Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2239/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ PHÁP CHẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

Căn cứ Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Pháp chế là tổ chức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và tổ chức thực hiện công tác pháp chế theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Về công tác xây dựng pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm trình Bộ trưởng; tổ chức hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện chương trình sau khi được phê duyệt; tổng hợp đề nghị điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trình Bộ trưởng xem xét, quyết định;

b) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác pháp chế trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo sự phân công của Bộ trưởng;

c) Chủ trì thẩm định dự thảo Thông tư, Thông tư liên tịch do các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ trì hoặc phối hợp soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành;

d) Thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định do các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ xây dựng trước khi trình xin ý kiến của Lãnh đạo Bộ;

đ) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý hoặc đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

e) Phối hợp với các đơn vị chủ trì trong việc thực hiện trình tự, thủ tục, hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định;

g) Tham gia phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

2. Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật:

a) Đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, giúp Bộ trưởng lập, tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề, lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ quyết định thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ; lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ; xây dựng trình Bộ trưởng kế hoạch hệ thống hóa và làm đầu mối tổ chức thực hiện kế hoạch hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;

c) Trình Bộ trưởng công bố: Danh mục văn bản hết hiệu lực hoặc ngưng hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo định kỳ hằng năm; kết quả hệ thống hóa văn bản định kỳ 5 năm một lần.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện tự kiểm tra, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật về thông tin và truyền thông theo thẩm quyền.

4. Về công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển quy phạm pháp luật:

a) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo quy định;

b) Chủ trì thực hiện việc hợp nhất văn bản đối với các văn bản sửa đổi, bổ sung do Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng; phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ hợp nhất văn bản đối với các văn bản sửa đổi, bổ sung do các đơn vị này chủ trì xây dựng;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

5. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ lập chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm trình Bộ trưởng và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Hướng dẫn, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thông tin và truyền thông của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông.

6. Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ xây dựng chương trình, kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật về lĩnh vực thông tin và truyền thông trình Bộ trưởng và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong ngành thông tin và truyền thông; tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; định kỳ xây dựng báo cáo trình Bộ trưởng phê duyệt theo quy định.

7. Về công tác tham mưu các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng:

a) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng của Bộ trưởng;

b) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ tham mưu cho Bộ trưởng về các vấn đề pháp lý khi tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Bộ theo quy định của pháp luật;

c) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế theo sự phân công của Bộ trưởng.

8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ tổ chức thực hiện cập nhật và kiểm tra kết quả cập nhật văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc chủ trì soạn thảo trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định.

9. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường của Nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

10. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.

11. Về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ;

c) Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện công tác báo cáo về tình hình xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

12. Chủ trì hướng dẫn, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

13. Thực hiện việc sơ kết, tổng kết, thống kê và xây dựng các báo cáo kết quả thực hiện công tác pháp chế của Bộ theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

14. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ trong hoạt động giám định tư pháp theo quy định của pháp luật

15. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện chương trình, kế hoạch dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng và theo quy định của pháp luật.

16. Quản lý về tổ chức, công chức, tài sản, tài liệu của Vụ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.

17. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Cơ cấu tổ chức:

Vụ Pháp chế có Vụ trưởng, các Phó Vụ trưởng và công chức chuyên môn trực tiếp giúp việc.

Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Các Phó Vụ trưởng giúp Vụ trưởng điều hành các lĩnh vực công tác được phân công, chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

Nhiệm vụ, quyền hạn của công chức chuyên môn trong Vụ do Vụ trưởng quy định.

2. Biên chế:

Biên chế của Vụ Pháp chế do Bộ trưởng quyết định trong tổng số biên chế hành chính của Bộ được giao.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1252/QĐ-BTTTT ngày 01 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Sở TTTT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Vụ các vấn đề chung về XDPL (Bộ Tư pháp);
- Cổng TTĐT của Bộ TTTT;
- Lưu VT, TCCB (80b).

BỘ TRƯỞNG




Trương Minh Tuấn