Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2201/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 05 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Qua xem xét Tờ trình số 89/TTr-STNMT ngày 23 tháng 9 năm 2008 của Sở Tài nguyên và Môi trường; Báo cáo số 82/BC-SKH ngày 03 tháng 10 năm 2008 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm:

- Bảo vệ môi trường là một trong những nội dung cơ bản để phát triển bền vững, phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội nên quy hoạch bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để phát triển bền vững;

- Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong tỉnh, bảo vệ môi trường mang tính quốc gia, khu vực và toàn cầu cho nên trong tổ chức thực hiện phải kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với huy động các nguồn lực trong xã hội và tăng cường hợp tác quốc tế;

- Bảo vệ môi trường phải trên cơ sở tăng cường quản lý Nhà nước, thể chế và pháp luật đi đôi với nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân và toàn xã hội về bảo vệ môi trường;

- Bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, theo nguyên tắc phòng ngừa là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; hoạt động bảo vệ môi trường phải tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, với khoa học công nghệ là công cụ hữu hiệu trong bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu phát triển:

2.1. Mục tiêu tổng quát:

- Nhằm tăng cường năng lực quản lý và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đây là mục tiêu lớn cần đạt được nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường;

- Không ngừng phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu và cải thiện các tác động ảnh hưởng từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu cần đạt được để đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

* Đến năm 2010 phấn đấu đạt các mục tiêu sau đây:

- Thị xã Bạc Liêu và các thị trấn phải đảm bảo xử lý 90% chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, đặc biệt là tại thị xã Bạc Liêu - Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh;

- Có 95% dân số đô thị được dùng nước hợp vệ sinh; quy hoạch và lập dự toán chi tiết, xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt đáp ứng nhu cầu phát triển về đô thị với hình thức kiên cố và kinh tế nhất;

- Hệ thống giao thông trên địa bàn các khu đô thị được nâng cấp hoàn chỉnh, hệ thống cây xanh trong khu vực nội ô được cải tạo, mang lại môi trường không khí trong lành và thoáng mát trong khu vực; tăng diện tích cây xanh ở các khu đô thị, tăng độ che phủ lên 2,23% vào năm 2010;

- Các khu công nghiệp tỉnh phải hoàn thành cơ bản các hệ thống xử lý nước thải; đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp, công trình xử lý chất thải công nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường; khuyến khích các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phát sinh ngay tại nguồn;

- Phấn đấu tỷ lệ dân ở nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh đạt khoảng 85% và 70% hộ gia đình có nhà xí hợp vệ sinh; ngăn ngừa ô nhiễm do hóa chất nông nghiệp, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;

- Từng bước phòng chống và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng tiêu cực do các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tại vùng ven biển, mà chủ yếu là các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản;

- Đảm bảo diện tích rừng phòng hộ ven biển, tăng cường trồng cây phân tán trong các hộ dân bình quân 10 triệu cây/năm, tăng độ che phủ rừng, các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực do Nhà nước quy định;

- Củng cố và tôn tạo lại vườn chim, hạn chế phát triển du lịch sinh thái tại các khu vực nhạy cảm tập trung nhiều loại động vật đang cư trú.

* Đến năm 2020 phấn đấu đạt các mục tiêu sau:

- Thị xã Bạc Liêu và các thị trấn phải đảm bảo xử lý 100% nước thải sinh hoạt; thu gom, phân loại và xử lý 100% chất thải rắn. Xóa bỏ triệt để các điểm rác tồn đọng trên vỉa hè, lòng đường đảm bảo đô thị xanh - sạch - đẹp;

- Ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và ô nhiễm tiếng ồn mang tính cục bộ trong các tuyến đường chính của thị xã và khu vực trung tâm các thị trấn;

- Phấn đấu hoàn chỉnh 100% hệ thống thu gom và xử lý chất thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, khu cụm công nghiệp, đảm bảo chất lượng nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn xả thải, không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực xung quanh;

- Phấn đấu 95% số dân vùng nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường nông thôn cho nhân dân, từng bước giảm diện tích đất nông nghiệp bị thoái hóa.

3. Giải pháp và các chương trình thực hiện quy hoạch:

3.1. Hoàn thiện cơ chế, tổ chức, văn bản pháp lý:

- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, ưu tiên đầu tư nhân lực cho tổ chức môi trường thuộc các phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện, thị xã;

- Rà soát và ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực thi hành các quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng các chính sách gắn kết trách nhiệm bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội, cân bằng và tạo động lực thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển;

- Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp;

- Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về môi trường phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức như tăng cường nguồn lực về nhân lực, về đầu tư cho các hoạt động quản lý môi trường; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu chính sách và pháp luật, kiểm soát ô nhiễm và chất thải, thanh tra, hệ thống quan trắc và phân tích môi trường, giáo dục và nâng cao nhận thức môi trường cũng như tăng cường các cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động quản lý Nhà nước về môi trường.

3.2. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường:

- Tổ chức các hoạt động về bảo vệ môi trường trong cộng đồng như phát động các phong trào bảo vệ môi trường,... cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cơ quan chức năng khác nhau (Phụ nữ, thanh niên, y tế,...) nhằm thu hút sự chú ý, tham gia của nhiều tầng lớp dân cư, doanh nghiệp trong khu vực, tạo ảnh hưởng tốt, hiệu quả cho phong trào;

- Tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao nhận thức cộng đồng góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị thông qua giáo dục tại trường học, họp tổ dân phố, các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình phát động xanh - sạch - đẹp nhân các ngày lễ lớn trong năm;

- Thường xuyên đào tạo và phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường đến nhân dân thông qua các buổi họp ấp, xã đồng thời tạo điều kiện khuyến khích người dân tiếp cận, học hỏi; những nhà quản lý môi trường tại địa phương nên thường xuyên giáo dục cho người dân hiểu được việc áp dụng kỹ thuật trong nông nghiệp không đúng cách sẽ mang lại những hậu quả khó lường;

- Đưa các chương trình cơ bản về bảo vệ môi trường vào chương trình học chính khóa, ngoại khóa của các trường học như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường trong trường học, tổ chức các hoạt động dã ngoại về môi trường của học sinh, sinh viên có sự tham gia hướng dẫn của các cơ quan quản lý môi trường;

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường tại địa phương, đơn vị.

3.3. Áp dụng các công cụ kinh tế, thể chế hóa việc thực thi quy hoạch bảo vệ môi trường:

- Phí môi trường: Phí môi trường là một công cụ kinh tế trực tiếp dựa trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “Ai hưởng thụ môi trường trong lành phải đóng phí cho công tác cải thiện môi trường”; phí môi trường được đặt ra nhằm mục đích khuyến khích các nhà sản xuất, kinh doanh đầu tư giảm thiểu ô nhiễm, thay đổi hành vi gây ô nhiễm của các đối tượng bị thu phí, đặc biệt là các cơ sở sản xuất công nghiệp; áp dụng các lệ phí hành chính và xử phạt vi phạm hành chính: Lệ phí hành chính là phí phải trả cho cơ quan Nhà nước về những dịch vụ đăng ký hoặc do thực hiện cưỡng chế thi hành các quy định về môi trường; đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tùy theo mức độ ô nhiễm, lưu lượng xả thải và tính chất nguy hại mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

- Thuế sử dụng các thành phần môi trường: Thuế sử dụng các thành phần môi trường có mục đích giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm và có hiệu quả nhất, đặc biệt là đối với các loại tài nguyên không thể tái tạo được như nước ngầm, tài nguyên đất…;

- Thành lập quỹ dự phòng môi trường: Nguồn đóng góp cho quỹ môi trường là các khoản thu thuế môi trường và các khoản phạt vi phạm Luật Môi trường; quỹ này tồn tại theo kiểu “Lấy nó nuôi nó”, hoạt động phát triển không phải như hoạt động ngân hàng;

- Giấy phép thải có thể chuyển nhượng hay quota gây ô nhiễm: Đây là biện pháp sử dụng công cụ kinh tế để kiểm soát ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả cao nhất và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng; việc phân phối ban đầu của các giấy phép liên quan đến một chuẩn mực nào đó của môi trường xung quanh nhưng sau đó giấy phép có thể đem ra mua bán chuyển nhượng dựa trên một luật lệ đã định sẵn. Do vậy, loại công cụ kinh tế này rất linh hoạt và mềm dẻo, phù hợp cho việc quản lý những dạng thải khó đo lường và kiểm soát nhưng lại phù hợp với cơ chế thị trường có tính hoàn hảo;

- Nhãn môi trường: Đây là loại công cụ có ý nghĩa cho người tiêu dùng và hình ảnh của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu hàng hóa; được dán nhãn sinh thái là một sự khẳng định uy tín của sản phẩm và của nhà sản xuất. Vì thế, các sản phẩm có nhãn sinh thái thường có sức cạnh tranh cao và giá bán ra thị trường cũng thường cao hơn các sản phẩm cùng loại. Tỉnh Bạc Liêu đang có rất nhiều ngành nghề chế biến thủy sản phát triển và xuất khẩu ra nước ngoài, việc áp dụng công cụ kinh tế này trong quản lý sẽ góp phần nâng cao ý thức của chủ doanh nghiệp đối với sản phẩm của mình cũng như đối với chất lượng sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, điều này sẽ làm cho người tiêu dùng quốc tế có cái nhìn mới về sản phẩm của mình, góp phần tăng thu nhập kinh tế. Với những lý do trên, tỉnh Bạc Liêu nên xây dựng và ban hành cơ chế để một số mặt hàng xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa của tỉnh được dán nhãn môi trường;

- Ký quỹ môi trường: Nội dung chính của ký quỹ môi trường là yêu cầu các doanh nghiệp trước khi đầu tư phải đặt cọc tại ngân hàng một khoản tiền nào đó đủ lớn để đảm bảo cho việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và công tác bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện đầu tư và sản xuất, nếu cơ sở có các biện pháp chủ động khắc phục, không để xảy ra ô nhiễm hoặc suy thoái ra môi trường đúng như cam kết thì số tiền ký quỹ sẽ được hoàn trả lại cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết hoặc phá sản, số tiền trên sẽ được rút ra từ tài khoản ngân hàng chi cho công tác khắc phục sự cố ô nhiễm đồng thời với việc đóng cửa doanh nghiệp;

- Các hình thức hỗ trợ tài chính: Đối với tỉnh Bạc Liêu do kinh phí đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp rất tốn kém, chi phí vận hành thiết bị cũng sẽ làm tăng thêm giá thành sản phẩm. Do đó, Nhà nước và tỉnh cần có chính sách khuyến khích như: Miễn giảm thuế, được vay vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các công trình xử lý ô nhiễm có yêu cầu đầu tư vốn lớn, đặc biệt có chính sách cụ thể đối với các đối tượng phải di dời đến khu công nghiệp tập trung.

3.4. Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường:

- Thực hiện chính sách ưu đãi thu hút đầu tư:

+ Áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai đối với hoạt động bảo vệ môi trường;

+ Áp dụng chính sách miễn, giảm thuế, phí đối với các hoạt động bảo vệ môi trường được quy định;

+ Tổ chức, cá nhân đầu tư bảo vệ môi trường được ưu tiên vay vốn từ các quỹ bảo vệ môi trường; trường hợp vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác để đầu tư bảo vệ môi trường thì được xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc bảo lãnh tín dụng đầu tư theo điều lệ của quỹ bảo vệ môi trường;

+ Chương trình, dự án bảo vệ môi trường trọng điểm của Nhà nước cần sử dụng vốn lớn được ưu tiên xem xét cho sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức;

+ Chính phủ quy định cụ thể các chính sách ưu đãi đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

- Thu hút nguồn vốn đầu tư trong tỉnh:

+ Kêu gọi sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho bảo vệ môi trường;

+ Khuyến khích các tổ chức tài chính trong huyện tham gia vào việc cung cấp tài chính cho việc bảo vệ môi trường;

+ Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn tài chính cho bảo vệ môi trường, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm;

+ Huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đóng góp công sức, tiền của để đầu tư bảo vệ môi trường;

+ Thu hút đầu tư cho bảo vệ môi trường từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển như quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh, huyện;

+ Áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn, trợ giá đối với các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và tạo nguồn kinh phí để đầu tư áp dụng các công nghệ sạch và các biện pháp bảo vệ môi trường khác;

+ Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư bảo vệ môi trường;

+ Ðầu tư bảo vệ môi trường phải được đa dạng hóa về hình thức và nguồn vốn nhằm huy động được mọi nguồn lực trong xã hội;

+ Ban hành quy định về tăng cường và đa dạng các nguồn vốn bảo vệ môi trường, trong đó dự kiến hàng năm tăng dần tổng chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường 10%, thành lập cơ chế tài chính như quỹ bảo vệ môi trường địa phương, ngành và ngân hàng môi trường;

+ Mức đầu tư bảo vệ môi trường phải được tăng cường theo nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế; các doanh nghiệp được tính vốn đầu tư bảo vệ môi trường trong giá thành chi phí sản xuất để huy động từ 1 - 2% tổng chi phí của doanh nghiệp.

- Thu hút nguồn vốn đầu tư từ các vùng phụ cận và vốn đầu tư nước ngoài:

+ Tiếp tục thực hiện các chính sách đổi mới, thu hút sự tham gia của các tổ chức quốc tế;

+ Tăng cường hợp tác quốc tế trong các Ủy ban của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường;

+ Tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế cho công tác nghiên cứu, thu thập và xử lý dữ liệu môi trường, triển khai các dự án phòng chống thiên tai và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

3.5. Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:

- Nâng cao nhận thức về vai trò nền tảng và động lực phát triển kinh tế xã hội của nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;

- Nghiên cứu đổi mới cơ chế trong công tác bảo vệ môi trường;

- Xây dựng và phát triển thị trường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;

- Vận dụng và xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;

- Đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường;

- Nhập khẩu, tiến tới tự sản xuất các thiết bị phân loại, thu gom vận chuyển, xử lý chất thải;

- Xây dựng các đề án, dự án bảo vệ môi trường tỉnh;

- Hình thành phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước;

- Thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học các dự án, đầu tư đưa vào áp dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với điều kiện của các địa phương trong tất cả các khâu của quy trình giải quyết chất thải;

- Hiện đại hóa công nghệ và sản xuất thiết bị chuyên ngành xử lý chất thải;

- Bên cạnh các hình thức tự nguyện, việc bắt buộc áp dụng sản xuất sạch hơn vào sản xuất nên được thực hiện đối với một số ngành công nghiệp trong địa bàn tỉnh;

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

3.6. Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế:

Để thực hiện tốt việc hợp tác trong khu vực và quốc tế về lĩnh vực môi trường cần đề xuất một số giải pháp sau:

- Cụ thể hóa bằng các kế hoạch và chương trình hợp tác cụ thể, trong đó, xác lập các nội dung ưu tiên hợp tác trước;

- Phân công trách nhiệm và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực môi trường để triển khai thực hiện các nội dung của chiến lược và các chương trình, dự án, đề án hợp tác trọng điểm trong từng giai đoạn;

- Tăng cường sự hợp tác giữa các ngành và các cơ quan chức năng trong các vấn đề liên quan;

- Sử dụng có hiệu quả vốn vay và viện trợ của nước ngoài đầu tư phát triển khoa học và công nghệ nói chung và trong lĩnh vực môi trường nói riêng;

- Quy hoạch lực lượng cán bộ khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng cho nhu cầu thực tiễn của các chương trình, dự án, đề án hợp tác, tạo cầu nối thích hợp và thuận lợi trong hợp tác khu vực và quốc tế;

- Mở rộng quan hệ hợp tác phát triển khoa học, công nghệ trong và ngoài nước; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và Trung ương trong các lĩnh vực đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ;

- Xây dựng cơ chế ưu tiên và thường xuyên tăng cường hợp tác, liên kết, hỗ trợ toàn diện về khoa học và công nghệ với các địa phương lân cận và các nước trong vùng;

- Xây dựng các cơ chế thích hợp, tạo điều kiện để cán bộ khoa học và công nghệ được tham dự các khóa đào tạo, tập huấn, tham quan khảo sát chuyên đề ở nước ngoài, học hỏi các kinh nghiệm phục vụ ứng dụng trong thực tế quản lý, nghiên cứu, sản xuất kinh doanh của thành phố.

4. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư:

* Các chương trình:

- Chương trình tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường;

- Chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường;

- Chương trình bảo vệ môi trường đô thị;

- Chương trình bảo vệ môi trường nông thôn;

- Chương trình bảo vệ môi trường công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp;

- Chương trình bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, ven biển và hệ sinh thái;

- Chương trình bảo vệ, bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch.

* Các dự án ưu tiên đầu tư: (Có phụ lục kèm theo).

* Nguồn vốn đầu tư:

- Tổng vốn đầu tư: 224.900 triệu đồng, trong đó:

+ Vốn ngân sách: 115.140 triệu đồng;

+ Vốn huy động: 109.760 triệu đồng.

- Chia làm 03 giai đoạn đầu tư như sau:

Giai đoạn thực hiện (Năm)

Nguồn vốn

(Triệu đồng)

Nguồn huy động

Tỷ lệ huy động (%)

2008 - 2010

20.600

Nguồn vốn ngân sách các cấp

55

2011 - 2015

110.450

Huy động từ các nguồn khác

45

Nguồn vốn ngân sách các cấp

60

Huy động từ các nguồn khác

40

2016 - 2020

93.850

Nguồn vốn ngân sách các cấp

40

Huy động từ các nguồn khác

60

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố công khai Quy hoạch đã được phê duyệt đến các cấp, các ngành, các huyện, thị, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh biết để triển khai thực hiện; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện Quy hoạch môi trường đồng bộ với quy hoạch ngành lãnh thổ trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Hoàng Bê

 

PHỤ LỤC

CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRONG QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 2201/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

STT

Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

Kinh phí thực hiện (Triệu đồng)

Tổng cộng (Triệu đồng)

Giai đoạn 2008 - 2010

Giai đoạn 2011 - 2015

Giai đoạn 2016 - 2020

Giai đoạn 2008 - 2020

1

Tăng cường năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường

400

800

1.200

2.400

Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường cấp tỉnh, cấp địa phương

150

250

200

600

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT

250

550

400

1.200

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

 

 

600

600

2

Chương trình bảo vệ môi trường đô thị

10.200

58.000

79.200

147.400

Xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt công suất 25.000m3/ngày đêm tại thị xã Bạc Liêu

1.000

24.000

 

25.000

Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn cho tỉnh Bạc Liêu công suất 60 tấn/ngày đêm

5.000

25.000

15.000

45.000

Tăng cường năng lực cho hệ thống thu gom và vận chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

3.000

7.000

6.000

16.000

Hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường trên cơ sở mạng lưới quan trắc hiện có của tỉnh, quy hoạch xây dựng bổ sung một số trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí, đất, nước và hệ sinh thái ven biển

1.200

2.000

58.000

61.200

Khảo sát thực trạng chất thải y tế tại các đơn vị trực thuộc ngành y tế tỉnh Bạc Liêu

 

 

200

200

3

Chương trình bảo vệ môi trường vùng nông thôn

5.500

10.000

8.400

23.900

Điều tra, đánh giá chất lượng nước ngầm và xác định khả năng cho phép khai thác theo từng khu vực trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

 

1.200

 

1.200

Dự án cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường

5.000

8.000

7.000

20.000

Kiểm soát ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản

 

 

200

200

Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường do hoạt động nuôi trồng thủy sản (Nước thải và bùn thải)

200

800

 

1.000

Quy hoạch các nghĩa trang, nghĩa địa và các khu vực hỏa táng cấp huyện, xã

 

 

1.200

1.200

Nghiên cứu và triển khai các mô hình xử lý rác thải tại khu vực nông thôn

300

 

 

300

4

Chương trình bảo vệ môi trường công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

4.000

40.000

2.600

46.600

Xây dựng quy định về xả thải và phân vùng xả thải tỉnh Bạc Liêu

 

 

600

600

Thực hiện ngăn ngừa ô nhiễm - sản xuất sạch hơn một số ngành công nghiệp điển hình: Chế biến thủy sản

4.000

8.000

 

12.000

Dự án di dời toàn bộ các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (Trong đó ưu tiên cho thị xã Bạc Liêu) vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung để xử lý và quản lý môi trường phù hợp tiêu chuẩn quy định

 

32.000

 

32.000

Xây dựng khu xử lý chất thải công nghiệp nguy hại

 

 

2.000

2.000

5

Chương trình bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, ven biển và hệ sinh thái tỉnh Bạc Liêu

400

1.050

2.250

3.700

Điều tra hiện trạng tài nguyên và môi trường rừng ngập mặn ven biển tỉnh Bạc Liêu và đề xuất mô hình quản lý thích hợp

400

 

 

400

Xây dựng chiến lược quản lý và bảo vệ môi trường vùng biển, ven biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020

 

800

 

800

Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường biển ven bờ

 

250

250

500

Dự án quy hoạch phát triển và bảo vệ môi trường vùng đất ngập nước; tăng cường khai thác và sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên tại các vùng đất ngập nước quan trọng nhất của tỉnh

 

 

1.200

1.200

Dự án nghiên cứu đánh giá trữ lượng, khả năng khai thác, tình hình biến động nguồn lợi thủy sản các vùng cửa sông ven biển và đề xuất các giải pháp bảo vệ

 

 

800

800

6

Chương trình bảo vệ, bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch

100

600

200

900

Dự án tăng cường công tác thu gom và xử lý các loại chất thải phát sinh tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng cho các khách sạn và cơ sở lưu trú

 

400

200

600

Dự án tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên tại các khu danh lam, thắng cảnh, khu di tích lịch sử và văn hóa

100

200

 

300

 

Tổng cộng

20.600

110.450

93.850

224.900