BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 223-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI VỚI UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI, TỔ ĐẢNG CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, CÁC BAN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BAN CÁN SỰ ĐẢNG, ĐẢNG ĐOÀN, ĐẢNG UỶ VÀ CÁC TỈNH UỶ, THÀNH UỶ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá X;
- Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị,
BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội, các ban Trung ương Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ và các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương.
Điều 2. Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội, các ban Trung ương Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ và các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
QUY CHẾ
VỀ QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI VỚI UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI, TỔ ĐẢNG CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, CÁC BAN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BAN CÁN SỰ ĐẢNG, ĐẢNG ĐOÀN, ĐẢNG UỶ VÀ CÁC TỈNH UỶ, THÀNH UỶ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(ban hành kèm theo Quyết định số 223-QĐ/TW, ngày 15-5-2009 của Bộ Chính trị)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định quan hệ lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội đối với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội và quan hệ phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với các ban Trung ương Đảng, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đảng đoàn các tổ chức chính trị-xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương và Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương (sau đây gọi là các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương).
Điều 2. Nguyên tắc quan hệ công tác
Quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 1 của Quy chế này phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau đây:
1- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện đúng Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
2- Phù hợp với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan tổ chức đã được quy định tại Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật.
3- Bảo đảm phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cơ quan, tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
4- Văn bản, tài liệu trao đổi về nội dung quan hệ công tác giữa các cơ quan, tổ chức phải được quản lý theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Chương II
NỘI DUNG VÀ CÁCH THỨC LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC
Điều 3. Đối với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
1- Lãnh đạo việc chuẩn bị, trình Quốc hội những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhất là về các vấn đề: tổ chức và hoạt động của Quốc hội; rút ngắn và kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội; chủ trì các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội; công bố tình trạng khẩn cấp, tổng động viên, chiến tranh và hoà bình của đất nước.
2- Lãnh đạo việc chuẩn bị và báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
3- Lãnh đạo việc dự kiến nhân sự của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
4- Lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách cụ thể và việc bảo đảm các điều kiện hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Điều 4. Đối với Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội
1- Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
2- Chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo, giải trình trước Quốc hội về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau và những nội dung phức tạp, nhạy cảm thuộc phạm vi trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội.
3- Lãnh đạo việc chuẩn bị dự kiến nhân sự là thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên các uỷ ban của Quốc hội; nhân sự, số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội khoá mới.
Điều 5. Đối với tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội
1- Quán triệt và lãnh đạo thực hiện chủ trương, định hướng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội đến các đại biểu Quốc hội là đảng viên trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, nhất là những vấn đề trong Quốc hội còn có ý kiến khác nhau.
2- Động viên, thuyết phục các đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên ủng hộ và thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng về việc quyết định các vấn đề quan trọng thuộc chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Điều 6. Cách thức lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội đối với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội
1- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo thông qua việc ra nghị quyết, quyết định, kết luận về những vấn đề liên quan; phân công thành viên Đảng đoàn theo dõi, phụ trách các lĩnh vực công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội.
2- Khi cần thiết, Đảng đoàn Quốc hội tổ chức họp hoặc gửi văn bản tham khảo ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nếu có vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội gửi văn bản đến Đảng đoàn Quốc hội.
3- Định kỳ hàng năm, Đảng đoàn Quốc hội họp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội để nghe Thường trực Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của rnình; nghe ý kiến đóng góp của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội đối với hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội.
4- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội thông qua tổ trưởng đảng các đoàn đại biểu Quốc hội để phổ biến các chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến hoạt động của Quốc hội.
Trước rnỗi kỳ họp Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội họp với tổ trưởng đảng các đoàn đại biểu Quốc hội. Khi cần thiết, Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu các tổ trưởng đảng triệu tập đảng viên họp để quán triệt thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng trong việc quyết định các vấn đề thuộc nội dung kỳ họp và động viên, thuyết phục các đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên cùng thực hiện.
Chương III
NỘI DUNG VÀ CÁCH THỨC PHỐI HỢP CÔNG TÁC
Điều 7. Đối với Văn phòng Trung ương Đảng
1- Xây dựng nội dung, chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội.
2- Trao đổi thông tin trong quá trình chuẩn bị các đề án, dự án, tờ trình, dự thảo các văn bản và các tài liệu cần thiết để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định về những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và những vấn đề pháp luật hiện hành chưa quy định.
3- Dự kiến chương trình làm việc và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm việc với Đảng đoàn Quốc hội.
4- Thông tin kịp thời về tiến độ chuẩn bị đề án, dự án và các văn bản trình xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; quá trình cho ý kiến và kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội.
Điều 8. Đối với Ban Tổ chức Trung ương
1- Tham mưu những vấn đề lớn liên quan đến cơ cấu, tổ chức và nhân sự của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, bầu cử đại biểu Quốc hội và đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
2- Tham mưu về tổ chức bộ máy nhà nước và lãnh đạo cấp cao thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
3- Lãnh đạo việc xây dựng các chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Điều 9. Đối với Ban Tuyên giáo Trung ương
1- Lãnh đạo, định hướng công tác tư tưởng, báo chí, tuyên truyền, dư luận xã hội về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền về các kỳ họp Quốc hội, phổ biến, giáo dục pháp luật và những vấn đề liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội.
2- Góp phần nâng cao nhận thức lý luận của đại biểu Quốc hội và cán bộ đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội.
Điều 10. Đối với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
1- Thực hiện công tác kiểm tra đối với việc chấp hành Điều lệ Đảng, giám sát, phát hiện dấu hiệu vi phạm; xem xét, xử lý kỷ luật đảng, đồng thời đề nghị kỷ luật về mặt chính quyền đối với đại biểu Quốc hội là đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
2- Xử lý đơn thư tố cáo đối với cán bộ, đảng viên thuộc các cơ quan của Quốc hội trong diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đơn thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội.
3- Tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư thẩm định nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Điều 11. Đối với Ban Dân vận Trung ương
1- Lãnh đạo công tác xây dựng pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo.
2- Lãnh đạo công tác vận động nhân dân thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
3- Lãnh đạo đại biểu Quốc hội tham gia thực hiện công tác dân vận.
Điều 12. Đối với Ban Đối ngoại Trung ương
1- Tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo việc quyết định chính sách đối ngoại của đất nước, nhất là những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội.
2- Lãnh đạo việc xây dựng chương trình và triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thống nhất với hoạt động đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước.
Điều 13. Đối với Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương
1- Lãnh đạo công tác tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đến các tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội.
2- Cho ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với các đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Điều 14. Đối với Ban cán sự đảng Chính phủ
1- Lãnh đạo việc chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của pháp luật.
2- Lãnh đạo công tác chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, báo cáo và các dự án, đề án khác để gửi đến Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, cho ý kiến, thông qua theo đúng thời hạn luật định.
3- Lãnh đạo việc tổ chức trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ; việc triển khai thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với thành viên Chính phủ theo quy định của pháp luật.
4- Chỉ đạo việc chuẩn bị các văn bản trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và những vấn đề pháp luật hiện hành chưa quy định có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
5- Trước mỗi kỳ họp Quốc hội và khi cần thiết, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ họp liên tịch để thống nhất các nội dung phối hợp công tác.
Điều 15. Đối với Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương
1- Chuẩn bị công tác nhân sự đại biểu Quốc hội trong lực lượng quân đội, công an và các báo cáo về quốc phòng, an ninh thuộc thẩm quyền xem xét của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
2- Lãnh đạo việc triển khai các công tác liên quan đến an ninh và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Đối với Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
1- Lãnh đạo việc chuẩn bị và trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
2- Lãnh đạo việc tổ chức trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Chánh án toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; việc triển khai thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật.
3- Lãnh đạo công tác chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, báo cáo và các dự án, đề án khác để gửi đến Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, cho ý kiến, thông qua theo đúng thời hạn luật định.
4- Phối hợp chỉ đạo việc chuẩn bị các văn bản trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với những vấn đề lớn, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và những vấn đề pháp luật hiện hành chưa quy định có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và các cơ quan tư pháp.
5- Lãnh đạo việc khám, bắt giam, truy tố, khởi tố đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật.
6- Trước mỗi kỳ họp Quốc hội hoặc khi cần thiết, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao họp liên tịch để thống nhất các nội dung phối hợp công tác.
Điều 17. Đối với Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước
1- Lãnh đạo việc chuẩn bị công tác nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nuớc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán viên cao cấp; xem xét, quyết định tổ chức bộ máy biên chế và các chế độ, chính sách đặc thù của Kiểm toán Nhà nước. Quyết định chiến lược phát triển của ngành kiểm toán nhà nước.
2- Xem xét các vấn đề về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội thuộc cơ quan Kiểm toán Nhà nước và các vấn đề khác liên quan đến cơ quan Kiểm toán Nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 18. Đối với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1- Lãnh đạo việc chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến Mặt trận Tổ quốc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
2- Lãnh đạo tổ chức hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, bảo đảm thực hiện cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu Quốc hội được Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị cho ý kiến.
3- Lãnh đạo việc quy định về công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; báo cáo Quốc hội về ý kiến, kiến nghị của cử tri; lấy ý kiến nhận xét của cử tri về hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Điều 19. Đối với đảng đoàn các tổ chức chính trị-xã hội và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
1- Lãnh đạo việc chuẩn bị và trình những vấn đề về pháp luật và các vấn đề khác liên quan đến các tổ chức chính trị-xã hội thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
2- Lãnh đạo, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 20. Đối với tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương
1- Lãnh đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội liên quan đến trách nhiệm của địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương tham gia các hoạt động trước ngày bầu cử tại địa phương.
2- Lãnh đạo việc tổ chức thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quy hoạch, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương; chuyển đại biểu Quốc hội đang công tác tại địa phương về hoạt động chuyên trách tại Trung ương; điều động, thuyên chuyển đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương sang vị trí công tác mới; bố trí công tác và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương còn trong độ tuổi lao động không tham gia đại biểu Quốc hội khoá mới.
3- Lãnh đạo việc kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật đảng; xem xét, cho ý kiến việc kỷ luật về mặt chính quyền; việc khám, khởi tố, bắt giam, truy tố, xét xử đối với đại biểu Quốc hội công tác tại địa phương; lãnh đạo việc tổ chức để cử tri bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khi đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri.
4- Lãnh đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách và các điều kiện đảm bảo hoạt động đối với đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội ở địa phương; xây dựng quy chế làm việc và mối quan hệ công tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Điều 21. Cách thức phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội với các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương
1- Kịp thời trao đổi, thông báo về chương trình, kế hoạch công tác của mỗi bên.
2- Chủ động đề xuất các nội dung cần phối hợp và bảo đảm tham gia đầy đủ các nội dung phối hợp công tác theo yêu cầu.
3- Trao đổi ý kiến hoặc gửi văn bản tham khảo ý kiến về các nội dung có liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
4- Tổ chức các cuộc họp giữa Đảng đoàn Quốc hội với các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương về những nội dung có liên quan mà các bên chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đại diện các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương được mời tham dự các cuộc họp do Đảng đoàn Quốc hội chủ trì khi bàn đến các vấn đề có liên quan.
5- Trong trường hợp Đảng đoàn Quốc hội và các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương có ý kiến khác nhau về các công việc có liên quan thì Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 22.
1- Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội và các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế này.
2- Đảng đoàn Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng và các ban Trung ương Đảng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Quy chế và kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung khi xét thấy cần thiết./.
- 1 Quy định 172-QĐ/TW quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng Trung ương do Bộ Chính trị ban hành
- 2 Nghị quyết 575/UBTVQH12 năm 2008 về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành
- 3 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2001