Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 221/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020 CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 318/VDD-CĐT ngày 08 tháng 6 năm 2011 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về việc xây dựng kế hoạch Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Công văn số 6658/SYT-NVY ngày 19 tháng 11 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Y tế;
- Viện Dinh dưỡng Quốc gia;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu:VT, (VX/P) An.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 221/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một đô thị lớn, đông dân nhất cả nước. Theo kết quả điều tra dân số ngày 01 tháng 4 năm 2009, thành phố Hồ Chí Minh có dân số 7.162.864 người (trong đó nam có 3.435.734 người chiếm 47,97%, nữ có 3.727.130 người chiếm 52,03%) với 1.824.822 hộ trong đó: 1.509.930 hộ tại thành thị và 314.892 hộ tại nông thôn, bình quân 3,93 người/hộ; tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị là 83,32%, trong đó có gần một phần ba là dân nhập cư từ các tỉnh khác. Tuổi thọ trung bình của nam giới ở thành phố là 71, nữ giới là 75. Số trẻ dưới 5 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh là 462.006 trẻ, trong đó trẻ dưới 2 tuổi chiếm hơn 50%.

Cơ cấu kinh tế bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại trong đó tỷ trọng về công nghiệp chiếm ưu thế. Thành phố đang trong quá trình phát triển và xây dựng, do đó khu vực nội thành mang đầy đủ đặc điểm của một thành phố phát triển, trong khi đó khu vực ngoại thành vẫn mang đặc điểm của khu vực còn đang trong quá trình phát triển về kinh tế - xã hội. Vì vậy, tình hình dinh dưỡng đan xen giữa suy dinh dưỡng cao ở khu vực ngoại thành và thừa cân béo phì tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Điều này đã tạo nên gánh nặng kép về dinh dưỡng trên địa bàn thành phố của thời kỳ chuyển tiếp về dinh dưỡng.

Trong thập kỷ qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả đáng kể trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của nhân dân. Nhiều mục tiêu của kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2001 - 2005 và 2006 - 2010 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân đã được cải thiện đáng kể; Tỷ lệ suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm liên tục và bền vững.

Mặc dù đạt được các thành tựu đáng ghi nhận trong 10 năm qua nhưng thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải đương đầu với những thách thức lớn về dinh dưỡng. Đó là tình trạng thừa cân - béo phì và một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng. Tình trạng dinh dưỡng của người lao động và học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn nhân lực thực hiện các chương trình dinh dưỡng còn thiếu hụt. Các thách thức trong bối cảnh mới tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực cao trong hành động của Đảng, Chính quyền và các ban ngành của thành phố, hướng tới dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng góp phần phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân trong thập niên tới.

Phần thứ 1

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2001 - 2010 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch:

Thực hiện Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng (CLQGDD) giai đoạn 2001 - 2010 và công văn chỉ đạo của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 - 2010 của các tỉnh/thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2006 - 2010 và quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện CLQGDD tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 - 2010 gồm 15 thành viên thuộc các Sở, Ban ngành liên quan. Ngay sau khi thành lập, BCĐ đã tiến hành cuộc họp thông qua kế hoạch thực hiện Chiến lược và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.

2. Công tác truyền thông phổ biến kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ triển khai công tác dinh dưỡng:

Hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho các nhóm đối tượng được triển khai đồng bộ với nhiều hình thức và nội dung ngày càng đa dạng, sáng tạo, thu hút sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng khác nhau, nâng cao nhận thức và thực hành dinh dưỡng đúng của người dân thành phố, góp phần đáng kể vào thành công của các chương trình mục tiêu quốc gia. Các thông điệp chính gồm dinh dưỡng - vận động hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống thừa cân - béo phì, đái tháo đường và các bệnh mạn tính không lây,… cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, phụ nữ tuổi sinh sản, trẻ tuổi học đường, người lao động,…

Công tác đào tạo không chỉ chú trọng vào xây dựng mạng lưới dinh dưỡng cộng đồng mà còn đã từng bước triển khai tới các bệnh viện, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác dinh dưỡng trên địa bàn thành phố.

3. Phối hợp liên ngành và xã hội hóa công tác dinh dưỡng:

Tại thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự điều phối của cơ quan thường trực là Sở Y tế, các hoạt động liên quan đến công tác dinh dưỡng luôn có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan của ngành Y tế với các Sở, Ban Ngành, Đoàn thể như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...

Bên cạnh đầu tư kinh phí từ ngân sách, thành phố cũng đã vận động thêm nguồn kinh phí bổ sung từ các tổ chức trong nước và quốc tế, góp phần tăng cường quy mô và chất lượng các hoạt động của CLQGDD tại thành phố Hồ Chí Minh.

4. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ:

Hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng tập trung vào xây dựng mạng lưới, trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành cho mạng lưới, triển khai hoạt động can thiệp dinh dưỡng và đánh giá tình trạng dinh dưỡng hàng năm của trẻ em và bà mẹ. Tất cả các phường, xã, thị trấn của thành phố đều có cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng với hơn 1.500 người. Ngoài các điều tra, giám sát định kỳ, thành phố còn tổ chức các cuộc điều tra chuyên biệt nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học cho việc xây dựng kế hoạch cũng như các đề án can thiệp đặc hiệu trên địa bàn thành phố và xây dựng mô hình điểm triển khai toàn diện các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại huyện Cần Giờ.

Trong 10 năm qua, tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em dưới 5 tuổi (dựa theo chỉ số cân nặng so với tuổi) đã giảm nhanh trong thập kỷ qua từ 28,5% năm 1996 xuống còn 14,5% vào năm 2000 và 6,8% vào năm 2010 (1), hiện thấp nhất trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng chung của toàn quốc. Tỉ lệ SDD thấp còi năm 2000 là 11,3% đến năm 2010 đã giảm còn 7,8%. Tỉ lệ thiếu dinh dưỡng trường diễn ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) giảm 35% lần trong vòng 10 năm qua (từ 18,8% năm 2001 xuống còn 12,3% vào năm 2009) (2).

Ngoài ra, tỉ lệ SDD ở trẻ tuổi học đường đã giảm đáng kể ở tất cả các cấp học. Tỉ lệ SDD thấp còi đã giảm từ 8,1% (2002) xuống còn 3,5% (2009) ở học sinh tiểu học (3); từ 16,0% (2002) giảm còn 6,6% (2009) ở học sinh trung học cơ sở (4); và từ 19,5% (2004) giảm còn 10,7% (2009) ở học sinh trung học phổ thông (5).

5. Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng:

Hoạt động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay chỉ mới tập trung vào 3 vi chất phổ biến là phòng chống thiếu vitamin A, phòng chống thiếu máu do thiếu sắt và phòng chống các rối loạn do thiếu iốt. Hàng năm, Trung tâm Dinh dưỡng đều tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động của 3 chương trình vi chất dinh dưỡng. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông lồng ghép 3 chương trình vi chất dinh dưỡng cho cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng 24 quận, huyện và bệnh viện có khoa sản. Thực hiện giám sát hoạt động triển khai chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng tại địa bàn phường xã và quận huyện, có báo cáo kết quả giám sát trực tiếp cho lãnh đạo y tế và chính quyền địa phương để kịp thời chấn chỉnh, hỗ trợ và giải quyết các khó khăn.

Phòng chống thiếu vitamin A

Mục tiêu của chương trình: trên 98% trẻ từ 6-36 tháng tuổi và trên 90% bà mẹ sau sanh được bổ sung vitamin A liều cao.

Kết quả: tỉ lệ trẻ em 6-36 tháng tuổi được bổ sung vitamin A liều cao mỗi năm 2 lần luôn đạt tỷ lệ trên 98%, bà mẹ trong vòng một tháng đầu sau khi sinh được uống vitamin A luôn đạt trên 90%. Cả nước, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản loại trừ các thể lâm sàng bệnh khô mắt do thiếu vitamin A. Tuy nhiên thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm tỉ lệ 4,2% ở trẻ dưới 5 tuổi (vấn đề sức khỏe cộng đồng ở mức độ nhẹ) (6), và gần 30% ở bà mẹ cho con bú bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng (mức độ nặng, theo WHO), thấp hơn tỉ lệ chung của cả nước (lần lượt là 14,2%, 32,7% và 49,4%). Từ kết quả khảo sát, chương trình vẫn cần tiếp tục bổ sung vitamin A cho trẻ 6-36 tháng và bà mẹ sau sanh, đồng thời nghiên cứu hướng bổ sung vitamin A phù hợp cho trẻ dưới 6 tháng tuổi và cho bà mẹ nuôi con bú.

Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng

Từ năm 2005, chương trình phòng chống thiếu máu dinh dưỡng đã được thành phố triển khai rộng khắp trên tất cả 24 quận huyện với mục tiêu là > 80% phụ nữ mang thai được bổ sung viên sắt/ thuốc bổ máu ít nhất 3 tháng trong thai kỳ, các hoạt động chính được triển khai gồm truyền thông kiến thức phòng chống thiếu máu kết hợp cấp phát viên sắt cho phụ nữ mang thai tại địa phương thông qua các Trung tâm Y tế Dự phòng quận huyện và các trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Từ năm 2007, Trung tâm Dinh dưỡng đã tiến hành cấp phát viên sắt liều dự phòng thiếu máu cho tất cả nữ sinh trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thông qua hệ thống y tế nhà trường với mục tiêu là > 90% nữ sinh trung học phổ thông được bổ sung viên sắt theo phác đồ dự phòng. Về cơ bản, chương trình đã đạt được những mục tiêu đề ra.

Phòng chống các rối loạn do thiếu hụt iốt

Mục tiêu thanh toán các rối loạn do thiếu hụt iốt theo mục tiêu của Chương trình Quốc gia gồm có giảm tỷ lệ bướu cổ ở học sinh 8 - 10 tuổi < 5%, mức iốt niệu trung vị ≥ 10mcg/dl, tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh ≥ 90%.

Hoạt động phòng chống các rối loạn do thiếu iốt chủ yếu tập trung vào hoạt động truyền thông vận động người dân sử dụng muối iốt và giám sát muối iốt tại 3 khâu: tại nhà máy, cửa hàng bán lẻ và hộ gia đình.

Các rối loạn do thiếu iốt trên toàn quốc cơ bản đã được thanh toán từ năm 2005. So với chỉ tiêu của chương trình, toàn quốc đã đạt chỉ tiêu về hạ thấp tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8 - 10 tuổi nhưng chưa đạt về chỉ tiêu duy trì mức iốt niệu trung vị ≥ 10mcg/dl và độ bao phủ muối iốt (độ bao phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh năm 2005 là 91,9% giảm xuống còn 69,5% vào năm 2009). Tại thành phố Hồ Chí Minh, cho tới nay, mặc dù trên 80,0% người dân thành phố biết lợi ích của việc dùng muối iốt, tỷ lệ bướu cổ học sinh 8 - 10 tuổi là 1,5% (theo kết quả điều tra năm 2005) nhưng mức iốt niệu trung vị vẫn chưa đạt mức phòng bệnh (7,0 mcg/dl năm 2010), và nhất là tỉ lệ hộ gia đình dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh vẫn không cải thiện (đạt 64,4% năm 2010), trong khi thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất muối iốt nhất nước hiện nay (13). Đây là một thách thức của chương trình đối với thành phố.

6. Hoạt động kiểm soát các bệnh mạn tính không lây liên quan dinh dưỡng:

Trước xu hướng thừa cân béo phì gia tăng một cách đáng báo động ở mọi tầng lớp dân cư và các bệnh mạn tính không lây đang có chiều hướng gia tăng nhanh tại thành phố Hồ Chí Minh như đái tháo đường, tim mạch, loãng xương, ung thư. Trong những năm qua, các hoạt động phòng chống thừa cân - béo phì đã được đẩy mạnh như tổ chức hội thảo, xây dựng chương trình truyền thông dinh dưỡng phòng chống béo phì và xây dựng “Mô hình điểm phòng chống thừa cân - béo phì” cho học sinh tiểu học tại một quận nội thành thành phố Hồ Chí Minh, bước đầu đã thu được kết quả khả quan. Tỉ lệ thừa cân - béo phì đã giảm so với trường đối chứng. Đây là cơ sở để nhân rộng mô hình triển khai hoạt động trên toàn thành phố.

Để giảm nhẹ ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ liên quan ăn uống, các thực đơn tiệc tại nhà hàng cũng đã được phân tích thành phần dinh dưỡng, từ đó biên soạn thành phần nguyên liệu, dinh dưỡng, chế biến thực đơn tiệc trên cơ sở các thực đơn tiệc đã khảo sát; khảo sát chỉ số no và chỉ số đường huyết của một số thực phẩm thông dụng tại Việt Nam.

Chương trình phòng chống đái tháo đường đã được xây dựng và triển khai trên địa bàn thành phố với các hoạt động tập huấn cho nhân viên y tế khám, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ, quản lý bệnh nhân đái tháo đường, truyền thông giáo dục sức khỏe cho các đối tượng có nguy cơ, thành lập các câu lạc bộ đái tháo đường tại 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố, tổ chức các sự kiện lớn nhân ngày thế giới phòng chống đái tháo đường hàng năm (14/11).

II. ĐÁNH GIÁ

1. Đánh giá chung:

a) Thành công:

- Thành phố đã triển khai CLQGDD giai đoạn 2006 - 2010 theo kế hoạch được phê duyệt một cách đồng bộ, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo phù hợp với thành phố đông dân như thành phố Hồ Chí Minh. Các giải pháp đã thực hiện tập trung can thiệp các yếu tố nguy cơ, lấy dự phòng làm nền tảng, trong đó chú trọng tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, và đào tạo - huấn luyện để cung cấp và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng, góp phần cung cấp nguồn nhân lực thực hiện Chiến lược.

- Về cơ bản, CLQGDD tại thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó tỉ lệ suy dinh dưỡng đã giảm liên tục bền vững, duy trì ở mức < 8% và luôn thấp nhất trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng chung của toàn quốc và Hoàn thành chỉ tiêu của các chương trình dinh dưỡng quốc gia.

b) Một số tồn tại, thách thức cần tiếp tục giải quyết:

- Mặc dù đã đạt được thành tích cao trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi trên địa bàn thành phố nhưng vấn đề thừa cân - béo phì ở trẻ em và người trưởng thành đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em, đã ở mức ngang bằng thậm chí còn cao hơn với tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi.

- Mô hình ăn uống của nhân dân ta đang có chiều hướng phát triển phức tạp tạo nên một hiện tượng phức hợp trong thời kỳ chuyển tiếp. Bữa ăn thiếu về số lượng, mất cân đối về chất lượng. Người dân có xu hướng ăn nhiều chất béo bão hòa, chất đường và các loại thực phẩm tinh chế và ít chất xơ đang dần trở thành thịnh hành. Điều này làm gia tăng các rối loạn chuyển hóa và bệnh mạn tính

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh vẫn còn rất thấp so với mục tiêu quốc gia.

- Vấn đề VSATTP vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

- Nhân lực thực hiện công tác dinh dưỡng ở hệ thống y tế dự phòng và trong bệnh viện vẫn còn biến động, thiếu hụt về số lượng (kiêm nhiệm) và chất lượng (chưa được đào tạo), dẫn đến năng lực hoạt động còn nhiều hạn chế.

2. Nguyên nhân:

a) Nguyên nhân của thành công:

- Xây dựng được kế hoạch, xác định mục tiêu phù hợp, các giải pháp mang tính khả thi, sáng tạo, phù hợp thực tiễn thành phố,

- Sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư về kinh phí cho công tác dinh dưỡng của cấp ủy Đảng và Chính quyền các cấp.

- Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo CLQGDD tại thành phố Hồ Chí Minh (Sở Y tế) đã chủ động trong công tác điều phối, chỉ đạo sâu sát và kịp thời các cơ quan trực thuộc, liên kết được ban ngành đoàn thể liên quan, tạo sức mạnh để triển khai đồng bộ và hiệu quả kế hoạch CLQGDD tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Có các giải pháp khả thi, thực tiễn phù hợp với tình hình của thành phố đông dân như thành phố Hồ Chí Minh; các giải pháp đã thực hiện được tập trung can thiệp các yếu tố nguy cơ, lấy dự phòng làm nền tảng, trong đó chú trọng truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và xã hội hóa công tác dinh dưỡng huy động thêm nguồn tài chính và góp phần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Chiến lược.

- Công tác giám sát dinh dưỡng được chú trọng; qua đó đã phát hiện và có kế hoạch can thiệp kịp thời các vấn đề dinh dưỡng mới phát sinh và đã bước đầu xây dựng được một số mô hình can thiệp nhằm kiểm soát có hiệu quả béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng, xây dựng chương trình dinh dưỡng học đường.

b) Nguyên nhân của khó khăn hạn chế:

- Cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở một số địa phương còn chưa quan tâm đầy đủ về tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng.

- Hiểu biết và nhận thức của người dân về dinh dưỡng và sức khỏe còn hạn chế.

- Biến động về dân số - kinh tế - xã hội đặt ra nhiều thách thức với việc duy trì các thành quả kể trên cũng như kiểm soát các vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe mới phát sinh. Tuy nhiên, những vấn đề này nằm ngoài sự kiểm soát và chức năng của riêng ngành y tế, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ và hoạt động đồng bộ của của các Sở, Ban ngành trong công tác dinh dưỡng.

- Chính sách, chế độ đãi ngộ chưa thu hút được nguồn nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt cho công tác dinh dưỡng.

III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM:

1. Vận động chính sách, trong đó huy động sự ủng hộ và đầu tư nguồn lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dinh dưỡng là điều kiện quan trọng đảm bảo sự thành công của việc triển khai Chiến lược một các đồng bộ và hiệu quả.

2. Phân tích tình hình thực tiễn để xác định vấn đề sức khỏe, giải pháp can thiệp và nhóm đối tượng trọng tâm từ đó xây dựng mô hình thí điểm can thiệp theo từng giai đoạn là nguyên tắc chủ đạo trong việc xây dựng kế hoạch Chiến lược tại thành phố Hồ Chí Minh.

3. Các vấn đề dinh dưỡng hiện nay không chỉ liên quan đến tình hình an ninh lương thực mà chủ yếu là do thiếu hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý của người dân. Truyền thông giáo dục dinh dưỡng là giải pháp nòng cốt để giải quyết nguyên nhân này.

Phần thứ 2

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

I. BỐI CẢNH KINH TẾ XÃ HỘI VÀ CÁC VẤN ĐỀ DINH DƯỠNG ĐẶT RA TRONG 10 NĂM TỚI

1. Bối cảnh - cơ hội và thách thức:

Giai đoạn 2011 - 2020 tiếp tục mở ra đồng thời nhiều cơ hội và thách thức. Nền kinh tế tiếp tục phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Chính quyền, sự nỗ lực của ngành Y tế và sự tham gia tích cực của các ban, ngành và toàn xã hội. Tình hình an ninh lương thực được cải thiện. Trình độ học vấn của người dân thành phố ngày càng nâng cao.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả đáng kể trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của nhân dân. Nhiều mục tiêu của kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2001 - 2005 và 2006 - 2010 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân đã được cải thiện đáng kể; tỉ lệ suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm liên tục và bền vững, thấp nhất trong cả nước.

Mặc dù đạt được các thành tựu đáng ghi nhận trong 10 năm qua nhưng thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải đương đầu với những thách thức lớn đối với việc duy trì các thành quả kể trên cũng như kiểm soát các vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe mới phát sinh như sau:

a) Quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia tăng dân số cơ học, thay đổi cơ cấu dân số, xu hướng già hóa dân số, tăng sự phân hóa giàu nghèo và các vấn đề kinh tế - xã hội khác. Bên cạnh đó, thay đổi lối sống và thói quen ăn uống truyền thống chịu ảnh hưởng các nước phương Tây trong thời kỳ chuyển tiếp cũng dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe liên quan đến vấn đề thừa dinh dưỡng, như thừa cân - béo phì và một số bệnh mạn tính không lây.

b) Biến động về kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình an ninh lương thực của người dân thành phố đặc biệt ở một bộ phận lớn dân cư ở ngoại thành và một số khu vực còn nghèo khó trong nội thành (dân nhập cư thu nhập thấp, khu nhà ổ chuột…), dẫn đến tình trạng dinh dưỡng các tầng lớp dân cư diễn tiến phức tạp theo nhiều chiều hướng khác nhau. Ngoài ra, tình trạng thiên tai, lũ lụt, triều cường,… xảy ra thường xuyên hơn cũng tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh, an ninh lương thực và chi phí dành cho ăn uống.

c) Nguồn nhân lực thực hiện các chương trình dinh dưỡng còn thiếu hụt, không ổn định.

Các thách thức trong bối cảnh mới tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực cao trong hành động của Đảng, Chính quyền và các ban ngành của thành phố, hướng tới dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng góp phần phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân trong thập niên tới.

2. Các vấn đề dinh dưỡng cần giải quyết đến năm 2020:

a) Tình trạng thừa cân - béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh chóng.

b) Khuynh hướng dinh dưỡng không hợp lý của người dân thành phố, bữa ăn chưa đảm bảo đủ về số lượng và cân đối về chất lượng.

c) Tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng.

d) Tình trạng dinh dưỡng của một số tầng lớp dân cư như người lao động, thanh niên-sinh viên vẫn đang còn bỏ ngỏ. Dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm đúng mức.

đ) Hoạt động dinh dưỡng - tiết chế trong bệnh viện chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.

e) Nguồn nhân lực cho công tác dinh dưỡng ở cộng đồng và trong bệnh viện thiếu hụt về số lượng và hạn chế về năng lực hoạt động.

II. TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

Đến năm 2020, nâng cao nhận thức và hành vi dinh dưỡng của người dân thành phố, tiến đến cải thiện bữa ăn về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh; dự phòng có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của các tầng lớp dân cư thành phố; đặc biệt là trẻ em lứa tuổi tiền học đường và học đường, phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ, người lao động; duy trì các thành quả của các chương trình mục tiêu quốc gia, giảm suy dinh dưỡng bền vững, đóng góp vào chỉ tiêu chung và chỉ tiêu phát triển con người.

III. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG

1. Quan điểm:

- Dinh dưỡng hợp lý, cân đối cho mọi người dân là kim chỉ nam của mọi họat động Chiến lược.

- Cải thiện tình trạng dinh dưỡng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi người dân.

- Vận động chính sách, phối hợp liên ngành và xã hội hóa công tác dinh dưỡng là những giải pháp hết sức quan trọng để tăng cường nguồn lực cho hoạt động Chiến lược.

2. Định hướng chính:

- Xác định đầy đủ và kịp thời các vấn đề dinh dưỡng, nguyên nhân và đối tượng nguy cơ là cơ sở của việc lập kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn.

- Giải quyết đồng bộ các vấn đề sức khỏe có liên quan dinh dưỡng; tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được và chú trọng giải quyết các vấn đề mới phát sinh.

- Truyền thông giáo dục sức khỏe là giải pháp nòng cốt để nâng cao nhận thức, dự phòng có hiệu quả các vấn đề sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng và lối sống.

- Xây dựng và triển khai các mô hình can thiệp thí điểm để có bằng chứng xác thực về tính khả thi và hiệu quả trước khi can thiệp trên diện rộng.

- Chú trọng đào tạo - huấn luyện và đề xuất chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút và tăng cường năng lực hoạt động của nguồn nhân lực cho kế hoạch Chiến lược.

IV. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Đến năm 2015, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh; hạn chế tình trạng thừa cân - béo phì và kiểm soát có hiệu quả các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người dân thành phố Hồ Chí Minh; duy trì các thành quả của các chương trình mục tiêu quốc gia, giảm suy dinh dưỡng bền vững, đóng góp vào chỉ tiêu chung và chỉ tiêu phát triển con người.

2. Mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu 1: Kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì

Chỉ tiêu:

- Khống chế và duy trì tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 12% tại thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015.

- Kiểm soát tình trạng thừa cân - béo phì ở người trưởng thành ở mức dưới 35% vào năm 2015.

Mục tiêu 2: Kiểm soát có hiệu quả các yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng ở người trưởng thành

Chỉ tiêu:

- Khống chế tỷ lệ người trưởng thành bị rối loạn chuyển hóa đường (rối loạn dung nạp đường và rối loạn đường huyết lúc đói) dưới 35% vào năm 2015.

- Khống chế tỷ lệ người trưởng thành có cholesterol (triglyceride) trong máu cao dưới 40% vào năm 2015.

- Khống chế tỷ lệ béo bụng ở người trưởng thành dưới 30% vào năm 2015.

Mục tiêu 3: Cải thiện về số lượng và chất lượng bữa ăn của người dân

Chỉ tiêu:

- Tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người tại thành phố Hồ Chí Minh dưới 1800Kcal giảm xuống dưới 10% vào năm 2015.

- Tỷ lệ hộ gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh có khẩu phần cân đối (tỷ lệ các chất sinh năng lượng P:L:G = (14-16):(20-25):(60-66) đạt 50% vào năm 2015.

Mục tiêu 4: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc của người dân thành phố Hồ Chí Minh

Chỉ tiêu:

- Duy trì tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10% vào năm 2015.

- Đến năm 2015, chiều cao của trẻ 5 tuổi (60 tháng ± 3 tháng) tăng 1cm cho cả trẻ trai và gái; chiều cao của thanh niên theo giới tăng 1cm so với năm 2010.

- Giảm tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ xuống dưới 10% vào năm 2015.

Mục tiêu 5: Giảm tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai, nâng độ phủ muối iốt hộ gia đình tại thành phố

Chỉ tiêu:

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi có hàm lượng vitamin A huyết thanh thấp (< 0,7 µmol/L) xuống dưới 4% vào năm 2015.

- Giảm tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai xuống dưới 15% vào năm 2015.

- Giảm tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 10% vào năm 2015.

- Tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt > 75%, mức iốt niệu trung vị của phụ nữ tuổi sanh đẻ đạt 7,5 mg/dl.

Mục tiêu 6: Nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý của người dân thành phố Hồ Chí Minh

Chỉ tiêu:

- Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức dinh dưỡng đúng cho trẻ dưới 2 tuổi đạt trên 70% vào năm 2015.

- Tỷ lệ bà mẹ có thực hành dinh dưỡng đúng cho trẻ dưới 2 tuổi đạt trên 60% vào năm 2015.

- Tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ có kiến thức đúng về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, thiếu máu, iốt) đạt trên 70% vào nǎm 2015.

Mục tiêu 7: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại thành phố Hồ Chí Minh

Chỉ tiêu:

- Đến năm 2015, trên 90% cán bộ làm công tác dinh dưỡng tuyến quận/huyện và 70% tuyến phường/xã được đào tạo kiến thức về dinh dưỡng cộng đồng.

- Đến năm 2015, trên 90% bệnh viện trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh có cán bộ dinh dưỡng tiết chế.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN MỤC TIÊU

1. Giải pháp về chính sách:

- Kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo Chiến lược giai đoạn mới, Hoàn thiện cơ chế hoạt động Ban chỉ đạo, cơ chế phối hợp liên ngành có hiệu quả trong triển khai kế hoạch Chiến lược.

- Đề xuất các chính sách phù hợp để thu hút được cán bộ làm công tác dinh dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức đoàn thể xã hội và các doanh nghiệp cùng tham gia.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng cho các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý từ đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong các hoạt động dinh dưỡng.

2. Giải pháp về nguồn lực:

- Tăng cường nguồn lực về con người và kinh phí cho chương trình dinh dưỡng trong đó chú trọng công tác dự phòng thừa cân - béo phì và các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng.

- Từng bước xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn lực tài chính (ngân sách trung ương, địa phương, tài trợ quốc tế và từ các doanh nghiệp trong nước,…) để đầu tư cho hoạt động dinh dưỡng.

- Đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo để củng cố và phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn về dinh dưỡng ở cả hai mảng dự phòng và điều trị.

- Huy động sự tham gia của các tổ chức và cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội khác và cá nhân để tăng cường nguồn lực.

3. Giải pháp về truyền thông giáo dục dinh dưỡng:

- Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, hấp dẫn và thiết thực cho cho các nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhiểu biết và thực hành dinh dưỡng hợp lý.

- Tăng cường giáo dục dinh dưỡng trong hệ thống trường học và triển khai chương trình dinh dưỡng học đường.

4. Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật:

- Đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá yếu tố nguy cơ và hậu quả của rối loạn dinh dưỡng, trong đó tập trung vào thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng của các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm trẻ tiền học đường và học đường. Ngoài ra, chú trọng nghiên cứu bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm để đa dạng hóa thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.

- Nghiên cứu xây dựng các mô hình can thiệp phòng chống yếu tố nguy cơ góp phần kiểm soát các vấn đề dinh dưỡng nảy sinh trên địa bàn thành phố.

- Nâng cao năng lực giám sát dinh dưỡng nhằm theo dõi diễn biến tình trạng dinh dưỡng của các tầng lớp dân cư thành phố, phát hiện kịp thời và đề xuất các giải pháp can thiệp thích hợp cho từng giai đoạn.

- Đào tạo liên tục, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo huấn luyện để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận và áp dụng những kinh nghiệm, thành tựu khoa học của các nước trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực dinh dưỡng.

VI. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN CHỦ YẾU THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

1. Dự án Truyền thông, giáo dục dinh dưỡng:

a) Mục tiêu:

Nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức và kỹ năng, thay đổi hành vi của các cấp chính quyền, gia đình, nhà trường, cộng đồng về dinh dưỡng hợp lý phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, phòng chống thừa cân - béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Chỉ tiêu đến năm 2015:

- 80% số bà mẹ có con dưới 2 tuổi được tập huấn về kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho trẻ;

- 75% nữ thanh niên công nhân các khu chế xuất/ khu công nghiệp được huấn luyện về dinh dưỡng hợp lý và kiến thức cơ bản về làm mẹ;

- 75% số học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được tập huấn về kiến thức dinh dưỡng hợp lý, phòng chống thừa cân - béo phì.

- 100% số giáo viên mầm non được tập huấn về kiến thức dinh dưỡng hợp lý, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và phòng chống thừa cân - béo phì.

b) Đối tượng, phạm vi:

Đối tượng: Các bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ; phụ nữ tuổi sinh đẻ; giáo viên và học sinh tiểu học, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học; giáo viên trường mầm non; nữ thanh niên công nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Phạm vi: Thực hiện trên phạm vi toàn thành phố, ưu tiên cộng đồng có nguy cơ cao về suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Tập trung vào các quận/huyện, xã/phường thí điểm mô hình phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân-béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

c) Các hoạt động

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông: Hàng năm tổ chức các chiến dịch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo mối quan tâm và thúc đẩy thay đổi nhận thức của toàn xã hội đối với công tác dinh dưỡng nói chung và phòng chống SDD, thiếu vi chất dinh dưỡng, phòng chống thừa cân - béo phì và các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng.

- Tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng tại cộng đồng và trường học với sự tham gia của phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, nữ thanh niên, giáo viên và học sinh.

- Tổ chức các hoạt động tư vấn, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học về dinh dưỡng hợp lý có sự tham gia của cộng đồng, các thành viên gia đình, giáo viên và học sinh.

- Xây dựng các chương trình, sản xuất các sản phẩm truyền thông về dinh dưỡng hợp lý và vận động, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, phòng chống thừa cân-béo phì trên các kênh truyền thông đại chúng và các hoạt động tư vấn, truyền thông trực tiếp cho các nhóm đối tượng.

d) Kinh phí: 5 tỷ đồng, trong đó:

- Hỗ trợ từ ngân sách Trung ương: 0 tỷ đồng

- Ngân sách địa phương: 4,5 tỷ đồng

- Nguồn khác: 0,5 tỷ đồng

2. Dự án Phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em:

a) Mục tiêu:

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em góp phần nâng cao tầm vóc của người dân thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ tiêu đến năm 2015:

- Trên 90% phụ nữ mang thai được tư vấn dinh dưỡng bao gồm các thông tin: chế độ dinh dưỡng hợp lý khi mang thai, chế độ nghỉ ngơi, bổ sung viên sắt/ viên đa vi chất phòng chống thiếu máu thiếu sắt.

- Trên 60% bà mẹ có con dưới 2 tuổi được tham gia thực hành dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

- Trên 60% bà mẹ có con < 5 tuổi được cung cấp kiến thức dưỡng hợp lý.

- Trên 90% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nặng được nhận các can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp.

- Trên 90% trẻ dưới 5 tuổi được theo dõi biểu đồ tăng trưởng.

b) Đối tượng, phạm vi:

Đối tượng: trẻ em dưới 5 tuổi, bà mẹ có con dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Phạm vi: Triển khai toàn diện các can thiệp dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em trên toàn thành phố tại các cơ sở y tế các cấp và cộng đồng (ưu tiên cộng đồng nghèo).

c) Các hoạt động:

- Tổ chức các hoạt động tư vấn về dinh dưỡng bao gồm các thông tin: chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, bổ sung viên sắt/ viên đa vi chất phòng chống thiếu máu thiếu sắt trong quá trình theo dõi thai nghén.

- Bổ sung các sản phẩm dinh dưỡng giàu chất dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng nặng được điều trị trong bệnh viện và cơ sở y tế tuyến thành phố, quận/huyện và phường/xã.

- Phổ biến phác đồ điều trị suy dinh dưỡng nặng trong các cơ sở điều trị nhi khoa trên địa bàn thành phố và tại cộng đồng.

- Xây dựng câu lạc bộ dinh dưỡng để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc dinh dưỡng nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng vì sự phát triển của thai nhi.

d) Kinh phí: 4 tỷ đồng, trong đó:

- Hỗ trợ từ ngân sách Trung ương: 3,5 tỷ đồng

- Ngân sách địa phương: 0,5 tỷ đồng

3. Dự án Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng:

a) Mục tiêu:

Giảm tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ và nữ sinh các trường phổ thông, nâng độ phủ muối iốt hộ gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ tiêu đến năm 2015:

- Trên 98% trẻ em trong độ tuổi được uống vitamin A liều cao 2 lần/năm;

- Trên 80% trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A (trẻ suy dinh dưỡng, tiêu chảy, sởi, viêm cấp đường hô hấp) được uống vitamin A theo phác đồ của Bộ Y tế;

- Trên 90% bà mẹ trong vòng 1 tháng ngay sau khi sinh được uống vitamin A theo phác đồ của Bộ Y tế;

- Trên 90% số hộ dân trên địa bàn thành phố sử dụng muối iốt và các gia vị mặn chứa iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh.

- Trên 80% phụ nữ mang thai được uống viên sắt/acid folic ít nhất 3 tháng trong thời kỳ mang thai.

- Trên 80% nữ sinh THPT được uống viên sắt/acid folic dự phòng.

b) Đối tượng, phạm vi:

Đối tượng:

- Bổ sung vitamin A: đối với trẻ em từ 6-36 tháng tuổi; trẻ dưới 6 tháng không được bú mẹ; trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, sởi, viêm cấp đường hô hấp; bà mẹ trong vòng một tháng ngay sau sanh.

- Bổ sung viên sắt/acid folic đối với phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ, nữ sinh trung học phổ thông; nữ công nhân các khu chế xuất / khu công nghiệp.

- Muối iốt: sử dụng muối iốt toàn dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Phạm vi: Toàn dân thực hiện trên phạm vi toàn thành phố và các nhóm đối tượng theo chủ đề có ưu tiên nhóm đối tượng có nguy cơ cao về thiếu vi chất.

c) Các hoạt động:

- Phòng chống thiếu vitamin A: Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em 6-36 tháng tuổi 2 lần/năm; Bổ sung vitamin A liều cao cho bà mẹ trong vòng 1 tháng sau khi sinh và trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, sởi, viêm cấp đường hô hấp.

- Phòng chống thiếu máu do thiếu sắt: Bổ sung viên sắt/acid folic đối với phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ, nữ sinh trung học phổ thông, nữ sinh viên, nữ công nhân khu chế xuất/ khu công nghiệp.

- Phòng chống rối loạn do thiếu iốt: vận động người dân sử dụng muối có bổ sung iốt; giám sát các cơ sở sản xuất và kinh doanh muối iốt; nghiên cứu bổ sung iốt vào các gia vị thực phẩm nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp iốt cho cộng đồng.

d) Kinh phí: 14,9 tỷ đồng, trong đó:

- Hỗ trợ từ ngân sách trung ương: thuốc vitamin A

- Ngân sách địa phương: 14,4 tỷ đồng

- Nguồn khác: 0,5 tỷ đồng

4. Dự án kiểm soát thừa cân - béo phì và sự gia tăng của các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh duỡng:

a) Mục tiêu:

Khống chế sự gia tăng của thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng ở các nhóm đối tượng.

Chỉ tiêu đến năm 2015:

- 90% đối tượng truyền thông được tiếp cận với thông tin về phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng qua các kênh truyền thông khác nhau.

- 80% trẻ em dưới 5 tuổi ở cộng đồng được theo dõi cân nặng, chiều cao ít nhất 2 lần/năm để phát hiện và kiểm soát thừa cân béo phì.

- 80% học sinh các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông được theo dõi cân nặng, chiều cao ít nhất 1 lần/năm để phát hiện và kiểm soát thừa cân béo phì.

- 80% trẻ thừa cân béo phì được tư vấn kiểm soát thừa cân béo phì.

- 80% trường mầm non được hướng dẫn về tiết chế dinh dưỡng,

- 80% mạng lưới tiết chế viên được tập huấn về tiết chế dinh dưỡng.

b) Đối tượng, phạm vi:

Đối tượng: Đối với thừa cân-béo phì: Giáo viên và học sinh các trường mần non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; Đối với Hội chứng chuyển hóa và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng: người trưởng thành.

Phạm vi: Toàn dân trên địa bàn thành phố, ưu tiên nhóm đối tượng học sinh mầm non và học sinh phổ thông.

c) Các hoạt động:

- Xây dựng các chương trình can thiệp về dinh dưỡng phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây trong cộng đồng.

- Xây dựng các chương trình thể dục thể thao, tăng cường vận động thể chất phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây trong cộng đồng.

- Triển khai hoạt động dinh dưỡng lâm sàng trong bệnh viện: Xây dựng phần mềm tính toán khẩu phần và lập thực đơn theo bệnh lý: đái tháo đường, cao huyết áp,…

- Nghiên cứu các sản phẩm dinh dưỡng cho các đối tượng khác nhau trong phòng chống béo phì và các bệnh mạn tính không lây.

- Xây dựng mô hình phòng chống thừa cân-béo phì trong trường học.

d) Kinh phí: 11,7 tỷ đồng, trong đó:

- Hỗ trợ từ ngân sách trung ương: 3,5 tỷ đồng

- Ngân sách địa phương: 8,2 tỷ đồng.

5. Dự án vệ sinh an toàn thực phẩm:

Theo kế hoạch Chiến lược quốc gia về VSATTP.

6. Dự án đào tạo nguồn nhân lực về dinh dưỡng:

a) Mục tiêu:

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và trong bệnh viện.

Chỉ tiêu đến năm 2015:

- 90% bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh có nhân sự dinh dưỡng tiết chế.

- 80% nhân sự dinh dưỡng tiết chế được tập huấn kiến thức về dinh dưỡng.

- 80% nhân viên y tế phụ trách công tác dinh dưỡng tại quận/ huyện và phường/ xã được đào tào liên tục về phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân - béo phì, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và các bệnh mạn tính không lây.

b) Đối tượng, phạm vi:

Đối tượng: Cán bộ chuyên môn thuộc Trung tâm Dinh dưỡng, các cán bộ làm công tác dinh dưỡng tuyến quận/huyện, phường/xã, và bệnh viện.

Phạm vi: Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm y tế dự phòng và Phòng y tế tất cả các quận huyện trên toàn thành phố, tất cả các trạm y tế phường xã trên toàn thành phố, các bệnh viện trực thuộc thành phố.

c) Các hoạt động: Xây dựng chương trình và tiến hành Đào tạo nhân lực chuyên ngành dinh dưỡng tiết chế trình độ đại học, trung học.

- Đào tạo chính quy: chủ trì là các trường Đại học (ưu tiên Đại học Y Dược).

- Đào tạo liên tục: tổ chức các lớp tập huấn về dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng cấp thành phố, quận/huyện và phường/xã của ngành y tế và các ngành khác trên địa bàn thành phố.

- Hợp tác quốc tế: nhằm nâng cao năng lực cán bộ, hợp tác nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án cộng đồng.

d) Kinh phí: 1,5 tỷ đồng, trong đó:

- Hỗ trợ từ ngân sách trung ương: 0 tỷ đồng

- Ngân sách địa phương: 1,5 tỷ đồng.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của thành phố giai đoạn 2011-2015 và hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.

Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 của thành phố, theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch và định kỳ tổ chức đánh giá kết quả triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược của thành phố, kế hoạch của các Sở, Ban Ngành báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và về Ban chỉ đạo thành phố và Trung ương.

Hàng năm và 5 năm, Sở Y tế phối hợp với Cục thống kê thành phố đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch.

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng của thành phố giai đoạn 2011 - 2015 và quy chế phối hợp liên ngành của thành phố.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Đưa mục tiêu dinh dưỡng vào kế hoạch chung. Cân đối kinh phí để thực kiện kế hoạch, chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành, tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở lồng ghép vào kế hoạch của tất cả Sở ban ngành chức năng, các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương giai đoạn 2011 - 2015.

3. Sở Tài chính:

Cân đối đảm bảo ngân sách cho các hoạt động của các chương trình dinh dưỡng và các chương trình liên quan đến dinh dưỡng trong dự toán ngân sách hằng năm của các Sở Ban ngành theo quy định. Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình; phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Từng bước đưa nội dung và phương pháp giáo dục dinh dưỡng và thể chất vào chương trình cho học sinh các cấp học phổ thông trước hết là cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Xây dựng mô hình dinh dưỡng trường học, tổ chức bữa ăn/sữa học đường cho trẻ mầm non và tiểu học, tăng cường kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho đội ngũ giáo viên phổ thông;

Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai các hoạt động dinh dưỡng trong trường học. Lựa chọn ưu tiên triển khai các hoạt động phòng chống thừa cân béo phì ở khu vực nội thành và phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em tuổi học đường khu vực ngoại thành, các vùng khó khăn và khu công nghiệp.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ động xây dựng kế hoạch của ngành theo giai đoạn và hàng năm nhằm đảm bảo an ninh thực phẩm quy mô hộ gia đình. Chỉ đạo việc tăng cường sản xuất và chế biến thực phẩm sẵn có tại các phường, xã nghèo của thành phố nhằm đảm bảo an ninh thực phẩm, nâng cao thu nhập và cải thiện bữa ăn cho người dân.

Phối hợp đẩy mạnh chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Phối hợp với ngành Y tế và các Sở, Ban, Ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho hộ nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn, nhất là đối tượng trẻ em có Hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố. Phối hợp tổ chức giám sát việc thực hiện các chính sách, đề án cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Phối hợp với Sở, ngành liên quan lồng ghép hoạt động dinh dưỡng và hoạt động đảm bảo an ninh thực phẩm trong chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá và các chương trình an sinh xã hội của thành phố.

7. Sở Khoa học và Công nghệ:

Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan hỗ trợ các nghiên cứu đặc thù về dinh dưỡng, thực phẩm và các hoạt động khác liên quan đến dinh dưỡng của thành phố.

8. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

Lồng ghép tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng hợp lý vào các hoạt động cổ động, văn hóa quần chúng.

Tổ chức các chương trình hoạt động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc và phòng chống thừa cân - béo phì, các bệnh mãn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng.

9. Sở Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan chỉ đạo và tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông về dinh dưỡng, đặc biệt là các thông tin về dinh dưỡng hợp lý một cách đa dạng với nhiều hình thức phong phú phù hợp với các đối tượng và địa bàn của thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trực tiếp tổ chức phổ biến thông tin về dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên cập nhật thông tin trên cổng giao tiếp điện tử Thành phố và các tạp chí, đặc san truyền thông và xã hội.

10. Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố và các Báo:

Phối hợp với ngành Y tế và các Sở, ngành liên quan xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về dinh dưỡng hợp lý, tăng thời lượng phát sóng, số lượng tin, bài và nâng cao chất lượng tuyên truyền về dinh dưỡng.

11. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

Căn cứ mục tiêu, nội dung hoạt động của kế hoạch của thành phố, xây dựng chương trình hành động về dinh dưỡng của địa phương mình cho giai đoạn 2011 - 2015. Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Sở y tế tình hình thực hiện Chương trình, kế hoạch.

12. Các đoàn thể chính trị xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan (Hội Dinh dưỡng Thực phẩm, Hội Y tế Công cộng) có trách nhiệm:

- Phổ biến các kiến thức về dinh dưỡng hợp lý cho các thành viên, hội viên của tổ chức mình đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên, phụ nữ có thai và đang cho con bú phụ nữ tuổi sinh đẻ.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc thực hiện xã hội hóa công tác dinh dưỡng.

- Triển khai các mô hình can thiệp cụ thể góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

VIII. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng nhu cầu kinh phí của chương trình là: 42,75 tỷ đồng, trong đó dự kiến:

+ Ngân sách của các chương trình quốc gia: 7 tỷ đồng;

+ Ngân sách địa phương (thành phố, quận-huyện và xã-phường-thị trấn): 34,75 tỷ đồng;

+ Huy động quốc tế và các nguồn khác: 1 tỷ đồng.

Bảng 1: Nhu cầu kinh phí của kế hoạch phân theo hoạt động và nguồn giai đoạn 2011 - 2015

(Đơn vị: tỷ đồng)

 

Tên Dự án/Hoạt động

Kinh phí

Trung ương

Địa phương

HTQT và nguồn khác

Tổng số

1. 

Truyền thông, giáo dục dinh dưỡng

 

4,5

0,5

5,0

2. 

Dự án Phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em

3,5

0,5

 

4,0

3. 

Dự án Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng

 

14,4

0,5

14,9

4. 

Dự án kiểm soát thừa cân- béo phì và sự gia tăng của các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh duỡng

3,5

8,2

 

11,7

5. 

Dự án vệ sinh an toàn thực phẩm*

 

 

 

 

6. 

Dự án đào tạo nguồn nhân lực về dinh dưỡng

 

1,5

 

1,5

7. 

Điều tra, giám sát, quản lý dữ liệu

 

1,4

 

1,4

8. 

Khác (quản lý, dự phòng )

 

4,25

 

4,25

 

Tổng cộng

7

34,75

1

42,75

*: theo kinh phí của kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về VSATTP

 

Bảng 2: Nhu cầu kinh phí chia theo năm và nguồn

(Đơn vị tính: tỷ đồng)

 

Tổng số

2011

2012

2013

2014

2015

Dự án 1

 

 

 

 

 

 

Trung ương

 

 

 

 

 

 

Địa phương

4,5

1

1

0,9

0,8

0,8

HTQT và nguồn khác

0,5

0,1

0,1

0,1

0,1

0,1

Dự án 2

 

 

 

 

 

 

Trung ương

3,5

0,7

0,7

0,7

0,7

0,7

Địa phương

0,5

0,5

 

 

 

 

HTQT và nguồn khác

 

 

 

 

 

 

Dự án 3

 

 

 

 

 

 

Trung ương

 

 

 

 

 

 

Địa phương

14,4

2,6

2,9

2,9

3,1

2,9

HTQT và nguồn khác

0,5

0,1

0,1

0,1

0,1

0,1

Dự án 4

 

 

 

 

 

 

Trung ương

3,5

0,7

0,7

0,7

0,7

0,7

Địa phương

8,2

1,5

1,5

1,8

1,7

1,7

HTQT và nguồn khác

 

 

 

 

 

 

Dự án 5*

 

 

 

 

 

 

Trung ương

 

 

 

 

 

 

Địa phương

 

 

 

 

 

 

HTQT và nguồn khác

 

 

 

 

 

 

Dự án 6

 

 

 

 

 

 

Trung ương

 

 

 

 

 

 

Địa phương

1,5

0,3

0,3

0,3

0,3

0,3

HTQT và nguồn khác

 

 

 

 

 

 

Dự án 7

 

 

 

 

 

 

Trung ương

 

 

 

 

 

 

Địa phương

1,4

0,2

0,4

0,2

0,2

0,4

HTQT và nguồn khác

 

 

 

 

 

 

Khác

(Quản lý, dự phòng )

4,25

0,85

0,85

0,85

0,85

0,85

Tổng Kinh phí năm

8,55

8,55

8,55

8,55

8,55

Ngân sách Trung ương

1,4

1,4

1,4

1,4

1,4

Ngân sách Địa phương

6,95

6,95

6,95

6,95

6,95

HTQT và nguồn khác

0,2

0,2

0,2

0,2

0,2

*: theo kinh phí của kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về VSATTP

 

CÁC DỰ ÁN/HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2011-2015

(Ban hành kèm theo Quyết định số 221/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

TT

Các Dự án và hoạt động

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp thực hiện

Ghi chú

1-

Truyền thông, giáo dục dinh dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực

Sở Y tế

- Sở Thông tin và Truyền thông.

- Sở Giáo dục và Đào tạo

- Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố

- Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh

- Liên đoàn lao động thành phố

- Các địa phương (quận/huyện, phường/xã)

- Các tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan (Hội DDTP, Y tế Công cộng…)

 

2-

Dự án Phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em

Sở Y tế

- Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp

- Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh

- Các địa phương (quận/huyện, phường/xã).

- Các cơ quan tổ chức khác theo nhiệm vụ.

 

3-

Dự án Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng

Sở Y tế

- Sở Giáo dục và Đào tạo .

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Sở Công thương.

- Sở Thông tin và Truyền thông.

- Liên đoàn Lao động thành phố.

- Các địa phương (Quận/huyện, Phường/xã)

 

4-

Dự án kiểm soát thừa cân - béo phì và sự gia tăng của các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh duỡng

Sở Y tế

- Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch

- Các địa phương (Quận/huyện, Phường/xã)

 

5-

Dự án vệ sinh an toàn thực phẩm

Sở Y tế

- Sở Công thương.

- Sở Thông tin và Truyền thông.

- Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh

- Liên đoàn lao động

- Các địa phương (Quận/huyện, Phường/xã)

 

6-

Dự án đào tạo nguồn nhân lực về dinh dưỡng

Sở Y tế Trường ĐH

- Các địa phương (Quận/huyện, Phường/xã)

- …………….

 

 

PHỤ LỤC

Phụ lục 1: Một số văn bản liên quan đến công tác dinh dưỡng và triển khai CLQGDD

TT

Tên Văn bản và trích lục

CQ ban hành

1-

Quyết định số: 23/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hành động quốc gia vì trẻ em việt nam giai đoạn 2001 - 2010.

Chính phủ

2-

Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010.

CP

3-

Công văn số 9101/YT-BMTE, ngày 06/10/2001 gửi UBND các tỉnh/thành phố về việc hướng dẫn tổ chức triển khai CLQGDD 2001 – 2010.

BYT

4-

Hướng dẫn tổ chức triển khai Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng 2001 – 2010 và Mẫu báo cáo triển khai CLQGDD 2001-2010 (kèm theo Công văn số 9101/YT-BMTE)

BYT

5-

Công văn số 7423/BYT- SKSS ngày 03/10/2006 đề nghị UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo các ban, ngành xây dựng kế hoạch để triển khai các nội dung của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2006-2010.

BYT

6-

Quyết định 1979/QĐ-BYT ngày 28 tháng 5 năm 2001 của bộ trưởng Bộ Y tế về việc Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 – 2010.

BYT

7-

Quyết định 2691/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập Ban điều hành thực hiện chiến lược Quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2010 - 2010

BYT

8-

Quyết định 4442/QĐ-BYT ngày 11 tháng 11 năm 2008 của bộ trưởng Bộ Y tế về việc Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2006 - 2010.

 

9-

Quyết định số 2012/QĐ-BYT, ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010

BYT

10-

Quyết định số 47/QĐ-TCCB của Viện trưởng Viện Dinh dưỡng về việc cử thư ký các tiểu ban của Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010

VDD

11-

Chương trình phối hợp hành động của Hội LHPNVN thực hiện CLQGDD

Hội LHPNVN

12-

Chương trình phối hợp hành động của Hội NDVN thực hiện CLQGDD

TW Hội NDVN

13-

Chương trình phối hợp hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện CLQGDD.

Tổng LĐLĐVN

14-

Công văn hướng dẫn Triển khai công tác dinh dưỡng thuộc TTYTDP tỉnh, thành phố

BYT

15-

Nghị định 21/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/2/2006 về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ

CP

16-

Nghị định của chính phủ số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm

CP

17-

Quyết định số: 05/2006/QĐ-BYT, ngày 17 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trung Tâm Y tế dự phòng thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đội Y Tế dự phòng thuộc trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

BYT

18-

Quyết định của thủ tướng chính phủ số 70/2003/QĐ-TTG ngày 29 tháng 04 năm 2003 phê duyệt chiến lược phát triển thanh niên việt nam đến năm 2010

CP

19-

Quyết định của thủ tướng chính phủ số 71/2001/QĐ-TTG ngày 04 tháng 5 năm 2001 về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001 - 2005

CP

20-

Quyết định số: 255/2006/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 11 năm 2006, về việc phê duyệt chiến lược quốc gia Y tế dự phòng việt nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

CP

21-

Quyết định số: 3526/2004/QĐ-BYT ngày 06 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ y tế về việc phê duyệt chương trình hành động truyền thống giáo dục sức khoẻ đến năm 2010

BYT

22-

Thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần thị Trung Chiến Về công tác dinh dưỡng và triển khai trung tâm kiểm nghiệm VSATTP

BYT

23-

Thông tư của bộ y tế số 02/2003/TT-BYT ngày 28 tháng 3 năm 2003 hướng dẫn thực hiện chương trình phối hợp hoạt động đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"

BYT

24-

Thông tư của bộ y tế số 08/2004/TT-BYT ngày 23 tháng 8 năm 2004 hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng

BYT

25-

Thông tư liên tịch bộ tài chính - Ủy ban thể dục thể thao số 03/2004/ttlt/BTC-UBTDTT ngày 5 tháng 11 năm 2004 hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao.

Liên bộ

26-

Thông tư liên tịch Hướng dẫn nội dung và mức chi chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm HIV/AIDS

Liên bộ

27-

Thông tư liên tịch Hướng dẫn thi hành Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.

Liên bộ

28-

Quyết định của Bộ y tế số 88/QĐ-BYT ngày 11/01/2008 về việc thành lập Ban chỉ đạo chương trình hành động quốc gia về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

BYT

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung tâm Dinh dưỡng. Tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ 15-49 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2010. Báo cáo nội bộ, 2010.

2. Trung tâm Dinh dưỡng. Tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ 15-49 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2009. Báo cáo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, 2009.

3. Trung tâm Dinh dưỡng. Tình trạng dinh dưỡng học sinh Tiểu học Phổ thông thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo nội bộ, 2009.

4. Trung tâm Dinh dưỡng. Tình trạng dinh dưỡng học sinh Trung học Cơ sở thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo nội bộ, 2009.

5. Trần Thị Minh Hạnh, Vũ Quỳnh Hoa, Phạm Ngọc Oanh, Đỗ Thị Ngọc Diệp và Lê Thị Kim Quí. Tình trạng dinh dưỡng học sinh Trung học Phổ thông thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị khoa học toàn quốc Hội Y tế Công cộng Việt Nam lần thứ 7, tháng 4 năm 2011:194-201.

6. Trần Thị Minh Hạnh, Nguyễn Xuân Ninh, Lê Nguyễn Trung Đức Sơn, Nguyễn Nhân Thành, Phạm Ngọc Oanh và Lê Thị Kim Quí. Thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi, vấn đề sức khỏe cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Y học dự phòng tập XX 2010, số 3 (111):131-137.

7. Trần Thị Minh Hạnh, Lê Thị Kim Quí và cs. Tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi và bà mẹ cho con bú tại thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài NCKH cấp thành phố.

8. Trần Thị Minh Hạnh, Phan Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Nhân Thành, Lê Ng. Trung Đức Sơn, Trương Công Hòa, Phạm Ngọc Oanh, Nguyễn Hồng Vũ, Phan Ng. Thụy Hoàng, Nguyễn Thanh Danh và Lê Thị Kim Quí. Tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ có thai tại thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Dinh dưỡng & thực phẩm, tháng 5 năm 2009, Tập 5 (số 1):14-24.

9. Nguyễn Nhân Thành, Trần Thị Minh Hạnh, Phan Nguyễn Thanh Bình, Lê Nguyễn Trung Đức Sơn, Phạm Ngọc Oanh, Đỗ Thị Ngọc Diệp và Lê Thị Kim Quí. Tình trạng thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ dưới 5 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm, tháng 10 năm 2010, Tập 6 (số 3+4) 56-65.

10. Nguyễn Thị Kim Hưng, Trần Thị Minh Hạnh và cs. Tình trạng thiếu máu của học sinh cấp II thành phố Hồ Chí Minh đầu năm học 2002 - 2003 Hội Dinh Dưỡng thành phố Hồ Chí Minh, 2003:30-39

11. Nguyễn Nhân Thành, Trần Thị Minh Hạnh, Lê Kim Huệ, Nguyễn Tài Dũng và Nguyễn Thị Kim Hưng. Tình trạng thiếu máu của học sinh Trung học phổ thông thành phố Hồ Chí Minh năm học 2004-2005. Hội nghị Y học Dự phòng thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

12. Trần Thị Minh Hạnh, Chung Tấn Phong, Nguyễn Thị Phương Khanh, Lê Kim Huệ và Nguyễn Thị Kim Hưng. Khảo sát tình trạng thiếu máu ở vận động viên năng khiếu thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo Hội Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh chủ đề Thiếu máu và thiếu chất sắt, tháng 9 năm 2003:21-29

13. Trung tâm Dinh dưỡng. Báo cáo giám sát iốt hộ gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2010. Báo cáo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh và BV Nội tiết Trung ương, 2010.

14. T. K. Hong, M. J. Dibley, D. Sibbritt, P. N. Binh, N. H. Trang, and T. T. Hanh. Overweight and obesity are rapidly emerging among adolescents in Ho Chi Minh City, Vietnam, 2002-2004. Int J Pediatr Obes, 2007, 2(4):194-201.

15. Lê Thị Kim Quí, Đỗ Thị Ngọc Diệp, Trần Quốc Cường và cs. Hiệu quả của một số giải pháp can thiệp phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh tiểu học tại quận 10 thành phố Hồ Chí Minh năm học 2008-2009. Tạp chí Dinh dưỡng & thực phẩm, tháng 10 năm 2010, tập 6 (số 3+4)

16. L. N. Duc Son, K. Kusama, N. T. Hung, T. T. Loan, N. V. Chuyen, D. Kunii, T. Sakai, and S. Yamamoto. Prevalence and risk factors for diabetes in Ho Chi Minh City, Vietnam. Diabet Med, 2004, 21(4):371-376.

17. T. Q. Cuong, M. J. Dibley, S. Bowe, T. T. Hanh, and T. T. Loan. Obesity in adults: an emerging problem in urban areas of Ho Chi Minh City, Vietnam. Eur J Clin Nutr, 2007, 61(5):673-681.

18. N. T. Son le. Đặc điểm nhân trắc của người Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 và hội chứng chuyển hóa. Tạp chí Y học Thực hành, 2009, 673-674:66-71.

19. Lê Nguyễn Trung Đức Sơn, Nguyễn Nhân Thành, Trần Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Ánh Vân, Đỗ Thị Ngọc Diệp và Lê Thị Kim Quí. tập 6 (số 3+4). Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm, tháng 10 năm 2010:131-139.

20. N. T. Son le, D. Kunii, N. T. Hung, T. Sakai, and S. Yamamoto. The metabolic syndrome: prevalence and risk factors in the urban population of Ho Chi Minh City. Diabetes Res Clin Pract, 2005, 67(3):243-250.

21. T. H. Nguyen, H. K. Tang, P. Kelly, H. P. van der Ploeg, and M. J. Dibley. Association between physical activity and metabolic syndrome: a cross sectional survey in adolescents in Ho Chi Minh City, Vietnam. BMC Public Health, 2010, 10:141.

22. Hồ Thanh Tùng. Khảo sát tỷ lệ mắc một số bệnh tim mạch ở người lớn từ 18 tuổi trở lên tại thành phố Hồ chí Minh trong thời gian từ tháng 6-2004 đến tháng 11-2004. Kỷ yếu báo cáo khoa học hội nghị khoa học tim mạch khu vực phía Nam lần thứ 7 2005:218.

23. Mai Đức Hùng và Vũ Đình Hùng. Dịch tể học chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa và hướng nghiên cứu tại Việt Nam. Hội nghị Bệnh Loãng xương năm 2007, 2007.

24. Trung tâm Dinh dưỡng. Khảo sát tình trạng dinh dưỡng công nhân nhập cư tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2010. Số liệu chưa công bố.