 năm 2004 của Bộ Tài chính;

2.3.2 Thực hiện việc bố trí, sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo Thông tư số 83/2004/TT-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Bộ Tài chính;

2.3.3 Tiến hành chuyển giao nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho Ủy ban nhân dân thành phố theo Chỉ thị số 43/2004/CT-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên:

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương có trách nhiệm soát xét lại quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng từng loại tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các tài nguyên đất, nước và khoáng sản.

Tập trung điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng tài nguyên cát trên sông Hậu, đất sét làm gạch ngói, đất bãi bồi; điều tra hiện trạng giếng khoan, khảo sát lưu lượng khai thác để quy hoạch; rà soát ban hành các văn bản quy chế, quy định về quản lý, khai thác nhằm bảo vệ và sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

4. Đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong tổ chức Nhà nước:

4.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét lại các quy định về đào tạo, quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức Nhà nước. Không để xảy ra tình trạng mất cân đối giữa tổ chức đào tạo với nhu cầu sử dụng, tuyển dụng hoặc tuyển dụng công chức, viên chức không đúng với chuyên môn, ngành nghề đào tạo, không phát huy được năng lực, sở trường gây lãng phí thời gian, nguồn lực lao động;

4.2. Sở Nội vụ quy định, hướng dẫn các cơ quan ban, ngành xây dựng cơ cấu ngạch công chức, viên chức hợp lý để sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có; rà soát, sắp xếp lại bộ máy đảm bảo cán bộ công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu công tác trong giai đoạn hiện nay;

4.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình đào tạo, sử dụng đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và ngoài nước.

5. Quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Công ty Nhà nước:

Các Công ty Nhà nước căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định của Nhà nước xây dựng, ban hành quy chế, định mức, tiêu chuẩn, chế độ quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực được Nhà nước giao.

Thực hiện kiểm toán bắt buộc và công khai tài chính trong các Công ty Nhà nước, phát hiện kịp thời, xử lý đối với các hành vi gây lãng phí vốn, tài sản, lao động, tài nguyên thiên nhiên theo quy định của pháp luật.

6. Đối với sản xuất và tiêu dùng của nhân dân:

Sở Tư pháp phối hợp Sở Văn hóa - Thông tin và các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng, dành nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với các nội dung chủ yếu sau:

6.1. Vận động các hộ sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ, tổ sản xuất, doanh nghiệp tư nhân, các hộ buôn bán cá thể sử dụng tiết kiệm điện nước, tận dụng triệt để máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, khai thác mọi nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

6.2. Vận động mọi tầng lớp nhân dân giữ gìn và bảo vệ cây xanh, môi trường và các công trình hạ tầng cơ sở, cấp thoát nước, công trình phúc lợi công cộng,… để tiết kiệm chi phí của ngân sách trong duy tu và bảo dưỡng.

6.3. Vận động các tầng lớp nhân dân tiết kiệm trong việc mua sắm các hàng hóa và phương tiện sinh hoạt đắt tiền, khuyến khích dùng hàng hóa sản xuất trong nước, dành tiền đầu tư vào việc phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

6.4. Phát động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các đoàn thể, tổ chức quần chúng, các phường, xã, thị trấn, ấp, khu vực, cụm dân cư, tập trung vào việc xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các biểu hiện xa hoa lãng phí trong xã hội.

6.5. Khuyến khích nhân dân tiết kiệm trong tiêu dùng, tích cực tham gia các cuộc vận động mua trái phiếu, công trái xây dựng Tổ quốc, đóng góp nhiều nguồn vốn để xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng, tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường “xanh - sạch - đẹp”.

IV. Phát huy vai trò công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát:

1. Các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh tra tài chính trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan đơn vị, các dự án đầu tư từ ngân sách, có nguồn gốc ngân sách và từ nguồn huy động khác; kiểm tra việc quản lý sử dụng trụ sở làm việc, mua sắm trang bị sử dụng phương tiện đi lại, các nguồn vốn chương trình mục tiêu, việc quản lý sử dụng các nguồn viện trợ của nước ngoài; kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý nghiêm các trường hợp đơn vị, cá nhân vi phạm quy định.

2. Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc địa phương mình quản lý trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Đề cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan thông tấn báo chí, các đoàn thể và nhân dân trong việc giám sát thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các giải pháp cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó cần xác định một số nhiệm vụ cụ thể thuộc từng phạm vi, lĩnh vực quản lý, cả về mục tiêu và biện pháp như thực hiện tiết kiệm là bao nhiêu, lĩnh vực nào, quy trình và giải pháp thực hiện để tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ngay trong năm 2007.

II. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những hình thức thiết thực và cụ thể; giám sát việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, thực hiện nếp sống văn minh, vận động nhân dân, trước tiên là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải gương mẫu thực hiện.

III. Phân công tổ chức thực hiện:

1. Sở Tài chính là cơ quan thường trực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện khoản 1 (trừ điểm 1.1.1, 1.1.2, 1.2), khoản 2 và khoản 5 phần nội dung ghi tại mục III phần B nêu trên.

2. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan trong năm 2007 thực hiện rà soát, bố trí sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc “đúng tiêu chuẩn, định mức”; đề xuất phương án thu hồi diện tích trụ sở làm việc sử dụng không đúng mục đích được giao, xác định diện tích thừa, thiếu trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Xây dựng tổ chức triển khai thực hiện điểm 1.2 khoản 1 phần nội dung ghi tại mục III phần B nêu trên.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp vớí sở, ban, ngành liên quan rà soát kiểm tra, tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, kém hiệu quả; đồng thời, triển khai thực hiện điểm 1.11 khoản 1 và khoản 3 phần nội dung ghi tại mục III phần B nêu trên;

5. Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai thực hiện điểm 1.1.2 khoản 1 phần nội dung ghi tại mục III phần B nêu trên.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện khoản 4 phần nội dung ghi tại mục III phần B nêu trên.

7. Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện khoản 6 phần nội dung ghi tại mục III phần B nêu trên.

8. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về các chế độ chính sách, trình cấp có thẩm quyền xem xét để điều chỉnh kịp thời theo đúng quy định hiện hành để làm căn cứ tổ chức thực hiện, đảm bảo đúng Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

9. Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện việc kiểm tra, rà soát diện tích đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ đang quản lý để bố trí sử dụng hợp lý, đúng chế độ, tiêu chuẩn quy định.

10. Các cơ quan báo, đài thường xuyên tuyên truyền, vận động thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nêu gương các điển hình tiên tiến, các cá nhân, đơn vị làm tốt trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời đóng góp, phê phán kịp thời những hành vi sai trái, tiêu cực.

IV. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện báo cáo định kỳ 6 tháng, năm gửi về Sở Tài chính kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

V. Giám đốc các sở, thủ trưởng cơ quan ban, ngành, đoàn thể cấp thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các giám đốc công ty Nhà nước trong phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của mình tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định này./.