Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2236/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 31 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CAN THIỆP GIẢM THIỂU MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH GIAI ĐOẠN 2011-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 09 tháng 01 năm 2003 và Pháp lệnh Dân số sửa đổi ngày 27 tháng 12 năm 2008;

Căn cứ Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 4 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình;

Căn cứ Quyết định số 853/2009/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 1279/TTr-SYT ngày 29 tháng 9 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011 - 2015 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Khống chế và giảm dần tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, đến năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá mức 112/100, tiến tới ổn định cân bằng giới tính khi sinh theo quy luật tự nhiên.

2. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đến 2015

a) Mục tiêu cụ thể:

- Tăng cường cung cấp thông tin về giới, mất cân bằng giới tính khi sinh cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp và người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người cung cấp dịch vụ tư vấn, siêu âm và dịch vụ phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng... nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh sản theo quy luật tự nhiên.

- Thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh.

- Khuyến khích, hỗ trợ gia đình sinh con 1 bề và trẻ em gái trong học tập, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển sản xuất.

b) Chỉ tiêu cụ thể:

- 100% cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp và những người có uy tín thuộc địa bàn Đề án hiểu đúng về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Ít nhất có 80-90% người dân, cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn Đề án có hiểu biết cơ bản về hậu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; biết lựa chọn giới tính khi sinh là bất hợp pháp.

- 100% người cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai, xét nghiệm (máu, gen, nước ối, tế bào) có hiểu biết đúng các quy định nghiêm cấm chẩn đoán giới tính thai nhi và phá thai vì lý do giới tính khi tham gia cung cấp các dịch vụ này. Các cơ sở in ấn, kinh doanh ấn phẩm văn hóa thuộc địa bàn Đề án cam kết không vi phạm quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

- 100% xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động phổ biến chính sách, pháp luật có liên quan đến giới tính khi sinh. Các văn bản pháp luật, hương ước quy ước có nội dung liên quan đến giới tính khi sinh được sửa đổi, bổ sung và ban hành.

- 100% các hành vi vi phạm về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi thuộc địa bàn Đề án bị phát hiện được xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

- 90-100% số xã thuộc địa bàn Đề án thành lập và duy trì hoạt động Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên được hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế và trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất và xây dựng gia đình. Các trẻ em gái của những gia đình nghèo chỉ sinh 02 con gái đạt thành tích học tập loại giỏi được hỗ trợ điều kiện học tập. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn đề án chỉ có 02 con được khám, tư vấn và theo dõi sức khỏe sinh sản.

3. Địa bàn triển khai Đề án: các huyện, thị xã và thành phố Huế.

4. Nội dung hoạt động

a) Tăng cường cung cấp thông tin về giới, mất cân bằng giới tính khi sinh cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp và người dân, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người cung cấp dịch vụ tư vấn, siêu âm và dịch vụ phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng, nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh sản theo quy luật tự nhiên.

- Tổ chức hội thảo chuyên đề tuyên truyền cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp và những người có uy tín trong cộng đồng.

- Tổ chức lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh.

- Tổ chức tuyên truyền về giới, bình đẳng giới và giới tính khi sinh tại cộng đồng.

- Tư vấn trực tiếp cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tổ chức tập huấn cho những người cung cấp dịch vụ tư vấn, siêu âm và dịch vụ phá thai về pháp luật, chính sách nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

b) Thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh.

- Rà soát các quy định, chính sách của địa phương liên quan đến giới và giới tính khi sinh

- Sửa đổi, ban hành các văn bản quy định của địa phương liên quan đến giới tính khi sinh.

- Hệ thống hóa, in ấn và phát hành tài liệu quy định của pháp luật về giới và giới tính khi sinh.

- Phổ biến các văn bản quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh cho lãnh đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai và các cán bộ trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ này tại các cơ sở y tế.

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, các cơ sở y tế có dịch vụ nạo phá thai về thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

- Thanh tra kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại sách báo, văn hóa phẩm thực hiện quy định về giới và giới tính khi sinh của pháp luật.

- Thiết lập hệ thống sổ sách, biểu mẫu ghi chép, theo dõi đối tượng báo cáo thống kê.

c) Khuyến khích, hỗ trợ gia đình sinh con 1 bề và trẻ em gái trong học tập, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển sản xuất.

- Xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

- Tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, xây dựng gia đình của phụ nữ sinh con một bề không sinh con thứ ba trở lên ở cấp tỉnh và huyện.

- Hỗ trợ khám và tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, đặc biệt quan tâm nhóm phụ nữ có 02 con gái đăng ký không sinh con thứ ba.

- Khuyến khích trẻ em gái trong học tập.

5. Kinh phí thực hiện

a) Ngân sách Trung ương (nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia).

b) Ngân sách tỉnh.

c) Các nguồn vốn hợp pháp khác.

d) Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng kế hoạch cụ thể để phân bổ kinh phí tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tại địa phương.

6. Tổ chức thực hiện

a) Sở Y tế cơ quan thường trực thực hiện đề án:

- Tham mưu Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án.

- Chỉ đạo Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý, điều hành, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá kết thúc các hoạt động của Đề án.

- Định kỳ 06 tháng và đột xuất báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh tình hình triển khai thực hiện Đề án.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh lồng ghép các nội dung, chỉ tiêu của Đề án vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường vận động nguồn lực để hỗ trợ thực hiện công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.

c) Sở Tài chính: Chủ trì, thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Y tế tổng hợp đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung Đề án theo tiến độ đề ra; phân bổ kịp thời, đầy đủ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí hoạt động dân số và kế hoạch hóa gia đình đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

d) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bình đẳng giới lồng ghép với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.

đ) Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch: lồng ghép tuyên truyền các nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các nội dung hoạt động của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

e) Sở Tư pháp tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật có liên quan đến giới tính khi sinh và kiểm tra, rà soát các văn bản pháp luật, các hương ước, quy ước có nội dung không phù hợp với quy luật sinh sản theo tự nhiên để tham mưu sửa đổi, bổ sung và ban hành mới.

g) Sở Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân số và kế hoạch hóa gia đình trong đó chú trọng vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các nhà in, nhà xuất bản, cơ sở phát hành xuất bản phẩm để kịp thời xử lý các ấn phẩm liên quan đến vấn đề lựa chọn, xác định giới tính thai nhi.

h) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai Đề án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh trong tổ chức mình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phối hợp với Trung tâm Dân số và kế hoạch hóa gia đình huyện, thị xã Hương Thuỷ, thành phố Huế xây dựng mô hình Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên tại các xã thực hiện Đề án.

i) Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và nội dung của đề án để xây dựng kế hoạch thực hiện.

- Phối hợp Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Dân số và kế hoạch hóa gia đình và ban, ngành, đoàn thể tại địa phương và các xã/phường/thị trấn tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung Đề án.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án tại địa phương, tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa