Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2020/QĐ-UBND

 Gia Lai, ngày 03 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN, NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 79/TTr-SNNPTNT ngày 01 tháng 6 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định một số nội dung về hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn (gọi chung là cơ sở ngành nghề nông thôn) bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Mức hỗ trợ kinh phí để di dời các cơ sở ngành nghề nông thôn ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch

Hỗ trợ một lần 100% chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt lại hệ thống máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất nhưng không quá 20 triệu đồng/cơ sở ngành nghề nông thôn.

Điều 4. Nội dung, mức chi hỗ trợ chi phí lớp học cho các cơ sở ngành nghề nông thôn trực tiếp mở lớp truyền nghề và đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề của nghệ nhân, thợ thủ công

1. Hỗ trợ chi phí lớp học cho các cơ sở ngành nghề nông thôn trực tiếp mở lớp truyền nghề: Hỗ trợ 100% chi phí mua nguyên vật liệu, in ấn tài liệu phục vụ lớp học truyền nghề theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp nhưng không quá 10 triệu đồng/lớp học.

2. Hỗ trợ đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề của nghệ nhân, thợ thủ công: Nghệ nhân, thợ thủ công kèm cặp nghề, truyền nghề được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người học nghề/khóa học.

Điều 5. Mức hỗ trợ dự án phát triển ngành nghề nông thôn từ ngân sách địa phương

1. Hỗ trợ 50% kinh phí mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất nhưng không quá 250 triệu đồng/dự án.

2. Mức chi hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo tập huấn cho người tham gia dự án, tổng kết dự án thực hiện theo quy định về mức chi hội nghị tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị và Nghị quyết số 75/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai quy định mức chi về công tác phí, chi hội nghị áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

 3. Trường hợp văn bản được viện dẫn tại khoản 2 điều này được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bằng văn bản mới thì áp dụng mức chi quy định tại văn bản mới.

Điều 6. Hình thức, định mức hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại Quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

1. Hình thức hỗ trợ: Làng nghề, làng nghề truyền thống được hỗ trợ kinh phí trực tiếp 01 lần sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

2. Định mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/làng nghề, làng nghề truyền thống.

Điều 7. Mức hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề

1. Hỗ trợ 90% kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện đường giao thông, nước sạch nhưng không quá 100 triệu đồng/dự án.

2. Hỗ trợ 90% kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống tiêu, thoát nước nhưng không quá 50 triệu đồng/dự án.

3. Hỗ trợ 90% kinh phí xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề nhưng không quá 50 triệu đồng/dự án.

Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí phát triển ngành nghề nông thôn gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp vào phương án phân bổ ngân sách trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

b) Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

c) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, tổng hợp, quyết định công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan tham mưu thẩm định chủ trương đầu tư và bố trí kế hoạch vốn đầu tư theo đúng quy định.

3. Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tình hình thực tế, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp để thực hiện hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định tại Quyết định này.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 13 tháng 8 năm 2020.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội; chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kpă Thuyên