Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2007/QĐ-UBND

 Đông Hà, ngày 16 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TIÊU CHUẨN, TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ KHUYẾN CÔNG CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về việc Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 12/2007/NQ-HĐND ngày 10 tháng 8 năm 2007 của HĐND tỉnh Quảng Trị về Tổ chức và chính sách hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công cơ sở đến năm 2010, chiến lược đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, tổ chức quản lý và chế độ chính sách đối với cán bộ khuyến công cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Công nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH





Lê Hữu Phúc

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TIÊU CHUẨN, TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ KHUYẾN CÔNG CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 16/11/2007 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Điều 1. Chức năng, nhiệm vụ của cán bộ khuyến công cấp huyện

1. Chức năng

Cán bộ khuyến công huyện, thị xã (Gọi chung là cán bộ khuyến công cấp huyện) là người trực tiếp thực hiện các hoạt động khuyến công phục vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tại các huyện, thị xã thuộc tỉnh Quảng Trị.

2. Nhiệm vụ

- Nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của tỉnh về phát triển Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề ở nông thôn. Tuyên truyền phổ biến cho nhân dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh nội dung của công tác khuyến công;

- Giúp UBND huyện, thị xã xây dựng và thực hiện quy hoạch khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, du nhập, phát triển ngành nghề mới phù hợp với từng địa phương. Tổ chức triển khai các dự án đào tạo, nhân cấy, duy trì và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn;

- Hướng dẫn tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp, lập dự án đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng lao động, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện, thị xã và của tỉnh.

- Hướng dẫn tư vấn bước đầu cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường; xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm và đăng ký bản quyền sở hữu công nghiệp;

- Hướng dẫn cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hóa sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; phổ biến, cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh;

- Xây dựng chương trình kế hoạch khuyến công 05 năm, hàng năm trình Phòng Công nghiệp- Thương mại và Du lịch tổng hợp trình UBND huyện phê duyệt và triển khai thực hiện. Phối hợp với cán bộ khuyến công tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp lập dự án đăng ký hỗ trợ vốn khuyến công hàng năm, đồng thời hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các dự án khuyến công trên địa bàn;

- Định kỳ tháng, quý, năm tổng hợp và báo cáo tình hình hoạt động khuyến công trên địa bàn huyện, thị xã.

Điều 2. Số lượng cán bộ khuyến công cấp huyện

- Năm 2008: Bố trí mỗi huyện, thị xã 01 cán bộ khuyến công;

- Năm 2009- 2010: Xem xét bố trí thêm mỗi huyện, thị xã 01 cán bộ khuyến công;

- Chiến lược đến năm 2020: Tùy vào điều kiện và tình hình thực tế của từng địa phương, bố trí tăng thêm cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, đồng thời xây dựng mô hình khuyến công viên xã, phường, thị trấn để phát triển khuyến công cơ sở.

Điều 3. Tiêu chuẩn đối với cán bộ khuyến công cấp huyện

- Phải là người sinh sống tại Quảng Trị hiểu biết về tình hình kinh tế- xã hội và điều kiện phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ở địa phương;

- Có trình độ Đại học trở lên, chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực Công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp (Riêng huyện Hướng Hóa, Đakrông có thể tuyển người có trình độ Trung cấp hoặc Cao đẳng trở lên);

- Các tiêu chuẩn khác theo Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

Điều 4. Tổ chức quản lý cán bộ khuyến công cấp huyện

- Cán bộ khuyến công cấp huyện theo chỉ tiêu hợp đồng do UBND tỉnh giao hàng năm cho các huyện, thị xã và do UBND huyện, thị xã tuyển chọn;

- Cán bộ khuyến công cấp huyện chịu sự quản lý của UBND huyện, thị xã, trực tiếp là phòng Công nghiệp- Thương mại và Du lịch, đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyện môn, nghiệp vụ của Sở Công nghiệp.

Điều 5. Chế độ tiền lương, phụ cấp, quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ khuyến công cấp huyện

- Cán bộ khuyến công cấp huyện được hưởng lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức tương ứng với trình độ chuyên môn được đào tạo và các chế độ khác như quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức;

- Được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tham quan, học tập trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị;

- Được xét nâng lương, khen thưởng và các chế độ liên quan theo quy định của nhà nước và điều kiện cụ thể của từng địa phương;

- Được tham gia xét tuyển vào các cơ quan nhà nước;

- Cán bộ khuyến công cấp huyện có trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Điều 1 của Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công nghiệp: Phối hợp với Sở Nội vụ đôn đốc UBND các huyện, thị xã thực hiện xét tuyển cán bộ khuyến công cấp huyện theo đúng tiến độ; chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến công cấp huyện.

2. Sở Nội vụ: Tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định bố trí chỉ tiêu cán bộ khuyến công hàng năm cho các huyện, thị xã theo tiến độ. Đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã thực hiện việc xét tuyển cán bộ khuyến công cấp huyện theo đúng Quy chế xét tuyển công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ bố trí và đảm bảo ngân sách tỉnh cấp hàng năm cho cán bộ khuyến công cấp huyện, đồng thời hướng dẫn, giám sát việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính để phân bổ chỉ tiêu kế hoạch kinh phí hàng năm cho các huyện, thị xã.

5. UBND các huyện, thị xã:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tuyển dụng các bộ khuyến công cấp huyện theo đúng Quy chế xét tuyển công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước;

- Quản lý, chỉ đạo, phân công, đôn đốc và tạo điều kiện cho cán bộ khuyến công cấp huyện hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương;

- Phối hợp với Sở Công nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức đào tạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến công cấp huyện;

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các Sở, Ban nghành UBND các huyện, thị xã phản ánh về UBND tỉnh (Qua Sở Công nghiệp, Sở Nội vụ) để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.