Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2239/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 18 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2016-2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29/11/2006;

Căn cứ Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Căn cứ Thông tư số 21/2007/TTBLĐTBXH ngày 08/10/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/08/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng Hẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm;

Căn cứ Nghị quyết số 13/2015/NQ-HĐND ngày 08/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 177/TTr-LĐTBXH ngày 10/8/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả với UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT.Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Mặt trận và các đoàn thể tỉnh;
- Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Công an tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, TmN, QP, HPN.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Duy Bắc

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2239/QĐ-UBND, ngày 18 tháng 8 năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa)

Phần mở đầu

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ

I. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Dân số Khánh Hòa có khoảng 1.202.950 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 757.235 người (chiếm 62,95% tổng dân số); Lao động khu vực nông thôn đang có xu hướng giảm dần đến nay có 427.838 người chiếm tỷ lệ 56.50% tổng số lao động; Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 4%.

Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đang có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá nhanh, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Các khu công nghiệp, khu kinh tế và mức phát triển nhanh dịch vụ, du lịch, thương mại đã giải quyết việc làm bình quân 26.000 lao động/năm. Song, việc làm cho người lao động vẫn đang là vấn đề bức xúc, với sự cạnh tranh trên thị trường lao động hiện nay và trong thời gian tới còn khá nhiều lao động trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Trong đó đáng quan tâm là lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên ở khu vực nông thôn và những vùng đô thị hóa đang gặp nhiều khó khăn, chưa tìm được việc làm để ổn định cuộc sống.

Thị trường lao động ngoài nước đã và đang là một trong các kênh trực tiếp giải quyết việc làm cho một bộ phận người lao động góp phần tích cực nâng cao trình độ nghề nghiệp và đời sống của bản thân người lao động và gia đình, đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án Xuất khẩu lao động) là hết sức cần thiết đồng thời cần nhằm xây dựng, triển khai một số chính sách, chế độ hỗ trợ, khuyến khích người lao động và gia đình của người lao động, đặc biệt là học sinh, sinh viên các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề tham gia tích cực vào việc làm ở thị trường lao động ngoài nước.

II. Căn cứ pháp lý

- Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29/11/2006;

- Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/08/2007 của Chính phủ, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08/10/2007 của Bộ Lao động thương binh xã hội Hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015.

- Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ, quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm;

- Nghị quyết số 13/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 của HĐND tỉnh Khánh Hòa, Về chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2011-2014

I. Thực trạng công tác xuất khẩu lao động từ năm 2011 đến nay

1. Kết quả thực hiện

Đơn vị tính: người

STT

Nội dung

Thực hiện 2011

Thực hiện 2012

Thực hiện 2013

Thực hiện 2014

Cộng

1

Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thời hạn 3 năm)

107

113

62

49

331

a

Chương trình phi lợi nhuận, do Trung tâm Lao động ngoài nước chỉ đạo thực hiện

80

77

40

18

227

- Hàn Quốc

60

52

20

0

132

- Nhật Bản

20

25

20

18

95

b

Thông qua doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động

27

36

22

31

116

- Đài Loan

12

18

12

16

58

- Malaysia

15

18

10

15

58

2

Lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các hình thức khác (doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài; thực tập nâng cao tay nghề; Hợp đồng cá nhân)

313

302

363

414

1.392

 

Cộng

420

415

425

463

1.723

2. Công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động khai thác các thị trường lao động ngoài nước, đồng thời phối hợp những công ty hoạt động xuất khẩu lao động trong nước tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Hàng năm, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc tuyên truyền thông tin các thị trường lao động nước ngoài (bình quân 50 triệu đồng/năm), đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác lao động - việc làm cấp huyện và cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh nhằm trang bị kiến thức, phổ biến thông tin các thị trường ngoài nước và chính sách hỗ trợ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã và thành phố triển khai thực hiện chính sách Dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến người lao động ở địa phương (theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm - dạy nghề giai đoạn 2012-2015).

3. Xuất khẩu lao động thông qua việc liên kết, tạo nguồn cho các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động

Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với hơn 20 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động trên cả nước để thực hiện tư vấn, tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đồng thời, các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức đào tạo nghề và tư vấn cho học sinh để đào tạo nguồn phục vụ hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.

Kết quả tạo nguồn:

Đơn vị tính: Người


STT

Đơn vị

Thực hiện 2011

Thực hiện 2012

Thực hiện 2013

Thực hiện 2014

Cộng

1

Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa

275

275

288

280

1.118

2

Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa

64

72

101

95

332

3

Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh

7

7

19

12

45

4

Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh

19

50

25

25

119

5

Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm

0

0

0

0

0

6

Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh

0

0

0

0

0

7

Trung tâm Dạy nghề Khánh Sơn

0

0

0

0

0

8

Trung tâm Dạy nghề Khánh Vĩnh

0

0

0

0

0

 

Cộng

365

404

433

412

1.614

Tuy nhiên, trong những năm qua công tác tạo nguồn xuất khẩu lao động tại hệ thống các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề còn hạn chế, chưa mạnh so với năng lực đào tạo nghề hằng năm của các đơn vị.

Kết quả học sinh tốt nghiệp các Trường nghề, Trung tâm dạy nghề và cao đẳng nghề qua các năm:

ĐVT: Người

STT

Đơn vị

TH 2011

TH 2012

TH 2013

TH 2014

Cộng

I

Hệ thống các trường nghề thuộc Sở

 

 

 

 

 

1

Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa

310

352

402

378

1.442

2

Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh

0

0

68

95

163

3

Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh

124

49

103

207

483

4

Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm

0

0

0

37

37

5

Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh

0

0

14

28

42

II

Các trường nghề, cơ sở nghề không thuộc Sở

 

 

 

 

 

1

Cao đẳng nghề Nha Trang

 

 

 

 

 

 

- Cao đẳng nghề

0

735

782

540

2.057

 

- Trung cấp nghề

1.050

680

586

664

2.980

2

Cao đẳng nghề Quốc tế Nam Việt

 

 

 

 

 

 

- Cao đẳng nghề

0

120

120

120

360

 

- Trung cấp nghề

120

250

250

300

920

3

Cao đẳng nghề Du lịch Nha Trang

 

 

 

 

 

 

- Cao đẳng nghề

0

0

0

0

0

 

- Trung cấp nghề

0

0

15

53

68

 

Cộng theo năm

1.604

2.186

2.340

2.422

8.552

4. Xuất khẩu lao động theo chương trình phi lợi nhuận do Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý

Trong những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai một số Chương trình xuất khẩu lao động phi lợi nhuận như: Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS); Chương trình tuyển chọn thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản (IM Japan của Nhật Bản); Chương trình tuyển Điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản; Chương trình tuyển Điều dưỡng viên sang làm việc tại CHLB Đức, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực triển khai và tham gia chương trình theo chỉ đạo và quản lý của Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo đó, để đáp ứng được các yêu cầu, tỉnh đã tổ chức đào tạo tiếng Hàn, tiếng Nhật và triển khai, phổ biến cho người lao động đăng ký tham gia các chương trình này; trung bình mỗi năm có từ 15 đến 20 người lao động tham gia đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; Đến nay đã có 18 lao động tham gia học xong chương trình khóa đào tạo dự bị tiếng Nhật, trong đó có 06 lao động đã xuất cảnh sang Nhật theo Chương trình IM Japan.

II. Thuận lợi, hạn chế trong công tác xuất khẩu lao động

1. Thuận lợi

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, các sở ban ngành của tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, kịp thời trong công tác xuất khẩu lao động đến từng địa phương cơ sở.

Hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua đã được sự hỗ trợ tích cực từ Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động trên cả nước giúp người lao động của địa phương tiếp cận các thông tin thị trường lao động nước ngoài và các chương trình xuất khẩu lao động phi lợi nhuận.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống và có số vốn để tự tạo việc làm khi về nước.

Thông qua xuất khẩu lao động, người lao động tiếp cận với công nghệ tiên tiến hiện đại của các nước phát triển, rèn luyện tác phong công nghiệp, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Hạn chế

- Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa được sâu rộng và thường xuyên, chưa đến được với người lao động ở địa phương hoặc các học sinh trong các trường nghề; Do thiếu thông tin, chưa am hiểu về hoạt động xuất khẩu lao động nên đối với nhiều người nhất là ở khu vực miền núi còn nhiều e ngại khi đi ra nước ngoài làm việc.

- Tỉnh Khánh Hòa chưa có cơ chế cho vay vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động từ nguồn ngân sách của tỉnh; không có Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động cấp huyện. Các thị trường có mức thu nhập khá thì chi phí cao đồng thời đòi hỏi người lao động phải có trình độ tay nghề nhưng chất lượng lao động và khả năng về tài chính của nhiều người lao động hiện nay chưa đáp ứng được.

- Trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp của địa phương đăng ký để được cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động của địa phương tham gia xuất khẩu lao động Một số doanh nghiệp tuyển chọn, đào tạo dự nguồn nhiều lao động trong khi thời gian chờ đợi lâu để đi làm việc nước ngoài và số lượng ít, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người lao động và phong trào xuất khẩu lao động của địa phương.

3. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại

- Trình độ chuyên môn kỹ thuật, kiến thức ngoại ngữ, sức khỏe và ý thức tổ chức kỷ luật của người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nói chung còn nhiều hạn chế; chi phí đi xuất khẩu lao động vượt quá khả năng chi trả của người nghèo, người có thu nhập thấp, nhất là đối với người dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn; người lao động có tâm lý ngại đi xa, sợ không an toàn khi đi làm việc ở nước ngoài.

- Tỉnh chưa có Quy chế cho vay hỗ trợ xuất khẩu lao động để trực tiếp hỗ trợ các khoản chi phí cũng như chi phí đặt cọc cho người lao động trước khi xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.

- Chưa thực hiện tốt công tác tạo nguồn lao động tham gia hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài từ lực lượng lao động thanh niên của các trường trung cấp nghề và của địa phương để kịp thời đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các thị trường nước ngoài cũng như tham gia các Chương trình xuất khẩu phi lợi nhuận của Chính phủ.

Nhiều thông tin trên báo, đài về những vấn đề tiêu cực, rủi ro do người lao động đăng ký và làm thủ tục hồ sơ với những tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động xuất khẩu lao động, gây tâm lý thiếu tin tưởng ở người lao động và gia đình họ đối với việc đi làm việc ở nước ngoài.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. Muc tiêu

1. Mục tiêu chung

Nhằm góp phần giải quyết việc làm; nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động và gia đình góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; nâng cao chất lượng nguồn lao động có trình độ kỹ năng nghề, biết ngoại ngữ, có sức khỏe, có ý thức tổ chức kỹ luật, tác phong công nghiệp góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

Phấn đấu tổng số lao động đi xuất khẩu lao động đến năm 2020 là 500 lao động bình quân 100 lao động/năm; trước mắt trong năm 2016 phấn đấu đạt 80 lao động đi xuất khẩu lao động.

Số lao động xuất khẩu được xây dựng trong chỉ tiêu hàng năm và 5 năm là số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua các công ty hoạt động xuất khẩu lao động và đi theo các chương trình phi lợi nhuận thông qua Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ tiêu các năm như sau:

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

Lao động

80

100

100

100

120

II. Nội dung hoạt động

1. Hoạt động đưa đi theo chương trình lợi nhuận

Xác định đây là kênh chủ yếu, sẽ đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao chất lượng và số lượng người tham gia xuất khẩu lao động, xác định những nội dung trọng tâm như sau:

- Phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động có uy tín, có từng thế mạnh theo từng thị trường, có kinh nghiệm,... .đồng thời có tính đến đặc điểm cụ thể và thế mạnh của từng địa phương, từng trường nghề, để thực hiện phối hợp gắn kết với từng địa phương cấp huyện, xã và các trường trung cấp nghề, các trung tâm dạy nghề tổ chức triển khai, thực hiện công tác xuất khẩu lao động, từ khâu thông tin tuyên truyền, đào tạo nguồn đến đưa đi,... và quản lý giúp đỡ sau khi về nước.

- Các công ty xuất khẩu lao động có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành của tỉnh; Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động của các huyện, thị xã, thành phố, và các trường nghề để thực hiện việc tuyên truyền, đặt hàng đào tạo theo nghề, giáo dục định hướng cho người lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ.

2. Hoạt động đưa đi theo chương trình phi lợi nhuận

- Thực hiện theo sự triển khai của Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Chủ động hoạt động thực hiện tạo nguồn: đào tạo nghề, ngoại ngữ và những kỹ năng khá,...để chủ động khi có triển khai của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Khai thác các thị trường

Tập trung khai thác các thị trường đòi hỏi chất lượng lao động cao và thu nhập cao: Nhật, Hàn Quốc, Đức...thông qua việc phối hợp và tạo điều kiện để các Công ty XKLĐ có thế mạnh về các thị trường trên tuyên truyền và tạo nguồn, tuyển đi XKLĐ.

Đồng thời, tùy theo nhu cầu tuyển dụng của các công ty xuất khẩu lao động và khả năng đáp ứng, nguyện vọng của người lao động thực hiện tham gia XKLĐ các thị trường khác theo nhu cầu.

Những ngành nghề chủ yếu, được phân theo thị trường:

Thị trường

Nghề

Nhật bản

- Nhóm nghề sản xuất chế tạo: Hàn, Tiện, Cơ khí, điện, điện tử,

bảo trì máy móc; Xây dựng; May mặc

- Chế biến thực phẩm, thủy hải sản;

- Nhóm y tế: Điều dưỡng, trợ lý điều dưỡng (tốt nghiệp đào tạo từ 3 năm trở lên)

Hàn Quốc

Cơ khí, Sản xuất đồ gỗ, sản xuất nhựa, may mặc, điện, điện tử, chế biến hải sản, trồng trọt, thu hoạch nông sản, đánh cá gần bờ

Đức

Nhóm y tế: Điều dưỡng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng

III. Giải pháp thực hiện

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền đối với công tác xuất khẩu lao động:

- Tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về Chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- UBND cấp huyện quyết định thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của huyện chỉ đạo hoạt động công tác xuất khẩu lao động;

- Ngân sách tỉnh hàng năm cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để thực hiện cho vay hỗ trợ xuất khẩu lao động.

2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về xuất khẩu lao động

- Tập huấn nâng cao năng lực và kiến thức về xuất khẩu lao động cho cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, chú trọng việc đưa cán bộ về tư vấn xuất khẩu lao động trực tiếp đến với người lao động tại cơ sở xã, phường, thị trấn;

- Các Hội, đoàn thể tăng cường lồng ghép nội dung về xuất khẩu lao động trong các buổi sinh hoạt của Hội, đoàn thể mình, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân...

- Tăng cường giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng tác động tích cực của xuất khẩu lao động; Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức: bản tin, Phóng sự; trên các Báo chí; tờ rơi; Panô,... về xuất khẩu lao động; phim tư liệu về đời sống và công việc của những người lao động làm việc tại nước ngoài, khơi dậy ý chí vượt khó, vươn lên và phải tiết kiệm để vừa có tiền trả nợ vay khi đi xuất khẩu lao động và có vốn khi trở về làm ăn.

- Cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đơn vị cung ứng lao động, phối hợp với các Công ty xuất khẩu lao động tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến công tác xuất khẩu lao động; đảm bảo cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động được trang bị đầy đủ các kỹ năng và ngành nghề trước khi xuất cảnh; Được hỗ trợ, giới thiệu việc làm khi về nước.

3. Tạo nguồn lao động để phục cho công tác đưa đi xuất khẩu lao động

3.1. Các trường Cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực gắn với xuất khẩu lao động, thông qua việc đào tạo của các trường Cao đẳng nghề, trung cấp nghề:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, hoạt động tư vấn của các trường:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng cho người lao động học nghề, học ngoại ngữ để tham gia xuất khẩu lao động; Thông tin về chương trình, nội dung đào tạo của các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, phục vụ việc xuất khẩu lao động tại các bảng thông tin của trường và các nơi người lao động thường giao dịch.

- Công khai các khoản chi phí từng thị trường xuất khẩu lao động cho học sinh, sinh viên khi tham gia xuất khẩu lao động.

- Thông tin các chế độ, chính sách của Nhà nước mà người lao động được thụ hưởng nếu tham gia xuất khẩu lao động.

b) Tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo, tạo nguồn xuất khẩu lao động cho từng thị trường:

- Các trường Cao đẳng nghề, trung cấp nghề căn cứ vào chương trình khung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các chương trình đào tạo chi tiết phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động như giáo dục định hướng, ngoại ngữ, kỹ năng nghề...

- Cập nhật thông tin các thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp cho từng thị trường.

- Liên kết với các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động để tổ chức đào tạo và tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các hợp đồng.

- Liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để tổ chức đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao phục vụ cho các thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập tốt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Đài Loan...

3.2. Các Công ty xuất khẩu lao động:

- Phối hợp với các trường trung tâm dạy nghề để đặt hàng các ngành nghề, ngoại ngữ, các kỹ năng khác,...phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu lao động, đồng thời tuyên truyền, định hướng cho người lao động học các nghề theo nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước.

- Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp cùng với các trường, trung tâm dạy nghề thực hiện công tác bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật của nước sở tại, ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp;

- Có biện pháp bảo vệ an toàn trong quá trình làm việc tại nước ngoài, đồng thời có những can thiệp kịp thời khi có vấn đề rắc rối phát sinh của người lao động làm việc tại nước ngoài.

4. Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu thị trường lao động phục vụ công tác điều hành, quản lý xuất khẩu lao động trên cơ sở kết quả khảo sát, điều tra về thực trạng lao động - việc làm hàng năm.

IV. Nguồn kinh phí và cơ chế vay vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động

1. Nguồn kinh phí Trung ương

Được thực hiện hỗ trợ cho người lao động theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ, quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

2. Nguồn kinh phí của địa phương

- Chi hoạt động phục vụ công tác xuất khẩu lao động: Nguồn kinh phí địa phương hàng năm cấp cho Sở Lao động - Thương binh và xã hội để thực hiện chi các nội dung cho công tác xuất khẩu lao động như: thông tin tuyên truyền, in ấn tài liệu, panô, tờ rơi, đăng thông tin trên đài, báo, làm phóng sự,...tập huấn nghiệp vụ, kiểm tra giám sát, sơ kết, tổng kết.

- Kinh phí ủy thác cho vay vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động: Nguồn kinh phí địa phương hàng năm do Sở Tài chính chủ trì phối hợp cùng Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Khánh Hòa xác định trên cơ sở nhu cầu đi xuất khẩu lao động của người lao động tỉnh, tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, để chuyển ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội Khánh Hòa thực hiện cho vay theo Quy chế cho vay hỗ trợ xuất khẩu lao động do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành

2.1. Nội dung: Vốn vay được sử dụng vào việc: chi trả các chi phí, lệ phí hợp pháp cần thiết để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo Hợp đồng lao động, gồm: Phí môi giới; Phí đặt cọc; Vé máy bay một lượt từ Việt Nam đến nước mà người lao động tới làm việc; Các chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, visa, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng và những Chi phí cần thiết khác được quy định trong Hợp đồng lao động.

2.2. Đối tượng và mức vay

a) Đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng, bộ đội xuất ngũ:

- Trường hợp được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Trung ương thì phần chênh lệch còn lại giữa chi phí xuất khẩu lao động theo các nội dung vay vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động và phần được vay từ nguồn trung ương, sẽ được cho vay từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Khánh Hòa.

- Trường hợp không được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Trung ương thì được hỗ trợ vay 100% chi phí đi xuất khẩu lao động, theo các nội dung vay vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Khánh Hòa.

b) Đối với các đối lượng còn lại được vay tối đa 80% chi phí đi xuất khẩu lao động, theo các nội dung vay vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Khánh Hòa.

2.3. Lãi suất cho vay

a) Lãi suất cho vay được áp dụng theo lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ.

b) Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

2.4. Điều kiện vay vốn

a) Người lao động phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Khánh Hòa với thời gian từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên tính đến thời điểm vay vốn đi xuất khẩu lao động;

b) Danh sách người đi xuất khẩu lao động phải được cấp có thẩm quyền xác nhận về hộ khẩu thường trú và đối tượng được hỗ trợ vay vốn

2.5. Phương thức cho vay

- Cho vay thông qua hộ gia đình. Người vay không phải thế chấp tài sản nhưng phải gia nhập và là thành viên của Tổ tiết kiệm vay vốn tại thôn, tổ dân phố nơi hộ gia đình đang sinh sống, được Tổ bình xét đủ điều kiện vay vốn, lập thành danh sách đề nghị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội gửi UBND cấp xã xác nhận. Chủ hộ hoặc người được ủy quyền giao dịch là người đại diện hộ gia đình, chịu trách nhiệm trong mọi quan hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội, là người trực tiếp ký nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ ngân hàng.

- Việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội theo cơ chế ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Người vay phải trả lãi hàng tháng, trả nợ gốc theo thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Đối với người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc được thực hiện theo quyết định 1465/QĐ-TTg ngày 21/8/2013 của thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.

2.6. Thời hạn cho vay: Việc xác định thời hạn cho vay được căn cứ vào: Thời hạn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động và khả năng trả nợ của người vay nhưng tối đa không quá thời hạn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

2.7. Cơ chế quản lý thực hiện: Hoạt động dưới hình thức ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, cho vay theo đúng quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Quy chế cho vay hỗ trợ xuất khẩu lao động do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành.

Hồ sơ, thủ tục quy trình nghiệp vụ cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, thực hiện chế độ kế toán thống kê, phân bổ lãi thu theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Quy chế cho vay hỗ trợ xuất khẩu lao động do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành.

2.8. Xử lý nợ bị rủi ro: Việc xử lý nợ bị rủi ro được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Quy chế UBND tỉnh Khánh Hòa.

2.9. Nhu cầu kinh phí

Dự kiến ngân sách tỉnh cấp ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để hoạt động cho vay hỗ trợ xuất khẩu lao động của tỉnh hàng năm như sau: Mức chi phí xuất khẩu lao động bình quân bình quân là 120 triệu đồng/người; người lao động sẽ hoàn trả sau 03 năm (thời hạn hoàn thành xuất khẩu lao động).

Chỉ tiêu\Năm

2016

2017

2018

2019

2020

Số người đi XKLĐ (người)

80

100

100

100

120

Dự báo nhu cầu vốn (tỷ đồng)

8,8

11

11

11

13 2

Vốn thu hồi (tỷ đồng)

0

0

0

88

11

Ngân sách tỉnh cấp, cấp bổ sung hàng năm (tỷ đồng)

8,8

11

11

2,2

2,2

V. Hiệu quả của Đề án

1. Hiệu quả kinh tế

Người lao động tham gia xuất khẩu lao động sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình; số tiền người lao động tiết kiệm được chuyển về cho gia đình, bình quân 20 triệu đồng/người/tháng; Tính bình quân hàng năm tổng thu nhập của tỉnh tăng lên từ nguồn người lao động tham gia đi xuất khẩu lao động chuyển về là: 20 triệu đồng x 100 người x 12 tháng = 24 tỷ đồng.

2. Hiệu quả xã hội

- Góp phần giảm áp lực việc làm trong nước; nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động và gia đình góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương;

- Nâng cao chất lượng nguồn lao động có trình độ kỹ năng nghề, biết ngoại ngữ có sức khỏe, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai Đề án sau khi được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng các sở ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thanh phố tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ xuất khẩu lao động, từ nguồn ngân sách tỉnh.

- Kiểm tra rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có đủ điều kiện pháp lý và năng lực hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao-động, đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các đơn vị tham gia xuất khẩu lao động, các cơ sở dạy nghề để tổ chức thông tin, tuyên truyền, tuyển chọn, đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động.

- Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các đơn vị liên quan biên soạn tài liệu về lĩnh vực xuất khẩu lao động, cung cấp cho các ngành đơn vị trong tỉnh để thông tin tuyên truyền, vận động người lao động tham gia xuất khẩu lao động; Thực hiện chủ trương đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn với vai trò đơn vị đầu mối của tỉnh; Thường xuyên báo cáo kết quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn Tỉnh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Chỉ đạo các trường trung cấp nghề, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tăng cường thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, tư vấn và đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho công tác xuất khẩu lao động.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động để quản lý và trợ giúp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra kiểm tra công tác xuất khẩu lao động. Ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi lừa đảo, tiêu cực để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh-Truyền hình, Báo Khánh Hòa

Thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về lĩnh vực xuất khẩu lao động; Tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về công tác xuất khẩu lao động để người lao động biết đăng ký tham gia; đồng thời tạo bước chuyển biến mới về nhận thức và nâng cao trách nhiệm các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác xuất khẩu lao động.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp cùng Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Khánh Hòa và các đơn vị liên quan xác định nhu cầu nguồn kinh phí cho vay xuất khẩu lao động hàng năm của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh Kháh Hòa trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, để chuyển ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội Khánh Hòa ban hành.

- Hướng dẫn các Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện bố trí kinh phí quản lý cho Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động cấp huyện theo phân cấp ngân sách.

4. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

- Hướng dẫn người lao động hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, kịp thời giải ngân nguồn vốn cho vay phục vụ việc đi xuất khẩu lao động và thu hồi nợ, xử lý nợ vay đảm bảo quy định.

- Tham gia phối hợp cùng với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính xây dựng Quy chế cho vay hỗ trợ xuất khẩu lao động.

- Định kỳ 6 tháng và cuối năm báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa thông qua Sở Tài chính về tình hình cho vay vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động của tỉnh, đồng thời gởi 01 bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp tình hình chung.

5. Công an tỉnh

- Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động khi trúng tuyển đi xuất khẩu lao động làm các thủ tục liên quan để xuất cảnh được nhanh chóng đúng quy định.

- Đấu tranh ngăn chặn và điều tra xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động đi xuất khẩu lao động và xây dựng kế hoạch hướng nghiệp đào tạo nghề cho lực lượng bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ về địa phương để tạo nguồn xuất khẩu lao động.

7. Sở Y tế

Chỉ đạo bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa thực hiện nhanh chóng công tác khám sức khỏe cho người tham gia xuất khẩu lao động theo đúng quy định. Thông báo công khai thủ tục và lệ phí khám tuyển đi xuất khẩu lao động.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Thành lập Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động ở cấp huyện để chỉ đạo hoạt động công tác xuất khẩu lao động ở địa phương; thành viên Ban chỉ đạo, tùy theo tình hình thực tế của địa phương do UBND cấp huyện quyết định hoặc gồm các phòng, ban như các sở, ngành được phân công nhiệm vụ ở cấp tỉnh và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội; Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động ở cấp huyện có nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác xuất khẩu lao động tại địa phương mình và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của ban chỉ đạo.

- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Công ty xuất khẩu lao động đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa đồng ý về việc tuyển chọn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn tạo nguồn lao động tham gia xuất khẩu lao động.

- Chỉ đạo các đơn vị có chức năng thuộc huyện phối hợp với các hội đoàn thể trong việc phổ biến, thông tin, tuyên truyền, vận động người lao động tham gia xuất khẩu lao động.

- Định kỳ 6 tháng và cuối năm, Ban chỉ đạo cấp huyện báo cáo kết quả thực hiện và phản ánh những khó khăn vướng mắc về UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

9. Các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động

- Định kỳ 6 tháng và cuối năm, báo cáo kế hoạch tuyển chọn lao động, tiêu chuẩn, chi phí, tiền lương, kết quả tuyển lao động và các thông tin cần thiết khác về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Hợp đồng với các cơ sở dạy nghề để tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng phù hợp với yêu cầu xuất khẩu lao động.

- Thường xuyên báo cáo tình hình của người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho gia đình và chính quyền địa phương nơi có người đi xuất khẩu lao động.

- Đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, hướng dẫn người lao động nắm vững và hiểu rõ các cam kết, trách nhiệm và quyền lợi pháp lý của mình theo Hợp đồng lao động đã ký kết. Chú trọng việc trang bị cho người lao động có đủ kiến thức cần thiết để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi đi làm việc ở nước ngoài.

- Phối hợp với đơn vị sử dụng lao động ở nước sở tại bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong suốt thời gian ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh có chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; đồng thời phổ biến, tuyên truyền, vận động trong đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả cao nhất./.