THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2234/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC SỐ 105 CỦA TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ (ILO) VỀ XÓA BỎ LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị quyết số 104/2020/QH14 ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. THỦ TƯỚNG |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC SỐ 105 CỦA ILO VỀ XÓA BỎ LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC
(Kèm theo Quyết định số 2234/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Thực hiện có hiệu quả các nội dung của Công ước số 105 phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam trong từng giai đoạn; hoàn thiện và tăng cường năng lực của các thiết chế thực thi, cơ chế phối hợp; cơ chế giám sát và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.
2. Yêu cầu:
a) Phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm các yêu cầu về chính trị, kinh tế và an ninh; giữ vững nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia;
b) Kế hoạch tổ chức triển khai Công ước phải có nội dung công việc, lộ trình thực hiện cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương;
c) Các bộ, ngành được giao chủ trì hoặc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả;
d) Bảo đảm quan hệ chặt chẽ và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, kịp thời giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Kế hoạch;
đ) Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Công ước số 105 và pháp luật có liên quan phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và kịp thời.
II. NHỮNG CÔNG VIỆC CỤ THỂ, LỘ TRÌNH THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC SỐ 105
1. Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 105 và các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam tới người lao động, người sử dụng lao động, người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: hằng năm.
Cơ quan chịu trách nhiệm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan.
2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các yêu cầu của Công ước số 105.
Thời gian thực hiện: hằng năm.
Cơ quan chịu trách nhiệm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan.
3. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Thời gian thực hiện: hằng năm.
Cơ quan chịu trách nhiệm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan.
4. Xây dựng tài liệu hướng dẫn cụ thể các nội dung cần thực hiện của Công ước số 105 phù hợp với điều kiện của Việt Nam cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện.
Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2023.
Cơ quan chịu trách nhiệm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan.
5. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ công tác phòng, chống, xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2025.
Cơ quan chịu trách nhiệm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
6. Xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm triển khai trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan theo đúng quy định của Công ước số 105.
Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2025.
Cơ quan chịu trách nhiệm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
7. Định kỳ hoặc theo yêu cầu báo cáo Tổ chức ILO về việc triển khai thực hiện Công ước số 105.
Thời gian thực hiện: định kỳ 03 năm 01 lần hoặc theo yêu cầu của Tổ chức ILO.
Cơ quan chịu trách nhiệm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan.
8. Tăng cường hợp tác với các quốc gia, nhất là các quốc gia có điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội tương đồng, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến việc thực hiện Công ước số 105.
Thời gian thực hiện: hằng năm.
Cơ quan chịu trách nhiệm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan.
9. Đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện Công ước số 105 trong giai đoạn 5 năm đầu sau khi gia nhập Công ước, rút kinh nghiệm và bổ sung giải pháp để triển khai có hiệu quả Công ước số 105 tại Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo.
Thời gian thực hiện: năm 2025.
Cơ quan chịu trách nhiệm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan.
III. CÁC BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chủ động bổ sung nhiệm vụ thực thi Công ước số 105 vào chương trình, kế hoạch công tác của mình.
2. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ động bổ sung nhiệm vụ thực thi Công ước số 105 vào chương trình, kế hoạch công tác của mình.
3. Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành. Nguyên tắc bố trí kinh phí phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này lập và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
4. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực thực hiện Công ước số 105, có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này trên phạm vi cả nước.