Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 04 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BỔ SUNG NGÂN HÀNG TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hoá Thông tin về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Quyết định số 2344/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 3001/TTr-SVHTTDL ngày 21 tháng 12 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Bổ sung vào Ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận các nhân vật lịch sử tiêu biểu và danh từ có ý nghĩa tiêu biểu như sau:

1. Phạm Thị Tư

Phạm Thị Tư (1916 - 2009): Bí danh Tư Thìn, quê Làng Đại Hòa, Đại Nẫm (nay là xã Phong Nẫm). Tham gia cách mạng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp (trước năm 1945). Trong những năm kháng chiến căn nhà Má vừa là trạm giao liên, vừa là nơi đóng quân và nơi tiếp tế nuôi dưỡng bộ đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, Má tích cực vận động đồng bào đấu tranh, tiếp tế cho bộ đội. Trong những năm từ 1965 - 1972, Má bị bắt 03 lần, địch dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dùng cực hình để tra tấn nhưng với khí tiết cách mạng Má không chịu khuất phục trước kẻ thù, năm 1969 Má được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ cứu nước, Má được phong tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Với lòng quyết tâm chiến thắng giặc ngoại xâm, Má đã vận động và hy sinh 02 người con cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2015 Má được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

2. Ung Văn Khiêm

Ung Văn Khiêm (1910 - 1991): Còn có tên khác là Nhường, Huân, ông là một nhà cách mạng và chính trị gia. Quê làng Tấn Đức, tổng An Bình, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (ngày nay là xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Ông theo học Trường Collège de Can Tho (nay là trường THPT Châu Văn Liêm), do thường xuyên tham gia các phong trào bãi khóa và đấu tranh với hiệu trưởng Tây nên ông bị đuổi học. Về quê, ông tiếp xúc với thầy giáo Châu Văn Liêm, một nhà cách mạng và giới thiệu ông gia nhập nhóm “Đồng tâm, đồng chí” tại Chợ Mới. Cuối năm 1927, ông gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, làm Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Cần Thơ. Tháng 8/1929 tham gia thành lập An Nam Cộng sản Đảng, được chỉ định làm Bí thư miền Hậu Giang; Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương cuối năm 1930 thay Ngô Gia Tự.

Bị thực dân Pháp bắt và bị tù ở Khám lớn Sài Gòn và Côn Đảo (1931 - 1936). Hoạt động công khai, tổ chức Mặt trận bình dân ở các tỉnh miền tây Nam bộ (1936 1939), năm 1939 - 1941, ông bị bắt giam tại Long Xuyên. Từ tháng 08/1945 - 12/1945 ông được bầu Bí thư Xứ ủy Nam kỳ; Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, đơn vị tỉnh Long Xuyên (1946); Ủy viên nội vụ Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (02/1951); Ủy viên Trung ương Cục miền Nam (6/1951); Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau 1951-1954; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1955); Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III; Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa I, II, III; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam từ tháng 2/1961 đến tháng 4/1963; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam (30/4/1963 - 1971). Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Hữu nghị Lê Nin; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

3. Khúc Thừa Dụ

Khúc Thừa Dụ (… - Đinh Mão 907): Là người đặt cơ sở cho nền độc lập dân tộc Việt sau gần 1000 năm bị các triều đại Trung Hoa đô hộ. Ông quê ở Hồng Châu (thuộc vùng Bình Giang và Ninh Giang tỉnh Hải Dương). Ông vốn con nhà hào phú, tính lại khoan hòa, hay thương người, cho nên nhiều người kính phục.

Cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X, nhà Đường suy yếu nghiêm trọng, các thế lực cát cứ nổi lên đánh giết lẫn nhau. Ơ An Nam (lúc đó nhà Đường đổi gọi là Tĩnh Hải quân), do không có người của nhà Đường cử đến cai quản. Khúc Thừa Dụ khi đó là Hào trưởng Chu Diên, được dân chúng ủng hộ, đã tiến quân ra chiếm đóng phủ thành Đại La (Tống Bình cũ - Hà Nội), tự xưng là Tiết độ sứ. Sau khi đã nắm được quyền lực thực tế trên đất Tĩnh Hải quân, ông đã cho xây dựng chính quyền dựa trên danh xưng của chính quyền đô hộ nhà Đường, nhưng thực chất là một chính quyền độc lập và do người Việt quản lý. Ông khéo léo dùng danh nghĩa “Xin mệnh nhà Đường” buộc triều đình nhà Đường phải công nhận chính quyền của ông. Ngày 7 tháng 02 năm 906, vua Đường phong thêm cho Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ tước “Đồng bình chương sự”. Sau đó, Khúc Thừa Dụ tự lấy quyền mình, phong cho con là Khúc Hạo chức vụ “Tĩnh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu”, tức là chức vụ chỉ huy quân đội và sẽ kế vị quyền Tiết độ sứ.

Ngày 23 tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất. Con ông là Khúc Hạo lên kế vị.

4. Tôn Thất Bách

Tôn Thất Bách (1946 - 2004): Nguyên quán ông ở xã Dương Xuân Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc dòng dõi hoàng tộc Triều đình nhà Nguyễn. Cha ông là Giáo sư Tôn Thất Tùng, cũng là một nhà y khoa nổi tiếng của Việt Nam và thế giới; mẹ Ông là bà Vi Thị Nguyệt Hồ quê gốc Lạng Sơn là cháu nội của tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định. Tên của ông là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho với hàm ý trân trọng tài năng và phẩm chất của những người trí thức yêu nước như cha ông là bác sĩ Tôn Thất Tùng.

Ông là chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Việt Nam và thế giới. Năm 1973: Ông thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt gan phải bị ung thư đã vỡ. Ca mổ này đã gây tiếng vang lớn trong giới Y học Việt Nam. Năm 1978: Ông thực hiện thành công các ca phẫu thuật thay van tim tạo tiếng vang lớn cho nền Y học Việt Nam với thế giới. Ông từng là Phó Giáo sư Y học, Nhà giáo Nhân dân, Viện sĩ Viện hàn lâm ngoại khoa Pháp, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học New York, Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Lille - Pháp, Tiến sĩ danh dự trường Đại học Odessa - Ukraina, thành viên Hội ngoại khoa quốc tế. Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa IX, X và XI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Việt Nam khóa XI.

5. Vạn Xuân

Quốc hiệu Việt Nam dưới thời Lý Nam Đế. Năm 544, sau khi đánh đuổi được quân đô hộ và đánh lùi hai lần phản công xâm lược của nhà Lương (Trung Quốc), Lý Bí tự xưng hoàng đế tức Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức, đặt kinh đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội) và cho dựng điện Vạn Thọ làm nơi vua quan họp bàn việc nước. Nước Vạn Xuân tồn tại đến năm 602 thì bị nhà Tùy (Trung Quốc) thôn tính.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hòa