ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2008/QĐ-UBND | Tân An, ngày 25 tháng 6 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TRUNG TÂM VĂN HOÁ - THỂ THAO CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2008- 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về việc đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;
Thông tư số 22/2007/TTLT-BVHTT-UBTDTT ngày 24/7/2007 của Bộ Văn hóa - Thông tin và Ủy ban Thể dục Thể thao (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị quyết số 70/2008/NQ-HĐND ngày 21/4/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc xây dựng Trung tâm Văn hoá- Thể thao cấp xã giai đoạn 2008- 2010 trên địa bàn tỉnh Long An;
Theo đề nghị của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại tờ trình số 102/TTr-SVHTTDL ngày 15/5/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ chức hoạt động và đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hoá- Thể thao cấp xã giai đoạn 2008- 2010 trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện cụ thể quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các cơ quan chức năng liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TRUNG TÂM VĂN HOÁ - THỂ THAO CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2008- 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(ban hành theo Quyết định số 22 /2008/QĐ-UBND ngày 25 /6/ 2008 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã là thiết chế văn hóa, thể thao cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) do nhà nước đầu tư xây dựng cùng với xã hội hoá hoạt động văn hóa, thể thao để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần và rèn luyện thể chất cho nhân dân địa phương.
Điều 2. Trung tâm Văn hoá- Thể thao cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập trên cơ sở hợp nhất các cơ sở hiện có như: nhà văn hóa, sân vận động, nhà truyền thống, các câu lạc bộ văn hóa- thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, đài truyền thanh cấp xã …
Điều 3. Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã chịu sự lãnh đạo toàn diện của Ủy ban nhân dân cấp xã, sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp về nghiệp vụ của Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa- Thông tin- Thể thao, Trung tâm Thể dục- Thể thao, Đài Truyền thanh cấp huyện.
Điều 4. Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể cấp xã.
Điều 5. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã phải đi đôi với bảo vệ, khai thác, phát huy hiệu quả, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia mọi hoạt động văn hóa- thể thao.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 6. Chức năng của Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã
Chức năng của Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã là tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các kiến thức khoa học kỹ thuật; tổ chức các hoạt động văn hoá, thông tin, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí; bảo tồn phát huy các hình thức sinh hoạt văn hoá- thể thao dân tộc, địa phương; bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể thao góp phần phục vụ các nhiệm vụ kinh tế- xã hội, nâng cao dân trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn cấp xã.
Điều 7. Nhiệm vụ của Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch hàng tháng, quý, năm trình UBND cấp xã phê duyệt để tổ chức thực hiện.
2. Tham mưu đề xuất UBND cấp xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao; thực hiện chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao.
3. Phối hợp với các ngành, đoàn thể cấp xã tổ chức các hoạt động văn hóa- thể thao trên địa bàn; hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ cho các nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao ở các khu dân cư.
4. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn, cộng tác viên; quản lý tài sản, tài chính được giao theo chế độ hiện hành; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê.
5. Sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm thực tiễn, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.
Điều 8. Quyền hạn của Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã
1. Kiến nghị với UBND cấp xã và chuyên ngành cấp trên về những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa- thể thao cấp xã.
2. Được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, trợ cấp cán bộ, cộng tác viên và hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao.
3. Khi cần thiết, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định việc khắc dấu và mở tài khoản (tại Kho bạc Nhà nước) cho Trung tâm Văn hóa- thể thao cấp xã.
4. Được cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn do cơ quan chuyên ngành cấp trên tổ chức.
5. Được mời những người có chuyên môn nghiệp vụ trong các lĩnh vực văn hoá, thể thao hướng dẫn hoặc dàn dựng các chương trình hoạt động của Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã.
6. Được liên kết với các tổ chức xã hội, kinh tế, cá nhân để tổ chức các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn xã.
Chương III
TỔ CHỨC
Điều 9. Ban Chủ nhiệm gồm
1. Chủ nhiệm: do Phó chủ tịch UBND cấp xã kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp xã về toàn bộ hoạt động của Trung tâm Văn hóa- Thể thao. Chủ nhiệm do Chủ tịch UBND cấp xã bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 3 năm một lần, sau khi có thoả thuận (bằng văn bản ) của Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện.
2. Phó Chủ nhiệm: trực tiếp quản lý, điều hành Trung tâm Văn hóa- Thể thao do Chủ tịch UBND cấp xã bổ nhiệm, nhiệm kỳ 3 năm một lần theo đề nghị của Chủ nhiệm; là người năng nổ, nhiệt tình am hiểu về hoạt động văn hoá, thể thao.
3. Các ủy viên: từ 7 đến 9 người thuộc các ngành, đoàn thể được bổ nhiệm kiêm nhiệm như: Đài truyền thanh, Tư pháp- hộ tịch, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội phụ nữ … Trong đó có một cán bộ chuyên môn có trình độ trung cấp văn hóa hoặc thể thao trực tiếp quản lý và tổ chức các mặt hoạt động của Trung tâm theo chương trình, kế hoạch.
Điều 10. Chế độ phụ cấp
Ban Chủ nhiệm Trung tâm được hưởng chế độ phụ cấp kiêm nhiệm theo quy định của Nhà nước. Cán bộ chuyên môn trực tiếp quản lý và tổ chức hoạt động Trung tâm được hưởng chế độ cán bộ không chuyên trách theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ và quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 11. Cộng tác viên
Cộng tác viên là những người tự nguyện, nhiệt tình, có khả năng tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; được hưởng chế độ bồi dưỡng, thù lao, nhuận bút, ngày công lao động hoặc tính chất chuyên môn nghiệp vụ theo chế độ hiện hành đối với lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao.
Chương IV
CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ, KINH PHÍ
Điều 12. Cơ sở vật chất
1. Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã được nhà nước giao đất sử dụng thuộc quỹ đất dành cho phúc lợi văn hóa, xã hội với diện tích như sau:
- 1.000 m2 dành cho thiết chế văn hóa- thông tin.
- 10.000 m2 trở lên dành cho cụm công trình thể thao
Chính quyền địa phương tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp; đăng ký sử dụng quỹ đất ở địa phương, sau đó lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2. Do điều kiện đất đai ở cơ sở mỗi nơi mỗi khác, do đó không nhất thiết phải quy hoạch tập trung. Công tác quy hoạch và giao đất thực hiện theo từng giai đoạn, tuỳ theo điều kiện thực tế, nhu cầu sử dụng và tiến độ xây dựng các hạng mục công trình.
3. Ở những nơi tập trung đầu mối, thuận lợi cho sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân khu vực thì xây dựng 01 Trung tâm Văn hóa- Thể thao mang tính chất Cụm công trình Văn hóa- Thể thao, không nhất thiết xây dựng mỗi xã 01 Trung tâm Văn hóa- Thể thao.
4. Các phường, thị trấn đã có Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp huyện hoặc tỉnh đóng trên địa bàn, thì không quy hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp mình.
5. Nhu cầu xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã gồm;
a. 01 hội trường đa chức năng có sức chứa 150 người trở lên. Đây là hạng mục chính của Trung tâm, trong đó có 01 phòng làm việc của Ban chủ nhiệm.
b. Sau khi xây dựng hoàn thành hội trường đa chức năng bằng ngân sách nhà nước, tiếp tục xây dựng các hạng mục khác theo hướng xã hội hóa như: sân khấu ngoài trời, sân vận động, phòng tập đơn giản, hồ bơi (nếu có điều kiện), lối đi, đường nội bộ, hành lang, cây xanh, các công trình phụ trợ (khu vệ sinh, bãi đậu xe, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy … ).
Điều 13. Trang thiết bị
Trang thiết bị của Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã bao gồm: bàn, ghế hội trường; thiết bị âm thanh, ánh sáng, trang trí, khánh tiết; thiết bị truyền thanh; tủ sách, báo; dụng cụ thể thao chuyên dùng theo từng môn thể thao.
Điều 14. Kinh phí đầu tư xây dựng
1. Vốn xây dựng cơ bản của tỉnh cấp kinh phí cho huyện, thị xã bao gồm: xây dựng hội trường đa chức năng; trang bị âm thanh ánh sáng, nhạc cụ và trang bị dụng cụ các môn thể thao. Ngân sách tỉnh cấp đủ kinh phí đầu tư theo thời giá và theo thiết kế được duyệt.
2. Kinh phí tạo quỹ đất xây dựng, san lấp mặt bằng do ngân sách cấp huyện, thị xã cùng với vận động xã hội hóa.
3. Hàng năm, cấp xã cân đối ngân sách chi tối thiểu 30 triệu đồng cho Trung tâm Văn hóa- Thể thao, đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ được giao (hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương); đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực ngoài xã hội để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao cơ sở.
Điều 15. Phân kỳ đầu tư
1. Giai đoạn 2008- 2010: Mỗi huyện, thị xã xây dựng hoàn thành 01 Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã (không kể công trình Trung tâm Văn hóa- Thể thao ở 03 xã điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa).
2. Cuối năm 2010: Sơ kết rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã giai đoạn 2008- 2010, báo cáo HĐND tỉnh.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Phân công thực hiện
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư hàng năm cân đối vốn xây dựng cơ bản của tỉnh để đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động cho Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã, trình UBND tỉnh ban hành; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Trung tâm hoạt động theo quy định của Nhà nước; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vu; hướng dẫn mức chi trả thù lao, nhuận bút cho cán bộ, cộng tác viên của Trung tâm phù hợp tình hình thực tế ở địa phương; lập mẫu thiết kế xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã theo văn bản số 4410/UBND-CN ngày 13/9/2006 của UBND tỉnh về việc lập mẫu thiết kế xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao xã , phường, thị trấn.
3. Sở Tài chính hướng dẫn chế độ, chính sách tài chính dành cho hoạt động Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã theo quy định của nhà nước.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo đủ quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã.
5. UBND các huyện, thị xã chủ trì phối hợp các ngành liên quan triển khai thực hiện việc quy hoạch quỹ đất, lập thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dành cho Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã; nhanh chóng lập dự án xây dựng Trung tâm theo mẫu thiết kế xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiến hành khởi công xây dựng.
Để có đủ nguồn lực duy trì, khai thác và phát huy cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã, UBND các huyện thị xã và cơ sở (xã, phường, thị trấn) tập trung đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa thể thao bằng nhiều biện pháp và hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở ngành liên quan và địa phương hướng dẫn Trung tâm thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao đạt hiệu quả.
6. Đề nghị Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và lãnh đạo các Đoàn thể tỉnh chỉ đạo cơ sở phối hợp với chính quyền cùng cấp tham gia triển khai thực hiện việc xây dựng và tổ chức hoạt động Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã đạt hiệu quả./.
- 1 Nghị quyết 13/2013/NQ-HĐND về mức hỗ trợ phụ cấp, thù lao của người hoạt động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã do thành phố Cần Thơ ban hành
- 2 Quyết định 2507/QĐ-UBND năm 2012 về Đề án xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 3 Quyết định 1512/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020
- 4 Thông tư liên tịch 22/2007/TTLT/BVHTT-UBTDTT hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn do Bộ Văn hóa-Thông tin, Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành
- 5 Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành
- 6 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7 Nghị định 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn
- 1 Quyết định 1512/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020
- 2 Quyết định 2507/QĐ-UBND năm 2012 về Đề án xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 3 Nghị quyết 13/2013/NQ-HĐND về mức hỗ trợ phụ cấp, thù lao của người hoạt động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã do thành phố Cần Thơ ban hành