Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2012/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 08 tháng 5 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ THÔNG TIN LIÊN LẠC ĐỐI VỚI TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Căn cứ Thông tư số 15/2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành “Quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển”;

Căn cứ Thông tư số 02/2007/TT-BTS ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 434/SNN-KT ngày 23 tháng 4 năm 2012 và theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND thành phố,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý thông tin liên lạc đối với tàu cá hoạt động trên biển của thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 30/2007/QĐ-UB ngày 05 tháng 6 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Quy chế quản lý thông tin liên lạc giữa các Tổ khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và truyền thông; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện; Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Văn Hữu Chiến

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ THÔNG TIN LIÊN LẠC ĐỐI VỚI TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 22 /2012/QĐ-UBND ngày 08 tháng5 năm 2012 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc trang bị, quản lý, sử dụng trang thiết bị thông tin liên lạc của tàu cá hoạt động trên biển; chế độ thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển, Đài trực canh của các cơ quan chức năng và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến thông tin tàu cá hoạt động trên biển thuộc thành phố Đà Nẵng.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hoạt động thông tin liên lạc liên quan đến tàu cá của thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Nguyên tắc thông tin liên lạc

1. Các tàu cá của thành phố Đà Nẵng khi hoạt động trên biển phải thông tin liên lạc với đất liền theo quy định và sử dụng các thiết bị này một cách hiệu quả.

2. Thường xuyên theo dõi và tiếp nhận các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thông tin nghề cá và giữ liên lạc thường xuyên với đất liền thông qua các đài thuộc Hệ thống đài Thông tin Duyên hải Việt Nam, các đài thuộc Hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng, các Đài trạm bờ của Chi cục Thủy sản, các đài thuộc Hệ thống thông tin khác và giữa tàu cá của mình với các tàu cá khác.

3. Đài trực canh của các cơ quan chức năng phải thường xuyên tiếp nhận và xử lý thông tin từ tàu cá hoặc từ hệ thống thông tin khác theo quy định của pháp luật và của Quy chế này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Các vùng biển:

a) Vùng biển A1: là vùng biển thuộc phạm vi phủ sóng của hệ thống VHF có bán kính từ bờ khoảng 35 hải lý.

b) Vùng biển A2: là vùng biển nằm ngoài vùng biển A1, thuộc phạm vi phủ sóng của hệ thống MF (băng tần 2 MHz) có bán kính từ bờ là 250 hải lý.

c) Vùng biển A3: là vùng biển nằm ngoài vùng biển A1, A2, thuộc phạm vi phủ sóng từ 700 vĩ độ Bắc đến 700 vĩ độ Nam và nằm trong vùng phủ sóng của hệ thống HF và hệ thống Inmarsat.

d) Vùng biển ven bờ: là vùng biển được giới hạn bởi mép nước biển tại bờ biển và tuyến bờ.

đ) Vùng lộng: là vùng biển được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng.

e) Vùng khơi: là vùng biển được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.

g) Vùng biển cả: là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế của các nước hoặc vùng lãnh thổ khác.

2. Trực canh: là các Đài tàu duy trì canh nghe liên tục trên các tần số gọi cấp cứu, thông tin cảnh báo khí tượng, cảnh báo hàng hải và những thông tin khẩn cấp khác ở những dải tần số cố định do các Đài thông tin duyên hải hoặc các Đài tàu khác cung cấp.

3. Đài trực canh của các cơ quan chức năng quy định trong Quy chế này là: hệ thống Đài Thông tin Duyên Hải Đà Nẵng, các Đài thông tin liên lạc thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Đài thông tin Biên phòng Đà Nẵng), các Đài thông tin liên lạc thuộc Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Đài thông tin Chi cục Thuỷ sản Đà Nẵng).

4. Tổ khai thác hải sản: là tổ được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Quyết định số 06/2005/QĐ-UB ngày 14 tháng 01 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quy chế Tổ chức đánh bắt hải sản trên biển theo tổ, áp dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ THIẾT BỊ THÔNG TIN VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN ĐỐI VỚI TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN

Điều 4. Thiết bị thông tin liên lạc trang bị trên tàu cá

Tất cả các tàu cá hoạt động trên biển phải trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc như sau:

1. Tàu cá hoạt động trên vùng biển ven bờ và vùng lộng (nằm trong vùng biển A1) phải có các thiết bị:

a) 01 thiết bị thu phát thoại vô tuyến sóng cực ngắn (VHF);

b) 01 máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB) hoặc 01 radio trực canh nghe thông báo thời tiết.

2. Tàu cá hoạt động trên vùng khơi và vùng biển cả (nằm trong vùng biển A2 và A3) phải có các thiết bị:

a) 01 thiết bị định vị vệ tinh (GPS).

b) 01 máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB) hoặc 01 radio trực canh nghe thông báo thời tiết.

c) 01 thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF) có chức năng trực canh trên tần số 7903 kHz của Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam và tần số sóng ngày 9339 kHz , sóng đêm 6973 kHz của Bộ đội Biên phòng.

d) 01 phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat hoạt động ở băng tần 406 MHz (thiết bị EPIRB).

Điều 5. Chế độ thông tin liên lạc đối với tàu cá hoạt động trên biển

1. Trong điều kiện thời tiết bình thường

a) Duy trì chế độ trực canh 24/24 giờ trong ngày, trên các tần số quy định:

- Thu thoại trên tần số đơn biên 7906 kHz của Hệ thống đài Thông tin Duyên hải Việt Nam để sẵn sàng thu nhận các bản tin dự báo thời tiết biển hàng ngày, tin bão, áp thấp nhiệt đới, tin thời tiết nguy hiểm và an toàn hàng hải.

- Thu phát thoại trên tần số đơn biên 7903 kHz của Hệ thống đài Thông tin Duyên hải Việt Nam để tiếp nhận các bản tin quảng bá cấp cứu, khẩn cấp và phát tin cấp cứu, khẩn cấp khi tàu bị nạn để có sự giúp đỡ cần thiết.

b) Đối với tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra

- Giữ liên lạc và báo cáo ít nhất một ngày một lần cho các Đài thông tin Biên phòng Đà Nẵng trên tần số 9105 kHz về: Vị trí tàu, số lượng lao động, tình trạng hoạt động của tàu mình và tàu cá trong tổ; tình hình an ninh trên vùng biển tàu đang hoạt động.

- Liên lạc và báo cáo ít nhất một ngày một lần cho các Đài thông tin Chi cục Thuỷ sản Đà Nẵng trên tần số 7909 kHz về: Vị trí tàu, sản lượng khai thác, tình trạng hoạt động của tàu; đồng thời nhận các thông tin hỗ trợ cho khai thác hải sản.

2. Khi có áp thấp nhiệt đới, bão xa hoặc tin thời tiết nguy hiểm trên biển

a) Duy trì chế độ trực canh như quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều này.

b) Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão xa hoặc thời tiết nguy hiểm và thông báo cho các tàu trong tổ và tàu cá khác biết để chủ động phòng tránh.

c) Các tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra phải giữ liên lạc và báo cáo ít nhất một ngày 02 lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ cho các Đài thông tin Biên phòng Đà Nẵng về: Vị trí tàu, số lượng lao động, tình trạng hoạt động của tàu mình và tàu cá trong tổ.

3. Khi bão gần, bão đã vào Biển Đông

a) Duy trì chế độ trực canh quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều này.

b) Thường xuyên theo dõi các bản tin bão và thông báo cho các tàu trong tổ và tàu cá khác biết để chủ động phòng tránh.

c) Các tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra phải giữ liên lạc và báo cáo ít nhất một ngày 03 lần, mỗi lần cách nhau 08 giờ cho các Đài thông tin Biên phòng Đà Nẵng về: Vị trí tàu, số lượng lao động, tình trạng hoạt động của tàu mình và tàu cá trong tổ.

d) Thông báo kịp thời cho các tàu cá trong tổ và tàu cá khác đang hoạt động trong khu vực.

e) Chấp hành lệnh của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

4. Khi tàu cá đang trong vùng ảnh hưởng của bão

a) Duy trì chế độ trực canh quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều này.

b) Các tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra phải giữ liên lạc liên tục 24/24 giờ trong ngày với các Đài thông tin Biên phòng Đà Nẵng trên tần số 9105 kHz; hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam trên tần số 7903 kHz và các tàu cá trong khu vực. Phát tín hiệu cấp cứu khi tàu bị nạn.

5. Khi bão tan

a) Duy trì chế độ trực canh quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều này.

b) Thông báo ngay cho Bộ đội Biên phòng nơi gần nhất, chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc nơi tàu đang trú ẩn về: Vị trí, tình trạng người và tàu cá của mình, tàu cá trong tổ.

Đồng thời các tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra phải giữ liên lạc liên tục 24/24 giờ với các Đài thông tin Biên phòng Đà Nẵng trên tần số 9105 kHz, hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam trên tần số 7903 kHz để tham gia điều động cứu nạn, cứu hộ (nếu có).

6. Khi phát hiện có hiện tượng nguy hiểm trên biển

Khi phát hiện có hiện tượng nguy hiểm cho hoạt động của tàu bè trên biển như: thiên tai, chướng ngại vật trôi nổi, cướp biển ... thông báo ngay cho hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam và Bộ đội Biên phòng để các cơ quan chức năng đề ra những biện pháp xử lý kịp thời.

7. Khi tàu cá hoạt động trên biển bị tai nạn

a) Trường hợp tàu cá của mình, tàu cá trong tổ bị tai nạn cần sự giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn phải kịp thời thông báo cho các tàu cá nơi gần nhất và đồng thời thông báo cho hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam trên tần số 7903 kHz hoặc các Đài thông tin Biên phòng Đà Nẵng trên tần số 9105 kHz về vị trí, tình trạng tai nạn của tàu cá và có biện pháp ứng phó kịp thời.

b) Khi nhận được thông tin hoặc phát hiện tàu cá bị nạn, phải đưa tàu đến hỗ trợ ứng cứu kịp thời và nhanh chóng thông báo cho các tàu cá, các đài thuộc hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam hoặc các đài thuộc Bộ đội Biên phòng nơi gần nhất biết để cùng hỗ trợ và phải chấp hành sự chỉ đạo, điều động của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Điều 6. Chế độ hoạt động của các Đài trực canh cơ quan chức năng

1. Các Đài thông tin Biên phòng Đà Nẵng

Trực canh 24/24 giờ trong ngày, trên tần số 9105 kHz.

2. Các Đài thông tin Chi cục Thuỷ sản Đà Nẵng

- Trực canh tự động nhận tin nhắn vị trí tàu 24/24 giờ, trên tần số 7909 kHz.

- Trực đàm thoại trên tần số 7909 kHz:

+ Buổi sáng từ 08h00’ đến 09h00’

+ Buổi chiều từ 14h00’ đến 15h00’

3. Phối hợp trao đổi thông tin liên lạc tàu cá trên biển

Đài trực canh của các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp trao đổi thông tin với nhau để hỗ trợ kịp thời cho tàu cá hoạt động trên biển.

Chương III

QUẢN LÝ THIẾT BỊ THÔNG TIN LIÊN LẠC ĐƯỢC NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ

Điều 7. Quản lý thiết bị thông tin liên lạc của Nhà nước hỗ trợ

1. Chủ tàu cá được hỗ trợ thiết bị thông tin liên lạc (kể cả chủ tàu cá được lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc Nhà nước hỗ trợ cho Tổ khai thác hải sản)

a) Phải thực hiện đúng cam kết (nếu có) với các cơ quan chức năng về quản lý, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc.

b) Không được mua, bán, đổi, cho, cầm cố, cho mượn thiết bị thông tin liên lạc được nhà nước hỗ trợ.

c) Đảm bảo các trang thiết bị liên lạc luôn ở trạng thái hoạt động tốt khi tàu cá hoạt động trên biển và có quy trình vận hành, sử dụng, có bảng tần số theo quy định trong công tác phòng chống bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn.

d) Chỉ được sử dụng thiết bị thông tin vào mục đích sản xuất, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, không được sử dụng vào các mục đích khác mà pháp luật không cho phép.

e) Nếu làm mất thiết bị thông tin liên lạc được Nhà nước hỗ trợ thì phải bồi thường theo giá thị trường (trừ trường hợp bất khả kháng).

f) Phải giữ gìn, bảo quản, sửa chữa khi thiết bị thông tin liên lạc bị hư hỏng. Nếu hư hỏng không sửa chữa được thì chủ tàu phải báo và nộp lại cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Tổ trưởng Tổ khai thác hải sản

Phải theo dõi, giám sát việc thực hiện chế độ thông tin liên lạc và quản lý, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc được Nhà nước hỗ trợ cho Tổ khai thác hải sản. Báo cáo kịp thời cho UBND phường, xã, đồn Biên phòng và Chi cục Thủy sản khi có vi phạm Quy chế này.

Điều 8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyền thu hồi, điều chuyển thiết bị thông tin liên lạc đã được hỗ trợ trong các trường hợp sau:

1. Không chấp hành Quy chế này.

2. Vi phạm một trong các nội dung đã cam kết với các cơ quan chức năng về chế độ thông tin liên lạc; quản lý, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc.

3. Bán tàu hoặc tàu không đi sản xuất từ 60 ngày trở lên (trừ trường hợp có lý do chính đáng được cơ quan chức năng xác nhận).

4. Tổ khai thác hải sản có Quyết định chấm dứt hoạt động hoặc tàu được lắp máy xin ra khỏi Tổ (đối với thiết bị thông tin liên lạc hỗ trợ cho Tổ khai thác hải sản).

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN THÔNG TIN ĐỐI VỚI TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN

Điều 9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tham mưu cho UBND thành phố trang bị và quản lý hệ thống thiết bị thông tin liên lạc tàu cá thuộc phạm vi quản lý.

2. Hàng năm có kế hoạch phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng tập huấn nâng cao nghiệp vụ thông tin liên lạc hai chiều cho các chủ tàu, thuyền trưởng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng và lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc tầm xa được hỗ trợ trên tàu; phối hợp với Bộ đội Biên phòng thành phố quản lý tốt thông tin liên lạc tàu cá và thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của tàu trên biển.

3. Chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản:

a) Duy trì chế độ trực các Đài thông tin của Chi cục để thu nhận và xử lý thông tin tàu cá hoạt động từ vùng biển khơi trở ra và phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ cho tàu cá hoạt động trên biển;

b) Thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng thành phố quản lý thông tin liên lạc tàu cá và cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của tàu cá trên biển để báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có yêu cầu;

c) Phối hợp với phòng Kinh tế, hội Nông dân quận, UBND các phường, hội Nông dân phường có tàu cá tham mưu chính sách và thực hiện việc hỗ trợ thiết bị thông tin liên lạc cho tàu cá;

d) Hàng năm tham mưu cho Sở trong việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế này;

4. Chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành kiểm tra, xử lý theo pháp luật đối với các chủ tàu cá, các Thuyền trưởng, các Tổ khai thác hải sản vi phạm Quy chế này;

5. Thường xuyên liên hệ với Viện nghiên cứu hải sản nắm tình hình diễn biến ngư trường để kịp thời thông báo cho các chủ phương tiện nghề cá.

Điều 10. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố

1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố làm cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ thông tin liên lạc và tổng hợp tình hình hoạt động tàu cá trên biển, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tàu cá, an ninh trên biển;

2. Chỉ đạo cho các đồn Biên phòng duy trì chế độ trực canh thông tin liên lạc hàng ngày theo lịch, nắm thông tin tàu cá hoạt động trên biển, kịp thời xử lý các tình huống sự cố xảy ra trên biển;

3. Cung cấp tần số, tên đài, lịch trực máy thông tin liên lạc của Bộ đội Biên phòng thành phố cho các tàu cá trên biển, đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II để liên hệ khi cần thiết;

4. Xử lý theo quy định đối với các tàu cá không trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này;

5. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm

a) Chỉ đạo các đồn Biên phòng trực máy thông tin liên lạc 24/24 giờ để liên lạc và nắm thông tin về tình hình hoạt động tàu cá và an ninh trên biển; hướng dẫn tàu tránh trú bão, tham gia cứu nạn, cứu hộ trên biển;

b) Nhanh chóng thống kê tình hình, số lượng tàu cá, lao động đang hoạt động trên biển báo cáo cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp quản lý;

c) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, điều động tàu cá đến nơi trú ẩn an toàn.

6. Xử lý các tàu cá không thực hiện đúng theo Quy chế này và các quy định khác của pháp luật về quản lý thông tin liên lạc tàu cá hoạt động trên biển;

7. Hàng năm phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác đảm bảo thông tin liên lạc tàu cá trên biển, báo cáo cho UBND thành phố.

Điều 11. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chỉ đạo các cơ quan thông tin ở địa phương: tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân Quy chế này, các quy định về đảm bảo an toàn khi hoạt động sản xuất trên biển; kịp thời phát tin áp thấp nhiệt đới, bão do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ cung cấp, các Công điện của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng; ưu tiên cao nhất cho việc thu, nhận và chuyển tin áp thấp nhiệt đới, bão tới các đơn vị, địa phương, các tàu thuyền hoạt động trên biển để chủ động phòng, tránh;

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá, đề xuất giải pháp xây dựng quy hoạch chi tiết hệ thống thông tin quản lý tàu cá, xây dựng dự án nâng cấp, kiện toàn mạng lưới thông tin liên lạc trên biển trình UBND thành phố xem xét phê duyệt.

Điều 12. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện

1. Chỉ đạo cho phòng Kinh tế, UBND các phường có tàu cá phối hợp với hội Nông dân thường xuyên theo dõi, quản lý việc sử dụng, bảo quản thiết bị thông tin liên lạc được Nhà nước hỗ trợ.

2. Trong các cuộc họp định kỳ 6 tháng của các Tổ khai thác hải sản do quận chủ trì, kết hợp nội dung đánh giá, rút kinh nghiệm công tác quản lý thiết bị thông tin liên lạc và hoạt động thông tin liên lạc trong các Tổ. Báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

3. Chỉ đạo UBND phường chủ trì phối hợp với hội Nông dân phường:

a) Giám sát việc lắp thiết bị thông tin liên lạc hỗ trợ cho các tàu cá trên địa bàn phường; theo dõi, kiểm tra việc sử dụng, bảo quản thiết bị thông tin liên lạc được Nhà nước hỗ trợ.

b) Theo dõi, đôn đốc các Tổ khai thác hải sản và tàu cá thực hiện tốt Quy chế này, định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện cho UBND quận.

4. Chỉ đạo UBND các phường phối hợp với các đồn Biên phòng, Chi cục Thuỷ sản … thống kê tàu cá, điều động, hướng dẫn tàu cá đến nơi trú ẩn an toàn khi có bão đến.

Điều 13. Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng

1. Thực hiện phát tin phòng chống thiên tai, dự báo thời tiết (bão, áp thấp nhiệt đới, dự báo thiên tai khác), an toàn hàng hải theo đúng quy định của Nhà nước để các địa phương ven biển và các phương tiện hoạt động trên biển biết, chủ động phòng, tránh;

2. Khi có thông tin liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên biển như tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, tình hình tai nạn tàu cá,… kịp thời thông báo cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II để phối hợp xử lý;

3. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ về thông tin liên lạc cho ngư dân.

Điều 14. Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Trung Trung bộ

Cung cấp kịp thời các tin dự báo thời tiết, dự báo bão, áp thấp nhiệt đới... cho Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng để kịp thời thông báo cho các tàu cá sản xuất trên biển.

Điều 15. Các tổ chức, cá nhân có tàu cá hoạt động trên biển

1. Trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin như quy định tại Điều 4 của Quy chế này và các thiết bị an toàn khác theo quy định đối với thuyền viên, tàu cá khi hoạt động trên biển.

2. Khi tàu hoạt động trên biển phải thực hiện chế độ thông tin liên lạc như quy định tại Điều 5 của Quy chế này.

3. Tạo điều kiện để các thuyền viên tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, sử dụng các trang thiết bị thông tin liên lạc lắp trên các tàu cá.

4. Tổ chức và tham gia mô hình đánh bắt hải sản theo tổ, đội. Thường xuyên theo dõi để tiếp nhận kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thông tin nghề cá; quản lý, kiểm tra và giữ liên lạc thường xuyên giữa các tàu cá trong tổ, đội; giữa tàu cá của mình với các tàu cá khác, các Đài thuộc Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam; các Đài thông tin Biên phòng Đà Nẵng, các Đài thông tin Chi cục Thuỷ sản Đà Nẵng và các hệ thống thông tin khác gần nhất trong khu vực tàu cá hoạt động; chấp hành lệnh của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các quy định của Quy chế này và các quy định khác của pháp luật về quản lý thông tin liên lạc đối với tàu cá hoạt động trên biển thì được khen thưởng theo quy định.

2. Nếu vi phạm các quy định trong Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật

Điều 17. Sửa đổi bổ sung

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, phát sinh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.